Con Mèo Đen
Lưu Quang Minh
Dù có kẻ rỉ tai rằng mèo đen có thể sẽ chỉ đem lại điềm xấu, tôi vẫn bỏ ngoài tai. Nhiều khi, tôi tự hỏi không hiểu trên đời ai lại rảnh rỗi đến mức phải đặt điều mê tín nhảm nhí vậy. Hay cũng có thể vì cảm thấy từ lâu vận may đã không mỉm cười với tôi. Nên dẫu mọc đâu thêm một con mèo – màu đen – thì dù có thật tình bị xui rủi đi chăng nữa giờ cũng đã chẳng thành vấn đề gì lớn lao.
Nói vòng vo thế vì rốt cuộc tôi cũng đã đành lòng mang “nó” vào nhà nuôi rồi. Ai đến nhà thấy nó cũng giật mình. Nhìn xa chỉ thấy đôi mắt sáng rực lên trong một mớ lông đen ngòm. Nếu còn núp trong tối nữa , bảo đảm họ sẽ bị một phen hãi hùng. Đôi mắt nó sáng quắc, gườm gườm làm người ta phải buột miệng “quỷ xứ!”. Tôi chỉ thấy chúng giống hai hòn bi ve. Mới nhìn ai cũng ghét, hỏi tôi cớ sao đem “của nợ” này về làm gì cho ám quẻ. Tôi cười: “Thích thế!”. Bản thân tôi thấy nó đâu đến nỗi nào. Thậm chí nó khá ngoan. Mỗi lần muốn kiếm, tôi chỉ gọi khe khẽ “cưng”, tức thì nó vụt đến ngay. Từ ngày đầu mới về nó đã rất quý tôi. Một phần, tôi tin có duyên phận gì đây. Phần khác, tôi chăm nó tử tế, chẳng bỏ đói một bữa. Rảnh lúc nào là tôi tìm nó, ve vuốt. “Cái giống mèo này chúng nó bỏ mình lúc nào không hay” - một bác hàng xóm bảo tôi thế - “Cứ chăm cho lắm, đi mất rồi tiếc!”. Bác này ác cảm với nó lắm, trông thấy là chỉ muốn đá cho một cái “chết toi”. Tôi cười khì. Nuôi mà không chăm thì nuôi làm gì.
Nó đến với tôi kể cũng rất lạ. Một hôm đi làm về khuya, bước mấy bước trên bậc cầu thang toan chuẩn bị vào nhà, tôi xuýt giật mình vì “cái đống” đen ngòm trước cửa. Nhìn kỹ mới hóa một đám lông và hai hòn bi ve. Kỹ hơn chút nữa thì ra nó. Hai hòn bi ve bất động soi vào mắt tôi. Tôi đứng im ra như tượng, gáy rờn rợn. Bình thường hễ thấy người, mèo hoang chạy biến ngay. Đây không, nó cứ ngồi, mắt chăm chú soi vào tôi, đuôi hơi ve vẩy. Đuôi nó làm tôi cứ hình dung ra một con rắn nhỏ. Thế mà tôi chả hãi – như nó không hãi tôi. Tôi lại gần, gần nữa, gần hơn. Nó vẫn giương mắt nhìn. Chần chừ , tôi đưa tay vuốt nhẹ đầu khiến nó khẽ “meo”. Khó mà tin có thể chạm được đến mớ lông ấy. Vuốt được hồi lâu, tôi đứng dậy mở cửa. Cửa vừa hé nó đã chạy tót ngay vào nhà. Ngạc nhiên nhưng tôi cũng chẳng nung ý định đuổi nó đi. Vốn sống một mình, có nó tự nhiên căn hộ chung cư bé nhỏ của tôi bỗng thành ra “hai mình”. Ý nghĩ đó xoa dịu bớt sự trống trải từ lâu – của cả tôi và cái nơi tôi gọi là nhà mình. Dù rằng có câu “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”.
Tôi không đặt tên, chỉ thích gọi nó là “cưng”. Đó là từ tôi buột miệng thốt ra khi bàn tay đang mải mê với đám lông mượt mà của nó. Có lẽ trong tôi đã - hết sức tự nhiên - dành cho nó một thứ cảm tình đặc biệt. Không đơn thuần là tình cảm thân thiết giữa chủ và vật nuôi, mơ hồ nó đã cho tôi được làm cái việc vốn tự mình thầm quên lãng trong một quãng thời gian dài: được thương yêu - chăm sóc một - ai-đó. Tôi thích thú và thấy mình hạnh phúc khi có thể gọi nó như vậy. Cái từ này thật ra không phải cứ muốn là dùng được. Thường ta chỉ dùng một cách hết sức thân mật để gọi người yêu – khi đang yêu, và hay có xu hướng bị cho ngay vào mục “quá hạn sử dụng” – khi đã lấy nhau, là của nhau. Nếu không, xem chừng phải yêu quý con trẻ lắm ta mới gọi chúng như thế. Tôi gọi tự nhiên, nó nghe hiểu - mà chạy đến - là được.
Mèo sống với người nhưng không từ bỏ những thứ thuộc về “bản năng”. Nó tuy ở nhà tôi vẫn không bỏ thói đi hoang. Mấy lần đến giờ cho ăn tìm không thấy đâu , nhớ lời bác hàng xóm, tôi phát hoảng tưởng nó bỏ tôi luôn. Thế nhưng đến độ nửa đêm nó lại mò về, leo lên giường nhìn tôi say ngủ. Thấy động – vì hơi thở phập phồng, tôi he hé mắt. Im thin thít, hai hòn bi ve rực lên trong bóng tối.
Có đêm buồn quá tôi thức rất khuya. Lúc ấy trong phòng chỉ còn chiếc tivi phát những chương trình về khuya chán phèo. Thấy tôi nằm dưới sàn nhà lạnh tanh không một miếng chăn đang lơ đễnh quan sát những chuyển động trên tivi, nó lại bên cuộn tròn dưới nách áo. Tôi giật mình. Rồi chợt cơn xúc động trào lên trong lòng. Nó nằm đấy, hơi thở cuốn theo nhè nhẹ. Mắt tôi dần hoen đi. Tôi ôm nó chặt hơn.
Những hình ảnh trên tivi nhợt nhòe, nhường chỗ cho chuỗi suy tư trong đầu. Cuộc sống như một dòng chảy bất tận. Ngày ngày tôi vẫn tự mình trôi theo – hay bị cuốn theo – cái dòng chảy ấy. Để mưu sinh, để kiếm miếng cơm manh áo. Trái tim bỗng chốc trở nên chai sạn, khô cằn đi đến lạ. Sau một quãng đời dài, giờ chỉ còn tôi đang một mình trong nỗi hoài nghi. Mà không, có thêm chú mèo đen này nữa. Ít ra, lòng cảm thấy ủi an vì còn có “người” bên cạnh. Tiền đã kiếm được. Nhưng chỉ đủ sống. Mà sao bên trong tôi thấy rỗng tuếch tự bao giờ.
Sau đêm liên miên suy nghĩ ấy, tôi càng cảm thấy yêu mến nó hơn. Tình yêu ấy lôi tôi ra siêu thị, quyết sắm sửa đủ thứ để chăm sóc nó tử tế. Nào là một cái chén đựng đồ ăn vật nuôi bằng inox rất đẹp. Sung hơn, tôi mua hẳn loại thức ăn cân theo ký dành riêng cho mèo được nhập khẩu từ Mỹ. Rồi còn vẽ chuyện đến mức tha về cái mà người bán hàng huyên thuyên bảo là “đồ chơi dành riêng cho mèo”. Nghe thì tưởng gì ghê gớm lắm, hóa ra chỉ là cái thảm tròn nho nhỏ cho mèo cào vào mỗi khi ngứa ngáy. Nhưng vì đã xem nó như một người bạn hiếm hoi còn lại trong đời nên tốn kém một chút tôi cũng không bận tâm. Và hậu quả nhãn tiền là đi tong tháng lương cầm chưa ấm tay, nhận ra thì muộn mất rồi.
Nó có vẻ không thích những cái tôi đem về. Hơi bực vì mất tiền, nhưng tôi biết nó không quen. Lâu nay - trước khi gặp tôi - tôi nghĩ nó chỉ tha lôi những thứ trong thùng rác, bới móc lấy một cái xương đầu cá hay thậm chí lẻn vào bếp một nhà nào đó mà tìm đồ thừa ăn vụng. Nó làm gì biết mùi vị của cái gọi là thức ăn tổng hợp với đầy đủ các chất dinh dưỡng và vitamin thiết yếu – y lời cô bán hàng xoen xoét quảng cáo với tôi. Trước đây không biết nó đã từng có chủ không. Nếu nhà ấy kha khá ít ra nó còn được ăn trong một cái chén lành lặn không mẻ tới mẻ lui như cái chén hồi đầu tiên tôi dành cho nó – cái chén tôi xuýt vứt đi vì thấy kinh quá nhưng lại tiếc rẻ. Chắc thế nên có lẽ nó chẳng hiểu được cái vật sờ sờ trước mặt kia vốn được thiết kế chỉ dành riêng cho việc ăn của lũ mèo thuộc hàng “quý tộc”, hoặc không thì nhà chủ cũng có của ăn của để. Nực cười, thế ra tôi đang “trưởng giả học làm sang” sao. Tôi chẳng biết nữa. Chỉ thấy cái chén bóng loáng làm nó vừa sợ vừa tò mò , cứ ngửi tới ngửi lui được một hồi rồi cong đuôi chuồn mất. Nghĩ lại, mới là inox thôi mà, mèo “quý tộc” đúng ra phải ăn trong chén bằng vàng (!).
Còn đến cái thảm thì mới đúng là thảm…họa. Nó ghét cái thảm đến nỗi chỉ trong ít tuần, tôi đành đem quăng cái thảm đi. Trông cái thảm bị cào tan nát ngổn ngang từng thớ vụn khiến tôi tự hứa với lòng sẽ không mua bất cứ cái gì gọi là “đồ chơi cho mèo” nữa. Nghĩ bụng, dù sao cũng chỉ là con mèo, nó cần gì những cái vớ vẩn như thế này. Rách việc – tôi tức anh ách, rủa thầm bản thân lắm chuyện và bọn lắm chuyện không kém bày vẽ ra đủ thứ quái đản trên đời.
Nó đi nhiều hơn sau bữa ấy. Tôi dẹp luôn đống thức ăn tổng hợp. Nó chẳng thèm động lấy một miếng. Cứ để ra cái chén đẹp đẽ ấy, y như rằng sáng hôm sau chén vẫn còn nguyên. Khổ thân tôi bỏ thì thương, vương thì tội. Không dẹp thì đống ấy cũng mốc meo lên, nó cũng không ăn được. Mà chẳng lẽ bỏ một đống tiền ra mua về, để rồi đem vứt vào thùng rác hay sao.
Nó không thèm ăn, nên có lẽ phải ra ngoài kiếm. Tội nghiệp, biết thế tôi đã chẳng thèm “yêu” nó kiểu ấy. Đời cứ trớ trêu vậy , đôi khi tưởng rằng mình đem lại điều tốt đẹp cho người khác, hóa ra lại làm khổ họ hơn. Nó đi hoài, thời gian bên tôi thưa thớt hẳn. Nhiều lúc mải làm, tôi cũng chẳng biết nó có đó hay không. Tôi là nhà thiết kế. Đúng hơn tôi sáng tác kiểu dáng cho các sản phẩm công nghiệp - từ cái xô cái chậu cho tới cái bàn cái ghế. Phần lớn thời gian tôi làm việc độc lập. Đơn độc trong sáng tác – ai đó đã từng nói về sự cô đơn của người làm công việc này. Tôi biết chất xám mình có hạn. Để không thành “kẻ chầu rìa”, chỉ có lao động không ngừng. Mà lao động trí óc khắc nghiệt kém gì lao động chân tay.
Thật sự không muốn nó đói, tôi đành quay trở lại với cái chén mẻ và mớ thức ăn thừa. Quả thật đêm về nó đã bớt đi. Nghe nói nếu làm chút “phẫu thuật”, nó sẽ “tịt” không đi nữa. Lúc ấy chỉ còn quẩn quanh chủ chực ăn. Nhưng tôi thấy làm vậy ác quá, đang yên lành tự nhiên ra tay tước đi cái tạo hóa ban cho nó chỉ vì ý thích nhỏ nhen của mình. Trời cho gì biết nấy , tốt hưởng xấu chịu. Như tôi, trót sinh ra làm người thì cam chịu kiếp người. Mà kiếp người kiếp mèo sướng khổ thật khác nhau. Mèo ăn xong lại ngủ, ngủ chán thì “đi đêm”. Người còn biết nghĩ, lại hay thấy cô đơn kéo đến. Nói vậy chứ sao đôi lần , nhìn mặt nó tôi chỉ thấy một vẻ buồn xo. Có bao giờ ai thấy mèo cười. Ngủ nhiều quá, rỉ mắt tích tụ, khiến tôi cứ tin nó khóc , nhiều đến nỗi mắt sưng tấy cho ghèn cứng đọng trên khóe mi. Lại nghe ai nói mèo tới chín kiếp. Một kiếp chưa được, phải chịu tới chín kiếp sao “cưng”. Nó nằm bẹp, nghiêng cổ cho tôi gãi. Sao có người vẫn tin có kiếp sau? Kiếp này buồn còn chưa đủ, cực khổ còn chưa đủ, phải kéo qua kiếp sau nữa ư. Tôi cứ thủ thỉ, nó cứ lim dim. Mà thôi, kiếp sau có cũng cứ làm mèo, “cưng” nhé. Chỉ cần không thành mèo hoang, hay sa cơ lỡ vận rơi vào quán “tiểu hổ” nào đấy… Biết sao đây, đời này chẳng ai dám chắc được điều gì. Đâu phải lúc nào cũng may mắn gặp được người chủ tốt, bị bỏ rơi là chuyện cơm bữa đến nỗi đâu đâu cũng thấy mèo hoang. Trong mọi sinh vật hiện hữu trên trái đất, con người là đáng sợ nhất. Và cũng chỉ có lòng người là không đoán được. Nó ngủ mất tiêu, vô tư như… mèo. Ừ, mèo sướng thật.
Suy nghĩ về công việc đang dang dở khiến tôi tưởng sẽ chẳng còn tâm trí đâu mà lo cho mèo. Thế nhưng cứ ngồi vào bàn, y như rằng bộ não trở nên trống hoác. Thở dài, hít thật sau, rồi lại thở dài. Vẫn là một khoảng trắng. Tôi chua xót trong đêm. Vậy là hết, tôi chẳng còn gì. Ngày ngày, thời gian lạnh lùng tước dần tuổi xuân, tước đi tình yêu, tước cả những mộng tưởng hay ho, nhường chỗ cho nhiều suy ngẫm có phần phiền muộn về cuộc sống và bản thân mình. Tôi chán nản, muốn vứt hết, bỏ hết. Cả một thời cần mẫn, rốt cuộc vẫn là con số không? Liên tục trong mấy tháng qua các ý tưởng của tôi không được chấp nhận. Tôi như một thứ người thừa trong phòng thiết kế mẫu của công ty. Tôi rơi vào stress triền miên. Cố vùng ra, thoát ra khỏi trạng thái ngột ngạt này của cuộc sống nhưng nào cách chi làm được. Trong lúc này tôi chỉ còn biết tìm nó, lại vuốt ve, lại nói chuyện với nó như một người tri kỷ, để rồi vờ như nỗi cô đơn qua đi. Nhưng tôi nhủ mình, dù không muốn vẫn cứ phải làm việc. Không lao động, tôi sẽ tự đào mồ chôn mình.
Tôi biết rất đáng sợ khi phải thừa nhận: Dường như mình đã cạn ý tưởng. Nghề của tôi mà cạn ý tưởng thì đúng là ác mộng.
Giật mình, tôi nhận ra mình giống như con mèo đen, chìm khuất dần vào bóng tối. Rồi mơ hồ, biến mất, tan đi, không còn hiện hữu. Tôi ở đó, trong đó, chẳng mang một chút xúc cảm gì. Không ai bận tâm cần biết sự hiện diện của một mớ lông đen ngòm. Biết cũng chẳng để làm gì, màn đêm đã nuốt chửng, kéo tôi vào cõi vĩnh hằng.
Cũng chẳng ai buồn tiễn đưa tôi.
“Cưng”! “Cưng” đâu rồi? Tôi gọi, nhưng chẳng thấy nó đâu. Hai giờ sáng. Nó vẫn chưa về. Tôi sục sạo trong bóng tối, tìm kiếm cái chén mẻ. Thức ăn hết nhẵn. Tôi bật tivi. Tiếng Anh xì xồ. Tôi bật quạt. Quạt thổi vù vù. Ho khục khặc vì lạnh. Tôi bật đèn bàn cố làm mọi chuyện có thể. Tôi không muốn bị nuốt chửng. Tôi sợ mình biến mất giữa cõi đời.
Cuối cùng tôi tìm ra một giải pháp khá hơn. Tôi khóc. Khóc ròng. Nước mắt ứa ra trôi theo những trĩu nặng gồng gánh.
“Cưng”, đừng bỏ ta! “Cưng”… Tôi gọi nó cùng tiếng nấc. Trong đêm lạnh lẽo này, chắc cũng chẳng ai nghe thấy tôi.
Khi nước mắt dường đã cạn, nhẹ lòng hơn tôi thiếp đi.
Nó đã về. Khe khẽ nhìn tôi. Đôi mắt buồn. Nó cứ ngồi đấy theo thói thường. Vẫn hơi thở phập phồng, chờ tôi thức… cho đến sáng.
Sáng hôm sau tôi lần mở điện thoại, tra danh bạ xem có ai đáng để gọi. Tôi có vài người bạn nhưng từ lâu lắm không còn liên lạc nữa. Đối với tôi, công việc quan trọng hơn nhiều lần tình bạn hữu. Tôi lại cố gắng nhớ xem ngày xưa có từng “để ý” ai không. Đại loại, tôi cố tìm chút liên hệ giữa con người với con người. Nó lúc này trèo hẳn lên bàn, dõi mắt trong khi tôi đang lục tung danh bạ lẫn ký ức mình. Những khi tưởng chừng tìm được ai đó , tôi bỗng rụt rè. Tôi không đủ can đảm để trò chuyện với ai. Họ sẽ không nhớ tôi. Họ không thể nghĩ ra tôi lại gọi cho họ. Đã từ lâu, tôi xem họ không đáng để quan tâm, không tồn tại. Giờ thì đến lượt tôi…
Cha mẹ ơi, nếu hai người không rời bỏ tôi quá sớm vì tai nạn giao thông ngày ấy, có lẽ tôi đã còn có hai chữ gia đình để mà nương tựa trong những lúc cô đơn cùng cực như thế này. Tôi đã bỏ quên quá nhiều thứ, đánh mất quá nhiều thứ. “Cưng” ơi, nói cho ta nghe đi. Ta phải làm gì vào lúc này. Để ta thấy ta còn đang tồn tại.
Ý tưởng giúp tôi làm việc, ý tưởng nuôi sống tôi, ý tưởng cho tôi được quyền ước mơ. Chúng đâu rồi? Có một câu tôi hằng luôn ghi nhớ: “Ta suy nghĩ, nghĩa là ta tồn tại”… Tôi lại ôm nó, lại vuốt ve. Cầu cho cớ sự này qua đi, và tôi lại được nhấn mình vào công việc.
Một lần nữa tôi nhìn xuống hai bàn tay mình. Không trắng. Mà giữa hai tay là một màu đen. Đen ngòm. Mớ lông đen ngòm. Hóa ra là nó. Sau rốt… lại là nó.
*
* *
Cái điều tôi im ỉm lo sợ trong lòng cuối cùng cũng đến. Tôi gọi nó, gọi khan cả cổ. Gọi khi phát hiện ra cái chén mẻ vẫn còn nguyên thức ăn. Gọi vì lẽ thường nó luôn bên tôi mỗi khi thức dậy. Gọi cho đến khi đột nhiên rùng mình nghĩ đến chuyện nó sẽ không bao giờ còn quay về bên tôi nữa.
Đã có lời đáp lại tiếng gọi của tôi. Vừa khi mở cửa, tôi nhận ra bác hàng xóm đang lôi tuột tôi xuống cầu thang, chạy thật nhanh… thở hổn hển, cố gắng truyền đạt một chuyện kinh khủng gì đó. Không nghe được một từ nào nhưng tất cả hiển hiện ngay trước mắt. Bên dưới chung cư – nơi xe cộ tấp nập qua lại, tôi nhận ra một “cái gì” đen ngòm bên vệ đường... Nó!
Không còn hơi thở phập phồng, không thấy hai hòn bi ve, không thấy con rắn nhỏ ngoe nguẩy, không một chút sống động của sinh vật từng bị cho là xui rủi ấy. Nó nằm đấy bất động trong yên bình. Tôi lặng đi, mắt dán vào nó. Sao lại như vậy? Tôi không hiểu, hoàn toàn không hiểu. Tiếng bác hàng xóm đang cố gắng tìm kiếm một lời giải thích nào đó. Hình như nó bị xe đụng. Hình như nó ăn phải bả. Hình như nó chết già. Cũng hình như nó đã cố lết về đây bằng một nỗ lực phi thường nào đó để được gặp tôi, nhưng đã không kịp nữa… Tôi chỉ nghe một mớ tạp âm hỗn độn. Của đủ thứ phương tiện giao thông, tiếng những người đi đường, tiếng rao của một người bán hàng rong, tiếng cười, tiếng khóc, rồi cả tiếng cãi nhau… Chừng nhận ra có kẻ định chạm đến nó, tôi vụt đến – như cách nó vẫn thường làm. Tôi ngăn lại người đang định bốc nó, toan bỏ vào thùng rác. Quỳ mọp trước nó, tay tôi run run. Người nó cứng đờ , đâu rồi mớ lông mềm mại ngày hôm qua tôi còn ve vuốt. Tại sao lại cho ta thấy cảnh này, “cưng”? Một lần nữa, mày lại muốn trừng phạt ta hay sao? Tim tôi nhói buốt như có hàng ngàn kim đâm. Óc tôi nhũn đi, bùng nhùng với đám bòng bong trong đầu. Lòng tôi cố nhủ, không đâu, mày chỉ ngủ thôi, ngủ một giấc dài, sau đó mày sẽ dậy, sẽ chén hết phần thức ăn, lại đi đêm, rồi quay về, rồi lại ung dung trên đùi ta, lim dim dễ chịu… Đừng rời bỏ ta, bạn ta ơi! Đừng, “cưng” ơi, niềm vui bé nhỏ của ta, hạnh phúc duy nhất còn lại, xin đừng đi.
Ta đã phí hoài đời ta trước khi gặp mày, nhưng ta sẽ thay đổi, ta hứa. Ta yêu mày nhiều lắm, “cưng” ơi. Đâu đây văng vẳng câu nói của bác hàng xóm hôm nào. “Cái giống mèo này chúng nó bỏ mình lúc nào không hay. Cứ chăm cho lắm, đi mất rồi tiếc!”…
Nhưng “cưng” của tôi đâu phải là thứ bạc bẽo. Nhiều người bảo “hình như”, loài mèo luôn biết trước khi nào chúng phải ra đi. Chúng sẽ tìm một chỗ nào thật xa để trút hơi thở cuối cùng. Vậy mà, “cưng” của tôi không thế. Có lẽ thực tình nó đã muốn nhìn thấy tôi – hay muốn tôi thấy nó – khi hoàn tất một kiếp mèo trong chín kiếp luân sinh đằng đẵng. Nên nó đã trở về. Chỉ bởi vì nó là bạn tôi! “Người bạn thật sự hẳn sẽ không rời bỏ bạn mình, dẫu trong lúc hiểm nguy”. Nó đã không bỏ tôi.
Thực ra có tồn tại kiếp sau hay không? Ai mà biết được… Mà thôi , kiếp sau có cũng cứ làm mèo, “cưng” nhé. Vì sao ư? Đừng hỏi ta. Chính mi đã cho ta câu trả lời rồi.
Ngày mai, không, không cần ngày mai đâu, ngay hôm nay, ta sẽ khác...
Lưu Quang Minh