Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Viết Trên Gác Bút

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8359 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Viết Trên Gác Bút
Nguyễn Thụy Long

Chương 2

Sau ngày giải phóng miền Nam 30-4-75, tôi trở thành một kẻ thất nghiệp, chẳng phải riêng tôi mà nhiều người, trong mọi ngành mọi nghề. Nghề tôi đeo đuổi bấy lâu nay là nghề viết văn làm báo. Một nghề được coi là quá sức nặng nề với chế độ mới. Chúng tôi được đánh giá “cá mè một lứa” là tội làm bồi bút cho chế độ cũ - NGỤY - Chế độ mới tung ra một mẻ lưới vơ bắt, tôi và một số anh em rất ít lọt lưới. May mắn đầu tiên đã tới, vậy thì phải sống thôi. Muốn được sống cần thiết nhất là phải có lương thực. Muốn có lương thực phải có công việc làm. Khó khăn lắm, thời buổi mới mẻ này có được công việc làm đâu phải dễ dàng. Phải có sự giới thiệu, phải có thân nhân làm cách mạng, phải có một lý lịch “sạch sẽ”. Điều này thì tôi lấy đâu ra, bạn tôi khuyên tôi nên đi xoay, xoay đằng trước ra đằng sau rồi xoay tua thôi. Tôi thua. Tôi không thể nào giống như một vài anh em đồng nghiệp xoay ra một tờ giấy viết tay chữ như gà bới của một tay cách mạng nào đó chứng nhận anh ta là người đã từng giúp đỡ cách mạng, thuở cách mạng còn nằm trong nôi. Tờ giấy được ép bao ni lông, xỏ dây đeo vào cổ như tấm bùa hộ mạng. Tôi chẳng thể nào có được tờ giấy quí giá ấy.
Một hôm tôi thất kinh hồn vía khi bước vào nhà của ký giả Người Thăng Long để uống rượu “quốc lủi” do anh cất. Người Thăng Long là người có nhiều bài viết chống cách mạng khét tiếng, khi anh vượt tuyến vào Nam sau di cư năm 1954. Bây giờ ở giữa nhà anh trang hoàng một bàn thờ tổ quốc. Cờ đỏ sao vàng, hình Bác, bên cạnh đó mũ cối và dép râu. Một tấm bằng khen GIA DÌNH VẺ VANG lồng kiếng 60x90 đập ngay vào mắt khách. Mãi tôi mới dám ngồi hỏi mua ly rượu giá một hào uống đỡ. Tôi nghĩ nhiều người ngụy trang tài thật. Trong giới bạn bè đồng nghiệp tôi cũng nhiều người tài. Họ biết xoay xở, không phải xoay đằng trước ra đằng sau như tôi mà xoay tít thò lò. Tôi tâm phục, khẩu phục rồi biến. Tôi chán đời, bất mãn xằng và chớm trở thành kẻ nghiện rượu… Tôi cò một triệu lý do để chán đời để nghiện rượu, để tự tàn phá đời mình, văng tục và chửi bậy. Tôi chẳng sợ ai và biết chẳng ai sợ mình. Tôi coi trời đất nhỏ như hạt cát. Tôi nghênh ngang trong một tâm hồn rách rưới, tiều tụy. Tôi hiểu miếng ăn, cái mặc khi đó quí giá là dường nào. Tôi phải đi tìm nó, dù ở chân trời góc biển nào.
Nhà văn nữ Lệ Hằng thấy hoàn cảnh đói rách của tôi, chị hứa tìm cho một việc làm, dĩ nhiên là việc làm thì có ngay, nhưng phải đi xa. Một công việc lao động, tôi chấp nhận. Tổ hợp Việt Nam kỹ thuật của ngài cựu tài phiệt Nguyễn Văn Ngơi. Công trình của ông Ngơi rất to lớn, ông ta đang kiến thiết đất nước Tân Cà Mau, nhập tỉnh Bạc Liêu Cà Mau lại thành một tỉnh lấy tên chung là tỉnh Minh Hải. Các công trường ở khắp mọi nơi. Ngay cả thị xã Cà Mau, huyện Giá Rai, đê biển thị xã Bạc Liêu. Hàng ngàn công nhân năng nở làm việc ngày đêm.
Thế là tôi được xuống Cà Mau, sau khi tôi đã phải viết một đề án công tác bảo vệ kho lẫm. Tôi được làm trưởng ban bảo vệ công trường. Nhà văn Thế Phong làm tổ trưởng thi công. Nhà văn Cung Tích Biền làm ban hành chánh. Chúng tôi được điều về huyện Giá Rai, nơi ấy bắt đầu xây dựng một trại chăn nuôi heo. Tại sao lại toàn những nhà văn, nhà báo làm cái nghề này? Chúng tôi quen biết nhau cả, nếu không nói là thân nhau. Cùng cảnh khó khăn hết trong lúc đổi đời. Trên danh nghĩa là trưởng ban nọ trưởng ban kia. Thật ra là làm cu li. Ông chủ nhiệm Nguyễn Văn Ngơi với chúng tôi cũng chẳng phải ai xa lạ. Ông ta từng là người tài trợ cho nhật báo Sóng Thần cả bao nhiêu triệu đồng, khi tờ báo èo uột tưởng chết. Chúng tôi nhong nhỏng ở công trường Giá Rai, khuân vác vài bao xi măng, vài ba cây cừ tràm. Riêng tôi “có tài’ lái xe jeep. Nên công việc phụ của tôi là mỗi tuần lái xe về Sài Gòn. Chiếc xe tôi lái thuộc ty nông nghiệp tỉnh Minh Hải. Đi qua các trạm kiểm soát kinh tế dễ dàng và chẳng bao giờ bị xét hỏi. Tôi không quên mang về cho gia đình thịt, mỡ, gạo trắng. Nhân dân Sài Gòn lúc đó thèm những thứ này lắm, vì bị bóp mồm bóp miệng theo đúng đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đói vêu mõm mà có ai dám kêu, dám xuống đường biểu tình đâu. Mỗi tuần tôi từ Cà Mau về thành phố Sài Gòn cứ y như là Việt kiều từ nước ngoài về thăm quê hương. Tôi tha hồ vênh váo khoác lác. Cũng thời gian đó tôi tìm ra hai con từ trại mồ côi ra. Con gái tôi mút miếng thịt heo đến bã ra, con em nó ngậm miếng cơm trắng nhão thành bột mới dám nuốt. Ly nước mía bố cho uống thay cho kem, hai đứa con tôi uống nhắm tịt cả mắt. Chúng khen ngon quá, cả đời nó chưa được uống nước mía bao giờ (!). Tôi ngẩn người vì con tôi mới nứt mắt ra mà đã điêu toa, nhưng tôi dằn tức bực lại ngay, vì trước đây tôi có cho con tôi uống nước mía bao giờ đâu, tôi chỉ cho chúng uống nước cam nguyên chất ướp lạnh, ăn kem ba màu và sữa tươi nguyên chất, bán kem Givral. Để chuộc lại lỗi lầm của kẻ làm cha tôi lái xe đưa cháu ra rạp hát Moderne ở Tân Định xem phim “ Ba hạt dẻ cho cô bé lọ lem”. Mẹ tôi thì có quà là những dúm tôm khô, tôi mua ở Hô Phòng Cà Mau, một can mỡ heo, tóp mỡ, nồi thịt kho và những hạt gạo trắng lóng lánh như những hạt ngọc. Vài chục bạc tiền lương để gia đình xây xài. Mẹ tôi có thể xúc vài lon gạo châu báu đó biếu bà con lối xóm để cụ được tăng phúc tăng thọ. Mẹ hai đứa trẻ tôi không cần phải nói đến, vì bà là con cái cách mạng, con nhà nòi liệt sĩ. Đối với bà ta bây giờ tôi là người xa lạ hết thời, đơn giản vậy thôi. Đơn giản như cái sự đời…
Sài Gòn thiếu lương thực trầm trọng. Hiện là thời hoàng kim của của những nhân vật như bà Ba Thi, sếp sòng của ngành lúa gạo. Ai cũng phải nói đến tên và ai cũng phải ngưỡng mộ bà khi bà phải đứng xếp hàng mua mua lương thực nói chung mua gạo đổ tới nói riêng. Thuở Sài Gòn trong thời “gạo châu củi quế”. Đói, đầu gối phải bò, tôi là nhà văn nên tất là ngây thơ vô tội. Tôi chẳng có tí mánh mung nào hết.
Buổi chiều ngày thứ sáu, các bạn tôi Thế Phong và Cung Tích Biền chạy nháo lên ra chợ Giá Rai mua vét thịt cá, mỡ, gạo để “làm hàng” mang về Sài Gòn trao lại cho gia đình. Tôi không phải lo chuyện ấy vì hai người bạn tôi làm giùm. Tôi ngồi ở quán cà phê có tên là Nhớ, tán tỉnh cô Thủy, con gái chủ quán cho đỡ vã cái bên “đĩ mồm”. Cô bé Thủy ngây thơ, mở cho tôi nghe băng nhạc có bài “Hà Nội niềm tin và hy vọng” rồi bài “Tiếng chày trên sóc Bo Bo”. Tôi tỏ ra hào sảng với nàng:
- Ngày mai anh về Sài Gòn, có về chơi thành phố không, anh có xe.
Thủy luỡng lự lắc đầu:
- Nhưng em không có người quen ở thành phố!
- Về ở nhà anh!
- Trời, về với anh để vợ anh xé xác em ra à? Thôi anh về một mình “êm’ đi.
Thế là bể mánh. Gái quê mà cũng có cảnh giác cao. Tôi thử lại chiếc xe jeep một lần nữa trước khi về lán trại. Các bạn tôi lại bày ra một chầu tiệc nhậu với đồ mồi là một rổ tóp mỡ, mớ ba khía chiên dòn, lít rượu đế nếp, tôm nhúng nước dừa chấm muối chanh ớt. Đồ mồi bắt đáo để. Sáng ngày mai tôi phải lên đường sớm nên bạn bè khuyên tôi nên uống rượu ít thôi. Tôi đi công tác, nhân tiện mang lương thực về thành phố cho gia đình bạn bè. Thế Phong nói với tôi:
- Mày mang can mỡ này về đưa cho vợ tao, có nồi thịt và ít gạo đấy. Tội nghiệp các con tao, có tí tiền lương tao gửi luôn, mẹ nó thằng tài vụ đòi trừ lương tao, tao “bốc xê”nó thấy mẹ, đã mang thân đi làm cu ly mà cũng không yên với chúng nó.
Cung Tích Biền gửi những thứ tương tự không quên dặn:
- Sau khi mày đưa “hàng’ xong nhớ đưa thằng Ky nhà tao lên xe hơi đi chơi một vòng.
Tôi biết quá rõ thằng bé này mà nhớ cả cái ngày nó ra đời. Ôi kỷ niệm tuyệt vời và đáng thương làm sao. Tôi nhớ ngày hôm ấy là ngày 28 Tết, đường xá đông đảo, tôi lái xe hơi luồn lách mãi mới về đến trại gia binh Gò Vấp, nơi Cung Tích Biền ở. Cũng đêm đó trại bị pháo kích. Gia đình Biền vô sự.
Đương nhiên tôi phải thương phải quí các bạn tôi. Bây giờ chúng tôi đang ở bên nhau, cùng chung hoàn cảnh.
4 Giờ 30 phút sáng tôi đã dậy, đồ đạc được xếp sẵn trên xe. Anh chủ nhiệm Nguyễn Văn Ngơi đã chờ tôi. Anh đưa tôi ra trạm xăng, lấy đầy một phuy xăng như thường lệ chở theo. Anh nói câu cố hữu:
- Anh có thể bán xăng dọc đường lấy tiền làm công tác phí, miễn là đủ xăng để chạy về lại được Cà Mau chiều thứ hai. Anh phải hoàn thành công tác trong ngày chủ nhật. Này, tiện thể mang cái cặp này giao cho vợ tôi ở Bình Triệu. Cái này anh phải giữ luôn bên mình, không được dời và nhớ giao tận tay vợ tôi…
Một chiếc cặp samsonite xinh xinh mà cũng nằng nặng. Tôi còn thắc mắc:
- Tôi nhớ là vợ anh ở Bạc Liêu cơ mà?
- Không phải, đó là bà hai của tôi. Bà ở Bình Triệu là bà cả.
Tôi biết thêm về mình không phải là thằng tham lam lợi dụng vào lòng tin của kẻ khác để làm bậy.
Anh Nguyễn Văn Ngơi mặc áo sơ mi trắng cụt tay, một cái quần kaki vải Nam Định, màu cứt ngựa, dép râu. Và tôi không biết anh làm cách nào lại có một cái mũ cối. Anh có chiếc xe hơi riêng và tài xế. Nhìn anh lúc này ra vẻ một cán bộ lớn, việc giao thiệp của anh rộng rãi, toàn là những vị cán bộ có tầm cỡ. Anh tới cơ quan nào cũng lọt. Tôi chỉ có thể kết luận về anh là một người khôn ngoan. Xứng danh là một tay tài phiệt chuyên làm ăn lớn và có lẽ chưa chịu dừng lại.
Năm giờ sáng tôi khởi hành từ Giá Rai. Nơi đó có những địa danh tên nghe thật vui. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại có những tên ấy nữa. Tắc Vân, Hộ Phòng, Cây Gừa, cầu Nọc Ngang, Giá Rai, Ghềnh Hào… Ngay chính những nơi đó đã xảy ra những cuộc hiến đẫm máu. Người dân thì thật thà chân thật, người Việt, người Miên ở chung với nhau, những bữa nhậu Miên Việt say bí tỉ, chén chú chén anh. Những buổi hát tuồng “Thạch Sanh chém chằng tinh” cùng chung niềm vui trong đêm hội. Những cô gái Miên ngây thơ chân thực, những tiếng cười ròn tan khi thanh niên người Việt buông lời chọc ghẹo. Họ hiền hòa chân thật.
Tôi từng bật phì cười khi ngồi nhậu với một ông già, nghe ông nói:
- Tao có mấy đứa con gái đó, mày ưng đứa nào tao gả cho. Mày có tiền thì làm một con heo, nếu không thì làm con gà làm bữa nhậu cũng xong. Một đôi bông tai…
Tôi chỉ đĩ cái lỗ miệng chứ đâu dám Sở Khanh, dối trá với những con người chân thật ấy.
Một mình tôi và chiếc xe về đến Bạc Liêu trời sáng bạch. Xe tôi chạy vào thị xã. Những chiếc xe lôi chạy theo tôi xin “để lại” cho ít lít xăng. Tôi ngồi ở nhà lồng chợ, ăn tô bún nước lèo thơm ngon, mua ít ký lạp xưởng về làm quà, rồi các loại quà bánh khác, cả trái cây, mùa nào thức ấy của đồng bằng sông Cửu Long. Tôi yên tâm mẹ và các con tôi tạm thời no đủ được ăn gạo trắng, thịt và cả bánh kẹo. Khi đó Sài Gòn hầu hết ăn mì sợi, khoai lang sùng đắng. Tôi đã thấy thằng “Thùng” con cô Năm xóm tôi mỗi lần thấy mì sợi ăn thay cơm nó khóc ré lên, dẫy đành đạch. Sài Gòn thiếu lương thực trầm trọng, trong khi các tỉnh thì thừa mứa. Tôi cũng nghe nói có gia đình mua gạo lậu, nấu một nồi cháo thuốc chuột ăn bữa ngũ cốc cuối cùng. Chuyện đó bị cải chính kịch liệt, không biết có hay không hay chỉ là luận điệu phản động chống phá cách mạng. Trường hợp thiên hồi ký này tôi xin gác chuyện chính trị ra ngoài. Tôi chỉ nói những hiện tượng ắt phải có trong buổi giao thời, đang từ một chế độ này bước sang một chế độ khác. Thời kỳ quá độ của nền kinh tế cho là đúng vì có nền móng kinh điển của chủ nghĩa làm mẫu mực và chỉ đạo. Chuyện không đúng như vậy là sai trái, từ sai trái bước đến phạm pháp không mấy xa.
Tôi lái xe đi một đỗi đường dưới những tia nắng bình minh. Đồng bằng sông Cửu Long bao la bát ngát trải dài đến chân trời. Đất nước tôi thật sự thanh bình, không còn nghe tiếng bom nổ, tiếng đạn réo, tiếng rầm rĩ động cơ máy bay trên bầu trời. Thay vào đó những đàn đàn cò trắng bay lả bay la…
Ở khúc đường trước mặt tôi có mấy người đàn bà đứng vẫy xe. Họ xin quá giang. Tôi cho xe đi chậm dần rồi dừng lại trước mặt ba người đàn bà. Tất cả là những người đàn bà có bầu,bụng mang dạ chửa. Tất cả trong hoàn cảnh này đều đáng giúp.
- Tôi đi công tác, tôi giúp gì được các bà?
- Chúng tôi xin quá giang lên thành phố.
- Được thôi chắc các bà đi sanh? Xe tôi chạy mau lắm sợ sóc không tốt cho các bà thai nghén.
Một người cưới:
- Dạ, không sao, chúng tôi đẻ non một chút càng tốt. Chúng tôi cần nhà bảo sanh, miệt dưới này thiếu thốn quá, chỉ ở thành phố mới giúp được chúng tôi thôi. Các bà mụ vườn dưới này…
Các bà bầu tót lên xe tôi, không chờ phải có sự đồng ý của tôi. Tôi cho là bản tính người dân quê thực thà chân thật. Tôi liếc nhìn vào kính chiếu hậu, ba người đàn bà, tất cả đều chửa vượt mặt. Trong ba người đàn bà có thai, tôi thấy hai người hơi bất bình thường. Một bà quá già, phải đến 70 tuổi thì đúng hơn. Một bà thì lại quá trẻ, một cô bé mới lớn, khoảng 12, 13. Vậy mà sắp đẻ đến nơi rồi. Còn người kia chẳng có gì đáng nói, chỉ là một người đàn bà có thai bình thường. Tôi vừa lái xe vừa lên tiếng về sự thắc mắc ấy. “Bà cụ có bầu” cười chỉ “cô bé có bầu”:
- Có chi lạ, con bé này mười sáu tuổi rồi đấy. Nó có chồng được cả năm rồi, lần này nó đẻ con so. Tại đời sống dưới quê khổ cực quá nên người nó teo lại, lớn không nổi.
- Còn bà cụ thì sao?
Bà cụ cười lỏn lẻn:
- Trời ơi, sao anh lại gọi em là bà cụ, em mới hơn bốn mươi tuổi hà, đứa con này là đứa con thứ mười hai của em. Chết không, đời sống khổ quá nên nhan sắc sớm phai. Anh chạy lẹ đi lên đến thành phố còn kịp giờ vào viện.
Tôi tạm tin lời, lái xe chạy ào ào, nếu có còi hụ, tôi sẽ bấm còi hụ vì tôi đang làm công việc cấp cứu, xe tôi phải được ưu tiên. Tôi qua những trạm kiểm soát veo veo, qua bắc Mỹ Thuận. Trời về trưa nắng như đổ lửa, tôi không dừng xe uống nước mà tu nước trong bi đông mang theo, bữa ăn buổi sáng giúp tôi no bụng đến chiều, Về nhà nấu cơm ăn còn kịp chán. Ba giờ chiều xe tôi về đến xa cảng miền Tây. Các bà bầu xin xuống xe. Tôi thắc mắc:
- Chưa tới Từ Dũ mà. Tiện thể tôi đưa các bà đến nơi, khỏi đón xe ngoài.
“Ba cụ bầu” cám ơn, móc tiền trong túi ra:
- Cám ơn chú, cứ cho chị em tôi xuống đây, ở đây chúng tôi có người thân, chúng tôi cần có người săn sóc khi sanh nở. Chúng tôi đi xe ngoài cũng vậy, chúng tôi xin được đền ơn chú gọi là tiền cà phê…
Máu quân tử Tàu của tôi bốc lên, dĩ nhiên tôi từ chối quyết liệt, yên tâm mình đã làm được một việc tốt. Tôi lái xe đi vào thành phố. Trên trục lộ Phú Lâm tôi thấy người ta bán đầy thịt heo, những miến thịt bèo nhèo và thâm sịt. Nhưng thời buổi khó khăn này cũng là miếng thịt vậy. Con cá ươn cũng là cá. Nắm gạo hẩm cũng là gạo. Chính danh lương thực.
Gia đình tôi tạm thời thoát khỏi cơn hiểm nghèo trong một nền kinh tế “cấm chợ ngăn sông”. Nền kinh tế chợ trời, ve chai, lạc soong nở rộ. Sự lừa đảo, dối trá và láu cá nẩy sinh tưng bừng trong xã hội. Tất cả chỉ vì miếng ăn, có cái tọng vào họng là được rồi. Người ta bắt đầu cho những cuộc trốn chạy. Ca sĩ Trần Văn Trạch đã tuyên bố trên đài BBC rằng “là cái gì có chân thì nó cũng chuồn”. Ở Cà Mau tôi biết có một địa danh người ta thường mò xuống đó để vượt biên là Ghềnh Hào.
Một hôm tôi gặp ca sĩ Hùng Cường ở thị xã Bạc Liêu. Tôi hỏi anh xuống đây làm gì, anh dối quanh, nhưng sau do sự thâm tình, vì tôi và anh ta chơi với nhau từ nhỏ ở trong xóm nên anh ta thú thật rằng anh đi vượt biên, nhưng không thoát được vì cái mặt anh là một nghệ sĩ cải lương có danh nên được mọi người ngưỡng mộ, anh bị lộ ngay bất cứ ở đâu khi ló mặt ra. Mãi sau này tôi nghe Hùng Cường thoát được bằng cách người ta bỏ anh vào rọ, hai người khiêng anh ra bãi như khiêng heo. Tôi lại nghe anh ca hát vi vút ở đài phát thanh ngoại quốc và tuyên bố ì sèo.
Bánh no Trung Quốc bán đầy ngoài chợ trời, người ta mua tích trữ. Người ta thầm thì quảng cáo cho nhau rằng chỉ cần “cháp” một viên bánh no là nhịn được mấy ngày.
Nếu tôi mua lại được một thùng bánh no của bộ đội là tôi trúng mánh. Nhưng tôi dốt về mặt buôn bán vô cùng. Bây giờ không cầm bút nữa thì tôi dùng cái thân trâu nước của tôi làm thuê làm mướn, làm cu li kiếm sống thôi. Tôi vụng về như anh mù dở loay hoay xỏ mãi sợi chỉ qua kim để tự vá may cái quần đùi rách quá đát ba năm của mình mà không xong. Sự may mắn kiếm được miếng ăn của tôi bây giờ cũng hơn nhiều người khác. Suy nghĩ tính toán làm gì cho mệt.. Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên.
Hàng tuần, tôi vẫn giữ nhiệm vụ lái xe về Sài Gòn công tác. Khoảng năm giờ sáng tôi đến Bạc Liêu. Tôi lại gặp ba người đàn bà chửa xin quá giang xe. Các bà mồm năm miệng mười:
- Thưa chú, chúng tôi chưa sinh được, bởi tại chúng tôi phải lao động cực nhọc quá nên động thai. Bây giờ mỗi tuần đều phải lên thành phố để bác sĩ ở trển săn sóc, khám thai thường xuyên. Cũng phải cả tháng nữa mới sanh…
Tôi lại chở ba bà bầu lên Sài Gòn, lại xuống quen ở xa cảng miền Tây. Tôi ngồi lại ở quán dọc đường uống cà phê cho tỉnh ngủ, tôi thây ba bà từ trong chợ đi ra, cái bụng xẹp lép ba bà bị công an giong đi với ba giỏ thịt heo tang vật. Ba bà lái buôn lậu thịt heo chuyên nghiệp, bị bắt tại trận khi đang bỏ hàng.
Tôi bị hỏi giấy, bà cụ bầu 70 tuổi la lên với tôi:
- Trời ơi, thả tụi tôi xuống sao không đi ngay như những lần trước, ngồi đây chi vậy để mắc tội oan. Tôi tưởng anh đi rồi mới đưa các anh này ra bắt đồng lõa, anh đi rồi thì thôi, ai dè còn ngồi đây. Thiệt tội cho phải tố cáo người đã giúp đỡ mình. Xin các anh thông cảm, chúng tôi mới là kẻ có tội, còn anh “cán bộ” này không biết gì hết, hoàn toàn có lòng tốt. Thấy người bụng mang dạ chửa thì giúp đỡ thôi. Anh chẳng chia chác với chúng tôi một đồng bạc, một hào lẻ nào hết.
Tôi bị đưa vào trạm kiểm soát kinh tế, bị “lên lớp” học tập bài cảnh giác kẻ gian lợi dụng cán bộ tiếp tay cho chúng làm điều xằng bậy, có tội với cách mạng. Các “đồng chí” làm nhiệm vụ kiểm soát kinh tế cảnh cáo tôi, không giam xe tôi, tôi phải làm một tờ kiểm điểm nhận cái tội ngu của mình có mắt mà như mù, rồi tha để tôi hoàn thành trách nhiệm công tác trên đã giao phó.
Thấy tôi nói giọng đặc Bắc kỳ, anh bạn kiểm soát kinh tế thân mật vỗ vai tôi:
- Đồng chí nên đặt sự cảnh giác lên hàng đầu. Cách mạng đang gặp nhiều khó khăn, lơ mơ là bọn dân Ngụy này qua mặt đó. Người cách mạng vốn dĩ chân thật như đồng chí ấy, chúng nó buôn lậu thịt heo chứ chẳng phải bầu bì gì, chúng độn thịt vào bụng giả làm bụng chửa.
Xin cám ơn đời, tôi nhìn thấy ở trên đời vẫn còn nhiều người tốt, có tình người. Người vồ bắt có tình người, người bị bắt làm chuyện trái phép không đổ thừa cho người làm ơn cho mình.
Vì vậy mà tôi sống, sống mãi cho tới ngày nay nhìn cho rõ cái sự đời trên quê hương tôi. Dù hai mươi năm qua nhanh như cái chớp mắt.
Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Âm mưu trốn chạy khỏi quê hương nhiều đau khổ của tập đoàn nguyễn Văn Ngơi không thành công. Kế hoạch “đánh quả’ bị lộ không biết từ đâu. Lễ Giáng Sinh năm đó Nguyễn Văn Ngơi bị bắt, cả tập đoàn bị tan rã. Tôi và một ố anh em trở lại Sài Gòn kiếm ăn. Thế Phong xin được một chân làm ở công ty xe buýt thành phố. Cung Tích Biền buôn bán rồi làm giàu. Tôi lang thang chợ trời Gia đình tôi tan rã thảm hại. Tôi về sống với mẹ ở ấp Đông Ba Gia Định. Kiếm được miếng ăn thì bữa no bữa đói.
Tôi buồn, chán đời bị gia đình nhà vợ khinh khi, bị kết án như một tên lưu manh, trộm cắp, côn đồ chuyên nghiệp. Một hình phạt cay đắng và nhục nhã mà tôi phải gánh chịu, phải nuốt xuống. Nguyễn Nghiệp nhượng, chồng của ca sĩ Hồng Vân phải ký tên vào đơn xin ly dị với vợ, không ký cũng không được. Hồng Vân có một người chồng cán bộ khác, cũng làm văn hóa văn nghệ gì đó, so với Nguyễn Nghiệp Nhượng bây giờ, thằng thợ ngồi sửa xe đạp lề đường thì một trời một vực. Buổi trưa tôi thấy thằng cu Bi, con của Nhượng và Hồng Vân, mang đồ ăn ra cho bố. Mờ ngăn gà-men ra tôi thấy mấy củ khoai luộc, loại lương thực bán ở tổ dân phố, củ khoai nào cũng bị sâu ăn đắng nghét đến hai phần ba.
Ngồi ở dốc cầu Bông, tôi nhìn thấy người vợ đầu gối tay ấp của tôi,ngồi sau xe của một thằng Tây lai mặt đấy trứng cá chở đi. Nàng làm thủ tục kết hôn, dĩ nhiên nàng được xuất cảnh ra đi theo chồng diện con lai.
Bên cạnh người ngồi lề đường là một quán cóc bán mấy thứ rượu, đò mồi lèo tèo và chắc chắn là những thứ hạng bét. Buổi sáng tôi bán được mấy cái bù loong kiếm được mấy hào. Tôi mua được một xị rượu cùng uống giải sầu. Nhượng góp một con cá khô nướng làm mồi đưa cay.
Tôi nhạy cảm nên muốn uống rượu rồi khóc như diễn viên điện ảnh Huy Cường. Nhưng khi nhìn mặt Nhượng sắt lại. Đôi mắt dõi dõi nhìn xuống giòng kinh Nhiêu Lộc đục ngầu, bốc mùi hôi thối đến lợm giọng.
Tôi và Nguyễn Nghiệp Nhượng nói với nhau những câu vô nghĩa.
- Tao không bao giờ tắm ở con kinh này.
- Tao gác bút, tạm thời gác bút.
- Đúng thôi, mày nên làm “phụ tá đặc biệt” cho tao để kiếm khoai sống qua ngày. Chưa biết sửa xe thì mày giữ nhiệm vụ bơm xe, bỏ tí sức lao động ra, mỗi chiếc bánh xe cũng được một hào đấy, rồi học vá xe, từ vá tay đến vá ép mấy hồi… Máy móc xe đạp cũng đơn giản thôi, khó nhất là rút căm xe đạp.
Tôi rất phục Nguyễn Nghiệp Nhượng vì anh ta có năng khiếu khoa học kỹ thuật về xe đạp. Hồi xưa tôi đã thấy anh ta tháo tung cả chiếc máy chữ lau dầu rồi sửa chữa tốt lại. Thì ngày nay cái xe đạp, xe honda cũ rích có nhằm nhò gì.
- Tao gác bút!
- Ai cho mày viết văn mà chẳng gác. Coi chừng bị đếm lịch. Học lấy một nghề mà kiếm ăn, không phải nuôi vợ con thì nuôi mẹ già mày. Tao có phúc hơn mày vì còn được nuôi mẹ nuôi con. Thôi câm miệng đi rồi uống rượu. Ngồi trên “con kinh nước đen” này chẳng nên thơ tí nào.
- Ừ thì câm nhưng tao là thằng Trâu nước lội dưới kinh nước đen.
- Tốt, tốt, Nhưng “rượu chua đu” đâu. A mày nghe gì về Dương Nghiễm Mậu không?
- Nó ở tù, mới ra, bây giờ nó làm nghề sơn mài. Ngồi uống cà phê cứ có ba người là nó đứng dậy biến, nó cảnh giác cao như sống trong thời Thương Ưởng phò Tần Hiến Công thuở Đông Chu Liệt Quốc.
- Phải thôi, nhưng mình cũng nên câm miệng lại. Trâu nước, tao biết mày có bệnh vạ miệng. Có miệng thì cắp, có nắp thì đạy.
Lạc soong là nghề có nhiều bộ môn khác nhau. Bán quần áo cũ, đồng hồ từ hạng cao cấp đến hạ cấp. Có giá nhất là loại đồng hồ đeo tay không người lái, biết bơi, mười hai trụ đèn, hai cửa sổ. Bán xe đạp và đò xe đạp cũ được tân trang. Radio, (đài), ti vi, máy hát hầm bà làng.
Tôi gắp vợ chồng anh nhà báo Nguyễn Khắc Giảng bày bán sách cũ ở trên đường Tự Do. Trong đó có cả những cuốn sách của tôi của Duyên Anh, Hoàng Hải Thủy và rất nhiều loại khác của nhiều tác giả. Những sách báo đó đều xuất bản ở miền Nam trước năm 1975. Tất cả đều bị coi là có tội. Tác giả của nó đương nhiên có tội nhiều hơn. Cả miền Nam nói chung, thành phố nói riêng vắng bóng dần những mặt quen: văn nghệ sĩ, sĩ quan quân đội Cộng hòa. Họ đi học tập cải tạo hết ráo!
Chiến dịch truy quét văn hóa phẩm đồi trụy, phản động nổ ra ở Sài Gòn. Hàng vạn vạn cuốn sách bị thiêu đốt. Sách báo trong nhà tư nhân bị lôi ra hỏa thiêu. Trong các cửa hàng kinh doanh sách báo bị thu gom tất cả, coi như đốt cháy cả cơ nghiệp, cả con người những cá nhân. Các em nhỏ đeo băng đỏ thi hành công tác một cách vô tư mẫn cán. Phản ứng của người bị tội tất nhiên phải có.
Một cửa hiệu chuyên cho thuê truyện tại đường Huỳnh Quang Tiên bên cạnh nhà thờ Ba Chuông tại Phú Nhuận phát nổ khi đoàn thu gom sách mang băng đỏ xâm nhâp tiệm. Ông chủ nhà sách mời tất cả vào nhà. Rồi một trái lựu đạn nổ. Chuyện xảy ra không ai ngờ. Đương nhiên là có đổ máu, có kẻ mạng vong. Những chú nhỏ miệng còn hôi sữa, những cô bé chưa ráo máu đầu là nạn nhân vô tội. Trên cánh tay còn đeo tấm băng đỏ, quả thật súng đạn vô tình! Cả chủ tiệm cũng mạng vong.
Trên đường Lý Thái Tổ, trước mặt phở Tàu Bay là trại lính quân cảnh của chế độ cũ bỗng dưng phát nổ khi các em nhi đồng đi làm “kế hoạch nhỏ”, thu gom đồ sắt thép phế liệu. Người ta đưa vào bệnh viện nhi đồng cả mấy chục xác trẻ em.
Hàng loạt những chuyện không hay xảy ra. nhà nước nhân đạo bắt buộc phải thu gom nhiều phần tử phản động và có tư tưởng phản động, tàn dư Mỹ Ngụy cho đi học tập cải tạo. Phần tử nào cứng đầu, có chứng cớ thì bị đưa ra xét xử, tuyên một bản án, vậy là rồi đời.
Đầu mối của những chuyện như thế ở chợ trời. Tôi là người suốt ngày lang thang nên quen biết cũng nhiều. Lại toàn anh em cả, nay tôi lại thêm bệnh uống rượu. Hình như đôi khi cũng phát ngôn bừa bãi. Tôi sống cho đến qua Giáng Sinh năm ấy. Tôi vốn dĩ là kẻ thích lang thang nên Noel không thể không đi.
Cảnh Giáng Sinh trong những năm đầu giải phóng buồn hiu. Các nhà thờ không treo đèn kết hoa, không hang Bélem máng cỏ nơi Chúa sinh ra đời. không cả những bản nhạc Giáng Sinh. Loa phóng thanh mở vang đường phố. Tôi nhớ những mùa Giáng Sinh cũ.. Thây kệ, chiều 24 dân Sài Gòn cũng đổ ra đường mỗi lúc một đông. Tôi cũng ra đường mặc dầu là người không có đạo. Trong sóng người đông đảo, mặc lực luợng võ trang đứng gác giữ gìn an ninh trật tự. Kẻ gian có móc túi rạch bóp ai được, vì chẳng ai có tiền để chúng ăn cắp. Đi chơi đêm Noel có vài hào trong túi đã là bảnh rồi. Tôi có tới ba hào rủng rỉnh trong túi quần. Diện áo sơ mi trắng, quần ống loe, giầy Santiago mô đen cuối thời 1974. Tôi tự nhủ rằng sẽ mang ra chợ trời phát mại ngay sau đêm Noel này.
Dân Sài Gòn cũ đụng mặt nhau chan chát trong sóng người đông đảo. Tôi muốn nói đến những người quen nhau. Câu hỏi đầu môi chót lưỡi là: “Ủa, mày còn đây à? ” “Mày còn sống sao? ”. Chẳng chết thằng Tây đen nào hết! ”.
Tôi gặp anh Hoàng Hải Thủy cùng chị Alice, vợ anh. Cả hai đều bảnh bao. Hoàng Hải Thủy vẫn “đẹp giai”, mặc dầu tóc bạc trắng, ăn mặc “síc”, chị Alice mặc áo màu gì đó mà tôi quên mất rồi, thướt tha trẻ đẹp như thuở nào. Hoàng Hải Thủy nói với tôi:
- Noel mình phải ra đường chứ, để người ta thấy dân Sài Gòn vẫn vậy, chẳng có gì đổi khác hết.
Chúng tôi dừng lại ờ đầu đường khi chuông nhà thờ dóng lên báo hiệu giờ chúc Giáng Sinh. Chúng tôi mời nhau ly nước mía thay cho ăn Réveillon. Một mùa Giáng Sinh đói rách nhưng vẫn vui. Trong đầu tôi vẫn vang vang lời ca tụng Chúa Hài Đồng giáng sinh xóa tội cho thế gian.
Trời gần về sáng, tôi ngồi một mình ở đầu đường uống chén rượu cay xè, hát một bài ca Giáng Sinh. “Sinh gô beo… Sinh gô beo…” vui đáo để. Nhưng vui đó rồi lại buồn ngay đó.
Trời sáng hẳn, tôi có mặt ở chợ trời, lột bộ đồ “vía” tàn dư Mỹ Ngụy ngay tại chỗ rao bán. Tôi mặc may ô quần đùi về nhà, xách theo hai kí lô gạo hẩm…
Ra chợ trời có nhiều mánh kiếm ăn, tôi chẳng được quý phái như nhiều tay chợ trời khác. Như ký giả Hồng Dương buôn bán vàng ở chợ Lê Thánh Tôn. Vải vóc, quần áo cũ hay sách báo lậu, môi giới ăn hoa hồng.
Tôi cũng là dân chợ trời nhưng mua đi bán lại vài ba cái bù loong dỉ nên rất là đói rách…
Tôi yêu nghề viết của tôi nên đôi lần cũng nghĩ đến chuyện cầm lại cây bút. Một ông cậu của tôi từ ngoài Bắc vào chơi, khuyên tôi một câu;
- Vác cây bút của Xã Hội Chủ Nghĩa nặng lắm cháu ạ, cháu nên học lấy một nghề như sửa radio hay thợ thuyền gì để kiếm sống thì tốt hơn.
Tôi nhớ mãi câu nói của cậu đến bây giờ. Một vài lần tôi cãi lời cậu, tôi càng thấy câu khuyên nhủ tôi là đúng là chí tình. một người dày dạn kinh nghiệm trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Từng bị học tập cải tạo cả một thập kỷ trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ở miền Bắc vì tội là người trí thức.

 

<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 887

Return to top