86. Cứt chó khôMột anh nhà khá, tính keo bẩn nhất trần đời.
Một khi, phải đau nặng, anh ta nhất định không chịu uống thuốc.
Vợ lo quá, mới đi mời ông thầy lại xem mạch.
Ông thầy bảo rằng:
- Khí huyết hư nhược quá, phải dùng nhân sâm mới được.
Anh ta lắc đầu, rên rỉ mà nói rằng:
- Thôi, chết thì chết, chứ lấy tiền đâu mà mua nhân sâm!
Vợ bấm thầy. Thầy biết ý, mới nói dối rằng:
- Nếu thế thì có một vị này dùng cũng được.
Anh kia hỏi:
- Vị gì? Độ bao nhiêu tiền?
- Vị cứt chó khô!...
87. Lấy ngọn cấy thóc, lấy gốc trồng khoaiHai anh em làm chung một miếng ruộng. Đến ngày gặt, anh đè gặt lấy hết cả thóc, để còn trơ những gốc lại cho em.
Em tức lắm, kỳ kèo trách anh tham lam quá. Anh mới tán khéo rằng:
- Thôi, năm nay tôi lấy ngọn, chú lấy gốc. Sang năm tôi lấy gốc, chú lấy ngọn vậy.
Đến năm sau, anh có ý giùng giằng không cấy. Em giục mãi, anh ngần ngừ, rồi nói rằng:
- Năm nay tôi muốn trồng khoai sọ!..
88. Làm biếng hai kiếpXưa có một thằng làm biếng, thiên hạ không ai bằng.
Suốt ngày nó chỉ nằm dài, không làm một việc gì cả.
Cùng bất đắc dĩ lắm; phải đi đâu, thì nó cứ đi giật lùi, để lúc về, khỏi phải quay đầu trở lại. Ngủ, thì phải người khiêng lên giừơng. Ăn, thì phải người và; mà mỗi bữa, chỉ ăn độ vài miếng thôi, sợ ăn nhiều lại phải nhai nhiều.
Đến khi nó chết, xuống dưới Âm phủ, vua Diêm vương bắt đầu thai làm kiếp mèo.
Nó tâu rằng:
- Muôn tâu Bệ hạ, xin cho tôi làm mèo đen, mà có đốm trắng ở mồm.
Vua Diêm vương hỏi làm sao. Nó tâu rằng:
- Như thế thì tối đến, chuột không trông thấy tôi; chỉ thấy đốm trắng, tưởng là cơm, lại ăn, tôi chỉ phải há mồm cắn mà thôi, khỏi phải đi rình bắt nữa!.
89. Một cái lông không muốn mấtMột con khỉ chết xuống Âm ti, vào quỳ lạy xin vua Diêm vương siêu sinh cho lên làm kiếp người.
Vua Diêm vương phán rằng:
- Ừ, cho. Nhưng mà phải nhổ hết lông lá đi thì mới lên làm người được.
Phán rồi, sai quỷ sứ đi vặt lông.
Mới nhổ một cái, con khỉ nhăn nhó rít rầm lên.
Thằng quỷ tức mình, mới chửa rằng:
- Đ.. mẹ mầy! Một cái lông còn tiếc, thế cũng đòi làm người!
90. Vẽ mặt mà vayMột anh đi vay, đem giấy chực viết văn tự. Chủ nợ bảo rằng:
- Thôi đừng bày đặt văn tự văn khế làm quái gì! Anh cứ vẽ cái mặt anh rõ hệt cho tôi thôi.
Anh kia hỏi:
- Vẽ làm gì?
- Sợ lúc tôi đòi, cái mặt anh nó khác bây giờ chăng!..
91. Cưỡi ngỗng mà vềMột anh tính khí keo kiệt. Có khách ở xa đến chơi, gà vịt đầy sân, mà lại phàn nàn rằng:
- Chẳng mấy khi ông lại chơi, nhà tôi không có cái gì ăn uống tử tế để thết đãi ông, thì tôi lấy làm buồn lắm.
Người khách đáp rằng:
- Tôi có con ngựa đấy, ông đem mà làm thịt, để anh em ta cùng đánh chén cho vui.
- Thế thì đường xa, ông về bộ làm sao?
- Khó gì đấy! Ông chọn xem trong đàn ngỗng của ông, có con nào lớn, cho tôi mượn một con, cưỡi về cũng được..
92. Thuốc nhuộm râuCon nụ còn trẻ. Chủ nhà đã già, cứ mua thuốc nhuộm râu cho đen, làm bộ còn trẻ để mà gạ.
Nó biết nõm, nhất định không nghe. Chủ nhà tức quá, phát khùng, dọa nó rằng:
- Rồi ông có phép xử cho mầy!
Nó hỏi:
- Phép gì?
- Phép hãm để cho mầy bạc lông, mới gả chồng?
Con nụ bĩu môi, nói rằng:
- Không cần! Đã có thuốc nhuộm râu!..
93. Rắm thơmCó một anh tính hay nịnh quan sang.
Một hôm đương ngồi hầu chuyện, chợt ông Quan đánh “bủm” một cái, thối hoắc.
Anh ta mới tán ngay rằng:
- Hứ! Mùi nước hoa ở đâu thơm thế nhỉ?
Ông quan sầm mặt, buồn mà nói rằng:
- Tôi tưởng người ta ăn đồ ngũ cốc, cái hơi dưới phì ra, có thối thì mới phải. Thế mà lại thơm thì chẳng hoá ra cái điềm không lành ư?
Anh kia mới vội vàng giơ tay vợt một cái, để vào mũi, hít ngửi mà nói rằng:
- À! Bây giờ hơi thum thủm rồi!..
94. Để nó ăn mặn cho nó chếtMột anh rất hà tiện, có hai đứa con trai hãy còn nhỏ.
Một hôm bố bảo con rằng:
- Tao có nghe nói: “Ngày xưa Tào Tháo đi đánh giặc, gặp phải hôm trời nắng quá; quân khát nước, khe suối không có. Trong quân xôn xao; lấy làm khó nghĩ. Tào Tháo mới dụng kế, lấy tay trỏ đám xanh xanh ở trước mặt mà bảo rằng: “Đường kia có rừng mơ đấy!” Quân sĩ nghe nói đến mơ, thèm nhỏ giãi ra, đỡ khát.” Nay, nhà ta nghèo cũng nên bắt chước: cứ đến bữa ăn, đem treo một con cá mắm ở vách; hễ và một miếng cơm, thì nhìn con cá mắm một cái, thế cũng như là ăn mắm. Như vậy thì khỏi phải mất tiền mua đồ ăn.
Hai đứa con xin vâng. Ngày ngày, đến bữa cơm, cứ theo như lời cha bảo.
Một hôm, thằng bé lớn thèm con cá mắm quá, không biết làm thế nào được; nhân lúc bố nó xuống bếp, nó nhìn hai ba lần, rồi mới và một miếng cơm. Thằng em thấy thế, gọi bố mà mách rằng:
- Thưa bố, anh lớn anh ấy và một miếng cơm mà lại nhìn mắm những hai ba bận, đấy ạ!
Bố bảo rằng:
- Mặc kệ nó! Để nó ăn mặn cho nó chết!
95. Anh ong chị ếchCó một chị đa ngôn đa quá, khoang khoét ra điều ta đảm đang đây, khinh chồng chẳng làm được đỉnh chung gì.
Chồng tức lắm, mới đặt một câu chuyện nói rằng:
- Xưa, con ong làm tổ ở trên cây; dưới bụi có con ếch kêu “ồm ộp” cả đêm cả ngày. Con ong điếc tai, xin thế nào con ếch cũng không nghe, cứ “ồm ộp” hoài. Một hôm, có một người đi bắt ếch, lò rò đến, sắp xỉa con ếch. Ếch đương “ồm ộp” không trông thấy. Ong ta ở trên cây, nghĩ tình kẻ trên người dưới, mới bay vù xuống, đốt người xỉa ếch đánh nhói một cái. Người ấy đau, kêu “ái” một tiếng to. Ếch giật mình, vội vàng nhảy thoát. Ong ta mới cười ha hả, nói rằng: Thế mới biết cái mồm chị không bằng cái lỗ đít tôi nhé!..
96. Giả nợ miệngCó hai chị em gái; chị thì nghèo mà em thì giàu.
Đến khi mẹ chết, người em đứng lên một tay lo liệu làm ma, mời dân làng, hàng xóm ăn uống linh đình. Đương lúc hai chị em ngồi đáp lễ, chẳng may em vô ý để hở sự đời ra. Chị trông thấy, khóc nhiếc rằng:
- Mẹ ơi! Mẹ đi đâu, để nó bày ra, cho bêu xấu, bêu hổ, mẹ ơi, là mẹ ơi!..
Người em vô tình, tưởng rằng chị khóc mỉa mình: ra điều mình làm ma to, bày vẽ ra để bêu nhuốt chị. Cho nên mới khóc đáp rằng:
- Mẹ ơi! Con bày ra, trước là để cúng mẹ, sau là để giả nợ miệng làng xóm đấy thôi, mẹ ơi, là mẹ ơi!..
97. Điếc đặcMột anh điếc đến chơi nhà anh em bạn. Chó nhà ấy thấy người lạ đến, sủa mãi; nhưng mà anh ta điếc đặc, không nghe thấy gì cả, chỉ thấy mõm chó hả, mới hỏi chủ nhà rằng:
- Con chó nhà bác buồn ngủ hẳn thôi!
- Sao bác biết?
- Sao nó cứ ngáp hoài mãi thế kia?..
98. Tranh hương hỏa
Một ông nhà giàu, dinh cơ vườn trại cực nhiều; duy chỉ có cái vườn trồng chuối ở đầu làng là rộng nhất và đáng tiền hơn cả.
Ông ta không có con trai, chỉ có một người con gái mà thôi; cho nên vẫn định bụng để dành phần cái vườn ấy cho đứa cháu ăn thừa tự.
Đến khi ông ta mất,ma chay to lắm; lập trạm trung-đồ ở trong vườn chuối ấy.
Lúc rước linh cữu đến, dân làng họ hàng ra tế lễ. Cô con gái ta thế nào ngồi úp nơm ngay vào cái mầm chuối, lấy làm khoái chí quá!
Tế xong, rước linh cữu ra huyệt, ai ai cũng giục cô ta đứng dậy đi theo đám. Nhưng mà cô ả cố ý ngồi đó, không chịu đứng lên, mà lại nỉ non khóc rằng: “ Cha ơi! chết con cũng không bỏ chỗ đất này!” Anh cháu ăn thừa tự nghe thấy thế, tưởng chị kia tranh cái vườn chuối âý, mới hăm hở chạy đến, đạp chị ta một cái ngã ngửa... lòi cả mầm chuối ra..
99. Xin đừng thả ra, mà hại chúng tôiMột ông già cũng tầm thường, có một đứa con gái, người mảnh khảnh, yếu ớt, đem gả cho một anh hàng cơm sức lực khỏe mạnh. Nhà anh này thì chỉ chứa trọ những phường buôn gà buôn vịt.
Lấy nhau được ít lâu, thì người vợ xanh xao gầy mòn. Bố thấy con như vậy, biết chừng. Thương con yếu đuối phải tay đứa phũ phàng.
Một hôm, gọi chàng rể lại nhà, cho ăn cơm uống rượu, rồi sẽ bảo nhỏ rằng:
- Này con ạ! Vợ con nó yếu đuối lắm, con nên bơn bớt đi.
Anh rể lỗ mãng, không hiểu là gì, hỏi lại rằng:
- Thưa cha, bớt gì?
- Đáng mười làm năm chứ !
- Mười gì ạ? Năm gì ạ?
- Đáng cả làm nửa chứ!
- À! à!...
Anh ta bấy giờ mới hiểu; xin vâng, rồi về. Đêm đến vào với vợ, theo lời ông nhạc, chỉ cho vào có một nửa mà thôi.
Vợ lấy làm khó chịu, mới hỏi:
- Làm sao hôm nay lại nửa đời, nửa đoạn thế?
Chồng nói:
- Ấy ông bảo chỉ làm nửa thôi.
Chị kia tức quá:
- Khéo, việc gì đến ông? Cứ làm cả đi, thây kệ ông!
Anh nọ khăng khăng: “Ông bảo thế, không nghe thế nào được” Chỉ làm một nửa, còn một nửa kia giữ lại. Chị ta bấy giờ mới điên ruột, rít lên rằng:
- Ông giữ để làm gì? Ông giữ để ông ăn à?
Vốn ông bố, tối hôm ấy đến chơi, thấy tối đèn, chắc là con và rể đã đi ngủ rồi; toan giở ra về, nhưng lại thấy trong buồng có tiếng thì thào, cho nên mới đứng lại nghe. Chợt thấy con mình nói câu đó, tức quá, quát to lên rằng:
- Thì mầy cứ thả cả ra cho nó chết có được không?
Bọn buôn gà vịt đương ngủ, mơ màng nghe thấy ông cụ nói thế, tưởng cụ đòi thả cả gà vịt của mình ra, vội vàng trở dậy, tay giữ lấy miệng lồng, mồm van lạy rằng:
- Lạy cụ, cụ có sơi con nào thì cụ sơi, xin cụ đừng thả cả ra, mà hại chúng tôi...
100. Mặt dàyHai anh, một anh có râu và một anh không có râu. Anh không có râu, muốn xỏ anh kia, mới đố rằng:
- Tôi đố anh vật gì cứng nhất?
Anh có râu nói:
- Đá với sắt cứng nhất, chứ gì!
- Không phải.
- Đá với sắt mà không cứng, thì còn gì cứng hơn nữa?
- Đá đập phải vỡ, sắt nung phải mềm!
- Vậy thì anh bảo cái gì cứng?
- Râu, chứ gì!
- Có khi nào râu lại cứng hơn sắt được! Anh nói thế, tôi không chịu.
- Anh thử nghĩ kỹ mà xem: như da mặt anh dày thế kia, mà nó còn dùi thủng ra được, thì râu không cứng là gì!
Anh có râu hiểu là anh nọ nói xỏ mình, mới đáp rằng:
- Da mặt tôi dày thật, nhưng mà cũng không dày bằng da mặt anh.
- Sao vậy?
- Bởi vì râu cứng thế, mà cũng không dùi thủng được!...
101. Thế thôi, chứ có gì đâu
Có một anh, chung quanh nhà thì những thầy đồ, thầy lang, thầy địa lý, thầy phù thủy, thầy bói, thầy số ở nhiều lắm; mà anh ta thì dốt nát chẳng làm được thầy gì cả. Vả lại vợ nó cứ nhiếc móc, cho nên cu cậu tức mình, cũng nhất định đi làm thầy.
Đi đến trưa, qua một hàng cơm. Mụ hàng chào:
- Mời bác vào sơi rượu.
Anh ta trừng mắt, bẻ rằng:
- Ai là bác nhà chị?
- Mời ông vào sơi cơm vậy.
- Ai là ông nhà chị?
- Nào ai biết ông là gì mà mời chứ?
- Mời là thầy.
- Thế thì mời thầy vào sơi cơm.
Anh ta vào. Nhà hàng dọn cơm rượu tử tế. Thầy ngất ngưởng ngồi đánh chén.
Bà hàng nghi hoặc, chẳng biết là thầy gì, mới lại gần hỏi rằng:
- Thưa thầy, thầy là thầy gì, cho tôi biết? Hoặc có việc gì nhờ đến thầy chăng?
- Tôi là thầy bùa, chữa được bách bệnh.
Ngay lúc đó, có một anh, vợ ở nhà phải bệnh thổ tả, hốt hoảng chạy đến xin gừng.
Bà hàng mới trỏ, bảo rằng:
- Phúc bẩy mươi đời nhà bác! Đây có ông thầy bùa cao tay lắm, chữa được bách bệnh. Đó, ông ấy ngồi đó. Lại mà xin dấu cho bác gái uống.
Anh kia đến gần, khúm núm thưa rằng:
- Lạy thầy, nhà con phải chứng thổ tả nguy lắm. Xin thầy làm phúc cứu cho.
- Được, không khó gì. Đi lấy giấy bút đem lại đây.
Anh kia vội vàng đi kiếm, mang lại, Thầy mới lấy một tờ giấy, vẽ năm con chó xồm, mõm vạt ống dầu, rồi đưa cho mà dặn rằng:
- Đem về giơ cái bùa này lên cho người có bệnh trông thấy, rồi đốt thả vào trong bát nước lã, cho uống thì khỏi ngay.
Anh kia xin vâng, lập tức mang bùa về, cứ theo như lời thầy đã dặn, đem đốt cho vợ uống. Thế nào mà người vợ khỏi ngay!
Tang tảng sáng anh ta đến hàng cơm đón ngay thầy về nhà, thết đãi rất hậu.
Tiếng đồn vang cả trong làng.
Hôm sau, thầy đương ngồi uống rượu, bỗng có một người chạy đến xin bùa cho vợ. Thầy hỏi:
- Chị ấy làm sao?
- Thưa lạy thầy, nhà con trở dạ từ hôm qua đến giờ mà chưa đẻ được, xin thầy làm phúc cứu cho.
- Ừ được chẳng khó gì, đừng lo. Bỏ bút giấy đây.
Vẽ ngay ba cái bị, chín cái quai, mười hai con mắt, đưa cho mà bảo rằng:
- Anh mang cái bùa này về, giơ lên cho chị ấy nhìn, rồi đem đốt mà hòa với nước lã cho uống, thì đẻ ngay. Anh kia vội vàng đem bùa về, cứ thế mà đốt cho vợ uống. Vợ uống khỏi miệng, đẻ liền!.
Thôi! từ bấy giờ hai nhà tranh nhau đón thầy, thết đãi, cơm gà cá gỏi thậm tử tế.
Cách mấy ngày, thầy đòi về; hai nhà lễ tiễn cực hậu. Một nhà có thằng con trai mười lăm tuổi, năn nỉ xin đi theo thầy. Thầy ưng. Bố mẹ nó mới xuất tiền lưng gạo bị, cho con đi theo, ăn học.
Được hơn một năm, thằng bé ấy xin phép về chơi nhà. Bố mẹ mừng rỡ, hỏi con học hành thế nào. Con thưa rằng:
- Chắc hẳn thầy mẹ ở không được bằng lòng thầy, cho nên thầy chẳng dạy bảo gì suốt cả. Cả ngày chỉ bắt đun nước, quét nhà mà thôi.
Bố mẹ lấy làm buồn, bàn với nhau hay là thế thực. Người bố lập tức bắt lợn, đong gạo, mua chè lá thân hành đem con đến tận nhà thầy, làm lễ nhập môn lại, năn nỉ thưa rằng:
- Lạy thầy, xin thầy làm phúc cho cháu ăn mày thầy, để về sau cháu được nên thân người, thì chúng tôi không bao giờ dám quên ơn.
Thầy nói:
- Nghề tôi chẳng khó gì mà phải học, chỉ xem ý cũng biết được.
Bố thằng bé tưởng thầy không chịu truyền phép cho, cứ van lạy mãi. Thầy nín không được, phải nói thực rằng:
- Khốn nạn! Nghề tôi có khó gì đâu mà phải học? Trông ý là đủ biết! Này, như người tháo dạ, thì vẽ lũ chó cho nó vào nó dọn sạch ở trong ấy đi, thì còn đâu mà là ỉa nữa? Còn như đàn bà khó đẻ, thì vẽ ông Ba Bị cho ông ấy vào doạ nạt đứa bé; đứa bé sợ, phải thòi ra. Thế thôi, chứ có gì đâu!...
102. Ăn lắm thì được vào thân nhiềuHai vợ chồng trẻ, nuôi một thằng ở, ngày nào cũng bắt nó ăn cơm nguội.
Nó tức quá, không biết làm thế nào được.
Một hôm, người chồng đi vắng, thằng nhỏ ngồi ở trong bếp, giả cách vạch quần bắt rận, rồi thở dài mà than rằng:
- Chết nỗi! Mới ăn cơm nguội có một tháng, mà gì... đã to xù thế này ư, Giời?
Cô nghe thấy in trí như vậy.
Từ đấy cứ bắt chồng bữa nào cũng phải lẩm cơm nguội; còn cơm sốt thì để cho thằng nhỏ sực. Chồng lấy làm lạ, hỏi mãi, vợ cứ nín; sau tức quá, gắt om lên rằng:
- Việc gì mà bữa nào cũng bắt ông ăn cơm nguội, mà hỏi thì lại câm, là nghĩa làm sao?
Vợ nín không được, phải cãi:
- Ăn lắm thì được vào thân nhiều, việc gì mà ỏm tỏi cả lên?...
103. Nhả ngay ra không thì chếtMột anh phải lòng một chị nhà thổ.
Chị nọ nhổ hai cái lông giao cho anh kia để làm của tin. Anh kia nhận lấy, quý hóa không biết chừng nào. Khâu ngay một cái túi con, bỏ vào, đêm ngày đeo ở trước ngực.
Một hôm, đương đi chơi ở ngoài phố, sực nhớ đến nhân tình, mở túi ra xem. Chẳng may gió bay mất hai cái lông!
Anh ta hoảng hốt vội vàng chạy theo hút gió, tìm; chạy đến chỗ ngã ba, trông thấy anh thợ ngồi khâu giày, mồm đương ngậm hai sợi dây móc. Anh mất của sấn ngay đến, trỏ vào mặt mà sừng sộ rằng:
- À! mày lại chực nuốt sống của ông à? Muốn sống nhả ngay ra giả ông, không thì chết bây giờ!...
104. Anh kẻ noi làm thơ huê tình
Một cô con quan, kén chồng, tính hay thích thơ nôm.
Anh kẻ noi gánh phân đi qua, thấy cô ta đứng cửa, mới làm thơ ve, thơ nôm nhưng mà trong câu nào cũng có đệm một chữ, đọc rằng:
Huynh nay chẳng phải đứa bờm xờm;
Vả lại trong nhà lúc bát cơm.
Trong bếp lam nham tam chĩnh mắm;
Ngoài sân lúc nhúc lục cây rơm.
Trông thấy Cô mình anh cũng dục;
Đêm nằm mơ ngủ tiểu ra đờm!105. Gớm mặt mày, lâu nay mới thấyMột anh vẫn hay ra vào thỉnh thót cửa quyền môn.
Một khi phải đi vắng lâu không vào hầu trong Quan Huyện. Về, nghe nói Bà Lớn mới ở cữ, vội vàng đi mua cân giò, lễ mễ xách vào dinh.
Bà Huyện, từ hôm đẻ cho đến hôm đó mới đi được đại tiện. Ra ngồi chuồng tiêu ở cạnh hàng rào, một mình lẩn thẩn, cúi ròm thấy cái kia. Vốn lâu nay Bà chửa, không năng nhìn thấy mặt nó, cho nên mới trách rằng:
- Gớm mặt mầy, lâu nay mới thấy!
Anh nọ vừa sực đi đến giáp bờ rào, nghe tiếng Bà Lớn nói thế, tưởng Bà Lớn quở mình; sợ lắm,vội vàng bẩm rằng:
- Bẩm lạy Bà Lớn, quả con về quê giỗ bố con, con vừa mới ra, chân ráo chân ướt, phải đến hầu ngay để mừng Bà Lớn...
106. Đánh chảy máu đầu ông rồiMột chị con gái, gánh nước ở dưới sông. Trời mưa, đường đê dốc mà trơn, không thể nào gánh lên được. May có ông sư đi qua đấy. Chị chàng ta mới nhờ sư giắt lên hộ.
Ông sư cầm tay giắt nó lên. Nhưng mà thấy nó trắng trẻo, xinh xắn, thì nhỏ giãi ra.
Lên đến trên đê, ông sư thèm quá, không làm sao nhịn được; đánh liều, luồn tay vào trong váy nó, thọc một cái.
Đứa con gái giận quá, đỗ ngay gánh nước xuống, cầm đòn gánh choảng một cái vào đầu ông sư. Ông sư đau, vội vàng lấy tay xoa đầu... Nào ngờ phải hôm chị nọ thấy tháng!... Sư ông thấy tay có máu, chửi rằng:
- Bá ngọ mầy; đánh chảy máu đầu ông ra rồi!...
107. Đâu mất cái mũi rồiMột anh nhà làm hàng sáo; tính khí bủn xỉn, đánh dấu từng tí cám một, chỉ sợ vợ ăn cắp đem bán vụng.
Một hôm, có việc phải đi vắng; ra gí mồm vào thúng cám, để làm dấu; xong rồi mới đi.
Đi khỏi, vợ vội vàng hớt trộm ngay mấy đấu, rồi vén váy gí luôn cái của mình vào để hoàn giả dấu.
Đến lúc anh chồng về, vào nhận. Nhìn đi nhìn lại, nghiêng đầu lệch cổ, lẩm bẩm rằng:
- Quái, đâu mất cái mũi rồi?!?
108. Uống rượu bằng chén con mà chết hócCó một anh tính khí rất keo cú. Hễ nhà có giỗ, thì cứ đem những chén “hạt mít” ra để mời khách uống rượu.
Một khi, có bạn ở xa đến chơi; anh ta phải thết cơm rượu, cứ lối cũ giở ra.
Người khách biết ý, đương ngồi uống rượu, tự nhiên khóc hu hu lên. Anh kia, ngạc nhiên, hỏi làm sao đương vui lại khóc?
Người khách, gạt nước mắt, đáp rằng:
- Tôi uống rượu, nhìn thấy chén, thì lại sực nhớ đến người anh em bạn thân của tôi, ngày xưa cũng vì uống rượu bằng chén con như thế này, mà phải chết oan.
- Làm sao thế?
- Tại chén nhỏ quá, vô ý nuốt cả chén, cho nên chết hóc!
Anh chủ nhà vội vàng thay ngay chén con, mà lấy chén lớn đem ra.