Các nhà kinh tế học có một cách làm kì khôi trong lập luận của họ. Theo họ thì có hai loại thiết chế, thiết chế nhân tạo và thiết chế của giới tự nhiên. Những thiết chế của giai cấp phong kiến là những thiết chế nhân tạo, còn những thiết chế của giai cấp tư sản là những thiết chế tự nhiên. Về mặt này, họ giống các nhà thần học là những người cũng phân biệt hai thứ tôn giáo. Tôn giáo nào không phải là tôn giáo của họ thì đều do con người sáng chế ra, còn tôn giáo của chính họ mới là vật sáng tạo [6] của Thượng đế. Khi nói rằng những quan hệ hiện tại - những quan hệ sản suất tư sản - đều là những quan hệ tự nhiên, các nhà kinh tế học muốn nói rằng đó là những quan hệ trong đó của cải được sáng tạo ra và những lực lượng sản xuất phát triển phù hợp với những quy luật của tự nhiên. Do đó, bản thân những quan hệ ấy là những quy luật tự nhiên, độc lập với ảnh hưởng của thời gian. Đó là những quy luật vĩnh cửu luôn luôn chi phối xã hội. Như vậy, từ trước đến nay đã có lịch sử rồi, còn bây giờ thì lại không còn có lịch sử nữa. Đã có lịch sử, vì đã có những thiết chế phong kiến và trong những thiết chế phong kiến ấy, người ta thấy có những quan hệ sản xuất khác hẳn những quan hệ của xã hội tư sản, tức là khác hẳn những quan hệ mà những nhà kinh tế học muốn làm cho người ta coi là những quan hệ tự nhiên và do đó, là vĩnh cửu.
Chế độ phong kiến cũng đã có giai cấp vô sản của nó - tức là nông nô, một đẳng cấp đã chứa đựng tất cả những mầm mống của giai cấp tư sản. Nền sản xuất phong kiến cũng có hai yếu tố đối kháng nhau, mà người ta cũng gọi là mặt tốt và mặt xấu của chế độ phong kiến, song người ta không tính đến một điều là cuối cùng mặt xấu luôn luôn thắng mặt tốt. Chính mặt xấu trong khi sản sinh ra đấu tranh thì tạo ra sự vận động làm nên lịch sử. Nếu như, trong thời kì thống trị của chế độ phong kiến, các nhà kinh tế học, phấn khởi về những đức tính k sĩ, về sự hài hoà tốt đẹp giữa quyền lợi và nghĩa vụ, về cuộc sống gia trưởng của các thành thị, về trạng thái phồn vinh của công nghiệp gia đình ở nông thôn, về sự phát triển của công nghiệp được tổ chức thành những nghiệp đoàn, hiệp hội và phường hội, cuối cùng về tất cả những cái gì cấu thành mặt tốt của chế độ phong kiến, mà tự đề ra cho mình vấn đề loại bỏ tất cả những cái gì làm tối bức tranh ấy đi - chế độ nông nô, các đặc quyền, trạng thái vô chính phủ - thì kết quả sẽ như thế nào? Người ta sẽ xóa bỏ tất cả những yếu tố cấu thành sự đấu tranh, và bóp chết từ trong trứng sự phát triển của giai cấp tư sản. Các nhà kinh tế học sẽ tự đề ra cho mình một nhiệm vụ phi lý là xóa bỏ lịch sử.
Khi giai cấp tư sản đã đạt được thắng lợi thì không còn vấn đề mặt tốt, cũng như mặt xấu của chế độ phong kiến nữa. Những lực lượng sản xuất do giai cấp tư sản phát triển dưới chế độ phong kiến, đều rơi vào tay giai cấp ấy. Tất cả những hình thức kinh tế ấy, chế độ chính trị, đều là biểu hiện chính thức của xã hội công dân cũ, đều bị đập tan.
Cho nên, muốn nhận xét đúng đắn nền sản xuất phong kiến, thì phải coi nó là một phương thức sản xuất dựa trên sự đối kháng. Phải vạch rõ sự giàu có đã sinh ra ở bên trong sự đối kháng ấy như thế nào; những lực lượng sản xuất đã phát triển như thế nào đồng thời với sự phát triển của sự đối kháng giữa các giai cấp; làm thế nào mà một trong các giai cấp, đại biểu cho mặt xấu, mặt tiêu cực của xã hội lại cứ lớn lên không ngừng cho đến khi những điều kiện vật chất của sự giải phóng của giai cấp đó đạt đến trình độ chín muồi. Phải chăng như vậy là đã nói khá đủ rằng: phương thức sản xuất, những quan hệ trong đó các lực lượng sản xuất phát triển, đều không phải là những quy luật vĩnh cửu, mà chúng thích ứng với một trình độ phát triển nhất định của con người và của những lực lượng sản xuất của con người, và bất kì sự thay đổi nào trong lực lượng sản xuất của con người đều tất phải dẫn đến một sự thay đổi trong những quan hệ sản xuất của con người? Vì điều quan trọng trước tiên là để khỏi bị tước mất những thành quả của văn minh, những lực lượng sản xuất đã đạt được, thì phải đập tan những hình thức cổ truyền trong đó những lực lượng sản xuất ấy đã được sản sinh ra. Từ lúc đó trở đi, giai cấp trước kia là cách mạng nay lại trở thành bảo thủ.
Giai cấp tư sản bắt đầu sự phát triển lịch sử của mình với một giai cấp vô sản, mà bản thân giai cấp vô sản này là một tàn dư của giai cấp vô sản của thời phong kiến. Trong quá trình phát triển lịch sử của nó, giai cấp tư sản tất phải phát triển tính chất đối kháng của nó, một tính chất ít nhiều bị che đậy trong buổi đầu của nó và chỉ tồn tại ở trạng thái tiềm tàng. Giai cấp tư sản càng phát triển thì cũng phát triển lên trong lòng nó một giai cấp vô sản mới, một giai cấp vô sản hiện đại: một cuộc đấu tranh phát triển lên giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, một cuộc đấu tranh, trước khi được hai bên cảm thấy, chú ý, coi trọng, hiểu được, thừa nhận và công khai tuyên bố, thì lúc đầu chỉ biểu hiện ra bằng những sự xung đột cục bộ và tạm thời, bằng những hành động phá hoại mà thôi. Mặt khác, nếu tất cả những thành viên của giai cấp tư sản hiện đại có cùng một lợi ích như nhau vì họ họp thành một giai cấp đối lập với một giai cấp khác, thì họ cũng có những lợi ích đối lập, đối kháng, vì họ cũng đối lập với nhau. Sự đối lập ấy về quyền lợi là kết quả của những điều kiện kinh tế của đời sống tư sản của họ. Vậy, càng ngày người ta càng thấy rõ hơn rằng những quan hệ sản xuất trong đó giai cấp tư sản vận động không có một tính chất nhất trí, một tính chất đơn, mà là một tính chất kép, rằng trong cùng những quan hệ ấy, sự giàu có được sản sinh ra thì sự khốn cùng cũng được sản sinh ra; trong cùng những quan hệ ấy, có sự phát triển của các lực lượng sản xuất thì cũng có một lực lượng sản sinh ra áp bức; rằng những quan hệ ấy chỉ sản sinh ra sự giàu có tư sản, nghĩa là sự giàu có của giai cấp tư sản, bằng cách không ngừng thủ tiêu sự giàu có của những thành viên cấu thành của giai cấp ấy và bằng cách sản sinh ra một giai cấp vô sản không ngừng lớn lên.
Tính chất đối kháng đó càng bộc lộ ra, thì những nhà kinh tế học, những người đại diện khoa học của nền sản xuất tư sản càng mâu thuẫn với học thuyết của chính họ; và trong hàng ngũ họ những trường phái khác nhau hình thành.
Chúng ta có những nhà kinh tế học định mệnh chủ nghĩa, là những người, trong học thuyết của họ, họ cũng thờ ơ với cái mà họ gọi là những mặt kém của nền sản xuất tư sản, chẳng khác nào bản thân những nhà tư sản, trong thực tiễn, cũng thờ ơ với những đau khổ của những người vô sản đã giúp họ kiếm được của cải như vậy. Trong trường phái định mệnh chủ nghĩa ấy, có phái cổ điển và phái lãng mạn. Những người cổ điển, như A-đam Xmít và Ricardo, đại biểu cho một giai cấp tư sản còn đang đấu tranh với những tàn dư của xã hội phong kiến, chỉ chú trọng tới việc gột sạch những dấu vết phong kiến trong các quan hệ kinh tế, tăng thêm những lực lượng sản xuất và mang lại cho công nghiệp và thương nghiệp một cao trào mới. Theo quan điểm của họ, giai cấp vô sản, tham gia vào cuộc đấu tranh ấy, bị thu hút vào hoạt động sôi động ấy, thì chỉ có những đau khổ tạm thời, ngẫu nhiên mà thôi, và bản thân nó cũng coi những đau khổ ấy là như thế. Những nhà kinh tế học, như Adam Smit và Ricardo, là những nhà sử học của thời đại ấy, họ không có sứ mệnh nào khác ngoài việc chứng minh xem trong những quan hệ của nền sản xuất tư sản, của cải được tạo ra như thế nào, diễn đạt những quan hệ ấy bằng những phạm trù, quy luật và chứng minh rằng những quy luật ấy, những phạm trù ấy, đối với việc sản xuất ra của cải, là cao hơn những quy luật và những phạm trù của xã hội phong kiến đến chừng nào. Theo họ, sự khốn cùng chỉ là sự đau đớn đi kèm theo bất cứ việc sinh đẻ nào, trong tự nhiên là như thế, trong công nghiệp cũng là như thế.
Những người lãng mạn là thuộc về thời đại chúng ta, thời đại trong đó giai cấp tư sản đối lập trực tiếp với giai cấp vô sản, trong đó sự khốn cùng được sản sinh ra một cách cũng rất dồi dào như sự giàu có vậy. Bấy giờ những nhà kinh tế học giữ thái độ của những người định mệnh chủ nghĩa chán chường, họ đứng cao trên vị trí của họ, ngạo mạn nhìn một cách khinh bỉ xuống những người mà họ coi như những cái máy đang làm ra của cải. Họ sao chép lại tất cả những lập luận có sẵn của những tiền bối của họ, và nếu tính thờ ơ, ở những người tiền bối ấy, là sự ngây thơ, thì ở họ đã trở thành tính làm duyên làm dáng.
Sau đó là trường phái nhân đạo, họ chú tâm đến mặt xấu của những quan hệ sản xuất hiện đại. Để lương tâm được thanh thản, trường phái này tìm cách ít nhiều hòa hoãn những sự trái ngược hiện tồn; họ thành thực phàn nàn về sự khổ cực của giai cấp vô sản, sự cạnh tranh điên cuồng giữa những nhà tư sản với nhau; họ khuyên công nhân nên sống thanh đạm, lao động giỏi và đẻ ít con; họ khuyên những nhà tư sản nên có suy nghĩ trong sản xuất. Toàn bộ học thuyết của trường phái này là dựa trên những sự phân biệt vô tận giữa lý luận và thực tiễn, giữa những nguyên lý và những kết quả, giữa quan niệm và sự ứng dụng, giữa nội dung và hình thức, giữa bản chất và thực tại, giữa pháp quyền và sự việc, giữa mặt tốt và mặt xấu.
Trường phái bác ái là trường phái nhân đạo được hoàn thiện thêm. Nó phủ định tính tất yếu của sự đối kháng; nó muốn biến tất cả mọi người thành những nhà tư sản; nó muốn thực hành lý luận, với tư cách là một lý luận khác với thực tiễn và không bao hàm sự đối kháng. Dĩ nhiên, trong lý luận, người ta dễ dàng bỏ qua những mâu thuẫn mà người ta luôn luôn gặp trong thực tế. Như vậy, học thuyết ấy có thể trở thành thực tế được lý tưởng hóa. Vậy là những người bác ái muốn duy trì những phạm trù biểu thị những quan hệ tư sản, không có sự đối kháng cấu thành bản chất của những phạm trù ấy và gắn liền với chúng. Họ tưởng là họ nghiêm túc chống lại thực tiễn tư sản, kì thực bản thân họ lại tư sản hơn ai hết.
Giống như những nhà kinh tế học là những đại biểu khoa học của giai cấp tư sản, những người xã hội chủ nghĩa và những người cộng sản cũng là những nhà lý luận của giai cấp vô sản. Chừng nào mà giai cấp vô sản chưa được phát triển đầy đủ để tự cấu thành giai cấp và do đó, chừng nào ngay cả cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản với giai cấp tư sản còn chưa mang một tính chất chính trị, và chừng nào những lực lượng sản xuất còn chưa phát triển đầy đủ trong lòng bản thân giai cấp tư sản để hé ra cho người ta thấy được những điều kiện vật chất cần thiết cho sự giải phóng của giai cấp vô sản và sự thành lập một xã hội mới - thì chừng đó những nhà lý luận ấy chỉ là những nhà không tưởng, họ cố nghĩ ra những học thuyết và ra sức đi tìm một khoa học có tác dụng tái tạo để phục vụ cho những nhu cầu của các giai cấp bị áp bức. Nhưng lịch sử càng tiến tới và cùng với lịch sử, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản cũng biểu hiện ra rõ rệt hơn thì họ không cần phải đi tìm khoa học ở trong trí óc của họ nữa, mà họ chỉ cần chú ý đến sự việc diễn ra trước mắt họ và diễn đạt những sự việc ấy ra mà thôi. Chừng nào mà họ còn đi tìm khoa học và chỉ làm ra những học thuyết, chừng nào mà họ còn ở giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh, thì họ vẫn thấy sự khốn cùng chỉ là sự khốn cùng, mà không thấy trong sự khốn cùng có mặt cách mạng, mặt lật đổ, nó sẽ đánh đổ xã hội cũ. Ngay từ lúc đó, khoa học do vận động lịch sử sản sinh ra và tham dự vào vận động lịch sử ấy một cách hoàn toàn tự giác, không còn tính chất lý thuyết suông nữa, khoa học đã trở thành khoa học cách mạng.
Chúng ta hãy trở về ông Proudhon.
Mối quan hệ kinh tế đều có mặt tốt và mặt xấu của nó: đó là điểm duy nhất mà ông Proudhon không phủ nhận. Mặt tốt, ông đã thấy các nhà kinh tế học đã trình bày rồi, còn mặt xấu thì ông thấy những người xã hội chủ nghĩa cũng đã tố cáo ra rồi. ông ta mượn các nhà kinh tế học tính tất yếu của những quan hệ kinh tế vĩnh cửu; ông ta mượn của những người xã hội chủ nghĩa cái ảo tưởng chỉ thấy sự khốn cùng là sự khốn cùng mà thôi. ông ta đồng ý với những nhà kinh tế học và những người xã hội chủ nghĩa, mà vẫn muốn dựa vào uy tín của khoa học. ông ta quy khoa học vào trong khuôn khổ nhỏ hẹp của một công thức khoa học; ông ta là người chạy theo các công thức. Như vậy, ông Proudhon tưởng là phê phán cả khoa kinh tế chính trị và chủ nghĩa cộng sản: kì thực, ông ta ở dưới cả khoa kinh tế chính trị lẫn chủ nghĩa cộng sản. ở dưới những nhà kinh tế học, vì với tư cách là nhà triết học sẵn có trong tay một công thức thần kì, ông ta tưởng là có thể không cần đi sâu vào những chi tiết thuần túy kinh tế; ở dưới những người xã hội chủ nghĩa, vì ông ta không có đủ can đảm mà cũng không đủ sáng suốt để vươn lên dù chỉ là về mặt tư biện, cao hơn tầm mắt tư sản.
ông ta muốn trở thành sự tổng hợp, kì thực ông ta chỉ là một sai lầm kép mà thôi. ông ta muốn nhà khoa học bay lượn trên cả những nhà tư sản lẫn những người vô sản; kì thực, ông ta chỉ là người tiểu tư sản, luôn luôn ngả nghiêng giữa tư bản và lao động, giữa khoa kinh tế chính trị và chủ nghĩa cộng sản mà thôi.