Trên con đường núi, có một bé gái vừa đi học về. Vừa đi vừa hát. Lá những cây sơn đã ngả màu vàng. Trên tầng hai của nha khí tượng, những tấm kính mở toang như không hề biết đến ngọn gió thu. Từ trên đường, ta có thể trông thấy vai của những người thợ đang làm việc lặng lẽ.
Trong tán lá xanh, người đưa thư ngồi xuống, ra sức nhấn ngón tay cái vào chiếc vớ cao su đã bị rách. Anh đang chờ người con gái nhận hàng quay trở lại.
- Phải chiếc áo Kimono đó không?
- Phải rồi.
- Tôi cũng nghĩ thế khi chiếc áo được gửi tới.
- Ghét chưa kìa. Làm như thể anh biết hết về tôi vậy.
Nàng đang mặc chiếc áo mới, vừa lấy trong gói giấy dầu. Ngồi trong tán lá xanh, nàng phủi vết nhăn nơi đầu gối.
- Em biết sao không? Bởi vì tôi đã đọc hết những bức thư gửi tới em và những bức thư em gửi.
- Anh nghĩ là tôi nói thật lòng mình trong những bức thư hay sao? Đâu phải như trong kinh doanh.
- Tôi không nghĩ trong kinh doanh phải gian dối như cô.
- Hôm nay có bức thư nào cho em không?
- Không.
- Cả những bức thư không dán tem?
- Tôi đã bảo là không rồi mà.
- Cái mặt kì chưa kìa. Tôi đã giúp anh tiết kiệm tiền đấy chứ. Nếu sau này anh có làm sếp, anh có thể ban hành luật gửi thư tình không cần dán tem. Nhưng bây giờ thì không được. Anh viết thư tình cho tôi cứ như là bánh đậu đỏ bị thiu vậy. Rồi anh gửi cho tôi mà không dán tem, chỉ bởi vì anh là người đưa thư. Trả tiền phạt đây. Tôi muốn lấy tiền tem. Tôi đang thiếu tiền lẻ.
- Phách lối quá nhỉ.
- Đưa tiền đây.
- Chẳng thể nào khác được.
Người đưa thư lấy từ trong túi ra một đồng bạc rồi ném về lùm cây xanh. Anh đóng lại dây kéo của chiếc cặp da rồi đứng dậy.
Một người thợ mang chiếc áo sơ mi chạy xuống cầu thang. Anh có giác quan nhạy bén như Đức Chúa Trời. Một vị Chúa trời buồn ngủ vì chán nản loài sinh vật Ngài đã tạo ra. Anh nói:
- Tôi nghe có nghe tiếng tiền rơi. Bà chị cho tôi mượn đông năm mươi sen đó đi.
- Không được. Đây là tiền mua kẹo.
Cô gái nhanh nhẹn lượm đồng bạc lên và nhét vào đai áo kimono.
Một đứa trẻ chạy trên đường, quay chiếc vòng vàng làm nên thanh âm mùa thu.
Cô bé bán than đang gánh than xuống núi. Nàng mang một cành hồ đào lớn như Đào Thái Lang xuất binh thắng trận trở về. Những trái đào hồng đẹp đến nỗi trông như cây san hô lá xanh. Nàng mang than và cành hồ đào đến tạ ơn người bác sĩ trong làng.
- Chỉ có than thôi, được không ạ?
Cô bé nói với người cha đang nằm bệnh trên giường, lúc gánh than ra khỏi nhà.
- Hãy nói với bác sĩ ngoài than ra, cha con ta chẳng còn gì.
- Nếu đây là than cha đốt thì tuyệt xiết bao. Đằng này là than do con đốt. Xấu hổ quá đi. Con đợi đến khi cha khoẻ rồi dậy đốt than nhé.
- Đi hái hồng trên núi đi.
- Vâng ạ.
Nhưng trước khi trộm hồ đào, cô bé đã xuống một vùng lúa chín. Màu đỏ tươi mát của trái hồ đào trên bờ ruộng thổi lên vẻ u sầu của dục vọng từ mắt cô bé.
Nàng đưa tay chạm vào cây. Cành cây bị cong nhưng không gãy. Nàng kéo cành bằng hai tay để đu lên cây. Bất ngờ một cành lớn bị gãy và cô bé ngã vật ra đất.
Cô bé đi vào làng. Vừa mỉm cười vừa ăn trái hồ đào. Lưỡi bị phồng rộp lên vì chát.
Các bé gái đi học về.
- Cho tớ với.
- Cho tớ với.
Cô bé mỉm cười, yên lặng chìa cành hồ đào như cây san hô. Năm đến sáu bé gái, mỗi người lấy một chùm quả.
Cô bé đã đi vào trong làng. Nơi tán lá xanh của nha khí tượng, có một người con gái.
- Trời. Đẹp nhỉ. Cành hồ đào phải không? Em đi đâu vậy?
- Em đến chỗ bác sĩ.
-Lần trước em đến đây để gửi cho bác sĩ cái giỏ mây phải không. Chúng đẹp hơn cả bánh đậu đỏ nữa. Cho chị một trái đi.
Cô bé đưa cành hồ đào. Khi đặt cành cây lên đầu gối nàng, cô bé buông tay.
- Chị lấy nó được không.
- Được.
- Cả cành và trái luôn chứ?
- Vâng.
Cô bé hết sức ngạc nhiên về chiếc áo mới của người con gái. Đỏ mặt, cô bé vội vàng chạy đi.
Người con gái nhìn cành hồ đào trải rộng hơn hai đầu gối nàng, ngạc nhiên hết sức. Nàng hái một trái, đưa vào miệng. Vị lành lạnh chua chua gợi cho nàng nhớ về quê cũ. Người mẹ gửi cho nàng chiếc áo này giờ không còn ở đó nữa rồi. Một đứa trẻ chạy trên đường, quay chiếc vòng vàng làm nên thanh âm mùa thu.
Người con gái lấy đồng bạc từ chiếc túi nằm sau cành san hô và đặt lên tờ giấy. Nàng im lặng ngồi chờ cô bé bán than quay trở lại trên đường về.
"Em không nghe mùa thu
Gió thu kêu xào xạc"
Nơi con đường núi, một bé gái đi học về, hát vang.
(1925)
HOÀNG LONG dịch