Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Phiêu Lưu, Mạo Hiểm >> NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA THÀNH POMÉI

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8304 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA THÀNH POMÉI
E.Bulwer Lytton

Chương 1

Một chàng trai hãy còn rất trẻ tuổi, vóc người nhỏ nhắn, mặc một chiếc  áo dài có nếp, rộng và trông khá quý phái. Anh ta nói với Diomède:
- Này Diomède! Thật là một cuộc gặp gỡ thú vị! Tối nay ông có đến dự tiệc  ở nhà Glaucus không?
- Không, anh bạn Claudius thân mến ạ! Anh ta không mời tôi. – Diomède trả lời. – Anh ta định chơi khăm tôi đấy. Người ta nói những bữa tiệc do anh ta tổ chức thuộc loại sang trọng nhất thành Pompéi đấy.
- Điều đó thì chắc chắn rồi, tuy vẫn không đủ rượu cho tôi uống. Anh ta  không có máu của người Hy Lạp, vì theo anh ta nói thì rượu chỉ làm cho đầu óc  nặng nề mà tôi hôi.
- Tôi nghe nói anh ta thích làm bạn với những quân bài hơn với rượu.
- Glaucus là bạn của mọi thú vui. Và vì anh ta thường mở tiệc chiêu đãi, nên  chúng tôi đều là bạn của anh ta.
- Anh nói đúng lắm. Nhưng anh đã bao giờ đến thăm hầm rượu của tôi chưa?
- Tôi chưa nghĩ đến điều đó, Diomède ạ!
- Vậy hôm nào thuận tiện, mời anh đến dùng bữa tối với tôi. Tôi luôn có sẵn  cá biển ngon và tôi sẽ mời cả quan tòa Pansa cùng đến dự.
- Ồ, đừng quá long trọng như vậy. Thôi, trời đã xế chiều, tôi phải đến bể tắm  công cộng. Còn ông định đi đâu vậy?
- Tôi đến nhà của vị quan phụ trách tài chính để bàn vài công việc, sau đó  đến đền thờ Isis. Chào anh.
“Đồ khoác lác! Đồ láo xược! Đồ mất dạy! Claudius lẩm bẩm khi thấy  Diomède đã đi xa. – Nó cứ tưởng việc khoe các bữa tiệc cùng hầm rượu sẽ làm  cho ta quên nó chỉ là con của một tên nô lệ vừa được trả tự do. Mà quả thật cũng  có lúc mình đã quên khuấy điều đó khi thắng bạc. Bọn thường dân giàu có đó  đúng là cái kho tiền cho bọn qúy tộc thích tiêu xài như mình”.
Vừa lẩm bẩm, Claudius vừa đi vào con đường Domitienne, đầy người và xe  cộ. Những tiếng chuông xe vang rộn bên tai Claudius. Anh mỉm cười gật đầu  chào những đoàn người xe lộng lẫy nhất và cũng kỳ lạ nhất.
- Anh đây à, Claudius? - Giọng đùa cợt quen thuộc của một chàng trẻ tuổi  vang lên. Anh ta đang ngồi trên một chiếc xe trang hoàng lộng lẫy do hai con  ngựa thuộc nòi quý hiếm kéo. Chủ nhân của chúng có dáng người cân đối như một pho tượng. Nguồn gốc Hy Lạp của anh ta thể hiện qua mái tóc vàng rủ xuống thành từng lọn cũng như sự hòa hợp tuyệt mỹ của đường nét khuôn mặt.
- Nhớ tối nay tới nhà tôi dùng bữa nhé! – Anh ta nói tiếp.
- Có ai quên lời mời của Glaucus đâu!
- Tôi định đến bể tắm.
- Nếu vậy, tôi cho xe quay lại để cùng đi với anh. – Glaucus nói.
Hai chàng trẻ tuổi vừa chuyện trò vừa đi dạo qua các đường phố. Những cô  gái nông thôn ngồi cạnh những chiếc giỏ đựng trái cây; đám nô lệ đầu đội các  vò nước đi lại vội vã; trong các quán rượu, đám khách lười nhác vui cười, la hét.  Tất cả tạo thành một khung cảnh sầm uất náo nhiệt.
Trong bóng râm trước cổng một ngôi đền, có một cô gái đang đứng, tay phải  ôm một giỏ hoa, tay trái ôm cây đàn nhỏ ba dây. Hòa theo tiếng đàn, cô hát một  điệu cậu kỳ lạ gần như man rợ. Mỗi khi dừng tiếng hát, cô lại mời các khán giả mua hoa, rồi tiền lại rơi vào cái giỏ hoặc để thưởng cho điệu hát hoặc vì thương  hại vì cô ta mù.
- Đó là cô gái người Thessalie của tôi. – Glaucus vừa nói vừa dừng bước.
- Tôi muốn lấy bó hoa tím này, cô Nydia dịu hiền! – Chàng kêu lên và bỏ vào chiếc giỏ một nắm tiền lẻ. Giọng của cô hôm nay nghe hay quá!
Cô gái mù giật mình khi nhận ra tiếng nói của chàng trai Athène. Gương mặt  của cô đỏ dần lên.
- Ông đã về rồi sao? – Cô gái khẽ hỏi.
- Phải, tôi mới quay về Pompéi được vài ngày. Khu vườn của tôi đang đòi bàn tay của cô Nydia xinh đẹp tới chăm nom đấy.
Nydia sung sướng mỉm cười nhưng không trả lời. Glaucus mang theo bó hoa  tím đã chọn, vui vẻ rời khỏi đám đông đang xúm lại mua hoa của Nydia.
- Cô gái ấy là một trong những khách quý của anh à? – Claudius hỏi.
- Vâng, tôi mến cô bé đó lắm. Vả lại cô bé sinh ra trên xứ sở mà ngọn núi  Olympe linh thiêng đã in bóng trên chiếc nôi của cô. Nydia là người xứ Thessalie.
- Xứ sở của các mụ phù thuỷ!
- Đúng vậy! Nhưng theo tôi thì ở người dàn bà nào cũng có bản chất phù  thủy cả!
- Chính xác! Mà kìa! Tôi vừa nhận ra một người đẹp của Pompéi. Nàng  Julia, con gái của lão Diomède giàu có! – Claudius kêu lên trong khi một cô gái  trẻ mặt che mạng tiến lại gần họ cùng với hai nữ tì đi theo sau.
- Xin chào nàng Julia xinh đẹp! Claudius nói.
Julia kéo mạng che mặt lên, kiêu hãnh để lộ khuôn mặt xinh đẹp của giống  người La Mã, đôi mắt đen láy long lanh, má đỏ hồng.
- Kìa Glaucus, anh đã về? – Nàng vừa nói vừa chăm chú nhìn chàng trai  Athène, rồi giọng nàng nhỏ đi. – Anh đã quên hết bạn bè năm ngoái rồi chăng?
- Thưa nàng tiên Julia, thần Jupiter chỉ cho phép chúng tôi quên bạn bè trong  chốc lát thôi. Nhưng thần Vệ Nữ uy nghi hơn, lại không đồng ý ban cho tôi khoảnh khắc đó.
- Glaucus thì chẳng bao giờ thiếu những lời văn hoa cả.
- Làm sao mà không văn hoa được, nhất là khi đứng trước một thiếu nữ tuyệt  sắc như nàng.
- Xin hẹn gặp lại cả hai chàng ở điền trang của cha tôi. – Julia vừa nói vừa  quay về phía Claudius.
- Chúng tôi sẽ khắc ghi ngày chúng tôi đến thăm nàng bằng một viên đá  trắng. – Claudius trả lời nhã nhặn.
Julia bỏ tấm mạng che mặt xuống , từ từ đưa mắt nhìn chàng trai Athène lần  cuối cùng. Cái nhìn đó như vừa âu yếm vừa trách móc ngọt ngào.
- Julia quả thật là xinh đẹp! – Glaucus nói.
- Năm ngoái anh đã nói câu đó với vẻ nồng nhiệt hơn.
- Tôi công nhận là đúng như vậy. Lúc ấy, tôi bị choáng mắt khi nhìn thấy  nàng lần đầu tiên và nghĩ nàng như là một viên ngọc.
- Chà! – Claudius trả lời. – Nói cho cùng, tất cả đàn bà đều như nhau. Hạnh  phúc cho những người nào cưới được những cô vợ vừa đẹp vừa giàu sang!
Glaucus thở dài.
- Chưa đến giờ tắm. – anh chàng hy Lạp nói. – Chúng ta hãy trốn khỏi thành  phố ồn ào này và ngắm biển khơi một lát. Mặt trời ban trưa đang thích mỉm  cười với sóng biển.
- Rất vui lòng! – Claudius trả lời.
Pompéi là hình ảnh thu nhỏ của nền văn minh thời đại đó. Trong khoảng  không gian chật hẹp bao giờ quanh bằng những bức tường, thành phố này có đủ mọi thứ xa hoa phù phiếm mà của cải cho phép tạo ra. Trong những cửa hàng  chật hẹp nhưng lộng lẫy, trong các lâu đài nhỏ bé, trong các bể tắm, trong các  cuộc hội họp, trong sự tinh tế tội lỗi của dân chúng, người ta nhận ra một mô hình của toàn đế quốc. Đó là một món đồ chơi trẻ con , một thứ đàn kéo quân, ở đây hình như tạo hóa đã thu nhỏ mọi hình ảnh trên trái đất và sau đó đã đùa  giỡn và xoá bỏ kịp thời để cho hậu thế ngạc nhiên thấy rằng dưới mặt trời không  có thứ gì trường tồn cả.
Trong một vùng biển phẳng lặng như gương. Những chiếc tàu đánh cá lướt  nhanh từ bờ này sang bờ khác, và từ phía xa người ta còn trông thấy những cột  buồm cao vút của hạm đội do thuyền trưởng Pline chỉ huy.
- Claudius! – Chàng trai Hy Lạp nói sau một lúc im lặng. – Anh đã từng yêu  chưa?
- Có, tôi yêu rất nhiều.
- Người nào yêu nhiều. – Glaucus nói. – Người đó chưa bao giờ yêu thật sự!
- Vậy anh yêu thật sự rồi đấy à? Tôi không hề ngờ như vậy.
- Tôi chưa yêu. Nhưng tôi sẽ yêu nếu tôi gặp được người tôi mong ước.
- Người đó dễ tìm thôi. Phải chăng con gái ông Diomède đã làm anh xao  xuyến? Cô ấy quý anh lắm. Anh đừng tìm cách giấu giếm. Có thần Hercule  chứng giám, tôi xin nhắc lại: Cô ấy vừa trẻ đẹp vừa giàu sang.
- Tôi không muốn bán mình cho con gái ông Diomède đẹp đấy. Nhưng cách cư xử của cô nàng không có vẻ gì là của một thiếu nữ thơ ngây, tâm hồn cô ta rỗng tuếch, cô ta chỉ biết có thú vui và giải trí.
- Anh là người ích kỷ! Vậy cô nào đã hưởng sự may mắn làm cho anh xao  xuyến?
- Cách đây vài tháng, tôi đang ở Néapolis, một thành phố của lòng tôi vì nó  còn giữ lại được một ít phong tục và dấu vết có gốc tích Hy Lạp. Một hôm, tôi  vào đền thờ nữ thần Minerve, để cầu nguyện cho đô thành đã không còn được  Pallas mỉm cười. Ngôi đền vắng tanh. Các kỷ niệm ở Athène hiện lên một cách  thật rõ ràng trong ký ức tôi. Tưởng chỉ có riêng mình trong ngôi đền tôi đã thốt  lên những tình cảm chất chứa trong lòng bấy lâu nay. Nhưng một tiếng thở dài  đã làm tôi ngưng ngay lời nguyện cầu. Tôi quay lại và thấy xuất hiện một thiếu  nữ ngay sau lưng. Cô ta nghĩ nơi đây không có ai nên kéo mạng che mặt lên.  Anh Claudius ạ, chưa bao giờ tôi được thấy một khuôn mặt đẹp như thế. Vẻ u  buồn lại càng khiến cho nét mặt của nàng càng thêm dịu dàng và quý phái. Điều  mà người ta không tả ra được, tôi cũng không rõ là điều gì, nó từ tâm hồn mà ra  và các nhà điêu khắc đã dùng Psyhé để làm hình ảnh tượng trưng, làm cho nàng  có dáng dấp của một tiên nữ. Mắt nàng cũng ứa lệ. Tôi đoán ngay nàng cũng  như tôi . Nàng gốc người Athène và những điều tôi cầu khẩn cho Athène đã làm cho nàng mủi lòng.
- Nàng cũng là người Athène? – Tôi hỏi. Nghe thấy tiếng tôi, nàng đỏ mặt và kéo mạng che mặt lại, và trả lời:
- Hài cốt tổ tiên tôi vẫn nằm yên bên bờ sông Ilysssus. Tôi sinh ra ở Néapolis nhưng gia đình tôi là người Athène. Tâm hồn tôi là tâm hồn của người Athène.
- Vậy chúng ta cùng cầu nguyện! – Tôi nói. – Và lúc đó vị tư tế đã tới, chúng  tôi vẫn đứng cạnh nhau, cùng hoà lời cầu nguyện với ông ta. Rồi chúng tôi lại  cùng đặt hoa lên bàn thờ. Tôi cảm thấy một cơn xúc động dịu dàng kỳ lạ trào  lên từ đáy lòng mình.
Chúng tôi yên lặng ra khỏi đền. Tôi định hỏi địa chỉ của nàng thì một chàng  trẻ tuổi, mặt hao hao giống nàng đứng ở cửa đền bước tới cầm lấy tay nàng.  Nàng quay lại, chào từ biệt tôi bằng mắt. Đám đông ngăn cách chúng tôi. Từ đó,  tôi không gặp lại nàng nữa.
Tôi đã quay lại và tìm khắp thành phố Néapolis mà không sao lần ra dấu vết  của cô gái đồng hương. Tuy chưa yêu, nhưng tôi nhớ nhung và nuối tiếc hình  bóng nàng.
Claudius đang định trả lời, bỗng một giọng đàn ông chậm rãi nhưng mạnh  mẽ cất lên cắt đứt ý tưởng chàng.
Đó là một người cao lớn, tuổi gần tứ tuần. Nước da rám nắng và đen xạm  cho biết ông ta có gốc tích phương Đông. Khuôn mặt gãy khúc làm mất hẳn vẻ thanh thoát. Đôi mắt đen to, soi mói. Một vẻ bình tĩnh sâu xa, pha lẫn nỗi sầu  thảm hình như luôn luôn chất chứa trong ánh mắt. Dáng đi bệ vệ. Một vài nét lạ kỳ trong cách ăn mặc và màu sẫm của bộ áo dài làm tăng thêm vẻ đạo mạo của  ông ta.
Hai chàng trẻ tuổi chào kẻ mới đến và kín đáo làm một dấu hiệu trên ngón  tay. Vì Arbacès người Ai Cập, nổi tiếng là người mang điềm gở.
- Phong cảnh nơi đây phải thật là tuyệt, mới kéo được chàng Claudius vui  tính và Glaucus được mọi người trọng vọng ra khỏi các đường phố ồn ào –  Arbacès nói với họ trong khi vẫn giữ nguyên nụ cười lịch sự nhưng lạnh lùng.
- Vậy thiên nhiên thiếu những cảnh quyến rũ chăng? – Chàng Hy Lạp hỏi.
- Phải, đối với ai ham thích lạc thú.
- Câu trả lời nghiêm khắc nhưng thiếu sáng suốt. Thú vui luôn thích những  điều trái ngược. Ra khỏi cuộc truy hoan, chúng tôi muốn được yên tĩnh. Và  trong yên tĩnh chúng tôi muốn lao vào những cuộc truy hoan.
- Những nhà triết học trẻ cũng nghĩ như vậy. – Người Ai Cập nói. - Họ lẫn  lộn sự chán chường với sự trầm tư và tưởng hiểu được cái thú của những giờ khắc cô độc, vì họ đã chán ngấy kẻ khác rồi.
- Còn tôi, - anh kêu lên. – Tôi chưa bao giờ biết chán cả.
Arbacès lại mỉm cười.
- Suy cho cùng, anh lợi dụng thời gian quá đấy. Vả lại, đối với chúng ta,  những kẻ xa lạ trong xứ sở này, xa các mồ mả của tổ tiên, chúng ta còn có gì  nữa để lưu luyến nếu không phải là lạc thú hay sự hối tiếc? Vui thú dành cho  anh, hối tiếc dành cho tôi.
Rồi quấn áo lại, hắn từ từ lánh đi.
- Tôi chẳng còn được thoải mái nữa. – Claudius nói. - Cứ bắt chước những  thằng Ai Cập rồi có ngày chúng ta đưa cả bộ xương người vào bàn tiệc của  mình.
- Một người kỳ lạ! – Glaucus lẩm bẩm, vẻ trầm ngâm. - Đối với các thú vui hắn như người đã chết, hắn lạnh nhạt đối với mọi sự vật trên đời.

• •
Trời đã ban cho Glaucus đủ mọi điều, từ vẻ đạp, sức khoẻ, của cải, tài  năng, dòng dõi danh tiếng, trái tim nồng nhiệt, tâm hồn thơ mộng. Nhưng trời  đã bắt chàng phải làm một người dân mất tự do. Chàng đã sinh ra ở Athène, một  thuộc địa của La Mã. Sớm làm chủ một gia tài vô cùng to lớn, Glaucus đã lao  vào các cuộc vui chơi và say sưa trong lạc thú xa hoa.
Ngôi nhà của chàng ở Pompéi đã khá điêu tàn. Tuy nhiên, vẻ đẹp của nó  không chê vào đâu được, nếu được sửa sang đôi chút.
- Anh Glaucus! – Quan tòa Pansa nói. – Tôi phải công nhận rằng ngôi nhà của anh tuy không rộng, nhưng đúng là một viên ngọc. Bức tranh vẽ Achille  chia tay với Briséis thật là tuyệt. Từ cấu trúc đến biểu hiện và màu sắc của nó tinh tế và lộng lẫy làm sao!
- Xin thần Bacchus ban phúc lành cho chúng ta! – Glaucus vừa nói vừa kính  cẩn nghiêng mình trước bức tranh.
Khách khứa ngả mình trên giường. Bữa tiệc bắt đầu.
- Đây sẽ là chén rượu cuối cùng tôi uống. – Chàng Salluste trẻ kêu lên. - Nếu  đó không phải là thứ rượu ngon nhất ở Pompéi.
- Cuộc đấu thú dữ sắp tới sẽ khai mạc vào ngày nào? – Claudius ngắt lời.
- Vào ngày 8 tháng mười. – Pansa đáp. – Hôm nay là ngày lễ thần Vulcain.  Chúng tôi đã dành cho cuộc đấu ấy một con sư tử non, con thú đẹp lắm.
- Thế người ta định cho nó xé xác ai? – Claudius nói tiếp. – than ôi, tội nhân  lại hiếm quá. Ông Pansa, khổ cho ông cứ phải kết án một kẻ vô tội để nộp cho  con sư tử.
- Quả thật, ít lâu nay tôi cũng đã nghĩ đến điều đó. – Quan toà nghiêm nghị trả lời. - Thật là một luật lệ tồi tệ nghiêm cấm chúng ta không được nộp nô lệ cho các thú dữ. Chúng ta không có quyền được sử dụng của cải theo ý của mình  hay sao?
- Thật là một chính sách sai lầm! – Claudius nói. - tự dưng lại đi phá bỏ cái trò chơi ưa thích của dân chúng.
Câu chuyện lúc đó bị ngắt quãng bởi tiếng nhạc sáo và người ta thấy hai nô  lệ mang vào một một chiếc mâm lớn.
- Anh ta định đãi chúng tôi món gì thế, anh Glaucus thân mến? – Salluste  kêu lên, mắt long lanh thèm thuồng.
- Có thần Pollux! – Pansa ngạc nhiên. – Một con nai con nguyên vẹn! Với  món ăn mới này, chúng ta phải rót thêm rượu nữa!
- Họ phải đào tạo một đấu sĩ. – Viên quan tòa nói, vẫn bận nghĩ về cuộc tổ chức đấu trường.
- Nữ thần Pallas ơi! – Glaucus kêu lên, trong khi người nô lệ thân tín đặt lên trán của anh một vòng hoa mới. – Tôi cũng thích những cảnh man rợ đó, nếu là  thú đấu với thú. Nhưng khi một người cũng xương cũng thịt như chúng ta bị đẩy  vào đấu trường, coi như là bị xả thân ra từng mảnh một, thì sự thích thú trở thành ghê tởm. Các anh là người Ý, các anh thích cảnh đó. Còn chúng tôi là người Hy Lạp, chúng tôi thấy xót thương cho nạn nhân nhiều hơn.
- Món nai ngon quá! – Salluste nói.
- Đầu bếp của anh chắc ở Cicil. – Pansa nói thêm.
- Vâng, ở Cyracuse.
- Tôi muốn đem nó ra đánh cuộc với anh. – Claudius nói.
- Nhất định tôi thích cuộc đấu mà anh thách thức hơn cuộc đấu giữa người  với mãnh thú. – Glaucus nói. – Nhưng tôi không muốn mất người đầu bếp tài  ba. Anh cũng chẳng có gì quý giá như vậy để đánh cuộc.
- Ông Pansa, ông nếm thử chén rược Lesbos này. – Salluste nói.
- Tôi xin uống chúc mừng các nàng tiên “sắc đẹp”. – Pansa vừa nói vừa rót đầy cốc của mình rồi uống cạn.
Các nhạc công dạo đàn theo làn điệu xứ Ione trong lúc bọn trẻ ngâm thơ.
- Điệu nhạc! – Claudius kêu lên. – Đúng là thuần túy của xứ Ionie, âm thanh  này là tôi nhớ đến một người. Các bạn ạ! Tôi xin uống chúc mừng nàng Ionie xinh đẹp!
- Ionie, một cái tên Hy Lạp. – Glaucus nói. – Ione là ai thế?
- À, vì anh mới về Pompéi, nếu không anh đáng bị đi đày vì tội không biết  người đó! – Lépidus nói, vẻ quan trọng.
- Nàng thuộc loại người đẹp hiếm có trên đời! – Pansa nói tiếp. - Giọng nàng  mới hay làm sao!
- Chắc thức ăn của nàng phải toàn là những lưỡi chim yến. – Claudius nói.
- Anh Glaucus, nàng Ione là một người xa lạ mới đến Pompéi được ít ngày.  Nàng có giọng hát như Sapho, những bài hát do chính nàng sáng tác. Nhan sắc  của nàng lại hết sức lộng lẫy, không bút nào tả xiết. Nàng giàu có và cũng rất độ lượng.
- Ione chỉ có mỗi một điều khiếm khuyết. Những người con trai của cả thành  Pompéi đi theo gót chân nàng. Nhưng nàng lại không muốn lấy chồng.

• •
Câu chuyện trở nên ồn ào. Rượu vào lời ra. Nàng Ione lại trở thành nhân  vật được chúc tụng của các thực khách.
- Đáng lẽ chúng ta sẽ thức cho đến lúc các ngôi sao trên trời lặn đi, nhưng  chúng ta nên chiêm ngưỡng ngôi sao mà hào quang của nó làm lu mờ ánh sáng  của những vì sao khác. – Lépidus kết luận.
Tuy chàng vẫn thực lòng nài ép các thực khách dừng bỏ bữa tiệc vội.  Glaucus không sao nén nổi sự háo hức mà những lời khen ngợi nàng Ione đã  gợi lên. Họ bèn quyết định sẽ đi ngay đến nhà cô nàng Hy Lạp xinh đẹp. Sau  khi băng qua đường phố nhộn nhịp của Pompéi đến nhà Ione. Dưới cổng của  một khu vườn ngào ngạt hương hoa, họ thấy các khách mời bao giờ quanh đang  khen ngợi và chúc tụng nàng.
- Có phải anh vừa bảo tôi nàng là người Athène? – Glaucus khẽ hỏi.
- Không, nàng ở Néapolis.
- Ở Néapolis! – Glaucus nhắc lại.
Lúc đó đám người vây quanh Ione giãn ra, trước mắt chàng trai Hy Lạp là  hình bóng lộng lẫy như tiên nga đã ám ảnh tâm trí chàng suốt mấy tháng nay.

• •
Arbacès lang thang dọc theo bờ biển đang chói lọi mặt trời ban trưa. Khi  Diomède đến chỗ đông người nhất, hắn dừng lại ngắm cảnh nhộn nhịp ở đó với  một nụ cười cay đắng.
- Chúng mày thật là bọn điên rồ! – Hắn lẩm bẩm. – Dù là thú vui hay công  việc, bao giờ chúng mày cũng say mê lao theo. Tao sẽ khinh bỉ chúng mày kể cả dân Hy Lạp lẫn bọn La Mã. Chính nhờ chúng tao, nhờ đất nước chúng tao,  chính nhờ nền khoa học sâu sắc của Ai Cập mà bọn chúng mày mới lấy trộm  được ngọn lửa tạo ra linh hồn chúng mày, đều bắt nguồn từ đây. Tri thức của  chúng mày, thơ ca của chúng mày, cả luật pháp, cả nghệ thuật, những uy danh  vô cùng man rợ của chúng mày. Chúng mày đã ăn cắp hết của chúng tao. Và  bây giờ chúng mày lại làm chủ chúng tao. Con phượng hoàng đang bay lượn  trên thân thể con rắn của sông Nil. Chủ của chúng tao không phải là người của  đất nước chúng tao. Tâm hồn tao, với sự thông thái hơn người, sẽ trói buộc  chúng mày. Uy lực của ma quỷ ngự trị trong sự mê tín dị đoan. Thèbes có thể
sụp đổ, Ai Cập có thể chỉ còn là danh từ nhưng toàn vũ trụ sẽ cung cấp các đồ đệ cho Arbacès này.
Khi hắn vào trong thành phố, cái dáng cao lớn của hắn nổi hẳn lên giữa đám  người chen chúc ở quảng trường. Hắn đi về phía ngôi đền nhỏ bé và xinh xắn  thờ thần Isis.
Khi Arbacès đến gần các hàng rào ngăn cách bên ngoài với khu thâm cung, Một thầy tu bước ra chào hắn . Vẻ mặt của lão thầy tu khó mà làm cho người ta  có cảm tình. Đầu tóc cắt ngắn, dẹt xuống, cái trán thấp trông có vẻ hợp với một  tên mọi châu Phi. Đôi mắt đen và nhỏ đảo lộn trong hai cái hốc vàng khè. Đôi  môi dày và nhợt nhạt, gò má nhô cao, màu đã tái xanh, tất cả tạo thành một con  người mà ai trông thấy cũng không muốn đến gần.
- Calènus! – Gã Ai Cập nói với gã thầy tu kỳ quái. – Anh có thể cho tôi vào  nghỉ trong một căn buồng nào đó được không?
- Được! – Tên thầy tu trả lời rồi dẫn hắn vào một gian phòng gần cửa.
- Anh biết không – Arbacès nói giọng thì thầm – Cách đây ítt lâu, tôi gặp hai  anh em Ione và Apoecides. Họ vừa đến vùng này. Cha mẹ họ đều có quen biết  tôi, có nhờ tôi đỡ đầu cho họ. Tôi đã làm đầy đủ bổn phận. Chàng trai tính tình  ngoan ngoãn hiền lành, đã chịu nghe theo những lời khuyên bảo của tôi. Tôi đã  dạy cho Apoecides phải thờ phụng nữ thần Isis. Tôi đã cho anh ta biết một vài  điều bí ẩn.
- Anh ta thuộc về chúng mình! – Calénus nói. – Nhưng khi kích động lòng  tin của anh ta, ông đã làm cho anh ta hoảng sợ và không để mình bị lừa bịp nữa.  Anh ta chối từ các buổi lể của chúng ta. Nhiều người gặp anh ta giao du với  nhóm người bị tình nghi là có dính với các giáo phái vô thần mới. Trong đó có  những người cơ đốc giáo.
- Đó chính là điều tôi nghi ngờ. – Arbacès mơ màng nói. – Qua những lời  trách móc mà anh ta đã nói với tôi lần gặp nhau vừa rồi. từ lâu nay, anh ta cứ tránh mặt tôi, nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục dạy bảo anh ta. Còn cô em gái của  anh ta, nàng Ione kiều kiễm, chắc anh đoán là tôi muốn nàng trở thành bà hoàng  của tôi, nàng sẽ là vợ tôi, là nữ thần Isis của tôi.
- Tôi chưa nhìn thấy nàng nhưng ai cũng bảo nàng Ione là một nàng Hélène  mới. – Calénus nói.
- Phải, chưa ai có một sắc đẹp hoàn hảo như nàng. Không những thế, nàng  còn có một tâm hồn xứng hợp với tâm hồn của ta. Tài của nàng vượt lên trên các phụ nữ khác. Hai anh em họ đều còn trẻ và giàu có, Ione là một cô gái kiêu hãnh và có nhiều khát vọng…
Khi anh trai của nàng từ biệt tôi để xin vào đền của các anh, nàng cũng đến  Pompéi để được gần anh mình. Tài năng và sắc đẹp của nàng mõ người đã biết.  khách đến dự những ngày lễ mà nàng tham gia rất nhiều.
Tôi khuyến khích nàng hưởng thụ cuộc sống đầy hiếu danh và lạc thú đó.  Tôi thích thấy nàng lăn vào những cuộc chơi trác táng xa hoa của thành phố ăn  chơi này. Tôi muốn nàng nếm đủ rồi chán chường đám đông người nông cạn  hời hợt kia. Bản chất kiêu hãnh sẽ làm cho nàng khinh rẻ họ và cuối cùng nàng  cảm thấy cần phải yêu. Tôi sẽ tự hào để cho uy tín của tôi gây tác dụng, tôi sẽ chiếm lấy trái tim nàng. Và không phải vì tuổi trẻ, sắc đẹp tươi vui mà tôi tìm  cách khuất phục cho được nàng Ione. Điều tôi muốn phải chiếm cho được là  khát vọng của nàng. Và cuộc đời Arbacès này chỉ là một chuỗi chiến thắng liên  tục những khát vọng như thế.
- Sao! Ông không sợ các tình địch à?
- Tôi không sợ ai cả. Nàng cho dân La Mã là man rợ.
- Nhưng ông là người Ai Cập, ông không phải là người Hy Lạp.
- Nước Ai Cập. – Arbacès trả lời. – Là mẹ đẻ của các thần linh thành Athène.  thần Minerve là một trong những thần linh của tôn giáo chúng tôi. Người sáng  lập ra là Cécrops, con của Said, một phụ nữ Ai Cập. Nàng đã hiểu điểu đó và  trong sâu thẳm tâm hồn mình, nàng sùng bái các triều đại cổ nhất của thế gian. Tuy vậy, ít lâu nay, không khỏi có đôi chút hoài nghi, lo nghĩ. Nàng trầm tĩnh  hơn thường lệ. Điệu nhạc mà nàng thích là điệu nhạc buồn. Đôi khi nàng khóc  không có duyên cớ. Có thể đó là khởi đầu của tình yêu chăng? Dù lúc này nàng  đang gặp phải điều gì, thì tôi thấy mình cũng phải tác động lên mơ ước của nàng  và lên trái tim nàng. Vì lẽ đó, tôi nghĩ đến anh.
- Tôi giúp được gì cho ông?
- Tôi dự định mời nàng đến dự một buổi lễ ở nhà tôi. Tôi muốn làm cho nàng  mê muội đi. Nhưng chúng ta phải quyến rũ người anh của nàng đã. Anh nghe  dây, kế hoạch của tôi là thế này…

• •
Một bóng người bước lên bậc cửa phòng của Glaucus. Đó là cô bé Nydia,  một tay nàng cầm lẵng hoa, tay kia giữ cái vò bằng đồng đầy nước. Nàng đẹp và dịu dàng, các đường nét trên thân thể đều hài hoà khó ai biết rằng nàng đã bị mù vì đôi mắt vẫn hiền và trong trẻo.
- Người ta nói ông Glaucus ở đây có phải không? – Cô hỏi. – Tôi vào được  không ạ?
- à, cô Nydia của tôi. – Chàng Hy Lạp nói. – Cô đấy à? Cô lớn nhanh quá!  Sang năm, cô gái sẽ phải suy nghĩ, và biết trả lời cho những người tỏ tình với cô  đấy.
Má của Nydia ửng đỏ.
- Tôi mang đến cho ông ít hoa. – Cô nói mà không để lộ niềm xúc cảm. – Nó chẳng đánh giá bao nhiêu, nhưng đều còn tươi vì tôi vừa mới hái xong. Ông  thấy hoa ở vườn của ông ra sao?
- Tuyệt đẹp! Chắc các thần linh đã trông nom chúng.
- Hôm nay trời nóng quá. Không thấy tôi chắc mấy bông hoa tưởng tôi bỏ rơi  chúng. Đã hơn một tuần bị bệnh, tôi không đến tưới cho chúng được. – Cô bối  rối quay người lại.
- Cô Nydia, vậy mà cô lại trông hồng hào hơn năm rồi.
- Tôi thường bị mệt luôn! – Cô gái mù khốn khổ nói giọng xúc động. – Và  càng lớn lên tôi càng tiếc là mình đã bị mù loà, không trông thấy gì cả. Nhưng  thôi để tôi đi chăm sóc các bông hoa đã.
Cô khẽ chào rồi lần ra khu vườn.
Xong công việc, cô gái Thessalie quay về nhà mình. Cô xa lánh các phố chói  lòa và đi vào khu nhà mà những người lịch sự ít lui tới. Cô gõ vào cửa sau của  một quán rượu. Có người mở cửa. Một giọng nói cục cằn ra lệnh cho cô kiểm  tra lại số tiền mà cô đã nhận được. Trước khi cô trả lời, một tiếng nói khác vang  lên:
- Đừng bận tâm về các món tiền nhỏ nhặt đó, Burbo. Bạn của chúng ta sắp  cho gọi cô bé đến hát vào bữa tiệc hôm nay đấy và ông cũng biết rằng ông ta sẽ trả rất hậu cho cái giọng oanh vàng của cô ấy.
- Ồ, không! Tôi mong rằng sự việc đừng đưa đến những chỗ như vậy. –  Nydia run rẩy kêu lên. – Tôi sẵn sàng đi ăn mày từ tinh mơ đến tối, nhưng đừng  đưa tôi đến nhà ông ta.
- Sao vậy? - Vẫn tiếng đó hỏi lại.
- Bởi vì…tôi còn trẻ dại. Và các phụ nữ đến đó cùng với tôi không cùng  hạng người với một đứa con gái khốn khổ và… và…
- Và là một đứa nô lệ trong nhà Burbo. – Tiếng người đó nói tiếp cùng với  một tràng cười thô bạo.
Cô gái Thessalie đặt lẵng hoa xuống đất, úp mặt vào đôi bàn tay, nức nở khóc.

• •
Một buổi chiều, ngày thứ năm kể từ lần gặp gỡ đầu tiên ở Pompéi,  Glaucus cùng với Ione và một số bạn bè, đang trở về sau một chuyến đi chơi ngoài vịnh. chiếc thuyền lướt nhẹ trên mặt nước phẳng lặng như một tấm  gương. Trong khi cả nhóm chuyện trò vui vẻ, Glaucus nằm dưới chân Ione  không dám nhìn thẳng vào nàng, Ione phá tan sự im lặng.
- Người anh khốn khổ của tôi! – Nàng vừa nói vừa thở dài. - Giờ này không  biết anh đang làm gi?
- Anh của nàng! – Glaucus nói. – Tôi chưa được gặp. Tôi chỉ quan tâm đến  nàng, tôi không nghĩ đến điều gì khác nữa. Nếu không, tôi đã hỏi nàng. Anh  nàng có phải là người trẻ tuổi đã đưa nàng về khi nàng từ biệt tôi ở ngôi đền nữ thần Minerve ở Néapolis?
- Chính anh ấy đấy.
- Anh nàng đang ở đây?
- Vâng.
- Ở Pompéi mà lại không chung nhà với nàng? Sao thế?
- Anh tôi còn nhiều công việc khác. – Ione buồn rầu trả lời. – Anh tôi hiện là  tu sĩ ở đền thờ Isis. Một người Ai Cập có tài hùng biện đỡ đầu cho chúng tôi đã  dẫn dắt anh tôi đến với tôn giáo đó.
Ione thở dài rồu kéo cái mạng che mặt.
- Tôi mong rằng anh tôi đừng quá hấp tấp. – Nàng nói sau lúc im lặng. –  Như một người mang khát vọng quá lớn, có thể anh tôi không thực hiện được  tất cả những khát vọng đó.
- Như vậy trong hoàn cảnh mới ấy, anh nàng không được sung sướng. Thế còn cái người Ai Cập đó, ông ta có phải là thầy tu không? Vì lợi ích gì mà ông  ta lại đưa anh nàng vào tôn giáo đó?
- Không. Ý định của ông ta là mưu cầu hạnh phúc cho chúng tôi. Ông ta  tưởng như vậy làm cho anh tôi được hạnh phúc. Chúng tôi mồ côi cả chàng lẫn  mẹ.
- Cũng như tôi! – Glaucus nói.
Ione đưa mắt nhìn chàng rồi nói tiếp:
- Arbacès muốn thay thế cha chúng tôi rồi anh sẽ biết ông ta. Ông ta mến  những người danh vọng.
- Ông Arbacès? Tôi biết ông ta rồi. Tôi đã từng có những ngày gặp gỡ và nói  chuyện với ông ta. Nhưng nếu không có lời ca ngợi của nàng, tôi không muốn  kết thân với ông ta.
- Sự bình tĩnh, lạnh lùng của ông ta. – Ione trả lời trực tiếp. – Có thể do  những nỗi dau khổ mà ông ta đã trải qua. Anh hãy nhìn ngọn núi lửa Vésuve,  bây giờ trông nó thật yên tĩnh, hiền hoà. Thế nhưng, xưa kia nó đã từng sinh ra  bao giờ ngọn lửa và ngày nay đã mãi lụi tàn.
Họ cùng đưa mắt về phía ngọn núi đó. Một đám mây đen, to, đang bốc lên như một điềm dữ, tạo cảm giác ghê rợn xem vào giữa phong cảnh đẹp đẽ này.  Bóng tối bất ngờ che phủ mắt họ. Một niềm xúc cảm trào dâng do tình yêu  chớm nở đem lại và mối linh cảm hiểm họa càng thúc đẩy họ sát cánh bên nhau.  họ rời mắt khỏi ngọn núi và nhìn sát vào mắt nhau trong đắm say ngây ngất.

• •
Từ lâu nay, Arbacès ít đến nhà Ione và khi hắn đến, hắn không gặp  Glaucus. Hắn không biết tình yêu bất ngờ của Glaucus chen vào giữa nàng và  mưu đồ của hắn. Đặc biệt chú trọng đến người anh của Ione, hắn buộc phải bỏ các cuộc đi thăm người em gái và hoãn các ý định của hắn lại. Sự kiêu ngạo và  tính vị kỷ của hắn bất thần nổi dậy. Hắn run lên khi nghĩ hắn có thể mất một học  trò dễ bảo và nữ thần Isis mất một bầy tôi nhiệt tình. Hắn tự hứa sẽ không để cho Apoecides thoát khỏi tay hắn.
Đó là ý nghĩ của hắn trong lúc đi qua một vườn cây trong thành phố ngăn  cách nhà hắn và nhà Ione. Bỗng hắn trông thấy người tu sĩ trẻ tuổi đang dựa vào một thân cây nhìn đám người qua lại và không hề chú ý đến hắn.
- Apoecides! – Hắn nói rồi thân mật để tay lên vai chàng trẻ tuổi.
Người tu sĩ giật mình. Ý định đầu tiên của chàng là chạy trốn Arbacès.
- Con trai của ta! – Tên Ai Cập nói. – Có việc gì xảy ra mà con lẩn tránh ta  như vậy?
Apoecides nín lặng và đứng im lìm, mắt nhìn xuống đất, môi chàng run lên.
- Nói đi, con thân yêu của ta! – Tên Ai Cập nói tiếp. – Nói đi! Con có cần  nói với ta điều gì không?
- Với ông? Không! Vì tôi coi ông là một kẻ thù!
- Chúng ta cần giãi bày cho rõ. – Arbacès nói khẽ, rồi khoác tay người tu sĩ mặc cho anh cưỡng lại, hắn đưa anh đến chiếc ghế dài đặt dạnh vườn cây.
Apoecides đang vào tuổi thanh xuân. Tuy vậy trông anh ta có vẻ già dặn hơn  tên Ai Cập. Khuôn mặt nhỏ nhắn nhợt nhạt bộc lộ sự mệt mỏi. Đôi mắt trũng  sâu long lanh như người lên cơn sốt. Lưng còng xuống quá sớm. Trên bàn tay  nhỏ nhắn như tay phụ nữ các mạch máu nổi lên xanh nhợt .
- Con bảo ta là kẻ thù của con? – Arbacès nói. – Ta biết nguyên nhân của xự buộc tội vô lý đó. Ta đã đưa con vào với các tu sĩ thờ nữ thần Isis. Con đã phản  đối những điều lừa bịp, gian dối của họ và con cho rằng ta đã đánh lừa con?
- Ông biết những sự lừa lọc của hình thức thờ cúng đó. - Tại sao ông lại giấu  tôi? Ông thường ca ngợi với tôi về cuộc sống thanh tịnh của những người phục vụ cho khoa học, vậy mà ông đã vứt tôi vào đánh bạn với một bầy ngu đần và  dâm ô chỉ giỏi lừa bịp và thô bạo. Ông nói với tôi họ chỉ là những người từ bỏ mọi thú vui ngoài xã hội để tu dưỡng, vậy mà ông đẩy tôi vào giữa đám người  đầy tội lỗi xấu xa.
Arbacès ngắt lời chàng tu sĩ:
- Điều mà ta đã hứa là sự thật, người thân yêu, người học trò của ta. Điều mà con phàn nàn vừa rồi chỉ để thửa thách con thôi. Con đừng nghỉ đến những sự dối trá thấp hèn đó nữa. Đã đến lúc ta không để con sống lẫn lộn với những nô  lệ của nữ thần Isis nữa. Họ chỉ là bầy tôi hạ cấp ở đền thờ. Con xứng đáng được  đưa vào trong thâm cung uy nghiêm, từ nay ta sẽ là người đưa đường chỉ lối cho  con. Lúc này con đang nguyền rủa tình bạn của ta, rồi đây con sẽ sống để mà thờ phụng nó.
- Vậy ông còn định dạy bảo tôi điều gì nữa? Lại những trò lừa bịp mới, lại  những…
- Không! Ta đã đem con xuống vực thẳm của sự nghi nờ. Ra sẽ đưa con lên  tột đỉnh của lòng tin. Con đã thấy những điều sai trái. Rồi con sẽ rõ những chân  lý mà chúng ta đại diện. Đêm nay, con hãy đến gặp ta.
Xúc động, kích thích, mê mẩn bởi những lời lẽ của tên Ai Cập. Apoecides  chìa bàn tay nhỏ cho hắn. Linh hồn mãnh liệt và sâu thẳm của Arbacès lại ngự trị được những mơ ước non trẻ của chàng. Nghiêm nghị và từ tốn, Arbacès đi về phía nhà Ione. Vừa đến cửa thì một giọng nói tuy rất êm ái nhưng cũng đủ sức  làm hắn chói tai. Ngôn ngữ của chàng Glaucus trẻ và đẹp trai khiến trái tim hắn  lần đầu tiên sôi lên vì ghen tức. Dưới mái hiên, hắn thấy Glaucus đang ngồi  cạnh Ione. Chiếc vòi nước giữa khu vườn thơm ngát tung lên trời lớp bọt trắng  bạc, tỏa hơi mát dịu êm. Các tỳ nữ của Ione luôn luôn thay nhau đứng gần nàng,  và trong cuộc sống tự do nàng vẫn giữa cách cư xử kín đáo. Dưới chân Glaucus  có để một chiếc đàn thất huyền mà ban nãy chàng đã gảy dạo một khúc nhạc  Lesbos.
Arbacès nhìn đôi trai gái xinh đẹp ấy, mặt mất hẳn sự nghiêm nghị cố hữu.  Hắn cố nén mình, tứ từ lại gần, nhẹ nhàng, rón rén không để ai nghe thấy tiếng  chân.
- Vậy mà, - Glaucus nói. - Chỉ mãi đến lúc yêu nhau, chúng ta mới cảm nhận  được hết ý tưởng mà các thi sĩ đã thể hiện trong những bài thơ tình của họ. Tình yêu như ánh mặt trời xua đi màn đêm u tối, nó chính là một thứ sức mạnh mà  thần linh đã ban cho loài người.
- Ồ, những gì mà chàng vừa nói tuyệt vời quá. Glaucus cao quý ạ!
Cả hai người giật mình khi thấy sau lưng họ bộ mặt lạnh lùng và có vẻ hơi  chế giễu của tên Ai Cập.
- Một người khách bất ngờ! – Glaucus vừa nói vừa đứng dậy cười gượng  gạo.
- Tôi rất mừng khi thấy cà hai người cùng đến. – Ione nói với Arbacès và  Glaucus. – Vì ông và chàng sẽ trở nên đôi bạn thân thiết của nhau.
- Tôi sợ có một sự cách biệt nào đó! – Tên Ai Cập nói. – Khi đem tôi so sánh  vơi Glaucus. Tôi vui lòng đón nhận tình bạn của chàng , nhưng tôi lấy gì đền bù  cho chàng được? Chúng tôi có hợp với nhau không?
- Ông Arbacès, ông nói phải. Chúng ta có thể trọng vọng lẫn nhau nhưng  không thể trở thành bạn thân được. – Glaucus vui vẻ trả lời.
Sau một lúc im lặng, hướng về Ione, Arbacès nói:
- Tôi thật không may, nàng Ione xinh đẹp, hai ba lần trước tôi tới thăm nàng  mà không được gặp, tại sao vậy?
- Biển cả dịu êm đã thu hút và lôi kéo tôi để đó. – Ione hơi bối rối trả lời.
- Nàng biết không, Euripide đã từng phát biểu: “Phụ nữ chỉ nên sinh hoạt  trong gia đình và công chuyện của họ chỉ giới hạn ở đó thôi”.
- Thi sĩ ấy thật là bảo thủ, trơ tráo! – Glaucus đáp lại. – Ông ta thù ghét phụ nữ.
- Ông ta nói là căn cứ trên phong tục của người Hy Lạp các ông. Có điều đó  là nước Hy Lạp vẫn được tâng bốc của anh. – Glaucus ạ!
- Thời đại đã khác và dĩ nhiên phong tục cũng thay đổi. Nếu tổ tiên chúng tôi  được biết nước Hy Lạp đã sản sinh ra nàng Ione thì hẳn các bậc tiền bối đã theo  một luật lệ khác.
- Anh học cái khuôn phép lý sự đó ở La Mã đấy à? – Arbacès nói, không  giấu nổi bực tức.
- Ở đâu chẳng được, miễn là tôi không học nó theo khuôn phép Ai Cập. –  Glaucus vừa trả lời vừa đùa với sự dây chuyền của chàng.
- Thôi nào! – Ione chấm dứt câu chuyện không hợp ý muốn của nàng. Thôi  nào! Ông Arbacès đừng nên quá nghiêm khắc với con gái nuôi của ông. Mồ côi,  không được sự chăm sóc của người mẹ, cuộc sống độ lập của tôi hợp với nam giới hơn nữ giới, có thể tôi bị chê bai. Than ôi! Phải chăng chỉ có nam giới mới  được tự do và không bị phán xét về phẩm hạnh?
Glaucus kêu lên:
- Mong rằng nàng luôn luôn đi theo con đường mà trái tim vô tội của nàng  đã vạch ra!
Khi Glaucus đã ra về rồi, Arbacès kéo ghế lại ngồi gần Ione và nói với nàng  bằng một giọng dịu dàng đầy giả tạo:
- Ione hiền dịu, nàng đừng nghĩ rằng tôi có ý cản trở tự do mà nàng đang  được hưởng. Nhưng dù sao tôi cũng phải nhắc nhở nàng chú ý đến những điều  mình nói có thể làm lu mờ thanh danh của một cô gái còn trẻ đẹp. Tôi van nàng  đừng vướng vào sai lầm đó.
- Ông định nói điều gì?
- Tên ăn chơi trụy lạc đó, tên Glaucus đàng điếm đó, nàng biết nó đã bao giờ lâu rồi?
Arbacès nói câu đó, mắt nhìn thẳng vào Ione. Ngả người ra phía sau lẩn  tránh ánh mắt đó, Ione ngập ngừng trả lời:
- Chàng là một người cùng xứ sở với gia đình tôi. Tôi chỉ mới biết chàng có một tuần nay. Nhưng, tại sao ông lại hỏi như vậy?
- Nàng thứ lỗi cho tôi. – Arbacès nói. – Tôi tưởng nàng biết hắn lâu hơn nữa  kia, nó là tên đại ba hoa, đặt điều dối trá, tồi tệ!
- Có thần linh chứng giám, ông hãy kể rõ ràng cho tôi nghe những gì ông  biết.
- Tôi thấy nàng cũng nên biết điều này, tên Glaucus đó đã khoe khoang công  khai, ở bể tắm công cộng, về tình yêu của nàng dành cho hắn. Hắn đùa cợt - kể cả sự chinh phục đầy kết quả của hắn vào trái tim nàng. Tôi phải công nhận hắn  đúng một phần. Hắn ca ngợi sắc đẹp của nàng, điều đó không ai chối cãi được?  Nhưng hắn lại dè bỉu cười chê khi thằng Claudius hỏi hắn đã yêu nàng đến mức  định cưới nàng làm vợ chưa.
Ione gục xuống ghế, mặt tái nhợt.
- Thú thật – Arbacès tấn công tiếp. – Tôi cũng tức giận thấy tên tuổi của  nàng được đem ra làm trò đùa như một vũ nữ rẻ tiền nào đó. Tôi sốt ruột chờ cho đến buổi sáng hôm nay để kể hết cho nàng nghe. Tôi lại gặp Glaucus ở đây.  Và tôi đã mất hết bình tĩnh. Nàng thứ lỗi cho tôi chứ?
Ione không trả lời. nàng đặt tay mình vào tay hắn.
- Chúng ta đừng đả động đến điều đó nữa! – Hắn nói. – Nhưng nàng nên  nghe lời tôi và suy nghĩ thêm. Nàng không nên đau khổ. Ione, vì một đứa lêu lổng như Glaucus, không đáng để cho nàng quan tâm. Sự lăng mạ chỉ làm  thương tổn ta khi nó đến từ một người mà ta yêu mến. Người mà Ione tuyệt mỹ ban cho tình yêu đích thực của mình phải khác hẳn Glaucus.
- Yêu! – Ione vừa lẩm bẩm, vừa bối rối mỉm cười. – À, vâng, yêu!
Tên Ai Cập đã khéo léo và khôn ngoan đâm mũi gươm tẩm độc vào lòng  kiêu hãnh của nàng. Hắn đinh ninh đã gây ra một vết thương vào cái mà hắn coi như một chút lãng mạn bẩm sinh của cô gái. Rồi hắn từ biệt Ione, quyết tâm  theo dõi nàng hằng ngày.

• •
Bóng đêm tỏa xuống thành phố ồn ào nhộn nhịp. Apoecides đi về phía nhà tên Ai Cập. Anh tránh các phố sáng đèn và đông người. Bỗng một bóng người  vượt qua anh nói:
- Apoecides! – Người đó vừa nói vừa lấy tay làm nhanh một dấu chữ thập  trước ngực.
- À té ra là anh! – Người tu sĩ trả lời, mặt tái nhợt đi. – Anh muốn gì?
- Tôi không muốn làm ngắt quãng sự trầm tư của anh. – Người lạ mặt nói tiếp. Nhưng lần trước gặp nhau anh đón tiếp tôi vẻ niềm nở hơn.
- Olythus! Anh thấy, tôi đang mệt mỏi nên không đủ sức bàn luận với anh về những vấn đề mà anh quan tâm trong buổi tôi hôm nay được.
- Ồ, trái tim yếu hèn! Anh buồn rầu và mệt mỏi, vậy là anh định xa lánh  nguồn mạch có thể làm cho anh thoải mái, có thể chữa lành những khắc khoải  của anh. Anh Apoecides, tôi không lấy làm ngạc nhiên nếu anh thấy tôi làm phiền anh, tôi đã làm lung lay thế giới tinh thần của anh, nếu anh bị rơi vào sự ngờ vực anh hãy tìm sự xác tín. Nhưng anh cố gắng nhẫn nại nghe tôi: bóng tối  sẽ tan đi, dông tố sẽ trở lại bình yên và chính Đức Chúa, như người ta đã thấy  Chúa bước trên biển Samarie, sẽ tiến lên trên các ngọn sóng lớn của tinh thần  anh để giải phóng tâm hồn cho anh. Tôn giáo chúng tôi đòi những ân tứ vô tận,  nó khuấy đục lên một giờ nhưng đền đáp lại, nó sẽ cho anh sự trường tồn và  vĩnh cửu.
- Các lời hứa hẹn như vậy. –Apoecides trả lời, giọng dễ dãi. – Là những trò bịp bợm mà người ta không ngừng dùng nó để đánh lừa mọi người. Chính bằng  những lời nói tương tự mà người ta đã làm tôi phủ phục xuống dưới chân tượng  nữ thần Isis.
- Nhưng, - Olynthus nói tiếp. – Một tôn giáo ngược với luân thường đạo lý  có thể tôn thờ được không? Người ta bảo anh tôn thờ các vị thần! Hành động  của các vị thần đó ra sao? Đặc điểm của những vị thần đó như thế nào? Phải  chăng các thần linh đó được mô tả như những kẻ phạm tội đen tối nhất? Vậy mà  người ta bảo anh phải phụng thờ chúng như những thần linh xứng đáng nhất!  Chính Jupiter là kẻ giết chàng. Còn những thần bên dưới chỉ là những kẻ làm theo những tật xấu của vị thần đó. Người ta cấm anh không được giết người, anh lại thờ phụng những kẻ sát nhân. Bây giờ anh hãy nhìn vị chú cao cả duy  nhất mà tôi muốn đưa anh đến chiêm ngưỡng. Đi, để tôi dẫn lối chỉ đường cho  anh. Anh hãy nghe lời của Chúa.
“Hãy đến với ta! – Chúa phán truyền. – các người đều mang một gánh nặng. Ta sẽ ban cho các người sự bình yên”
- Bây giờ tôi không thể đi theo anh được. – Apoecides nói. - Hẹn lần khác  nhé.
- Bây giờ, ngay bây giờ! – Olynthus nồng nhiệt vừa kêu lên vừa cầm lấy tay  Apoecides.
Nhưng Apoecides lúc đó cũng chưa định từ bỏ tín ngưỡng mà anh đi theo và  vẫn còn tin tưởng vào người lời hứa hẹn của tên Ai Cập. Giật mạnh tay mình  khỏi tay Olynthus. Anh chạy trốn thật nhanh.
Apoecides đến một nơi vắng vẻ trong thành phố và dừng lại trước căn nhà đơn độc của Arbacès. Anh đi qua vườn nho và lại gần chiếc cổng rộng, hai bên  thềm có đặt các bức tượng Nhân sư Ai Cập. Ánh trăng lặng lẽ chiếu xuống làm  tăng thêm vẻ trang nghiêm cho cảnh vật. Anh gõ cửa. Một nô lệ người Ai Cập  to lớn mở cửa và ra hiệu cho anh vào.
Anh tiến vào một căn phòng rộng được chiếu sáng bởi những cây đèn to lớn  bằng đồng đen, tường kẽ đầy những chữ cổ màu sẫm, vẻ cổ kính của căn phòng  trái ngược hẳn với màu sắc sáng sủa, hình dáng mỹ lệ mà dân Ý vẫn quen dùng.  Từ đầu căn phòng, một nô lệ khác bước tới gặp a.
- Tôi hỏi ông Arbacès – Người tu sĩ nói, bản thân anh tự thấy giọng mình ru  run.
Người nô lệ lặng lẽ đưa Apoecides về một căn nhà phía ngoài, theo một cầu  thang hẹp rồi đưa anh qua nhiều căn phòng. Chỗ nào tượng con nhân sư cũng là  vật nổi bật nhất. Cuối cùng họ đến một căn phòng có ánh sáng tù mù. Apoecides  nhìn thấy Arbacès đang ngồi trước một chiếc bàn nhỏ, trên có vài cuộn giấy mở ra. Cách đó một quãng, một cái giá nhỏ nghi ngút trầm hương đang cháy. Bên  cạnh một quả cầu lớn vẽ cả vũ trụ. Phía đối diện, một bức rèm che kín. Ánh trăng lọ qua khung cửa sổ mở chéo trên nóc nhà.
- Apoecides mời anh ngồi! – Gã Ai Cập nói mà không đứng dậy. Apoecides  vâng lời.
- Anh định hỏi tôi đến những điều huyền bí của linh hồn con người. Đó là  người điều mà anh muốn được giải đáp phải không? – Arbacès hỏi.
Apoecides tỏ ý đồng tình.
- Là con người cần phải có tín ngưỡng. – Lão Ai Cập nói tiếp giọng nghiêm  nghị. – Con người phải đặt hy vọng vào tôn giáo mới sống được. Tôi đã nói với  anh, các vị thần mà người ta đã phải đốt bao nhiêu trầm hương để lễ bái, chỉ là  những kết quả của sự sáng tạo. Tôi đã nói với anh, các tập quán, lễ nghi chúng  ta chỉ là những trò giả dối bày ra cho đám đông vì lợi ích của chính họ. Cho nên  chúng ta vẫn cứ phải giữ lấy các sự lừa bịp vô tội đó, cứ để cho họ giữ lấy cái tín ngưỡng thời xưa để lại mà họ thấy thân thiết và tôn kính. Phải, tôi muốn giữ lại cái lễ nghi đó vì nó có lợi ích cho đám đông. Nhưng đối với bản thân tôi,  phải coi là ngoại lệ. Tôi dạy cho thiên hạ khôn ngoan, anh minh. Tôi giữ cho tôi  sự tự do. Tôi soi sáng cuộc đời cho kẻ khác và tôi hưởng cuộc đời của tôi . Đời  chúng ta quá ngắn ngủi; nên biết tận dụng nó trong lúc chúng ta còn làm chủ nó.
Đối với chúng ta, thời gian như ly rượu sẽ cạn, bông hoa úa tàn thường đến khá  sớm… Một phần, tôi sẽ giảng cho anh quy luật của tạo hóa, các huyền bí sâu xa nhất của nó, khoa học mà những đứa ngu ngốc gọi là pháp thuật, và những sự bí  mật của các vì sao. Được như vậy anh mới làm đầy đủ bổn phận của anh với  loài người. Nhưng tôi cũng cho anh quen với thú vui mà những kẻ tầm thường  không bao giờ được hưởng.
Khi tên Ai Cập nói xong, xung quanh hắn nổi lên một điệu nhạc, âm thanh nghe như mê hoặc kỳ bí mà những nhạc công nổi tiếng xứ Lydie cũng chưa bao  giờ dạy đến. Nó như những làn sóng bất ngờ xâm nhập vào các giác quan làm  say lòng người.
Khi tiếng nhạc vừa dứt, Arbacès nắm lấy tay Apoecides và dẫn anh đi, trong  khi anh ta vẫn còn như đang say lảo đảo, anh ta lúng túng tiến đến chiếc rèm ở cuối phòng. Chiếc màn từ trước vẫn đen thẩm, bỗng sáng rực lên như có hàng  ngàn bó đuốc chiếu sáng, lấp lánh màu xanh da trời. Đây đó bồng bềnh những  đám mây hồng nhẹ nhàng. Giữa các đám mấy được vẽ với một nghệ thuật tuyệt  vời, nổi lên những gương mặt đẹp như những nàng tiên.
- Ôi , cảnh gì kỳ lạ vậy, ông Arbacès? – Apoecides hỏi, giọng xúc động. –  Sau khi phủ nhận sự tồn tại của thần thánh, ông muốn phát hiện cho tôi...
- Thú vui của các vị thần đó! – Arbacès nói.
Khi họ lại gần bức rèm, một điệu nhạc dưới dương kỳ lạ, mãnh liệt sôi nổi  lại vang lên và bức rèm tách ra rồi biến mất như tan vào không khí. Một cảnh  quyến rũ như chưa bao giờ hiện ra trước mắt chàng tu sĩ trẻ tuổi. một phòng tiệc  được đặt muôn ngàn bó đuốc chiếu sáng rực rỡ làm cho không khí ấm áp, sực  nức trầm hương và hoa cỏ lạ. Trên những cây cột thon vút lên tận mái nhà có  treo những tấm thảm trắng điểm lốm đốm những ngôi sao vàng. Giữa hai đầu  căn phòng, hai cái vòi phun nước bắn ra những tia bụi nước tạo thành sự quang  hợp trông như một khối kim cương. Dưới chân họ, theo tiếng nhạc trong cõi vô  hình, một cái bàn đặt sẵng đủ loại thức ăn tỏa hương ngào ngạt. Ghế, giường  bày xung quanh bàn đều lót thảm màu xanh đã trời thêu chỉ vàng.
- Anh đã tham dự vào bữa tiệc, anh uống rượu đi! – Arbacès lúc ấy mới kêu  lên. - Đừng xấu hổ vì anh còn trẻ tuổi. ngày mai anh sẽ hiểu rõ mọi vấn đề.
Và hắn lấy tay chỉ vào cái ổ. Apoecides nhìn theo. Trên một bục gỗ, giữa các  tượng thần Bacchus và Vệ nữ Isali, anh trông thấy một bộ xương người.

Chương 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 934

Return to top