Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Suy ngẫm, Làm Người >> Bí quyết của những phụ nữ thành đạt

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12511 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bí quyết của những phụ nữ thành đạt
Trần Kiên

Chương 8

Lời dẫn: Chưa bao giờ chúng ta lại có nhiều Công ty TNHH như bây giờ. Chân dung của nhiều vị giám đốc các công ty này na ná giống nhau: to béo, oai vệ, giỏi hùng biện, uống rượu như thụi, hát karaoke như ca sĩ, trả lời phỏng vấn rất thạo, quảng cáo tung ra như xổ số, và nợ ngân hàng Nhà nước như chúa Chổm. Rồi sau đó không ít các vị chạy nợ, phá sản, vào tù... Bởi thế mà người đời thường gọi một cách mỉa mai là Công ty vô trách nhiệm vô hạn.
Trong tình hình như vậy, tôi được biết có một công ty không vay vốn của Nhà nước, không có đầu tư của nước ngoài, đó là Công ty TNHH Vinh Hạnh, và chi nhánh sáng giá nhất của Công ty là nhà máy nhựa Vinh Hạnh, đóng ở thị xã Hà Đông - Hà Tây.
Nhà máy nhựa Vinh Hạnh có 1.800 công nhân. Mục tiêu của nhà máy sẽ là 3.000 công nhân vào năm 2000. Và giám đốc của nhà máy là một phụ nữ xinh đẹp, tài ba. Năm 1986, vợ chồng bà giám đốc này còn ở trong một căn hộ 16m2, còn bây giờ công ty của họ là một trong rất ít các công ty TNHH sáng giá.
Lời dặn của người cha
Nhà máy nhựa Vinh Hạnh là chi nhánh của Công ty Vinh Hạnh. Tổng giám đốc Công ty là một người gầy, nhỏ, quê ở huyện ứng Hòa - Hà Tây.
Cuộc đời tỉ mỉ của Tổng giám đốc Đỗ Công Sơn nếu kể ra thì giống như một nhân vật tiểu thuyết. Suốt cả tuổi ấu thơ, anh ngụp lặn trên cánh đồng vùng chiêm trũng Hà Tây; móc cua nát cả mười đầu ngón tay, nhổ mạ đập đến mòn cả mắt cá chân, và món ăn mà Đỗ Công Sơn nhớ mãi là món rau muống khô kho tương. Thường là đến mùa rau muống, bà anh cắt rau muống về phơi khô kho tương ăn với khoai luộc. Rồi Đỗ Công Sơn vào đại học, rồi làm kinh doanh và tư vấn, rồi trở nên giàu có.
Trước khi mất, ông Đỗ Công Uyển, bố đẻ của Đỗ Công Sơn đã gọi anh đến và dặn: “Con là người giàu có, đó là một phần lớn nhờ phúc đức của đất nhà. Con hãy về quê hương làm một chút gì đó để giúp đỡ những người dân quê hương mình”.
Đỗ Công Sơn và vợ đã ghi nhớ lời dặn của người cha. Họ đã dựng lên nhà máy nhựa Vinh Hạnh bây giờ trên quê hương họ, và người giám đốc nhà máy này chính là vợ anh. Vốn đầu tư ban đầu cho nhà máy là ba triệu đôla và đến nay là gần năm triệu đôla. Số tiền này là của vợ chồng Đỗ Công Sơn và anh em trong nhà. Có nhiều nơi thuận tiện về cả tài chính và hành chính cho việc xây dựng và phát triển nhà máy, nhưng vợ chồng Đỗ Công Sơn chọn Hà Tây - quê hương của họ. Sự lựa chọn này đã làm họ xúc động và cả tự hào. Sự lựa chọn này cũng là một phẩm chất quan trọng của các nhà doanh nghiệp.
Nhà máy cho những người nông dân
Nhà máy nhựa Vinh Hạnh có 1.800 công nhân, 80% công nhân là người Hà Tây... trong số 1800 công nhân, nữ chiếm 90%, con em nông dân chiếm gần 100%...
Lương của công nhân từ 400.000đ/tháng đến 1.000.000đ/tháng (ngoài ra còn có thưởng). Tính trung bình theo số người được hưởng hai mức lương trên thì mỗi tháng mỗi công nhân thu nhập khoảng 500.000đ/người. Số công nhân con em nông dân khoảng 1.600. Như vậy là họ đại diện cho 1.800 công nhân.
Mỗi tháng, mỗi công nhân tiết kiệm được chừng 300.000 - 500.000đ. Số tiền này đóng góp hết sức quan trọng cho một gia đình nông dân ở nông thôn hiện nay trong việc chống đói và phát triển kinh tế gia đình. Mỗi một công nhân, như số công nhân người làng tôi, trở thành một tiểu ngân hàng cho gia đình họ.
Một thực tế cho thấy, đất canh tác cho mỗi đầu người ở nông thôn ngày một ít đi. Số thanh niên nông thôn đổ xô về thành phố kiếm việc làm ngày càng đông. Nếu kiểm tra các nhà hàng và quán karaoke, ta sẽ thấy khoảng 70% nhân viên phục vụ ở đó là các thôn nữ. Những gì sẽ đến với các cô thôn nữ ở loại công việc kia? Có lẽ chúng ta đều hình dung được.
Bởi thế, một nhà máy như Vinh Hạnh mọc lên quả là một giải đáp đầy hiệu quả, đóng góp vào chương trình xóa đói giảm nghèo của Đảng và Chính phủ.
Các công nhân tuyển vào nhà máy nhựa Vinh Hạnh có tuổi từ 18 đến 28. Tháng đầu tiên họ được học nghề. Nhà máy giành một khoản tiền phụ cấp cho các công nhân học nghề là 100.000đ/tháng. Từ tháng thứ hai, công nhân bắt đầu hưởng lương theo sản phẩm. Công việc của các công nhân nữ là lắp ráp, sơn vẽ các đồ chơi trẻ em. Số đồ chơi nhỏ này được phủ kẹo chocolate. Bởi thế, đòi hỏi đầu tiên với sản phẩm của Vinh Hạnh là phải vệ sinh. Vệ sinh từ công nhân sản xuất và từ nguyên liệu để sản xuất, đó là nhựa và sơn. Nếu những chỉ tiêu này không đạt chất lượng của Đức và Italia, sản phẩm sẽ bị trả lại, hợp đồng sẽ bị xóa bỏ, và nguy cơ phá sản là hiển nhiên với bà chủ nhà máy. Bởi thế, kỷ luật của nhà máy được đặt lên hàng đầu. Tôi lang thang trong khu vực nhà máy sạch bong không một mẩu rác. Cây xanh trong sân nhà máy tươi tốt như rau. Tổng giám đốc Đỗ Công Sơn trồng một cây hồng xiêm lớn, cây trĩu quả. Thi thoảng, lái xe lại lấy một giỏ quả về cho anh. Anh chỉ ăn hồng xiêm do anh trồng trong nhà máy. Vì anh thích thưởng thức sản phẩm tự tay anh làm ra.
Tôi có một băn khoăn về các công nhân nhà máy: khi già yếu thì họ sẽ sống như thế nào? Sự băn khoăn đã được giải tỏa khi biết những công nhân khi hết tuổi lao động sẽ có lương hưu. ở nhà máy nhựa Vinh Hạnh, các quyền lợi của người lao động được bảo đảm đầy đủ theo quy định của Nhà nước, trong đó có việc nhà máy đóng BHXH và BHYT cho công nhân. Nhà máy cũng đã lập ra công đoàn để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Công nhân được hưởng các chế độ Nhà nước quy định như ốm đau, thai sản, nghỉ mát... Tháng 6/97 nhà máy đã xây dựng nhà ở cho công nhân theo hình thức căn hộ khép kín. Hiện nay nhà máy đã giải quyết được nhà ở cho hơn 500 công nhân. Số còn lại thuê nhà dân xung quanh nhà máy.
Tháng 7/1998, nhà máy lại tuyển một đợt công nhân nữa. Dự tính của nhà máy cần có 3.000 công nhân. Chủ trương của nhà máy vẫn là tuyển trước tiên con em nông dân, những người đang gặp khó khăn trong đời sống kinh tế.
Chân dung bà giám đốc
Phần cuối bài viết này, tôi muốn phác thảo đôi nét về bà giám đốc nhà máy nhựa Vinh Hạnh. Gọi là bà nhưng thực tế giám đốc Trần Thị Lan Hương mới chỉ 37 tuổi. Chị là vợ của anh Đỗ Công Sơn. Trần Thị Lan Hương quê gốc Bình Lục - Nam Hà. Chị là người ủng hộ, thúc đẩy mạnh mẽ nhất trong việc xây dựng nhà máy nhựa Vinh Hạnh trên quê hương chồng. Và khi nhà máy ra đời, người phụ nữ đẹp này đã thay chồng quản lý, điều hành toàn bộ nhà máy. Cái đói nghèo của những người nông dân và của chính bản thân họ trong một thời luôn ám ảnh họ nay không còn nữa. Với số vốn tự có, họ có thể mở kinh doanh ở hướng khác có lợi nhuận cao hơn và nhanh hơn, nhưng họ đã làm điều mà họ luôn bị day dứt. Trong khi không ít kẻ đã dùng tên gọi “Công ty” để phá hoại Nhà nước và móc túi của những người dân khốn khổ như Nguyễn Văn Mười Hai, Tăng Minh Phụng.
Hàng ngày, sau khi lo xong phần việc của một người vợ, người mẹ trong gia đình, giám đốc Trần Thị Lan Hương tự lái xe hơi vào nhà máy để điều hành công việc. Chị vừa điều hành các dây chuyền sản xuất qua camera từ phòng giám đốc, vừa trực tiếp kiểm tra tận mắt công nhân làm việc, kiểm tra công nhân ăn, kiểm tra công nhân mặc. Chị tự tay vặn một vòi nước công nhân sơ ý để nước còn chảy. Đến nhà máy nhựa Vinh Hạnh, nhìn công nhân làm việc với tính kỷ luật cao, tôi lại thấy buồn cho nhiều công sở của chúng ta hiện nay làm việc lười nhác, kém kỷ luật.
Một công việc nữa mà Trần Thị Lan Hương đặt ra như là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà máy. Đó là công tác từ thiện. Tuy chị không nói ra nhưng tôi được biết chị thường đến Hội bảo trợ Trẻ em Mồ côi ở Hà Tây và một số tỉnh khác, chị đi thăm các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các vợ Liệt sĩ tiêu biểu. Chị đến những nơi đó như một đứa con, một người em, người bạn gái, người chị, người mẹ với tình cảm và sự trợ giúp vật chất.
Khi được hỏi: “Chị mong ước gì trong tương lai?”. Chị khẽ khàng trả lời:
“Tôi mong muốn tạo được càng nhiều việc làm cho con em nông dân càng tốt. Muốn đi tiên phong trong các nhà doanh nghiệp hiện nay. Tôi muốn chứng minh rằng: Có những doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thành công trên con đường của họ và đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Và tôi muốn tìm cách sản xuất đồ chơi cao cấp cho trẻ em Việt Nam”.
Với tài năng và những đóng góp của chị, Trần Thị Lan Hương được bầu vào Ban chấp hành Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tây lần thứ VII trong đại hội đại biểu phụ nữ toàn tỉnh tháng 3/97 và tháng 5/97 chị được chọn là đại biểu chính thức của tỉnh Hà Tây trong Đại hội Phụ nữ Toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 1997-2002.
Và nếu bạn nhìn thấy một phụ nữ rất đẹp, lái một chiếc xe hơi trên đường Hà Nội - Hà Đông hàng ngày, thì đấy là giám đốc Trần Thị Lan Hương(1).
============================
(1) Quang Thiều (Tiền phong chủ nhật) 1999.

<< Chương 7 | Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 417

Return to top