Ông nội tôi có hai vợ. Bà đầu người làng Đông, bên kia sông Nghèn, con gái út cụ Lý Nhu. Lý là gọi tắt cái chức tước chính quyền phong kiến bán cho ông mười hộc lúa và 50 quan tiền kẽm. Họ của cụ là Hoàng. Nên bà nội tôi mới mang tên Hoàng Thị Mỹ Anh, một cái tên đẹp nhưng không thuận miệng dân làng. Người làng tôi, tên tuổi cứ là nôm na theo những cái mắt thấy tai nghe quẩn quanh bao đời: Mít, Bưởi, Chanh, Cam, Cò, Vạc, Vện, Nghê, Thóc, Lúa... vừa dễ gọi vừa gần gụi. Tên đẹp làm gì khi vào bốn dài hai ngắn mà chưa biết cái phố huyện nó cao thấp, béo, gầy ra làm sao, khi cái mặt mũi chân tay đến ngủ còn lấm lem bùn đất và sặc mùi cứt bò, cứt lợn! Người ta nói vậy. Bà có nghe không, không biết, chỉ thấy bà cứ vui vẻ, sạch sẽ, xởi lởi với mọi người. Người có học ai chẳng khôn, mà bà tôi biết cả chữ Hán, chữ Quốc ngữ thì hẳn là biết cách cư xử rồi. Mấy năm ăn ở với ông tôi bụng bà vẫn cứ đuồn đuỗn. Thời ấy, đàn bà không có con ngang bằng mụ Râu đỏ độc ác trong truyện cổ. Ông tôi buồn. Đã hai đời độc đinh rồi, chẳng lẽ đến đời ông là xong, là chấm hết dòng họ Trần. Bà Anh đẹp vậy, dịu dàng vậy mà ông tôi cũng không vui lên được, cứ âm thầm, lặng lẽ và động một tý là cáu kỉnh. Thế nên bà Anh bỏ về với cha, lấy lý bảo để chữa bệnh vô sinh. Bấy giờ là đầu năm 1920. Cuối năm ấy ông tôi bỏ làng ra làm việc ở đồn điền của một người Pháp tên Xi dê chuyên trồng phi lao ven biển Nghi Xuân. Một thời gian sau, bao nhiêu năm không biết nữa, ông tôi về làng với một người đàn bà khác. Bà Năm. Bà Năm cùng làm phu trồng phi lao với ông. Bà mang thai cha tôi thì ông tôi lại bỏ đi, không phải đi làm thuê cho Xi dê mà gia nhập nhóm Việt Nam độc lập ở Hương Khê. Đến năm 1928, ông vào Đảng Tân Việt. Được mấy tháng thì bị khai trừ vì người ta tìm ra mối quan hệ giữa ông và cụ Lý Nhu đang làm việc cho chính quyền thực dân phong kiến. Cái quan hệ bố vợ - con rể nó gần gũi lắm, thông hiểu nhau lắm. Người ta nghi ngờ ông đã ăn bả thực dân thời làm ở đồn điền trồng phi lao, việc vào Tân Việt là ngoắt ngoéo lắm. Ông trở về làng, tóc bỗng bạc trắng, tính tình khác hẳn. Ông vừa vỡ nhẽ ra cái gì đó, rồi đầu óc cứ bận ngẫm về cái đó, trở nên âm thầm như một gốc cây. Cái sự âm thầm của ông lây sang cả bà Năm, cả nhà cửa vườn tược, cả chó, mèo trong nhà.
Cha tôi vào tuổi mười sáu. Bấy giờ Nhật - Pháp đánh nhau, phong trào Việt minh rầm rộ khắp nơi. ở làng tôi, thỉnh thoảng xuất hiện những người lạ mặt. Người ta đồn Pháp và Nhật sắp về nước, chỉ còn Việt minh người của ta.
Bà Năm lại ở cữ. Trong nhà ngoài ngõ thơm lừng khói vỏ bưởi khô. Lần vượt cạn ấy, bà suýt chết. Đàn bà bốn mươi tuổi sinh nở cũng như lúa chét trổ bông, nó khó khăn lắm vì không còn màu mỡ nữa. Thế nên cô Nhi sinh ra nhỏ tí, khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm.
Một hôm, cụ Lý Nhu đến nhà tôi. Cụ Nhu vẫn giắt cái túi đựng triện trong cạp quần nhưng đã biết cái sự mong manh của nó lắm. Cụ lựa lời mãi mới nói với cha tôi: "Cái duyên số con gái tôi với anh nó ngắn ngủi. Không là vì anh, không là vì con nhưng tôi vẫn thấy ra có lỗi với anh vì giọt máu của tôi không biết sinh ra giọt máu". Ông tôi nói: "Cụ đừng nói thế. Sao lại là lỗi ở cụ. Nói thế thì con không yên dạ nổi đâu". Cụ Nhu nói: "Con đã nói thì cho qua chuyện cũ vậy. Đời một giây một chuyện mới, giữ chuyện cũ lại thêm nặng nề đời". Rồi cả hai trở nên vui vẻ, thoải mái hẳn. Cuối cùng thì cụ Lý cũng thả ra cái ý định của mình, thả ra một nửa thôi, cụ nói: "Tôi có con cháu họ là sinh viên trường thuốc, bỏ học về nhà vì tình hình chính trị ở Huế không yên, cháu nó xinh người đẹp nết. Muốn nó thành con dâu ông..." Ông tôi, như đã biết trước người con gái xinh người đẹp nết kia, cũng có thể hình bóng bà Anh còn hiển hiện trong lòng ông, mới nói là rất mừng. Cái nửa còn lại của ý định cụ Lý Nhu, ông tôi, cha tôi không nghĩ tới là việc hôn nhân ấy mà thành, cụ Nhu sẽ có con rể là Việt minh. Cha tôi, đội trưởng tự vệ là cái bóng trùm che lên chữ lý trưởng trong lý lịch cụ. Thế rồi đám cưới cha tôi với mẹ tôi được tổ chức, vẫn trầu cau, mâm cỗ, người già vẫn áo dài, khăn đóng nhưng thanh niên trong làng lại hát "cùng nhau đi hùng binh". Đám cưới được vài tuần trăng thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Rồi tôi ra đời. Cha và mẹ tôi bận nhiều việc, những việc có tên và không tên của làng, xã bắt đầu bước vào cửa chế độ mới. Cô Nhi lên sáu tuổi oặt oẹo hông bồng bế tôi.
Là kể qua về đời ông, đời cha để bắt vào câu chuyện cho nó có nguyên, có cớ...
* *
Từ thuở nào làng tôi đã mang tên Thượng Cồn, cái tên nghe qua đã thấy nhói cộm trong đầu. Người có chữ bảo, đấy là kiểu ghép chữ vớ vẩn như trẻ con chăn trâu sắp gốc rạ làm nhà. Thượng đã là cao rồi còn cồn nữa thì hết chỗ bàn. Mà có ai bàn. Bao nhiêu cái tên gọi trong làng, trong xã có từ thuở nào cứ thế mà gọi, như khoai luộc chín trong sảo cứ thế mà ăn. Sinh ra có bàn tay, bàn tay có năm ngón, nào ai đã hỏi sao lại gọi là tay, là ngón. Cha tôi nói, cái tên Thượng Cồn cô đặc mơ ước của dân làng. Chả là làng tôi năm ít nhất cũng hai lần ngập lũ. Dân làng da dẻ cứ bờn bợt ra. Sau lũ cả làng nhuộm bùn. Rồi đói xơ xác. Rồi chết. Chết sau lũ vẫn còn sướng hơn chết trong lũ. Chết trong lũ không có đất mà chôn. Để lâu không được vì hôi thối, vì người sống không chịu nổi nỗi đau khi ngồi cạnh người chết. Đã có chuyện buộc đá vào quan tài cho chìm xuống huyệt. Lại có chuyện, ngày chôn cất, đêm lù lù trôi về đầu ngõ, trôi vào trong sân nguyên cả cái quan tài. "Cái thế đất thấp phải chịu khổ vậy, khổ lâu quá. Nên đổi tên làng. Chẳng tích sự gì.
Một hôm, từ câu chuyện đất đai, làng mạc, cha tôi nói:
- Sau cái đận bị gạt khỏi đảng Tân Việt, ông nội các con làm mỗi việc đào đất nâng cao nền nhà, nâng cao vườn. Cái ao trước ngõ ấy là do ông nội đào. Ông đào một mình. Đến đời cha, cha lên núi lấy đá về xây cổng, bó nền.
Mãi sau này, dân làng tôi còn kể chuyện cha tôi gánh đá trên núi Sạc Sơn về nâng cao nhà như kể chuyện cổ tích. Cũng mở đầu: Ngày xưa có một ông... Tình tiết chuyện thì ít nhưng không thiếu thứ hư hư, thực thực, từ ánh trăng, con đường lờ nhờ, lửa ma trơi lập lòe, tiếng đòn gánh kẽo kẹt như ma đưa võng, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy ngứa rặm... cái bóng cha tôi lùi lũi, ẩn hiện. Kết chuyện hệt ngụ ngôn: Nhờ siêng năng cần cù nên từ ấy, lũ lụt không bén mảng tới nhà tôi, chỉ đến thăm nhà thiên hạ.
Cha tôi thì bảo:
- Hồi ấy cha buồn quá, buồn trong ngực và buồn cả tay chân, bèn kiếm cái việc gánh đá. Xem ra cha đã làm ông khổng lồ như trong sách cổ.
Phải nói cha tôi là người hay đọc sách. Những quyển sách quăn mép, giấy vàng, chữ mờ có từ thời cụ kỵ, ông bà nhà tôi. Nhưng tuyệt nhiên ông không đưa nguyên lời trong sách dạy chúng tôi. Ông cứ nôm na, dễ hiểu. Chuyện cao siêu đâu trong trời đất, sâu mờ của xã hội đất nước, đảng phái, cái lạ lùng của công việc xã... ông đều tìm được cái tay sờ mắt thấy được để ví von. Tỷ như hợp tác xã nông nghiệp cha bảo giống cái giỏ, dân làng là những con cua đồng... Lần tôi hỏi xã là gì, huyện là gì, thì ông cả cười mà rằng: xã, huyện, tỉnh là cái nhà, dân ăn, ngủ... trong ấy. Nhà che chắn cho họ.
Tôi há hốc mồm mà nghe, còn cô Nhi thì cứ tủm tỉm cười. Cô cách cha tôi gần hai chục tuổi, nên chỉ hơn tôi năm tuổi. Trước, cô ở với bà Cựu Thân. Chồng bà Cựu là em ruột ông nội tôi. Bà Cựu không có con, ông Cựu thì mê tổ tôm, suốt ngày đêm vắng nhà, bà mới xin ông tôi được nuôi cô Nhi. Ông Cựu mất, cô Nhi về ở với bố mẹ tôi. Mẹ tôi mất, cô trở thành người số một chăm lo, thu vén gia đình. Bố tôi ngày mỗi lười. Là tôi nghĩ bụng thế, cái ý nghĩ nảy ra từ tình cảm gắn bó với cô Nhi. Chả là cô Nhi chăm chút cho tôi, nói sau khi vả vào miệng mình, còn hơn cả mẹ tôi chăm tôi. Sáu tuổi, tôi cao bằng cô. Tay chân săn chắc hơn tay chân cô, vậy mà cô dội nước giếng đất trong vắt, mát lạnh ngọt lịm và có mùi thơm nữa, tắm cho tôi, kỳ cọ từ kẽ ngón chân lên bẹn, lên vành tai khiến da thịt tôi rân rân, có đến ngàn đời sau chưa chắc đã quên nổi.
Ngày ba tháng tám, làng tôi như động mồ, động mả, cứ nghe tiếng chửi đằng đông, rồi tiếng quát tháo đằng tây, lại ồn ào phía nam, lao xao phía Bắc, ngơ ngẩn nghĩ, người làng tôi chỉ còn mỗi miệng, những cái miệng đủ hình đủ cỡ phát ra đủ loại từ ngữ từ thơm tho đến thối khẳn. Sự đầm ấm, êm đềm như nhà tôi không nhiều. Cũng chẳng phải nhà tôi không bị cái khó bó cái khôn nên tính xấu trong con người ngủ quên, mà bởi chúng tôi thật thương nhau. Nhiều người sau những trận cãi cọ, chửi bới nhau, mặt mũi phờ phạc thốt lên rằng: "giá sống tử tế được như nhà ông An!" (An là tên cha tôi).
Một sáng, tôi vừa ngủ dậy đang đứng đái ở góc sân, thích thú nghe tiếng nước trong người mình chảy riu riu trên lá cà, thì con chó mực sủa lên nhanh nhách, tôi ngoảnh lại thấy ba người xồng xộc đi vào nhà. Nét mặt hằm hằm, mặt đỏ phừng của họ khiến cái tiếng riu riu thích thú kia tắt ngấm. Tôi nhận ra anh Kinh, anh Phôi từng đến nhà tôi đánh cờ tướng và uống rượu suông. Còn người thứ ba thì lạ hoắc. Người lạ hoắc đọc điều gì đó nơi tờ giấy căng giữa hai bàn tay. Rồi cha tôi và cô Nhi ra khỏi nhà. Cha tôi và cô Nhi không nói gì nhưng tôi đọc thấy nỗi kinh hoàng trong mắt họ. Cuối cùng, cô Nhi nắm tay kéo tôi theo, tôi không dám mở miệng, dù trong đầu tôi căng nhức những câu hỏi. Người ta dẫn chúng tôi đến nhà ông Tứ Say. Anh Kinh gừ gừ:
- Vào đi! Ăn sung mặc sướng nhiều rồi, cao ráo lắm rồi, giừ ở nhà nông dân cho thấm thía cái khổ cực, hí.
Cánh cửa đóng lại sau lưng chúng tôi. Tôi cảm thấy như bị rơi, hệt cảm giác những lần đứng trên cầu tre nhảy xuống sông tắm. Khác là tôi không chạm vào nước, nước không chùm lên tôi. Mặt đất thì nhớp nháp. Khoảng không thì lờ mờ sặc mùi ẩm mốc lẫn mùi cứt chuột cay cay. Không ai nói gì. Bàn tay cô Nhi xoa xoa bờ vai tôi như thay cho lời muốn nói.
Trưa ấy có ai đó vứt qua cái cửa vào cho chúng tôi một chiếc chiếu, một cái nồi nhôm méo không nắp đậy và một nắm khoai khô gói trong mảnh ni lông rách. Cái nồi, gói khoai nằm lăn lóc giữa nền nhà. Còn bụng dạ nào mà nghĩ đến cái ăn. Biết là bị đuổi ra khỏi nhà, nhưng mà vì sao? Cũng như không biết bố tôi đang nghĩ gì, cô Nhi đang nghĩ gì. Họ ở trước mắt tôi đấy, thật đấy mà như bóng ảnh, gần gang tấc mà cứ như tít mù đâu đâu. Mệt bã người, tôi ngã xuống chiếc chiếu. Trong giấc ngủ, tôi mơ nhưng không thể kể được là mơ thấy cái gì, nó lộn xộn, nó mất đuôi, cụt đầu. Lúc tôi tỉnh dậy, bốn phía chung quanh đen như mực. Tiếng cha tôi phát ra từ một chỗ nào đó trong bóng đen nên nó nặng trĩu và cũng khó nghe ra rõ ràng, hoặc nghe mà không hiểu được nghĩa. Cha tôi bảo, gia đình tôi bị quy địa chủ. Nhưng địa chủ là cái gì, mà đột ngột từ nhà tôi sang nhà ông Tứ Say chỉ khoảng giập miếng bã trầu.
Cha tôi nói:
- Em về bên nhà bà Cựu đi Nhi ạ. ở với anh, em bị liên lụy.
- Không - Cô Nhi đáp.
- Chịu cái khổ làm gì khi còn lối thoát - Cha tôi tìm cách thuyết phục.
Cô Nhi lại nói, giọng lẫn trong tiếng khóc:
- Cho em ở lại. Còn cháu Thái, nó thương em, em thương nó.
- Thì tùy em - Cuối cùng cha tôi nói. Rồi thêm - Chẳng sao đâu. Mấy đời nhà ta sống phúc đức, sẽ gặp nhân nghĩa thôi.
* *
Cha tôi ít đi khỏi nhà, thường ngồi ngó mông ra vườn chỗ lơ thơ mấy bông hoa giong riềng như những ngón tay út chĩa lên trời. Ông ngồi, cái dáng bất động như đã chết, như chung quanh ông đã chết. Tôi nhìn cha và cảm thấy nỗi đau ông đang chịu như tảng đá mắt thường không thấy được, đang đè nặng lên người ông. ờ thì là nỗi đau. Nhưng còn cô Nhi, còn tôi? Còn cái ăn cho chúng tôi? Tôi muốn hét lên với cha điều đó. Nhưng lời nói của tôi ì ọp trong biển nước mắt đâu đấy không thoát ra được. Ngày hai lần cô Nhi ra đồng, lần nào về cũng có cái ăn, khi thì vài củ khoai, khi thì gói gạo. Vậy mà ngày qua ngày, chúng tôi như từng sống thế lâu lắm rồi, từ thời nảo nào rồi.
Đêm ấy tôi đang ngủ chợt tỉnh vì tiếng ầm ĩ. Mở mắt là thấy lửa đuốc trôi lơ lửng vào sân. Rồi thấy cửa mở. Người ta nói gì đó, tôi nghe mà không hiểu. Nỗi sợ hãi làm cho đầu tôi mù mịt, ngơ ngẩn. Tôi bíu vạt áo cô Nhi, chạy theo cô, hai cẳng chân như không phải bước trên mặt đất mà là trôi trên tiếng trống, tiếng mõ, tiếng hò hét, ánh lửa đuốc chập chờn. Lờ mờ trong trí nhớ của tôi con đường đất tôi đang chạy, hai bên nó mơn mởn cỏ xanh, cào cào đạp cánh tanh tách trong đám cỏ xanh ấy và cánh chúng cũng nhuốm màu xanh. Còn trong quầng sáng vàng của ánh đuốc, lúc này lố nhố những đầu người đang lăn đi, lăn lại húc vào nhau kia có một cây giới quả vàng mọng, xúm xít chim chào mào. Những mảng nhớ kia bỗng chốc tan biến không để lại chút dấu vết khi tôi thấy cha tôi treo lủng lẳng dưới cây giới, ngực và bụng phanh trần, trắng lóa lên. Người xúm đen, xúm đỏ, tay khua khoắng một cách khó hiểu. Tôi nhận ra, như từ trí nhớ, những người láng giềng. Ông Tứ Say, miệng móm mém, hai cái răng cửa cứ lập bập mỗi khi trông thấy rượu. Bà Đăng môi ăn trầu đỏ màu tiết đông, cái mũi hếch, lỗ mũi lúc rộng lúc hẹp như được làm bằng hai ống cao su nối với một quả bóng nhựa trong lồng ngực lép kẹp. Anh Vằng kệ nệ cái sắc cốt đựng giấy loại và một tấm ván xoan dày hai phân, mặt ván chi chít chữ ký loằng ngoằng, nhiều dạng kiểu vì anh tập hàng năm ký tên mình để được một chữ ưng ý. Anh Phú, bạn thân cô Nhi, từng ri rích dưới gốc chuối sau nhà tôi, một thanh niên đẹp trai, da trắng như bôi vôi, trát phấn.
Cô Nhi sững lại. Tôi thấy khuôn mặt cô méo xệch, nghe tiếng tim cô đập trong đầu mình thình thịch. Tiếng cô cũng như phát ra từ đâu đó trong đầu tôi: "Quốc dân Đảng, con rể Lý trưởng..." Tôi giật mình, sau gáy tóc rân rân dựng lên. Rồi như có ma ám, tôi nghe thế và tưởng tượng ra cha tôi dắt súng sau vạt áo luồn lách trong rừng cây phía sau trụ sở ủy ban xã... Cô Nhi kéo giật tay tôi:
- Về - Cô nói. Lần đầu tiên cô gắt gỏng, cụt ngủn và không cả nhìn vào mặt tôi. Được một khoảng, thêm
- Chỉ còn o cháu ta, Thái à.