Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Nữ hoàng Hoa Hồng California năm 98 vừa qua là một cô gái người Mỹ. Nhưng điều thu hút sự chú ý của nhiều người ở đây chính là Nữ hoàng lại mang trong mình hai dòng máu Việt - Mỹ.
Câu chuyện về cô Purdy Trần chính là sự hội tụ những đặc điểm của hai đất nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhưng điều này cũng chẳng có gì đặc biệt nếu Mỹ và Việt Nam chưa từng trải qua một cuộc chiến tranh kéo dài suốt nhiều chục năm. Bố Purdy Trần là người Việt, mẹ là người Mỹ và đây cũng chính là điều không bình thường, bởi phần lớn những đôi vợ chồng kiểu này thì vợ là người Việt Nam còn chồng gốc Mỹ (đa số là lính Mỹ đã từng chinh chiến ở Việt Nam). Sinh ra ở Mỹ thời kỳ sau chiến tranh, Purdy Trần cũng lớn lên và đi học như bao cô gái khác. Nhưng việc cô được chọn làm Nữ hoàng của một trong những cuộc diễu hành lớn nhất nước Mỹ mang tên Cuộc diễu hành Hoa Hồng năm mới (New year’s Rose Parade) ở Pasadena, California đã trở thành một sự kiện thật đáng chú ý. Với một nửa nguồn gốc Việt Nam, Purdy Trần thật không dễ dàng gì khi được chọn làm người dẫn đầu cho một sự kiện văn hóa quan trọng của nước Mỹ như Cuộc diễu hành Hoa Hồng. Những người tổ chức cuộc diễu hành đã chọn lựa Nữ hoàng với những điều kiện thật nghiêm ngặt về trí tuệ, tài năng, lòng vị tha và tính tự tin... Nhưng vẻ đẹp ngoại hình cũng là một trong những điều kiện quyết định nhất. Hơn 700 cô gái đã tranh tài để đoạt danh hiệu này. Và Purdy Trần là người chiến thắng.
Sau 23 năm kể từ khi Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam, việc cô Purdy Trần trở thành trung tâm nổi bật của con thuyền Hoa Hồng năm 98 trở thành sự kiện đặc biệt có ý nghĩa tượng trưng rất lớn.
Purdy Trần sinh năm 1981 ở Arcadia (California), cách xa nơi tập trung phần lớn cộng đồng người Việt. Vậy nguồn gốc văn hóa Việt của cô thừa hưởng chủ yếu từ cha, bà cô và bà nội chứ không phải từ môi trường sống xung quanh. Cô cũng có một số người bạn Việt Nam ở trường phổ thông. Cha cô gốc Hà Nội, do không muốn con gái mình bị phân biệt đối xử nên chỉ dùng tiếng Anh khi nói chuyện với cô. Ông lo ngại rằng nếu con gái ông nói tiếng Anh không chuẩn thì cô sẽ không có quyền bình đẳng trong xã hội Mỹ. Purdy Trần đã đôi lúc cảm thấy thất vọng rằng cha cô đã phải cố gắng nhiều để cô có thể quên tiếng Việt và trở thành một “người Mỹ thực sự”. Tuy nhiên cô vẫn luôn lắng nghe những cuộc đối thoại của người cha và bà nội, mặc dù cô hứa sẽ không nói tiếng Việt, nhưng cô hiểu được khá nhiều thứ tiếng của cha mình.
Hiện nay, Purdy Trần đang học tại trường Đại học Colombia ở New York City và chỉ tập trung cho việc học tập. Sau một năm bận rộn, vừa đi học, vừa lãnh trách nhiệm của một Nữ hoàng, cô đã làm tròn cả hai bổn phận. Giờ đây cô đang lựa chọn ngành nghề, có thể là nghề nghiên cứu khoa học chính trị. Cô kể lại rằng, trong vai trò Nữ hoàng, cô đã tham gia trên 100 hoạt động khác nhau ở trường học, trong lĩnh vực thương mại và trong các bệnh viện. Cô đã trả lời phỏng vấn và xuất hiện trên truyền hình. Những cơ hội đã đến với cô và cô cũng đã tích lũy được không ít kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực.
Sống gần gũi với bà nội, cô đã được nghe kể nhiều về Việt Nam và những câu chuyện của bà đã nhen lên trong cô ước muốn về thăm quê cha đất tổ. Mặc dù phần lớn họ hàng đã rời xứ ra đi, nhưng ở Việt Nam vẫn còn một số thành viên của gia đình mà cô chưa hề gặp mặt. Và cô đặc biệt tìm hiểu vùng đất Bắc Việt Nam, bởi đa phần những câu chuyện bà kể đều gắn với vùng đất này. Và cô thật vui khi thấy quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa và điều đó sẽ giúp cô dễ dàng về thăm quê cha.
Với mỗi người Việt Nam di cư sang Mỹ đều có quá khứ của riêng mình. Những cuộc hành trình ấy của họ đều liên quan tới sự phát triển của từng cá nhân. Vào năm đầu tiên họ sang Mỹ, khả năng kinh tế của từng cá nhân, trình độ học vấn, trình độ tiếng Anh, nguồn sinh sống của gia đình... tất cả những yếu tố ấy có thể giúp xác định tại sao họ lại quyết định ra đi. Lứa tuổi của từng cá nhân chỉ có ý nghĩa trong việc xác định mức độ hòa nhập của họ trong xã hội Mỹ. Nói chung những người lớn tuổi khó khăn hơn trong việc học tiếng Anh và khó chấp nhận kiểu sống mới. Còn người trẻ tuổi thường mềm dẻo hơn, dễ thích nghi hơn.
Khó mà phân biệt được đặc điểm của Mỹ hay Việt nhiều hơn trong con người cô Purdy Trần. Riêng cô có suy nghĩ rằng nền móng Việt Nam chính là yếu tố quyết định mọi suy nghĩ của cô và hình thành con người cô ngày hôm nay (1).
======================================
(1) Hải Hà sưu tầm theo VNS và Báo Tiền phong Chủ nhật số 9 - ngày 28-2-1999.