Anh bước thong thả như người đi chơi nhàn hạ, mặt ngửng lên nhìn những vòm lá xanh trên đường phố và nghĩ đến những chuyện vẩn vơ. Hình như Phong biết rằng lúc đó suy đoán chưa phải lúc. Mấy trường hợp trong vụ án mạng vừa thấy chỉ đủ cho một phần lập luận đầu tiên. Anh phải đợi biết thêm nhiều điều để căn cứ cho những việc anh sẽ phải thi hành hoặc các mưu cơ sẽ phải định đoạt.
Phong xem đồng hồ tay: hai giờ rưỡi. Anh chắc lúc đó việc điều tra ở phố chợ Hôm đã xong.
Anh gọi xe đi đến trước trại lính khố xanh thì xuống đi bộ.
Nhìn qua cũng biết anh đóan đúng. Phong liền rảo bước lên. Chiếc xe điện lúc nẫy chạy đã lâu. Phố Huế lại giữ vẻ tấp nập thản nhiên thường ngày và trên chỗ tai nạn xảy ra chỉ còn một vết máu rửa chưa sạch hẳn.
Phong đứng lại một chỗ khuất đưa mắt xem xét lại một lượt! không có gì khả nghi. Người phóng viên phụ mà anh phái đến đây chừng đã theo người đàn bà đúng như lời anh dặn. Anh thấy trong tâm trí cùng một lúc mà có những cảm tưởng trái hẳn nhau. Cảm tưởng đầu tiên là một sự giản dị, hiền lành của hết mọi sự mọi vật có liên lạc đến cái việc anh gọi là án mạng; một người bị giết bởi một bọn người khôn khéo đến nỗi không ai tin là bị giết, trừ có anh... thế rồi người ta đến khám xét, người ta khiêng cái thây vào nhà xác, người ta không quan tâm đến nữa, đời vẫn hoạt động như thường. Nhưng chính cái cảm tưởng này gây nên một mối kinh khiếp trong lòng người phóng viên. Phong thấy chưa bao giờ sự bí mật ác hại lại có một bề ngoài bình thường được đến thế. Những mưu hiểm độc chưa bao giờ thi hành được hoàn hảo và dễ dàng đến thế. Sự quan sát thực có một bộ mặt giả đáng gờm.
Chìm đắm trong những ý nghĩa lạ thường này, Phong lững thững bước về nhà qua cổng ngoài, mở then cổng trong theo một cách riêng của anh, lên thang và vào căn phòng gác một cách dửng dưng đều hoà như một người này.
Anh kéo ghế ngồi xuống bàn viết, toan gọi tên đầy tớ bỗng nhận thấy trên ngăn sách một tờ giấy gấp đôi.
Kính gửi ông Lê Phong,
Anh rùng mình lên, hàng chữ viết bằng thứ mực để trên bàn giấy của anh, bằng chính cái quản bút của anh và mực ở ngòi vẫn chưa ráo. Anh vội mở ra đọc, bức thư có những hàng sau này:
Thưa ông Lê Phong
Nguyễn Bồng trốn tránh chúng tôi đã lâu, nhưng khi chúng tôi đã định tìm thì trốn thế nào thoát. Hắn phải chết và đã chết rồi. Một cái chết hoàn toàn tốt đẹp, tại sao hắn bị giết? ông không cần, và không nên tìm tòi tốn công. Chúng tôi thực không muốn sự tò mò làm ông cũng bị hại. Chúng tôi lại được cái hân hạnh báo trước cho ông biết một việc nữa.
Chiều hôm nay, 13 tháng chạp, đúng 4 giờ 30, người đàn bà đi với Nguyễn Bồng sẽ mất tích. Và nhiều người nữa sẽ mất tích, ngày nào, giờ nào sẽ xin cho ông biết sau.
Xin chúc ông biết giữ sự im lặng.
Kính thư
Tam Sơn
Phong cắn lấy môi đọc hàng cuối cùng, anh lắc đầu lẩm bẩm:
- Ồ! có lẽ nào! có lẽ nào...
Và sự căm tức làm anh nghĩ đến muôn nghìn ý hằn học. Anh toan cất tiếng gọi thằng Biên thì vô tình giở trang giấy. Một hàng chữ nữa như vừa dịp mách bảo:
- Biên của ông bị trói ở trong phòng.
Anh vừa chực vào xem, bỗng kinh dị đứng yên. Mấy tiếng cười lạnh lẽo đưa ra cùng với tiếng bước chân: một người thong thả đi ra, ngả đầu chào anh và đến ngồi trên một chiếc ghế.
Đó là một người đàn ông trạc ba mươi tuổi trở lại, mặc âu phục tím xẫm hàng sang, cắt rất khéo, đầu mượt bóng, mặt trắng trẻo đều đặn, miệng mỉm một nụ cười mỏng ngạo nghễ hơn là nhã nhặn; mắt nhỏ dưới đôi mày thưa và mảnh, theo ở đuôi mắt phía trái, một vết sẹo nằm ngang.
Thoạt nhìn người lạ mặt có một vẻ thanh lịch quí phái, một dáng điệu nhã nhặn của hạng đàn ông học thức và phong lưu. Khổ người vừa phải, đều đặn và hơi cao, ăn mặc theo thời trang một cách ý nhị. Dưới cổ áo sơ mi trắng tinh và là cứng, chiếc cavat đắt tiền thắt rất gọn, ăn mầu với chiếc khăn nhỏ gài ở trên túi. Từng ấy thứ tỏ ra chủ của chúng là tay sành sỏi về khao thẩm mỹ, đó là người để ý và trong sự chải chuốt không biểu lộ một ý gì hợm hĩnh.
Người lạ mặt nhìn Lê Phong im lặng, nụ cười trên miệng vẫn giữ cái vui vẻ thân mật như của một người bạn quen. Tuy vậy, Phong thấy trong sự nhã nhặn kia, sau nụ cười tự nhiên và sau quơng mặt lặng lờ, có ẩn một tâm tư nham hiểm.
Phong cũng không cử động, bình tĩnh nhìn lại người khách dị kỳ.
Bốn mắt nhìn nhau một hồi lạnh lẽo. Tiếng đồng hồ trên bàn giấy điểm rất rõ và như đánh nhịp một cách rất ý tứ giây phút lạ thường.
Sau cùng, Phong hơi rợn người lên; người lạ mặt vừa nói câu thứ nhất?
- Kính chào ông Lê Phong.
Đôi mày của người ấy chỉ hơi nâng cao và mấy nét răn hiện trên cái trán phẳng lặng.
Người ấy nhắc lại:
- Kính chào ông Lê Phong. Tôi rất lấy làm sung sướng được hầu chuyện ông.
Giọng nói ôn tồn, lời nói trôi chảy tỏ ra một người tự tin và lịch thiệp.
Phong cắn chặt hai hàm răng lại, song anh không để kẻ thù trông thấy sự căm tức trong lòng. Anh se sẽ gật đầu, mỉm cười và lễ phép đáp lại:
- Có lẽ trong hai người tôi là người lấy làm sung sướng hơn.
Câu trả lời đến ngay:
- Ông Lê Phong sung sướng hơn hay tôi sung sướng hơn đó là điều không lấy gì làm quan trọng. Nói tóm lại, cả hai ta cùng sung sướng, ông thì tự nhiên gặp người mà ông định đi tìm, còn tôi thì được diện kiến một người có tài mà tôi vẫn kính phục.
Phong nhũn nhặn trả lời:
- Ông quá khen, nhưng cái cảm tình của ông thực làm phấn khởi tôi nhiều lắm. Tôi được thêm can đảm để làm việc bổn phận của tôi.
Phong vừa nói vừa nhìn vào bức thư để trên bàn, nhìn bằng đôi mắt vui vẻ hững hờ không tỏ ra một dấu hiệu gì khác. Người lạ mặt cũng làm như không biết gì về bức thư đó, đôi mắt hắn khi gặp những chữ trên tờ giấy cũng vẫn thản nhiên. Phong càng thấy rõ lực lượng của kẻ thù, càng biết thêm những sự gian hiểm mà người khách lạ kia mang trong lòng; anh thù ghét hơn lên, nhưng cũng thêm phần thán phục. Phong thấy mình hiện đương đầu với một trí óc ác hại ít có. Lần thứ nhất anh phải nghĩ đến cách giữ miếng, phải đo đắn từ lời nói, từng cử chỉ để chiến đấu với một kẻ sát nhân phi thường.
Phong kéo ghế ngồi, chống bàn tay lên má, ngắm người lạ mặt một lát như ta nhìn một người bạn xa nhau lâu ngày, bỗng nhiên anh hỏi:
- Việc Lương Hữu thế là thất bại?
Câu hỏi đột ngột ấy không làm người kia biến sắc. Hắn nhún vai một chút và đủng đỉnh gật đầu:
- Thất bại hoàn toàn. Nhưng đó là lỗi ở Lương Hữu. Hắn tự phụ quá, lại không biết tính theo lời chúng tôi chỉ dẫn, bây giờ thì không còn hy vọng gì.
Phong cười:
- Thực đáng phàn nàn! người như Lương Hữu mà chịu khổ sai đến chung thân thì tội nghiệp thực. Sau vụ án mạng bác sĩ Đoàn, Lương Hữu không bị tử hình, đã hứa trước với tôi thế nào cũng vượt ngục. Dư dảng còn lại một vài người không có tài nên chẳng bao lâu đều bị bắt cả, nhưng cái mầm sâu vẫn còn, tôi cứ tưởng lần này, nhờ có mưu trí của các ông Lương Hữu thế nào cũng về được...
Một tia lửa hằn học thoáng qua trên đôi mắt người ngồi trước mặt Lê Phong. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc, người ấy nhếch miệng cười và ngọt nào trả lời:
- Cũng phải thù thực rằng việc thất bại này cũng do ở công lao của ông Lê Phong một vài phần. Nhưng thôi, đó là việc đã qua, tôi tưởng ta nên bàn đến chuyện gần hơn: chuyện hiện tại...
Hắn ngả người trên ghế, lim dim mắt dò xét cử chỉ Phong.
- Ông Lê Phong quả thực là người có tài, và có can đảm.
Phong ngã đầu khiêm tốn:
- Cảm ơn ông.
- Có tài và có can đảm, nhưng không lo xa.
- Đó là nét xấu của tôi, nhưng cũng có thể là tính tốt.
- Nhưng khi cái tính tốt ấy có thể hại đến công việc mình, đến tương lai mình, đến cả tính mệnh con người, thì tôi tưởng cũng không nên giữ...
Phong hiểu rằng câu chuyện đã đến lúc quan trọng, kẻ thù quỉ quyệt của anh đang dự bị khởi thế công. Anh rùng mình lên, nửa vì vui mừng, nửa vì thấy mở ra trước mắt anh bao nhiêu sự kỳ bí ghê gớm.
Anh gật đầu nhè nhẹ, mở hộp thuốc lá mời người kia, tự mình cũng lấy một điếu và khi cả hai cùng ung dung thưởng thức cái thú hút thuốc để bàn chuyện phiếm thì câu chuyện phiếm ấy tiếp theo một giọng quái lạ sau này.
Người lạ mặt nói:
- Nếu tôi không lầm thì ông Lê Phong chưa biết rõ chúng tôi là hạng người thế nào...
Phong:
- Thế thì ông đoán lầm rồi. Tôi biết rõ lắm... những việc ngấm ngầm dự bị trong bóng tối, với cuộc âm mưu cho Lương Hữu vượt ngục, và ngay những cách hành động hiện giờ tôi đều biết là do tay một bọn ba người ở ba nơi khác nhau chỉ huy. Tôi lại biết ba người đó có những thế lực vững chãi để đàn áp và sai khiến những kẻ sống ở ngoài luật pháp: một công cuộc gian ác độc nhất vô nhị, làm theo những phương pháp mới lạ, có kỷ luật, có tổ chức, và có những đường lối bí mật để pháp luật không biết đâu mà tìm...
Người lạ mặt mỉm cười:
- Cám ơn những lời ngợi khen của ông...
Phong cũng vui vẻ ngả đầu:
- Không dám.
- Ông Lê Phong quả có mắt nhận xét.
- Và bởi có mắt nhận xét nên tôi rất vui lòng rằng sẽ làm được những việc hay ho một chút, đã lâu tôi vẫn mong mà không gặp được sự bí mật nào xứng đáng với sức hoạt động nhỏ mọn của tôi.
- Lần này thì ông gặp được sự bí mật quá sức mong mỏi. Vâng, ông Lê Phong nên nhận kỹ lấy, thực là quá sức ông tưởng tượng, và nếu không sợ phiền lòng ông, tôi có thể nói là ở trên tài trí của ông xa. Ông mới biết được rằng ở nươc Nam, mới nẩy nòi ra bọn Tam Sơn, nhưng không biết bọn Tam Sơn ra đời từ hồi nào.. Từ năm, sáu tháng nay? từ một vài năm? không! lâu hơn nhiều. Chúng tôi có từ khi làng báo chưa có ông, nghĩa là mười năm nay rồi...
- Từ mười năm?
- Vâng, không kém một ngày. Mười năm im lặng để dự bị bước đầu, để bàn bạc, để khảo cứu. Muốn tính kế trường cửu bao giờ cũng phải để phần gây dựng cho thời gian. Vậy, trải qua mười năm chiêm nghiệm, nay là lúc chúng tôi ra đời. Chúng tôi đã xét kỹ từng việc đã quan sát từng người, trong nước, những nhân vật nào đáng chú ý sẽ được chúng tôi chú ý đến một cách đặc biệt...
Lê Phong chăm chú hỏi:
- Mà những người được cái hân hạnh đó, có cả tôi đây?
- Có cả ông Lên Phong. Ông Lê Phong là một nhân vật tinh nhanh mà chúng tôi theo đuổi từ lúc khởi đầu cùng một thời kỳ với một tay gian hùng đáng khen là Lương Hữu. Kế hoạch chúng tôi đã dự sẵn: tuyển Lương Hữu vào bọn để sai khiến và tuyển cả Lê Phong.
Người lạ mặt nói luôn không để Phong ngắt lời:
- Nhưng Lương Hữu bị bắt, kết án. Còn Lê Phong - sau chúng tôi điều tra mới rõ - là người sông theo khuôn khổ thường, không hợp với đời hành động của chúng tôi. Về phần Lương Hữu, chúng tôi có cách thông tin cho và mách cho những kế vượt ngục. Nhưng hắn còn non lắm, thất bại ngay trong lúc gặp dịp may. Đối với hắn, chúng tôi không cần chú ý đến nữa. Nay chỉ còn đối phó với Lê Phong.
- Ngừng lại một giây, người lạ mặt lại tiếp, nụ cười vẫn nhã nhặn, giọng nói không đổi khác, nhưng mắt hắn níu lại lần nữa và nhìn Phong một cách dị thường:
- Đối với ông Lê Phong, có hai cách. Cách thứ nhất là báo trước cho Lê Phong biết mà tránh xa bước đường của chúng tôi. Ông Lê Phong không tránh xa. Cái trí minh mẫn của Lê Phong nhìn được rõ thế lực của chúng tôi, nhưng không chịu nhận thấy nhiều sự nguy hại cho mình, nếu ông Lê Phong cứ cố tình làm vướng bận chúng tôi trong các cuọc hành động. Đảng ba người muốn làm việc rất im lặng, muốn cho trong nước không có một dư luận quá ầm ĩ đối với chúng tôi... nghĩa là trừ những người chúng tôi hỏi han đến thì không ai biết chi hết. Ông Lê Phong không chịu bỏ những chủ định dại dột của ông... Vì đo quả là những điều dại dột. Chúng tôi không muốn làm những việc vô ích, nhưng nếu không thể dừng được, chúng tôi bắt buộc sẽ phải làm. Nếu ông Lê Phong là người thông minh, chúng tôi mong ông tỉnh ngộ. Lần này là lần sau hết, ông nên nghe tôi: ông nên im lặng, và bằng lòng làm việc trong phạm vi một nguồi viết báo.