Cái số của tôi “đi đến đâu chết trâu chết bò đến đó”. Mẹ tôi thường nói với tôi như thế.
Tôi trở lại căn nhà xưa, đang yên lành, bỗng nhiên có lệnh giải tỏa, để làm gì đó tôi không được biết, có thể vì chuyện chỉnh trang đô thị cho thành phố văn minh sạch đẹp hơn, Cũng có thể bán lại cho ngoại quốc làm hãng xuởng gì đó. Chỉ là đoán già đoán non, không ai được biết. Điều duy nhất được biết, không phải mình tôi mà cả những người hàng xóm được lệnh rằng không được sửa chữa nhà cửa, không được nhượng hay mua bán để chờ nhà nước giải tỏa. Nhà nào chưa hợp thức hóa sẽ không được hợp thức hóa. Dù là đất của ông cha để lại cho con cháu ở. Thời gian giải tỏa không được biết, và cũng không được biết giá cả đền bù là bao nhiêu.
Nhà tôi và mọi nhà trong xóm đã chờ đợi sự giải tỏa này năm năm nay. Từ khi đứa con út của tôi được một tuổi và đến nay cháu vào lớp một. Nhà chúng tôi xuống cấp trầm trọng, có những nhà khác trong xóm cứ tự ý sửa chữa và xây cất, không xin xỏ giấy phép, vì xin cũng chẳng được mà vào chốn cửa quan biết bao nhiêu phiền hà. Thà là chịu phạt, thà không nhận bồi thường khi nhà bị giải tỏa. Họ là con người, họ tự bảo vệ nhu cầu sống của họ.
Năm năm qua rồi, nhà của có thể vẫn chưa bị giải tỏa. Hồi đầu năm nay (1997) một lần nữa ban Chỉnh Trang Đô Thị lại đo đạc nhà cửa trong xóm, có nhà tôi. Họ không trả lời bất cứ một câu hỏi nào của nhân dân đặt ra. Thành ra không có vấn đề “an cư lạc nghiệp”. Đời sống bấp bênh, không tính toán được trước một chuyện gì. Tới đâu hay tới đó. Tôi tính làm đến chuyện kinh tế gia đình nuôi con gà con vịt cũng không dám thực hiện. Thời tiết thất thường này, gà có thể chết toi hàng loạt, kinh nghiệm này tôi đã trải qua có năm đến mùa mưa ngâu tháng bảy ta, gà tôi nuôi bị chết cả loạt, ăn thịt không kịp phải vứt bỏ. Vốn liếng bỏ ra nuôi gà phút chốc tiêu tùng. Điều tôi ghi vào tập hồi ký này chỉ là nét chấm phá đơn sơ trong một bức tranh vĩ đại thời buổi kinh tế thị trường. Đều này đã nhiều người nói đến và viết trên báo chí. Nhiều lời bình luận có đụng chạm, tôi không rõ vì người viết có ngòi bút dũng cảm hay được chỉ thị viết như thế. Xin miễn bình luận hoặc đoán già đoán non.
Cửa sổ bàn viết của tôi nhìn chính hướng Đông. Buổi tối tôi thường đi ngủ sớm, hai ba giờ sáng thức giấc, bật đèn bàn viết lên, ngồi vào bàn. Pha một ấm trà ngồi cho đến sáng bạch. Tôi viết, trải tâm sự mình lên trang giấy. Những điều viết ra chẳng giúp gì được cho thu nhập kinh tế gia đình tôi. Nhưng tôi thoải mái như trả dần được một món nợ. Tôi nói là một phần nợ nhỏ, một phần nào cho kẻ kẻ trót mang dĩ nghiệp vào thân. Món nợ vĩ đại của nhà văn mà suốt đời, cho đến khi nhắm mắt cũng chưa trả hết, vì đời sống mãi vây quanh, chất liệu quá sức dồi dào. Lúc nào cũng muốn viết và có cảm tưởng mình mắc nợ nó nếu chưa viết được nó lên giấy hay chưa viết đủ. “Hồi không thể viết trên gác bút” của tôi ở trong tình trạng ấy, dù tôi chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian trên dưới hai mươi năm.
Những sự kiện, những kỷ niệm ví như nấm mọc tự do trong cánh rừng nguyên sinh, mà kẻ đi hái nấm hái hoài không hết. Trong đó có nhiều loại nấm, nấm độc, nấm lành và có thể có cả nấm… Linh Chi ngàn năm vô cùng quí giá.
Tôi buông bút, uống một tách trà nóng, hút thuốc. Hướng Đông đã rạng hồng. Gió thổi rì rào trong lá cây. Tiếng chim hót sau vườn chùa. Một đôi chim nhỏ nhảy nhót trên cành, tôi không biết chúng tên loại chim gì nhưng tiếng hót cực hay mỗi sáng đều đón chào bình minh bằng tiếng hót của mình. Trên những mái tôn còn đọng sương đêm, lóng lánh phản chiếu ánh mặt trời thật đẹp. Tôi chỉ nói là nó thật đẹp chẳng ví von chúng như những hạt kim cương làm gì để tránh sáo ngữ. Tập hồi ký này viết xong, tôi xếp lại, để ở đáy rương, như những tác phẩm khác tôi đã hoàn thành.
Trước Tết năm kia, một kỷ niệm nhỏ thôi, tôi dế thăm nhạc sĩ Lê Thương ở đường Bùi Viện. Người nhạc sĩ tài hoa, tác giả Hòn Vọng Phu, một trường ca vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Mà tôi và nhiều thế hệ đã hát, tôi hát từ thuở còn thơ ấu. Khi tôi thăm anh, anh đã già lắm rồi, 84 tuổi. Anh tiếp tôi ở nhà khách, cũng là cửa tiệm tạp hóa của gia đình. Một cửa tiệm tạp hóa nghèo nàn. Anh cho biết anh đã ở ngôi nhà này 40 năm, hiện giờ chẳng có một sự trợ giúp nào ngoài vợ con. Trong lúc hàn huyên, tôi cho anh biết Hòn Vọng Phu, biểu tượng của bản trường ca của anh nay đã sập đổ. Anh ngỡ ngàng, rồi nước mắt của anh chảy trên gò má già nua. Giọng anh thều thào:
- Thật sao? Tật vậy sao? Từ lâu tôi không theo dõi một thông tin nào.
Đôi vai anh rung lên trong chiếc ghế bành mây cũ kỹ. Rồi qua năm sau, tôi nghe tin anh mất. Tôi nhớ mãi câu anh nói với tôi:
- Có chứ, sau Hòn Vọng Phu tôi vẫn làm nhạc. Tôi để trong rương, tôi chẳng là gì hết, Việt Nam đã làm nên tất cả. Nhờ có đất nước quê hương ta, người nghệ sĩ mới có cảm hứng. Thiên sứ, việc làm của thiên sứ.
Một sự khiêm nhường của một nghệ sĩ tài danh đáng quí làm sao. Trong những kỷ niệm trong đời tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Sao tôi ghi hoài không hết.
Những tia nắng đầu tiên rọi qua cửa sổ trải trên những trang viết đêm qua. Có vài ba con muỗi chết trên đó. Những vệt máu trên trang giấy trắng, có thể do chính tôi di nó chết, mà máu ai đó? Chắc chắn muỗi không có máu. Dòng suy nghĩ của tôi lẩn thẩn, có lẽ vì tuổi già.
Tôi nhìn lên tờ lịch trên tường. Lại sắp hết một năm. Để tạm kết cho thiên hồi ký này, tôi ghi lại ngày giỗ ông Chu Tử, ngày 30-4-1975. Nếu không ghi lại quả là một thiếu sót của tôi. Năm vừa qua và vài ba năm trước tôi đi ăn giỗ ông Chu không được vào ngày 30-4 Dương lịch. Điều dễ hiểu là ngày 30-4-1975 đúng là ngày 19 tháng 3 Âm lịch. Ông Chu đã tử nạn trên tàu chạy loạn được thủy táng ở cửa biển Cần Giờ. Anh em nhớ ngày 30-4 hàng năm đến nhà vợ chồng Đằng Giao–Chu Vị Thủy ăn giỗ anh. Sau này vợ chồng Thủy đề nghị giỗ anh theo ngày Âm lịch. Anh em thông cảm, vì sợ được đội nhiều kiểu “mũ” mà chẳng ai muốn. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Hình như tất cả những người anh em còn lại đều có chung ý nghĩ ấy nên chẳng ai ì xèo về ngày giỗ anh Chu xài ngày Tây hay ngày Ta. Thắp lên bàn thờ một nén nhang cho anh Chu. Nghĩ đến nhau là quí dù thân hay sơ. Buổi giỗ anh Chu năm nay anh em lại ngồi với nhau. Vắng bóng nhiều anh em cũ, lý do lớp đi nước ngoài, lớp vắng mặt trên thế gian, hay nói cách khác Chúa đã thu hồi hộ chiếu, nhưng lại có mặt nhiều anh em khác nhưng đều có liên quan với nhau trên mặt tình cảm nghề nghiệp từ hơn hai mươi năm trước. Tất cả đều đã biết nhau cùng tay bắt mặt mừng vì lâu không có dịp gặp nhau. Ồ sao trông cậu già thế! Này cậu trẻ ra, suýt nữa thì không nhận ra. Năm nay từ nước ngoài về có anh Lê Văn Vũ Bắc Tiến, ông chủ nhà sách Khai Trí. Tôi là người ít tuổi nhất thì cũng đã sáu mươi. Anh em nói nhanh thật như một cái chớp mắt. Hai mươi hai năm qua cái vèo. Kẻ còn người mất, người ở xa, người bệnh hoạn. Anh em mình từng tiễn nhau lên đường, từng ôm nhau trong tù, từng tiễn nhau xuống mồ hay lên giàn thiêu, Năm nay giỗ ông Chu, thiếu mặt nhà thơ chua Tú Kếu, lý do chính đáng là anh ta mắc bệnh quên. Bệnh quên nặng không còn nhớ gì hết, tiếng Tây gọi là bệnh Alzheimer. Thậm chí không còn biết mình là ai. Gia đình anh phải đưa anh lên Bảo Lộc dưỡng bệnh. Anh ta không điên mà mất trí nhớ. Trong bữa giỗ năm nay, anh em mang đến nhiều rượu Tây quí giá. Riêng tôi không uống một giọt rượu. Anh em hỏi lý do tại sao tôi không uống rượu, bia cũng không uống, lý do rắc rối một tí là rượu đã làm hại sức khỏe tôi, làm tôi mang tiếng mang tai cũng đã nhiều, bị coi thường, bị khinh miệt là kẻ bê tha. Tôi không muốn thế, tôi muốn làm việc, đền bù vào những năm tháng tôi lỡ bỏ phí. Một cuộc “đi thực tế” vô cùng quí giá cho một nhà văn. Tôi không muốn phụ lòng bất cứ ai, Già đầu bạc một thời hư hỏng rồi mới biết ăn năn. Nhưng tôi nghĩ cũng chưa muộn.
Sau những câu chuyện trong ngày giỗ ông Chu, rượu và mồi đã no nê. Anh em đến lúc chia tay nhau. Chủ nhà xin với anh em đừng hẹn gặp nhau vào năm sau, vì chẳng biết thế nào mà hẹn. Tuổi anh em đều ngồi sẵn sàng trên “giàn phóng”. Bấm nút bay vèo, người đi trước kẻ theo sau. Thành ra không nên “đến hẹn lại lên”. Quả đúng vậy, sau bữa giỗ ông Chu ít lâu, Xuyên Sơn, anh bạn ký giả anh em chúng tôi, vĩnh viễn xa bạn bè. Chúng tôi chỉ ngậm ngùi nghĩ đến bạn.
Người tôi đêm nay sao mệt mỏi thế, nhưng tôi vẫn chưa muốn buông bút. Đã từ lâu năm tôi biết mình có tật khi ngồi vào bàn viết không muốn phải đứng dậy ngay. Tôi có cái đam mê khi mình ngồi viết, viết những gì thích viết mới được. Khi trẻ tôi còn ham chơi, nhưng nay đã già, cái bàn trên gác bút này lại làm tôi thú vị khi ngồi ở đó.
Tôi đã hoàn tất tập hồi ký, căn gác bút của tôi chưa bị giật sập. Tôi mãn nguyện, tôi đã làm việc xong trước thời hạn mà do chính tôi đặt ra cho mình.
Tôi chỉ còn một điều cần nói xin đừng ai nghĩ tập hồi ký viết trên gác bút của tôi là những lời than phiền riêng cho thân phận tôi. Tôi chẳng đáng gì đâu.
Lại một đêm nữa sắp qua đi. Tôi vẫn còn ngồi vững trước bàn viết. Tay tôi còn cầm bút chưa gác lên giá.
Miền Nam Việt Nam mùa nước lũ.