Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đòn hẹn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9066 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đòn hẹn
Thế Lữ

Chương 1 a

Phong đọc một bức thơ lạ lùng:


Kính gửi ông Lê Phong,
Mấy hàng chữ này đánh máy lúc mười giờ hai mươi sáng hôm nay, thứ ba 13 tháng 12; đến bàn giấy nhà ông một cách bí mật lúc mười một giờ mười lăm, và đợi ông đến bây giờ - vào khoảng một giờ trưa - là lúc ông cầm lên đọc.



Nói thế để ông hiểu rằng chúng tôi làm việc có trật tự, có phương pháp, và biết những giờ giấc, cũng như công việc của ông. Ông không biết chúng tôi, nhưng chúng tôi biết ông rõ lắm. Những con mắt trong bóng tối trông rõ người đi ngoài sáng; chúng tôi có thể làm gì ông lúc nào, ở đâu cũng được; mà ông thì không bao giờ trông thấy chúng tôi.

 
Hai sức mạnh: của ông và của chúng tôi, chênh lệch như thế, ông nên liệu trước mà đề phòng. Đề phòng rất giản dị: ông chỉ có việc thôi đừng khiêu khích chúng tôi nữa. Trừ một mạng người đi, lại là mạng một người phóng viên có tài, đó là một điều đáng tiếc. Nhưng nếu công việc của chúng tôi ông còn cứ để ý tìm tòi mãi thì chúng tôi xin nói trước; ông sẽ không thoát được đâu.



Người thông minh như ông hẳn biết cân nhắc những lời này. Chúng tôi đã nói là chúng tôi giữ lời hứa. Muốn cho ông biết chắc chắn lực lượng của chúng tôi, chúng tôi xin có một chứng cớ hiển nhiên để ông suy nghĩ: từ một giờ rưỡi đến một giờ 45 trưa hôm nay, một vụ án mạng sẽ xảy ra ở xế cửa nhà ông, xảy ra trước mắt mọi người, nhưng ngoài ông ra, không ai biết là một án mạng.


Vụ án mạng ấy để cho ông thấy chúng tôi làm đúng như lời nói và cũng để cho chúng tôi làm đúng như lời nói và cũng để cho chúng tôi thử ý ông. Nhưng chúng tôi xin nhắc lại lời khuyên: ông nên biết sức chúng tôi và đừng tìm cách điều tra để vướng bước chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu ông nên quý tính mệnh của ông và giữ sự im lặng.


Chúc ông mạnh giỏi.


Kính bút: Tam Sơn.


Chưa có bức thư đe doạ nào lễ phép một cách ghê gớm hơn.

 Không một tiếng sỗ sàng, không một lời vu vơ. Những câu báo trước bình tĩnh, ngọt ngào và đanh sắt.
Phong quay lại gọi:
- Biên!
Biên dạ. Phong hỏi:
- Bức thư này ai đưa đến?
Biên nhìn rồi lắc đầu:
- Không ai đưa.
- Không ai đưa? tự nhiên ở trên bàn này sao?
- Vâng, tự nhiên.
Câu trả lời dị kỳ ấy kiến Phong nhìn Biên một cách khác lạ.
- Tự nhiên? hừ... tự nhiên ở trên bàn này!.. mày thấy ở đấy lúc nào?
- Từ lúc con ở ngoài về, vào khoảng mười một rưỡi.
- Không có gì lạ?
- Không. Cửa vẫn khoá kín. Cửa sổ đóng lúc về con mới mở cái cửa song.
- Từ sáng mày vẫn ở nhà?
- Vâng, con dọn dẹp cẩn thận và sắp đặt xong những việc cậu dặn, mười một giờ mới đi ăn cơm. (Biên chịu ảnh hưởng của Phong, bao giờ cũng nhớ rõ thời khắc). Nhưng sau đó hai mươi phút con lại về ngay.
Phong se sẽ thổi sáo mồm, nhưng đôi mày anh nhíu lại. Bức thư trên bàn giấy giắt những chạc lên mặt tấm giấy thẩm kê tay, niêm trong phong bì vàng và trước khi cầm lên đọc anh không ngờ một sự gì lạ hết.


Đưa mắt nhìn khắp phòng một lượt, Phong chú ý đến cái khoá cửa lớn rồi cố tìm những dấu vết lạ từ đó trở vào. Chưa thấy gì khác, Phong nghĩ rằng lúc nẫy không có đủ thì giờ xem xét cẩn thận.


Biên đứng đó, mắt chăm chú dò ý tứ và đòi Phong nói rõ về bức thư.
Nhưng Phong lặng im, xem đồng hồ: một giờ hai mươi.


Anh đọc lại một câu trong bức thư, nửa muốn cười, nửa băn khoăn. Anh vẫn coi rẻ những thư doạ nạt anh nhận được luôn, song trong bức thư này, anh thấy có nhiều điều nghiêm trọng.


Anh nghĩ đến những bài điều tra trong báo Thời Thế, nói về những phương pháp mới trong trường án mạng, và nhất là mấy bài gần đây, anh nhắc đến một hạng gian phi cao cấp mới nẩy nở ở nước Nam.


Cái tên Tam Sơn ký dưới bức thư anh mới đọc thấy lần đầu nhưng hình như đã là dấu hiệu rõ ràng của bọn người thù nghịch. Những lời anh dự đoán trên báo, những đoạn kết luận chặt chẽ của anh, bây giờ đã thấy thực hiện: bức thư này - anh có thể tin là trang đầu cho một thiên kỳ bí sắp xảy ra...


Phong gấp bức thư lại, thong thả, cẩn thận cho vào phong bì; ngón tay đụng vào mặt chữ vuốt lên mặt giấy, nhẹ nhàng, lặng lẽ, nhưng chính thực đang mê mải như đã chạm tới những vật thiêng liêng...


Phong hiểu rằng những cảm giác ngoa ngoắt ấy đang kích thích mình. Anh thả tâm trí theo sự xúc động của lương năng, và trong mấy phút đồng hồ rất nhanh, anh thấy cuộc đời anh lúc này rất có ý nghĩa...


- Một giờ hai mươi nhăm! Biên! nhớ lấy giờ này nhé. Đã lâu bây giờ ta mới được sống cuộc đời của ta.


Anh bỏ bức thư quý báu và ghê gớm vào túi trong, phía ngực bên trái, như người âu yếm một bức thư tình. Rồi, xua đuổi hết những ưu tư, anh lấy mũ, mở cửa xuống thang, thổi sáo mấy điệu hát vui, trong bầu không khí nhẹ tươi và bước trên đường như người có đầy hạnh phúc.
Phong nghĩ rằng khi bước lên đoạn đầu đài, người anh hùng tử tiết hẳn cũng có những tình cảm kỳ dị như anh. Sự mạo hiểm mới anh dấn thân vào. Anh nhận, mỉm cười và thấy tâm hồn mình khoẻ mạnh.


"Từ một rưỡi đến một giờ 45, sẽ có một vụ án mạng"
Lời trong thư minh bạch lắm.
- Vụ án mạng xảy ra xế cửa nhà ta, trước mắt mọi người và trước mắt ta. Rồi ta phải im đi, không thì một án mạng nữa sẽ xảy ra, mà chính Lê Phong sẽ hoá ra một cái thây chết.


Phong đánh diêm châm thuốc lá hút, cử chỉ lanh lẹ, và bề ngoài tỏ ra vẻ coi bức thư đó huyền hoặc như câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh. Nhưng ai biết rõ anh cũng sẽ hiểu rằng người phóng viên này tin bức thư cũng như tin những điều trông thấy. Đồi mắt sáng của anh đem hết tinh lực ra để quan sát, và trong lúc vẩn vơ đi trên đường phố, anh không bỏ sót một tiếng, hay một hình ảnh nào.


Phố Huế, người đi lại tấp nập như thường. Dưới đường, các xe cộ qua lại bình thản trong nắng tươi và trong bụi mờ. Toàn những sự quen mắt và quen tai. Phong hơi ngạc nhiên cho cái quang cảnh hiền lành và thân mật ấy.


Vậy mà sẽ có một vụ án mạng! - một giờ 35 rồi - từ giờ đến 10 phút nữa, sẽ có một vụ án mạng ở đây!


Phong tính nhẩm, mười phút, trong mười phút ngắn ngủi, làm thế nào mà tìm được, mà biết được ai sẽ bị giết để mà ngăn cản hay để tuỳ cơ làm những việc đáng làm. Anh không có thì giờ suy xét lâu, chỉ để cho linh giác mở rộng ra đón lấy những điều mới lạ. Thời khắc qua trong sự hồi hộp tới cực độ. Ba phút, năm phút... cảnh vật trong đường phố không có một ly một tí gì đổi khác. Nhà hai bên đường vẫn yên ổn dưới ánh sáng mặt trời.


Một người đứng mặc cả xe tay. Mấy cô thiếu nữ vừa đi vừa nhìn mấy cửa hàng. Hai người cảnh sát lẳng lẹ trên hai chiếc xe đạp đi song song. Chiếc xe điện từ lối Bờ Hồ vừa đứng lại ở trước Chợ Hôm, Phong lẩn thẩn nhìn bộ lúng túng của mấy người quang gánh vừa bước xuống.
Anh đợi xe điện đi khỏi, sẽ sang bên kia đường. Mấy tiếng chuông, hai tiếng còi, xe tiến lên.


Phong đang mải nhìn đi, bỗng nhiên nghe có những tiếng kêu thất thanh của tất cả mọi người, và - việc xảy ra đột ngột lạ lùng - về phía bên kia, dưới bánh xe vừa ngừng, anh thấy một người đàn ông quần áo nâu nằm chết trên đường sắt.


Trống ngực Phong đập rất mạnh.


Anh cố bình tĩnh, không phí thì giờ nhưng không hấp tấp, nhảy ngay lên xe điện và len vào giữa toa. Phong chiếm lấy một chỗ vừa bỏ không; mặc người ta xôn xao dồn cả ra phía ngoài, anh lẳng lặng ngồi, bằng lòng vì không bị ai chút ý tới. Những tiếng gọi tiếng hỏi lẫn lộn trong tiếng ồn ào.
- Nhảy xe! xe đang chạy nhảy xuống - xem nào!
- Sao? có chết không? khốn nạn! vỡ đầu ra mất.
- Đâu đâu? ghê chưa - nhảy hụt phải không?


Những tiếng ấy nhắc đi nhắc lại hoài, Phong đợi cho mấy người xem đã chán mới thò đầu ra ngoài cái cửa sổ bỏ trống nhìn xuống đường. Người bị nạn ở ngay dưới tầm mắt anh. Một người đàn ông, nằm ngửa song đôi với đường sắt, chân hơi chếch ra phía ngoài, đầu rúc vào cái bánh xe đi ngược lại. Máu đẫm gần hết mặt, rỉ từ vết thương toác ra trên đỉnh trán; vết thương vẫn ngậm lấy mé bánh xe. Người bị nạn không động cựa nhưng nhìn kỹ thì chốc chốc lại thấy bụng hơi thoi thóp. Cạnh đó, một người đàn bà xốc xếch đang ngồi nức nở khóc không ra tiếng, mặt xám ngắt, có lẽ vì sợ hơn vì thương.
Phong thở dài rất nhẹn, lẩm bẩm nói:
- Vô lý quá! vô lý thực.


Nhưng trong trí anh vừa nhận ra một điều kinh hoảng. Cái tai nạn có vẻ tình cờ này chính là sự thực hành của một lời hẹn trước! đó là một ý táo bạo; một sự vô lý nữa! nhưng anh vẫn tin.


Phong tức khắc lẻn xuống xe, đến gần cúi xuống xem mặt người đàn ông, lắc đầu rồi gọi người vát man hỏi:
- Báo cảnh sát rồi chứ?
Người kia đáp:
- Vâng.
Ông nào xóat vé?
Một người khác vội vàng tiến lại:
- Tôi.
- Ông đứng ở đâu lúc ấy?
- Ở cuối toa. Thấy tiếng kêu, tôi ngảnh lại thì chỉ kịp nhảy ra giằng cái giây vẹt xuống. Trên kia vát man hãm hết sức cũng không kịp. Người ấy đã đâm đầu vào bánh xe rồi.
Phong hỏi người đàn bà ngồi bên cạnh người bị nạn:
- Bà cùng đi với ông này?
Người đàn bà gật đầu "vâng" trong một tiếng nức nở.
- Bà thấy thế nào? ông ấy làm sao lại nhảy xuống?
Người kia đáp:
- Tôi đang mãi đợi người phát vé đến trả lại tiền còn thừa, thì bác cháu đập vào vai tôi giục xuống. Xe vừa chạy, không nhanh lắm. Tôi còn bối rối thì không biết làm sao bác cháu đã ngã xuống đường.
- Bà là người nhà?
- Vâng, tôi là em...
- Sao ông ấy lại xuống vội vã thế?


Người đàn bà nhìn Phong ra ý lấy làm lạ, hình như không hiểu sao anh chàng này lại hỏi han mình. Lúc ấy Phong cũng ngạc nhiên, anh thấy người đàn bà nhà quê này là một thiếu phụ ăn mặc tuy lôi thôi, nhưng khuôn mặt không phải là không đẹp, anh nhắc lại:
- Sao ông ấy lại xuống vội vã thế?
Thì người kia chỉ thở dài, một lát mới đáp:
- Tôi cũng không hiểu tại sao...


Phong xem đồng hồ; hai giờ kém năm. Anh bảo người lái xe điện lùi xe lại một chút cho bánh xem nhả vết thương ra, nhưng họ nói còn phải đợi ông Cẩm đến. Trong đám người quây quần lại đó. Phong thấy một người thợ ảnh đang loay hoay lắp máy lên cái giá ba chân. Anh chợt nghĩ đến cái máy anh đeo luôn luôn bên mình và lấy ra chụp mấy kiểu rất nhanh, trong lúc người thợ ảnh vẫn còn lúng túng.


Anh hỏi người thiếu phụ để biết tên tuổi người bị nạn - Nguyễn Bồng, 31 tuổi - anh biên lấy, rồi rẽ đám đông bước sang bên kia đường.


Phong vào một cửa hàng lớn nhờ điện thoại gọi về báo Thời Thế. Anh thuật cái nạn xe cho Văn Bình chép và dặn:
- Đề đầu là một tai nạn bí mật, nghe không! phải, bí mật... có nhiều lẽ kỳ dị lắm, tôi sẽ nói cho anh biết sau... Phải, viết ngay đi, và ngay bây giờ bảo hai anh Luân và Đức đến ngay chợ Hôm... Phải, hai người. Một để tôi đưa phim ảnh về, còn một để dùng vào việc khác... Ghê gớm lắm, bí mật hết sức nữa... Án mạng, phải, án mạng đây chứ không phải là một tai nạn thường.


Anh trở ra chỗ xe điện thì thấy các nhà chuyên trách đã tới. Viên chánh cẩm, trong bộ thường phục, đang hỏi và biên vào một cuốn sổ dài, trông thấy anh, người Phát gật đầu chào rồi nói bông:
- Tai nạn ở đâu là có ông Lê Phong ở đó
Phong đáp:
- Có khí lại đến trước tai nạn nữa kia!
Ông cẩm hỏi xong chưa?
Viên cẩm nói đùa:
- Sắp xong. Thế nào? trong cái tai nạn này, ông Lê Phong lại tìm ra một vụ ám sát nữa chứ?
- Biết đâu đấy? Hay nói cho đúng, tôi đã biết từ trước: đây chính là vụ án mạng thực, chứ không phải tai nạn thường.
Viên cẩm vừa há mồm ra toan phá lên cười; nhưng ông ta chỉ há mồm, tiếng cười ở im trong họng. Nét mặt nghiêm trang của Lê Phong khiến ông ta lấy làm lạ:
- Thế nào? một vụ án mạng? ông không nói riễu tôi chứ?
Phong đạo mạo một cách hết sức thành thực:
- Thưa ông cẩm, tôi không có một ý nhỏ nào đùa cợt trong lúc này. Tôi nghĩ kỹ lắm rồi. Tôi cũng xem xét từ trước để giúp ông... đây chính là một vụ án mạng.
- Tôi không thấy có...
- Vâng một vụ án mạng rất... khôn khéo.
Tôi cũng có thể không thấy như ông được, nếu tôi không có những lời báo trước của kẻ giết người...
Viên chánh cẩm há miệng càng to:
- Ông có những lời báo trước?
- Phải. Một bức thư hẹn trước. Nhưng tôi không kịp ngăn cản...
- Nhưng bức thư đâu?
- Đây.
Phong lấy ở túi ngực ra cái phong bì vàng, cẩn thận rút bức thư đưa cho viên cẩm.
Người Phap giở ra, nhưng đôi mày chau ngay lại:
- Thế này là nghĩa gì? tôi không hiểu...


Phong cũng kinh ngạc hết sức: tờ giấy vừa giở ra là một tờ giấy trắng, và, ở giữa, chỉ có một có dấu hỏi viết bằng bút chì.
Lê Phong cố chấn tĩnh ngay lại. Sự ngạc nhiên chỉ hiện trên mắt anh trong một khoảnh khắc. Đôi mắt sáng lên một cách vui vẻ, và miệng nở một nụ cười rất tự nhiên. Cái vui cười của anh lúc đó không phải dịp chút nào, song đó là cách anh giữ thể diện. Anh không muốn làm trò cười cho viên chánh cẩm, và cho kẻ thù mà anh biết vẫn còn quanh quất đâu đây.


Phải kẻ thù chưa xa, bởi vì đó là những tay quỷ quyệt hết sức.


Cái tai nạn vừa rồi là một cách giết người rất khôn khéo, và cách tráo bức thư trong túi anh là một chứng cớ ngạo mạn và nhãn tiền. Phong phải đối phó với một hạng người có những hành động phi thường, và những phương pháp khoa học.


Viên chánh cẩm đưa trả Phong tờ giấy và hỏi:
- Thế nào, ông Lê Phong?
Phong hỏi lại:
- Thế nào, ông Lê Phong?
Phong hỏi lại:
- Thế nào, ông chánh cẩm?
- Ông vừa bảo ông nhận được những lời báo trước?
- Vâng, tôi vừa bảo thế.
- Ông nhận được một bức thư?
- Vâng, một bức thư...
- Ô hay, thế bức thư đâu? hay bức thư là cái dấu hỏi trên tờ giấy này?
Phong gật đầu:
- Chính thế...
Không để người Pháp hỏi vặn, Phong nói luôn:
- Cái dấu này, theo ước khoản thông thường chỉ là một dấu hỏi, nhưng đối với tôi, đó là cả một tràng lời bí mật và rõ ràng... Cái chỗ nằm của nét chì trên trang giấy, cái đường cong của mấy vòng soáy ốc, và cái chấm quan trọng cách đuôi dấu hỏi hai phân tay bằng ấy điều tầm thường là bằng ấy điều ý nghĩa. Những ý nghĩa ấy tôi đọc được hết, và đây, xin phân giải ông nghe.


Phong liền đem những lý luận hết sức rắc rối ra nói một thôi một hồi, lời nói đạo mạo và cặn kẽ như cố làm cho viên cẩm hiểu rõ, kỳ thực Phong muốn viên cẩm chẳng hiểu gì hết. Anh chỉ cốt lợi dụng cái thì giờ ấy để quan sát mọi người.


Đó là một mưu kế đắc dụng cho anh nhiều lần. Trong lúc anh có vẻ chăm chú với những ý tưởng anh giải bầy thì mắt anh vẫn nhận xét những nét mặt, những cử chỉ ở quanh mình: đôi mắt ấy không để cho một điều gì khác thường lọt khỏi.


Anh diễn thuyết như thế đến ba, bốn phút rồi kết luận:
- Rành mạch lắm có phải không thưa ông?
Viên cẩm hạ đôi lông mày xuống cho gần hết cặp mắt sâu, ba nét răn tư lực vẽ rõ ở trên cái trán gồ, và miệng mỉm lại một cách nghiêm trọng. Nhưng ông ta thành thực nhận rằng những lời rành mạch của Lê Phong vẫn còn nhiều chỗ tối tăm.
Ông ta thong thả lắc đầu:
- Hừm! tôi vẫn chưa thấy rõ.
Phong làm bộ ái ngại:
- Thế thì đáng phàn nán thực. Vậy mà có gì dàn, bức thư nói rằng người bị chết xe điện lúc này chính là người bị ám sát... Nhưng thôi, để lúc khác tôi sẽ cắt nghĩa lại, bây giờ xin tạm biệt ông cẩm...
Nói đoạn, Phong bắt tay người Pháp, bước lại cúi nhìn cái thây chết và nói nhỏ vào tai người thiếu phụ vẫn ngồi ở một bên:
- Tôi biết cả rồi, và xin tìm cách tố cáo hung thủ giúp bà. Tôi là Lê Phong, ở báo Thời Thế.


Phong hóm hỉnh ngả mũ chào viên cẩm lần nữa rồi vừa nhỏen miệng cười vừa len lách qua đám người xúm xít gần đó để đi về phía bờ Hồ.
Người thiếu phụ trừng trừng mắt nhìn theo anh. Viên cẩm cũng nhìn theo, se sẽ nhún vai, và tin rằng vừa bị Lê Phong chế riễu.


Đi được hơn một chục thuớc, Phong mới thu nụ cười lại.


Khắp người anh rợn lên như gặp lạnh, khi nghĩ đến một hình ảnh thoáng thấy, nhưng không đời nào quên. Đó là một bộ mặt lạnh lùng, và một đôi mắt lạnh lùng anh bắt chợt được trong đám người vây quanh mình lúc anh nói chuyện với viên thẩm.


Phong lại nghĩ đến cái bàn tay bí mật đã tráo đổi bức thư trên ngực anh. Cái bàn tay quỷ quyệt ấy biết đâu lại không có ngày cầm một thứ khí giới nhỏ nhắn nào để giết anh một cách dễ dàng mau lẹ?


Lần thứ nhất Phong thấy lòng lo ngại, nhưng anh vội khóat tay lên gió và tìm được rất nhiều câu ngộ nghĩnh để tự mắng mình.


Bỗng anh trông lên, gọi:
- Luân!
Một chiếc xe hơi tiến lại từ phía bờ hồ, Phong ra hiệu cho đứng lại. Người tên là Luân vừa thò đầu ra ngoài thì Phong ấn vào trong xe và cười:
- Anh cần phải cho người ta nhận mặt đến thế hay sao?
Rồi Phong bước lên, bảo người vặn lái:
- Đức, quay trở về.
- Về à?
- Ừ.
- Thế còn...
- Còn gì? tôi bảo về thì hãy cứ quay về đã.
Chiếc xe nhỏ và nhẹ liền quay trở lại. Bấy giờ Phong mới bảo:
- Việc nghiêm trọng lắm. Ta phải họat động ngay. Cho xe chạy nhanh nhanh, rẽ sang Hàng Kèn, rồi rẽ ào Gia Long...
Phong lấy thuốc lá hút đợi cho xe qua những đường anh vừa nói. Đến giữa phố Gia Long, anh bảo ngừng.
- Tôi xuống đây. Còn hai anh thì nghe tôi dặn: anh Đức đến ngay nhà cô Mai Hương, bảo phải lại nhà báo lập tức, đợi tôi ở đó. Đưa cuốn phim ảnh này cho nhà in bảo làm bản kẽm mấy kiểu sau cùng in kèm bài tường thuật. Bài thì lát nữa có. Anh Luân thì thuê xe đến chợ Hôm. Họ làm biên bản còn lâu mới xong mà có lẽ hung thủ vẫn còn ở đó.
- Hung thủ?
- Phải, hung thủ. Nó quỷ quyệt lắm. Nhưng không hề gì. Đến chợ Hôm, anh làm như người qua đó đứng lại xem, nhưng đừng để cho ai chú ý đến mình một cách đặc biệt. Để mặt người bị nạn đó, anh chỉ có việc xem xét cử chỉ của hai người, nghe không?
- Nghe.
- Người thứ nhất là một người đàn bà, mặc áo nâu quần thâm, trẻ, xinh và nhận là em người bị nạn.
- Nhưng không phải là em?
- Chưa biết. Còn người thứ hai là một người đàn ông, ba mươi trở lại, mặc âu phục màu tím xẫm mũ phớt, ca-vát xanh vệt đỏ, có vẻ lịch sự học thức, mặt nhỏ và hơi có sẹo ở phía mang tai. Nhớ thế.
- Nhớ.
- Anh chú ý đến hai người đó nhưng người đàn bà là người phải để mắt cẩn thận hơn.
- Người đàn bà là tòng phạm?
- Không.
- Ồ thế sao?
- Người này cần phải che chở. Làm xong biên bản, họ sẽ đưa người chết đi chỗ khác, hoặc vào nhà thương... Người đàn bà chắc sẽ đi theo, đi đến đâu anh cũng không được bỏ. Hơi thấy cái gì khác cũng phải coi chừng. Người mặc âu phục có thể hại cô ta trong lúc anh sơ ý đấy.
- Nhưng tôi làm thế nào mà...
- Làm thế nào mặc anh. Điều cốt yếu alf phải bảo vệ người đàn bàn cho cẩn thận.
- Sao không bảo cho người ta biết... mà sao không báo cảnh sát?
- Vô ích. Hung thủ không phải hạn thường, thôi đi.
Phong nhẩy xuống xe, bắt tay hai người rồi đi đến một nhà ở đầu phố.
Anh vào sở cẩm hàn Trống, không đả động gì đến tai nạn, chỉ nhờ điện thoại gọi về Thời Thế cho Văn Bình.
- Allo! Văn Bình! Lê Phong đây! gọi người tốc ký lên nghe với anh. Tôi đọc bài tường thuật... phải rồi, về vụ án mạng chợ Hôm... Phải. Đây tôi chỉ đọc vắn tắt, lấy đại ý, anh theo đó viết thành bài. Đề đầu như tôi đã dặn: Vụ án mạng trên đường xe điện chợ Hôm.
- Nào! bắt đầu viết đi...
- Trước đây không bao lâu, bản báo nói đến một bọn hung đồ mới nẩy nở. Đến nay bọn ấy ra mặt và bắt đầu đem những phương pháp táo bạo hoạt động ở Hà thành. Lời tố cáo của chúng tôi không làm cho kẻ thù của dân chúng thoái lui: trái lại bọn chúng đương dự bị làm những việc ác hại.
- Thấy bản báo từ xưa tới nay đã cản trở bao nhiêu hành động gian hiểm bí mật, và thường thường đã cản trở một cách có hiệu lực, chúng vừa rồi đã gửi thư đe doạ bản báo phóng viên và báo trước những tội ác của chúng. Tội ác ấy chính là vụ ám sát rất nhanh chóng, rất khôn khéo vừa xảy ra hôm nay hồi một giờ trưa, ở trước cửa chợ Hôm, và trước mắt mọi người.
Phong thuật rành mạch lại các trường hợp vừa qua, rồi tiếp:
- Đối với mọi người, đó chỉ là một tai nạn. Cái khôn khéo của kẻ gian ác là ở đó, và pháp luật - vốn lười biếng và chậm chạp ở xứ này - sẽ không có chứng cớ gì để buộc tội. Nhưng đối với chúng tôi, tội ác của chúng đã rõ. Mặc dầu sức mạnh tối tăm của một bọn giết người có tổ chức, bản báo phóng viên ngay từ bây giờ sẽ hết sức điều tra, sẽ dẫn đường cho các nhà chuyên trách tìm thấy sào huyệt của chúng và tiêu trừ ngay từ gốc cái hại lớn cho mọi người lương thiện...
Phong dặn thêm:
- Anh tìm cho tôi những bài nói về Lương Hữu ngày xưa và nhất là những vụ chính trị giả hiệu. Ngăn B và ngăn H ở tủ án mạng có rất nhiều thẻ đáng chú ý và tìm trong cặp tài liệu, anh sắp sẵn cho tôi các mẫu chữ ở những bức thư đe doạ từ trước đến giờ.
- Mai Hương đến thì bảo cô ấy sắp những thức cải trang vào một vali, rồi trong khi chờ đợi tôi thì tìm hết cách để biết lai lịch Nguyễn Bồng, người bị nạn. Xuân và Thiện ngồi ở luôn toà soạn đề phòng lúc tôi gọi giây nói mà anh không có đấy. Đan và Túc sửa soạn xe đạp để khi nào cần thì đi theo tôi ngay.
Lúc Phong ở sở cẩm bước ra thì anh thấy mình khoan khoái nhẹ nhàng như cất được một gánh nặng đèn nén trong lòng. Vậy mà chính lúc này mới là lúc anh bắt đầu phải lo lắng nhất. Trong việc bí mật anh chưa thấy một manh mối nào rõ rệt. Cái việc vừa qua, cũng như việc sắp tới, vẫn còn mập mờ hỗn độn, khiến cho anh chưa biết nên bắt đầu xử trí thế nào.
Phong đang lúc ở giữa những ngả đường tối tăm. Nhưng không hề gì, theo như lối của anh, Phong vẫn thấy tâm trí sáng suốt, vững vàng để làm việc đắc lực.

<< Chương 2 (c ) |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 522

Return to top