Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đêm thu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 22061 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đêm thu
Khánh Vân

Chương 6
Sài Gòn thật quá mới mẻ đối với Thu Phong. Cô cứ nghệt mặt ngó cảnh đường phố nội thành với xe cộ chạy như mắc cửi.
Ngày trước một năm đôi ngày cô lên ở với mẹ trên phố chợ, nhưng Biên Hòa dù trù phú cũng không sao bằng Sài Gòn, nhất là Sài Gòn với một ngày thứ bảy như hôm nay.
Ngôi nhà xe chạy vào là một dạng biệt thự hai từng với vườn cây cảnh bao bọc ba hướng. Khi Nguyên mở cửa xe, Thu Phong bước xuống với nhóc Phong, cặp mắt cô nhìn quanh đầy vẻ ngỡ ngàng.
Trên bậc thềm gian nhà chính, đón họ là một thiếu phụ ngồi trên chiếc xe lăn, Thu Phong ngập ngừng bước tới. Nguyên định đưa tay để cô bám, nhưng thấy cô bước chắc chắn và thản nhiên, anh tròn mắt ngó xuống chân cô.
Chà! Anh lắc đầu cười. Cô dâu mới kiểu gì mà đi chân không thế này. Hèn gì mà con đường trải sỏi cô nhỏ cứ xem như pha.
Một tay dắt tay cu Phong, một tay cầm đôi giầy cao gót, Thu Phong bước lên bực tam cấp mà mắt mở to nhìn người trước mặt. Ánh mắt cô e dè, còn ánh mắt của thiếu phụ lại có chút đánh giá, dò xét.
Còn một bậc thềm, cô đứng lại và ngập ngừng khi cúi đầu:
- Chào... dì!
Người đàn bà nhướng mắt rồi mỉm cười. Cầm túi xách của Thu Phong, Nguyên vội bước lên theo đỡ lời:
- Em hãy gọi là cô. Đây là cô Minh, cô ruột của tôi.
Thu Phong lại cúi đầu:
- Dạ, cô Minh.
Lờ đi đôi giày trên tay cháu dâu, bà Minh gật đầu:
- Thu Phong phải không?
- Dạ đúng ạ.
Cô Minh quay xe lại và cười nhẹ:
- Thấy cu Phong chịu cầm tay là tôi có thể đoán ra.
Nguyên bước lên đẩy xe cho cô, anh cười tự nhiên với Thu Phong:
- Vào đi em. Đây là nhà mình rồi.
Thu Phong lọng cọng dắt tay cu Phong theo vào.
Sân nhà bằng gặt xâm trắng, độ bóng của nó làm Thu Phong tưởng tượng có thể soi mặt được. Cô mừng vì mình đang đi chân không, chứ nếu còn cà khệu với đôi giày của chị Xuân Hồng, thế nào cô cũng xoặc chân té lăn quay ra cái sàn bóng loáng này thôi.
Phòng khách rộng có một bộ salon nệm màu vàng nhạt, một cái tivi to đùng trong góc phải, thêm một bộ bàn ghế cao bên trong. Nguyên chỉ xuống ghế và bảo cô ngồi. Ngoái vào trong, anh gọi lớn:
- Dì Tư ơi!
Có tiếng dép từ bên trong khuông cửa nhỏ. Quay lại cô, anh vỗ vỗ vào cái túi và nói:
- Để tôi đem hành lý của em lên phòng trước. Em ngồi đây nói chuyện với cô Minh nhé.
Thu Phong dạ nhỏ và nhìn anh bước nhanh lên thang lầu.
Một người đàn bà mập mạp mặt có vẻ phúc hậu từ nhà sau bước lên với khay nước. Không có mặt Nguyên, bà Minh giới thiệu vắn tắt với cô:
- Đây là dì Tư, dì lo việc cơm nước và dọn dẹp trong nhà.
Thu Phong chào dì, dì Tư cũng cười đáp lễ:
- Chào cô!
Bà Minh nói:
- Thu Phong trùng tên với cu Phong, nên để tiện, chị Tư nên gọi là cô Hai.
Giọng bà có vẻ nghiêm trang và cách biệt khiến Thu Phong hơi lạ lùng. Dì Tư sửa lại thật nhanh:
- Cô Hai !
Bà Minh hắng giọng:
- Đã có cơm chưa hả chị Tư?
Dì Tư gật đầu:
- Đã có rồi, để tôi vào bày bàn.
Bà quay vào trong với vẻ kính cẩn. Còn lại Thu Phong ngồi trước bà Minh, cô e ngại trước vẻ dò xét của bà, tay cô đan vào nhau mà mấy đầu ngón tay dường như muốn lạnh. Cu Phong ngồi cạnh bên cũng im thin thít như tính nhát nhúa trước đây.
Bà Minh hắng giọng hỏi:
- Cháu là con thứ ba của anh Hai Trạng à?
Cô ngẩng lên nhìn bà với chút ngạc nhiên. Gật nhẹ đầu, cô đáp:
- Dạ, cô biết ba con?
Bà Minh nhìn xuống ly nước:
- Có biết qua.
Im lặng một lúc, rồi bà hắng giọng hỏi:
- Nguyên có nói hai tháng nữa cháu mới đủ mười tám, có phải không?
Cô lại gật đầu:
- Dạ, con sanh vào tháng chín, cuối thu.
Bà nhìn cô chăm chú:
- Cháu đã học đến đâu rồi? Ở quê vẫn còn đi học chứ?
- Dạ, năm nay con mới đậu vào lớp mười. - Ngập ngừng một chút, cô nói - Nếu không lên đây, tháng chín con vào lớp mười trường tỉnh.
- Lớp mười? - Bà Minh ngạc nhiên - Sao lại học trễ như vậy?
Thu Phong đáp vắn tắt:
- Năm con đến tuổi đi học, nhà con có vài chuyện nên con trễ hai năm.
Cô không nói rõ ra vài chuyện ấy chính là giai đoạn ba và má ly dị. Ba đưa cô về quê nội sống, mấy năm liền ông quên bẵng chuyện cho con đến trường.
Bà Minh cũng không để ý đến chi tiết cặn kẽ, bà gật đầu:
- Nguyên nó bận công chuyện rất nhiều, nên quyết định đón cháu về sớm để tập làm quen với mọn chuyện trong nhà. Nó có nhờ tôi trong mấy tháng ở đây giúp đỡ, chỉ vẽ cho cháu.
Bà nhìn thẳng vào mắt cô và trang nghiêm nói:
- Vì ngày xưa tôi với ba cháu cũng là bạn cũ, nên việc này, tôi đã nhận lời. Có điều tính tôi vốn nguyên tắc, mong là cháu cố gắng nắm bắt những gì tôi chỉ bảo, để công sức mấy tháng về Việt Nam của tôi không bị phí hoài.
- Mấy tháng về Việt Nam? - Thu Phong ngạc nhiên lập lại.
Nguyên trở xuống trong chiếc áo sơ mi mới, đầu tóc chải gọn. Đặt chiếc cặp táp nặng chịnh lên bàn, anh giải thích:
- Cô Minh ở Pháp về đây chơi mấy tháng. Nên tôi cũng nhân dịp mà nhờ cô giúp đỡ trong công việc tế nhị và cần thiết này.
Thu Phong hiểu ra. Bà Minh còn định nói gì đó thì dì Tư đã bước lên:
- Tôi đã dọn cơm rồi, mời bà Minh và cậu Nguyên, cô Hai vào dùng cơm.
- Cô Hai? - Nguyên ngạc nhiên nhìn bà cô.
Bà Minh nói ngay:
- Để khỏi trùng tên với thằng bé.
Nguyên nhướng mày, nhưng không nói gì.
Mọn người lục đục đứng lên. Thu Phong bước được vài bước, bỗng khựng người quay lại. Nguyên chận hỏi :
- Gì vậy Thu Phong?
- Còn cu Phong nữa.
Mọi người bỗng quay nhìn cô một thoáng, Nguyên liền khoát tay:
- Chúng ta cứ vào ăn, cu Phong đã có dì Tư săn sóc.
Săn sóc? Thu Phong không hiểu lắm. Dáng chú nhóc lọt tõm giữa bộ salon rộng, mắt cụp xuống im lìm khiến cô cảm thấy bất nhẫn:
- Đi vào Thu Phong ! - Nguyên nhắc lần nữa, tay anh đẩy khuỷu tay cô.
Dù muốn dắt chú bạn nhỏ theo, nhưng ánh mắt bà Minh cho cô thấy mình đành phải theo chân những người lớn vào nhà trong.
Phòng ăn cũng tương đối rộng với một gia đình ít người như gia đình này. Cái bàn ăn hình oval làm cô lọng cọng không biết ngồi vào đâu. May mà Nguyên biết ý đã kéo chiếc ghế cạnh anh cho cô. Bà Minh cũng được anh đỡ lên ghế bên kia.
Bữa ăn có các món ăn lạ, những món ngon và đặc biệt, Thu Phong vẫn không thấy ngon miệng lắm vì nhiều nguyên do. Trên bàn, bà Minh đang hỏi chuyện Nguyên:
- Mai con đi Hà Nội phải không?
Gắp cho Thu Phong miếng sườn chua ngọt, anh gật đầu:
- Dạ, đi hơi sớm.
- Mấy giờ?
- Chuyến bay bẩy giờ rưỡi. - Nguyên đáp - Năm giờ rưỡi con phải có mặt ở sân bay rồi.
- Vậy thì chiều nay...
Nguyên ngắt lời:
- Chiều nay con có cuộc họp, cũng không quan trọng lắm, con sẽ cố về nhà sớm.
Bà Minh gật đầu:
- Ừ, về sớm được thì tốt.
Bà chắt lưỡi:
- Công việc cũa con sao bận rộn quá chừng, tốc độ làm việc bên Pháp cũng căng, nhưng cô thấy cũng không bằng con ở đây.
Nguyên mỉm cười:
- Tại công ty đang nhận thầu một lúc mấy công trình lớn, nên con mới tất bật như vậy, vài năm dần ổn định và khuếch trương, con nghĩ sẽ đỡ hơn.
Bà Minh nhướng mày:
- Những vài năm nữa ư? Cô chỉ sợ với kiểu làm việc bất kể thời gian như thế, con sẽ bạc tóc trước ba mươi thôi.
Nguyên bật cười không đáp. Anh quay qua Thu Phong:
- Thật sự là công việc của tôi bận rộn lắm. Em cố gắng ở lại nhà, học hỏi mọi chuyện từ cô Minh nhé. Tôi nghĩ vài tháng nữa, em sẽ quen với cuộc sống mới thôi.
Cô gật đầu không đáp, lòng thấy trĩu nặng vì hiểu rằng với kiểu tất bật công việc như của Nguyên, chắc khó mà anh thực hiện lời hứa đưa cô thường xuyên về thăm nhà, thăm ba rồi.
Cuộc nói chuyện lại tiếp tục trong bàn ăn với những câu hỏi, những câu phàn nàn của bà Minh. Nguyên chỉ đáp gọn để trả lời bà.
Thu Phong đã để ý dì Tư từ đầu bữa đã sắp sẵn một cái khay với một vài món ăn và chén cơm nhỏ, rồi bưng ra phòng khách. Có lẽ là dành cho cu Phong, cô thầm đóan.
Bữa ăn rồi cũng qua, Nguyên đứng dậy nói :
- Cô lo cho em Phong dùm con, con đến giờ họp rồi.
Cô Minh gật đầu:
- Ừ, cô biết, con cứ đi đi.
Anh vừa nắn lại nút cà vạt vừa nói với cô:
- Em ở nhà nhé. Có gì cứ hỏi cô Minh, tôi bận việc. Tối ta gặp lại.
Thu Phong dạ nhỏ.
Nguyên đi với vẻ hơi hấp tấp. Tiếng xe của anh nhỏ dần theo tiếng đóng cửa của dì Tư.
Khi dì Tư trở vào, bà Minh nói:
- Đã cho cu Phong ngủ chưa, chị Tư?
Dì Tư đáp:
- Dạ rồi. Cu Phong đã lên phòng trước khi cậu Nguyên đi.
Bà Minh gật đầu quay qua cô:
- Đi đường chắc cũng mệt, vậy cháu có muốn lên phòng nghỉ một chút không? Dì Tư sẽ chỉ phòng cho cháu.
Cô lắc đầu:
- Dạ con không quen ngủ trưa.
Bà Minh cười:
- Vậy cũng tốt, tôi ở Pháp lâu năm, về đây cũng không ngủ trưa được. Vậy tôi và cháu ra phòng khách nói chuyện.
Trở ra phòng khách, cu Phong đã không thấy. Dì Tư đặt lên cái bàn thấp một đĩa trái cây mới và bộ ấm tách trà mới pha. Thu Phong ngồi đối diện bà Minh.
Thấy cô thỉnh thoảng nhìn cái xe lăn của mình, bà nói ngay:
- Tôi bị tai nạn ở bên Pháp. Đã mấy năm rồi.
Thu Phong đỏ mặt:
- Con xin lỗi.
Bà nhìn cô với vẻ thản nhiên :
- Không sao. Tôi đã quen với những cái nhìn hiếu kỳ như thế. Nhưng tôi muốn nhắc cho cháu nhớ, là con gái ông Hai Trạng, cháu có thể hiếu kỳ nhìn ngó những cái gì khác thường, nhưng đã là vợ thằng Nguyên, cháu cần phải chững chạc và đừng để người đối diện phải lạ lùng cho phong cách của mình.
Thu Phong nhướng mày ngồi im. Bà nói có vẻ dễ hiểu, nhưng làm sao mà có thể không nhìn và tò mò về những gì mình thấy lạ được nhỉ?
Trước đây có lần ba cô đã bảo cô tương tự như bà, nhưng cô thật tình khó mà che dấu suy nghĩ của mình được.
Bà Minh nhìn cô một lúc rồi nói:
- Cháu đang nghĩ gì?
Cô giật mình ngẩng lên:
- Hơ ! Con...
- Cứ nói thật ra, tôi cho phép.
Cô ngập ngừng:
- Con chỉ đang nghĩ... Con biết tính quá tò mò có thể chạm đến tự ái hay mặc cảm của người khác nhưng cũng hơi khó khi phải che dấu cảm xúc của mình.
Bà Minh gật gù:
- Tôi hiểu. Vậy tôi thử hỏi cháu nhé. Cháu sắp mười tám có phải không?
Cô dạ nhỏ. Bà lại hỏi:
- Vậy cháu muốn mình là người lớn hay muốn mình mãi là một đứa trẻ con chỉ biết vui không biết buồn?
Trời, nếu mà câu hỏi này bà đặt ra trước cái ngày hôm nay, chắc chắn cô sẽ trả lời bà rằng mình thích mãi là con nít chỉ biết vui không biết buồn. Nhưng bây giờ trên cổ cô có sợi dây chuyền ràng buộc, cô đã có mấy cái lạy chung với một người trước bàn thờ tổ tiên trong sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làm sao mà cô trả lời theo ý được đây.
Thấy cô ngập ngừng không nói, bà nói :
- Nguyên có nói qua, nên tôi hiểu cháu là một cô gái nhỏ dù đã mười tám nhưng chưa chịu trưởng thành.
Thu Phong ngẩng nhìn bà ngạc nhiên. Thật sự anh ta nhận xét về cô như vậy sao nhỉ?
Bà Minh vẫn đang nói:
- Cuộc hôn nhân này được tiến hành vì nhiều lý do. Một trong những lý do là vì thằng Phong con nó. Nhưng lý do khác là Nguyên nó cũng muốn giúp cháu, muốn giúp gia đình cháu trong tình hình hiện nay.
Thu Phong buột miệng hỏi:
- Sao lại chủ yếu vì cu Phong hả cô?
- Vì mẹ thằng Phong đã mất hai năm trước, Nguyên nó quá bận rộn, thằng Phong cần một người mẹ chăm sóc.
- Nhưng... Anh Nguyên có thể tìm cô gái khác hiền hậu, dịu dàng làm mẹ kế cho con ảnh cũng được mà.
Bà Minh hơi cau mày vì kiểu nói lý lẽ chen ngang của cô, nhưng bà kiên nhẫn giải thích:
- Cu Phong từ nhỏ là đứa tính khí nhút nhát khó gần. Không ai có thể cậy miệng hay làm nó vui vẻ được, ngoại trừ ba nó, Nguyên sợ con sẽ như vậy mãi, vì nó không có nhà, thằng bé lại càng co mình không dám quan tâm đến ai hay cái gì.
Bà nhìn cô:
- Chỉ có cháu, không hiểu với mối liên hệ nào mà cháu đã làm nó thích thú và yêu mến.
Thì ra là vậy. Thu Phong nghĩ đến buổi sáng hôm nào bên hồ. Cô không ngờ đó là một sáng định mệnh làm cho người đàn ông thành thị kia có quyết định lạ lùng, và đứa con gái quê như cô bị cuốn vào một cuộc phiêu lưu không tưởng.
Bà Minh nói:
- Để đưa cháu về sớm hơn lễ cưới, Nguyên nó đã thuận theo điều kiện nào đó để giúp đỡ mẹ cháu. Coi như là chúng tôi đã tỏ thành ý trước, vậy tôi mong cháu cũng sẽ vì chuyện tế nhị này mà giúp đỡ nó trong việc chăm sóc đứa con và coi sóc gia đình.
Cô ngập ngừng:
- Con đã hứa với ba con là sẽ là một người vợ tốt, một người mẹ tốt, nhưng... con thú thật rằng cho đến bây giờ, con vẫn không biết phải làm sao.
Bà Minh nhìn cô thật lâu như dò xét trong câu nói thành thật kia có gì đáng ngờ, rồi bà chậm rãi nói:
- Tôi ở lại đây một vài tháng, tôi sẽ chỉ vẽ đôi chút cho cháu.
Cô khẽ gật:
- Con xin cám ơn cô.
Bà Minh khoát tay:
- Khoan cám ơn tôi. Cháu có thể thay đổi sao cho xứng hợp với nhà này, đó, đã là tốt lắm rồi.
Cô rụt rè hỏi:
- Nhà ta... có nhiều bà con không cô?
Bà Minh gật :
- Khá nhiều. Và bạn bè của nó nữa, đa số là những người có tên tuổi. Cho nên tôi không muốn cháu phải trình diện họ quá sớm.
Nhìn hai cái bím tóc của cô, rồi nhìn xuống đôi chân không từ nãy giờ, bà Minh thở dài:
- Chắc là công việc của tôi không nhẹ đâu. Hôm nay cứ để cháu quen với phòng ốc, với nhà cửa đi đã. Mai chúng ta bắt đầu bắt tay vào công việc cũng không muộn.
Thu Phong im lặng. Cô đã biết từ lâu rằng nhiệm vụ của cô cũng không nhẹ gì. Mai bắt đầu ư? Cũng được, như vậy ít nhất cô còn được một buổi tối yên tĩnh của riêng mình, để mai đây sẽ trở thành một "cô Hai" với vai trò mới.
Thu Phong bước theo Nguyên ra sân thượng. Một bóng đèn thật to và đẹp được treo trên cao, chiếu tỏ vài chậu cảnh và một bộ bàn ghế màu trắng.
Ngồi xuống ghế đối diện anh, cô hít một hơi dài khoan khoái.
- A! Mùi ngọc lan. Thì ra dưới vườn nhà anh có hoa ngọc lan.
Nguyên mỉm cười:
- Đúng rồi. Nó nằm sát mé tường bên phải.
- Thơm ghê ! - Cô hít hà.
Nguyên định cầm ấm trà dì Tư mới pha, nhưng Thu Phong đã nhổm lên dành lấy:
- Anh để tôi.
Anh ngồi yên ngắm cách cô tráng tách và rót trà một cách quen thuộc, cô cười:
- Ở quê, tôi thỉnh thoảng cùng ba tôi uống trà nên cũng không tệ với mấy chuyện này.
- Chắc là vào những lúc trăng sáng.
Thu Phong trố mắt nhìn anh:
- Sao anh biết hay vậy? Bộ ba tôi kể cho anh nghe à?
- Không - Nguyên lắc đầu cười - Tôi chỉ đoán vậy, vì một trong những thú vui tao nhã và dân dã là uống trà tàu ngắm trăng. Những thi sĩ ngày xưa của các triều đại vua chúa bên tàu cũng có thú vui đó. Họ uống trà ngắm trăng và làm thơ, ngâm thơ.
Thu Phong đặt nhẹ tách trà bốc khói trước mặt anh :
- Tôi là người miền quê, ba chỉ dậy tôi sơ sơ về nghệ thuật uống trà, ba và tôi uống trà, ngắm trăng, nhưng không ngâm thơ mà lại ca hát.
- Ca hát? - Nguyên hơi ngạc nhiên.
- Ừ, ba dậy tôi nhiều bài hát lắm, toàn là những bài vui nhộn.
Hớp một ngụm trà Nguyên vỡ lẽ:
- Thì ra là vậy. Tôi biết rồi, những bài hát mà có lần chúng ta gặp nhau bên hồ, em vô tình hát lên làm cho tôi phải bật cười đó phải không?
Thu Phong cười gật đầu:
- Ừm đúng rồi, là những bài đó.
Nguyên gật gù, im lặng một lúc, anh chợt nói:
- Thu Phong nè, có những điều tôi cần góp ý với em, nhưng cũng mong là em không lấy đó làm buồn bực.
Đã nâng tách trà lên, nhưng cô khựng người bỏ xuống và ngồi thẳng lên e dè:
- Anh nói đi.
Nguyên hắng giọng mở lời:
- Tôi đi bước nữa cũng chỉ vì muốn con trai mình có người mẹ tốt, tôi mong em hãy vì chuyện này bỏ những chữ "ê", "ừ" đi, có được không? Tôi nhớ khi nói chuyện với cô Minh, em cũng "dạ" ngọt ngào lắm mà.
Thu Phong đỏ mặt:
- Tôi... xin lỗi anh, tôi quá vô ý.
- Không cần xin lỗi tôi, chỉ mong là em có thể sửa.
Cô gật đầu:
- Tôi biết rồi. Tôi sẽ sửa.
Anh nhìn cô:
- Còn nữa, vì cu Phong chỉ chịu tiếp xúc với em là người thứ hai ngoài tôi ra, nên em hãy cố làm một tấm gương sáng cho nó soi vào.
- Tấm gương sáng? - Cô tròn mắt.
- Phải, tôi biết việc này cũng không dễ vì có mấy ai được hoàn hảo đâu, nhưng tôi nghĩ nếu cố gắng, em có thể là người mẹ tốt nhất, thích hợp nhất đối với con trai của tôi.
Thu Phong im lặng. Nghĩ ngợi một lúc, cô thắc mắc:
- Sao anh lại chọn đúng tôi nhỉ? Tôi dù có thể làm cu Phong vui vẻ một tí, nhưng cái tính nhút nhát này cũng đâu phải là mãi mãi, tại vì nhóc Phong cứ ru rú ở trong nhà, tôi nghĩ nếu đến tuổi đi học, vào trường có thầy cô, bạn bè thì em có thể bình thường hồn nhiên và vô tư ngay như bao đứa trẻ khác thôi mà.
Nguyên lắc đầu:
- Thoạt đầu tôi cũng tưởng như thế.
- Thoạt đầu tôi cũng tưởng như thế, nhưng tôi đã cố tìm mọi cách rồi. Cu Phong từ năm ngoái, năm kia, tôi đã thử gửi bé đi nhà trẻ, nhưng chỉ được nữa buổi thì đành phải đem về.
- Tại sao?
Nguyên chắt lưỡi:
- Đầu tiên, nó không chịu vào lớp, tôi cố gắng tách khỏi nó để đi làm, thì nó khóc vang trời. Vào công ty, chỉ được hơn một tiếng, nhà trẻ đã gọi đến, bảo nó cứ khóc mãi cho đến khi ngất đi phải đi cấp cứu.
Thu Phong cau mày:
- Có thể tại lần đầu đến trường, quang cảnh lạ làm nó quá sợ thôi.
Đốt một điếu thuốc, Nguyên phân trần:
- Tôi đã thử nhiều lần rồi, nhà trẻ công, nhà trẻ tư, nhà trẻ tốt nhất thành phố này, tất cả tôi đều đưa nó đến, thậm chí tôi còn mướn mấy lượt gia sư giữ trẻ nhưng vô hiệu.
Thở ra một luồn khói nhạt, anh trầm giọng:
- Em cũng hiểu công việc của tôi rất bận. Hai năm gần đây nó làm tôi thật chật vật khổ sở, tôi đã từng có nhiều cơ hội thành công hơn nữa, nhưng vì thương con nên đành chịu để vuột khỏi tay.
- Đến nỗi vậy sao? - Cô đăm chiêu.
Nguyên nhún vai:
- Chắc em chưa nhìn thấy cảnh tôi ngồi trong phòng làm việc, còn nó ngồi ở góc nhà, im lìm ngồi bên đồng hồ chơi hàng tiếng đồng hồ. Tôi mải mê với công việc tất bật, lâu lâu nhớ ra nhìn lại, thấy nó vẫn ngồi y nguyên như thế, mắt cứ nhìn lặng lờ như kẻ bị bịnh trầm cảm hạng nặng, đồ chơi đầy đó nhưng vẫn không đụng đến.
Anh thở dài:
- Em coi, có một đứa con trai duy nhất, nó xinh đẹp, dễ thương là vậy, mà sao lại có tính nhút nhát ngược ngạo lạ đời, tôi cũng khổ tâm lắm chứ. Nhìn thấy nó như vậy thì còn lòng dạ nào bỏ nó lại nhà mà đi hoài được.
Thấy cô thừ người như đồng cảm, anh kể tiếp:
- Dì Thẩm có biết chuyện của tôi, nên đã đề nghị tôi lấy vợ kế, để mong thời gian tôi bận bịu, người ta sẽ thay tôi mà lo lắng chăm sóc cho cu Phong.
Thu Phong ngẩn lên:
- Cho nên hôm ấy anh đã đến nhà tôi?
Nguyên gật:
- Theo tôi biết, người mà dì Thẩm định mai mối cho tôi là hai chị lớn của em, nhưng không hiểu tình cờ sao tôi và cu Phong lại gặp em bên cái hồ đẹp đó.
Và anh cười:
- Những câu hát vui và cái dáng em nằm giữa hồ hát nghêu ngao có lẽ làm nó có ấn tượng thú vị, nên tôi thật sự rất ngạc nhiên khi thấy nó cười. Và lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi chứng kiến cảnh nó bắt tay nói chuyện với em.
Thu Phong thẫn thờ:
- Cho nên anh đã nghĩ đến tôi cho vai trò lạ lùng này. Nhưng sao anh không nghĩ là chị hai tôi sẽ thích hợp với nhiệm vụ này hơn. Chị Hai hiền hậu, chững chạc, hợp với vai trò làm vợ, làm mẹ hơn tôi nhiều.
Nguyên lắc đầu:
- Không được. Tôi chưa kịp chọn thì con tôi đã chọn rồi. Nó đã chọn em thì tức là chỉ có em mới có thể gần gũi nó, tôi lấy vợ lần này cũng chỉ vì cần người mẹ cho con trai thôi, việc gì phải tìm người thích hợp với tôi.
Thu Phong nhìn anh. Lời khẳng định của anh làm cô thấy lạ tai. Cô im lặng một chút rồi hỏi:
- Năm nay cu Phong bao nhiêu tuổi rồi hả anh Nguyên?
- Bốn tuổi.
- Xưa nay nó cứ như vậy à? Ý tôi là nhát hít và lúc nào cũng như vậy?
Nguyên lắc đầu xác nhận:
- Nó ít nói, ít cười. Và dường như càng ngày càng nặng hơn. Những khi tôi đi công tác xa, thậm chí nó không chịu ăn cơm.
Thu Phong chợt nhớ đến bữa cơm chưa và cả bữa cơm tối vừa xong, cô hỏi:
- Sao anh lại cho nó ăn riêng?
Anh nhìn cô:
- Em không biết đâu. Nó rất kén ăn. Tôi đã cố gắng lắm mới rèn nó ăn riêng kiểu ấy.
- Vậy cái mâm cơm của dì Tư hôm nay, cu Phong chịu ăn hết không?
Nguyên cười:
- Không, nó không ăn hết đâu. Dì Tư cũng gian khổ lắm trong công việc đút cơm cho nó. Nhưng xưa nay nó cứ ngậm hoài không chịu nhai, không chịu nuốt. Chỉ được một phần ba chén cơm là hay lắm rồi.
Thu Phong nhíu mày lặng thinh. Nguyên nhìn cô một lúc rồi hắng giọng hỏi :
- Thật ra tôi cũng không biết rõ về hoàn cảnh nhà em lắm. Hình như em quí ba hơn má phải không?
Chợt giật mình trước câu hỏi quan tâm của anh, cô gật đầu:
- Đúng rồi. Bởi vì tôi từ nhỏ đến lớn sống với ba.
- Tại sao chỉ sống với ba? Còn má em?
Thấy cô ngần ngừ, anh nói :
- Thôi không sao. Em không nói rõ cũng được.
Thu Phong vụt thở hắt:
- Không phải tôi muốn giấu diếm anh, chỉ là vì... từ lâu ba má tôi đã ly dị, vì vậy ba tôi đem tôi về quê sống cho đến giờ.
Nguyên có vẻ chú ý :
- Ly dị? Đã bao lâu rồi?
- Hồi tôi sáu bảy tuổi. Tuy mỗi năm ba có đưa tôi lên ở chung với má và mấy chị vài ngày, nhưng tôi... có sự cảm nhận là họ không thích sự có mặt của tôi lắm, nên thật tình mà nói, tôi không thích lên đó.
Nguyên cau mày:
- Vậy tại sao má em lại còn đem gả em cho tôi?
Thu Phong nhún vai:
- Má muốn gả chị Hai, chị Ba thôi, mà tại anh lại khai tên tôi ra, nên má mới quay qua thuyết phục tôi.
Nguyên hiểu ra, anh nhìn cô:
- Em gan thật, nhưng cũng... có hiếu lắm chứ? Tôi biết em vì sự khó khăn của má mà nhận lời.
Thu Phong cười gượng:
- Nói đúng hơn là tôi thoạt đầu vì lời thuyết phục của má, nhưng tôi không gan góc gì đâu. Chỉ vì sau đó ba tôi cũng thuận lòng với chuyện này, ba tôi bảo đã tìm gặp anh, còn nói... anh là người tốt, ba bảo tôi đừng quá sợ.
Nguyên nhướng mày rồi bật cười :
- Tôi thường ngày cũng chẳng tốt gì lắm, nhưng nếu em đã tin tưởng tôi như vậy, thì tôi sẽ cố đóng chọn vai trò người tốt một phen.
Im lặng ngẫm nghĩ giây lát, rồi anh nói :
- Tôi đã có chút dự tính như thế này, nói rõ với em luôn để em hiểu rõ tình hình của chúng ta.
Anh hắng giọng nói nghiêm chỉnh:
- Như tôi đã nói qua, tôi lấy vợ là để con tôi có người chăm sóc, có thể em cho tôi là ích kỷ, nhưng thú thật mà nói, để có em về nhà, tôi đã không nề hà chuyện tốn kém và cả việc bảo lãnh số nợ nần của bà mẹ vợ.
Câu nói trần trụi của anh làm cô đỏ mặt tủi hổ, nhưng cô biết đó cũng là sự thật, làm sao cô ngăn anh đừng nói ra.
Ánh mắt anh sắc bén khi nhìn cô:
- Xin lỗi em vì cách nói này, chúng ta chỉ nói hôm nay thôi, em cũng đừng ngại là tôi sẽ đay nghiến hoặc nhắc lại chuyện này. Vì từ khi em về đây, chúng ta đã là người nhà.
Thấy cô im lặng lắng nghe, anh nói :
- Thứ nhất, tôi muốn em hiểu chách nhiệm và vai trò của em chủ yếu là ở cu Phong. Em hãy làm mẹ, hoặc làm bạn nó cũng được, làm sao cho nó vui vẻ cởi mở như em đã từng thành công khi kết bạn với nó bên hồ. Đừng để nó lớn lên với tính nhút nhát làm tôi khổ tâm ấy.
Giọng anh đều đều:
- Thứ hai, em cũng đừng e ngại chuyện chồng vợ. Tôi hứa sẽ không bao giờ làm em khó xử hay sợ hãi trong chuyện tế nhị này. Còn nữa, vì em đã cho tôi là người tốt, nên tôi đã nghĩ thêm một chuyện vì em.
Nhìn vẻ tò mò của cô, anh buông giọng:
- Đó là nếu em chăm sóc cu Phong chu đáo. Khi đủ tuổi đến trường, nó chịu đi học như những đứa trẻ khác, coi tình hình, tôi sẽ giúp em học tiếp trung học.
- Học tiếp? - Cô ngẩng đầu kêu lên - Anh nói thật chứ?
Nguyên gật :
- Thật. Dĩ nhiên là phải xem tình hình lúc ấy nữa. Nếu cu Phong đến trường bình thường, vui vẻ như bao đứa trẻ bằng tuổi nó, thời giờ nó đi học, cũng là thời giờ em đi học.
Thu Phong ngập ngừng rồi gật nhẹ đầu:
- Vậy... thì cũng tốt. Tôi nhất định sẽ cố gắng thuyết phục để cu Phong đến trường đúng tuổi.
Nguyên mỉm cười trước sự vui thích của cô :
- Không ngờ em ham học như vậy.
Thu Phong cười gượng:
- Được học tất nhiên là ham rồi, ru rú ở nhà mới chán chứ. Anh đừng lo, tôi sẽ ảnh hưởng cu Phong cả cái tính này. Thích học, thích bạn, chứ không thích nhốt mình hoài trong nhà như thế. Nhất là con trai như em.
Rồi cô nhắc :
- Nãy giờ anh nói hai điều rồi, còn điều thứ ba, thứ tư gì không, anh nói luôn đi.
Nguyên nhìn cô chăm chú rồi chợt gật đầu:
- Có, điều thứ ba này tôi vừa mới nghĩ ra đây thôi. Đó là mong em vì cu Phong mà hạn chế chuyện bạn bè.
Cô ngơ ngác :
- Bạn bè? Tôi có bạn bè với ai đâu. Tôi chỉ mới đến cái đất này hôm qua. Nếu có thể nói mới chỉ có một người trùng tên thôi.
Nguyên bật cười :
- Không. Ý tôi không phải bạn bè suông kiểu đó.
Anh ngừng một lúc để tìm lời giải thích :
- Tôi cũng hiểu tình cảm của tuổi trẻ thì... không biết lúc nào sẽ đến, nhưng tôi muốn nói... Nếu mai mốt em có gặp người vừa ý, tôi nhất định sẽ thành toàn cho em. Có điều tôi mong là chuyện đó xảy ra muộn muộn một chút, để cu Phong lớn và không còn đáng lo như hiện tại.
Thu Phong chớp mắt mấy cái. Rồi cô chợt hiểu. Cô có vẻ hơi nhợt nhạt, nhưng vẫn gượng cười :
- Chuyện đó thì xa xôi quá. Nhưng... tôi cũng cám ơn anh đã nghĩ điều này giùm tôi. Đến chừng đó hãy tính đi.
Nguyên gật đầu. Rồi trầm ngâm như nghiền ngẫm điều gì nữa. Tách trà như nguội lạnh nhưng Thu Phong không màng đến. Ngập ngừng một lúc, rồi cô nói :
- Tôi cũng có chút điều cần giao hẹn với anh.
- Em nói thử nghe xem. - Nguyên ngẩng lên.
Cô bậm môi suy nghĩ rồi nói :
- Tôi thật tình cũng rất quý mến cu Phong, tôi sẽ cố gắng lo lắng cho em, nhưng tôi cũng xin phép anh cho mình có chút quyền hạn để thay đổi vài thói quen của em.
- Thay đổi thói quen? - Nguyên ngạc nhiên nhìn cô - Thay đổi vì quyền lợi của nó chứ?
Thu Phong gật:
- Tất nhiên là vậy, nếu anh đã đồng ý thì điều trước tiên tôi muốn thay đổi là mong anh cho cu Phong được ngồi vào bàn ăn như mọi người trong gia đình.
- Nhưng nó...
- Tôi biết là em biếng ăn và có thể có vài tật xấu nào đó, nhưng tôi sẽ từ từ sửa cho em, anh hứa với tôi đi, nếu cu Phong ngoan ngoãn ăn uống chững chạc, bình thường hơn thì anh cho em ngồi chung bàn mỗi buổi ăn chứ?
Nguyên nhìn cô đăm đăm, cuối cùng anh gật đầu:
- Thôi được, nhưng đó là nếu nó ngoan hơn.
- Dĩ nhiên rồi, tôi hứa với anh là sẽ kèm em.
Nguyên có vẻ thú vị với chuyện cô vừa đề nghị, anh cười nói:
- Thì ra đây là điều em lo nghĩ trước nhất, có thể cho tôi biết là tại sao không?
Cô nhún vai :
- Chẳng có gì đặc biệt, tôi thấy cảnh một đứa bé nhạy cảm và nhát nhúa như em mà mỗi bữa ăn bị bắt ăn riêng kiểu đó thật như một kiểu kỳ thị trẻ em, tôi thấy buồn cho em. Mọi người hòa đồng nhất là lúc quay quần bên mâm cơm mà. Em bị tách biệt như vậy chắc là rất tủi thân.
Anh lắng nghe rồi chợt đăm chiêu với điếu thuốc. Chờ một lúc, không thấy anh nói gì, cô hỏi :
- Yêu cầu của tôi chỉ có một thì đã nói xong, anh còn điều gì căn dặn nữa không?
Nguyên dụi điếu thuốc vào gạt tàn:
- Chỉ mới có bấy nhiêu thôi, tất cả những gì cần giao ước với nhau, tôi cũng đã nói hết rồi. Nếu có thêm gì nữa, chúng ta sẽ bàn lại sau.
Thu Phong gật đầu, anh nhìn đồng hồ rồi nói :
- Cũng không còn sớm nữa, em vào ngủ đi. Mai tôi đi Hà Nội, có đến mấy ngày mới về, cho nên mọi việc em cứ theo lời cô Minh. Tuy cô có chút khắc khe, nhưng cô rất tốt.
Thu Phong gật đầu:
- Tôi hiểu rồi, vậy chào anh.
- Chào em.
Xuống đến phòng, Thu Phong ngồi trước bàn lục ra quyển sổ nhỏ bìa vàng của mình, cô lật mặt sau của quyển sổ. "Bài thơ vu quy" cô đã nắn nót chép vào đây.
Cô thờ thẫn đọc lại bài thơ. Cảm giác tương lai chông chênh quá trước mặt. Có cô dâu mới nào gặp một hoàn cảnh lạc lối như cô hiện giờ không? Ngay ngày đón cô về, người ta đã rất thành thật nói rõ vị trí của cô trong nhà, đã thành thật phân định ranh giới tình cảm.
Cô chỉ là một đứa con gái nhỏ, chưa kịp yêu ai thật, nhưng những lời nói thẳng và có vẻ trần trụi, những nụ cười tự chủ cùng vẻ khinh mạn tình cảm kia là chút e ấp ban đầu của cô như bị tạt một gáo nước lạnh đến hụt hẫng.
Cô chưa kịp kêu thì bị nếm trải uất ức cao vời vợi của tự ái con gái. Cô không muốn khóc, nhưng bài thơ vu quy trước mặt sao lại quá mờ mịt, nhạt nhòa.

<< Chương 5 | Chương 7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 988

Return to top