Tam tài là nền móng triết lý Viễn Đông, hiểu được triết lý tam tài là nắm được then chốt của nhiều vấn đề triết lý khác.
Muốn hiểu giá trị tam tài, chúng ta hãy đối chiếu với những triết lý thiếu tam tài, như nền triết học lý niệm chẳng hạn.
Ai đã đi vào triết học sâu sâu đều nhận ra vấn đề then chốt triết lý là làm thế nào để trả lại cho con người chủ nhân tính của nó. Chủ nhân tính này đã bị tha hóa bởi sự vật, hay đúng hơn bởi lý niệm về sự vật như những đối tượng. Tính chất của đối tượng cũng y như của sự vật là chỉ có thể một mình chiếm một chỗ: không thể hai vật ở cùng một nơi và người ta gọi đó là tính chất độc hữu. Do đó khi lý trí con người suy tư về sự vật thì bị sự vật chiếm chỗ tức bị đồng hóa với vật và do đó con người bị gảy ra ngoài rìa của tiêu chuẩn khi đi tìm chân lý. Vì đã nói đến chân lý, nói đến phải trái, tốt xấu, hơn kém là phải có tiêu chuẩn. Vấn đề triết học đặt ra là cái gì làm tiêu chuẩn tối hậu cho mọi chân lý. Câu thưa của triết học lý niệm đại để là sự minh hiển khách quan (l ultime critère de la vérité est l évidence objective). Những chân lý theo tiêu chuẩn loại đó được người nay kêu là chân lý đối tượng== vérité objet, nó chính là cái giường của tên cướp Procuste mà con người là nạn nhân: dài thì chặt bớt, ngắn thì kéo ra cho vừa, chứ con người không còn được đếm kể đến nữa. Đó gọi là bi trạng bị tha hóa: con người bị vắng mặt trong việc định đoạt chân lý.
Đấy gọi là thứ chân lý phi nhân cứng như sắt, phớt lạnh tình người và chính nó đã ngự trị trong bầu trời triết học lý niệm từ Platon đến Descartes.
Descartes nhận ra thảm họa con người như thế là bị vong thân nên đưa ra chủ tri suy tư (ego cogito) làm nền móng. Nhưng chủ tri này rồi cũng bị quan niệm như một vật thể năng tư (chose pensante) thành ra vấn đề không được giải quyết: sự vật vẫn chễm chệ làm chủ nhân ông, con người thật vẫn chưa xuất hiện.
Kant đã làm một cuộc cách mạng đảo lộn bằng hai điểm. Trước hết thay vấn đề sự hữu, (Être hiểu như Thượng Đế, hay như bản thể ngoài con người) bằng vấn đề lý trí con người. Điểm thứ hai quan trọng hơn nhiều đó là lý trí không còn bị quan niệm như một vật thể, như một sự hữu, nhưng như một tác động, và từ đấy vấn đề căn bổn trong triết lý là tác động của lý trí con người. Điểm này đã mở màn cho nền triết học hiện đại chuyên bàn về con người, nên siêu hình từ nay không còn bàn về Thượng Đế, là lãnh vực thần học, nhưng bàn về lý trí con người và như thế là triết học Tây phương đi sát gần lại triết lý Viễn Đông vốn từ đầau xây trên tam tài.
Tôi nói xích lại gần mà chưa là gặp nhau vì một bên là một tài, bên này là ba tài. Chữ ba bao hàm toàn thể, mà chữ một không sao có được, đến nỗi hai nền triết nằm trên hai bình diện khác hẳn nhau. Nhất tài trên bình diện hiện tượng, một chiều hàng ngang, áp dụng vào tâm thức là mới có ý thức, còn thiếu phần tiềm thức và tác động nối kết hai mối lại. Tuy đã có một số triết gia Tây Âu nhìn nhận ra chiều kích tiềm thức trong con người như Plotin, Spinoza, Hartman, Schopenhauer, Fichte…) nhưng mới kể là nhị tài, còn thiếu một nối kết liên hệ giữa hai bên là tài nhân nghĩa là thiếu một phương pháp nối kết thiên địa như các pháp thiền nhà Phật, hay phép tồn tâm dưỡng tính nhà Nho, mà chỉ có phép luận lý suông. Chỉ có một luận lý là biểu lộ triết mới chỉ có một chiều, nếu thêm chiều kích nữa là hàng dọc tâm linh thì triết phải có thêm phép tu luyện tâm linh nữa. Vậy nếu vắng mặt những phương pháp đó thì sự thiếu đó nói lên tính chất hàng ngang rõ rệt.
Nhưng với tính chất hàng ngang lý trí thì dầu việc phân tích có đẩy cực xa cũng vẫn còn thiếu tác dụng biến hóa con người, để hiện thực con người đại ngã, vì đó nên không là một minh triết. Vì minh triết bao hàm sự liễu hiểu thấu triệt do đó cũng đem lại cho người học một tâm hồn thư thái an nhiên tự tại. Chúng ta hãy tìm hiểu tại sao lại có như vậy. Hãy tạm dùng một hình tám giác để biểu thị tam tài.
Hình tam giác
Và ta sẽ gọi:
Góc / là thiên
Góc - là địa
Góc + là nhân
Thiên, Địa, Nhân làm nên một số Pi tiên thiên hay là vòng tròn hay vòng thái cực. Và khi nào con người hiểu biết theo đúng tam tài thì gọi là chu tri. Chu tri là cái biết tròn đầy viên mãn. Đã nói đến tròn là nói đến trung điểm và chu vi. Trung điểm theo tam tài là nhân, chu vi là thiên và địa. Thiên Địa ở đây chỉ là những phạm trù phi thời (intemporel) dùng để chỉ những hạn từ cùng cực của bất cứ một sự thể hay vấn đề nao như cao thấp, tả hữu v.v… tuỳ sự thể khi con người suy tới, nếu nói tới thời gian thì thiên là tương lai, địa là dĩ vãng. Nếu nói tới tâm thức thì ý thức là địa, tiềm thức là thiên và bao giờ nhân cũng là chỗ nối kết hòa hợp hai cực lại với nhau.
Nhưng vì thiên địa chỉ hai thái cực của một sự thể không sao nối kết lại được chẳng hạn động tĩnh, sáng tối, lửa nước… làm sao vừa động vừa tĩnh, vừa sáng vừa tối? Chỉ có theo một động rồi một tĩnh, một nước rồi một lửa… chừng đó không phải là hòa hợp, là giao hội, mà vẫn là chọn một bỏ một theo lối nhị nguyên. Vì thế cần phải có một bình diện khác hẳn để có thể nối kết hai hạn từ đối kháng đó. Và vẫn theo thí dụ động tĩnh mà nói thì ta sẽ gọi bình diện đó là tự đối. Tự đối khác tuyệt đối và tương đối. Trước hết hãy nói đến tương đối.
Tương đối là bình diện thường nghiệm bao giờ cũng đòi một tha vật, một đối tượng: có cha phải có con, cha lệ thuộc vào con để là cha. Đó là một sự thiết yếu trong phạm vi hiện tượng, hàng ngang, mẹ muốn bưng thì phải có cái chi mẹ mới bưng được… Đấy là điều bó buộc thiết yếu. Thiết yếu phải có liên hệ giữa tác động bưng và cái bị bưng. Không thể khác được. Ta có thể đem liên hệ ấy đặt vào triết lý hay không? Thưa không vì những bất tiện sau. Trước nhất chủ thể sẽ bị hạn chế bởi đối tượng, và một khi đã bị giới hạn thì liền có hữu hạn, có giới mốc ít nhất ở chỗ chủ thể không là tha thể; vì bị giới hạn nên hữu cùng, và do đó tác động cũng mất tính chất vô biên, tác động tri thức thí dụ không thể là chu tri được nữa: vì chu tri có tính chất vô biên, vì chỉ gọi là chu tri khi nó đạt toàn thể, ngoại giả chỉ có tri thức thường nghiệm ở bình diện hiện tượng với những đối tượng bé nhỏ, các vật, bì phu làm thành thứ lao tù giam giữ con người trong ngục cá nhân chủ nghĩa, đồng thời có tác động tha hóa con người như đã nói ở trên. Nói theo tam tài thì đây là nhị tài hay đúng hơn là nhị nguyên: cái nó hạn chế cái kia và hạn chế có nghĩa là đồng hóa: chủ thể bị hạn chế bởi đối vật thì bị đo lường theo đối vật như đã nói trên về chân lý đối vật. Đấy là một tai họa mà nay triết gia nào cũng đã khởi đầu nhìn nhận ra.
Tự xưa các triết gia Ấn Độ đã ý thức được mối tai họa đó nên để tránh họ đã chủ trương tuyệt đối. Nói theo tam tài thì họ chủ trương vô nhị để chống nhị nguyên, nhưng vô nhị không xong ở chỗ hoàn toàn tĩnh. Tại sao? Vì thoạt khi nghĩ tới tha thể thì đương nhiên đã là thiết lập mối liện hệ với tha thể đó và như thế là làm mất tính chất tuyệt đối. Vì tuyệt đối là không đối với cái chi, không có liên hệ nào cả. Vậy nếu muốn duy trì tuyệt đối thì không thể đặt tác động nào nữa mà chỉ còn phép ngồi tĩnh lặng, đã tĩnh lặng thì không thể gọi là tài, khi hiểu tài là tác: không tác thì hết sống. Vì đời sống là động, động là tác động, là hành động, thiếu sống thiếu động thì triết lý đó sẽ mất hiệu năng. Tuy đã chịu thiệt đi như thế mà vẫn không duy trì nổi tính chất tuyệt đối, vì ý niệm tĩnh tự nó đã bao hàm ý niệm động bên trong. Không có ý niệm động làm sao hiểu được tĩnh y như chỉ hiểu được ngày nhờ có ý niệm đêm. Không hạn từ nào không nhờ đến hạn từ đối kháng cả: có không, sáng tối, sinh tử v.v… Và như vậy cuối cùng tuyệt đối vẫn là tương đối, mà đã tương đối thì lại mắc vào vòng lệ thuộc và tha hóa. (Điểm này được trình bày kỹ hơn trong quyển Tâm tư bài II vô nhị)
Do đấy cần một lập trường khác hẳn đó là tự đối: tự là không lệ thuộc vào tha vật nhưng tự mình gọi là tự nhiên, hồn nhiên (spontané). Nho giáo kêu là tự thành tự đạo. Còn đối có nghĩa là tác động. Tự đối như thế có nghĩa là làm mà không lệ thuộc vào đối tượng, làm là làm, thành công hay thất bại không đủ để gây xáo động vào trong nguồn suối của tác động. Nhưng cho được thế thì cần có tam tài, tức là ba tác động để có thể tự đối. Vì tác động không phải là ba chủ thể, cả ba là nhất thể nên cả ba đều là tác động tinh tuyền, nghĩa là không lệ thuộc đối tượng. Đã tinh tuyền thì không bị hạn cục nên là vô biên: ba tác động vô biên đều gặp nhau trong cái vô biên toàn thể. Vì không thể có hai vô biên mà không tự hạn chế lẫn nhau. Đã hạn chế nhau là tự huỷ diệt tính chất vô biên rồi. Vì thế phải là tam tài mà không là tam thể hay tam nguyên ấy là khi hiểu chữ Nguyên theo nghĩa là tối hậu không thể quy kết lại được nữa (irréductible). Theo nghĩa này thì tam nguyên trở thành ba thực thể có cùng vì ba hạn chế nhau, còn khi tam tài thì không hạn chế nhau vì tài là tác động tinh tuyền nên cũng có tính chất vô biên, và cái đó tạm kêu là nhất thể. Nhất thể có ba hoạt lực vô biên, nói ba là nói theo số Pi tiên thiên chỉ toàn thể Viên Dung của huyền lực tác động không ngừng nghỉ.
Do những lý lẽ trên nên tam tài là một chân lý phổ biến của truyền thống tâm linh chung cho cả nhân loại và trong nền văn hóa nào cũng có, chứ không riêng gì của Viễn Đông. Tuy nhiên trong văn hóa Viễn Đông có được hai điểm đặc sắc. Một là tên gọi tam tài mà không dùng danh từ nào có thể mở đường cho sự hiểu sai lạc ra nghĩa bản thể. Thứ hai là trong tam tài có nhân, nên triết lý không bao giờ dẫn tới tình trạng quên con người để chỉ bàn về sự vật và cũng vì sự hiện diện của nhân trong tam tài nên đã thiết lập được nền móng cho chủ nhân tính. Vì con người đứng trong tam tài nên tham dự tính chất tự đối tự chủ. Như thế con người đã có túc lý tự nội, khỏi hướng đến tha thể, và nhờ đó không bao giờ bị quan niệm như một phương tiện, nhưng đương nhiên đã có cùng đích tự thân rồi.
Từ đó có thể rút ra một hệ luận quan trọng là tam tài làm nền móng cho triết lý an vi tức là một nền triết lý xây trên tác động vô cùng mạnh mẽ. Vì nó không lệ thuộc đối tượng, nên không bị lệ thuộc đối tượng, nói cụ thể là không bị rao động do những thất đắc nhất thời, nhưng bảo vệ được trọn vẹn bầu tinh lực để dốc vào tác động, và do đó mà tự cường bất tức. Nhờ đó triết lý an vi mới thiết lập nổi một nền luân lý sứ mạng, tức là một đạo hành vi coi mọi việc như một sứ mạng: đáng làmthì làm chứ không làm vì sợ điều này hay để được cái kia; nói thế nghe có vẻ không tưởng vì có ai làm để làm bao giờ, thế nào cũng theo đuổi một mục đích một mối lợi nào đó. Cái đó đúng, và dù ở đợt an vi không phải tuyệt đối tẩy trừ mục đích nhưng đây nên hiểu ở đợt hiện tượng: nơi đối tượng ở ngoài chủ thể, chủ thể phải làm để có thêm đối tượng, phải đi mới đến nơi khác chỗ mình đang ở… nhưng trên bình diện tam tài vì là toàn thể không có nơi nào ngoài mình để mình đến nơi, không có gì chưa có nơi mình (giai bị ư ngã) để mà cầu đạt cho được, nếu còn có thì đó là còn ở bình diện hiện tượng. Đây không phải là điều lý luận không tưởng. Nhưng khi ai có đủ năng khiếu, có tâm hồn thuận lợi mà đi vào nền triết tam tài thì sẽ cảm thấy như vậy. Năm nào tôi cũng gặp được một hai sinh viên cảm thấy thế. Không cần ai khuyến cáo thúc giục chi hết, tự nhiên thấy tâm hôn lâng lâng như thế. Và cái mà người ta thường cho là không thể có thì lại là đương nhiên đối với họ. Cho nên ta có thể nói rằng chỉ có người đạt độ an vi mới hiểu được còn khi chưa đạt thì không sao nghĩ đến luân lý sứ mạng mà chỉ có luân lý cưỡng hành (tu dois) mày phải làm thế này, mà không được làm điều kia hay nữa là luân lý lợi hành: mày làm thế này thì được lợi này nọ kia khác. Kiểu này hay kiểu nọ vẫn phải có cái lợi mới làm tức còn lệ thuộc đối vật, con người chưa tìm được đủ lý do tự nội để có hoạt động lưu nội (verbe intransitif).
Tóm lại thường nhân cũng như triết học lý niệm bị sa lầy vào cùm kẹp của vật thể, của đối tượng của nhị nguyên nên luôn luôn thiên lệch: không duy tâm thì cũng duy vật nên chỉ thỏa mãn cho những yêu sách của "trời" hoặc riêng của "đất", cả hai đều riêng biệt độc hữu.
Độc hữu vì chỉ đưa ra một tác động phần mớ là lý trí hay ý chí, ý thức, lương tâm, luân lý hình thức… tất cả bấy nhiêu thuộc gian thời, không đủ sức duy trì được nên độc lập. Cần phải đưa ra ba tác động thuộc toàn thể thì lúc ấy mới cứu gỡ con người ra khỏi cảnh vong thân là cảnh đánh mất quân bình tự nền móng để đem đến cho một thế quân bình sâu thẳm gọi là quân thiên (équilibre céleste) nhờ đó có được tự chủ tính, tự động tính, nhờ đó tất cả trời đất đều tác động; tất cả yêu sách có tính chất vũ trụ phổ biến gọi là thiên, cũng như những yêu sách bẻ nhỏ sinh sống, ý thức, gọi là địa đều được thỏa mãn theo luật hình quân chất lượng sâu thẳm "vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại" (Trung Dung).