Nhờ có nền hòa bình mà chúng ta đã giành được, - dù nó đi kèm với những điều kiện nặng nề, và dù nó mỏng manh đến đâu chăng nữa, - nước Cộng hòa xô-viết Nga đã có khả năng, trong một thời gian nào đó, tập trung được lực lượng của mình vào lĩnh vực trọng yếu nhất và khó khăn nhất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, tức là nhiệm vụ tổ chức.
Nhiệm vụ đó đã được đặt ra một cách rõ ràng và chính xác trước hết thảy quần chúng lao động và bị áp bức, trong đoạn thứ 4 (phần thứ 4) của nghị quyết được thông qua ngày l5 tháng Ba 19l8, tại Đại hội bất thường các Xô-viết họp ở Mát-xcơ-va, tức là trong cùng một đoạn (hay trong cùng một phần) của nghị quyết nói về vấn đề kỷ luật tự giác của những người lao động và cuộc đấu tranh thẳng tay chống tình trạng hỗn loạn và vô tổ chức1).
Nền hòa bình mà nước Cộng hòa xô-viết Nga đã giành được sở dĩ mỏng manh, tất nhiên không phải là vì hiện nay nước Cộng hòa xô-viết Nga nghĩ đến việc tiếp tục trở lại tiến hành chiến sự; trừ bọn phản cách mạng tư sản và bọn phụ họa của chúng (bọn men-sê-vích và những bọn khác) ra, thì không một nhà chính trị đầu óc lành mạnh nào lại nghĩ như thế cả. Nền hòa bình sở dĩ mỏng manh là vì trong các nước đế quốc sát biên giới phía Tây và phía Đông nước Nga, tức là trong những nước có một lực lượng quân sự to lớn, phái chủ chiến bất cứ lúc nào cũng có thể thắng thế; phái này có lòng thèm muốn trước tình trạng suy yếu tạm thời của nước Nga và được bọn tư bản đang căm ghét chủ nghĩa xã hội và hám cướp bóc, xúi giục.
Trong tình hình đó, thì sự đảm bảo thực tế, chứ không phải đảm bảo trên giấy, để cho chúng ta giữ được hòa bình, - chính là sự hiềm khích giữa các cường quốc đế quốc chủ nghĩa, sự hiềm khích này đã gay gắt đến cực độ và biểu hiện ra, một mặt, trong việc bọn đế quốc gây trở lại một cuộc tàn sát giữa các dân tộc phương Tây, và mặt khác, trong cuộc cạnh tranh đế quốc chủ nghĩa cực kỳ gay gắt giữa Nhật và Mỹ, nhằm thống trị Thái-bình-dương và vùng duyên hải Thái-bình-dương.
Rõ ràng là với một sự bảo vệ yếu ớt như thế, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô-viết của chúng ta đang ở vào một hoàn cảnh quốc tế hết sức không vững và rõ ràng là nguy kịch. Chúng ta phải dốc hết sức lực ra để lợi dụng thời gian tạm ngừng chiến mà thời cơ đã đưa lại cho chúng ta, để hàn gắn những vết thương cực kỳ trầm trọng do chiến tranh gây ra cho toàn bộ cơ thể xã hội của nước Nga, và để phát triển kinh tế nước nhà, nếu không thì không thể nào nói đến tăng cường khả năng quốc phòng của nước Nga lên một mức tương đối được.
Và cũng rõ ràng là chỉ khi nào chúng ta làm tròn được nhiệm vụ tổ chức đang đặt ra trước mắt chúng ta ngần nào, thì chúng ta có thể giúp đỡ được nhiều ngần ấy cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở phương Tây hiện còn chưa nổ ra kịp vì nhiều lý do.
Điều kiện cơ bản để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tổ chức đó, nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho chúng ta là các nhà lãnh đạo chính trị của nhân dân, nghĩa là các đảng viên Đảng cộng sản (bôn-sê-vích) Nga, và tiếp đến là tất cả những đại biểu giác ngộ của quần chúng lao động, phải thấu triệt được sự khác nhau căn bản, về mặt ấy, giữa các cuộc cách mạng tư sản trước kia và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Trong các cuộc cách mạng tư sản, nhiệm vụ chủ yếu của quần chúng lao động là làm một công việc tiêu cực hoặc có tính chất phá hoại: xóa bỏ chế độ phong kiến, chế độ quân chủ, những quan hệ thời trung cổ. Còn công tác tích cực hay là sáng tạo, tức là công tác tổ chức một xã hội mới, thì lại do thiểu số hữu sản, tức thiểu số tư sản trong nhân dân, hoàn thành. Và sở dĩ thiểu số đó hoàn thành được nhiệm vụ ấy một cách tương đối dễ dàng, bất chấp cả sự phản kháng của công nhân và nông dân nghèo, đó không những là vì sự phản kháng của quần chúng bị tư bản bóc lột lúc bấy giờ còn đang hết sức yếu ớt do tình trạng phân tán và chưa phát triển của họ, mà còn là vì lực lượng tổ chức cơ bản của xã hội tư bản chủ nghĩa - một xã hội được xây dựng lên một cách vô chính phủ - là thị trường trong nước và quốc tế, thị trường này lúc đó đang phát triển một cách tự phát về bề rộng cũng như bề sâu.
Trái lại, nhiệm vụ chủ yếu mà giai cấp vô sản và nông dân nghèo do giai cấp vô sản lãnh đạo, phải hoàn thành trong bất cứ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nào và, do đó, phải hoàn thành cả trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã bắt đầu tiến hành ở Nga, ngày 25 tháng Mười l917 - nhiệm vụ chủ yếu đó là một công tác tích cực hay là sáng tạo nhằm thiết lập một màng lưới các quan hệ tổ chức mới, một màng lưới cực kỳ phức tạp và tinh tế bao trùm sự sản xuất và phân phối một cách có kế hoạch các sản phẩm cần thiết cho đời sống của hàng chục triệu người. Một cuộc cách mạng như thế chỉ có thể được hoàn thành thắng lợi, nếu đa số nhân dân, và trước hết là đa số những người lao động, chủ động tiến hành một hoạt động sáng tạo có ý nghĩa lịch sử. Chỉ khi nào giai cấp vô sản và những người nông dân nghèo tỏ ra có đầy đủ tinh thần tự giác, trình độ tư tưởng, tinh thần hy sinh và tinh thần bền bỉ, thì khi đó, thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa mới được đảm bảo. Chúng ta đã thiết lập được một kiểu nhà nước mới, kiểu xô-viết, nó tạo khả năng cho quần chúng lao động và bị áp bức có thể tham gia hết sức tích cực và chủ động vào công cuộc xây dựng xã hội mới, nhưng như thế, chúng ta chỉ mới giải quyết được một phần nhỏ của một nhiệm vụ khó khăn. Khó khăn chủ yếu là ở trong lĩnh vực kinh tế: thực hiện ở khắp mọi nơi và hết sức nghiêm ngặt sự kiểm kê và kiểm soát việc sản xuất và phân phối sản phẩm, tăng năng suất lao động, thật sự xã hội hóa sản xuất.
Sự phát triển của đảng bôn-sê-vích, là đảng hiện nay đang cầm quyền ở Nga, đã chỉ ra một cách đặc biệt rõ ràng cho chúng ta thấy rằng bước ngoặt lịch sử mà chúng ta đang trải qua - cái bước ngoặt nói lên đặc điểm của tình thế chính trị hiện nay và đòi hỏi Chính quyền xô-viết phải tìm một phương hướng mới, tức là một cách thức mới để đề ra những nhiệm vụ mới - là như thế nào.
Nhiệm vụ thứ nhất của bất cứ một chính đảng nào có trọng trách đối với tương lai là thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình. Nhiệm vụ đó đã chiếm hàng đầu dưới chế độ Nga hoàng, cũng như trong thời kỳ mà bọn Tséc-nốp và Txê-rê-tê-li thi hành chính sách thỏa hiệp với bọn Kê-ren-xki và bọn Ki-skin. Ngày nay, cố nhiên chúng ta vẫn chưa hoàn thành được nhiệm vụ ấy (và sẽ không bao giờ hoàn thành triệt để được nhiệm vụ ấy) nhưng cũng đã hoàn thành được về căn bản rồi, vì đa số công nhân và nông dân Nga rõ ràng là đứng về phía những người bôn-sê-vích, như đại hội vừa qua các Xô-viết ở Mát-xcơ-va đã chứng minh một cách không thể chối cãi được.
Nhiệm vụ thứ hai của đảng ta là giành lấy chính quyền và đập tan sự phản kháng của bọn bóc lột. Cả nhiệm vụ này nữa cũng vậy, chúng ta chưa hoàn thành xong xuôi và không thể coi thường nó, vì một mặt, bọn quân chủ và dân chủ - lập hiến, và mặt khác, bọn phụ hoạ và bộ hạ của chúng - tức là bọn men-sê-vích và bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng cánh hữu - đều tiếp tục mưu mô cấu kết với nhau hòng lật đổ chính quyền xô-viết. Nhưng, về căn bản, nhiệm vụ đập tan sự phản kháng của bọn bóc lột đã hoàn thành trong thời kỳ từ 25 tháng Mười 1917 đến (khoảng) tháng Hai 1918, hoặc đến ngày mà Bô-ga-ép-xki đầu hàng.
Nhiệm vụ thứ ba, - - nhiệm vụ tổ chức quản lý nhà nước Nga - hiện đang được đề ra trước chúng ta, đó là nhiệm vụ trước mắt, nói lên đặc điểm của tình thế hiện nay. Dĩ nhiên, chúng ta đã đề ra nhiệm vụ đó và giải quyết ngay từ sau ngày 25 tháng Mười 1917, nhưng cho đến nay, khi sự phản kháng của bọn bóc lột còn mang hình thức một cuộc nội chiến công khai, thì nhiệm vụ quản lý chưa thể trở thành nhiệm vụ chủ yếu, trung tâm được.
Ngày nay nhiệm vụ quản lý đã trở thành nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm. Chúng ta, đảng bôn-sê-vích, chúng ta đã thuyết phục được nước Nga. Chúng ta đã giành được nước Nga từ trong tay bọn nhà giàu để giao lại cho những người nghèo, từ trong tay bọn bóc lột để giao lại cho những người lao động. Bây giờ, chúng ta phải quản lý nước Nga. Và toàn bộ đặc điểm của tình thế hiện thời, tất cả sự khó khăn là ở chỗ phải hiểu rõ những đặc điểm của bước chuyển từ nhiệm vụ chủ yếu là thuyết phục nhân dân và dùng lực lượng quân sự trấn áp bọn bóc lột, sang nhiệm vụ chủ yếu là quản lý.
Trong lịch sử thế giới, đây là lần đầu tiên mà một đảng xã hội chủ nghĩa đã có thể hoàn thành được, trên những nét chủ yếu, việc giành chính quyền và đè bẹp bọn bóc lột, đã có thể trực tiếp bắt tay vào việc giải quyết nhiệm vụ quản lý. Chúng ta phải tỏ ra là những người thực hiện được một cách xứng đáng nhiệm vụ rất khó khăn (và rất cao cả) ấy của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải suy nghĩ kỹ rằng muốn quản lý được tốt, thì ngoài cái tài biết thuyết phục, biết chiến thắng trong cuộc nội chiến, còn cần phải biết tổ chức trong lĩnh vực thực tiễn. Đó là nhiệm vụ khó khăn nhất, vì vấn đề là phải tổ chức theo phương thức mới những cơ sở sâu xa nhất, những cơ sở kinh tế của đời sống của hàng chục và hàng chục triệu con người. Đó cũng là nhiệm vụ cao cả nhất vì chì sau khi đã thực hiện được nhiệm vụ ấy (trên những nét chủ yếu và cơ bản của nó), thì mới có thể nói rằng nước Nga không những đã trở thành một nước cộng hòa xô-viết, mà còn là một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa nữa.