Trong bất cứ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nào, khi giai cấp vô sản đã làm xong nhiệm vụ giành được chính quyền rồi, và trong chừng mực mà nhiệm vụ tước đoạt những kẻ đi tước đoạt và nhiệm vụ đập tan sự phản kháng của chúng đã được hoàn thành trên những nét chủ yếu và cơ bản, - thì tất nhiên có một nhiệm vụ căn bản khác được đề lên hàng đầu, đó là: thiết lập một chế độ xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản, nghĩa là nâng cao năng suất lao động và do đó (và nhằm mục đích đó) phải tổ chức lao động theo một trình độ cao hơn. Chính quyền xô-viết của chúng ta chính là đang ở vào một tình thế như sau: nhờ giành được những thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống bọn bóc lột - từ bọn Kê-ren-xki đến bọn Coóc-ni-lốp - nên chính quyền đó đã có thể trực tiếp tiến tới nhiệm vụ ấy, trực tiếp bắt tay vào việc thực hiện nhiệm vụ ấy. Và về mặt này, chúng ta nhận thấy ngay rằng nếu vài ba ngày cũng đủ để giành được chính quyền nhà nước trung ương, và trong vài tuần lễ cũng có thể dẹp tan được sự phản kháng quân sự (và sự phá hoại ngầm) của bọn bóc lột, ngay cả trong trường hợp mà sự phản kháng và sự phá hoại ngầm đó xảy ra ở nhiều nơi trong một nước rộng bao la, thì vô luận thế nào (nhất là sau một cuộc chiến tranh cực kỳ gian khổ và tàn khốc) cũng phải mất nhiều năm mới giải quyết được vững chắc nhiệm vụ nâng cao năng suất lao động. ở đây, tính chất lâu dài của công tác này rõ ràng là do những hoàn cảnh hoàn toàn khách quan quyết định.
Việc nâng cao năng suất lao động trước hết đòi hỏi phải có cơ sở vật chất của nền đại công nghiệp: phải phát triển ngành sản xuất nhiên liệu, sắt, máy móc, công nghiệp hóa chất. Nước Cộng hòa xô-viết Nga đang ở trong những điều kiện thuận lợi, là vì, ngay cả sau khi ký kết hòa ước Brét, nó vẫn có nguồn dự trữ bao la về quặng (trong vùng U-ran), về nhiên liệu ở miền Tây Xi-bi-ri (than đá), ở vùng Cáp-ca-dơ và miền Đông Nam (dầu lửa), ở miền trung tâm (than bùn) và bao nhiêu nguồn của cải to lớn về rừng, về sức nước, về nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất (ở Ca- ra-bu-ga-dơ), v.v... Việc khai thác những của cải tự nhiên ấy bằng phương pháp kỹ thuật hiện đại sẽ tạo cơ sở cho lực lượng sản xuất phát triển chưa từng có.
Một điều kiện khác để nâng cao năng suất lao động, trước hết là việc nâng cao trình độ học vấn và văn hóa của quần chúng nhân dân. Hiện nay, công tác nâng cao trình độ văn hóa đó đang diễn ra hết sức nhanh chóng, song những người bị mù quáng vì tính thủ cựu tư sản lại không thấy được điều đó, họ không thể hiểu rằng lòng khao khát hiểu biết và tính chủ động sáng kiến, nhờ có tổ chức xô-viết, đang biểu hiện sôi nổi như thế nào trong những tầng lớp nhân dân "bên dưới". Hai là, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, chúng ta còn phải nâng cao tinh thần kỷ luật của những người lao động, kỹ năng lao động của họ, tính khéo léo của họ, phải tăng thêm cường độ lao động và tổ chức lao động cho tốt hơn.
Về khía cạnh này, cứ theo lời những người bị giai cấp tư sản làm cho khiếp sợ hoặc vì lợi mà phục vụ giai cấp tư sản, thì tình hình ở nước chúng ta thật là đặc biệt trầm trọng, thậm chí tuyệt vọng nữa là khác. Những người đó không hiểu được rằng chưa bao giờ có và sẽ không thể nào có cuộc cách mạng nào, mà trong đó những kẻ tán thành chế độ cũ lại không la lối về tình trạng đổ nát, vô chính phủ, v.v... Lẽ tự nhiên là trong nội bộ quần chúng vừa mới thoát khỏi ách áp bức dã man chưa từng có, thì sự sôi sục và sôi nổi thế nào cũng biểu hiện ra cả về bề rộng lẫn bề sâu; lẽ tự nhiên là việc quần chúng xây dựng những nguyên tắc mới của kỷ luật lao động là một quá trình rất lâu dài; lẽ tự nhiên là thậm chí cũng không thể nào bắt đầu việc xây dựng đó, khi chúng ta chưa chiến thắng được hoàn toàn bọn địa chủ và giai cấp tư sản.
Chúng ta không thể mảy may để cho mình bị rơi vào tình trạng tuyệt vọng, thường là giả tạo mà bọn tư sản và những phần tử trí thức tư sản gieo rắc (chúng tưyệt vọng vì không thể duy trì được những đặc quyền cũ của chúng), nhưng chúng ta lại tuyệt nhiên không được che giấu những điều xấu xa rõ rệt, Trái lại, chúng ta sẽ vạch nó ra và tăng cường những phương pháp xô-viết để đấu tranh chống lại nó, vì chủ nghĩa xã hội không thể thành công được nếu tính kỷ luật tự giác của giai cấp vô sản không thắng được tình trạng vô chính phủ tự phát của giai cấp tiểu tư sản, tình trạng này là điều đảm bảo thật sự cho bọn Kê-ren-xki và Coóc-ni-lốp có khả năng được khôi phục trở lại.
Đội tiền phong giác ngộ nhất của giai cấp vô sản Nga đã tự đặt cho mình nhiệm vụ là nâng cao kỷ luật lao động. Chẳng hạn, Ban chấp hành trung ương công đoàn kim khí và Hội đồng trung ương các công đoàn đã bắt đầu thảo ra những biện pháp và dự án các sắc lệnh thích ứng68. Chúng ta phải ủng hộ công tác đó và hết sức đẩy nó tiến lên. Chúng ta phải thực hiện gấp rút, áp dụng trên thực tế và thí nghiệm chế độ trả lương theo sản phẩm69; phải áp dụng rất nhiều yếu tố khoa học và tiến bộ trong phương pháp Tay-lo, phải tính tiền công cho cân xứng với tổng sản lượng của ngành sản xuất này hay ngành sản xuất khác, hoặc cân xứng với kết quả của việc kinh doanh ngành đường sắt, ngành vận tải đường thủy, v.v. và v.v...
So với các nước tiên tiến, thì người Nga lao động kém. Và dưới chế độ Nga hoàng, trong điều kiện những tàn tích của chế độ nông nô còn tồn tại dai dẳng, thì không thể nào khác thế được. Học cách làm việc, đó là nhiệm vụ mà Chính quyền xô-viết phải đặt ra trước nhân dân với tất cả tầm vóc của nó. Về mặt này, thành tựu mới nhất của chủ nghĩa tư bản, tức là phương pháp Tay-lo, cũng như tất cả mọi tiến bộ của chủ nghĩa tư bản, đã kết hợp tính chất tàn bạo tinh vi của sự bóc lột kiểu tư sản với những thành tựu khoa học phong phú nhất về các mặt: phân tích những động tác cơ giới trong lao động, trừ bỏ những động tác thừa và vụng về, xây dựng những phương pháp làm việc hợp lý nhất, áp dụng những chế độ kiểm kê và kiểm soát hoàn thiện nhất, v.v... Nước Cộng hòa xô-viết phải tiếp thu cho bằng được tất cả những gì quý giá trong những thành qủa của khoa học và của kỹ thuật trong lĩnh vực đó. Chúng ta sẽ có thể thực hiện được chủ nghĩa xã hội hay không, điều đó chính là tùy ở những kết quả của chúng ta trong việc kết hợp Chính quyền xô-viết và chế độ quản lý xô-viết với những tiến bộ mới nhất của chủ nghĩa tư bản. Phải tổ chức ở Nga việc nghiên cứu và giảng dạy phương pháp Tay-lo. Phải thí nghiệm và ứng dụng phương pháp đó một cách có hệ thống. Đồng thời, trong khi nâng cao năng suất lao động, cần phải chú ý đến những đặc điểm của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, tức là những đặc điểm đòi hỏi, một mặt, phải xây dựng được những cơ sở của việc tổ chức thi đua xã hội chủ nghĩa và, mặt khác, phải dùng những phương pháp cưỡng bức, sao cho khẩu hiệu chuyên chính vô sản khỏi bị nhơ bẩn bởi trạng thái nhu nhược mềm yếu của chính quyền vô sản trong đời sống thực tiễn.