Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> TỘI ÁC VÀ SỰ TRỪNG PHẠT

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 28981 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

TỘI ÁC VÀ SỰ TRỪNG PHẠT
Dostoevsky

Chương 3

Sáng hôm sau, Raxkonikov dậy muộn; chàng không thấy hồi sức tí nào sau giấc ngủ đầy những cơn ác mộng. Chàng đâm ra cau có bực bội, và hằn học nhìn căn buồng lụp xụp của chàng. Đó là một cái chuồng nhỏ xíu, dài độ sáu bước, giấy dán tường đã ngả màu vàng, phủ đầy bụi lặm, nhiều nơi đã long ra, trông thảm hại quá chừng. Nhà thấp đến nỗi người nào hơi cao một chút bước vào là đã thấy rờn rợn, cứ lo cộc đầu vào trần. Đồ đạc thật xứng đáng với nơi bày biện: buồng có ba cái ghế dựa cũ kỹ, ọp ẹp, trong góc đặt một cái bàn gỗ sơn, trên có mấy quyển sách và mấy quyền vở, cứ trông lớp bụi bặm phủ lên cùng đã biết lâu nay không hề có ai sờ tay đến, và cuối cùng là một chiếc ghế sofa to công kềnh vốn phủ vải hoa, nhưng nay đã rách bươm, kê dọc sát tường, choán gần nửa căn buồng.

Đó là giường ngủ của Raxkonikov. Chàng thường ngủ trên chiếc sofa ấy để nguyên cả quần áo, không trải vải lót giường, mình đắp tấm áo choàng cũ kỹ của sinh viên làm chăn: đầu thì kê lê một cái gối nhỏ, bao nhiêu quần áo, cả sạch lẫn bán, đều nhét cả xuống gối để kê đầu cho cao. Trướcghế sofa đặt một chiếc bàn nhỏ.

Kể cũng khó mà ăn ở cực khổ và bẩn thỉu hơn thế, nhưng với tâm trạng lúc bấy giờ chàng lại thấy thích thú với cảnh nầy. Chàng đã hoàn toàn xa lánh mọi người như con rùa co mình vào trong mai, và chỉ cần trông thấy mặt người đầy tớ gái cứ thỉnh thoảng lại ghé vào dọn buồng chàng cũng đã điên tiết lên rồi.

Tâm trạng ấy hay có ở những người mắc chứng thiên chấp, khi quá tập trung suy nghĩ vào một vấn đề gì. Từ hai tuần nay, bà chủ nhà không cho chàng ăn, và tuy phải nhịn đói, mãi đến hôm nay chàng vẫn chưa buồn đến phân trần với bà ta. Naxtaxia, người nấu bếp và là người ở độc nhất của bà chú nhà lại có phần thích thú về cái tâm trạng đó của ông khách trọ, và chị ta cũng không vào buồng dể dọn dẹp quét tước nữa, hoạ chăng mỗi tuần một lần chị ta mới tình cờ vào khua chổi mấy cái. Sáng hôm nay, chính chị ta vào đánh thức chàng.

- Thôi dậy! Ngủ gì mà ngủ lắm thế! - chị ta vừa khom mình trên người chàng vừa kêu lên - Chín giờ hơn rồi. Tôi đem nước trà lên cho cậu đây, cậu có uống không? Cậu đói mềm rồi còn gì?

Người khách trọ mở mắt, khẽ giật mình và nhận ra Naxtaxia.

- Trà của bà chủ đấy à? - Chàng từ từ nhổm dậy trên ghế sofa, chậm rãi cất tiếng hỏi, vẻ mặt phờ phạc.

- Của bà chủ nào?

Chị ta đặt xuống trước mặt chàng cái ấm trà riêng của chị đã nứt rạn, đựng đầy nước trà loãng, và hai miếng đường vàng ệnh.

- Nầy, Naxtaxia, chị cầm hộ lấy cái nầy - chàng nói sau khi lục túi lấy ra một nắm xu (chả là chàng vẫn đề nguyên cả quần áo mà ngủ). Chị đi mua cho tôi một đĩa bánh. Đến cả hàng thịt mua cho một ít xúc xích, hay thứ gì cũng được, loại rẻ ấy.

- Bánh thì tôi đem đến cho cậu ngay; nhưng cậu ăn canh bắp cải có phải hơn xúc xích không? Canh nấu hôm qua, ngọt lắm… Tôi để phần cho cậu, nhưng cậu lại về muộn quá. Canh ngọt lắm đấy.

Sau khi bưng canh lên và chàng đã dậy ăn, Naxtaxia đến ngồi cạnh chàng tán gẫu. Chị ta là hạng đàn bà nông thôn, lại thuộc loại đàn bà nông thôn lắm lời.

- Nầy, bà Praxkopia Paplovna định đến sở cảnh sát kiện cậu đấy, - chị nói.

Mặt Raxkonikov cau hẳn lại.

- Đến sở cảnh sát à? Mụ ta muốn gì?

- Cậu không trả tiền nhà mà cũng không chịu dọn đi! Thế đấy chứ còn gì nữa?

- Hừ, thật quỷ quái, chỉ còn thiếu có thể - chàng nghiến răng lẩm bấm - Đúng vào lúc nầy thì thật là… trái khoáy… cho mình… Mụ ấy ngốc quá - chàng nói to lên - Được, hôm nay tôi sẽ đến nói chuyện với mụ.

- Nói là ngốc. Ừ thì bà ta ngốc, như tôi ấy thôi. Nhưng còn cậu, khôn ngoan thế, sao cứ nằm khoèo ở nhà, chả thấy làm gi? Trước đây cậu nói là cậu đi dạy trẻ học, sao bây giờ cậu không làm gì nữa cả?

- Tôi có làm… - Raxkonikov xẵng giọng miễn cưỡng đáp:

- Làm gì?

- Một công việc…

- Việc gì?

- Tôi suy nghĩ, - chàng nghiêm nghị trả lời sau một lát im lặng.

Naxtaxia rũ ra cười. Tính chị ta hay cười, và khi cười thì không bật ra thành tiếng mà cả người cứ lắc lư và rung lên từng đợt mãi đến buồn nôn lên mới thôi.

- Suy nghĩ như vậy có ra tiền không? - Mãi hồi lâu chị mới nói ra được mấy tiếng.

- Không dày không dép thì đi dạy thế quái nào được. Mà tôi cũng nhổ toẹt vào!

- Ấy xin cậu, muốn uống nước giếng thì đừng có nhổ toẹt xuống giếng! (1)

- Dạy học họ trả cho được mấy đồng tiền đồng. Ăn thua gì mà dạy? - Chàng khó chịu càu nhàu nói tiếp như đang đáp lại những ý nghĩ của chính mình.

- Thế cậu muốn một lúc hót ngay được cả một vốn liếng đấy hẳn?

Raxkonikov nhìn chị một cách khác thường.

- Đúng, cả một vốn liếng - chàng nói sau một lát im lặng, giọng rắn rỏi.

- Nầy, từ từ chừ, cậu làm tôi sợ quá, trông cậu đến khiếp. Có phải đi mua bánh nữa không?

- Tuỳ chị!

- À nầy, thế mà tôi quên mất! Cậu có một lá thư đến hôm qua khi cậu đi vắng.

- Thư à? Của tôi? Ai gửi?

- Ai gửi thì tôi biết đâu đấy! Tôi phải trả cho người đưa thư ba cô-pếch! Cậu hoàn lại tôi chứ?

- Chóng lên, đem đây, tôi van chị. Đem đây! - Raxkonikov xúc động quát lên. - Trời ơi!

Một lát sau, bức thư được mang đến. Đúng rồi, thư của mẹ chàng, từ quận R, gửi đến. Chàng cầm bức thư, mặt tái mét: đã từ lâu, chàng không nhận được thư mẹ, nhưng lúc ấy còn có cái gì khác nữa bỗng nhói lên trong tim chàng.

- Thôi, ra đi, Naxtaxia tôi van chị, đây ba cô-pếch của chị đấy, nhưng tôi xin chị, chị ra chóng lên.

Lá thư run lẩy bẩy trong tay chàng, chàng không muốn bóc thư trước mặt người ở, chàng muốn một mình diện đối diện với lá thư nầy. Naxtaxia vừa ra khỏi, chàng đưa ngay lá thư lên môt hôn; rồi ngắm nhìn hồi lâu những nét chữ đề địa chỉ trên phong bì, nét chữ quen thuộc, thân yêu, thanh thanh và hơi nghiêng của mẹ chàng, người xưa kia đã dạy cho chàng biết viết. Chàng chần chừ chưa bóc vội, như còn lo ngại điều gì.

Nhưng rồi cuối cùng chàng cũng bóc thư ra. Lá thư dày, xếp làm hai tập, hai tờ giấy lớn chi chít những chữ nhỏ lăn tăn.

"Rodia yêu quý - mẹ chàng viết - thế là đã hơn hai tháng rồi, m không nói chuyện gì với con qua thư từ điều đó chính mẹ cũng khổ tâm, nhiều đêm thao thức không ngủ được. Nhưng chắc con cũng không trách mẹ về sự vắng bặt tin tức bất đắc dĩ đó. Con cũng biết mẹ thương con đến ngần nào. Mẹ với Dunia chỉ còn có con nữa mà thỏi, con là tất cả, con là niềm hy vọng, là hoài bão của mẹ của em. Con có biết chăng tâm trạng của mẹ khi nghe tin con đã bỏ học cách đây mấy tháng vì thiếu tiền, rồi con lại thôi dạy học và thôi các việc khác nữa. Với số lương quả phụ một trăm hai mươi rúp hàng năm của mẹ, mẹ biết làm thế nào mà chu cấp cho con được? Con cũng biết là món tiền mười lăm rúp mẹ gửi cho con cách đây bốn tháng cùng phải giật tạm của bác Vaxili Ivanovich Vakhrusin, người vẫn bán hàng cho nhà ta, trừ vào khoản lương ấy. Bác ấy là một người tốt, trước là bạn của bố. Nhưng mẹ phải để cho bác ấy lĩnh dần khoản phụ cấp thay mẹ để trừ cho hết nợ - và cũng đến nay mới vừa hết, - cho nên suốt thời gian gần đây mẹ không gửi tiền cho con được. Nhưng đến nay, nhờ ơn Chúa, có lẽ mẹ sẽ gửi cho con được một ít tiền; với lại, mẹ cũng nói ngay với con là chúng mình còn có thể vui mừng vì gặp vận may nữa kia đấy. Trước hết, Rodia yêu quý, con có đoán được không: em con đã về sống với mẹ được tháng rưỡi nay rồi, và từ nay hai mẹ con sẽ không còn phải xa nhau nữa. Ơn Chúa, những nỗi đau khổ của em con đã qua, nhưng mẹ cũng muốn kể lại hết đầu đuôi câu chuyện để con hiểu rõ những điều mà cho đến nay mẹ và em vẫn phải giấu con. Cách đây hai tháng, khi nghe phong thanh Dunia bị gia đình Xvidrigailov ngược đãi, con đã biên thư xin mẹ nói rõ sự tình, nhưng mẹ biết trả lời thế nào được. Nếu hồi đó mẹ nói hết sự thật ra, chắc con sẽ bỏ hết công việc học hành để về nhà - dù phải đi bộ - vì mẹ cũng biết rõ tính cách và tình cảm của con: chắc chắn con sẽ không chịu để cho ai làm nhục em con. Chính mẹ dạo ấy cùng thật tuyệt vọng, nhưng biết làm thế nào? Với lại chinh mẹ cũng chưa rõ hết sự thực. Gay nhất là năm ngoái, khi vào làm gia sư trong nhà Xvidrigailov, Duneska đã lĩnh trước một trăm rúp với điều kiện là sẽ trừ dần vào lương tháng; vì thế em con không thể bỏ việc trước khi thanh toán xong khoản nợ kia. Em con đã nhận số tiền đó, Rodia yêu quý bây giờ thì mẹ có thể nói rõ hết với con phần chính cũng là để có thể gửi cho con sáu mươi rúp mà năm ngoái con rất cần. Mẹ và em đã nói dối con rằng đó là tiền của Dunia dành dụm từ trước; nhưng không phải thế đâu - Bây giờ mẹ có thể nói hết sự thật cho con nghe vì nhờ ơn Chúa, sự thể đã biến chuyển đột ngột rồi, nay đã khả quan hơn, với lại cũng để con thấy Dunia thương con biết ngần nào và để con hiểu rõ hơn tấm lòng vô giá của em con. Quả tình lúc đầu ông Xvidrigailov đã đối xử thô bạo với em con, ông ta lại còn vô lễ và nhạo báng em con trong bữa ăn… Nhưng thôi mẹ không muốn sa vào những chi tiết đáng buồn đó làm con bực mình vô ích, vì bây giờ mọi việc đều đã qua. Tóm lại, tuy bà Marfa Petrovna - vợ ông Xvidrigailov - và cả nhà bà ta đều tó ra nhân từ và cao thượng, nhưng cuộc sống trong gia đình ấy đối với em Dunia cũng thật gay go: nhất là khi ông Xvidrigailov - quen cái thói cũ hồi ông còn tại ngũ - chịu sự khống chế của tửu thần. Nhưng rồi sự thể xảy ra thế nào? Con thử tưởng tượng con người ngông cuồng ấy, ngoài thì tỏ ra thô bạo, khinh khỉnh vớì Dunia, nhưng trong lại đem lòng yêu trộm em con từ lâu. Có thể là ông ta hổ thẹn và kinh hoảng khi thấy mình đã có tuổi, lại làm chủ một gia đình, mà lại sa vào những mơ ước vẩn vơ như vậy, nên ông ta bất giác đâm ra cáu gắt giận dữ với Dunia.

Cũng có thể ông ta lấy cái thái độ thô lỗ và nhạo báng của ông để che mắt thế gian. Nhưng cuối cùng, cầm lòng không đặng, ông ta đã dám thổ lộ với Dunia những lời đề nghị bỉ ổi và trắng trợn, hứa hẹn đủ điều, thậm chí lại còn rủ em con bỏ việc trốn với ông ta sang ở làng khác hoặc ra nước ngoài. Chắc con cũng tưởng tượng được em con như thế nào. Bỏ việc ra về ngay thì không xong, không phải chỉ vì món nợ, mà còn vì muốn tránh gây phiền muộn cho bà Marfa Petrovna: ra đi như vậy sẽ làm cho bà ta sinh nghi, do đó có thể gieo mối bất hoà trong gia đình người ta. Vả lại chính Dunia cũng sẽ không sao tránh khỏi tai tiếng, làm như thế thật không ổn. Lại thêm những lý do nầy nọ giữ chân Dunia lại thành thử em con không trông mong gì ra khỏi cái nhà ghê tởm đó trước sáu tuần lễ.

Con chắc cũng đã biết rõ em con thông minh và cương nghị như thế nào: Duneska rất giỏi chịu đựng, và trong những hoàn cảnh gay go nhất, em con cũng có đủ nghị lực để đứng vững. Để mẹ khỏi lo lắng, Dunia cũng không cho mẹ biết một tí gì về chuyện đó cả, tuy hai mẹ con vẫn thường trao đổi thư từ với nhau. Nhưng câu chuyện kết cục thật không ngờ. Một hôm, bà Marfa Petrovna tình cờ bắt gặp chồng bà đang khẩn khoản van nài Dunia ở trong vườn, thế là bà ta hiểu lầm và quy tội tất cho Dunia, cho rằng đầu đuôi tại em con gây ra hết.

Thế là một cảnh khủng khiếp đã diễn ra trong vườn giữa ba người; bà Marfa Petrovna, không còn muốn nghe phải trái gì nữa, đã dám đánh Dunia và lăng mạ em con suốt một tiếng đồng hồ, rồi cuối cùng ra lệnh cho người nhà vơ vén đồ đạc quần áo của Dunia vứt bừa lên xe và đưa em con về trả mẹ ở phố. Lúc ấy trời đổ trận mưa rào, thế là Dunia nhục nhã, ê chề phải đi mười bảy verxta trên một chiếc xe ngựa chở hàng không mui với một lão mu-gich. Đấy, bây giờ con thử nghĩ mà xem, làm sao mẹ có thể trả lời được thư con cách đây hai tháng? Mẹ còn biết trả lời thế nào được? Mẹ thật là tuyệt vọng; kể cho con nghe câu chuyện đó thì mẹ không dám, vì con sẽ khổ sở, buồn phiền và phẫn uất! Mà nói cho cùng, con cũng biết làm thế nào được? Không khéo quẫn chí lại làm điều gì liều lĩnh thì khốn to! Vả lại Duneska cũng cấm mẹ nói; còn như viết thư cho con mà chỉ nói toàn những chuyện vớ vẩn đâu đâu trong khi sầu não trĩu nặng trong lòng thì mẹ không tài nào viết được. Ròng rã một tháng trời trong khắp thành phố người ta cứ đem chuyện nầy ra kháo nhau, đến nỗi hai mẹ con không thể đi lễ nhà thờ được nữa, vì đến đâu người ta cũng xì xào bàn tán, nhìn ngó mình một cách khinh bỉ, thậm chỉ lại còn nói to những lời chê bai dè bỉu ngay trước mặt hai mẹ con. Bạn bè quen biết đều ngoảnh mặt đi, không ai thèm chào hai mẹ con nữa, mẹ lại biết chắc rằng những tay đi chiêu hàng của các hiệu buôn và một vài viên chức còn muốn làm nhục hai mẹ con một cách bỉ ổi hơn nữa: họ bôi nhựa đường be bét trước cồng nhà, làm ông chủ nhà phải yêu cầu hai mẹ con dọn đi ở chỗ khác. Tất cả những chuyện đó đều do bàn tay của bà Marfa Petrovna gây ra cả; bà ta đã có đủ thì giờ đi đến từng nhà trong phố để vu cáo bôi nhọ Dunia. Ở phố nầy ai bà cũng quen, mà suốt trong tháng ấy bà ta lại hay ra phố, tính bà ta lại hay chuyện và thích kể lể về việc nhà, nhất là gặp ai cũng than phiền về ông chồng, thật là một thói rất xấu; thế là chỉ trong một thời gian rất ngắn, bà ta đã tung câu chuyện nầy ra không phải chỉ trong phố mà còn khắp cả huyện nữa. Mẹ sinh ốm; Duneska vốn cứng rắn hơn mẹ. Nếu con biết em con đã chịu đựng tất cả những cảnh đó như thế nào! Lại còn an ủi khích lệ mẹ nữa. Thật là một vị thiên thần! Nhưng, nhờ lượng Chúa bao dung, nỗi đau khổ của hai mẹ con đã chấm dứt. Ông Xvidrigailov ăn năn nghĩ lại, và chắc lả thương tình Dunia, ông ta đã đưa ra trước bà Marfa Petrovna một chứng cớ đầy đủ tỏ ra lòng ngay thật của Dunia: đó là bức thư mà Dunia đã buộc lòng phải viết cho ông ta, từ trước khi bà Marfa Petrovna bắt gặp hai người ngoài vườn, để cự tuyệt những cuộc bày tỏ riêng tư và những cuộc hẹn hò lén lút mà ông ta cứ van nài; lá thư đó vẫn ở trong tay ông Xvidrigailov sau khi Duneska ra khỏi nhà. Trong thư, Dunia đã giận dữ, kịch liệt trách cứ thái độ cư xử hèn hạ của ông ta đối với bà Marfa Petrovna. Dunia đã nêu rõ cương vị chủ gia đình của ông ta và cuối cùng vạch cho ông ta thấy rõ mình bỉ ổi để tiện đến nhường nào khi giầy vò hành hạ một thiếu nữ vốn đã nghèo khổ và không nơi nương tựa. Tóm lại, Rodia yêu quý, lời lẽ trong thư cao thượng và cảm động đến nỗi khi đọc mẹ đã phải phát khóc và mãi cho đến bây giờ, mỗi khi đọc lại, mẹ cũng không sao cầm được nước mắt. Hơn nữa, để minh oan cho Dunia, những người tôi tớ nhà Xvidrigailov đã đưa thêm bằng chứng tỏ ra họ còn thấy và biết nhiều hơn là ông Xvidrigailov tưởng - xưa nay vẫn thường như vậy. Bà Marfa Petrovna kinh hoàng rụng rời và lại "bị một đòn trí mạng nữa" bà ta nói thế - nhưng mặt khác bà không còn nghi ngờ chút gì về lòng ngay thật của Dunia, và ngay ngày hôm sau, hôm chủ nhật, bà ta đến thẳng nhà thờ, quỳ xuống khóc lóc cầu xin Đức Mẹ ban cho nghị lực để chịu đựng cơn thử thách mới và làm tròn bổn phận. Ở nhà thờ ra, bà đi thẳng một mạch đến gặp mẹ và em, không ghé vào nhà ai cả; bà ta kể hết sự tình, khóc lóc thảm thiết và chân thành hối hận ôm hôn Dunia, van xin em con tha lỗi cho bà. Ngay sáng hôm ấy, từ nhà ta ra, bà không chần chừ đi khắp những nơi quen biết trong thành và ngoại thành, hết lời ca ngợi tâm hồn thanh cao, tư cách đứng đắn của Dunia, vừa nói vừa khóc sướt mướt. Thế cũng chưa đủ, bà ta còn đem ra đọc cho mọi người nghe lá thư cửa Duneska viết cho ông Xvidrigailov lại còn cho sao ra nhiều bản nữa, theo mẹ làm thế cũng đã hơi quá. Như vậy bà ta phải dành ra mấy ngày liền để di khắp các nơi quen biết không thì người nầy lại ty nạnh người kia, thành thử nhà nào cũng sắp sẵn từ trước đợi bà Marfa Petrovna đến; mọi người đều biết trước bà ta sẽ đọc bức thư bất hủ vào lúc nào, ở nhà nào, bèn tụ tập lại nghe, ngay cả những người đã được nghe nhiều lần trước sau ở nhà họ rồi ở nhà bạn bè cũng vậy. Ý mẹ thì làm như thế cũng thật quá đáng, nhưng tính bà Marfa Petrovna vốn thế. Dù sao, bà cũng đã hoàn toàn khôi phục được danh dự cho Duneska và câu chuyện bỉ ổi nầy được đổ cả vào đầu ông chồng, thủ phạm chính trong vụ nầy, một cách không sao xoá nhoà được nữa. Quá tình người ta đối xử với cái lão rồ dại ấy như vậy cũng quá khắc nghiệt, làm mẹ cũng có phần ái ngại cho lão. Thế rồi, có mấy gia đình lập tức mời Duneska đến dạy học cho con cái, nhưng em con đều từ chối. Nói chung mọi người bỗng nhiên đều tỏ lòng rất kính nể em con. Nhưng cái chính là tất cả những việc đó đã dọn đường cho sự kiện bất ngờ hiện nay có thể nói là đang xoay chuyển số phận chúng ta.

Rodia yêu quý, mẹ phải vội vàng báo cho con biết ngay là đã có người đi hỏi Dunia và em con đã nhận lời tuy công việc có tiến hành mà chưa có ý kiến của con, nhưng chắc con cũng không bất bình với mẹ và em bởi vì - nhìn qua sự việc con cũng sẽ thấy - mẹ và em không thế nấn ná chờ đợi con trả lời được. Vả lại, con ở xa chắc khó có thể xét đoán công việc cho thật đúng đắn. Đầu đuôi như thế nầy. Anh ấy nay đã lên đến chức tư vấn hội thẩm, tên là Piotr Petrovich Lugin và có họ hàng xa với bà Marfa Petrovna: chính bà ta đã đóng góp nhiều vào việc nầy. Đầu tiên anh ấy đã tỏ ý muốn làm quen với nhà ta, và đã được tiếp đãi chu đáo đã dùng cà phê với nhà và ngay hôm sau có gửi lại một lá thư rất lễ độ ngỏ lời dạm hỏi, đề nghị nhà ta trả lời sớm và dứt khoát. Anh ấy là một người chí thú khá bận, nay đang có việc phải đi ngay Petersburg, thành thử mỗi phút đối với anh đều rất quý. Dĩ nhiên, lúc đầu mẹ và em đều sửng sốt vì câu chuyện xảy ra quá chóng vánh và đột ngột. Mẹ và em đã cùng nhau suy nghĩ và cân nhắc suốt cả ngày hôm ấy. Anh ta là người cẩn trọng và có địa vị chắc chắn, có chân ở hai nơi và cũng đã có một số vốn riêng. Quả tình anh ta cũng đã bốn mươi lăm tuổi rồi, nhưng bề ngoài trông vẫn dễ ưa và cũng còn có thể được cảm tình trong nữ giới; ngoài ra anh ta là một người rất chững chạc, đứng đắn, duy chỉ có hơi lầm lỳ và có vẻ khinh người. Nhưng có thể đó chỉ là cảm giác ban đầu thôi. Và, Rodia yêu quý ạ, mẹ cũng báo trước là khi con gặp anh ta ở Petersburg - chỉ nay mai thôi - con cũng đừng nhận xét anh ta vội vàng và nóng nảy quá, như tính của con xưa nay vẫn thế, nếu thoạt mới gặp con thấy anh ta có một điểm gì không hợp ý con, là mẹ cũng nói phòng xa thế thôi, chứ mẹ chắc thế nào anh ta cũng gây được thiện cảm của con. Với lại, phàm muốn hiểu ai, thì phải tiếp xúc với người ta một cách từ tốn và thận trọng mới khỏi sa vào những định kiến sai lầm mà sau nầy sẽ rất khó uốn nắn và tẩy bỏ. Vả chăng ít nhất cũng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ Piotr Petrovich là một người rất đáng tôn trọng. Hôm đến nhà lần đầu, anh ta tự xưng là một người thiết thực, nhưng trên nhiều điềm cũng tán thành "những quan niệm của các thế hệ mới ở ta" - như anh ta nói - vả lại là kẻ thù của mọi định kiến. Anh ta còn nói nhiều nữa, bởi vì xem ra, anh ta cũng thích phô trương, và lại rất thích người khác nghe mình, nhưng đó cũng không hẳn là một thói xấu. Dĩ nhiên, mẹ cùng không hiểu rõ những điều anh ta nói cho lắm, nhưng Dunia giải thích h cho mẹ hiểu là anh ta tuy học vấn không cao nhưng lại thông minh và hình như cũng đôn hậu. Rodia, con cũng biết tính em con đấy. Nó là một, đứa có nghị lực, có lương tri, kiên nhẫn và cao thượng, tuy tâm hồn vốn bồng bột, mẹ đã nghiệm thấy rõ như vậy. Đành rằng đây chẳng phải là chuyện yêu đương gì giữa hai người, về phía Dunia cũng như về phía anh ta; nhưng Dunia vốn là một đứa con gái thông minh, cao thượng như một vị thiên thần, tự xác định cho mình bổn phận đem lại hạnh phúc cho chồng nên về phía anh ta, anh ta cũng quan tâm săn sóc đến hạnh phúc của vợ, mà điều đó thì hiện nay mẹ và em hầu như không có lý do gì để nghi ngờ cả, tuy cũng phải thừa nhận là câu chuyện ngã ngũ hơi nhanh chóng. Với lại: anh ta vốn là người căn cơ chín chắn cũng phải hiểu rằng Duneska sống càng có hạnh phúc bên mình thì hạnh phúc làm chồng của mình lại càng thêm vững chấc. Còn nói đến một vài điểm chênh lệch trong tính tình, trong những thói quen riêng tây và cả đến một đôi chỗ bất đồng về tư tưởng điều mà ngay cả trong những cuộc hôn nhân tâm đầu ý hợp nhất cũng nhrng tránh khỏi thì Dunia nói với mẹ là sẽ tự nó điều hoà được, không có gì đáng lo ngại cả, nó sẽ có thể chịu đựng được nhiều, quý hồ những mối quan hệ giữa hai người sau nầy sẽ trung thực và công bằng.

Hình thức bên ngoài thường hay lừa người ta thật. Như anh ấy chẳng hạn, lúc đầu mẹ trông cũng hơi cộc cằn, nhưng cái đó có thể chính là do tâm hồn thẳng thắn cương trực của anh ta; chắc chắn là như vậy. Như hỏm anh ấy đến thăm nhà ta lần thứ hai chẳng hạn, sau khi lời cầu hôn của anh ta được chấp nhận, trong câu chuyện anh ta có nói rằng ngay từ trước khi quen biết Dunia, anh ta đã có ý định sẽ cưới một cô vợ thật thà lương thiện, nhưng không có của hồi môn, và nhất định phải là người đã từng chịu cảnh khốn cùng vì anh ta nói - người chồng không được nhờ cậy chút gì của vợ, mà tốt hơn nhiều là người vợ nên coi chồng như ân nhân của mình. Mẹ cũng cần thêm là anh ta nói năng dịu dàng và dễ nghe hơn chứ không như mẹ viết đâu vì mẹ cũng quên những lời cụ thể anh ấy dùng rồi, mà chỉ nhớ cái ý thôi; với lại anh ta cũng không có ý định nói cạnh nói khoé gì, chẳng qua chỉ buột miệng lỡ lời trong khi đang mải say sưa với cáu chuyện, nên sau đó anh ta cũng cô ý sửa chữa và nói khéo lại; nhưng dù sao mẹ cũng thấy thế là hơi cục cằn, về sau mẹ có nói lại với Dunia như vậy. Nhưng Dunia lại bực mình trả lời rằng "lời nói chưa phải là hành động", cái đó thì tất nhiên là đúng. Trước khi quyết định, Duneska đã thức thâu đêm; tưởng là mẹ đã ngủ, em con dậy, đi đi lại lại hàng giờ trong buồng, cuối cùng em con quỳ trước hình Đức Mẹ thành tâm cầu nguyện mãi; đến sáng hôm sau, em con nói với mẹ là đã quyết định dứt khoát.

Mẹ đã nói với con là Piotr Petrovich sắp đi Petersburg vì có nhiều việc cần, anh ta có ý định mở một phòng bào chữa ở trên ấy. Anh ta làm nghề trạng sư đã lâu năm và mới đây vừa thắng một vự kiện quan trọng. Lần nầy anh ta đi Petersburg vì có một việc quan trọng phải đến Viện nguyên lão. Cho nên, Rodia yêu quý, anh ta có thể giúp con được khá nhiều đấy, có thể giúp về mọi phương diện nữa là khác; Dunia và mẹ đều nghĩ rằng từ nay con đã có thể bắt đầu xây dựng sự nghiệp sau nầy và có thể coi như tương lai của con đã được xác định rõ ràng. Ôi! Ước gì việc ấy sẽ thực hiện! Được như vậy thì quả không thể nào nói khác hơn đó là một ân sủng mà Thượng để toàn năng đã trực tiếp ban cho nhà ta. Dunia chỉ ước mơ như vậy.

Mẹ và em cũng đã đánh bạo nói xa gần với Piotr Petrovich về vấn đề ấy. Anh ta trả lời một cách thận trọng, nói rằng lẽ tất nhiên anh ta cùng không thể thiếu được một người thư ký, cho nên thà tốn tiền thù lao cho một người nhà còn hơn là cho một người dưng, cốt là ai đó phải có khả năng làm tròn phận sự, làm như con không có khả năng ấy nhưng ngay sau đó anh ta lại tỏ ý lo ngại là con sẽ bận học mà không có đủ thì giờ để làm việc với anh ta, lần nầy câu chuyện mới chỉ đến đảy, nhưng ngoài việc nầy ra, bây giờ Dunia không còn nghĩ đến việc gì khác nữa. Từ mấy hôm nay rồi, nó háo hức xây dựng cả một viễn cảnh tương lai về con, nó nghĩ con rồi sẽ có thể trở thành người giup việc, hơn nữa, người cộng tác của Piotr Petrovich trong công việc tư pháp huống hồ con lại là sinh viên trường luật nữa. Còn mẹ, Rodia yêu quý, mẹ cũng hoàn toàn đồng ý với Dunia và cũng chia sẻ những dự kiến, những hy vọng của em con, rất tin là có thể thực hiện được. Tuy gần đây Piotr Petrovich có ý tránh nói việc nầy điều đó cũng dề hiểu thôi, vì anh ta chưa quen con nhưng Dunia vẫn tin chắc rằng nó có thể dùng ảnh hưởng tốt của nó đối với người chồng tương lai mà thực hiện một điều mong muốn; em con tin chắc như vậy - Tất nhiên, trước mặt Piotr Petrovich, mẹ và em đều tuyệt đối không bao giờ đề hở cho anh ta biết những ước mơ đó, nhất là chuyện sau nầy con sẽ trở thành người cộng tác với anh ta. Anh ta là một người thiết thực, có thể anh ta sẽ nghe những chuyện đó một cách lãnh đạm vì tất cả những chuyện đó đối với anh ta chỉ là những mơ ước viển vông mà thôi. Mẹ cũng như Dunia chưa hề hở câu nào tỏ ra hy vọng anh ta sẽ giúp mẹ và em con cấp tiền cho con theo học hết đại học. Sở dĩ mẹ và em chưa nói đến trước hết là vì việc ấy rồi tất nhiên sẽ đến và chắc chắn - không cần nhiều lời vô ích - anh ta sẽ tự nguyện giúp con chá nhẽ anh ta lại từ chối Dunia điều nầy nhất là vì rồi đây, con sẽ có thể trở thành cánh tay phải của anh ta, và tiền anh ta cấp cho con sẽ không phải là một ân huệ gì, mà chỉ là một cách trả công xứng đáng với việc làm của con. Duneska muốn thu xếp như vậy, mẹ cũng hoàn toàn đồng ý với em. Sau nữa, mẹ và em không nói chuyện đó với anh ta vì mẹ muốn rằng trong cuộc gặp gỡ nay mai, anh ta cũng phải đối xử với con như người ngang hàng. Khi Dunia hân hoan nói đến con, anh ta đã trả lời là muốn xét đoán người nào thì phải chính tận mắt trông thấy người đó, và anh ta tự dành cho mình cái quyển xây dựng một ý niệm về con sau khi đã gặp con tận mặt.

Rodia rất yêu quý của mẹ, vì một vài lý do cũng không có gì dính dáng đến Piotr Petrovich, mà chi là những lý do hoàn toàn riêng tư, có lẽ chỉ là chuyện lẩm cẩm của bà già thôi, mẹ thấy rằng cưới xin xong, có lẽ mẹ cứ ở riêng như bây giờ hay hơn, chứ không về ở với hai vợ chồng. Mẹ tin chắc rằng anh ta, vốn là người cao thượng và tế nhị, thế nào cũng mời mẹ về ở để khỏi xa con gái, và sở dĩ đến bây giờ anh ta chưa nói chính cũng vì dù không nói ra thì đó cũng đã là việc tất nhiên rồi; nhưng mẹ sẽ từ chối. Trong cuộc sống mẹ đã từng nghiệm thấy rằng chàng rể thường không ưa gì mẹ vợ. Không những mẹ không muốn làm phiền ai một chút nào, mà hơn nữa mẹ cũng muốn sống hoàn toàn tự lập, quý hồ đủ ăn và có những đứa con yêu quý như con và Duneska. Nếu có thể, mẹ ở một chỗ nào gần cả hai con. Rodia yêu quý ạ, mẹ đã dành tin đáng mừng nhất để viết vào cuối bức thư nầy: có lẽ chỉ nay mai, ba mẹ con ta sẽ lại được sum họp và sẽ được ôm hôn nhau sau ba năm xa cách. Mẹ và Dunia đã quyết định dứt khoát là sẽ đến Petersburg, cụ thể ngày nào thì mẹ chưa rõ, nhưng dù sao cũng rất gần, rất gần đây thôi, cũng có thể chỉ một tuần lễ nữa. Mọi việc còn tuỳ ở cách xếp đặt của Piotr Petrovich; hễ tạm ổn định được ở trên đó anh ta sẽ báo tin ngay cho mẹ và em. Vì một vài lý do nào đó, đnh ta định tổ chức lễ thành hôn càng sớm càng tốt và nếu có điều kiện sẽ tiến hành trong cữ ăn mặn nầy, nhược bằng không được, vì thời gian cấp bách quá, thì sẽ tổ chức ngay sau ngày lễ Đức Mẹ lên trời. Ôi, sung sướng biết bao, khi mẹ sẽ được ôm chặt con vào lòng Dunia mừng cuống lên vì sắp được gặp con, em đã có lần nói đùa là chỉ riêng có thể thôi, cũng đủ khiến cho nó thuận lòng lấy Piotr Petrovich rồi. Thát là một vị thiên thần. Nó không viết gì thêm vào lá thư nầy, nhưng nó nhắc mẹ viết cho con là nó có nhiều, rất nhiều chuyện muốn nói, nhiều đến nỗi không thể dùng bút thay lời, vì chỉ một vài dòng chữ thì không nói được gì cả, chỉ thêm bực mình thôi; nó uỷ cho mẹ ôm con thật chặt và gửi con ngàn vạn cái hôn. Tuy mẹ con ta sắp được sum họp, nhưng ít hôm nữa còn được bao nhiêu tiền, mẹ cũng sẽ cứ gửi cho con.

Từ khi mọi người biết Dunia sẽ kết hôn cùng Piotr

Petrovich, tín dụng của mẹ bỗng nhiên tăng lên. Mẹ biết chắc là bác Aphanaxi Ivanovich sẽ thuận cho mẹ vay trước - rồi trừ vào khoản phụ cấp - đến bảy mươi nhăm rúp, và thế là mẹ sẽ gửi cho con được hăm nhăm, hoặc ba mươi rúp nữa là khác: Mẹ có thể gửi cho con nhiều hơn nhưng cũng còn phải lo tiền đi đường, tuy Piotr Petrovich đã có nhã ý chịu một phần phí tổn, cụ thể là anh ta đề nghị để anh chuyển hành lý và cái hòm to của hai mẹ con hình như anh ấy nhờ người quen tải hộ thế nào đấy, nhưng còn vé tàu, rồi chân ướt chân ráo mới đến Petersburg, mẹ và em không thể không có đồng xu nào trong túi được. Với lại, Dunia và mẹ đã tính toán kỹ từng ly từng tý, thấy rằng cuộc hành trình không tốn lắm đâu. Từ nhà ra ga xe lửa chỉ có chín mươi verxta: hai mẹ con đã thương lượng để cùng đi với một bác nông dân đánh xe ngựa, và từ đó, hai mẹ con sẽ lên tàu đi hạng ba. Cho nên mẹ có lẽ sẽ gửi cho con không phải hai mươi lăm, mà ba mươi rúp.

Nhưng thôi, mẹ viết cũng đã tạm đủ: hai tờ giấy đặc rồi, mà cũng vừa hết giấy: cả một câu chuyện dài, bao nhiêu là sự việc chồng chất! Bây giờ, Rodia rất yêu quý, mẹ ôm hôn con, chờ đợi ngày sum họp sắp đến và cầu Chúa ban phước cho con. Con hãy yêu thương lấy Dunia, em con, hãy yêu thương nó như nó vẫn yêu thương con.

Con hãy nhớ là em con yêu con vô cùng, yêu hơn cả bản thân mình. Em con là một vị thiên thần, còn con, Rodia, con là tất cả, là tất cả niềm hy vọng của mẹ và em. Miễn sao con sung sướng là mẹ và em cũng được sung sướng rồi. Rodia ạ, con có còn cầu nguyện Chuá như trước không, con còn lòng tin vào tình bác ái của Chúa Cứu thế và tạo thế nữa không? Trong thâm tâm, mẹ cứ sợ những tư tưởng vô đạo, hiện nay rất thịnh hành, đã xâm nhập vào tâm hồn con. Nếu quả vậy con hãy nhớ như hồi còn thơ ấu, hồi bố con còn sống, con ngồi trên lòng mẹ bập bẹ những lời cầu nguyện; dạo ấy, chúng ta thật sung sướng biết bao nhiêu!

Thôi từ biệt con nhé, tạm biệt thì đúng hơn. Ôm con thật chặt và gửi con nghìn vạn cái hôn.

Trọn đời yêu con, Punkheria Raxkonikova".

Ngay từ khi Raxkonikov mới giở thư ra đọc và cùng như gần suốt thời gian đọc thư, nước mắt cứ tuôn đàm đìa trên má chàng. Nhưng đọc xong, mặt chàng tái mét, run giật lên, một nụ cười gượng gạo, cay đắng, hằn học in lên đôi môi mếu xệch của chàng. Nằm ngả đầu lên chiếc gối lép kẹp, bẩn thỉu, chàng suy nghĩ hồi lâu. Tim chàng đập mạnh, những ý nghĩ rối loạn cứ quay cuồng trong đầu. Cuối cùng chàng cảm thấy ngột ngạt khó chịu trong căn buồng vắng chật chội của chàng như ngồi trong tủ hay trong hòm. Tầm mắt và ý nghĩ của chàng cần không gian thoáng rộng. Chàng vớ lấy mũ đi ra ngoài, lần nầy không sợ gặp ai ở cầu thang nữa: chàng đã quên khuấy việc đó. Chàng băng qua đạỉ lộ V., hướng về phía đảo Vaxili, tưởng như có việc gì khẩn cấp đang chờ đợi chàng ở đó, nhưng theo thói quen, chàng cắm cúi đi, không chú ý gì dọc đường, mồm nói lẩm bẩm và thậm chí thỉnh thoảng lại nói to lên làm những người đi đường hết sức ngạc nhiên. Nhiều người tưởng chàng là một gã say rượu.

 

Chú thích:

(1) Tục ngữ Nga.
 

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 464

Return to top