Tối hôm qua tôi dự đám cưới con một người bạn bên ngành thể thao, ngồi cùng mâm với Cảnh và mấy ông bạn già khác. Ngắm khuôn mặt đẹp trai với mái tóc đã thưa và hói của Cảnh, tự nhiên tôi muốn viết về anh.
Trước hết phải nói ngay là anh chỉ trùng tên với nhà thơ - nhà văn Phạm Ngọc Cảnh, anh chưa hề làm một câu thơ nào, nhưng như tiêu đề bài này, anh đã viết nên bài thơ tình bất hủ bằng chính cuộc đời mình.
Hiện nay anh đang là Trưởng Bộ môn môtô xe đạp của Sở TDTT Hà nội, ở Seagames 22 vừa qua, Việt nam dành được 7 huy chương xe đạp thì quân anh chiếm 4. Anh từng đạp xe xuyên Việt với nhóm cựu chiến binh Mỹ, trong đó có một người hiện đang ra tranh cử Tổng thống. Có người nói đùa: “Cha này mà lên Tổng thống thể nào cũng mời cậu sang Mỹ dượt xe đạp!” Anh chính là người đã được các bạn Mỹ mà anh đã kết thân qua những ngày cùng nhau “leo đèo lội suối” tặng 6 chiếc xe đạp địa hình để trang bị cho thể thao Hà nội (không ít tiền đâu nha!)
Thời học sinh anh rất nghịch và gan lỳ. Có lần đang giờ kiểm tra thì chiếc súng đầu van xe đạp trong túi quần của anh bị cướp cò, một bên đùi bỏng rộp, anh vẫn thản nhiên, mặt tỉnh bơ như không có gì xảy ra.
Lúc đã đi làm ở Viện Hoá, anh xách xe ôtô của Viên trưởng đi chơi, tông luôn vào bục công an chỉ đường. Dù đã van vỉ đủ kiểu mà tay công an (bây giờ gọi là cảnh sát giao thông) vẫn không tha phạt tiền, tức khí anh chỉ thẳng vào mặt tay công an chửi thề:
- ĐM mày, tao thề có trời cao đất dày, tao sẽ…
- Ông sẽ cái gì? Tay công an đặt tay vào bao súng.
- Tao thề tao sẽ là …bạn thân của mày!
Sau giờ làm việc ngày hôm sau, anh mò đến cổng 86 Lý Thường Kiệt (Trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông HN) đứng chờ tay CA kia, và sau nhiều lần chèo kéo, anh mời được “đối thủ” đi uống bia. Từ đó hai người chơi thân với nhau, tối hôm qua đồng chí Thượng tá Cảnh sát cũng ngồi cùng mâm với bọn tôi.
Cảnh là một người có tính cách đặc biệt như thế đấy. Anh nói chuyện có duyên, thích khôi hài. Chỉ có một điều lạ là anh không có bạn gái (thời thanh niên), không lấy vợ (lúc đã qua đầu 3 tiến dần đến đầu 4). Mỗi lần đám bạn chúng tôi tán gẫu, hễ đề tài chuyển sang chuyện đàn bà con gái là anh đánh lảng, chuồn đi chỗ khác. Một vài người giới thiệu em gái hay người quen cho anh, anh chỉ đỏ mặt từ chối. Chúng tôi cứ nghi là anh bạn đẹp trai này “súng ống có vấn đề”. Mãi đến năm 2002 chúng tôi mới sững sờ, khi anh thông báo làm đám cưới với cô Hy, một người đàn bà Triều Tiên mà anh đã đem lòng yêu từ năm 1967. Mối tình kết trái sau 35 năm đơm hoa gian truân chờ đợi!
Là con của một cán bộ có hạng ở Bộ Ngoại giao (bố anh từng làm Đại sứ VN tại Bungari), anh được Nhà nước cho sang Triều Tiên học ngành hoá, cùng năm với nhạc sỹ Thanh Tùng.
Năm 1972, trước khi về nước anh hứa với cô là anh sẽ làm mọi cách, vượt qua mọi rào cản để cưới cô, cô hứa sẽ chờ đợi anh mãi mãi. Họ đâu có luờng truớc đuợc là trời đất đã dành cho họ một thử thách khủng khiếp kéo dài gần hết tuổi yêu đương của một đời người!
Cô công nhân Triều Tiên bị “tổ chức” trấn áp, ép gả cho một người đàn ông Triều, bị phía Triều tiên chính thức thông báo cho phía VN là cô đã chết v.v. khi “tổ chức” biết cô yêu một người Việt nam, mà người Việt nam, trong con mắt của họ, dường như đã làm ảnh hưởng tới uy tín của lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành, vì Việt nam đã thống nhất đất nước, còn Triều Tiên thì không làm được việc đó.
Khoảng giữa những năm 90, Sở TDTT Hà nội mời một nhóm chuyên gia võ thuật Triều Tiên sang VN huấn luyện, Cảnh được bố trí làm phiên dịch. Anh nhận lời làm phiên dịch một phần vì yêu thể thao, một phần vì muốn tìm cơ hội sang Triều Tiên tìm người yêu. Mãi đến cuối năm 2001, nhờ sự can thiệp trực tiếp của Chủ tịch nước Trần Đức Luơng trong một chuyến đi thăm chính thức Tiều Tiên, phía Triều Tiên mới đồng ý cho Cảnh sang đón cô dâu về VN làm đám cưới.
Giám đốc Sở TDTT HN Hoàng Vĩnh Giang cho mượn nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức làm địa điểm tổ chức đám cưới, toàn bộ cán bộ công nhân viên của Sở có mặt đông đủ mừng hạnh phúc cô dâu 54 tuổi, chú rể 53 tuổi. Một đám cưới độc nhất vô nhị ở đầu thế kỷ 21!
x
x x
Hôm qua, ông bố chú rể trách Cảnh:
- Sao chú không cho cô Hy đến để tôi giới thiệu với mọi người?
- Nhà em bây giờ bán hàng cho một cửa hàng Hàn Quốc, phải 8 giờ tối mới được về.
Tôi hỏi:
- Cô ấy nói tiếng Việt sõi chưa?
- Học chính thức được 7 tháng rồi, bây giờ nghe và nói cũng tàm tạm, đi đâu tôi không phải làm phiên dịch nữa. Năm vừa rồi chúng tôi đã đi Điện Biên Phủ, vào Nam bộ, lên Đà Lạt chơi.
Vợ chồng Cảnh rất hay được bạn bè mời cơm. Có lần Hy khóc: “Các anh chị hay lừa em, bảo mời cơm mà thấy toàn thịt với cá!”. Thực ra cô ấy khóc vì ở quê hương cô, một năm may lắm được 2 lần ăn thịt.
Chuyện này Đài truyền hình VN đã làm một phóng sự rất cảm động, có báo còn viết “Một mối tình xuyên thế kỷ”. Tôi chỉ viết từ góc độ một người bạn đời thường của Cảnh.
Tôi muốn nói: xung quanh ta, bên cạnh ta có thể có những người thực sự cao đẹp mà nhiều khi ta không biết, nhiều khi ta vô tình coi thường họ, làm khó dễ họ, thậm chí xử tệ với họ.
Khó ai học tập được Cảnh để “phá kỷ lục” chờ đợi 35 năm, nhưng cái gương tình yêu chung thuỷ của cặp Cảnh – Hy thì mãi mãi ngời sáng! Cuộc đời anh là một bài thơ tình bất hủ!
Viết thêm: Chuyện này tôi viết cách đây 2 năm, gần đây được biết cô Hy trên đường đến cửa hàng bị một cành cây rơi trúng người, Cảnh sợ quá, không cho vợ đi bán hàng nữa.
8/2006