Có một tiệm đồ cổ nơi góc phố kia. Bức tượng Quan Âm bằng sứ đứng khoảng giữa con đường và cửa tiệm. Bức tượng mang dáng hình của một bé gái mười hai tuổi.
Mỗi khi xe điện đi ngang qua, làn da lạnh giá của bức tượng Quan Âm và cửa kính của cửa tiệm lại run lên nhè nhẹ. Mỗi khi đi qua cửa tiệm, tôi lại chạnh lòng nghĩ bức tượng dường như sắp ngả ra đường và tôi đã mơ:
Hình hài Quan Âm ngả vào người tôi. Đột nhiên vươn cánh tay dài, trắng và tròn trịa ôm lấy cổ tôi. Khi chạm vào làn da buốt lạnh của gốm sứ, sự vô cảm của cánh tay vô tri đã trở thành một sinh vật, tôi hoảng hốt lùi ra sau.
Bức tượng Quan Âm vỡ tan ra từng mảnh trên mặt đường không một tiếng vang.
Một người con gái nhặt lên các mảnh vỡ. Cô hơi cúi người xuống, vội vàng gom lại các mảnh vỡ gốm sứ lấp lánh đang tản mát ở mặt đường.
Kinh ngạc vì sự xuất hiện bóng hình của cô gái, tôi mở miệng như muốn thanh minh điều gì. Và tôi thức dậy.
Mọi thứ dường như đã xảy ra trong khoảnh khắc sau khi bức tượng Quan Âm vỡ tan.
Tôi cố tìm ý nghĩa cho giấc mơ này.
“Hãy đối xử với vợ ngươi như bình dễ vỡ”.
Câu thánh kinh này hay hiện lên trong tâm trí tôi từ đó. Tôi lúc nào cũng liên tưởng từ “bình dễ vỡ” với những đồ gốm sứ.
Và liên tưởng đến người con gái.
Cô gái trẻ dễ bị ngã lòng. Theo một cách nhìn nào đó, chính bản thân tình yêu đã là sự ngã lòng của cô gái trẻ. Tôi đã nghĩ theo cách như vậy.
Và trong giấc mơ tôi, phải chăng cô gái đang vội vàng gom những mảnh vỡ của chính sự ngã lòng của bản thân?
(1924)
HOÀNG LONG dịch