Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Cái bờ đất

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 456 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cái bờ đất
Lê văn thảo

Lâu lắm rồi họ mới gặp nhau. Họ có bốn người, bạn chiến đấu còn lại của một đại đội hồi kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày giải phóng về thành phố, người này người kia chuyển ngành, tuổi đã lớn việc đi lại đâm khó khăn, lại bận bịu việc chung việc riêng họ ít có dịp gặp nhau. Cho tới hôm rồi đọc báo Sài Gòn Giải phóng thấy có bài viết về Trần Sĩ, một trong bốn người hiện đang làm giám đốc một công ty xuất nhập khẩu lớn của thành phố bị vướng vào một vụ bê bối sao đó, ba người kia định kéo tới hỏi coi đầu đuôi câu chuyện ra sao.

ý kiến đầu tiên về một cuộc họp mặt là của ông Hai Thân, người lớn tuổi nhứt trong bọn hiện đang dạy trường Đảng ở Thủ Đức. Ông vốn tính ngay thẳng, bộc trực nghe chuyện "sai trái" như vậy vội bỏ ngay công việc giảng dạy đón xe lam xuống nhà Ba Quới ở Gò Vấp để từ đó xuống nhà hai người kia ở nội thành, tính mọi chuyện sẽ được giải quyết xong "trong ngày".

Nhà Ba Quới có sân rộng làm ga-ra sửa xe hơi, phía trước chị vợ che chòi mở quán cà phê, khách hàng, thợ thầy ra vào tấp nập. Ông Hai Thân xuống xe đi vội vào nhà, vừa đi vừa nghĩ sẵn trong đầu câu hỏi như vầy: "Mày thấy thế nào hả Ba Quới, chuyện thằng Trần Sĩ nhắm có không? Chẳng lẽ nó đến nỗi như vậy? Hay bài báo viết sai? Mày nói ý của mày đi, rồi tao với mày sẽ tới hỏi ý thằng Năm Tính, rồi sau đó sẽ kéo tới nhà "hỏi chuyện" thằng Trần Sĩ". Chuyện gì ông Hai thân cũng tính trước cả, ngay ý nghĩ cũng xếp rõ ràng từng câu từng chữ. Nhưng ông thấy Ba Quới đang ngồi ngả người trên chiếc ghế mây vừa hút thuốc uống cà phê vừa chỉ chỏ đám thợ làm việc, không có vẻ gì chờ đón những câu hỏi của ông cả. Ba Quới kéo ghế mây cho ông Hai Thân ngồi, kêu cho ông ly trà đá rồi thong thả đốt tiếp điếu thuốc, nói:

- Ông xuống đây vì bài báo về thằng Trần Sĩ chớ gì? Được rồi, ông ngồi xuống đây đi, đừng nhăn nhó làm gì cho nó mau già tổn thọ. Chà, vậy là ông phải bỏ dạy hả?

- Chuyện tao không bằng chuyện thằng Trần Sĩ. mày nói đi, bài báo viết... Chẳng lẽ...

- Khoan đã, khoan đã... Rồi tôi sẽ nói... Chà khó quá!... Nói làm sao đây? Ông là tiên là phật trên trời, nói chuyện trần thế với ông khó quá.

- Chuyện sống chết mày nói như chuyện chơi.

- Ai sống ai chết? Thằng Trần Sĩ không chết đâu mà ông lo. Nó còn sống dài dài, có khi sống lâu hơn ông với tôi nữa. Đời vậy mà, thằng nhỏ thì chết khô xác, thằng lớn thì lên phơi phới. Ông nên lo thân ông thì hơn. Chà, lâu gặp ông quá, ông già quá! ốm quá! Nè, trong mấy đứa bạn, tôi thương ông nhứt đó nghen. Ông bồi dưỡng cái gì đi. Uống ly cà phê sữa nghen?

- Tao không uống cà phê - Ông Hai Thân cau có đưa mắt nhìn quanh - Chà, mày làm ăn "ba lợi ích" coi bộ khá quá hả?

- Khá cái con khỉ. Nhưng cũng không nghèo hơn thằng nào. Đại khái đủ sống thôi. Còn ông thế nào, vẫn một thân một mình ăn cơm tập thể, sống bằng nghị quyết hả?

- Tao vậy thôi.

- Còn tôi thì chuyển sang kinh doanh rồi. Phải sống chớ. Đây là xí nghiệp đời sống của cơ quan tôi, xin ông đừng dòm ngó chi cho mắc công. Tôi làm ăn đàng hoàng, nộp lời về cho cơ quan mười phần trăm, còn tôi thì lời ăn lỗ chịu, đúng theo chủ trương Nhà nước. Tôi không giỏi giang được như thằng Trần Sĩ, chỉ làm ăn cò con như vầy thôi.

Ông Hai Thân cắt ngang:

- Lâu nay mày có gặp thằng Trần Sĩ không ?

- Không. Tôi không có thì giờ. Ông coi công việc tôi như vầy làm sao rảnh được. Tôi có thấy bài báo viết về thằng Trần Sĩ nhưng không đọc. Tôi đọc làm gì ? Thằng Trần Sĩ làm được cứ để cho nó làm nó có nhám nhúa chút đỉnh cũng không sao, nó làm cho Nhà nước mười nó cũng phải được hưởng một. Hay để ông làm ? Hà hà, những người "tư tưởng" như ông làm kinh tế thì coi như cả nước vác bị đi ăn xin...

Ông Hai Thân lại cắt ngang:

- Lâu nay mày cũng không gặp thằng Năm Tính hả ?

- Tôi cũng thương thằng đó nữa, cả đời nó sao cứ gặp chuyện không may. Nhưng phải đành chịu vậy thôi chớ biết làm sao. Tôi giúp gì được cho nó? Ông có giúp được không ? Đó ông thấy không...

- Nghe mày nói tao chán quá!

- Ông không nên chán. Ông ở đây ăn cơm với tôi, chơi chút rồi chiều mát trở về Thủ Đức, kệ bài báo với thằng Trần Sĩ. Thời buổi này làm kinh tế cứ như làm xiếc vậy, hoặc là lên thiên đàng hoặc là sa xuống địa ngục, ông khỏi lo chi cho mắc công. Đời mà, chuyện tới đâu tính tới đó thôi. Để tôi kiếm cái gì cho ông bồi dưỡng. Chà tôi thương ông quá, tôi thương ông lắm nghen ông Hai - Ba Quới quay sang gọi đám thợ - Thôi trưa rồi ta nghỉ tay, kiếm cái gì lai rai chút đi anh em.

Có vẻ như ngày nào Ba Quới cũng ngồi trên chiếc ghế mây đó hút thuốc uống cà phê chỉ chỏ đám thợ làm việc, rồi ăn cơm, nhậu "lai rai", ngủ gà ngủ gật, lại thức dậy chỉ chỏ, ăn cơm, nhậu cho đến chiều tối. Ông Hai Thân không thể hình dung nổi đó là Ba Quới! Khi xưa là một chiến sĩ trinh sát tuy không xuất sắc gì lắm nhưng cũng nhanh nhẹn, tháo vát, việc gì giao cũng làm tròn.

Ông hỏi:

- Mày cũng không còn làm việc cơ quan nữa hả ?

- ý ông muốn nói là không còn trong biên chế chứ gì? Trời ơi "xưa" lắm rồi ông Hai ơi, thời buổi này mà còn "trong ngoài" gì nữa. Cái thời mình khổ vì cái mác biên chế đã qua rồi. Nhớ hồi đó mấy món nhu yếu phẩm như gói mì tôm với hộp kem đánh răng không dùng cũng không dám đem bán, bởi đó là ân huệ của Đảng và Nhà nước. Thôi được, ông cứ coi như tôi đang ở trong biên chế của cái xí nghiệp đời sống này, với quán cà phê này của vợ tôi.

- Không, ý tao muốn nói công việc chuyên môn kìa.

- Chuyên môn nào? Hồi xưa tôi cầm súng là làm chuyên môn hả? Rồi sau đó qua làm tổ chức, tuyên truyền, công đoàn, thi đua... đó là chuyên môn đó hay sao? Thôi vô đi anh em !

Đám thợ quây quần lại, người ngồi trên ghế, người ngồi dưới đất, kẻ uống rượu, người ăn hủ tíu, người nhai khúc bánh mì thịt mua từ ngoài quán cà phê. Ông Hai Thân ngồi riêng ra một góc chỉ nhá một khúc bánh mì không với ly nước trà đá. Ba Quới vừa nhậu với đám thợ vừa tiếp chuyện ông Hai Thân:

- Ông Hai coi tôi mần ăn như vầy có được không? Cũng "êm xuôi" quá hả? Tôi cứ sửa cà rịch cà tang mỗi tháng vài chiếc xe hơi là đủ vốn rồi - Anh hỏi đám thợ - Tháng này mình làm được mấy chiếc hả anh em? Đừng tính chiếc này, để nó qua tháng sau - Rồi anh cười với ông Hai Thân - Như vậy đó ông Hai, tôi luôn luôn dự trữ vài chiếc xe không đưa vào sổ, tháng nào hụt tôi chêm vào để tháng tháng anh em trong cơ quan được lãnh tiền ba lợi ích đều đều khỏi có thắc mắc gì hết. Cho nó yên phận ông Hai à, mình có tính làm giàu làm có gì đâu, cái chính là cho vợ con có thêm được chút đỉnh tiền chợ. Thì cơ quan có mất gì đâu nào? Cơ quan chỉ bỏ ra một mình tôi còn tôi thì coi như nuôi cả cơ quan, còn muốn gì nữa? Thôi vô đi anh em!

Ông Hai Thân hỏi giọng cay đắng:

- Cơ quan tin mày quá hả ?

Ba Quới cười:

- Sao lại không tin ? Còn nếu muốn cử người kiểm tra thì cử đi, nhưng như vậy thì phải cử người thứ hai để kiểm tra người thứ nhứt, rồi người thứ ba kiểm tra người thứ hai. Đời vậy mà, đã không tin thì không tin ai hết.

- Mày nói năng nghe lạ quá.

- Không lạ đâu. Xưa nay tôi vẫn vậy, tại ông không biết đó thôi, tất cả chúng mình hồi trước thế nào bây giờ thế ấy.

- Mầy lo mần ăn không tính gì nữa hả ?

- Tính gì bây giờ ? Ông tính đi, tính toán là chuyện của ông mà.

- Sao mày không về hưu luôn cho rồi ?

- Âởy chết, không được về hưu. Thời buổi này không dựa vào Nhà nước thì chết. Nhưng cũng đừng dựa hết mình, lăn xả kiểu thằng Trần Sĩ chỉ tổ cho thằng khác dòm ngó. Cứ sống làng nhàng, nửa dơi nửa chuột là tốt nhứt - Anh nói với đám thợ - Nè mấy bạn trẻ đừng nghe chuyện mấy thằng già này nghen, đây là thằng già hết xí hoách nói chuyện tào lao chơi vậy thôi - Anh lại quay sang ông Hai Thân - Ông Hai à, tôi nói riêng với ông điều này: Mình đóng góp như vậy là đủ quá rồi, cũng hơn nửa đời người rồi, mồ hôi nước mắt còn thiếu cái gì nữa đâu. Nghĩ mà thương cho đám tụi mình thằng nào thằng nấy tóc bạc trắng cả, tài năng không có, chuyên môn chữ nghĩa cũng không, vốn liếng chỉ có nghề đánh giặc với mớ chính trị học lõm bõm, thôi thì đành sống làng nhàng cho đến hết đời chớ mong làm vương làm tướng gì bây giờ - Mặt Ba Quới từ đỏ rần chuyển sang xanh xám, rồi trắng bệch ra - Thôi phận ai nấy lo, chuyện thằng Trần Sĩ cứ để yên cho nó tính, mình đi gặp nó bươi móc lại chuyện cũ làm gì.

Ông Hai Thân nói:

- Là do tao cứ nhớ chuyện hồi xưa thằng Trần Sĩ vượt qua cái bờ đất.

Ba Quới cười buồn:

- Trời ơi, ông còn nhớ chuyện đó hả ? Thương ông quá chừng.

- Tụi bây đừng cười tao, không có tao nhớ tới những chuyện đó không còn thằng nào nhớ hết.

- Quả là có như vậy. Được, ông cứ nhớ, rồi tụi này sẽ đóng kệ đưa ông lên bàn thờ. Thôi làm việc đi anh em !

Đám thợ quây lại chiếc xe hơi, tiếng đục gõ lại vang lên. Ba Quới tiếp tục hò hét chỉ chỏ, chun ra chun vô dưới gầm chiếc xe, một chập sau trở lại ngồi lên ghế mây, đưa tay lau mồ hôi trên trán:

- Thiếu chút nữa mất ăn với chiếc xe này rồi. Thiệt thầy với thợ, thời buổi như vậy đó.

Ông Hai Thân đứng dậy:

- Thôi tao đi đây. Mày không đi tao xuống rủ thằng Năm Tính cùng đi.

Ba Quới quay lại nhăn mặt khổ sở:

- Thằng Năm Tính không đi đâu, ông biết tính nó rồi, chuyện trời sập nó còn không màng huống chi ba chuyện lẻ tẻ này.

- Nó không đi tao ti một mình, bạn bè không gặp nhau lúc này còn lúc nào nữa.

Ba Quới lại đưa tay vuốt mồ hôi trên mặt, càng nhăn nhó hơn:

- Ông Hai thông cảm, tôi phải làm gấp chiếc xe này, nếu rảnh tôi cùng đi với ông.

- Tùy thôi, ai muốn sao thì muốn. Riêng tao, trước sau tao vẫn như một. Hồi xưa thằng Trần Sĩ vượt qua cái bờ đất tao khen nó giờ nó sai trái tao phải nói với nó.

- Ông ơi, cái bờ đất thằng nào không vượt qua, hôm đó kẻ trước người sau đều vượt qua hết. Nhưng đó là chuyện hồi xưa, lúc thằng địch còn ở trước mặt, còn bây giờ thằng địch có cùng khắp hết, có khi có ở trong ông trong tôi, vậy biết đâu mà khen chê, đánh giá... Ông nhứt định đi hả?

- Tao đi đây.

- Khoan đã... Thiệt bạn với bè... Thôi tôi tính như vầy, để thủng thẳng rồi đi, được không ? Ông làm gì như bị lửa đốt vô đít vậy ? Ông về Thủ Đức nghỉ đi, để chiều rảnh tôi đi gặp thằng Năm Tính cho. Trời ơi, ông bày chuyện ra làm chi vậy ? Có gì đâu mà nói ? Mà nói để làm gì ?

*    *
*

Hồi xưa ở đại đội Ba Quới làm trinh sát, thường đi công tác độc lập, trước mỗi trận đánh cùng một tổ vài ba người đi lùng sục trong các chi khu, ấp chiến lược, các chợ huyện chợ tỉnh, ban đêm đi ban ngày ngủ, phần lớn thời gian ở xa đơn vị, quan hệ gặp gỡ anh em thường chỉ qua các cuộc họp tổng kết trong những đợt nghỉ quân. Trong những đợt kiểm điểm tổng kết anh em chỉ qua lời anh báo cáo mà nhận xét, đánh giá còn chuyện anh công tác như thế nào, tính khí vui buồn ra sao khó biết đích xác được. Hơn nữa tính Ba Quới hay bô lô ba la, chuyện gì cũng nói nửa đùa nửa thật, cứ tưng tửng không biết ra sao. Anh thường không thích nhận xét đánh giá người khác cũng không thích ai nhận xét đánh giá mình. Trong công tác anh làm theo sự cắt đặt của ban chỉ huy, ít chịu trách nhiệm chính trong công việc, không thích chỉ huy và cũng né tránh người khác chỉ huy mình. Nhìn chung anh là một chiến sĩ thuộc loại trung bình, không sắc sảo, chưa bao giờ đạt được thành tích cao nhưng mọi công việc đều hoàn thành, không để mích lòng ai và cũng không để ai làm mình phiền lòng.

Tuy vậy do ở lâu trong đơn vị, và do tính tình vui vẻ cởi mở anh lại là đầu mối ràng buộc mọi người. Ai đi đâu cũng viết thư về cho anh, anh nhắn bảo người này người nọ tin tức của nhau, giữ những kỷ vật những chiến sĩ hy sinh, thay mặt anh em đi vắng tiếp các thân nhân gia đình từ dưới quê lên thăm. Trong đại đội anh giữ hòa khí chung tránh không để xảy ra những đụng chạm xích mích lớn, thường tổ chức những cuộc vui đùa, những đêm liên hoan, những buổi uống trà chuyện vãn cười giỡn thâu đêm.

Sau ngày giải phóng cùng với nhiều người do lớn tuổi, "trình độ có hạn" anh chuyển ngành, đi hết cơ quan này tới cơ quan khác làm những việc vừa tạm thời vừa "mũi nhọn" như ban quân quản, ban cải tạo, ban chỉ đạo vùng kinh tế mới, và ngay trong những cơ quan ấy cũng chỉ làm những việc của công đoàn, thi đua, chữ thập đỏ, thậm chí có một lần anh phụ trách cả một đội phòng cháy chữa cháy. Vẫn như xưa, trên giao việc gì anh làm việc nấy, không thắc mắc cũng không làm hết mình để nổi bật. Cũng như giờ đây anh phụ trách cái xí nghiệp đời sống này vậy.

Ba Quới về đây đã ba năm. Năm đầu làm việc năng nổ, hăng say vì công việc mới lạ, vì lợi ích đem về cho cơ quan được mọi người khen ngợi. Sang năm thứ hai công việc nở ra, những khó khăn cũng kéo đến tuy không lớn gì nhưng cũng quá tầm tay của anh. Anh bắt đầu thấy chán nản, bực bội nhưng không thể dừng lại được, cơ quan cũng đã tin anh và anh cũng đã quen với sinh hoạt "có thêm đồng ra đồng vào" ngồi trên ghế mây chỉ trỏ, nhậu lai rai suốt từ sáng tới chiều như thế này. Ngoài ra - điều này chỉ riêng anh biết thôi - anh còn kẹt với những khoản chi "ngoài kế hoạch" tuy có làm anh áy náy nhưng anh thấy nó cũng có cái thú vị riêng của nó. Người ta thấy anh bắt đầu lên tiếng than vãn, đôi khi tỏ ra tức giận, đồng thời cũng tìm cách khéo léo đối phó lại tất cả những thứ đó. Gần đây - nghĩa là đã sang năm thứ ba - anh quen dần với công việc và cũng quen dần với sự chịu đựng, công việc bên ngoài có vẻ yên ổn nhưng trong thâm tâm Ba Quới có cảm giác như sắp có giớ lớn nổi lên. Anh không còn thấy hứng thú nữa, tâm trạng cứ thấp thỏm, buồn vui thất thường, cảm giác xa lạ, trống trải, lúc nào cũng nghĩ rằng công việc sắp tuột khỏi tay mình hoặc mình sắp phạm một tội nào đó. "Tại sao mình lại nhận công việc này ?", nhiều lúc Ba Quới tự hỏi như thế. Nhưng đó là những lúc trong đêm khuya thanh vắng, chỉ có một mình, những lúc anh có thể suy nghĩ được, còn ban ngày anh bù đầu vào việc chỉ chỏ, tính toán, trả giá, kèn cựa, phân nhau hơn thiệt, lúc đó mọi người chỉ thấy Ba Quới miệt mài với công việc, vui vẻ, cởi mở, một lòng phục tùng tổ chức và sự yên ấm của gia đình.

Ba Quới có hai con, một trai một gái, đứa lớn đã vào đại học, đứa kế học cấp ba, chuẩn bị đi lao động nước ngoài. Chị vợ suốt những năm anh đi kháng chiến ở nhà nuôi con, thỉnh thoảng tom góp tiền bạồc đi thăm anh (đứa con sau là kết quả của một lần "đi thăm chồng" đó), từ sau ngày giải phóng anh về chị vẫn tần tảo buôn bán để nuôi sống gia đình, không than cực kể khổ lúc Ba Quới sống với đồng lương chết đói, cũng không khoe khoang khi anh ăn nên làm ra.

Trước kia chị gần như là người chủ gia đình, mọi lo toan tính toán đều ở chị, Ba Quới chỉ có đi làm việc ở cơ quan rồi đi chơi bời với bạn bè, về nhà chỉ làm có mỗi một việc là "kể chuyện vui kháng chiến" cho các con nghe. Từ ngày Ba Quới mở xí nghiệp đời sống về ở nhà chị giao quyền chủ nhà cho anh khiến Ba Quới vừa thấy tự hào vừa thấy vướng víu, và trên hết là trách nhiệm và gánh nặng gia đình khiến anh không còn muốn đi đâu, làm gì khác nữa.

Sau khi ông Hai Thân đi rồi Ba Quới đâm tư lự, bớt cười nói không hào hứng bàn chuyện làm ăn với đám thợ nữa. Ngồi thêm một lúc coi đám thợ làm việc Ba Quới bỗng bỏ ra ngoài quán cà phê kiếm cái ghế ở một góc ngồi hút thuốc ngắm xe cộ ngoài đường không nói chuyện với ai.

Hồi lâu chị vợ rảnh tay bán cà phê, kéo ghế ngồi với anh báo là lúc nãy đằng phòng thuế của quận đến hỏi mức thuế của xí nghiệp, nói có thể tăng thuế vào tháng sau.

Ba Quới lớn tiếng:

- Tăng là sao? Đáng lẽ giảm sao lại tăng? Đây là xí nghiệp đời sống cuả cơ quan, tôi làm là để lo đời sống anh em.

Chị vợ nói:

- Tôi cũng nói như vậy nhưng họ nói xí nghiệp nào cũng lo cho đời sống của mọi người, còn thuế thì phải đóng. Họ còn đòi dẹp quán này đi nữa, nói là chiếm lòng lề đường.

Ba Quới tức giận:

- Vậy thì dẹp hết, không buôn bán mần ăn gì nữa hết.

Chị vợ làm thinh, chờ Ba Quới hết nổi nóng mới bắt qua chuyện khác:

- Cái tủ lạnh mình hư rồi, mình tính sửa lại hay mua cái mới?

- Còn cái tivi nữa, đám trẻ muốn đổi cái tivi màu.

- Chuyện tủ lạnh tivi mình nói với tôi làm chi?

Chị vợ bỏ đi vào trong. Một chút tay quản đốc đi ra báo chiếc xe hôm rồi hư lại sao đó, người chủ xe đòi lấy tiền lại. Ba Quới nói:

- Không sửa lại được sao?

- Người ta nói không tin mình nữa.

- Được . Cứ nói tiền nộp vào cơ quan Nhà nước hết rồi.

- Nhưng mình có làm tờ bảo hành.

- Được rồi, cậu tính sao thì tính, đã đương ra làm cùng chịu với nhau, cùng lắm tháng này khất tiền cơ quan.

- Còn chuyện này nữa...

- Chuyện gì ?

- Tay thư ký công đoàn cơ quan vừa rà rê qua đây có ý dòm ngó công việc làm ăn của mình. Hắn nói: "Thằng cha Ba Quới làm ăn khá quá, mình xin ra đây làm ba lợi ích kiếm chút cháo coi".

Ba Quới đập bàn:

- Khá cái con khỉ! Sao hồi tao cực khổ gây dựng cái xí nghiệp này không thấy thằng nào ló mặt tới, giờ cơ ngơi đàng hoàng ai cũng nhào vô đòi ăn chia?

Người quản đốc làm thinh. Hồi lâu Ba Quới dịu giọng:

- Thôi muốn tính sao thì tính, có lỗ lã chút ít cũng không sao, mình cũng không làm giàu ở cái xí nghiệp cò con này đâu. Cậu cho anh em mình nghỉ đi, tôi đi đằng này một chút.

- Anh đi đâu?

- Đi gặp một thằng bạn cũ, một thằng nghèo nhất, khổ nhất trong đám tụi này. Không phải tôi đi lo cho nó đâu mà lo cho một thằng giám đốc giàu có. Chuyện đời mà, như vậy mới tức cười.

Người quản đốc yên lặng lắng nghe. Anh là một thanh niên chưa ba mươi, đã tốt nghiệp kỹ sư cơ khí trường đại học bách khoa, không tìm được việc làm được Ba Quới giúp đỡ đưa về đây. Anh làm việc ban ngày, ban đêm cặm cụi soạn thảo một công trình gì đó với đám bạn học cũ của anh.

- Đời vậy đó - Ba Quới nói tiếp - Thằng được cứ được mãi, thằng khổ cứ khổ riết. Trên đời tôi chưa thấy ai khổ bằng thằng Năm Tính, từ nhỏ tới lớn toàn gặp chuyện không may, tới hồi đi kháng chiến cũng vậy. Nhớ có một chuyện như thế này: Lần đó chúng tôi dự trận, cả đại đội không ai bị sao cả, trên đường rút quân dừng lại ngủ, giữa đêm chợt nghe có tiếng la hét. Cái gì vậy? Biệt kích đánh chụp hay cháy rừng? Không có gì cả, chỉ có một nhánh cây khô từ trên cao rớt xuống, rớt nhằm thằng Năm Tính, trúng ngay giữa mặt máu me chảy tùm lum.

Anh đi gặp giám đốc có chuyện gì vậy?

- Chuyện bài báo bọn bây đọc hồi sáng đó. Nó đó, thằng giám đốc Trần Sĩ đó. Nó là thằng gặp may nhất trong đám tụi này. Chức tước cứ lên phơi phới, vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng không thiếu thứ gì. Vậy mà bây giờ không biết sao bị vướng vô một chuyện gì đó. Chuyện gì tôi không biết và cũng không muốn biết, thằng Năm Tính thì lại càng ghét xía vô những chuyện như vậy. Chỉ có ông Hai Thân, ông già gặp cậu hồi nãy đó, ông ấy lại muốn moi móc cho tới cùng. Tính ông ấy như vậy. Thật ra ông ấy cũng có lý của mình. Tụi này còn lại chỉ có bốn người, quan hệ tình cảm cứ ngày một lỏng lẻo dần, giờ chẳng lẽ lại bới tung ra hết? Tôi muốn được yên thân rút về làm cái xí nghiệp này vậy mà cũng không yên. Đời khó lắm, cậu cứ sống đi rồi biết, chuyện đời miếng cơm manh áo không ra gì nhưng như món nợ đời cứ thêm chồng chất, rồi đến lúc nào đó nó nhấn chìm mình hồi nào không hay. Tôi không muốn đi gặp thằng Trần Sĩ chút nào nhưng chắc cũng phải đi, coi như lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau.

Tay quản đốc đã bỏ đi từ hồi nào. Ba Quới ngồi lại một mình tiếp tục hút thuốc, cho tới lúc chị vợ đi ra nói:

- Ông vô ăn cơm rồi đi đâu thì đi.

Ba Quới đáp:

- Tôi không đi. Tôi mệt quá rồi. Từ rày về sau chuyện nhà cửa tôi cũng giao hết cho bà. Tôi ra ngoài uống li bia đây.

Ba Quới vô nhà thay đồ, phòng tối mờ mờ Ba Quới nhìn cái tivi, cái tủ lạnh, bộ sa lông... Đó là những món của chủ cũ để lại cũng đã cũ kỹ, hư hao hết rồi.

"Phải mất bao nhiêu lâu nữa ? - Ba Quới buồn rầu nghĩ bụng - Hai năm cho cái tivi, ba năm cho cái tủ lạnh, cứ thế mà sắm sanh chắt mót cái này mới, cái kia lại cũ, cứ thế bù đầu vào với tiền bạc, tính toán, chạy vạy, ganh đua hơn thiệt cho tới lúc tàn đời hồi nào không hay..."

Ba Quới đi ra đường, không ghé quán bia mà đi thẳng tới nhà Năm Tính.

*    *
*

Nhà Năm Tính ở trong một khu lao động nhà cửa chen chúc, xô bồ xô bộn đường ngang ngõ dọc, Ba Quới phải đi lòng vòng cả mấy tiếng đồng hồ mới tới được. Đó là một căn nhà nhỏ mái tôn vách ván, nằm nép sau một căn nhà khác cũng nhỏ như vậy, cửa trước nhà này nằm ngay sau nhà kia. Nhà thấy có đông người đi ra vô nhưng gọi mãi không thấy ai ra mở cửa, chỉ nghe văng vẳng tiếng quát tháo với tiếng trẻ nít kêu khóc. Ba Quới gọi nữa. Lâu lắm mới thấy Năm Tính đi ra, tóc rối bù, quần áo xốc xếch, trên tay bồng đứa nhỏ đang giãy khóc. Không chào hỏi cũng không nhìn lên, Năm Tính lặng lẽ mở cửa cho Ba Quới vào. Phía sau nhà có tiếng ồm ồm của người đàn bà - có lẽ là vợ Năm Tính - giọng đay nghiến: "Nhà không còn một hột gạo mà tụi bây cứ nhởn nhơ, tao cho nhịn đói hết". Tiếng một cô con gái đáp lại: "Vậy má biểu tụi con làm sao, đi làm đĩ đem tiền về cho má hả?".

Năm Tính như không nghe thấy gì, điềm nhiên kéo ghế cho Ba Quới ngồi, hỏi cụt ngủn:

- Có chuyện gì hả?

Ba Quới đáp:

- Chuyện bài báo về thằng Sĩ đó mà. Mày đọc rồi chớ gì ? Ông Hai Thân sai tao tới hỏi ý kiến mày ra sao, có cần gặp thằng Trần Sĩ để hỏi chuyện không.

Năm Tính làm thinh. Đứa nhỏ lại giãy khóc. Bỗng thấy từ trong nhà đi ra hai anh con trai từ trong nhà đi ra mình trần để lộ những vết xăm trên cánh tay, trên ngực. Hai thanh niên nhìn Năm Tính gườm gườm rồi nhìn Ba Quới cũng với vẻ gườm gườm như vậy. Ba Quới nghĩ một lúc mới nhớ ra đó là hai người con trai của Năm Tính, con ruột anh đẻ hồi trước khi đi cách mạng.

Gia đình Năm Tính là điển hình cho sự lục đục, xào xáo kéo dài. Hồi trong chiến tranh, một hôm ở đơn vị anh em thấy Năm Tính nhận được thư dưới quê gửi lên báo vợ anh đã lấy chồng khác. Lúc đó anh đã có hai con rồi, chính hai anh con trai này đây. Nghe tin Năm Tính không nói gì cả. Anh vốn ít nói. Vả lại nói gì bây giờ ? Hai năm sau, một hôm đang giữa đường hành quân bỗng thấy chị vợ xuất hiện, không biết bằng cách nào chị tìm được đơn vị anh giữa rừng sâu ở miền Đông, chị túm lấy Năm Tính tru tréo lên với anh rằng anh đã bỏ chị, anh đi bao nhiêu năm không thư từ gì hết, một lời nhắn tin cũng không, chính do vậy chị tưởng anh đã chết mới đi lấy chồng khác. Và cũng do vậy chị lấy nhằm thằng chồng không ra gì, nó bắt chị làm lụng cực nhọc, đánh đập chị, bắt chị đấm lưng cho mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Chị không chịu đấm lưng nó đuổi chị ra khỏi nhà, xua chị ra tới ngã tư đường, và từ ngã tư đường đó chị đi luôn lên tới đây. "Con đâu ?", Năm Tính hỏi. Chị vợ lại tru tréo lên : Hai đứa con bỏ nhà đi hoang từ lâu rồi, chúng giống tính Năm Tính bỏ nhà đi không nói một lời nào. Rồi chị lại khóc lóc, la hét nói Năm Tính là đồ phản bội, tàn nhẫn vô lương tâm, người chỉ nghĩ tới mình không nghĩ tới ai. Cuối cùng chị thôi khóc, nói chị không còn ai nữa, chỗ ở cũng không, chỉ còn có anh lên đây ở với anh thôi. Lúc đó đơn vị đang trên đường hành quân đánh một trận lớn. Rừng miền Đông cuối mùa mưa, đất rừng sũng nước, bốn bên không có xóm làng, nhà cửa chi cả. Chật vật lắm Năm Tính mới chạy gởi chị được vào một trạm giao liên gần đó, sau trận đánh trở về đem gởi chị vào một vùng dân trong một lõm căn cứ. Từ đó cho tới cuối chiến dịch rảnh rỗi lúc nào Năm Tính chạy ra với chị, lo chỗ ăn chỗ ở cho chị, lo việc làm cho chị. Ban đầu chị kêu khóc than cực kể khổ, sau không khóc chỉ than cực, sau nữa không than cực cũng không khóc. Xóm dân làm nghề buôn bán, sống bám theo các cơ quan, đơn vị bộ đội, như thường thấy trong chiến tranh. Cảnh sống đó có vẻ hợp với chị. Có một lần Năm Tính ra thăm chị, chị nói không cần anh nữa, tùy anh muốn hiểu sao thì hiểu. Năm Tính vốn chậm hiểu, phải một thời gian sau có người nói cho anh biết chuyện chị lăng nhăng với tay chủ quán nhà bên cạnh, anh mới vỡ lẽ ra. Nhưng anh vẫn không nói gì. Cho tới lúc chị dời qua ở hẳn với tay chủ quán, từ chối việc anh ghé thăm, rồi sau đó có với y ta đứa con gái anh vẫn không hé miệng nói một lời.

Rồi tới chuyện Năm Tính bị thương. Vết thương không nặng, không phải do chiến đấu mà do một lần đi tải gạo anh bị té lăn xuống vực. Lúc đó đơn vị đang trên đường hành quân, bịnh viện dã chiến thiếu thốn đủ thứ, vết thương lành anh gần như bị liệt, chỉ hoạt động được một cách yếu ớt. Nhưng vết thương của Năm Tính không phải ở chỗ đó.

Sau khi bị thương Năm Tính được đưa về phía sau, được giao giữ một kho gạo không rõ ở đâu, không biết của ai, chỉ được dặn "có ai cầm tờ giấy đóng dấu ký tên như thế này, thế này... thì được lãnh". Không có ai tới lãnh cả. Dạo đó đang bắt đầu chiến dịch lớn giải phóng miền Nam, các đơn vị bộ đội tiến hết về đồng bằng, cái kho gạo nằm sâu trong rừng không còn ai nhớ tới. Tổ giữ kho gạo có ba người, Năm Tính là tổ trường. Sau khi cắt đặt xong mọi chuyện ăn ở, canh gác, Năm Tính bòng bị lên vai ra đi tìm đường dọ coi địa hình kho gạo nằm chỗ nào trong bản đồ. Hôm người dẫn đường đưa họ tới đây do cập rập anh ta chỉ nói sơ qua năm ba câu giới thiệu, nấu một nồi cơm lớn ăn rồi ra đi ngay, và sáng ra tổ Năm Tính chỉ thấy cái kho gạo và bốn bên là rừng. Năm Tính lặn lội suốt cả tuần trong rừng, ăn hết ruột tượng gạo với vô số măng le, cuối cùng chỉ được biết có mỗi một chuyện là kho gạo của họ nằm cạnh một kho gạo khác cũng bị bỏ quên như thế. Nhiều tháng trôi qua vẫn không thấy có ai cầm tờ giấy đóng dấu ký tên tới lãnh gạo cả. Mặt trận đã áp sát vào Sài Gòn, rừng vắng tanh, ngay tiếng bom pháo vọng đến cũng không thấy có. Năm Tính sốt ruột lại bòng bị ra đi, anh đến nhiều nơi, gặp nhiều cơ quan đơn vị nhưng không ai nhận kho gạo đó là của mình. Người ta đáp vòng vo, lập lờ, đôi chỗ còn tỏ ra tức giận vì bị làm phiền. Năm Tính vẫn kiên trì đi mãi, suốt mấy tháng trời anh lặn lội không còn sót chỗ nào trong vùng rừng đó. Có một lần anh gặp được một cơ quan cấp cao, hình như một cục một ban nào đó nhưng người ta chỉ nói: Chúng tôi không biết, nó không có trong sổ sách. Người ta chỉ tin vào sổ sách, còn kho gạo thật sự nằm trong rừng không ai biết tới. Kho gạo bị mục ẩm dần, bị chuột ăn, coi như hư hao mất một nửa. Rồi tới một đêm bị một cơn giông, kho gạo bị tốc mái, gạo bị ướt hầu hết. Đêm đó ba người ra sức vật lộn trong cơn mưa tầm tã, cuối cùng nằm vật ra nhìn kho gạo chảy lênh láng ra rừng. Tới đó không còn gì để giữ nhưng họ vẫn cứ phải ở đó gần cả năm nữa, cho tới ngày giải phóng.

Tin giải phóng Sài Gòn đến với họ thật chậm, cả tháng sau đó, do một đoàn người đi lạc trong rừng báo cho họ biết. Nghe tin họ thu xếp đồ đạc lần tìm đường đi về thành phố. Năm Tính đi hớn hở, nhưng khi đến thành phố anh mới ngỡ ngàng không biết mình tìm về đâu, ở đơn vị nào. Từ lâu anh không còn ở trong biên chế đơn vị cũ nữa, còn kho gạo anh giữ thật sự thuộc đơn vị nào anh không biết. Anh bắt đầu rà tìm khắp mọi nơi, những đơn vị cơ quan anh nghĩ có "gần gũi, quen biết" với kho gạo để họ có thể tìm cách "giải quyết" cho anh. Nhưng lại cũng như lần trước, ở đâu người ta cũng chỉ nói vòng vo, lập lờ, hỏi đủ thứ giấy tờ, chữ kí, hồ sơ lý lịch, còn bản thân Năm Tính thì không ai hỏi tới. Năm Tính cãi cọ, năn nỉ, viết hết tờ lý lịch này đến tờ lý lịch khác, rốt rồi người ta cũng thương tình đem anh về một cơ quan nào đó bảo "nằm chờ". Năm Tính "chờ" đúng một năm, thấy không ai hỏi tới bèn viết một tờ lý lịch khác nữa, tờ lý lịch cuối cùng với nguyện vọng "được nghỉ hưu vì lý đo sức khỏe". Lần này Năm Tính không phải đợi lâu, người ta chấp nhận dễ dàng, chỉ tuần sau Năm Tính đã có đủ giấy tờ về sinh hoạt ở phường và ăn cơm ở nhà vợ.

Không biết ngẫu nhiên hay đã tính trước, ngay khi anh cầm tờ giấy về hưu trong tay, chị vợ đến đón anh. Trước đó, từ ngày mới về thành phố anh đã ra sức tìm chị - không phải vì chị mà vì hai đứa con - nhưng mãi không gặp. Giờ đây bỗng chị xuất hiện nói : "Má con tôi đang chờ ông ở nhà, ông về đi". Năm Tính không nói gì cả. lẳng lặng vác ba lô theo chị vợ về nhà. Rốt rồi anh cũng có đủ cả : nhà cửa, vợ con. Nhưng mà như thế đó : Hai đứa con trai một lính ngụy, một buôn chợ trời trước ngày giải phóng không biết lang bạt nơi đâu giờ về nằm nhà suốt ngày đi ra đi vô hút thuốc phả khói mù mịt, chửi đổng, tổ chức nhậu nhẹt, gây sự đánh lộn từ đầu hẻm tới cuối hẻm. Rồi lại thấy đem về hai cô con gái nói là con dâu, móng tay móng chân sơn đỏ chót, ăn nói hỗn hào, ban đêm đi đâu mất, ban ngày nằm dài trên giường hát ong ỏng những bài hát nghe như rên như khóc. Chị vợ từ hồi cặp với tay chủ quán mần ăn phát đạt, rồi về chợ tỉnh, rồi lên thành phố, nghe nói một dạo làm chủ cả một nhà hàng "mát xa", nhưng rồi không hiểu sao bị tán gia bại sản, bị tù. Ngày ba mươi tháng tư chị ra khỏi tù, của cải không có gì nhưng có một cái mác mới : ở tù ngụy, có chồng cách mạng. Chị hay khoe điều đó với chòm xóm nhưng tối về chị lại mè nheo anh : "Ông đi cách mạng bao nhiêu năm có công trạng ông làm gì cho mẹ con tôi nở mày nở mặt coi". Năm Tính không biết làm gì cả, tìm cách nói lảng đi hoặc uống ực ly rượu để không nghe thấy gì nữa. Chưa bao giờ Năm Tính cãi lại chị vợ, anh không muốn cãi và cũng không có lí gì để cãi. Anh chỉ là người ăn nhờ ở đậu, không có công ăn việc làm và cũng không biết làm gì. Thật ra chị vợ cũng chỉ tới mức mè nheo với anh vậy thôi. Năm Tính thật sự thấy tủi cực, thậm chí còn lo sợ nữa là đối với hai đứa con trai. Chúng khinh bỉ anh, căm thù anh, lúc nào cũng nhìn anh gườm gườm tới mức anh có ý nghĩ phải thủ con dao dưới gối khi đi ngủ. Cùng hùa với chúng là hai cô con dâu, chúng đem anh ra làm trò đùa, anh nói gì chúng cũng cười, chúng thêu dệt chuyện kháng chiến của anh làm chuyện tiếu lâm để giỡn hớt với nhau.

Trong nhà chỉ có cô con gái, tuy không phải con đẻ của anh nhưng còn có chút tình thương đối với anh. Thỉnh thoảng cô vá cho anh chiếc áo, mua cho anh xị rượu, ngồi chuyện vãn, thăm hỏi anh chuyện này chuyện nọ.

Năm Tính ngồi tiếp Ba Quới trong im lặng, đầu cúi xuống, người nghiêng một bên vì cánh tay bị tật, tay còn lại vừa châm trà vừa vuốt ve đứa cháu nội. Đứa nhỏ đã ngủ.

Ba Quới nói :

- Hồi xưa thằng Trần Sĩ vượt qua cái bờ đất mày là đứa chạy theo sau nó phải không ?

Năm Tính cười buồn ;

- Hồi xưa tao vượt qua cái bờ đất, còn bây giờ tao đang mắc cạn đây.

Ba Quới an ủi :

- Đừng buồn quá cực thân, mày à.

- Tao nói vậy thôi.

- Mày cần anh em giúp đỡ gì không ?

- Giúp đỡ gì bây giờ ?

Im lặng một lúc rồi Ba Quới kể :

- Hồi sáng ông Hai Thân có tới tìm tao, mày biết tính ông ấy rồi, đọc thấy bài báo ông ấy nhảy dựng lên. Ông ấy nói : "Thằng Trần Sĩ có chức có quyền, nó làm sai hại đất nước nhiều lắm". Rồi ông ấy kêu tụi mình đi gặp thằng Trần Sĩ, cùng nhau giúp đỡ thằng Trần Sĩ ! Bấy lâu nay nó sống cảnh vua chúa ăn trên ngồi trốc nó có nghĩ tới tụi mình không ? Thật ra tao chỉ thương ông Hai Thân, tao tới đây cũng vì ông ấy, còn có ông ấy tụi mình mới còn gặp nhau... Mày thấy sao ?

Năm Tính làm thinh một lúc rồi bỗng thò tay dưới gầm bàn lôi ra chai rượu, lấy chiếc tách uống trà rót đầy ngửa cổ uống ực một cái rồi rót tách khác đẩy về phía Ba Quới. Ba Quới nhìn tách rượu không uống, rồi nhìn lên Năm Tính. Năm Tính ngó ra chỗ khác.

Hai anh con trai từ trong nhà đi ra, một anh có ria mép và anh kia không hiểu sao chỉ có râu cằm. Anh râu cằm ngồi sà xuống bàn khách rót trà uống nhìn lên Ba Quới bắt chuyện :

- Bác là bạn ba cháu ?

Ba Quới gật đầu. Anh ta tiếp :

-Là bộ đội ?

- ừ, bộ đội.

Năm Tính đầu cúi thấp :

- Hai đứa con mình không có việc làm... không biết tính sao.

Ba Quới nói :

- Lo cho mày trước đã. Hay mày đi làm lại đi, Năm Tính?

- Làm gì ?

- Làm gì cũng được. Làm cho vui, cho đỡ quẩn trí.

- Rồi cũng vậy thôi. Rồi làm, rồi lại nghỉ, rồi cũng đến nước này thôi. Chẳng qua là do cái số.

- Mày nói vậy vì mày không tính gì cả - Ba Quới nói, ngạc nhiên vì giọng khác lạ của mình - Hồi nãy ông Hai Thân gặp tao bàn chuyện thằng Trần Sĩ, nhưng tao thấy đây là dịp tính lại cho tất cả tụi mình. Như tao đây nè, tao nói yên thân nhưng có được yên đâu. Làm cái ga-ra với cái quán cà phê, chẳng lẽ đời tao rốt rồi cũng chỉ có như vậy thôi sao ? Còn mày nữa, cực thật đó, cứ gặp cảnh không may nhưng chẳng lẽ không có cách nào gỡ ra hay sao ? Mày thử tính lại coi !

- Thôi nói chuyện tao làm gì, có còn gì nữa đâu. Tao chán hết mọi thứ rồi. Tao thấy bài báo viết về thằng Trần Sĩ đó nhưng không đọc. Cũng tại tụi mình hết thôi. Chính tụi mình đưa nó lên, biến nó thành một người anh hùng rồi khi nó sụp xuống coi như trời đất sụp đổ. Thật ra nó cũng bình thường như tao với mày, nó vượt qua cái bờ đất và tụi mình cũng đều vượt qua, chỉ trước sau chút thôi.

- Đúng, nhưng dù sao nó cũng vượt qua trước, trong chiến tranh nhiều khi phải cần những tấm gương, những phát hiệu lệnh như vậy. Nhưng tao gặp mày không phải để nói chuyện thằng Trần Sĩ hồi xưa mà để nói chuyện thằng Trần Sĩ bây giờ, và như mày nói vì tụi mình đã đưa nó lên cho nên giờ phải kiểm lại không chỉ bản thân nó mà cả tụi mình nữa, coi mình đã góp vào cái đúng cái sai của nó như thế nào. Không còn bao lâu nữa đâu, tụi mình già hết rồi, chỉ còn gặp nhau vài ba lần như vầy nữa thôi.

Ba Quới bắt đầu nói và Năm Tính im lặng lắng nghe. Có lẽ do là người đứng giữa anh nói với Năm Tính khác hẳn lúc nói với ông Hai Thân, như là dung hòa giữa hai tính cách trái ngược nhau ấy. Anh nhắc nhiều chuyện cũ nói rằng thời ấy đã qua rồi, sự hy sinh của họ sẽ không mất đi nếu họ biết giữ lòng thanh thản, không bị ràng buộc vào những hy sinh ấy. "Nhưng mình có thanh thản không ?". Đột nhiên anh tự hỏi. "Chắc là không. Nhưng mình nói với thằng Năm Tính cái đã, rồi mình nói với mình sau".

- Đáng lẽ tao là thằng yên thân nhất - Ba Quới nói tiếp - Tao không nghèo đến chết đói như mày cũng không giàu đến sanh chuyện như thằng Trần Sĩ, tao sống hết đời tao cũng không có chuyện gì. Nhưng ở nhà một mình thì thôi còn đi đây đó gặp bạn bè chuyện vãn dây mơ rễ má thì rồi cũng có chuyện để nói. Đó như hôm qua ai ngờ giở tờ báo ra thấy có tên thằng Trần Sĩ, vậy rồi tao bỗng nhớ lại bao nhiêu chuyện, nghĩ tới bao nhiêu điều. Mà đã nói thì phải nói cho hết. Sao, mày chịu đi gặp thằng Trần Sĩ không ?

- Mày để tao tính lại coi.

- Mày tính đi, có gì điện cho tao. Tao về đây !

Ba Quới ra về rất lâu Năm Tính vẫn còn ngồi yên trầm ngâm suy nghĩ.

*    *
*

Chị vợ Năm Tính từ trong nhà đi ra hỏi :

- Ông Ba Quới tới gặp ông có chuyện gì vậy ?

Năm Tính đáp :

- Không có chuyện gì đâu.

- Ông đừng giấu tôi - Chị vợ bắt đầu lớn tiếng - Coi điệu bộ nhỏ to của hai người tôi cũng đủ biết. Chà, ông tính đi làm công chuyện gì vậy ? Ông đi lo thằng cha Trần Sĩ, người ta có chức có quyền sung sướng đủ điều, còn coi thân ông kìa...

Chị vợ bắt đầu "bài ca" như thường lệ, nào nhà không còn hột gạo Năm Tính đi lo chuyện bá vơ gì đâu đâu, nào con cái lang thang đầu đường xó chợ... Năm Tính làm công chuyện gì, làm trời làm đất gì ? Năm Tính không làm gì cả, anh chỉ ngồi yên suy nghĩ. Trong nhà nổi lên tiếng hai cô con dâu : "Nó không trả tiền thì mày xé xác nó ra" - Nhà bên có đám thanh niên tụ tập nhậu nhẹt, ồn ào nhất là tiếng hai anh con trai của Năm Tính : "Đời là bể khổ... Vô đi tụi bây!"

Chị vợ nói nữa nhưng hôm nay khác với mọi hôm Năm Tính không nói lảng đi hoặc uống ực ly rượu để không nghe thấy gì nữa. Anh chăm chú nghe chị nói, ngẫm nghĩ, hồi tưởng lại những chuyện đã qua.

"Vợ mình nói gì vậy ? à, chuyện đói... Mình nhớ hồi trong rừng có một dạo bị đói dữ quá, ban đầu ăn gạo rang, rồi tới củ rừng, rồi tới lá cây, sáng ra cả đại đội túa ra rừng đào bới, leo hái trái, xuống suối bắt cá, chiều tối về vẫn tập họp điểm danh, cười đùa, đốt lửa đàn hát với nhau... Sao hồi đó sống dễ quá !"

Cô con gái từ trong nhà đi ra đến đứng sau lưng Năm Tính :

- Ba vô ăn cơm đi !

Năm Tính quay lại :

- Có gì ăn không con ?

- Con luộc cho ba dĩa rau chấm với chao.

- Con để đó ba. Con ngồi xuống đây đi.

Cô con gái ngồi xuống đưa tay kéo mái tóc dài ra phia sau :

- Hồi nãy ba tiếp khách nào vậy ?

- Một người bạn cũ của ba hồi trong rừng.

Ba tiếp khách mà mấy anh chị làm rùm quá - Cô gái nói, chạm khẽ vào tay Năm Quới - Nhà mình lúc nào cũng có chuyện rầy rà. Mà có chuyện gì đâu, toàn chuyện ăn uống không ra gì - Cô gái chợt ngưng nói, nhìn Năm Tính chăm chú - Ba ốm quá, con nghe ba ho hoài, sao ba không đi khám bệnh?

Năm Tính cười:

- Ba không bệnh gì đâu. Ba còn khỏe lắm, có thể đi bộ được cả ngày, ước gì ba có dịp đi bộ cho con coi.

Năm Tính nói âu yếm nhìn cô con gái. Cô mười tám tuổi, làm ở cửa hàng rau quả, gần như cả nhà sống nhờ vào cô. Tuy tiền lương không được bao nhiêu nhưng cô chịu khó lau lách mua được thịt cá rẻ, rau cỏ trong nhà lúc nào cũng đầy đủ. Mỗi buổi chiều đi làm về đều thấy cô mang về một món gì đó, tuy không đáng giá gì, một lít nước mắm, một cây chổi, có khi chỉ là mấy cái chai không để đựng dầu lửa. Bà mẹ với hai anh con trai và hai cô con dâu suốt ngày bàn chuyện mánh mung trên trời dưới đất nhưng đến chiều lại trông ngóng cô con gái với những món nho nhỏ như thế. Cô làm việc đầu tắt mặt tôỏi không than phiền gì cả, chỉ thỉnh thoảng bộc lộ niềm mơ ước của cô - chỉ riêng với Năm Tính thôi - là muốn được học ngành hàng không hoặc hàng hải để có dịp được đi đây đó, thậm chí ra nước ngoài. Nhà không có tivi, đi làm về cô tranh thủ thật mau để sang hàng xóm xem nhờ, rồi sau đó kể cho Năm Tính nghe những cảnh hay cảnh lạ của đất nước, những sân bay núi lửa, băng tuyết, cây trái, chim chóc, hoa thú lạ...

Hôm nay cô đã cơm nước giặt giũ xong rồi nhưng chưa đi xem tivi mà còn nấn ná bên Năm Tính, chắc có chuyện gì muốn nói. Năm Tính hỏi:

- Tối nay ti vi chiếu phim gì? Hay chương trình ca nhạc?

Cô gái lắc đầu:

- Tối nay tivi chiếu phim cũ con đã xem mấy lần rồi. Thôi con kkhông xem tivi nữa, con định tranh thủ ban đêm học lớp kế toán, ba thấy sao?

- Tốt thôi, học thêm được cái gì hay cái đấy. Nhưng làm kế toán phải ngồi một chỗ, rồi chuyện đi du lịch của con thì sao?

- Con không đi nước ngoài được đâu. Con nói chơi với ba thôi chứ làm sao con đi được, nước mình nghèo quá mà.

- ờ nước mình nghèo quá!

Cô gái ngần ngừ một lúc rồi bỗng nói thật khẽ:

- Ba à, hôm rồi con gặp ba của con.

- ở đâu?

Năm Tính giật mình. Đúng ra là anh hơi bàng hoàng, tuy rằng Năm Tính đã biết chuyện này từ lâu. Tay chủ quán dan díu với vợ anh từ hồi trong rừng, hai người có nói với nhau là đứa con là cô gái này đây, sau đó anh ta biến mất, nghe nói có dính líu tới một mạng lưới tình báo của địch, đánh hơi bị lộ kịp thời trốn đi. Sau này không nghe vợ anh nhắc gì tới anh ta, chắc tình cảm hai người chỉ tới đó thôi, nhưng cô con gái thì khác. Năm Tính hiểu điều đó, cô không thể tìm cha đẻ của mình.

Cô gái kể:

- Con đã tìm gặp... Ông ấy ở Sài Gòn này nè, giàu lắm, có một cửa hàng bán đồ phụ tùng xe đạp. Nhà đông người đi ra đi vô nhưng con nhìn ra ông ấy... Ba làm sao vậy?

- Đâu có sao! Con có nói chuyện với ba con không?

- Không. Con chỉ đứng bên này đường nhìn qua. Con không muốn gặp ba con, con đã nói với ba rồi.

Cô gái chưa nói gì với Năm Tính cả. Anh thấy buồn, nhưng cũng thấy vui. Lại có thêm chuyện ràng buộc mọi người lại với nhau.

Trời khuya dần. Căn nhà trở nên im ắng. Hai cô con dâu đã im tiếng, chị vợ đi đâu đó, hai anh con trai nhậu say vào buồng ngủ với con. Năm Tính đi ra sau bếp lục cơm ăn rồi dọn dẹp bàn ghế lấy chỗ mắc võng nằm. Anh có lệ năõm võng trước khi đi ngủ để nhớ lại những ngày ngủ trong rừng.

Chị vợ về lục soạn cái gì đó sau bếp rồi trở ra ngồi xuống đầu võng nhai trầu lép bép. Cứ mỗi lần nghe tiếng vợ nhai trầu lòng anh dịu đi, đâm ra thương vợ, thương con, thương mình, nhớ lại dủ thứ chuyện trên đời. Gẫm ra ai cũng khổ cả, anh nghĩ bụng, vợ anh cũng vậy, cả hai đứa con trai anh nữa. Anh nói:

- Nè mình à, thằng Ba Quới hồi ở chung đại đội với tôi, mình không nhớ sao?

Chị vợ đáp:

- Sao lại không nhớ, cái ông tính hay cà rỡn. Nhưng mà lâu rồi sao tôi không gặp ông ấy. Nghe nói ông ấy mần ăn khá lắm phải không?

- Khá khỉ gì, cũng là chạy vạy kiếm bạc cắc bạc xu vậy thôi.

- Còn ông Trần Sĩ, ông ấy giàu thiệt chớ? Giàu cỡ nào, bằng mấy thằng chủ thời trước không?

- Tôi không biết, tôi đâu rành chuyện tiền bạc. Nhưng theo tôi biết cũng là kiểu phù du thôi, có đó rồi mất đó.

Chị vợ chép miệng:

- Nói chung là khổ cả. Chẳng bù với hồi trước..

Chị vợ bắt đầu kể chuyện cảnh sống của chị hồi nhỏ, nào sao hồi đó sướng vậy, cá đầy dưới sông, lúa đầy trên đồng, làng xóm thái bình cứ mặc sức mà rong chơi, dự hết cuộc lễ hội này tới cuộc đình đám khác. Thật ra chị nói chỉ đúng một phần, nói chung do chị tưởng tượng ra, hoặc do thời gian đã xóa đi phần nào những đau thương mất mát. Năm Tính biết hồi nhỏ chị cũng khổ nhưng anh không cãi. Anh cũng vậy thôi. Anh nhớ có lần hồi mười lăm mười sáu gì đó anh đi vô rừng đốn củi, bị rắn cắn, tưởng rắn độc anh khóc ngất lên quơ quào đủ thứ cỏ nhai nuốt, rồi vái trời vái phật hứa cúng kiếng đủ thứ. Sao lúc đó anh ham sống thế, thấy yêu đời thế. Nhưng rồi anh không chết, lại đi đốn củi, những ngày tháng cực khổ nối tiếp nhau khiến anh quên lời hứa cúng kiếng, cũng không thấy yêu đời. Rồi một lần khác - hồi trong chiến tranh - một lần anh đi dân công vác một trái đạn pháo tới giữa đường bị lạc mất đoàn, anh nằm lại giữa đồng đến hết đêm hôm đó, tới đêm hôm sau, rồi đêm sau nữa, cuối cùng đành phải chôn trái đạn pháo ra về một mình, tới bây giờ trái đạn pháo chắc cũng còn nằm ở đó. Những chuyện như vậy không hiểu sao Năm Tính nhớ hết, cứ nghĩ tới là thấy hiện rõ ra trước mắt, những chuyện không đáng gì, không cần thiết tới ai nhưng cứ nhớ tới là Năm Tính thấy đau thắt ruột gan. "Thật không ra làm sao chuyện bị rắn cắn, với chuyện vác trái đạn pháo - Năm Tính nghĩ - nhưng không lẽ không làm những chuyện đó? Không lẽ không đi đốn củ, vác đạn pháo, không giữ kho gạo giữa rừng để cho mưa dột, chuột ăn ?".

"Toàn là chuyện tủn mủn, lặt vặt, nhưng khi nối kết nó lại, nó trở thành cuộc sống nó cũng có một ý nghĩa nào đó". Năm Tính lại buồn bã nghĩ tiếp.

Con hẻm đã ngủ yên. Chị vợ thôi kể lể, tiếp tục nhai trầu bỏm bẻm. Chị hỏi:

- Tôi đi ngủ đây. Ông ngủ luôn ở đó hả?

- Khoan đã... Mình nè, tôi phải đi gặp thằng Trần Sĩ.

- Chuyện của mấy ông tôi biết đâu.

- Để tôi nói mình nghe, là do hồi xưa chính tôi kêu nó chạy lên, vượt qua cái bờ đất. Tôi ở gần nên thấy cái bờ đất trước tiên nhưng tôi không chạy lên mà bảo thằng Trần Sĩ: "Mày chạy lên đi, mày chạy lên mọi người sẽ theo mày". Thằng Trần Sĩ giỏi giang, có uy tín, anh em trong đại đội đều nghe theo nó...

Chị vợ đã bỏ đi. Năm Tính nằm lại võng kẽo kẹt, tiếp tục suy nghĩ. Anh nhớ về cái bờ đất, anh kêu Trần Sĩ chạy lên, rồi anh cũng chạy lên, rồi những lần khác trong những cuộc họp, những buổi hành quân, những lần nằm dưới chiến hào chuẩn bị xuất kích, thỉnh thoảng anh góp nhiều ý kiến khiến anh em lấy làm ngạc nhiên khen ngợi, những lúc đó anh cũng thấy tự hào, và niềm tự hào của anh cũng lớn lao như của mọi người.

"Vậy tại sao mình không đi gặp thằng Trần Sĩ, biết đâu mình sẽ có ý kiến gì đó và nó sẽ nghe ra. Và như mình đã nói, cái hay cái dở của thằng Trần Sĩ hôm nay đều có mọi người góp vào, và chắc rằng cũng có phần mình trong đó...".

Đã quá nửa đêm, điếu thuốc của Năm Tính vẫn còn đỏ lập loè trong bóng tối.

*    *
*

Ông Hai Thân về tới Thủ Đức trời đã tối từ lâu, cả khu trường Đảng đã yên ngủ, chỉ còn tốp thanh niên bảo vệ ở phòng trực còn thức uống trà, đánh bài chơi với nhau. Đáng lẽ lên phòng làm việc đến mười hai giời rồi đi ngủ, hôm nay ông Hai Thân lại ghé vào phòng trực với đám thanh niên, ngồi xuống một góc hỏi mượn tờ Sài Gòn giải phóng đọc chăm chú từ trang đầu tới trang cuối.

Đám thanh niên vui vẻ chào hỏi ông rồi tiếp tục đánh bài, thỉnh thoảng quay sang hỏi cho có chuyện:

- Ông Hai đi Sài Gòn chơi hả? Có chuyện gì vui không?

- Dưới đó đang chiếu phim Võ Tắc Thiên rần rần, ông Hai có coi được tập nào không?

Ông Hai Thân đáp:

- Tao đi công việc chớ chơi bời vui thú cái gì. Tao xem phim tư bản hồi nào mà tụi bây hỏi. ở nhà có chuyện gì không?

"Có chuyện" đối với ông Hai Thân là đám học viên trốn học đánh lộn, nhậu nhẹt, trai gái ve vãn nhau, hoặc đảng viên đem nhu yếu phẩm của mình ra bán ngoài chợ trời. Đám thanh niên nghe ông hỏi chỉ cười mà không trả lời. Họ vừa thương ông vừa thấy khó chịu, tựa như ông đối với họ cách nhau một tấm kiếng dày, họ nhìn thấy ông và không nghe ông nói gì.

Cuộc đời của ông Hai Thân là một con đường thẳng, không có gãy khúc chỗ nào hết. Ông người thành phố, thành phần lao động, cả nhà đều là công nhân, là cơ sở cách mạng, bản thân ông là thợ sắp chữ nhà in, ngay từ nhỏ ông đã được các chú các anh giáo dục, dìu dắt, hướng dẫn đưa vào tổ chức. Từ mười ba tuổi ông đã làm liên lạc, có lần bị địch bắt bị đánh nhưng kiên quyết không khai. Từ ngày đi bộ đội, sau đó chuyển ngành ông đều công tác ở cơ quan Đảng, chuyên lo tổ chức. Do công việc, và cũng do tính ông, ông thích sự rõ ràng, rạch ròi, đâu là địch đâu là ta, cái nào tốt cái nào xấu, phần nào là tập thể phần nào là cá nhân, tất cả đều phải có tôn ti trật tự, có trên có dưới, trong Đảng ngoài Đảng. Ông coi sự tôn trọng tổ chức là phẩm chất hàng đầu của một con người, thí dụ như khi giảng bài, cụ thể là giảng nghị quyết bao giờ ông cũng tuyệt đối trung thành với những điều đã được truyền đạt, ông giảng một cách hùng hồn với một lòng tin chắc nịch vào những điều mình giảng. Sau đó nghị quyết tiếp theo có khác với nghị quyết trước ông cũng giảng với giọng hùng hồn chắc nịch như vậy, chuyện sai trái thế nào, cái trước cái sau đúng sai ra làm sao ông không cần biết và thấy mình không có quyền được biết. Ngày ngày ông lên hội trường đúng giờ giấc, khi nghe truyền đạt ông làm người học trò chăm chỉ ghi chép, về phòng giở sách ra tra cứu, trích dẫn rồi hôm sau làm thầy truyền đạt lại cho học viên để học ghi chép, về phòng tra cứu trích dẫn y như vậy. Cái "chu kỳ khép kín" của một ngày, một tháng, một năm làm việc của ông cực kì đơn giản và chính xác, ông không quan tâm lắm tới việc học viên nhận xét đánh giá những bài giảng của ông thế nào, cũng như ông không hề đánh giá những người giảng bài cho ông. Khi giảng bài ông bắt học viên tuyệt đối im lặng, còn chuyện họ nghĩ gì, lo chuyện trời mưa trời nắng gì ông không cần biết.

Ông sống một mình trên tầng thượng chung cư phía sau trường, không vợ con, ăn cơm dưới bếp chung, người ông gày gò, cao lòng khòng, khô xác, với những tiện nghi đến mức gần như không có gì. Chưa khi nào nghe ông nói tới chuyện tiền nong, mua sắm này nọ. Ông không đòi hỏi điều gì và không có nhu cầu đòi hỏi, mọi khoản chi tiêu dồn vào tiền lương, ông chỉ cần có cơm ăn ngày ba bữa, đủ xà bông để tắm giặt, quần áo một năm vài bộ và một ít trà để uống thức khuya làm việc. Ngay tới kem đánh răng ông cũng không cần vì có thể súc miệng bằng nước muối pha loãng.

Đám thanh niên để mặc ông đọc báo, đánh xong ván bài chúng quay sang uống trà nói chuyện với ông:

- Ông Hai không đi Sài Gòn coi phim, vậy chắc ông đi giảng bài ?

Ông đáp:

- Tao không đi giảng bài, tao đi gặp mấy thằng bạn cũ.

- Bạn hồi trong rừng ?

- Đúng. Bây giờ tụi tao chỉ còn bốn thằng nhưng gắn bó với nhau lắm. Vừa tồi có một thằng tên là Trần Sĩ làm lớn lắm, tới chức giám đốc chẳng may bị tai tiếng sao đó, tụi tao định kéo tới hỏi chuyện coi ra sao.

Đám thanh niên cười:

- Thôi đi ông Hai ơi, khéo không ông lại chết chùm luôn. Mấy cha giám đốc bây giờ đều làm hạm hết, cứ đọc báo là thấy có chuyện.

Ông Hai Thân lúng túng. Ông đã đọc báo và ông cũng đã thấy, không chỉ riêng Trần Sĩ mà còn nhiều người khác. Hầu như mỗi ngày đều có những bài báo như vậy. nhưng ngay bản thân những bài báo cũng làm ông bối rối, là do ông không rành về chuyện kinh tế hay các bài báo viết lập lờ, chưa đến nơi đến chốn? Họ viết rằng "Trần Sĩ liên đới chịu trách nhiệm", vậy là Trần Sĩ có tội hay không có tội? Họ cũng viết rằng Trần Sĩ có "dấu hiệu" tham ô, rằng do Trần Sĩ "trình độ có hạn" và cuối cùng "cái chính là do sơ hở trong cơ chế quản lý". Vậy cuối cùng chính nhà nước là người có tội hay sao? Không, điều đó ông không thể chấp nhận được.

Ông đáp:

- Tao chỉ đọc báo và chỉ biết được những điều do báo viết thôi. nhưng dù gì ở đó cũng có tổ chức, có Đảng, tao không hơn tập thể ở đó được.

Đám thanh niên lại cười:

- Vậy ông đi gặp ông Trần Sĩ làm chi?

Ông Hai Thân càng lúng túng hơn:

- Đây là chuyện khác... Tụi tao chỉ còn bốn người... hễ một thằng gặp khó khăn là những thằng kia phải đi gặp để giúp đỡ. Tao phải thấy tận mắt coi thằng Trần Sĩ ra sao đã.

Đám thanh niên nhìn ông Hai Thân ngạc nhiên tỏ vẻ không hiểu, rồi quay sang nói chuyện với nhau:

- Chà, đọc báo thấy người ta mần ăn rần rần, còn mình chỉ ngồi đây gác cổng, chán quá !

Ông Hai Thân cũng ngạc nhiên nhìn đám thanh niên. Bọn họ tuổi chỉ từ hai mươi đến ba mươi, có đứa đi thanh niên xung phong về, có đứa vừa mãn hạn nghĩa vụ quân sự, lại có đứa tốt nghiệp đại học hẳn hoi nhưng không có việc làm. Công việc gác cổng không phải là không cần thiết, nhất là đối với một trường Đảng như vầy, nhưng cứ nhìn đám thanh niên trẻ khoẻ như thế này mà ngồi gác cổng ông Hai Thân cũng thấy xốn xang thế nào. Nếu như hồi xưa chắc rằng ông sẽ an ủi họ: "Lao động nào cũng vinh quang", còn giờ đây ông không thể mở miệng được.

Đám thanh niên tiếp tục nói chuyện với nhau, các câu chuyện càng lúc càng xa lạ, khó hiểu.

Tự dưng có một thế hệ khác hẳn, ông Hai Thân buồn rầu nghĩ bụng, cả đời ông cùng đồng đội đi làm cách mạng, thắng lợi cả hai cuộc kháng chiến, bây giờ đây thế hệ kế tiếp như không ăn nhập gì với các ông cả, như vậy là sao?

Ông uống thêm ly trà rồi lom khom đi về chung cư, leo lên tám bực thang lầu về phòng, bật đèn ở bàn viết vào ngồi trước chồng bài giảng.

Nhưng hôm nay ông không soạn bài mà ngồi yên trầm ngâm suy nghĩ.

"Mình sẽ nói gì với thằng Trần Sĩ? Mình sẽ nhắc lại chuyện cũ từ hồi ở trong rừng? Chuyện ấy thì dễ quá, thằng nào cũng có cả kho để kể, nhưng có ích gì? Có liên hệ gì với chuyện làm của thằng Trần Sĩ hiện giờ ?".

"Thằng Trần Sĩ là thằng sáng giá nhất trong bọn mình, lại được anh em nuôi dưỡng, vun quén thêm, vậy mà bây giờ nó là thằng bị mang tiếng nhiều nhứt. Như vậy rồi sự nghiệp của đất nước sẽ như thế nào đây?".

Ông cứ thế nghiên cứu, phân tích, diễn giải, tổng hợp, nhưng cứ càng suy ngẫm ông càng thấy rối mù. Không như hồi xưa cái gì cũng rõ ràng cả: thằng Trần Sĩ vượt qua cái bờ đất, mọi người chạy theo, tập thể ghi công, tán thưởng.

Ông cố lục tung trí óc nhớ lại hết mọi chuyện, nhớ Trần Sĩ từ lúc anh mới vào đơn vị, lúc hành quân đi chiến đấu, lúc họp hành xây cứ, những lần bịnh phải nằm bịnh viện. Rồi ông nghĩ tiếp sang Ba Quới, Năm Tính cũng với những chuyện y như vậy. Đây là lần đầu tiên ông nghĩ về bạn bè với những việc cụ thể, thường tình như vậy. Lâu nay ông vẫn nhận xét đánh giá con người trong mối quan hệ với tập thể, với những công việc chung có tính chất quan điểm, đường lối. Giờ đây cuộc đời của những người bạn ông hiện lên rõ ràng riêng biệt, không người nào giống người nào và cũng không giống bất cứ ai. Trần Sĩ giỏi giang không ai sánh bằng, cuộc đời Năm Tính tưởng chừng như tập trung tất cả những bất hạnh trên đời vào đó. Ba Quới sống làng nhàng, yên phận, không sáng chói cũng không kém cỏi, có vẻ không gắn bó gì với cách mạng nhưng đố tìm được điều gì trách cứ anh ta. Vậy ông có thể nói một câu chung chung như thế nào về tất cả những người bạn đó?

Ông Hai Thân thấy rã rời, mệt mỏi, nhưng không hề thấy buồn ngủ. Và rồi ông chợt nhìn xuống chồng bài giảng trước mặt.

"Mình giảng cái gì đây? Lâu nay mình nói cũng đủ bài bản hết, nào từ thực tế tới lý luận, lý luận trả về thực tế, vậy sao bỗng dưng mọi sự rối beng lên hết như thế này? Có sai lệch ở chỗ nào, thiếu khâu nào? Hay giữa những khâu những đoạn, giữa những lý thuyết và những luận lý đó còn có cái gì khác nữa mà mình chưa nhìn thấy?".

"Mình sống cũng đã gần hết đời rồi, từng trải cũng đã nhiều, những điều tai nghe mắt thấy không phải là ít, vậy mà trước mắt mình như là một khoảng không trống rỗng, như là mình đang trong giấc mơ... Nhưng như vậy thì đâu là cuộc đời thực?".

*    *
*

Trần Sĩ về tới nhà trời đã tối, chị vợ ra tận cổng đón vẻ lo lắng:

- Sao mình về trễ vậy? Hai con ăn cơm trước rồi, con Liễu có chương trình biểu diễn piano ở trường nhạc, thằng Tuấn đi dự tiệc sinh nhật cô bạn gái. Mình ăn cơm chưa để em kêu người dọn? Không thấy cậu tài xế về lấy vợt cho mình đánh ten-nít em đoán là mình bận việc. Việc gì vậy ?

Trần Sĩ mệt mỏi đáp:

- Không có việc gì đâu, có mấy ông bạn cũ điện thoại hẹn ngày mai tới chơi.

- Vậy mà em tưởng...

- Mình tưởng gì ?

- à, chuyện bài báo ấy mà. Từ ngày có bài báo em cứ hồi hộp lo đủ thứ chuyện... Vậy để em chuẩn bị đồ ăn thức uống cho mình tiếp khách. Anh tính uống bia hay rượu mạnh ?

- Không cần gì đâu, đây là những người bạn cũ trong kháng chiến, họ giản dị, xuề xoà lắm. Mình ăn cơm trước đi để anh nghỉ một chút.

- Mình mệt hả ?

- Không... ờ mà cũng mệt... Cứ thấy nóng cả ruột.

- Vậy là mình đau bao tử rồi. Hay mình xin đi nghỉ mát vài ngày ?

- Có nghỉ thì nghỉ luôn thôi.

Trần Sĩ thay quần áo ra ngồi ở phòng khách, chút sau chị vợ bưng ra một mâm gồm có bia lon ướp lạnh, dĩa thịt nguội, mấy miếng bánh lạt. Chị kéo chiếc bàn con đặt bên cạnh Trần Sĩ, đứng lại một chút coi anh có sai gì thêm rồi đi vào trong. Trong quan hệ với chồng, chị vừa làm người vợ vừa làm người phục vụ. Ti vi bật từ hồi nào, đang chiếu một phim truyện tình báo đã chiếu nhiều lần rồi. Trần Sĩ uống bia từng ngụm nhỏ, không ăn thịt hoặc bánh, xem tivi mà không thấy gì hết. Nhưng anh cũng không suy nghĩ gì. Dạo gần đây anh thường có tâm trạng như vậy: dứt ra khỏi công việc ở cơ quan nào tiếp khách, đi tham quan, họp hành, duyệt hợp đồng, đọc báo cáo, đi ăn uống tiệc tùng bận rộn không hở một phút đến tối về ngồi một mình anh thấy trống trải, cô đơn, không biết làm gì nghĩ gì. Chương trình ti vi bắt qua tiết mục quảng cáo. Trần Sĩ tắt tivi đứng dậy bước ra hàng hiên nhìn ra ngoài vườn kiểng rồi lại quay trở vào ngồi xuống chiếc ghế vừa ngồi. Chị vợ đã thay đồ ngủ trong nhà đi ra ngồi xuống cạnh Trần Sĩ:

- Mấy người bạn cũ của mình đó, họ ở chung với mình ở trong chiến khu hả ?

- ừ, trong chiến khu.

- Họ định gặp mình nói chuyện gì ?

- Mình lo cái gì ?

- Em không lo gì đâu. Em biết tụi báo chí tìm chuyện moi móc giựt gân để bán báo chớ chẳng có gì đâu. Họ lấy cớ gì để buộc tội mình ?

- Không có cớ gì hết. Anh cũng không lo gì chuyện đó, anh chỉ thấy mệt thôi.

- Vậy mình nghỉ đi, để em lo mọi chuyện cho mình tiếp khách. Nhớ bảo họ nói chuyện vui thôi nghen?

- Chẳng có chuyện gì vui đâu. Già hết rồi mà. Anh biết thế nào họ cũng nói chuyện cái bờ đất.

- Cái bờ đất nào ?

- Cái bờ đất hồi trong chiến tranh - Trần Sĩ quay lại nhìn vợ. Chị còn trẻ quá, chắc không hiểu anh nói gì đâu. Đây là vợ sau của anh, người vợ trước đã chết trong chiến tranh. Tuy vậy anh cũng nói tiếp như là nói cho mình nghe mà thôi - Đó là cái bờ đất anh đã từng vượt qua... Đúng ra là như vầy nè: thường trong một trận địa đang nổ súng có một mô đất, một bờ ruộng, một đường hào, một khóm cây hoặc có khi không có gì cả nhưng ở đó như có một lằn ranh vô hình giữa sự sống và cái chết, muốn sống ta phải vượt qua nó. Hôm đó đại đội tụi anh gài lưới lửa với bọn giặc suốt cả mấy tiếng đồng hồ, khói lửa mù trời rồi tất cả bỗng im bặt. Anh biết chuyện gì xảy ra rồi. Anh ngó lên trước thấy có một bờ đất nằm vắt ngang. bên kia là bọn giặc. Anh đếm thầm trong bụng: hai phút, ba phút... Không thể để lâu hơn nữa, thời gian sẽ ủng hộ bọn địch. Anh ngó hai bên thấy mọi người đang ghìm chắc súng, chắc ai cũng nghĩ như anh. Phải gấp rút vượt qua cái bờ đất, dù có phải hy sinh đến bao nhiêu đi nữa... Đây là điều thường xảy ra trong bất cứ trận đánh nào, nhưng cũng là điều căng thẳng nhất, khó xử nhất. Ai sẽ chạy lên trước? Bỗng anh nghe có tiếng thì thầm bên tai: "Chạy lên đi Trần Sĩ, mày chạy lên trước đi !". Anh liền bật dậy chạy lên. Tới bây giờ anh vẫn không biết ai nói lời đó, có khi do anh tưởng vậy thôi, như là tiếng nói của chính anh. Chuyện chỉ có như vậy. Sau trận đánh bọn anh bù đầu vào công việc kiểm điểm, bổ sung quân số, đạn dược, đi tải gạo, học sa bàn để chuẩn bị cho trận đánh tới, anh quên mất chuyện đó. Cũng không ai nhắc tới. Chuyện thường quá mà, cũng như mọi trận đánh khác thôi. Bỗng một hôm có một cán bộ chính trị trên sư đoàn xuống đề nghị anh kể lại chuyện đó, ghi chép cẩn thận rồi ra về. Mấy hôm sau, lại có một nhà báo đến gặp anh cũng bắt kể y như vậy, hỏi cặn kẽ thêm một số chi tiết, không chỉ chuyện lúc vượt qua cái bờ đất mà trước đó nữa, những lúc đó anh nghĩ gì, mơ ước gì, thậm chí cả chuyện gia đình vợ con, cả chuyện hồi nhỏ sống khổ cực, bị áp bức ra sao. Anh kể hết, kể những chuyện còn nhớ rõ lẫn những chuyện chỉ còn nhớ lờ mờ, thậm chí có chuyện không còn nhớ gì nữa nhưng cứ thêm thắt vào cho nó tròn trịa. Tiếp theo các nhà báo khác nữa, đài phát thanh, các ban ngành thi đua, Trung ương Đoàn... Người ta cứ hỏi, gợi ý, sắp xếp để anh có thể kể mạch lạc, nhắc nhở những điều họ nghĩ là anh có thể quên. Sau đó anh được sư đoàn rút về không cho đi chiến đấu nữa, được bố trí nằm ở một cơ quan không rõ là cơ quan gì, thỉnh thoảng đi nơi này nơi nọ để "báo cáo điển hình", thực sự là kể lại chuyện anh vượt qua cái bờ đất. Anh làm chuyện đó hơn cả năm trời, ban đầu thấy thích, sau thấy chán, sau nữa cũng quen đi. Lâu lắm, cho tới lúc thấy anh không còn gì để kể nữa người ta mới trả anh về đơn vị, làm người chiến sĩ như cũ. Nhưng không hẳn là "như cũ", do xa đơn vị lâu, và cũng do hào quang từ những bài báo và các buổi báo cáo điển hình khiến anh em ngại nói chuyện với anh, sự tiếp xúc rõ ràng là không bình thường, khi thì vồ vập lúc lại né tránh. Đã có một khoảng cách giữa anh với mọi người bắt đầu từ chuyện cái bờ đất đó, và khoảng cách cứ tăng dần lên với năm tháng. Cho đến hết cuộc chiến tranh, về thành phố, cùng với việc thăng quan tiến chức của anh, với công việc và nhiều chuyện khác nữa anh gần như không gặp bạn bè cũ. Còn bạn mới thực sự không phải là bạn bè, chỉ là những người làm ăn cần phải tính toán, trả giá, nhiều khi còn phải giở thủ đoạn ra với nhau nữa. Anh nhớ có ai đã nói: Trong tất cả các mối quan hệ như vợ chồng, thầy trò, đồng đội... tình cảm có những cái riêng nhưng phải có cái chung là tình bạn bè, nếu không nó sẽ không có cơ sở vững chắc để tồn tại. Anh thấm thía điều đó lắm, bởi bây giờ anh thấy không còn ai là bạn bè quen thân hết... Kìa em có nghe anh nói không?

Chị vợ đã ngủ. Trần Sĩ đứng dậy đi ra ngoài hàng hiên ngồi xuống bực thềm nhà nhìn ra ngoài vườn. Đêm đã khuya, bốn bề im ắng Trần Sĩ mặc tình suy nghĩ.

Trần Sĩ nghĩ đủ thứ chuyện, từ chuyện hồi còn trong rừng tới chuyện về thành phố lao vào chuyện kinh doanh, chuyển hết công ty này tới công ty khác, công ty sau lớn hơn công ty trước, không học hành nghề nghiệp nào cả nhưng do "có quá trình" nên có thể lãnh đạo được tất cả, cho tới giờ đây về làm giám đốc một công ty xuất nhập khẩu lớn ai cũng biết tiếng để rồi "lãnh" một bài báo cho thiên hạ được dịp làm rùm lên.

"Ngày mai mấy bạn tới đây gặp tôi - Trần Sĩ tiếp tục dòng suy nghĩ như nói với mấy người bạn trước mặt. Mấy bạn đã đọc bài báo trong đó đã nói hết: nào tôi đã mua bán lòng vòng, lập quỹ đen, sử dụng tư thương, mua vật tư bên ngoài... Thử hỏi tôi không làm thế sao được, ai cho tôi vật tư mà tôi không chạy bên ngoài? Tôi lấy kinh nghiệm đâu mà không sử dụng tư thương? Còn nói tôi mua bán lòng vòng... vậy hãy chỉ con đường thẳng tôi đi coi?

"Mấy bạn cứ ngồi lên ghế của tôi đây, dù chỉ một ngày tôi cũng sẽ thấy hết: suốt ngày tôi bị dưới thúc lên, trên đánh xuống, đâu đâu cũng đòi tiền, tiền... Rồi thì hết chỉ thị này tới chỉ thị nọ, cái sau khác cái trước lại bắt tôi phải làm cho đúng, vừa làm ra được tiền vừa hợp với quy luật xã hội chủ nghĩa".

"Có một chuyện như thế này: Có một lần nọ một ông cán bộ cấp trên của tôi đến rỉ tai tôi nói: "Có một dịch vụ như thế này, như thế này... Cậu làm không?". Đúng là ông cấp trên của tôi nói với tôi như là ra chỉ thị nhưng lại ở ngoài sân ten-nít. Tôi nghĩ bụng: "Thằng này không dại, ông nói với tôi ngoài sân ten-nít nhưng tới chừng "có gì" ông đánh tôi trong cuộc họp". Tôi bèn ừ hử cho qua chuyện rồi làm bộ quên luôn. Ông nhắc lại nữa. Tôi cũng chỉ đáp lập lờ. Ông thôi không nhắc, nhưng bắt đầu có tiếng xì xào trong công ty từ dưới lên, từ nhân viên, rồi tới cán bộ, các trưởng phó phòng rồi tới các phó giám đốc. Người ta nói tôi nhát, không năng động, sợ trách nhiệm, không mạnh dạn "dám nghĩ dám làm"... Tôi vẫn làm thinh. Tôi có nhiều kinh nghiệm trong những chuyện như thế này rồi, khôn quá cũng chết, dại quá cũng chết, chỉ có thằng bình chân như vại, làng nhàng ở giữa là sống thôi. Nhưng người ta đâu chịu để tôi làng nhàng ở giữa, người ta đưa tôi lên ghế này để tôi hoặc sống hoặc chết thôi. Một bữa các phó giám đốc của tôi đề nghị có cuộc họp để họ có ý kiến. Tôi có năm phó giám đốc, họ thường xuyên chia đủ năm phe để đánh nhau nhưng có một điểm chung là bao giờ cũng hợp lực nhau để chống lại tôi. Tôi biết họ sẽ nói gì rồi nên vào cuộc họp tôi nói ngay: "Các đồng chí muốn ta làm cái dịch vụ đó thì ta làm, nhưng tất cả phải ký vào đây". Họ không chịu ký, viện lẽ rằng tôi là giám đốc phải chịu trách nhiệm, vả lại cái dịch vụ đó ông cấp trên chỉ nói riêng với tôi, họ không biết gì cả. Bình thường họ chỉ huy tôi tới chừng phải chịu trách nhiệm họ né tránh hết. Được, đã vậy thì tôi sẽ chơi "ván bài lật ngửa". Tôi nói: "Các đồng chí biết đây là một "dịch vụ khó, loại "bán chính thức" muốn khen chê gì cũng được, khen thì nói dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đổi mới, chê thì nói xa rời đường lối xã hội chủ nghĩa. Nhưng thôi ta cứ làm, và tôi sẽ ký một mình, nhưng ta phải làm như thế này...". Và tôi đã đi một nước cờ mà họ không thể nào nghĩ ra được: tôi ký cho công ty chúng tôi làm dịch vụ đó, đứng trên danh nghĩa là thế, nhưng thực chất là tôi làm giùm cho cơ quan ông cấp trên của tôi, nghĩa là tiền lời tôi giao hết về cho trên ấy. Tôi đã lấy ông thủ trưởng cấp trên ấy "đóng mộc" vào cái dịch vụ, có bị chìm xuồng thì cùng lội chung tất cả".

"Công việc làm ăn của tôi bấy lâu là như vậy, chính cái cơ chế này đẻ ra tôi, tôi làm như thế để ông Hai Thân yên tâm giảng bài, thằng Ba Quới lo sống với cái xí nghiệp đời sống của nó, và thằng Năm Tính ôm cái bất hạnh của mình, mặc sức than vãn không bị lương tâm cắn rứt".

"Nhưng tôi đã mệt mỏi lắm rồi ! Hồi xưa tôi đã vượt qua cái bờ đất, nhưng đó là cái khoảnh khắc còn cuộc sống bây giờ là cái lâu dài. Bây giờ hàng ngày hàng giờ tôi phải vượt qua hàng trăm hàng ngàn những cái bờ đất nhỏ li ti, và tôi đã không đủ sức, đó là điều tôi và các bạn đều biết nhưng chưa lần nào dám nói".

"Vậy các bạn hãy tới mau ta sẽ nói một lần cho tất cả".

10.89



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 929

Return to top