Phàm nhân là người sống xa nhân tính và tất cả công trình của triết là phải giúp cho mỗi người trở lại với nhân tính, được như thế gọi là minh triết.
Minh triết như vậy trước hết là phải bàn về những vấn đề quan thiết đến người, sau là đặt rất gần con người, khi đạt hai điều kiện đó thì gọi là minh triết. Sở dĩ minh triết rất hiếm họa vì con đường tự li tính tới "nhập ư thất" là cả một cái đèo dốc đầy hố hang lởm chởm là các loại thần thoại và ý hệ. Phật tổ đã vượt giai đoạn nhất trong khi tiêu diệt hai triệu thần do kinh Veda sản xuất, rồi vượt giai đoạn hai bằng cách quét sạch sáu chục hệ phái triết học mà âm vang còn ghi lại trong câu chuyện lũ mù xem voi với những định nghĩa voi như quạt, cột, giễ, đỉa. Lũ mù là đám triết học gia có họ với thần công cộng chạy vòng quanh núi bất chu vấp hết đầu vào duy này rồi duy kia vì chẳng bao giờ nhập ư thất tức đạt tâm linh.
Triết học hiện đại đang ghi những bước tiến bộ quan trọng để vượt qua những ý hệ là giai đoạn đã kéo dài trên 20 thế kỷ và đã cầm tù con người trong các thứ cũi của đối tượng, đối vật, nên cũng là đối kháng, hàng ngang.
Bước tiến quan trọng đầu tiên mở ra bởi Kant. Ông quả đúng là một triết gia lớn của Tây Âu sau Platon, vì ông đã có công đặt nền tảng siêu hình vào trong con người, nói rõ hơn là đặt nền vào tác động của lý trí con người. Trước ông triết học cũng có nói tới lý trí như một vật thể, một cơ năng của linh hồn được quan niệm như bản thể. Tự Kant thì lý trí được xét tới như một tác động. Thế là đi gần lại với triết học làm bằng động từ tức đi từ đối tượng trở lại với chủ thể, đó là từ xa về gần, vì thế ta có thể coi Kant như đã bước vào nền nhà Minh triết. Minh triết ở tại suy tư về những vấn đề quan thiết và gần gũi với nhân tính (thiết vấn nhi cận tư: nhân tại kỳ trung hĩ). Minh triết này khác với minh triết thường nghiệm nhằm đạt hạnh phúc với nhân đức quen gọi là khôn ngoan (prudence) nghĩa là lõi đời. Am hiểu nhân tình thế thái nên bảo vệ được của mình và duy trì mối giao hảo với tha nhân; cái đó ngược đời cũng quen gọi là minh triết (Sagesse) nhưng thực sự không phải minh triết vì chỉ với một lương tri lành mạnh thì đạt khôn ngoan kiểu đó. Còn Minh triết bàn đến ở đây đòi một sự suy tư sâu xa về tính mệnh con người, không phải về cái gì sẽ đến sau hay đã đến trước kiểu tiên tri, nhưng là về cái thiết yếu đến nhân tính con người hiện đại, cái cứu cánh của nó trong cái sống hiện nay: nếu con người tự mình là cứu cánh cho mình, thì cứu cánh đó không phải chỉ biết suông nhưng còn phải hiện thực. Khi hiện thực được thì gọi là "nhập ư thất", tức là đạt nhân tính vậy.
Kạnt chưa "nhập ư thất" nhưng đã "thăng đường" bằng bỏ những vấn đề xa con người và thay vào bằng vấn đề tri thức, vấn đề lý trí con người, nên kể đã đi được bước đầu trên con đường Minh triết là "thiết vấn", bước sau là "cận tư" tức đi vào tâm sâu thẳm thì ông đã không vào được mà cuối cùng còn trở lại với tin tưởng thường nghiệm. Tuy nhiên chính nhờ bước đầu của ông mà từ đấy trong làng triết học Tây Âu có nhiều người khác "thăng đường". Đáng kể như Schopenhauer, Nietzsche, Heidegger… Tất cả đều nhận ra triết học cổ điển hoàn toàn hỏng nên đã đạp đổ cho tới tận nền móng, và đặt nền tảng mới rộng hơn mà lại ngay trong con người: Schopenhauer đặt trong Ý, Nietzsche trong ý chí Hùng cường, Heidegger đổi nghĩa lý trí ở Kant ra nghĩa căn cơ… Như thế tất cả đã bàn đến nền móng chân thực của con người, do đó trong khi đọc mấy tác giả này chúng ta gặp thấy được cái gì liên hệ đến mình nên còn theo ta vào cả trong đời sống, mà không chỉ là cái học vấn suông như trước. Vì thế mà mấy tác giả trên đáng người Viễn Đông nghiên cứu. Họ sẽ giúp chúng ta hiểu ra được đúng cỡ nền triết lý Nho Việt của chúng ta hầu nhận ra nét đặc trưng của nó.
Để dễ đạt điều đó chúng ta hãy đặt một cái nhìn bao quát trên đường vận hành của triết học, và sẽ thấy có thể chia đại khái ra ba đợt lớn. Đợt đầu tiên thì còn ở vòng ngoài, trọn vẹn đến nỗi siêu hình cũng làm bằng chất vòng ngoài, chưa có tiêu điểm "thiết vấn nhi cận tư" đặng chọn lựa vấn đề đáng bàn, nên hễ gặp vấn đề nào cũng bàn: bàn để bàn. Triết học mà đặt ra ngoài đời sống là tại đó. Nếu có thử đi vào đời sống thì lại bằng cách can thiệp kiểu luật gia hay luân lý hình thức nghĩa là bằng muôn vàn những xác định tỉ mỉ ngành ngọn, vì không thể đi xa hơn bằng khai nguồn linh lực (kinh đức). Điểm này chỉ có tự đợt hai.
Đợt hai có thể gọi là "thăng đường" nghĩa là bước vào ngưỡng cửa của Thái Thất, mới thấy cái trước kia gọi là siêu hình thì thực ra mới chỉ là siêu thị (suprasensible), nên một mặt cực lực đả phá, một mặt tả cảnh về sự thực thể tự thân, vừa tả vừa nói rằng không thể tả, bất khả danh. Nên cứ viết từng trang dài rồi lại phủ nhận: biết thế mà cứ mải mê tả đến nỗi nhiều khi đào ngũ thời gian. Đó là cảm tưởng khi ta đọc những Husserl, Heidegger các triết gia hư vô nói về thực tại tự thân gần như về một thực thể nên ngoài nhân tính. Với những người đặc chuyên về tu hành gặp trong các tác giả đợt hai nhiều đề tài thú vị.
Đợt ba không những "thiết vấn" nhưng còn "cận tư" nên gọi được là "nhập ư thất" nghĩa là đã nhập nhân tính gọi là thể nghiệm. Thể nghiệm thì không còn phân ra năng với sở, và như thế là thực sự đạt độ "bất khả ngôn" vì đã ngôn là phải ngôn về một cái gì bên ngoài mình. Mà đã thể nghiệm thì chỉ còn là một, nên hết khả ngôn. Biết thế nên không ngôn nữa và dành thì giờ để ngôn về những cái khả ngôn.
Cái khả ngôn đó là chi?
Thưa là ngoại vương tức là lối sống lối hành xử ở đời sao cho hợp cái Đạo đã thể nghiệm. Đó cũng gọi là đạo nhưng là đạo sống không phải Đạo Bản thể nên có thể nói năng được phần nào. Bởi vì con người vừa thong dong vô biên (phi thời) vừa nằm trong điều kiện của gian thời là có cùng, có giới mốc. Hễ đã có giới mốc thì có trước, sau có đây có đó, có sở có năng, vậy là khả ngôn, và nếu muốn chia loại những cái khả ngôn đó thì có thể quy vào bốn hiên gọi là tu, tề, trị, bình. Cả bốn hiên đều là khả ngôn, bởi ngôn toàn về những chuyện quen thuộc, chạm đến mọi người: ăn làm, cai trị, chơi, hát, hành xử, đối đãi, không có một cái gì xa lạ với con người sống trong xã hội hết. Đối tượng luận bàn của triết gia loại này không còn là ý niệm về yếu tính xa xôi hay những phủ định về thực thể tự thân nữa, nhưng chỉ là những vấn đề thường nhật của con người. Thành thử là một nền triết không có phạm vi riêng, giống hành Thổ trong ngũ hành. Hành thổ là hành vô hành, thì đây cũng là loại triết không có đối tượng, không có phạm vi riêng tư. Nên bảo không phải là triết cũng đúng vì hai loại triết kia đều có đối tượng riêng: loại nhất là yếu tính, là bản thể với các định nghĩa kèm theo các lời luận bàn, còn loại hai thì đối tượng là phủ định các yếu tính các định nghĩa, bằng nói rằng không thể nói. Cả hai đều có đối tượng riêng biệt, và nhiều khi cần một lối sống riêng, một nơi để chứa. Còn đây không có nơi nào để đến, không có một lãnh vực riêng, mà chính là toàn đời sống con người.
Bạn sẽ nói nếu thế là Viễn Đông thiếu siêu hình mất rồi, cần phải mượn ở ngoài đem về trám lỗ hổng đó. Thưa sự việc nó không đơn sơ như thế. Quả thật là Viễn Đông không có siêu hình nhưng muốn cho nó lại không xuôi, vì sự có này sẽ gây đổ vỡ. Như thế nghĩa là Đạo lý Viễn Đông thuộc vào một loại triết lý riêng biệt "có mà như không, thực mà lại như rỗng". Đó gọi là triết lý an vi làm mà không lệ thuộc đối tượng nên kể như không có đối tượng. Cái tinh hoa của nó là chí cực cũng là phục lễ. Phục lễ là làm tới chí cực, và hễ việc gì bất cứ đã làm tới trọn hảo là đạt toàn thể mà đã là toàn thể thì bao trùm khắp hết không còn có chi bên ngoài để mà chiếm đoạt. Nói khác mọi cái chí cực đều gặp nhau ở chỗ chí cực và làm nên cái toàn thể Viên Dung, chẳng hạn khi ai đang suy tư hay cảm nghĩ hoặc làm bất cứ một chuyện nào mà làm thấu triệt tới chỗ cùng cực thì sẽ cảm thấy như tiếp cận với cái gi bao la toàn thể viên dung sung mãn đến nỗi không còn thấy thời gian lâu. Đấy là chỗ nhận thức của Nho triết, nên không chủ trương phải có đối tượng riêng phạm vi riêng nhưng là hành xử y như mọi người, khác chăng là làm bấy nhiêu cách chí cực, chí thành. Mọi người đều ăn, ngủ, thức, làm việc… thì triết nhân cũng làm bấy nhiêu không khác, chỉ khác là làm cách cùng cực, và gọi đó là làm trong mối liên hệ với toàn thể đã được cảm nghiệm.
Mọi người đều phải giữ điều độ mực thước, cái đó kêu là trung dung, khác ở chỗ trung dung nơi triết gia ăn sâu vào hai ba tầng nghĩa. Vì không phải làm chí cực là làm cho mệt nhoài rồi bệnh, ăn cho nổ bụng rồi chết thôi, chơi cho lăn lóc đá xuống sông bỏ mạng… Bấy nhiêu là làm liều trong thế ly cách mà không trong liên hệ với trời đất với toàn thể, khi có liên hệ đó thì chí cực phải hiểu là cùng cực cả về lâu, về dài, về sâu, tức là đạt cái độ ưu tú nhất tương đối với mỗi con người. Vì thế mà Trung dung không những có nghĩa là thường thường mà chính là đạt được cái Thường Hằng qua cái thường nhật: đạt phi thời gian qua gian thời. Đấy mới là chỗ đặc sắc của đợt ba. Nhưng ít được nhận ra nên hay bị lẫn với luân lý. Đó là một sự hiểu lầm rất tai hại cần được minh xác.
Nho triết (nghĩa là Nho ở đợt Kinh của hiền triết mà không phải là Nho đợt truyện của người sau giải nghĩa) thì không phải là thứ luận lý hình thức chúng ta quen nghe. Trước hết vì luân lý xác định tỉ mỉ như được làm cái này cấm cái nọ v.v… chen lấn vào đời sống tư riêng con người. Nho giáo nguyên thuỷ không đi vào xác định kiểu ấy, nhưng chỉ cốt soi tỏ cho có thể đạt lò Linh lực để đưa mọi hoạt động tới chỗ chí cực, còn phải hành xử như thế nào trong mỗi trường hợp tư riêng thì đó là việc của lễ nghĩa. "Tuỳ thời" mà thích nghi. Chữ Lễ cũng gọi là Tiết, sao cho "phát nhi giai trung Tiết vị chi hòa". Tiết là dạng của Thời, mà thời luôn biến dịch nên không chấp nhận pháp theo nghĩa pháp gia tức là duy pháp cứng đơ.
Điểm khác thứ hai là câu nói nào cũng hàm súc hai ba tầng ý nghĩa: người thấp cũng dự một chút mà bậc cao mấy cũng chưa hiểu thấu triệt được. Chính vì thế nhiều câu xem qua coi rất tầm thường kiểu luân lý thường nghiệm, nhưng đi sâu vào thì mới nhìn ra cả một nền siêu hình thứ thực nó hệ tại không ở đâu cả, mà không đâu không ở. Nói theo thể thái nhà Minh Đường thì triết Vương vào nhà, không nói về nhà, nhưng từ nhà nhìn về phía Nam là ánh sáng minh triết để nói về mối tương liên con người xuyên qua ánh sáng văn minh đã chiếu sáng "vì đã nhập ư thất". Lấy thí dụ chữ Văn mà nói thì nghĩa cao cả là nơi đất trời giao hội (xem bài những âm vang của bài vị văn tổ) Khổng Tử đã nói theo nghĩa đó khi ông bảo nhà cầm quyền "khi những dân ở xa chưa chịu suy phục, thì cần tu luyện văn đức để chiêu hồi họ", "Viễn nhơn bất phục, tắc tu văn đức dĩ lai chi" L.N. XVI.1. Ba chữ "tu văn đức" đây kể là nghĩa cao nhất của Văn: sự giao hội của Đất Trời.
Thứ đến Văn chỉ những loại học thuật nhằm trang sức cho đời sống thêm đẹp để có nhiều đổi thay muôn vẻ, theo nghĩa này chữ văn thường chỉ các nghệ thuật thời bình như lễ, nhạ, múa… Văn ở đây khác với võ vậy.
Nghĩa thứ ba là văn học trong câu "văn thắng chất tắc sử" người chỉ có văn học mà thiếu nội dung chân thực thì chỉ là người viết để mà viết, dầu chẳng có gì đáng viết. Hiện nay chữ văn minh thường chỉ hiểu là trình độ khoa học kỹ thuật, còn nếu muốn đọc sách xưa thì phải hiểu tuỳ theo ba nghĩa vừa nói là văn đức, văn hóa (văn công), văn chương (văn ngôn) theo thứ tự của người xưa:
Kỳ nhất lập đức
Kỳ thứ lập công
Kỳ thứ lập ngôn
Vì không đặt trước mắt bậc thang đó: đức, công, ngôn, lại chỉ đứng trên có ngôn mà thẩm định, nên không nhận ra nét đặc trưng của nền Đạo lý Nho Việt. Nói theo phạm trù Hồng phạm là mới nhận ra có vòng ngoài là các thứ Dụng (luân lý, hành xử…) mà chưa nhận ra vòng trong là nơi phát huy sinh lực.
Ngược lại khi đã nhận thức ra được vòng trong thì cũng nhìn ra được nét đặc trưng của nó ở tại không có siêu hình mà vẫn có, còn hơn cả có nữa. Vì nó đã "nhập ư thất" rồi nên không những siêu hình mà còn siêu luôn cả tượng, cả tướng đến nỗi không thể nào "có" được như một cái gì có thể cầm, bắt, viết, bởi nó rút vào cho tới "thối tàng ư mật": nhưng chính vì nó trở vào tới đợt cực nhỏ nên lại trở ra cực to, nghĩa là tác động lan tỏa cho tới gia đình, quốc gia, vũ trụ không đâu không ở, và gây ra một nền hòa hợp lớn lao như vũ trụ gọi là Thái Hòa, chiếu giãi vào nền văn hóa Viễn Đông bằng một sự thống nhất sống động như một cơ thể trong đó không một khoa nào không đứng dưới phủ việt của Nữ Hoàng Minh triết: từ y lý (y giả lý dã) tới thiên văn (nhắc qua trong bài lịch pháp) địa lý, cho tới lối viết sử (bàn qua trong bài sử mệnh)… Và hiện nay mấy khoa học mới xuất hiện: điện tử, từ khí, vi thể, tương đối thuyết, uyên tâm… nhất nhất có thể xếp loại cách hết sức tự nhiên như đã trù liệu chỗ từ lâu trước, đó là một nét đặc trưng của nền triết lý Nho Việt. Nói là đặc trưng vì tuy có những triết thuyết khác cũng quả quyết như vậy, nhưng xét toàn bích thì không có sự tương hợp trong chiều hướng, mà chỉ là một đôi gặp gỡ tình cờ, chứ không như đây đi cùng mộtchiều hướng nên nhiều khi còn tàng ẩn những giải đáp rất thâm sâu tài tình miễn biết nhìn ra.
Bởi thế chúng tôi đã trình bày "siêu hình" Viễn Đông bằng chữ Thời, vì hai lý do một là cổ nhất vì chữ Thời xuất hiện cùng lúc với Kinh Dịch. Trong các sách cổ của nhân loại thì Kinh Dịch nói đến chữ Thời nhiều nhất, có cả trăm lần. Lý do thứ hai là chữ Thời cũng mới nhất với thuyết tương đối. Khoa này dùng quan niệm không gian thời gian làm nền móng cũng như phương pháp. Tương đối phát xuất do các hình thái của không thời, cong, méo, tròn… (courbure de l espace-temps) và những hướng đặc biệt của nó từ không điểm này đối với không điểm kia, nhờ vậy tuy nó cũng chỉ là một biểu tượng nhưng có thể dùng hình học, toán học tức là có tính cách khoa học sác xuất nhất, nhờ đó nó khác hơn tiêu biểu thường của tôn giáo hay nghệ thuật còn chủ quan tính quá nhiều không thể gọi được là khoa học. Còn đây là một khoa học sác xuất nhất nên dùng được như cơ cấu thám sát toàn thể thiên cầu (như sự giãn ra của vũ trụ…) cũng như các vi thể tối hậu. Đây là chỗ gặp gỡ với chữ Thời trong Kinh Dịch. Kinh Dịch cũng có số có hình như vậy, nhưng vì khác bình diện. Kinh Dịch là tâm linh (tương đối thuyết là bình diện hiện tượng) nên số là nghịch số (dịch nghịch số chi lý). Còn hình là các hình kể từ thập tự nhai biến diễn ra tới các hình của Hà Đồ, Lạc Thư, Hồng Phạm… nhiều khi trùng cả thành ngữ như câu "khúc thành vạn vật" làm liên tưởng tới les courbures de l espace, Curved-space. Directions Principales nhắc tới ngũ hành vẽ kiểu hoa thị, vì thế dẫn tới cùng một tầm bao quát là Nhất Thể: ở tương đối thuyết là tất cả vạn vật cùng dệt nên do thời không, nên cũng một chất liệu, tương đương với khí thái cực. Cùng với khí thái cực: thành, thịnh, suy, huỷ mà chúng ta cảm được qua những cảm xúc đang lớn lên hay già đi trong người chúng ta… cùng với lý thái cực chúng ta cảm thấy như muốn bay bổng trong vô biên "ngô tâm tiện thị vũ trụ". Do đó ta kết luận thiên địa vạn vật đồng nhất thể, câu nói tuy không tả hết được cái cảm thức mênh mông nảy sinh do một lúc tự giác, vì đã trực giác là cảm được cái toàn thể Viên Dung. Tuy thế trong các biểu tượng thì chữ Thời giúp ta dễ dàng đi từ hiện tượng đến âm tượng hơn cả, và chúng ta đã trình bày điểm đó dọc qua khóa giảng: hễ có ngang thì lại có dọc, có Mã thì lại có Đồ, có địa chi thì lại có thiên căn, có tứ tượng thì lại có thổ vô hình… Đây cũng là một nét đặc biệt của tâm linh, nó ở tại chỗ lưỡng nghi tính, hay là đa mà nhất nghĩa là bài này khác bài kia rất nhiều, nhưng cuối cùng vẫn phảng phất có cái gì giống nhau. Đó là đồng quy nhi thù đồ. Có thù đồ mới phong phú, có đồng quy mới là tâm linh nhất thống. Đó là nét biểu lộ tâm linh. Tâm linh là nhất quán mà ở đây biểu lộ bằng thập tự nhau. Mà vì thập tự nhai cũng chính là sơ nguyên tượng của con người, do đó nó đáp ứng được nguyện vọng sâu thẳm của thời đại là trở lại với con người. Một cuộc cách mạng lớn lao đang âm thầm diễn ra tự thâm cung lòng mọi người và các nhà uyên tâm đã đổ khuôn nguyện vọng âm thầm đó vào câu nói: tất cả những giá trị ở bên kia đều được di chuyển về bên này, ở đây, ngay nơi con người. Đó là việc thâu hồi lại chủ quyền trả về con người: bao nhiêu đức tính đã phóng ra ngoài nay xin hoàn về chủ cũ. Chủ đó là người, nên Viễn Đông cũng gọi người là Vương, khi nét trên và dưới thêm vào thập tự nhai thì kêu là Vương, sứ mệnh của Vương là nối lại. Khi nào nối trời đất lại nơi mình rồi thì chấm dứt hai giai đoạn bái vật và trục vật đặng trở nên nhân chủ hay nhân tính. Đó là một nhu yếu hiện đang được nhân loại cảm thức cách lờ mờ nhưng đủ để nó thấy bất an trong cái vũ trụ quan cũ đang trở nên xa lạ, như là của ai chứ không phải của người nên đang bắt đầu rạn vỡ, vì thế nó cũng bắt đầu xuất hiện như một nhu yếu thứ hai của thời đại là các xung động đủ loại.
Chữ Thời cũng nhằm đáp ứng cho nguyện vọng thứ hai này tức tìm sự giàn hòa giữa các xung động của thời đại, như xung động giữa Đông Tây, giữa kim cổ, giữa khoa học và tâm linh. Vậy việc dồn đúc tương đối thuyết với kinh Dịch là đặt nền hòa giải cho cuộc xung đột trên. Trong tương đối thuyết đại diện cho Tây, cho thời mới, cho khoa học. Còn Kinh Dịch đại diện cho cổ, cho Đông, cho tâm linh. Tương đối thuyết không quá cứng ngắc như vật lý xưa xây trên quan niệm sự vật cố thể đặc sịt để trở nên vật đích chắn đường tiến của tâm thức, nhưng đặt trên quan niệm không thời liên nên uyển chuyển như một dịch trường linh động ràng buộc tất cả với nhau thành một, như thế là mở đường sang tâm linh vì tâm linh là toàn thể.
Còn về cổ trong Kinh Dịch không phải là thứ cổ đầy chất thần thoại mãi đời Hồng hoang như nhiều sách cổ xưa, nhưng đây là thứ cổ sơ nguyên tức cái bây giờ luôn luôn mới vì mãi mãi vọt lên từ một miền hoàn toàn xa lạ ta chưa hề biết tới nên gọi là tương lại. Chính vì thế những "nguyên lý thật mới mẻ" mà Bachelard cũng như các tay tiền phong triết học hiện đại đang hô hào cần phải đưa vào thay thế cho nguyên lý cũ thì ta lại đã thấy nó nằm sẵn trong Kinh Dịch rồi từ thủa nào và cũng gọi bằng tên rất mới là bổ túc, hòa hợp, thấu nhập… Nhờ đó nó có thể giúp đạt "tinh nghĩa nhập thần" mà đã thần thì vô phương, không Đông Tây chi hết, không chịu trói mình vào một hình thái nhất định nào cả, nên giống sự sống tức là rất linh động. Đã linh động thì đâu còn choán chỗ, y như điện lực không choán chỗ của giây mà chạy ngay trong giây không vướng dây để phải vấp ngã. Tâm linh thực cũng thế không có hình nên không xung đột với hình là phạm vi khoa học, vì thế đi đôi với khoa học như cái gì tinh hoa nhất của khoa học. Vì tính chất "vô hình" đó, nên hết mọi khoa học đều quy tụ chung quanh làm nên một "trời mới đất mới". Trời đất cũ là cái gì xa lạ đứng bên ngoài con người nên cũng đóng gông con người băt theo một chiều hướng tất mệnh. Nhưng với vũ trụ quan mới thì trời đất được móc nối vào tâm linh con người và trở nên một cái gì gần gũi rất thấu triệt, và tất cả đều quy chiếu về tôi, tôi tự xếp đặt, tôi ý thức, và mỗi khi ý thức tôi mở rộng tới đâu thì tất cả đều quy chiếu theo và mặc hình thức tâm tôi, nghĩa là thống nhất chặt chẽ như một cơ thể đầy linh cảm vì tất cả thiên địa nhân đã hòa hợp thành nhất thể rồi.
Sống trong bầu khí hòa hợp nội tâm đó là bước căn bản đầu tiên mà con người cần phải đi trên quá trình xây dựng hòa bình cho thế giới. Bao lâu còn giữ cái vũ trụ quan cũ đã sụp đổ từng mảnh lớn thì bấy lâu có cố thiết lập hòa bình cũng chỉ là thứ hòa bình khập khiễng làm bằng "chưa đánh nhau". Đó không phải là thứ "bình thiên hạ" là cái chỉ mọc lên tự cảnh Thái hòa giữa đất trời người như được trình bày trong chữ Thời vậy.