"Chúng tôi quyết không đưa ra một lịch sử theo trật tự của thời gian, mà là theo trật tự của những ý niệm. Những giai đoạn kinh tế hay phạm trù kinh tế biểu hiện ra khi thì đồng thời, khi thì đảo ngược. Nhưng những học thuyết kinh tế không vì thế mà không có cái trật tự lô-gích của chúng và chuỗi của chúng trong lý tính: chúng tôi hy vọng rằng chính trật tự ấy là cái mà chúng tôi đã phát hiện ra được"
(Proudhon, t.I. tr.145 và 146).
Chắc hẳn là ông Proudhon muốn làm cho người Pháp sợ hãi bằng cách ném vào mặt họ những câu nói kiểu gần như của Hegel. Vậy chúng ta phải nói đến hai người, trước hết là ông Proudhon, rồi đến Hegel. ông Proudhon khác những nhà kinh tế học khác như thế nào? Còn Hegel, ông ta đã đóng vai trò gì trong khoa kinh tế chính trị của ông Proudhon?
Các nhà kinh tế học diễn đạt những quan hệ sản xuất tư sản, sự phân công lao động, tín dụng, tiền tệ v.v., như là những phạm trù cố định, không thay đổi, vĩnh cửu. ông Proudhon, đứng trước những phạm trù đã hình thành xong xuôi ấy, muốn giải thích cho chúng ta hiểu sự hình thành, sự phát sinh của tất cả những phạm trù, nguyên lý, quy luật, ý niệm, tư tưởng ấy.
Các nhà kinh tế học giải thích cho chúng ta hiểu rằng người ta sản xuất trong những quan hệ có sẵn ấy như thế nào, nhưng điều mà họ không giải thích cho chúng ta, đó là những quan hệ ấy đã nảy sinh ra như thế nào, nghĩa là không giải thích cho chúng ta hiểu sự vận động lịch sử đã làm cho chúng nảy sinh ra. Vì ông Proudhon đã coi những quan hệ ấy là những nguyên lý, những phạm trù, những tư tưởng trừu tượng, nên ông ta chỉ còn cần sắp xếp lại trật tự của những tư tưởng ấy, những tư tưởng đã được sắp xếp theo thứ tự chữ cái ở phần cuối của bất cứ cuốn sách kinh tế chính trị nào. Những tài liệu của các nhà kinh tế học, đó là đời sống hoạt động và năng động của loài người; còn những tài liệu của ông Proudhon, đó là những giáo lý của các nhà kinh tế học. Nhưng khi người ta không theo dõi sự vận động lịch sử của những quan hệ sản xuất - mà những phạm trù chẳng qua cũng chỉ là biểu hiện lý luận của những quan hệ ấy, - khi người ta muốn thấy những phạm trù ấy chỉ là những ý niệm, những tư tưởng tự phát, độc lập đối với những quan hệ hiện thực mà thôi, thì nhất định người ta phải coi sự vận động của lý tính thuần túy là nguồn gốc của những tư tưởng ấy. Lý tính thuần túy, vĩnh cửu, phi nhân cách làm nảy sinh ra những tư tưởng ấy như thế nào? Nó dùng cách gì để sản sinh ra những tư tưởng ấy?
Nếu chúng ta dũng cảm như ông Proudhon về mặt chủ nghĩa Hegel thì chúng ta sẽ nói rằng: lý tính, tự nó, khác với bản thân nó. Như vậy nghĩa là gì? Nghĩa là ở bên ngoài nó, lý tính phi nhân cách không có địa bàn, trên đó nó có thể tự đề ra, cũng không có khách thể mà nó có thể tự đối lập lại, cũng không có chủ thể mà nó có thể kết hợp với, cho nên nó bắt buộc phải lộn nhào bằng cách tự đề ra, tự đối lập và kết hợp - sự đề ra, sự đối lập, sự kết hợp. Nói theo tiếng Hy Lạp thì đó là: chính đề, phản đề và hợp đề. Còn với những người không hiểu ngôn ngữ của Hegel, chúng ta sẽ nói với họ cái công thức bí tích này: khẳng định, phủ định và phủ định của phủ định. Hiểu ngầm là như thế đấy. Cố nhiên đó không phải là ngôn ngữ Do Thái thần bí, xin ông Proudhon đừng phật ý: nhưng đó là tiếng nói của cái lý tính thuần túy nhất, tách khỏi cá nhân. Đáng lẽ là cá nhân thông thường với cách nói thông thường và cách nghĩ thông thường của nó thì chúng ta lại chẳng có cái gì khác, ngoài cái cách thông thường hoàn toàn thuần túy, không có cá nhân ấy.
Có gì là lạ, khi mọi sự vật, được trừu tượng đến cùng - bởi vì có sự trừu tượng, chứ không có sự phân tích - đều biểu hiện dưới hình thức phạm trù lô-gích? Có gì là lạ, khi người ta vứt bỏ dần dần tất cả những gì tạo nên tính cá biệt của một ngôi nhà, khi người ta không xét đến những vật liệu làm nên ngôi nhà ấy, đến hình thức đặc biệt của ngôi nhà ấy thì cuối cùng người ta chỉ còn lại một vật thể mà thôi, - khi người ta không xét đến những giới hạn của vật thể ấy thì rút cục người ta chỉ còn lại một không gian mà thôi, - khi người ta không xét đến kích thước của không gian ấy thì cuối cùng người ta chỉ còn lại số lượng hoàn toàn thuần túy, phạm trù lô-gích về lượng mà thôi? Nếu gạt bỏ như vậy khỏi mọi vật thể tất cả những cái được coi là những ngẫu nhiên, có linh hồn hay không có linh hồn, người hay vật thể, thì chúng ta có lý khi nói rằng nếu cứ trừu tượng đến cùng thì người ta sẽ đi đến chỗ có được những phạm trù lô-gích, với tư cách là thực thể. Như vậy, những nhà siêu hình, khi tiến hành trừu tượng hóa, đều tưởng là mình tiến hành phân tích, và họ càng tách rời khỏi đối tượng thì họ lại tưởng rằng mình càng đến gần đối tượng đến mức là thâm nhập được vào đối tượng,- những nhà siêu hình ấy, về phía họ, cũng có lý khi nói rằng những sự vật ở trên đời này đều là những hình thêu trên cái mảnh vải những phạm trù lô-gích. Đó chính là điểm phân biệt nhà triết học với tín đồ đạo Cơ Đốc. Tín đồ đạo Cơ Đốc chỉ biết có một sự hiện thân của Logos , bất chấp cả lô-gích; nhà triết học thì có vô số sự hiện thân. Nếu như tất cả cái gì tồn tại, tất cả cái gì sống trên mặt đất và dưới nước có thể thông qua khái niệm trừu tượng mà được quy thành một phạm trù lô-gích, nếu như theo cách đó, toàn bộ thế giới hiện thực có thể chìm ngập trong thế giới của những khái niệm trừu tượng, trong thế giới của những phạm trù lô-gích, thì điều đó có gì là đáng ngạc nhiên? Tất cả những cái gì tồn tại, tất cả những cái gì sống trên mặt đất và dưới nước, chỉ tồn tại được, chỉ sống được do một sự vận động nào đó. Chẳng hạn, sự vận động của lịch sử sản sinh ra những quan hệ xã hội, sự vận động của công nghiệp cho chúng ta những sản phẩm công nghiệp v.v.., v.v..
Cũng như thông qua khái niệm trừu tượng, chúng ta sẽ biến mọi sự vật thành phạm trù lô-gích, chúng ta chỉ cần gạt bỏ mọi tính chất đặc biệt của những sự vận động khác nhau, là đi đến sự vận động ở trạng thái trừu tượng, đến sự vận động thuần túy hình thức, đến công thức lô-gích thuần túy của sự vận động. Nếu người ta thấy rằng những phạm trù lô-gích là thực thể của mọi sự vật thì người ta cũng dễ dàng tưởng rằng cái công thức lô-gích của sự vận động là phương pháp tuyệt đối , một phương pháp không những giải thích mọi sự vật, mà còn bao hàm cả sự vận động của sự vật nữa.
Đó là cái phương pháp tuyệt đối mà Hegel đã nói như sau:
"Phương pháp là sức mạnh tuyệt đối, duy nhất, tối cao, vô cùng tận, không một vật nào có thể cưỡng lại nổi; đó là xu thế của lý tính đi đến chỗ nhận thấy bản thân mình ở trong mọi sự vật"
("Lô-gích học", t.III60)
Vì mọi sự vật đều được quy thành phạm trù lô-gích, và mọi vận động, mọi hành vi sản xuất đều được quy thành phương pháp, thì kết quả đương nhiên sẽ là toàn bộ sản phẩm và sản xuất, toàn bộ vật phẩm và vận động, đều được quy thành một phép siêu hình ứng dụng. Điều mà Hegel đã làm đối với tôn giáo, pháp luật, v.v., thì ông Proudhon cũng tìm cách thực hiện đối với khoa kinh tế chính trị. Vậy, cái phương pháp tuyệt đối ấy là cái gì? Là sự trừu tượng hoá sự vận động. Sự trừu tượng hóa sự vận động là cái gì? Là sự vận động ở trạng thái trừu tượng. Sự vận động ở trạng thái trừu tượng là cái gì? Là công thức lô-gích thuần túy của sự vận động hay là sự vận động của lý tính thuần túy. Sự vận động của lý tính thuần túy là cái gì? Là tự giả định, tự đối lập, tự kết hợp, là tự công thức hóa thành chính đề, phản đề, hợp đề, hay còn là tự khẳng định, tự phủ định, phủ định cái phủ định của mình.
Lý tính làm như thế nào để tự khẳng định, để tự giả định thành phạm trù xác định? Đó là việc của bản thân lý tính và những người tán dương lý tính.
Nhưng một khi lý tính đã đạt đến chỗ tự đề ra thành chính đề, thì chính đề ấy, tư tưởng ấy, đối lập với bản thân nó, sẽ tách đôi thành hai tư tưởng mâu thuẫn nhau, - cái khẳng định và cái phủ định, "cái có" và "cái không". Sự đấu tranh giữa hai yếu tố đối kháng ấy, - hai yếu tố này bao hàm trong phản đề, - là sự vận động biện chứng. "Cái có" trở thành "không", "cái không" trở thành "có", "cái có" trở thành "vừa có vừa không", "cái không" trở thành "vừa không vừa có"; như vậy những cái mâu thuẫn cân bằng lẫn nhau, trung hòa lẫn nhau, làm tê liệt lẫn nhau. Sự dung hợp của hai tư tưởng mâu thuẫn ấy làm thành một tư tưởng mới - hợp đề của hai tư tưởng mâu thuẫn ấy. Tư tưởng mới này lại tách đôi thành hai tư tưởng mâu thuẫn, rồi hai tư tưởng này lại dung hợp với nhau thành một hợp đề mới. Quá trình nảy sinh ấy làm nảy sinh ra một nhóm tư tưởng. Nhóm tư tưởng này đi theo cũng một quá trình vận động biện chứng giống như vận động biện chứng của một phạm trù giản đơn, và phản đề của nhóm đó là một nhóm mâu thuẫn với nó. Từ hai nhóm tư tưởng ấy nảy sinh ra một nhóm tư tưởng mới - hợp đề của hai nhóm ấy.
Từ sự vận động biện chứng của các phạm trù giản đơn nảy sinh ra nhóm, cũng giống như vậy, từ sự vận động biện chứng của các nhóm cũng nảy sinh ra chuỗi, và từ sự vận động biện chứng của các chuỗi cũng nảy sinh ra toàn bộ hệ thống. ứng dụng phương pháp ấy vào những phạm trù của khoa kinh tế chính trị, ta sẽ có lô-gích và phép siêu hình của khoa kinh tế chính trị, hay nói cách khác, ta sẽ có những phạm trù kinh tế mà ai cũng biết, nhưng được diễn đạt bằng một ngôn ngữ ít người biết, khiến cho những phạm trù kinh tế ấy có vẻ như là mới nảy nở ra một trong cái đầu lý tính thuần túy, đến nỗi mà những phạm trù ấy hình như là đẻ ra nhau, ràng buộc lẫn nhau và xoắn xuýt với nhau, chỉ do tác dụng của sự vận động biện chứng mà thôi. Xin bạn đọc đừng có sợ phép siêu hình đó, với tất cả cái giàn giáo của nó gồm những phạm trù, những nhóm, những chuỗi và những hệ thống. Mặc dù ông Proudhon cố lấy hơi lấy sức để trèo lên tới đỉnh cao của hệ thống những mâu thuẫn, nhưng ông ta chưa bao giờ có thể vượt lên quá hai bậc thang giản đơn đầu tiên là chính đề và phản đề và hơn nữa ông ta cũng chỉ mới trèo lên hai bậc thang ấy có hai lần, và trong hai lần đó thì một lần ông ta bị ngã bổ ngửa ra.
Chính vì thế cho nên mãi đến bây giờ, chúng tôi chỉ trình bày phép biện chứng của Hegel mà thôi. Sau này, chúng ta sẽ thấy ông Proudhon đã thành công trong việc bóp phép biện chứng của Hegel cho nhỏ đến những kích thước nhỏ hẹp nhất như thế nào. Chẳng hạn, đối với Hegel, tất cả những cái gì đã diễn ra và còn đang diễn ra trên thế gian thì chính là cái đang diễn ra trong sự suy lý của bản thân ông ta. Do đó, triết học của lịch sử chỉ còn là lịch sử của triết học - của triết học của bản thân ông ta mà thôi. Không còn có "lịch sử theo trật tự thời gian" nữa, chỉ có "trật tự của những ý niệm trong lý tính" mà thôi. ông ta tưởng xây dựng thế giới bằng sự vận động của tư tưởng, kì thực ông ta chỉ xây dựng lại một cách có hệ thống và sắp đặt lại, theo phương pháp tuyệt đối, những tư tưởng đã có trong đầu óc của mọi người mà thôi.