Một ngày kia, nắng hoe vàng, tôi gặp anh Phú ngoài gốc đa làng. Cái áo vét ka ki sẫm bạc nhợt nhạt mở một hình tam giác xanh của cái áo sơ mi nơi ngực, cái quần cũng vải ka ki nhưng là màu da lươn, đôi dép nhựa trắng không một tý bụi dính. Làng tôi vẫn thế, vẫn như lần đầu tôi nhìn, lâu rồi, những lối ngõ thẳng, lối ngõ cong. Thấy một chút sân, một mảng tường, một mảng mái tranh hoặc ngói, sau những bụi tre. Đi trên đường làng cứ tưởng đang ở trong rừng, không gan thì nổi cả da gà, da vịt. Tôi biết anh Phú đến gặp cô Nhi. Tôi có thích anh không, cũng không rõ nữa, tôi đi cùng anh vì cần về nhà. Còn vì lời hứa bằng thứ giọng trơn chuội của anh cứ chảy vào lòng tham của tôi. Anh bảo, sẽ đưa tôi lên phố huyện ăn kem nhà hàng Lộc Na người Tàu, có đến năm cửa hàng kem rải dọc miền Trung. Anh sẽ cho tôi mượn xe đạp tập đi, đi xe đạp như chim bay, chỉ thấy gió reo bên tai.
- Sao anh không đi xe đạp? - Tôi hỏi.
- Anh chưa mua - Anh đáp gọn.
- Ra thế. Thì cưỡi trâu thay xe...
- Nào, thằng con... Anh sắp mua. Một cái xe Pavorit của Tiệp Khắc, thứ tốt nhất trong làng xe ngang bằng giá 10 tạ lúa.
Tôi nhếch mép cười, xong nhận ra không nên thế.
- Nhà anh giàu vậy, sao không bị địa chủ? - Tôi nói, xong lại thấy không nên nói.
Anh Phú tái mặt, cái mặt anh ta không những tái, còn bập bềnh da thịt lên nữa. Bỗng anh cất tiếng cười ha hả. Cái sự thay đổi sắc mặt, chuyển hướng đối phó, anh từng nổi tiếng. Không thế sao người ta cho anh làm bí thư xã đoàn. Anh nói:
- Giàu có bằng sức lao động như nhà anh, khác với giàu có bằng bóc lột, bằng quan hệ với tư sản, phong kiến. Là anh nói cái chung, không có ý gì đâu. Gia đình em giờ là trung nông. Gia đình anh cũng trung nông. Như nhau nhé.
Vừa lúc vào đến nhà. Vừa lúc tôi nghĩ ra một câu chửi xóc định ném vào mặt anh ta. Vừa lúc cô Nhi ôm chầm lấy tôi. Vừa lúc tôi nhìn thấy cha tôi và bà Đăng, mẹ anh Phú xếp bằng trên phản gỗ. Tôi ghé đít ngồi xuống cạnh cha tôi. Tôi chán cái khoanh tròn trên đầu và đôi môi màu tiết đông của bà Đăng mới ngoảnh về phía cô Nhi. Cô Nhi ngồi trên chõng tre, ống quần tuột lên cao để lộ hai cổ chân tròn lẳn trắng mịn. Đàn bà, con gái làng chẳng ai có cái màu da ấy, chẳng ai có khuôn mặt dịu dàng như cô tôi. Còn cái dáng người thon thả, mềm mại cứ làm tôi nghĩ tới cái lưng mèo. Thì tôi mừng vì cô đẹp. Nhưng cô càng đẹp thì cô càng mau xa tôi. Nên buồn. Tôi thở dài. Cha tôi hích khuỷu tay vào vai tôi ý bảo tôi ra chỗ khác. Người lớn có chuyện người lớn, trẻ con có chuyện trẻ con, muôn đời người ta dạy thế. Tôi mười ba tuổi, vẫn trẻ con, mấy năm nữa thì là người lớn? Tôi luồn qua cửa, ra thềm ngồi. Nắng không vàng hoe nữa mà vàng óng, cũng có thể vì đống rơm vàng giữa sân.
- Kính bác - Bà Đăng choi chói trong nhà - Ông tơ bà nguyệt đã xe duyên cho thằng Phú và cô Nhi. Có chút lễ mọn sang xin bác cái ngày lành tháng tốt để cô Nhi nhập tục nhà em. Chẳng giấu gì bác, nhà em neo người. Thằng Phú thì giữ chức lãnh đạo xã, việc xã một nửa, việc huyện, việc tỉnh một nửa, cứ là sôi nồi cơm mới. Phận em đứt duyên ở tuổi bốn mươi, không tái giá, phận bác đứt gánh tuổi hơn em, không tục huyền. ấy là môn đăng hộ đối...
Cha tôi ngắt lời bà Đăng một cách vội vã:
- Tôi... tôi biết rồi. Nhưng tôi nói với bà là em Nhi không gánh vác nổi gia đình bà đâu. Neo đơn, neo kép thế nào là chuyện của bà.
- Thì là tôi...
- Tôi nói thẳng cái ruột ngựa rằng, thằng Phú cô Nhi ưng nhau là được. Ngày cưới bà chọn. Lễ cưới đã có xã, có đoàn Thanh niên lo theo nếp sống mới.
- Vậy ngày này tháng tới ông nhỉ? Tôi đã đi gặp bà Liễu trên phố huyện bốc quẻ, lấy ngày. Bà Liễu hai đời làm nghề bói toán, giỏi như thánh. Bảo sao ra vậy. Uy tín đến mức, hôm tôi đến gặp cả vợ đồng chí bí thư Huyện ủy cơ đấy.
Tiếng anh Phú:
- Mẹ nói năng lung tung mất thôi.
- ờ thì tao im. Tao không động tới ông bí thư của mày.
Tiếp là một chuỗi cười lanh lảnh, lòng thòng.
* *
Đám cưới của cô Nhi không thành.
Hôm ấy mưa lui phui, gió như đuôi rắn lạnh lẽo quấn lấy người. Cô Nhi dắt tôi cắt ngang đồng sang nhà anh Phú. Đồng làng rộng. Làm ăn Hợp tác xã nên trời mới nhỏ hạt mưa mà đồng đã không một bóng người. Chỉ mỗi cô Nhi và tôi. Cô bảo tôi đi cùng, giờ mới vỡ nhẽ ra là có lý. Một mình cô cái lẻ loi sẽ gấp hai lần. Một tay cô bỏ trong túi áo. Tôi biết trong ấy có mảnh giấy anh Phú gửi cho cô. Cô Nhi cho tôi biết: Huyện có ý đưa anh Phú lên làm phó chủ tịch xã mà phó chủ tịch không thể làm con rể một gia đình địa chủ thông gia với cụ Lý Nhu. Thì sự đã rõ, cô gặp anh Phú làm gì nữa. Chao ôi, cái tình yêu nó làm đầu óc cô tôi mờ mịt như làn mưa trên đồng không mông quạnh rồi. Mà sao tôi không can ngăn cô; thậm chí còn tỏ ra nhanh nhẩu đi cùng. Đáng lẽ... đáng lẽ... những ý nghĩ rành rọt trách nhiệm vuốt đuôi ấy phần vào làm tôi nguôi ngoai. Tôi hăng hái đi thẳng vào sân nhà anh Phú. Trong nhà anh người đông, nghe nhiều tiếng nói, như đang họp hành. Một con chó vàng nhỏ bằng bắp chân gâu gâu đón tôi. Rồi anh Phú hiện ra nơi cửa. Cái máu phi trâu đánh trận giả chảy rần rật trong người, tôi nói với cái bản mặt dưng dưng cách tôi một màn mưa:
- Cô Nhi cần gặp anh... ngoài ngõ ấy.
Anh Phú quay nhìn vào nhà. Rồi vội vàng đẩy vào vai tôi. Anh đi ra ngõ, lại quay nhìn vào nhà. Té ra anh gặp cô Nhi cũng phải lén lút, phải giấu diếm. Cô tôi sợ lây nhiễm bệnh tật ở anh chứ anh thì chỉ được cái thơm thảo của cô thôi. Tôi nghĩ, đứng nép vào gốc chuối, cách chỗ cô Nhi và anh Phú một đoạn nghe rõ từng lời của họ.
Cô Nhi:
- Em đọc thư, không biết vì sao lại thế. Nên mới đội mưa sang đây, hỏi cho ra môn ra khoai.
Anh Phú:
- Có nhiều chuyện liên quan đến công việc của anh mà phải dừng đám cưới lại. Quyền lợi chính trị của anh, cũng là của em.
- Anh viết rõ là hủy bỏ đám cưới cơ mà.
- Đó là mẹo để có ai đọc trộm thư cũng tin là anh bỏ em thật.
- Là không còn liên quan gì đến gia đình địa chủ chứ gì?
- Chỉ giả vờ thôi mà.
- Giả vờ? Tôi là thứ rơm, rạ, là con cua, con tép để anh đưa ra giả vờ à? Rồi thiên hạ bảo, tôi bị anh bỏ, bị anh đổ rượu đặt trầu vào mặt...
- Nhưng... nếu anh không làm thế thì cái chuyện đề bạt...
- Anh về với cái đề, cái bạt của anh - Cô Nhi nói xong thì bỏ đi.
Anh Phú nhìn trước ngó sau rồi chạy vào nhà. Tôi ngửa mặt, há miệng uống nước mưa. Cô Nhi quặt tay kéo tôi ra khỏi vườn chuối, ra khỏi cái tiếng lộp độp trên lá chuối, khỏi tiếng ễnh ương ì... oạp. Rẽ xuống đường chạy giữa đồng, cô buông tay tôi. Tà áo xòe rộng, mái tóc ướt nước nhưng vẫn bay xõa ra, cô giống một con chim lớn muốn cất cánh bay mà không bay nổi.
Đêm hôm ấy cha tôi và cô Nhi rì rầm nói chuyện với nhau lâu lắm. Mờ sáng, tôi dậy đã thấy trên bàn một rá gạo nếp trắng tinh, một buồng cau quả xum xuê, một chai rượu trắng. Bà Cựu đã ngồi bên bàn từ bao giờ.
- Rửa mặt mũi rồi đi với bà và cô - Bà Cựu nhả miếng bã trầu ra lòng bàn tay, nói.
Tôi xách chai rượu, cô Nhi đội rá nếp, bà Cựu đội buồng cau theo đường cái quan sang làng Đông. Cha tôi bỏ xuống sông Nghèn thả vó đánh cá chép. Như là ông không muốn thấy chúng tôi đi. Dân làng soi mói nhìn, xì xào bàn tán, giống cái nhìn, cái lao xao hôm cô Lê ở phố huyện thất tình tìm về bến sông làng tôi tự tử.
Bà Đăng là thần nanh mỏ đỏ thì bà Cựu là người đỏ mỏ thần nanh. Lúc đầu còn hết thưa cùng gửi, sau họ vứt tuột mọi thứ kín trên người vào mặt nhau. Rồi họ mổ, xẻ cái xấu của cô Nhi, của anh Phú, những cái xấu họ thích sao nghĩ vậy. Bà Đăng bảo cô Nhi là gái đổ đốn, chuyện vợ chồng mà coi như trò bịt mắt bắt dê, không chửa hoang thì rồi cũng cô quạnh. Bà Cựu độc địa hơn, bảo anh Phú là loại người đào mả tổ tiên lấy xương cốt đổi chác chức quan, là thứ lươn chạch rúc bùn, rúc cứt...
Cô Nhi phải kéo bà Cựu ra về. Dường như hai người đàn bà, bà Cựu và cô Nhi ấy, hả lòng hả dạ lắm, mặt họ đỏ bừng và có cái gì đó tỏa ra từ sắc thái đỏ bừng ấy làm tôi thấy vui vui.
2
- Những gì xẩy ra sau đó? - Anh Hải, đại đội trưởng, người từng nhận làm dượng tôi, cho dù anh chưa một lần gặp cô Nhi như không chịu được sự im lặng của tôi, cất tiếng hỏi.
Tôi và anh ngồi trong cái hang đá, vòm hang màu xám tỏa những làn hơi lạnh mờ mịt. Bên ngoài cửa hang thì nắng chói chang, khói những đám cháy rừng bay vẩn vơ, cái thứ vẩn vơ không gợi nhàn tản mà gợi buồn lo. Tôi và anh sống với nhau ở biên giới này đã hai năm. Anh cởi mở, chân thật đủ cho tôi tin, kể hết mọi chuyện mà không chút băn khoăn giữ ý, giữ tứ gì. Thì chẳng đã xảy ra chuyện những người giấu tiểu sử của mình sợ người khác biết sẽ ảnh hưởng tới thành tích đó sao. Có lần anh nói với tôi: "Mẹ nó, giấu như mèo giấu cứt. Mèo giấu cứt, người ta không thấy cứt nhưng mà nghe mùi thối hoăng". ấy là anh nói anh Ngụ giấu chuyện bỏ vợ đầu vì anh ruột vợ dại dột vượt tuyến bị bắt ở phía nam cầu Hiền Lương. Trách anh Ngụ sao đặng, khi mà người ta coi việc hát giọt mưa thu thánh thót rơi, chiều vắng u buồn nghiêm trang hơn nửa lá phổi trong lồng ngực bị đạn địch bắn nát.
- Kể đi! - Anh Hải lại giục.
- ừ... thì kể - Tôi nói, cảm thấy mệt mỏi, chẳng là tôi đã bày ra trên mặt đá lạnh trước mắt anh cả gia đình tôi, một việc làm quá sức tôi - Sau đó, em vào học cấp ba, trường học ở xa làng, phải ở trọ.
- Em cái con tườu. Chiến sĩ quân đội hẳn hoi, cứ phải xưng tôi, tôi là khẳng định cái cá nhân - Anh Hải bực bội.
Tôi nói tiếp:
- Một bữa, nghe tin làng bị Mỹ ném bom, về đến nơi thì nhà đã cháy, cha đã chết. Tôi bỏ học vào bộ đội. Cô Nhi đi thanh niên xung phong trước đó. Cô ở tổng đội 55 tận Vĩnh Linh nên không biết cha tôi mất. Mà biết cũng không thể về được, ngót 300 cây số mà. Mãi sau bảy lăm tôi và cô mới gặp nhau. Cô là đại đội trưởng, là đảng viên, còn Bí thư chi bộ nữa, nên cô chuyển ngành ngon ơ, chuyển sang làm báo. Cô không học trường lớp nào, nhưng cô là cây bút có tiếng ngay từ mấy bài báo in đầu tiên.
Anh Hải bỗng trầm ngâm. Cái vẻ trầm ngâm của những con người khỏe mạnh coi thường mọi thứ trên đời thật dễ làm ta mủi lòng.
- Vậy mà rốt cuộc là cái gì? - Tự nhiên người tôi run lên, da thịt giật giật.
Anh Hải đặt tay lên vai tôi lắc lắc:
- Thôi! Tôi cho cậu về xem rốt cuộc là cái sự gì trong mấy chữ "Cô cần gặp cháu" trong thư cô Nhi.
- Nhất định đã xảy ra chuyện gì rồi! Mẹ kiếp!
- Cậu quát nạt ai vậy?
Phải, tôi quát nạt ai cơ chứ? Khi còn một mình giữa vùng đồi vắng, có gió trời dịu mát thổi xào xạc trong những chùm lá cây hai bên lối đi, tôi ngẫm ra rằng, đấy là mình quát nạt một kẻ vô hình có khuôn mặt gớm ghiếc, cái bụng tà gian bao nhiêu là năm tháng lẽo đẽo theo tôi. Mỗi lần cơn giận dữ ào trào trong tôi thì nó biến mất, tôi nhũn người lặng lẽ nó hiện lên, lại lẽo đẽo chực chụp lấy tôi, phía đằng sau gáy, đè gục tôi xuống. Bất giác tôi vung một câu chửi tục, cũng chỉ để cho hắn nghe: "Đ. mẹ cái mặt mày". Chửi xong, ngượng, thấy mặt nóng lên. Tôi chạy. Rồi đi. Rồi chạy. Sau gặp một chiếc xe chẳng rõ là loại xe gì, được anh lái cho ngồi trên thùng. Trưa thì đến ga Hàng Cỏ. Người rồng rắn trước cửa bán vé. Vẩn vơ nghĩ cứ như thiên hạ chỉ mỗi việc đi tàu. Không ai nhường ai, không kể ưu tiên ưu phật. Ai cũng cần đi trước. Ai cũng mạnh và ai cũng có tiền. Cứ chen chúc, chửi bới, ném hết tục tĩu vào mặt nhau. Tôi lùi ra sân ga chịu thua như từng chịu thua trong mọi cuộc chen lấn, tranh giành, xô đẩy mà nghĩ rằng mình khôn ngoan, thức thời. Cách ấy đã biến tôi thành cái bóng mờ nhạt, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Thế nên cái xe tải lấy người về Vinh kiếm thêm tiền mở cả tấm ván chắn thùng chở khách mà tôi cũng không dám trèo lên để anh lái xe hét vào mặt: "Mẹ kiếp! Gốc chuối có đi thì nhanh chân lên, không biến!" Gốc chuối cũng chẳng sao, đời không ai coi khinh gốc chuối. Tôi tặc lưỡi và làm gốc chuối nép vào một góc trên cái sàn xe đầy bụi bặm và cứ chao lắc như động rồ. Xe dừng, tôi là người xuống sau cùng. Anh lái nhìn tôi rõ lâu, rồi nói:
- Chú em là bộ đội ở xa về, miễn tiền. Vất vả lắm à? Chú nhìn xem, trong lúc tôi thế này, chú thế kia mà thiên hạ vẫn nhởn nhơ chơi nhởi, ào ạt chơi nhởi. Nào, bắt tay một cái, trước lạ sau quen. Mà không có sau quen nữa thì kiếp khác. Thế nào rồi tôi và chú cũng thành đất, linh hồn tôi và chú bay lượn lại cụng nhau.
Đầu tôi đã ngổn ngang trăm mối, nghe thêm giọng lưỡi của anh ta, nó cứ ong ong, u u và nặng trĩu như đeo đá. Tôi nghĩ, thôi thì bỏ qua mọi chuyện bằng cách chỉ nhìn xuống mặt đường và mau mau về với cô Nhi. Tôi nhớ rõ lắm, cái cảm giác êm đềm xưa kia mỗi khi sà vào lòng cô hoặc là được bàn tay cô đặt lên đầu, lên vai. Bao nhiêu lần như thế, không nhớ rõ, nhưng mà nhiều, như cả đời.
Cô Nhi ở trong tập thể của cơ quan Báo N. Nó làm từ lâu lắm rồi, đã bao lần di dịch. Chiến tranh di dịch ra khỏi thành phố, về một vùng quê. Mỹ ném bom hạn chế di dịch lên rừng. Hòa bình năm 1975 lại di dịch về chỗ cũ. Tính tuổi ngôi nhà tròn mười một. Ba gian, gian giữa sụm xuống như bị gãy đòn dông. Mái lợp giấy dầu mốc da thằn lằn, những cây tre chống bão chằng ngang, buộc dọc lâu ngày quá bị gãy, tạo thành những hình thù kỳ dị trên cái mảng da thằn lằn ấy. Những bức phên nứa xộc xệch, có chỗ đứt lạt buộc đổ xuống co quắp để lộ những mảng trống tối om. Cánh cửa chính bằng sàn gỗ, mọt ăn lẹm từng mảnh khiến tôi nghĩ tới tấm lưng bị bỏng na pan. Gió reo u u đâu đó, tôi tưởng ra rồi một ngày kia người ta đưa ngôi nhà này vào viện bảo tàng và khách trong nước, khách nước ngoài tới xem nó như một chứng tích về sự chịu đựng của người nước ta trong chiến tranh đánh Mỹ. Biết đâu rồi trong ngôi nhà thành di tích ấy...
Tiếng kẹt cửa cắt ngang ý nghĩ vớ vẩn không lấy gì làm nhẹ nhàng của tôi. Cô Nhi hiện ra. Tôi nhận ra cô trước cả khi nhìn thấy khuôn mặt quen thuộc của cô.
Cô đi nhanh ra sân, về phía tôi, vừa đi vừa kêu lên mừng rỡ:
- Thằng Thái của cô. Chao, nó chững chạc, oai vệ thế này!
- Cô Nhi... - Tôi lúng búng, tiếng nói mắc nghẹn trong cuống họng. Khuôn mặt xinh đẹp của cô mờ nhòa dần trong mắt tôi. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Cô Nhi xuýt xoa, cô nói nhiều, tôi nghe câu được câu chăng. Rồi chúng tôi buông nhau ra. Hơi thở và hơi da thịt của cô vẫn ấm nóng trên ngực tôi. Cô mở rộng cánh cửa. Bột gỗ do mọt nghiền ra rơi lả tả trên tà áo cô. Gian phòng trống trải, một cái bàn, một cái ghế, một cái tủ gỗ một cánh, ba cái thùng đựng lương khô đã rỉ nâu. Một cái giường rộng rãi sạch sẽ và chẳng hiểu sao tôi cứ nghĩ rằng nó mới đóng, còn thoảng mùi gỗ thơm phức.
Tối ấy, cô dẫn tôi ra phố. Chúng tôi vào một nhà hàng nhỏ kề bên một hồ nước. Khá đông người cạnh những cái bàn tròn, ồn ào và sặc sụa đủ thứ mùi, mùi thơm, mùi hăng hắc, mùi thum thủm. Tiếng cười nói, tiếng cốc chén chạm nhau, tiếng xê dịch bàn ghế, tiếng nhạc giật cục trong cái đài to tổ bố đặt trong góc nhà làm tôi khó chịu, chẳng biết từ bao giờ tôi đã khó chịu những thứ ấy, nhưng tôi vẫn vui vẻ chọn một cái bàn trống cho hai cô cháu. Cô bảo, tôi ăn gì thì gọi. Tôi cũng bảo, cô ưng gì thì gọi. Cuối cùng thì trên bàn toàn là thức ăn quê mùa: Canh cua nấu khế, cá tràu kho mật, lươn bọc lá lốt, rau muống xào tỏi, nước mắm ớt, vừng đen giã nhỏ. Thì ra cái cốt cách ăn uống ở làng còn đậm đặc lắm trong cô cháu tôi. Thế là hay, hay dở, không biết mà cũng chẳng cần biết. Có khối người thích cái này cái nọ nhưng lại không theo cái thích ấy, vì thấy chung quanh mình thiên hạ không thích như mình.
Mặt cô Nhi nhuốm buồn. Rồi nói, giọng cũng buồn, day dứt nữa:
- Lương của cô mỗi tháng được mấy chục đĩa cá kho này? Hai chục hay ba? Còn tiền mua năm cân gạo với tám cân hột bo bo. Chiến tranh qua, đất nước khó khăn là lẽ đương nhiên. Nhưng cái khó nó kéo dài lâu quá, nên mỏi mệt. Những người hết mình với công việc, không ăn cắp của nhà nước, không lừa trên, dối dưới, không móc ngoặc, đổi chác thì đời sống thật khó khăn. Ăn sáng lo trưa, ăn trưa lo tối, rồi nhà cửa, vợ con... Cái đầu ai cũng chia ô, chia khoảnh ra mà tính toán, lấy đâu ra tư duy, sáng tạo. Thành phố thì tràn ngập một loại người, hoặc từ nông thôn ra, hoặc từ thị tứ, thị trấn đến, không hộ khẩu, không nghề nghiệp, không cần tên gọi. Họ buôn bán, đổi chác. Anh dân nghèo, anh cán bộ bị họ túm tóc lên mà lắc mà quay như con quay - Cô im bặt, chợt cười rồi tiếp - Cô xin lỗi. Ai lại nói những điều trên vào lúc này, Thái nhỉ?
Tôi cố nén để không buột ra câu hỏi về sự gì vừa xảy ra mà cô cần có tôi ở kề cạnh. Tôi sợ chút vui gặp gỡ nó mất đi. Rồi tôi ngợ ra rằng, cô nói những điều ấy là bắt đầu vào cái sự kia. Thế nên tôi giục:
- Cô nói nữa đi... cháu đang muốn nghe.
- ờ... ừ... - Cô đăm chiêu, cắn cắn cái tăm tre giữa hai hàm răng trắng, đều tắp. Đoạn, nói - Về nhà thôi cháu. Về nhà cô sẽ kể cháu nghe nhiều chuyện, những chuyện chỉ kể được trong sự im lặng.
Vậy là rồi cô Nhi và tôi ngồi giữa sân, trong sự yên lặng như cô nói. Đêm đã rụng sương, dịu mát. Trên trời vầng trăng lúc ẩn lúc hiện sau mây xám, sao thì nhiều vô kể, không gian bàng bạc. Tôi hít sâu không khí vào lồng ngực, nghĩ rằng tiếng chuột cắn nhau chí chóe dưới chân vách cạnh chỗ tôi và cô Nhi ngồi chỉ là do tôi tưởng tượng lông bông mà ra.
- ở quê có nhiều đêm thế này, nhiều nên không ai để ý - Cô Nhi nói, tôi nhận ra giọng cô vẫn trong trẻo, dịu dàng chắc cô chỉ dành cho riêng tôi chứ thiên hạ nháo nhào khác xưa làm sao cô dùng cái giọng ngày xưa.
Cô kể, hồi xưa nơi đây đông đúc, vui vẻ và đầm ấm lắm. Người độc thân, hộ gia đình ở cách nhau một bức vách, chung sân, chung giếng. Ngày liền đêm khắp nơi rộn tiếng máy chữ lạch cạch và tiếng lật giấy lạt xạt. Rồi nhà nước xây xong khu nhà dân dụng, cơ quan Báo được phân hai mươi mốt căn hộ. Hai mươi hai người, hai mốt căn hộ. Cô độc thân, cô là con gái. Con gái thì sớm muộn gì cũng có chồng. Thuyền theo lái, gái theo chồng. Người ta lý luận cái chuyện cô ở lại nhà cơ quan vậy. Một cuộc chuyển dời ồn ào. Năm ngày sau còn mỗi cô với ngôi nhà. Những ngôi nhà khác được bán nhanh chóng, được tháo dỡ chớp nhoáng. Thay vào đó là nhà gỗ mít, nhà xây gạch. Những khoảng đất trống bị dân chung quanh, cả những người không rõ tung tích chiếm đoạt. Thật là quân hồi vô lệnh. Rốt cuộc, một khu dân cư mới ra đời. Chen chúc đủ loại: Cán bộ vật tư nông nghiệp, vật tư thủy lợi, vật tư hải sản... Người buôn đường ngắn, đường dài, người làm nghề thủ công, cầu thủ bóng đá, diễn viên sân khấu... Khối người đứng một chân trong cơ quan để giữ cái sổ gạo, cái phiếu thực phẩm, nhì nhằng cho đến cuối đời về hưu, chân kia khua khoắng ba phương, năm hướng để kiếm tiền. Ngỡ như không ai biết ai, chẳng ai nhìn ai, mải tính việc cả trong cơn ngủ. Cô lọt thỏm, bị đóng đinh trong cái phố chẳng ra phố, làng chẳng ra làng ấy. Nhiều lần cô tính chuyển đi nơi khác nhưng chỉ thực hiện được trong suy nghĩ, trong mơ ước. Khu dân cư ư? - Cô là kẻ độc thân. Cơ quan ư? - Chỉ dành để làm việc. Xin mảnh đất ở một làng ven thành phố ư? - Lại chưa là hộ gia đình. Sửa lại ngôi nhà cơ quan cho cao to ư? - Cô không có tiền. Mọi tính toán cựa quậy trong đầu cô một dạo, rồi mệt mỏi, im thít. Còn chuyện cơ quan riềng néo nữa. Cô là cái gai trong mắt ông Tổng biên tập mới. Mà khi thủ trưởng coi cô là cái gai thì người trong cơ quan né tránh cô với cảm giác vừa hư vừa thực về những cái gai trên con người cô. Cô vờ như không biết. Rồi không chịu được cái sự vờ của chính mình, cô thể hiện cái tính cách cứng cỏi, bất cần. Nào cô làm được gì. Giống như kẻ lơ lửng chân không bám đất, cật không chạm trời.
Cô đột ngột hỏi tôi:
- Cháu nhớ Nguyễn Hoàng Phú không?
- Phú làng Đông? - Tôi hỏi.
- Phải chính hắn.