Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Viết Trên Gác Bút

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8360 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Viết Trên Gác Bút
Nguyễn Thụy Long

Chương 5

Thời gian bao cấp, quan liêu, cửa quyền đã qua chưa? Nhân dân đã đói khổ quá chừng. Những đợt người trốn đi nước ngoài, vượt biên bất chấp mọi hiểm nguy đã gần thời tàn lụi. Các cửa trại tiếp nhận người tị nạn trên các xứ tự do dần đóng cửa. Chủ nghĩa cộng sản trên xứ Liên Xô tan rã. Trung Quốc mở cửa đón nhận quốc tế đầu tư. Thời đại Hồng Vệ Binh khinh khủng của bà Giang Thanh lùi vào dĩ vãng. Một Trung Quốc mới ra đời. Việt Nam cũng tuyên bố mở cửa. Người ta tuyên bố và quay lại xỉ vả thời quan liêu bao cấp. Đó là việc làm của người ta, chẳng mấy ai quan tâm đến, Bộ luật hình sự được quốc hội phê chuẩn và ra đời. Sống có luật pháp hẳn hoi. Trường luật được phục hồi, nghĩa là mới thành lập đối với chế độ mới. Các luật sư thuộc chế độ cũ được hành nghề trở lại với điều kiện phải học lại và thi đậu. Tôi có một ông bạn là tiến sĩ công pháp quốc tế Đào Quang Huy từng làm chánh án, giáo sư dạy đại học luật. Nay ông muốn hành nghề luật của ông, ông phải đi thi lại. Ông thi trượt, trong khi vợ ông, chính là học trò của ông xưa kia lại thi đậu bằng luật sư và được hành nghề. Thân chủ của bà thật đông. Ông chồng thì ngồi chơi xơi nước cho đỡ buồn. Ông nghiên cứu luật giúp vợ.
Mở cửa rồi thì tới đổi mới, đến kinh tế thị trường. Người ta phải bon chen để sống. Nhiều vấn đề được đặt ra để phù hợp với nếp sống văn minh. Nhiều nhà giàu xuất hiện, không phải thuần vì biết làm kinh tế. Con số người giàu nghèo trong xã hội có sự chênh lệch rõ rệt. Đó là chuyện của người ta… Mỹ vẫn còn cấm vận Việt Nam. Việt Nam có một đồng minh bị Mỹ cấm vận hơi lâu là Cuba với đồng chí Fidel Castro. Hai nước xã hội chủ nghĩa anh em thi nhau xỉ và đế quốc Mỹ chơi xấu, chơi đểu.
Trong thiên hồi ký này, ngay từ đầu tôi có ý nghĩ rằng chẳng nên bàn đến chuyện chính trị làm chi. Nhưng khi viết, nhất là viết hồi ký tôi thấy điều đó không đúng. Phải có tí chính trị, chế độ, cách cai trị con người mới đưa đến một xã hội. Một cách dẫn chuyện, tốt hay xấu, hay lầm lẫn nó bày ra đó. Trên những thân phận con người. Một sự xuyên tạc nào cũng không có giá trị gì.
Sau ngày ở ao cá, vợ chồng con cái tôi thuê được một gác nhỏ ở vùng ngã ba Chú Ía, gần bệnh viện Cộng Hòa của quân đội xưa kia. Địa danh này trước kia nổi danh là một nơi đĩ điếm, chẳng tốt lành gì. Tôi phải chấp nhận một đời sống như thế vì mình quá nghèo chẳng biết mánh mung chôm chĩa ai hết để có cái ăn cái ở khá hơn, cũng chẳng có tài cán kiếm ra nhiều tiền. Nghề viết lách thì cùn lụt, không hợp thời. Tôi gác bút làm thân con trâu kéo cày. Những phút hứng khởi vẫn là chất men rượu nguy hiểm. Huênh hoang nói phét cho đỡ vã miệng. Nghĩa là tôi chẳng là cái thá gì hết. Trong nhiều năm nay tôi chẳng hiểu gì về tình hình thế giới. Tôi nghe phong thanh một số văn nghệ sĩ bạn đồng nghiệp của tôi, những người đã chạy thoát ra nước ngoài. Bây giờ họ lại hành nghề viết văn làm báo. Người ta mở nhà xuất bản. Họ có tiếng nói trong cộng đồng người Việt. Điều đó cũng tốt và tôi biết đời sống của họ cũng èo uột lắm. Những thế hệ con cháu họ lớn lên đã quên dần chữ Việt. Tôi cũng nghe nói một số sách vở, tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn của các nhà văn cũ được in lại. Trong đó có tôi. Số sách của riêng tôi được in ra không dưới hai mươi bộ. Có những bài viết nói xấu có, nói tốt có, thương hại thân phận tôi còn ở lại Việt Nam sống cuộc đời vừa bất hạnh vừa đói rách cũng có. Ở tại đất nước này người ta quên tôi rồi và họ muốn quên luôn. Vậy mà ở nơi khác người ta còn nói đến tôi, nhắc rằng tôi vẫn còn hiện hữu. Có sao đâu. Tôi vẫn có một đời sống dù là đời sống thường xuyên đói rách. Một số bạn bè tôi, đồng nghiệp cũng có, không phải đồng nghiệp cũng có gửi “quà” về giúp đỡ tôi. Tiện đây tôi xin chân thành cảm ơn nghĩa cử ấy.
Rồi một hôm điều mà tôi không ngờ tới, có người tới gặp tôi. Một chủ nhà xuất bản mới toanh. Không đúng, một tay lái sách, nói một cách khác là “đầu nậu”. Anh ta không đủ tư cách là chủ một nhà xuất bản lấy giấy phép để được in ấn, mà chỉ mượn tên nhà xuất bản, xin chữ ký của giám đốc nhà xuất bản lấy giấy phép để được in ấn, kinh doanh chữ nghĩa kiếm lời. Nhà xuất bản tư nhân không có, cho đến bây giờ, khi tôi đang viết những hàng chữ này vẫn chưa có. Một cuốn sách được phép xuất bản, không phải chịu sự kiểm duyệt mà chịu qua chế độ biên tập. Nghĩa là những người có trình độ, đọc, toàn quyền sửa chữa, mới đệ lên ngài giám đốc ký.Lại thêm có ngài chịu trách nhiệm xuất bản. Không còn chế độ kiểm duyệt nữa, nhưng chặt chẽ, tưởng chừng như một chữ nhỏ bằng con kiến cũng không thể lọt được. Nếu chữ ấy có sai phạm hoặc ngài biên tập có thể đổi hẳn cả một đoạn văn khiến tác giả cũng phải ngỡ ngàng, nổi cáu vì bị xúc phạm. Nhưng chuyện cũng đã rồi. Tác giả luôn luôn là kẻ thấp cổ bé miệng. Đầu nậu, kẻ trực tiếp bỏ tiền ra in ấn và trả tác quyền cho tác giả. An ủi cho tác giả một câu:
- Chuyện bắt buộc thôi, nếu không biên tập như thế thì sách không ra được. Anh tính coi tôi bỏ vào đó bao nhiêu triệu bạc, chạy chọt giấy phép, chạy chọt biên tập. Đáng lẽ sách không được ra, cũng nhờ biết điều và khéo nói, nếu không, tiêu tùng rồi.
Có một giai thoại nói về nhà văn Nguyễn Tuân, đưa tác phẩm của mình cho nhà xuất bản. Đương nhiên là phải chịu sự biên tập. Nhà văn van vái ngài biên tập:
- Xin ông, ông đừng biên tập câu này của tôi. Tôi đã cân nhắc rất kỹ, tôi đã treo nó lên gõ kêu boong boong rồi mới ghép nó vào tác phẩm.
Nhà văn Nguyễn Tuân còn có dịp thưa chuyện với ngài biên tập. Còn những người hành nghề viết văn làm báo thì không có dịp. Nguyên tắc biên tập như thế, nhưng chưa phải thế! Còn tùy túi tiền nặng nhẹ, những chầu bia ôm, bia lon của các đầu nậu mà linh động. Hàng loạt sách tiểu thuyết, bài báo không đúng chất lượng được tung ra thị trường. Rồi những vụ cãi chầy cãi cối, tác giả bị “tó”, bị mời đi “làm việc”. Nhà xuất bản không chịu trách nhiệm, biên tập không nhận, cả đến ngài chịu trách nhiệm xuất bản cũng chẳng chịu luôn. Sách có lệnh tịch thu được bao nhiêu đã lọt đi hết rồi. Đầu nậu thì cứ vồ tiền. Tôi muốn nói đến cuốn truyện “Nổi Loạn” của Đào Hiếu. Thú thật tôi chẳng biết cuốn sách đó viết những gì, nói xấu cán bộ như thế nào? Nhưng um sùm lắm. Tác giả bỗng dưng được “phong thánh”.
Tôi gặp nhà văn Bảo Ninh, tác giả cuốn tiểu thuyết “Đằng sau cuộc chiến”. Anh là bộ đội phục viên, trở về viết văn. Tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết này. Anh không hãi sợ khi cầm bút viết lại tất cả những gì mình biết vì đã tham dự cuộc chiến đó, cuộc chiến được coi như thần thánh. Anh không bôi nhọ mà nói lên sự thật. Thân phận những con người bị ném vào cuộc chiến. Tôi không nói là xấu hay tốt mà là sự thật là nhân bản của con người. Anh bị lên án. Lên án thế nào, tôi tưởng chẳng nên nói nhiều. Như “Thiên đường mù” của Dương Thu Hương. Như “Tướng về hưu” và hàng loạt truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Họ từng là hội viên của Hội Nhà Văn Việt Nam, từng là đảng viên. Bây giờ họ trở thành người có tội vì nghề cầm bút của mình. Tôi nhận họ vừa là nhà văn chân chính vừa có tài, tôi nghĩ rằng họ không chỉ dừng lại ở đó. Tôi gặp Bảo Ninh thấy anh cắp chai rượu đế bên nách và rủ tôi đi nhậu. Tôi là một con sâu rượu, nhưng hôm đó tôi lại từ chối vì mắc chuyện cơm áo. Tiếc rằng từ đó tôi không còn lần nào gặp anh nữa.
Khi tôi viết đến những trang này, tôi được cảnh sát khu vực mời tôi lên phường làm việc với an ninh thành vào hồi 8giờ30 sáng ngày 13-6-1997. Tôi không nhận được giấy mời mà chỉ là lời mời miệng, nói là để trao đổi. Tôi không biết tao đổi gì, thôi để những chuyện đó nói sau. Bây giờ tôi nói đến chuyện cầm bút lại đã. Vâng, tôi đã cầm bút lại như thế nào. Xin trả lời ngay rằng tôi không mấy thoải mái. Quả thật vác cây bút này nặng ngàn cân.
Thời đổi mới, hàng loạt sách vở trước kia bị cấm đoán nay được tái bản. Những sách của Tự Lực Văn Đoàn được in lại hầu hết. Còn nhiều tác giả khác mà trước đây bị coi như đối lập với nhà nước, sách cũng được in lại. Một buổi chiều tôi được Nguyễn Thị Thụy Vũ, bà bạn đồng nghiệp mời đi nhậu với một số bạn bè. Lý do chị được đầu nậu trả cho chị bốn triệu đồng tác quyền mấy cuốn sách của chị. Họ trót tái bản mà không xin phép chị. Bữa nhậu xôm trò trong quán Tứ Hải đường Huỳnh Văn Bánh ( Nguyễn Huỳnh Đức cũ). Tôi nhớ tiểu thuyết bữa hậu đó có mặt một số anh em nhà văn nhà báo cũ, bạn tôi, dĩ nhiên cũng có mặt cả những đầu nậu, cai đầu dài đầu ngắn. Giữ nhiệm vụ chủ chi để cho thêm phần long trọng.
Gần cuối bữa nhậu từ bàn bên cạnh, một thanh niên cao lớn, anh ta cỡ trung niên cầm một lon bia mở sẵn sang bàn chúng tôi, đến trước mặt tôi mời:
- Xin mời anh uống với em lon bia này.
Tôi ngỡ ngàng chưa nhận ra anh là ai, nhưng mặt thì có hao hao giống ai đó có thể quen biết, nhưng tôi không nhớ nổi. Anh bạn chưa quen biết đến gần tôi hơn;
- Xin mời anh, anh không nhận ra em là phải, khi viết những cuốn sách về xã hội đen ở Sài Gòn hồi đó em còn nhỏ quá, em là Bửu, em anh Sơn Đảo đây mà.
Sơn Đảo, một nhân vật có tiếng trong xã hội đen hồi đó, một tay “kỳ bẽo” kiêm anh chị bự. Tôi đã từng gặp anh ta, nhưng chưa bao giờ viết về anh ta. Điều đơn giản vì tôi không biết chơi cờ bạc, một trong những thú đam mê của những tay chơi thời đó. Phải thú thực rằng vì nghề nghiệp nên món ăn chơi nào tôi cũng nhúng mũi vào, nhưng thực chất tôi là một anh nhà quê nên chẳng thạo một ngón nào hết. Có cái con hoàn toàn không biết. Hút sách, cờ bạc, nhầy đầm, làm du đãng hay anh chị, tôi mù tịt. Khi sáng tác, tôi tìm đến cảm nhận nhiều hơn hết. Chỉ đơn giản thế thôi. Tôi nhận lon bia mời của chú Bửu, uống ra cái vẻ một tay chơi, hảo hán lắm. Một anh hùng mạt vận uống rượu tiêu sầu. Sau này nghĩ lại, tôi thấy mình như phường tuồng. Chẳng cần ai chửi tôi mà chính tôi cũng đã chửi tôi rồi.
Ngày hôm sau, một anh đầu nậu đến nhà tôi, xin được ký kết với tôi cho phép tái bản một số tiểu thuyết do tôi là tác giả. Anh đầu nậu này hình như cũng là một nhà thơ, nhưng chưa dành được một chỗ đứng trên thi đàn, nên rất ít người biết đến. Nhưng anh có một bút hiệu rất… thơ. Lãng đãng mùi thiền… Tôi thú thật với anh rằng tôi chẳng giữ được một tác phẩm nào có thể hết. Anh nói điều đó không quan trọng, vì nghề của anh, anh có đầu mối để tìm ra. Nơi đó là Tổng Thư Viện, cần chút tiền bạc anh có thể lấy sách ở thư viện hoặc photocopy lại. Rồi đưa đi biên tập, xin giấy phép tái bản. Hai ba bên đều có lợi. Đang nghèo rớt, nhà thì ở thuê ở mướn, đói thường xuyên, bây giờ bỗng dưng có tiền tại sao tôi lại không chấp nhận. Tôi mua được một căn nhà nát ở xóm lò muối xóm Gà Gia Định. Có tí tiền còm ăn xài, vợ con tôi đỡ khổ phần nào. Tôi cứ nghĩ rằng mình là người được cầm bút trở lại, tôi ngây thơ, một sự ngây thơ bẩm sinh, tôi nói là ngây thơ bẩm sinh chứ không phải là mãn tính. Rồi tôi lại viết tiểu thuyết. Thời gian đó nhiệt độ ở thành phố nóng thường xuyên 39 đến 40 độ c. Tôi ngồi trên căn gác sát mái tôn nóng cháy người để sáng tác. Công việc lao động trí óc mệt mỏi thật. Nhưng tôi cũng cố gắng hoàn tất những tác phẩm hồi sau giải phóng (1975). Mọi chuyện không đơn giản như thế. Tác phẩm tôi viết được ra đời, nhưng lệch lạc, mặc dầu cũng đúng chính sách đó. Tác phẩm được biên tập kỹ lưỡng. Nhiều đoạn văn được thêm vào không phải do tôi viết. “Vợ một anh sĩ quan chế độ cũ bỗng nhiên tôi thấy là một cán bộ ở Đồng Tháp lên lấy sĩ quan với công tác nằm vùng.” Đại khái những chuyện như thế. Tôi thì chẳng biết gì đến những chuyện hoạt động ở bên kia của cách mạng. Đây là lời nói chân thật của tôi.
Anh đầu nậu an ủi tôi:
- Phải như thế sách mới ra được, anh thông cảm, tiền anh cũng đã lấy rồi.
Tôi há miệng mắc quai, và cũng đã nhiều lần mắc quai. Một mình tôi chịu đựng chẳng thể chia sớt với ai được. Tôi như một nhà văn hành nghề không còn tự ái. Tôi quay ra viết truyện nhi đồng để không đụng chạm gì. Một nhà xuất bản kêu tôi lên, giám đốc nhà xuất bản đưa ra một đề nghị. Tôi đổi tên sách thì sách sẽ ra được. Tôi đành lấy một cái tên lạ hoắc, tôi chẳng biết đó là thằng cha nào.
Một lần khác nhà xuất bản in một cuốn tiểu thuyết về hình sự của tôi, tôi thấy tên tác giả không là tôi mà lại là tên khác. Tựa đề cũng thay đổi. Sáu tháng sau tôi biết mới đi đòi tiền nhuận bút. Anh đầu nậu trẻ trả tiền cho tôi như cho một thằng ăn xin. Hắn trả lời đốp chát vào mặt tôi:
- Tôi phải làm thế, tiền bạc của tôi bỏ biết bao nhiêu, in cho anh là phúc. Bây giờ người ta in sách khoa học kỹ thuật vi tính có ăn hơn chứ ai in tiểu thuyết đâu. Anh đừng nói chuyện văn nghệ với tôi vô ích.
Tôi là kẻ hết thời, khi đó tôi lại nghĩ đến lời khuyên của ông cậu tôi gần hai mươi năm về trước.
Sức khỏe tôi ngày một suy kiệt. Những công việc nặng nhọc tôi thực hiện không mấy hiệu quả. Sức vóc “trâu nước” của tôi giờ chỉ còn là sức vóc của một con bò sữa gầy nhom gặm cỏ cháy trong đồng hoang.
Anh bạn Trần Phong Giao, nguyên là tổng thư ký báo Văn xưa kia, nay cũng viết báo, giới thiệu tôi là cộng tác viên cho mấy tờ báo ở thành phố để tôi viết bài kiếm tiền…chợ. Chuyện có bài đăng báo mới ăn tiền nhuận bút. Tốt số lắm thì được tòa báo hỗ trợ cho phương tiện, giấy giới thiệu đến cơ quan này, cơ sở kia làm phóng sự.
Báo Công An Thành Phố khi tổng biên tập Huỳnh Bá Thành còn đương thời. Để giúp cho các cộng tác viên nhận công tác do tòa báo chỉ định, mỗi tháng tòa báo cấp cho 500.000 đồng gọi là tiền bồi dưỡng. Tôi nghĩ cũng làm này của Huỳnh Bá Thành chẳng phải do lòng tốt của Thành hoặc cảm tình riêng mà chính là một việc làm có hiệu quả, hiệu quả tốt đẹp là đằng khác cho nghề làm báo. Sẽ tránh được hẳn tình trạng phe phái mà tôi thấy xảy ra ở nhiều tòa báo hiện nay. Trong đời làm báo của tôi, tôi thấy rất ít trường hợp người lãnh đạo tờ báo có những quyết định sáng suốt như vậy. Ở thành phố và có thể ở khắp toàn quốc chỉ duy nhất có một tờ báo là tờ Công An Thành Phố có được quyết định như vậy. Tờ Công An Thành Phố là tờ báo bán chạy nhất Việt Nam. Từ một tờ báo phát hành nội bộ trở thành một tờ báo có uy tín nhất, được độc giả mến chuộng nhất. Nói đến công an, tâm lý chung của tất cả mọi người dân đều kinh sợ. Thế mà báo Công An lại được ưa chuộng đúng là tỷ lệ ngược. Sự chân thật đáng quí là dường nào. Chỉ tiếc rằng sau khi Huỳnh Bá Thành mất đi, những cộng tác viên không còn được coi trọng nữa, số tiền bồi dưỡng bị cúp, tờ báo vẫn bán chạy vì sẵn có uy tín, nhưng chất ngọt ngào tình cảm của độc giả hình như cũng có kém, Bao nhiêu là bài báo viết ca tụng lòng tốt của Huỳnh Bá Thành, nhưng chỉ là những bài ca tụng suông mà thôi. Rồi thắp nhang, rồi đi ăn giỗ. Rất là đúng với lễ nghi loài người văn minh. Tôi xin miễn bình luận dài dòng.
Đời sống của tôi lại trở lại nguyên vẹn con người cùng quẫn nghèo túng đôi khi liều lĩnh. Tôi và vợ trở lại nghề buôn thúng bán bưng để kiếm tiền độ nhật. Chúng tôi phải nuôi hai đứa con tuổi còn măng sữa và sắp có đứa con thứ ba. Tôi vẫn rượu chè hư hỏng, và một lần ngã bệnh suýt chết. Tôi bị tai biến mạch máu não. Khi đưa đi cấp cứu hầu như sắp hôn mê bất tỉnh. Tôi nhớ một số bạn bè tôi đã toi mạng vì bệnh này sau khi nằm liệt giường suốt ba năm trời, bán thân bất toại, tay chân run rẩy, nói năng ngọng nghịu khó khăn. Như chủ nhiệm báo Con Ong, Minh Vồ, như nhà thơ Ninh Chữ, một số bạn bè khác nữa. Bố tôi cũng chết bất đắc kỳ tử vì đứt mạch máu não. Còn tôi, tôi thoát chết khỏi căn bệnh hiểm nghèo như được phép lạ. Tôi chấm dứt ngay những bữa nhậu nhẹt, thuốc thang cũng chỉ đại khái thôi, tôi tập luyện vả có chế ăn uống cho mình, rất là đạm bạc, vì không đạm bạc cũng chẳng lấy đâu ra mà ăn uống tẩm bổ. Ít ra những cơn nghèo túng đối với tôi cũng có ích phần nào. Nó làm tôi tủi nhưng chính nó cũng đã cứu sống tôi.
Tôi nói những cơn nghèo đói, túng thiếu khiến tôi trở thành liều lĩnh, chẳng biết sợ là gì. Tôi bán căn nhà nát ở xóm Lò Muối, kéo rốc hết vợ con về căn nhà cũ của tôi, do tôi mua và gây dựng từ thuở thiếu thời. Tại căn nhà nay tôi đã bị cắt hộ khẩu. Tôi đang xin lại và đã cả chục lần hồ sơ tôi được gửi đi rồi trả lại. Hết cơ quan này hướng dẫn đến cơ quan khác, rốt cuộc tôi vẫn là kẻ sống bất hợp pháp trên ngôi nhà chính tôi làm chủ. Tôi sẵn sàng chờ đợi một sự bắt bớ, nếu xảy ra cho tôi. Tôi bình tĩnh lắm, tôi tự đáng giá tôi như thế. Tôi lì lợm như con trâu.
Cuối cùng tôi có tấm hộ khẩu tạm và chứng minh thư tạm. Con người tôi hoàn toàn là tạm. Tạm trú, sống tạm trên cõi đời này. Tạm thời… Tàm tạm mà thôi. Không phải con người thật của tôi. Như hồn ma bóng quế.
Rồi tôi chán, tôi thây kệ. Những đứa con tôi lớn dần lên, qua những lớp học nhà trẻ. Năm nay chúng đã ở những lớp tiểu học nhờ vào hộ khẩu của mẹ chúng, nếu không, chúng đã không được đi học. Chúng trở thành những đứa trẻ thất học vì gia đình chúng không có hộ khẩu. Tôi không biết đó là sự may mắn hay điều nguy hiểm dành cho một gia đình không có hộ khẩu vì lý do gì đó không được cấp. Chính tôi là chủ căn nhà này, chính tôi đã được cấp hộ khẩu tại căn nhà này rồi bị cắt sau khi bị bắt. Tôi xin lại và cho đến bây giờ cũng không được cấp phát. Tôi chán, đâm lì ra muốn đến đâu thì đến. Tôi không còn quan tâm nữa. Tôi leo lên căn gác xưa cũ, sửa chữa lại sơ sài, có chút tiện nghi. Giam mình ở đó, trên căn gác bút, viết lách, làm gì mình thích. Đó là khoảnh trời tự do bé nhỏ của tôi.
Ở chỗ này tôi có một bàn viết thô sơ tự đóng lấy, nhìn ra cửa sổ. Tôi có một bao lơn nhìn xuống vườn chùa Huê Nghiêm. Có những người hàng xóm lâu năm từ khi tôi còn niên thiếu. Hàng xóm người miền Bắc có, miền Nam có. Người từng là lính Cộng Hòa, người là Việt Cộng nằm vùng. Tất cả đều lâu năm và là người Việt Nam như tôi. Dù có người đã đi xa, trở lại xóm xưa với tính cách là Việt kiều nhưng vẫn thắm đượm tình xóm giềng Việt Nam. Đàn bà già cả tặng quà nhau bằng lọ dầu xanh Con Ó sản xuất tại Hoa Kỳ. Đàn ông con trai tặng nhau gói thuốc lá cũng xong, mời nhau bữa nhậu bia lon.
Nhiều chục năm nay dân xóm tôi nghe chung tiếng chuông chùa Huê Nghiêm, nghe chung những bài kinh. Có thể đêm khuya, có thể lúc sáng sớm tinh mơ.
Đêm trăng sáng tôi đứng trên bao lơn gác bút nhìn xuống vườn chùa cây lá mướt mát ánh trăng. Tâm hồn tôi được thư giãn.
Tôi ngồi trước bàn viết, cầm lên cây bút và tôi biết mình làm gì trước trang giấy. Ngoài cửa sổ trăng sáng trên những mái nhà tôn.

 

<< Chương 4 | Chương 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 918

Return to top