Ông Triệu đã trở về nhà. Ông trở nên lặng lẽ ít nói như một chiếc bóng vậy. Dù Quốc Trung can ngăn, ông vẫn tiếp tục tới ga-ra làm việc, ông không muốn ngồi ở nhà. Với ông, việc tránh gặp mặt bà Loan mỗi ngày càng nhiều càng tốt. Ngọc Nhi đã thi tốt nghiệp xong. Con bé đang chuẩn bị đi thi đại học.
Sau đó Ngọc Nhi theo cô Nga về Buôn Mê Thuột để phụ giúp bà Nga một tay.
Ngọc Nhi muốn được lao động hơn là rong chơi, cô bé không còn cảm hứng cho những cuộc chơi vô bổ nữa từ khi tai họa ập xuống gia đình. Sài Gòn không thiếu gì việc làm, nhưng cũng không có chỗ cho những cô bé vừa tốt nghiệp phổ thông, ngoại trừ việc đi làm tiếp viên cho các quán bar, cà phê.
Dạo này, Quốc Trung ít có mặt ở nhà. Nó gần như ở hẳn bên nhà bà Như Nguyệt, khả năng phục hồi trí nhớ của Phương Đông ngày càng tiến triển tốt.
Cô bé đã bắt đầu nhớ lại những bài học vi tính. Ông bà Minh Hoàng mừng không gì tả xiết.
Bà Loan thì trái lại càng lúc càng quá quắt. Bà công khai việc làm tồi tệ của mình, không cần đếm xỉa nỗi đau đớn của chồng con. Trong gia đình, Nam Hưng luôn tỏ ra mặt giận dữ chống đối trước hành vi, việc làm tồi tệ của mẹ.
Buổi tối, mấy cha con đang ngồi cùng nhau coi ti vi ở phòng khách thì bà Loan về tới. Bà không đi một mình mà về cùng một người nào đó và có lẽ bà đi ngay.
Bà Loan nhìn quanh:
– Ngọc Nhi! Con đi chơi với mẹ một lúc nha.
Ngọc Nhi không quay lại, cô từ chối:
– Con không thích đi đâu cả.
Bà Loan lên giọng:
– Nhưng mẹ đã hứa với bạn của mẹ là sẽ dẫn con đến dự sinh nhật của bà ấy.
Ngọc Nhi vẫn bình thản:
– Càng không liên quan gì đến con cả. Mẹ muốn con đi đâu với mẹ, ít ra mẹ phải nói trước chứ không phải đùng một cái mẹ nói gì phải nghe theo. Bây giờ con lớn rồi, không còn nhỏ nhắn gì cho cam. Trước khi làm việc gì con cần phải suy nghĩ nên hay không nên thưa mẹ.
Bà Loan nói:
– Con biết bác Nguyễn mà. Bác ấy đến nhà mình vài bận, gặp con có khen hoài và kêu mẹ dẫn con tới nhà chơi, nhà người ta giàu có, được họ thương là quý lắm đấy con.
Ngọc Nhi lắc đầu:
– Ai giàu thì mặc kệ họ, mẹ nói với con điều ấy làm gì?
Bà Loan tức giận:
– Dù gì tao cũng là mẹ mày. Tao cưu mang chín tháng mười ngày, nuôi mày lớn khôn, để bây giờ mày học thói mất dạy, hoang đàng, trả treo lại tao à? Mẹ nói không nghe, người ngoài nói thì tăm tắp nghe. Tao nói nhẹ nhàng không muốn, đừng để tao nổi giận.
Ngọc Nhi vẫn từ tốn:
– Con không làm gì để cho mẹ phải buồn lòng. Thời gian con không còn nhiều, con phải ôn bài vì sắp thi đến nơi rồi. Con không muốn đầu óc của mình bị phân tâm bởi những chuyện không đâu.
Bà Loan bĩu môi:
– Học cho lắm để làm gì? Khối đứa bằng nọ bằng kia cho nhiều còn thất nghiệp dài dài và phải đi bán cà phê, tiếp thị bia để có tiền tồn tại kìa. Tao đã dự tính cả rồi, con gái tốt nhất là tìm cho mình một tấm chồngg giàu sang, sau này khỏi cực thân. Cỡ con, khối đứa thích lấy làm vợ, nghe lời mẹ con sẽ sướng.
.Ngọc Nhi bĩu môi và phẫn nộ:
– Công mẹ đẻ con ra, tạo nên vóc nên hình như bây giờ, con chẳng bao giờ dám phụ công ơn đó. Nhưng không vì thế mẹ có quyền ép buộc con vào những chuyện mà con không muốn. Vả lại bạn bè của mẹ con không biết ai cả, nên con không muốn đi.
Nam Hưng búng tay. Cử chỉ của cậu bé thật láo xược, nhưng nó hình như có tác dụng trong việc ngăn chặn những lời nói của mẹ.
– Thôi! Mẹ đi đi, đừng ở đó mà kể lể công cán của mẹ nữa. Mẹ đã nói vậy thì con cũng muốn hỏi mẹ một chuyện. Trước đây, khi ông bà sanh ra mẹ, họ có đem công sinh ra và nuôi mẹ lớn lên để áp đặt mẹ kiểu ấy không? Lâu rồi, mẹ nhớ lại xem, mẹ đã cố báo đáp được chút chữ hiếu không? Hay mẹ chỉ khiến ông bà suốt ngày phải khóc vì những chuyện xấu xa của mẹ. Luật tạo hóa cả thôi mẹ, ông trời có mắt. Phước dày quá thì sau này ắt có con ngoan.
Bà Loan tức tối:
– Thằng quỷ kia! Tao cho mày ăn mặc sung sướng để mày chửi tao và cưỡi lên đầu mẹ mày phải không thằng mất dạy. Coi chừng tao à!
Quay sang Ngọc Nhi, bà nhẹ nhàng năn nỉ:
– Mẹ lỡ hứa với người ta là dẫn con tới dự rồi. Con đi với mẹ một tí thôi cũng được. Kẻo không, lại mất mặt mẹ.
Ngọc Nhi tỏ ra cương quyết:
– Con đã nói không đi đâu với mẹ cả, mẹ đừng làm phiền con nữa. Con vô học bài đây.
Và cô lặng lẽ bỏ vào phòng đóng cửa lại, mặc cho bà Loan đứng ngoài.
Bà Loan rít giọng:
– Được, tao cho mày biết, tao có còn làm mẹ mày không.
Bà nói xong đùng đùng đứng lên đi vô phòng. Một lúc sau, bà bước ra ngoài với một con người đổi khác khêu gợi và rực lửa. Nhìn bà như kẻ không ra gì.
Nam Hưng bất bình:
– Mẹ còn đi đâu nữa vậy?
– Mày muốn biết tao đi đâu hả? Tao đi kiếm tiền đấy con ạ. Tao cần tiền để sống và tụi bây cần có ăn để tồn tại mà học. Không có vốn như người ta thì phải biết tận dụng tối đa vốn trời đã cho sẵn mình chứ con trai cưng. Không lẽ mày bắt tao ở nhà để chết đói à?
Nam Hưng cắn chặt môi, bàn tay cậu bé nắm lại, rưn lên bần bật vì tức giận:
– Tụi tôi không cần những đồng tiền dơ dáy, bẩn thỉu của bà kiếm về đâu, thà tụi tôi chết đói, không có học. Bà đã tự mình đánh mất nhân cách, phẩm giá của một người vợ, người mẹ, không xứng đáng với sự hy sinh của ba tôi nữa. Tôi không còn tôn trọng bâ được nữa rồi. Tôi hận bà.
Bà Loan cười khẩy:
– Bữa nay mày ngon hén? Dám chửi cả tao nữa, đã vậy còn dạy đời tao. Bây giờ tao có chuyện phải đi liền nên chưa trừng trị mày. Nhưng sáng mai, khi tao về sẽ hỏi tội mày sau.
Nam Hưng gào lên:
– Bà đi luôn đi, đừng đem nỗi nhục về căn nhà này cho cha con tôi nữa.
Có tiếng còi xe hối ngoài đầu hẻm. Bà Loan vung vẩy chiếc bóp nhỏ xíu ngoe nguẩy đi ra khỏi nhà, mùi nước hoa xông lên thật khó chịu.
Ông Triệu khô khốc:
– Có lẽ đã đến lúc ba cần phải đưa tụi con rời khỏi nơi này rồi. Ba không muốn mỗi ngày thấy các con phải chịu thấy cái cảnh này của mẹ con.
Nam Hưng nhìn cha:
– Đúng ra, khi có quyết định này, ba phải nói sớm hơn khi con bắt đầu tập đánh vần từng nét chữ. May mà nhờ có anh Hai, nếu không hôm nay ba đã mất thêm con nữa. Nhờ có anh Hai khuyên bảo và dạy dỗ nên con đã không bỏ đi bụi khi biết tất cả mọi chuyện.
Ông Triệu buồn bã:
– Ba luôn nghĩ đến cái chết tức tưởi của mẹ Quốc Trung, để rồi ba đành buông xuôi tất cả. Ba sợ ông trời bắt ba phải lãnh thêm một nỗi đau lần nữa nên ba đành cam phận nhìn mẹ con sa đọa, mà không có cách gì ngăn cản. Hai con có trách ba không, nếu phải rời xa nơi này để đi đến một nơi buồn hơn thành phố?
Nam Hưng lắc đầu:
– Căn nhà này đâu còn thuộc về chúng ta nữa. Luyến tiếc cũng vậy thôi, sớm muộn gì cũng phải đi. Theo con, cha con mình nên đi lúc này tốt nhất thưa cha.
Ông Triệu gật đầu:
– Để ba nói cho cô Nga con biết rõ chuyện và cũng phải chờ chị Nhi con thi xong đã rồi chúng ta dọn đi.
Quốc Trung chạy xe về nhà. Dạo này ông bà Hoàng đã khuyên anh nên lấy xe của Phương Đông đi tạm. Thật lòng, Quốc Trung không muốn bị người khác nghĩ là anh lợi dụng nhưng vợ chồng ông Hoàng nói quá anh đành phải nhận.
Ngọc Nhi nghe tiếng xe, cô chạy ra:
– Anh Hai sao hôm nay về tối vậy? Cả ngày nay anh đã liên hệ được nơi nào nhận anh làm chưa?
Quốc Trung dựng xe xuống lắc đầu, mệt mỏi:
– Nếu không vì căn bệnh của Phương Đông, chằc anh đã nhận quyết định của nhà trường là khỏe hơn. Bây giờ ngày nào cũng phải đi tìm chỗ làm, anh mệt mỏi và nản quá.
Ngọc Nhi ngập ngừng:
– Ba mẹ chị Phương Đông biết việc anh kiếm việc mỗi ngày không?
Quốc Trung cười nhẹ:
– Anh không muốn dì dượng bận tâm nữa, vì họ đã quá tốt với anh rồi.
– Chả lẽ anh cứ lang thang hoài? Trong khi với một lời nói của dượng Hoàng, biết đâu anh có một chỗ làm ngon lành hơn việc phải suốt ngày đi lang thang kiếm việc.
Quốc Trung bình thản:
– Không đơn giản chỉ là một lời nói, một bữa nhậu đâu em gái. Nó phải đi song hành tới sự quen biết là tiền nữa. Nếu đơn giản như em nghĩ thì anh đâu đến nỗi không có việc làm.
Ngọc Nhi gặng:
– Nhiều không hở anh?
– Anh không rõ lắm về chuyện này. Nhưng anh nghĩ chắc cũng không dưới dăm cây vàng đâu. Thời buổi này mà càng nhiều tiền cho họ thì mình càng có chỗ làm tốt và được họ kiêng nể khi vô nơi đó làm.
Ngọc Nhi kêu lên:
– Nhiều như vậy ư? Nếu vậy, em chẳng dám đi học nữa đâu. Mấy năm học đã tốn vài chục triệu rồi, ra trường lại còn tốn nửa. Thà em đi làm ngay bây giờ còn hơn đến lúc đó sợ còn tệ mạt hơn anh nữa.
Quốc Trung trừng mắt:
– Anh Hai cấm em không được nghĩ lung tung như vậy. Ngoại trừ em không còn tha thiết học tiếp nữa. Còn không, anh hứa bằng mọi giá là lo cho em và Hưng đến cùng.
Nam Hưng tưng tửng:
– Anh Hai không biết à? Chị Ba đang có cửa huy hoàng hơn anh em ta đấy.
Không còn đi học, chị ấy đi lấyViệt kiều là hai anh em mình OK liền.
Ngọc Nhi ré lên:
– Thằng quỷ sứ! Nói chuyện tào lao điên khùng đâu không! Lấy Việt kiều xài tiền đô đúng là sướng thật chỉ ngồi một chỗ. Nhưng tao không muốn ngày nào cũng phải phập phổng lo sợ đến nỗi mất ăn mất ngủ, tao thèm vào.
– Gì mà lo? Em thấy đầy kẻ lấy chồng nước ngoài sướng như bà hoàng đó.
Có thấy họ lo sợ như chị nói đâu.
– Mày không biết thiệt à? Tao lo ở đây là dễ mắc căn bệnh chết người của thế kỷ đó, lúc đó chị có nước chết mà thôi. Thà lấy chồng nghèo nhưng không phải lo chết sớm.
Quốc Trung bật cười:
– Dữ ta! Em gái anh hôm nay ngon lành quá. Ai làm mai vậy? Nói thử anh Hai nghe sơ sơ về người ta để anh Hai nhận xét giùm cho.
Ngọc Nhi nhăn mặt:
– Anh Hai này nghe lời thằng quỷ nhỏ có nước bán nhà ra đường ở luôn đó.
À! Chị Phương Đông đã đỡ nhiễu lên chưa anh Hai?
– Cũng đỡ rồi. Dì Nguyệt đang có ý định đưa Phương Đông lên trên nhà cô Nga chơi. Ở đó, không khí yên lành, dễ chịu rất tốt cho việc điều trị căn bệnh của Phương Đông.
Ngọc Nhi tủm tỉm:
– Em thấy chị Phương Đông đẹp mê hồn luôn, anh Hai ráng chữa khỏi bệnh cho chị ấy, rồi xin về làm rể của dì dượng Hoàng luôn. Em thấy hai người cũng xứng đôi.
Quốc Trung cười:
– Nói bậy không hà. ĐỂ tới tai dì dượng Hoàng không hay đâu.
Ngọc Nhi rụt vai:
– Hổng dám đâu! Em chỉ nói cho vui vậy thôi, còn mọi chuyện là ở anh.
Quốc Trung cười ngất ngưởng. Nam Hưng bỗng xen vô:
– Sao chị Ba không kể cho anh Hai nghe luôn chuyện của chị? Nói thiệt chứ, Minh Thiên mà không yểu mạng hả, có nước mấy bà chằn tinh còn kình nhau dài dài. Nhất là bà Thùy Trang ghét chị Nhi nhà mình không thể tả.
Nghe điều bí mật này, Quốc Trung phải ngẩn ngơ:
– Vậy ra ngày trước mấy đứa em học chung với nhau hả?
Ngọc Nhi gật đầu:
– Minh Thiên học với em từ khi bước chân vào cấp ba. Thùy Trang thì mới chuyển trường về và học chung với em sau này thôi. Thoạt đầu, em cũng hơi ngạc nhiên về sự giống nhau giữa anh và Minh Thiên. Em tính về kể cho mọi người nghe nhưng rui lại quên mất.
Quốc Trung trầm ngâm:
– Chắc tại điểm giống nhau này nên Thùy Trang đã cố tình ngộ nhận. Giờ thì anh mới hiểu ra mọi chuyện.
Ngọc Nhi ngơ ngác:
– Chuyện gì nữa anh Hai?
Cậu bé Nam Hưng cũng trợn mắt:
– Không lẽ bà Trang thích anh luôn sao? Số anh đào hoa và phong lưu ghê.
Cô nào thích anh đều đẹp cả.
Ngọc Nhi nhìn anh trai:
– Ai thì em không dám chắc, chứ Thùy Trang thì dám lắm. Hơn nữa, anh Hai mình về ngoại hình đâu kém gì ai có khi ăn đứt cả Minh Thiên nữa. Nghề nghiệp ngon lành, nên không dễ gì con Trang nó một hai đòi bảo lãnh anh Hai mình đi du học cùng chị em nhà nó. Có trời mới biết được, anh Hai đã làm cho những trái tim nào đau khổ vì ảnh.
Quốc Trung bật cười:
– Thôi đi em gái. Đừng có mèo khen mèo dài đuôi. Nói mà không sợ thiên hạ họ nghe được cười thúi đầu luôn hở nhỏ? Nghề ngon lành mà thất nghiệp dài dài. Thôi, anh Hai mệt quá không nói tào lao với hai đứa nữa đâu. Anh buồn ngủ quá, anh về phòng ngủ trước đây, hai đứa cũng lo đi ngủ đi.
Miệng nói, chân Trung dợm bước vào trong nhà! Như chợt nhớ ra điều gì quan trọng, anh quay lại hỏi hai đứa em:
– Còn ba, hôm nay có tới xưởng ga-ra làm việc không Hưng?
Nam Hưng trả lời:
– Dạ có. Ba mới về hồi bảy giờ nè. Hả! Mà ba đâu rồi? Khi nãy ba còn đang nói chuyện với tụi em thì anh vừa về tới nhà. Ba lại đi đâu nữa rồi không biết.
Ngọc Nhi nhìn quanh phòng khách, rồi cô chợt kêu lên:
– Ba nằm ngủ đây này. Sao mà ba ngủ nhanh vậy?
Quốc Trung xót xa:
– Chắc tại cả ngày ba làm việc không ngừng tay để nghỉ ngơi, nên về tới nhà mệt mỏi là ngủ luôn đó. Ba ơi! Dậy, vô nhà ngủ đi ba, nằm đây muỗi đốt chết.
Ba dậy con đưa ba vô phòng ngủ đàng hoàng.
Ông Triệu dụi mắt, cười thẹn:
– Ba ngủ hồi nào vậy? Con mới về hả Trung? Chắc tại ba mệt quá nên ngủ thiếp đi mà. Các con đừng lo.
Quốc Trung cười:
– Ba thấy trong người đã khỏe hẳn chưa ba? Thuốc con đưa về, ba chịu khó uống mỗi ngay cho đỡ bệnh nha ba.
Ông Triệu gật đầu:
– Ba nhớ mà, con yên tâm đi, ngày nào ba cũng uống hết.
Nam Hưng nói:
– Vậy là tụi con yên tâm rồi. Bây giờ để con đưa ba vô phòng ngủ.
Ông Triệu xua tay:
– Khỏi đi Hưng, ba tự đi được mà. À! Trung này, ngày mai nếu con rảnh rỗi thì ghé ga-ra, ba có chuyện muốn nói với con.
Quốc Trung vui vẻ:
– Dạ, con sẽ đến, vì nguyên ngày mai con đợi ông Triệu đi rồi, Quốc Trung quay sang hỏi Ngọc Nhi thật nhỏ:
– Dì Loan hôm nay không về hả?
Ngọc Nhi cúi đầu:
– Bà ấy về một lúc, gây lộn ì xèo. Bá mới đi được ít phút là anh về tới.
Quốc Trung cau mày:
– Khuya thế này, dì Loan không lo ở nhà mà còn đi đâu nữa?
Mắt Nhi ngấn nước:
– Anh Hai ơi! Đừng nhắc đến bà ấy nữa, coi như tụi em vô phước đi khi có một người mẹ không ra gì.
– Ba không nói gì à?
Ngọc Nhi mếu máo:
– Mẹ không còn biết phải trái, không nghĩ đến danh dự của chồng con nữa thì mọi lời khuyên đối với mẹ bây giờ đều trở nên vô nghĩa. Mẹ đâu có biết rằng, những người hàng xóm quanh con hẻm này, họ nhìn tụi em vừa thường hại, vừa xa lánh. Ngày trước mẹ em đánh bài, họ chỉ giận, chứ không ghê tởm, xa lánh như bây giờ. Em không dám trách ai cả. Vì họ ghét là đúng rồi. Em chỉ hận mẹ thôi, tại sao bà lại làm như thế chứ?
Quốc Trung thở dài, anh lặng lẽ móc túi đặt vào tay Ngọc Nhi một xấp tiền:
– Cất đi để lo tiền ăn mỗi ngày trong nhà và nhớ phảI mua cái gì đủ chất để ba ăn. Ba cần ăn đầy đủ chất mới mong có sức khỏe lại.
Ngọc Nhi không chịu cầm:
– Tiền đâu mà anh có vậy, anh Hai? Ngày nào đi làm về, ba cũng đều đưa tiền cho em cất. Em thật bất ngờ khi ba đưa tiền, em không thể ngờ ba làm ra nhiều tiền như thế. Ngày nào ích khách ba cũng đem về tới năm trăm ngàn luôn.
Có cầm tiền của ba trong tay, em mới thấm thía nỗi nhọc nhằn cay đắng mà ba gánh chịu từ sự quá quắt của mẹ em. Tiền ba làm ra nhiều như thế mà mẹ lúc nào cũng luôn miệng càm ràm, chê ít. Khi ba bệnh, nhà mình không có lấy được một đồng. Em không cần tiền của anh Hai đâu. Anh cất đi, để có đồng ra đồng vô xài khi cần giao tiếp, bây giờ anh ra đời rồi cần tiên nay đi đây đi đó chứ không như thời sinh viên nữa.
Quốc Trung nhăn mặt khi nghe Nhi nói vậy:
– Đừng chê tiền của anh Hai chớ nhỏ. Dù chưa có việc làm nhưng mỗi tuần anh vẫn được dì Nguyệt trả lương hậu hình. Anh chẳng cần mua sắm hay xài vào chuyện gì cả. Hôm nay, mẹ Thùy Linh cũng vừa trả tiền lương anh dạy kèm của hai chị em Thùy Linh và Thùy Trang tháng rồi.
Ngọc Nhi thở dài:
– Thôi được. Anh không xài, thì coi như em cất giùm cho anh vậy. Dù sao anh em mình sắp tới cũng đang cần tiền. Vì căn nhà này đâu còn thuộc quyền sở hữu của gia đình ta nữa. Để tiền của anh đó biết đâu khi có việc gì quan trọng còn có tiền mà lấy ra giải quyết dù là không nhiều, anh Hai đồng ý không?
Quốc Trung gật đầu và nhìn em gái đăm đăm. Anh rất muốn được nói ra tất cả cho em gái nghe, nhưng cuối cùng lại né đi:
– Bộ bà Thịnh đến đây hả?
Ngọc Nhi lắc đầu.
– Thế sao em nhắc tới việc này?
– Hồi nãy, khi tụi em cãi lộn với mẹ, ba ngồi im không hề lên tiếng. Sau cùng, khi mẹ đi ra khỏi nhà thì ba nói, ba sẽ đưa tụi em đi nơi khác ở, có thể là lên ở với cô Nga trên Cao nguyên. Ba bảo rằng ba cũng không muốn rời căn nhà nhưng giờ đây nói thuộc về người khác rồi. Với lại, mẹ em càng lúc càng sa đọa, lún sâu vào con đường xấu xa. Tụi em đã chịu không biết lời đàm tiếu của hàng xóm, bạn bè xung quanh. Đi là phải rồi, anh ạ.
Quốc Trung chậm rãi:
– Nhưng nếu căn nhà này vẫn là của mình thì em có muốn đi hay ở lại?
– Thì bán đi.
Ngọc Nhi buông gọn rồi cô chợt nhìn anh Hai:
– Anh lại muốn thay đổi ư? Nói thiệt nhé. Bà Mai Phương có tính ngang bướng, bốc đồng nắng mưa thất thường. Căn bản thì bà ấy tốt thật, nhưng con gái nhà giàu tiếp xúc sớm đời với sàn nhảy chẳng hay ho gì. Anh không nên vương mang vào bản thân mình để đổi lấy vấn đề về nhà cửa nữa. Ba đã có quyết định rồi. Có thể ngày mai ba muốn gặp anh cũng không ngoài việc đó đâu. Anh hãy lo cho bân thân mình nhiều hơn nữa đi.
Quốc Trung thở dài:
– Thôi, chuyện gì để mai hãy nói tiếp. Khuya rồi, đóng cửa nẻo lại cho đàng hoàng rồi đi ngủ một giấc cho khỏe đã.
– Con đã ăn sáng chưa Trung?
Đang định đi thẳng lên lầu, Quốc Trung quay lại vì bà Như Nguyệt đang bưng trên tay khay đồ ăn sáng và hỏi anh.
Quốc Trung cười:
– Con ghé uống cà phê, tiện ăn luôn ổ bánh mì rồi, thưa dì. Dì đem đồ ăn sáng lên cho dượng à? Để con tiện thể bưng lên giùm dì cho, dì khỏi phải lên cho mệt.
Trao chiếc khay cho Quốc Trung, bà Như Nguyệt cười nhẹ:
– Chẳng biết công ty gặp sự cố rắc rối gì quan trong không nữa mà tối qua ổng về khuya lắc. Mới sớm đã vô phòng làm việc rồi, bỏ cả thời gian tập thể dục buổi sáng, ông làm cho dì lo lắng quá.
Quốc Trung quan tâm:
– Dì không hỏi dượng à?
Bà Như Nguyệt nhăn nhó:
– Có bao giờ ổng chịu nói chuyện làm ăn ở công ty với dì đâu. Ổng không muốn nói ra vì sợ dì lo lắng vì thương trường là chiến trường. Sơ sẩy một chút, tin người một chút là tiêu tan sản nghiện cả đời gây dựng luôn. Người ta còn tránh được viên đạn, mũi tên chứ không ai tránh khỏi lười dao đâm lén sau lưng.
Đã tới trước cửa phòng làm việc của ông Hoàng, Quốc Trung tế nhị trao khay đồ ăn cho bà Như Nguyệt anh đi thẳng lên lầu ba, ngó vào phòng Phương Đông, anh dịu dàng:
– Chị Ba! Đêm qua ngủ ngon chứ?
Phương Đông cười toe. Trông cô thật mỏng manh trong chiếc đầm ngủ màu hồng, lúc này trông cô như một búp bê. Thật dễ thương nhưng cũng thật tội nghiệp.
– Ăn bánh không Thiên?
Chìa hộp bánh kem nhỏ về phía Trung, Phương Đông nói thêm:
– Ngon lắm. Của chị vừa mua ở siêu thị về đấy.
Quốc Trung phì cười. Anh thừa biết đó là hộp bánh mà chiều qua mẹ của chị em Thùy Trang đưa cho anh đem về nhà nhóc Hưng và bé Nhi.
Biết Phương Đông là cô gái háo ngọt nên anh ghé đưa cho cô. Bây giờ Phương Đông khoe ngọt xớt là của mình mua ở siêu thị về. Giờ đây, ngồi ngắm cô Trung thấy Phương Đông như con nít.
– Con trai không ai khoái ăn bánh kem cả, chị cất đi để dành ăn.
Phương Đông vội giấu biến ra sau lưng, mắt đảo lia lịa:
– Đúng rồi! Con trai không thích bánh kem, tụi em ghét đồ ngọt và cả đồ chua nữa. Chị nhớ ra rồi, nhóc chỉ khoái ăn kẹo sô-cô-la thôi, đúng không Thiên? Vậy thì chờ đi, mai chị sẽ vô siêu thị mua cho ăn.
Quốc Trung nhăn mặt:
– Ngày mai, chị còn phải đánh đàn cho em nghe đấy. Nếu như em nghe mà không hay thì sẽ nghỉ chơi với chị luôn.
Phương Đông chìa tay:
– Cho chị xin tấm hình Đan Trường đi?
Quốc Trung kêu lên:
– Em đâu có, con trai ai lại đi giữ hình ca sĩ đàn ông bao giờ. Nếu chị thích, mai em xin tụi con gái lớp em cho. Tụi nó, đứa nào cũng có vài tấm. Nhưng chỉ phải ngoan thì em mới lấy cho.
Phương Đông thích thú:
– Nhớ nhé, càng nhiều càng tốt.
Quốc Trung thiếu nước kêu trời. Ngày mai phải nhờ Ngọc Nhi mua giùm thôi. Hình ca sĩ bây giờ bán tràn lan, thiếu gì. Nhưng anh không hiểu sao anh chàng ca sĩ này có gì mà thu hút cái đám con gái vậy?
Giơ tay làm một động tác chào thật điệu nghệ, Quốc Trung nháy mắt:
Bye nha. Em bị ba triệu hỏi đấy.
Phương Đông cười tít:
– Ba gọi, thích thấy mồ. Chắc ba gọi nhóc vô lại muốn cho tiền nhóc xài đó.
Nếu có, thì nhớ cho chị một trăm, chị đi mua cây kẹp tóc để kẹp cho tóc khỏi rối nha.
– OK.
– Quốc Trung thở phào. Anh rời khỏi phòng Phương Đông và không quên đóng cửa lại cho cô. Công việc chẳng khó khăn gì, lương lại được trả cao, cứ y như anh là một diễn viên đang đóng một vờ kịch ngắn mỗi ngày vậy.
Quốc Trung đi xuống lầu, anh định ra vườn nằm đọc sách một tiếng, sau đó lại tiếp tục xách xe đi tìm việc làm. Cứ tình trạng này hoài, có lẽ anh nên về quê thật. Hộ khẩu của anh thuộc vùng Cao nguyên, nên chẳng dễ dầu có hy vọng nơi nào nhận anh. Dù cho anh có bản nhận xét học lực, hạnh kiểm vừa lý thuyết, vừa thực tế của các giáo sư bác sĩ trong trường khá hấp dẫn. “Học lực vào loại giỏi. Chịu khó học hỏi. Yêu nghề, luôn có sáng tạo độc đáo trong quá trình bào chế thuốc Đông - Nam dược. Gần hai trăm sinh viên ra trường, không có bản nhận xét thứ hai nào giống của anh. Vậy mà chẳng ở đâu chịu tiếp nhận anh cả.
– Quốc Trung!
Tiếng ông Hoàng gọi anh thật nhỏ. Anh nhìn thấy ông đang đứng nơi ban công, dưới những giỏ phong lan rừng đủ loại.
– Dượng cho gọi cháu có việc gì không ạ?
Quốc Trung lễ phép.
Ông Hoàng kéo tay anh:
– Vô phòng, ta có việc muốn hỏi cháu?
Quốc Trung đi theo ông vào phòng làm việc. Anh ngồi xuống ghế, đối diện với ông Hoàng.
Ông Hoàng hỏi cười:
– Phương Đông không làm cháu khó chịu chứ Trung?
Quốc Trung nói:
– Dạ không có đâu dượng. Mỗi ngày, cô ấy mỗi vui vẻ ra.
Ông Hoàng chép miệng:
– Sắp tới một trăm ngày của Minh Thiên rồi. Ta đang lo không biết chuyện gì sẽ xảy ra hôm ấy nữa. Vợ ta muốn đưa Phương Đông đi chơi.
Quốc Trung suy nghĩ:
– Căn bản Phương Đông chỉ bị tâm bệnh do sự mặc cảm nặng nề khiến cô ấy nghĩ mình là người gây nên cái chết cho Minh Thiên. Theo cháu hôm đó cứ để cô ấy trực diện với ngày giỗ. Biết đâu ý thức giữa thực và hư sống dậy, cô ấy sẽ khỏi bệnh thì sao. Cháu nghĩ dì dượng cứ nên thử một lần coi sao.
– Còn lỡ nặng thì sao?
Cháu nghĩ sẽ không có chuyện ấy xảy ra đâu Dượng đừng lo lắng quá.
Ông Hoàng chợt hỏi:
– Trung này! Phải cháu đang xin việc làm không?
Quốc Trung giật mình. Ông Hoàng đi làm suốt ngày, có mấy khi gặp anh đâu. Sao ông lại biết chứ?
Anh cúi đầu:
– Cháu ...
– Có gì mà cháu phải giấu gì dượng chứ. Nếu cháu muốn, ta xin được cho cháu vào làm tại công ty bào chế dược phẩm của một người bạn thân, công ty này của ông ta nằm ở quận Thủ Đức lận.
Mình mang nợ ông bà Hoàng quá nhiều rồi. Mình không thể lạm dụng bất cứ điều gì nữa. Nghĩ thầm trong bụng, Quốc Trung khẽ nói:
– Thật ra, cháu đang xin về trên Cao nguyên, nhà trường lại điều cháu về thành phố Đà Lạt. Cháu muốn đã về là về luôn Buôn Mê Thàuột nơi cháu sinh ra. Với lại, cô cháu dạo này cũng hay ốm đau luôn. Trách nhiệm thờ phụng ông bà, cô cháu bao năm vì thương ba cháu mà cáng đáng. Bây giờ là lúc mọi trách nhiệm dòng họ, cuộc đời cháu phải gánh vác lại thay cô và ba cháu.
Ông Hoàng nhìn đăm đăm:
– Ai cũng muốn được ở lại thành phố. Ở đây, người ta mới chứng tỏ được mình. Vậy sao cháu lại có ý nghĩ khác người đó.
Giọng Quốc Trung chùng hẳn:
– Trước đây, cháu cũng đã từng có những ý nghĩ như vậy. Bây giờ, cháu lại cảm thấy ở đây không thích hợp với cháu, nên cháu chẳng muốn ở lại đây. Đành rằng ở lại đây, cháu sẽ dễ hái ra tiền vì ngành cháu học là dược. Cháu hiểu điều ấy. Nhưng tự dưng cháu lại khao khát làm một điều khác nữa. Có lẽ khi nói ra điều này, chưa chừng bác còn nghĩ cháu là đứa nhiều tham vọng, mơ cao. Thật ra, cháu nghĩ cuộc sống của một đời người ai vũng có quyền mơ ước, nếu mơ ước đó không nằm ngoài tầm tay của mình. Cao nguyên xanh bốn mùa khi hậu mát mẻ, là nơi điều trị tốt nhất cho bệnh suy nhược thần kinh cháu muốn kết hợp giữa Đông-Tây y thực tế coi sao.
Ông Hoàng nhíu mày:
– Nghĩa là cháu muốn thành lập một bệnh viện tư, chuyên chữa trị về thần kinh ư?
Lắc đầu, giọng Quốc Trung chắc nịch:
– Cháu không dám làm điều ấy, cháu muốn mở công ty bào chế và sản xuất các loại thuốc Nam, thuốc Đông-Tây y nhằm điều trị cho tất cả các loại bệnh.
Ông Hoàng bàng hoàng:
– Cháu dám làm một mình điều đó ư? Cháu có biết muốn mở được công ty như cháu nói điều quan trọng đầu tiên và cần nhiều nhất là gì không? Đó là vốn và nhân lực. Trên Cao nguyên mù tịt ấy, cháu tìm đâu ra cho mình đủ những đồng nghiệp có khả năng và bằng cấp? Cháu không sợ mình gặp thất bại ngay hay sao?
Quốc Trung sôi nổi:
– Cháu nghĩ kỹ rồi, bước khởi đầu sự nghiệp của cháu sẽ bắt đầu từ việc tự cháu đi sâu vô rừng, tìm các lá thuốc về pha chế, sản xuất thử nghiệm. Hè này, hai đứa em cháu nghỉ, tụi nhỏ muốn làm việc, tụi nó sẽ giúp cháu một thời gian và sẽ kết hợp tìm thêm người từ thực tế địa Phương. Nhân tài và những Phương cách để chữa bệnh gia truyền của đồng bào các dân tộc trên vùng Cao nguyên đâu phải ít. Cháu nghĩ mình sẽ làm được điều mơ ước.
Ông Hoàng không nén được sự cảm phục của mình đối vời Quốc Trung.
– Dượng thật không ngờ và ngạc nhiên quá đỗi khi cháu đã dự tính cho mình một Phương hướng đi đầy tốt đẹp như thế. Cháu có cần ta giúp gì không? Ví dụ như về vấn đề tài chính chẳng hạn. Chỉ cần cháu lên tiếng, dượng sẽ giúp cháu, cháu đừng mặc cảm gì cả.
Quốc Trung chậm rãi:
– Dạ, cháu cám ơn dượng trước. Dượng cho cháu thời gian để cháu lập ra kế hoạch đất đai, xưởng bào chế thử đã. Sau đó cháu sẽ nhờ tới sự giúp đỡ của dượng. Vì tài chính cũng nắm vài trò quyết định không nhỏ, nhưng cháu muốn trước khi nhờ dượng cháu phải có kế hoạch hoàn chỉnh đã.
– Như vậy là cháu nhất quyết về Cao nguyên sống?
Quốc Trung gật đầu:
– Cháu muốn thử sức của bản thân mình, dượng ạ. Đàn ông con trai mà không tự đi được những bước đầu tiên trong đời, sẽ không bao giờ thành công được sự nghiệp.
Ông Hoàng gật gù:
– Cháu quả là người có chí khí và tự lập. Dượng rất cảm phục bản lĩnh của cháu. Nhưng dượng nói trước nha, nếu muốn cháu vẫn có thể bắt tay ngay ở chỉnh thành phố này, chứ không cần phải về xứ Cao nguyên đó. Ở đây sự thành công trong kế hoạch của cháu sẽ hơn nhiều.
Quốc Trung bình tỉnh:
– Dượng sợ cháu bỏ Phương Đông vào lúc này phải không dượng? Cháu sẽ không làm như dượng nghĩ đâu và nếu cần thiết Phương Đông nên về Cao nguyên ít tháng. Dượng không nghĩ là khí hậu, con người trên ấy sẽ nhanh chóng giúp cô bé dễ bình phục nhanh hơn ư? Cháu nghĩ những người bị ức chế tâm lý thường thích thiên nhiên dượng ạ.
– Việc này, ta không thể tự quyết định một mình được, có gì mẹ Phương Đông sẽ trả lời cháu sau nha. Ta tin rằng cháu sẽ thành công bất cứ ở vùng đất nào.
– Cảm ơn dượng. Bây giờ, dượng còn gì dạy bảo cháu nữa không ạ?
Ông Hoàng cười khà khà:
– Khoảng không chật hẹp nhiều tiện nghi phù du đúng là không đủ sức để giữ chân cháu. Hôm Minh Khang về, phải cho cháu ngồi tranh luận một buổi mới được. Bây giờ cháu đi đi.
Quốc Trung khiêm tốn:
– Cháu thua Minh Khang là cái chắc rồi. Vì trình độ học thức ở nước ngoài cao hơn chúng ta.
– Chừa chắc đâu cháu, đừng vội vuốt ngọt ông già này.
Hai người đàn ông cùng nhìn nhau bật cười thật tâm đắc.
Quốc Trung chạy lẹ xuống ga-ra của ba mình.