- Chẳng lẽ Hà Linh Tử thật sự không quay về trường học nữa, và đó là lần cuối cùng hai người gặp nhau? - Quan Kiện day day thái dương đang căng cứng, đứng lên chầm chậm bước đi. Gian nhà sách tiếng Nhật không rộng, chỉ đi vài bước anh đã đến bên cửa sổ, rồi lại bước trở lại.
Satiko đang nhìn vào tập thơ của ông Yamaa Tsuneteru, cô ngẩng đầu: “Đương nhiên là thế. Anh xem, chỉ trong vài tháng mà ông Yamaa viết bao nhiêu bài thơ tặng Linh Tử hoặc Ngọc Tử, cho nên chúng ta mới có thể cảm nhận rất sống động mối tình đầu hết sức trong sáng của ông. Nhưng từ sau bài “Ly biệt là không chia tay”, thì không thấy nhắc đến Hà Linh Tử nữa. Còn Hà Linh Tử, sau khi bị làm rõ xuất thân, chắc chắc sẽ sợ liên luỵ đến bà mẹ đang lẩn trốn, vì thế cô ta đâu có thể trở lại học tập? Em cho rằng, cô ấy, và cả bà mẹ cũng nên, đã rời Nara ngay đêm hôm đó”.
- Đó là em suy luận logic, anh cũng nghĩ như thế; nhưng em có hình dung thế này không: nếu cô ta không xuất hiện trong cuộc sống của ông Yamaa Tsuteneru nữa, thì tại sao bảy mươi năm sau ông ấy vẫn nhớ nhung da diết như vậy? Chắc em sẽ nói “vì đó là mối tình đầu, trong sáng, sâu sắc vô cùng”… nhưng hồi đó ông ta mới chỉ mười lăm tuổi, tình cảm mới chớm nở, về sau cũng đã lấy vợ sinh con, nếu không bao giờ tái ngộ Hà Linh Tử nữa, thì tại sao lại cực đoan đến mức mua cả hai cái huyệt để cùng nằm bên nhau dưới đất?
Satiko gật đầu, im lặng một lúc, rồi nói: “Không thể không công nhận rằng anh nói rất có lý”. Vừa nói cô lại giở tập thơ được coi là toàn tập đầy đủ nhất của ông Yamaa Tsuteneru. Giở đến nửa chừng, cô lại lật xem phần mục lục, rồi kêu lên: “Kỳ lạ thật! Tập thơ trình bày theo trật tự thời gian, ông ấy viết rất nhiều, rất cần mẫn, mỗi năm viết đến mấy tác phẩm nhưng tại sao năm 1935 chỉ viết có một bài, năm 1936 và 1937 thì không có bài nào? Anh có thấy lạ không?” Quan Kiện nhún vai: “Từ năm 1935 đến năm 1938, có lẽ ông ấy không mấy vui vẻ, không có cảm hứng sáng tác nữa…”
- Thi nhân thường là càng không vui sẽ càng dùng thơ ca để thổ lộ mới đúng!
- Anh biết mình đang cố lý sự đó thôi. Em có giả thiết gì không?
- Hay là, thơ ở giai đoạn đó đã bị ông ấy giữ kín, không công bố?
- Vậy thì sẽ cất ở đâu? Tại sao phải làm thế?
Cả hai đều im lặng. Quan Kiện day day hai bên thái dương. Satiko thì lại giở tập thơ, rồi chăm chú nhìn cứ như nhập thiền. Quan Kiện lấy làm lạ, vì thấy cô ngồi im như tượng. Anh bước đến bên cạnh, cô bỗng ngẩng đầu nhìn anh rất chăm chú.
- Sao thế? - Anh cúi nhìn tập thơ, bỗng rùng mình. Có một cái thẻ ghi tài liệu mà thư viện vẫn cấp miễn phí đang kẹp giữa trang thơ những năm 1935 đến năm 1938. Quan Kiện, tay run run cầm cái thẻ đó lên, trên thẻ không viết chữ gì ngoài một dấu hỏi lớn. - Thi Di?! Anh thấy đôi mắt mình như nóng bỏng. Anh ngồi xuống. Cái thẻ vẫn kẹp sẵn ở đây, cả hai ngay từ đầu đều không nhìn đến nó; khi bàn đến chi tiết chủ nhân hai năm không làm thơ, họ mới chú ý đến vai trò đặc biệt của cái thẻ này. Satiko chờ cho Quan Kiện ngồi yên một lúc, cô mới nói: “Xem ra, cô Thi Di… cũng đã phát hiện và có nghi vấn giống như chúng ta” Quan Kiện thẫn thờ gật đầu, một lúc sau, anh nói giọng khàn khàn: “Và có lẽ, cũng không hiểu tại sao?” Anh lại đứng lên: “Nếu đúng là Thi Di đã để lại dấu hỏi này, thì rất có thể cô ấy đã biết về sự tồn tại của Hà Linh Tử, và biết câu chuyện về ông Yamaa Tsuneteru và Hà Linh Tử “sống không chung chăn gối, chết sẽ nằm chung huyệt”. Anh dốt quá. Rõ ràng là Thi Di đã biết. Quan Kiện hét lên đầu mình, rồi anh lục túi trong của áo jacket lấy ra chiếc hộp nhỏ, bên trong là đôi hoa tai có hai con đom đóm, phía dưới nó là mảnh bìa của nhà sản xuất, có hàng chữ số 759632. Thì ra là do Thi Di viết. “Cô ấy đã dò ra được số mộ của Hà Linh Tử, lại lần ra được những bài thơ viết cho Linh Tử, tức là Thi Di đã tiến những bước như chúng ta hiện nay. Nhưng tiếp theo thì sẽ làm gì… Anh chịu không nghĩ ra được”.
Satiko định nói gì đó, nhưng Quan Kiện lại nói tiếp: “Đường này tắc tị thì đi đường khác, thơ của ông Yamaa Tsuneteru đã không còn thông tin gì nữa chúng ta phải đặt trọng tâm vào Hà Linh Tử”
- Em cũng đang nghĩ thế.
Nhưng rồi cả 2 nhìn nhau 1 hồi rồi cùng lắc đầu.
Con đường ấy đã thử đi, nhưng không thể, bởi lẽ trong mọi chi tiết. Hà Linh Tử một cái tên hiếm hoi chỉ có chữ Linh Tử hoặc chữ Linh xuất hiện nhiều nhất trong thơ của ông Yamaa Tsuneteru. Hòa Viêm Ngọc Tử là 1 cái tên còn Kỳ quái hơn. Satiko nói tên “Hòa Viêm Ngọc Tử quá hiếm thấy, căn bản không phải là 1 tên người Nhật mà là cái tên giả”
Rồi cô nói, vợ ông Yamaa Tsuneteru mất cách đây 20 năm là người Nhật Bản chính cống, tiến sĩ Yamaa nói tình cảm của cha mẹ ông rất tốt. Vậy thì càng chứng tỏ nỗi nhớ và tình cảm mãnh liệt của ông Yamaa Tsuneteru đối với Hà Linh Tử không thể chỉ xây dựng trong nửa năm tiếp xúc hồi học trung học.
- Cả hai đồng thanh kêu lên “à…”
- Từ năm 1935 đến năm 1937 tuổi ông Yamaa Tsuneteru khoảng từ 18 đến 20 - Quan Kiện nói có phần xúc động. Nếu tình cảm hồi 14, 15 tuổi mới chỉ là những cảm giác mơ hồ giữa tình yêu trai gái chớm nở và tình bạn, giả sử Hà Linh Tử xuất hiện khi ông Yamaa Tsuneteru ở tuổi thanh niên, thì đó sẽ là tình yêu say đắm!
- Say đắm đến nổi ông ấy muốn được an táng cùng người yêu.
- Ngôi mộ ấy có phải là Hà Linh Tử không? Ông già quản lý nghĩa trang nói ngôi mộ ấy không có lọ tro. Liệu có thể là có những thứ không muốn công khai…
Satiko đứng lên: “trời ạ, anh nghĩ như thế thật ư”
- Anh cho rằng ông Yamaa Tsuneteru đã chôn những tài liệu gì đó dưới mộ Hà Linh Tử? Có lẽ những thứ chôn ở đó mới là tình yêu thật sự… một tình yêu rất riêng tư. Em nên nhớ rằng ông Yamaa Tsuneteru rất chú ý giữ bí mật đời tư, cho nên đến giờ vẫn chưa có bài báo nào có tính chất truyện ký, hoặc gần như truyện ký về ông. Thi Di đã đặt số mộ của Hà Linh Tử bên cạnh đôi hoa tai đom đóm, phải chăng có ngụ ý rằng dưới ngôi mộ ấy có vấn đề? Ánh mặt Quan Kiện bỗng sáng lên nhìn chằm chằm Satiko.
- Đừng nên, đừng nên! Em biết anh định nói gì rồi… Cô bất giác lùi lại một bước.