Thiết Kỳ Sĩ nói :
-Đại sư bất tất phải khách sáo. Lực lượng tại hạ được tới đâu xin làm tới đó. Có điều về phương diện do thám thì chưa đủ. Tưởng quí giáo nên phái thêm cao thủ hành động. Khi điều tra có được manh mối, tai hạ lập tức đi ngay
Hai nhà sư chấp tay đáp :
-Dĩ nhiên ! Dĩ nhiên ! Có lý nào dám phiền đại hiệp đi mò mẫm, nhưng cần mời đại hiệp tới Lạp Tát. Đạt lại Hoạt Phật còn nhỏ tuổi, bọn bần tăng mong đại hiệp ngồi trấn giữ chỗ phát nguyện của tệ giáo
Thiết Kỳ Sĩ nói :
-Vậy sáng mai xin khởi hành. Nhưng tại hạ có điều muốn thỉnh giáo hai vị. Tại hạ thường nghe trong quí giáo có Hồng Huỳnh lục tăng nổi tiếng võ lâm. Các vị đó vẫn mạnh khỏe chứ ?
Hữu Phụ đại sư thở dài :
-Cái đó toàn là hư danh. Bần tăng chính là một trong Huỳnh tam tăng. Mấy chục năm bần tăng không chịu nói với ai, mà bữa nay trước mặt đại hiệp, bần tăng phải tự thú
Thiết Kỳ Sĩ đứng dậy thi lễ nói :
-Té ra lão sư phó là một trong Lục Tăng ngày trước. Tại hạ cam bề thất kính. Còn năm vị nữa là ai ?
Lão tăng đáp :
-Hai người khác ở Huỳnh giáo bây giờ đang hộ giá bên mình Đạt Lại. Còn ba vị ở Hồng giáo thì hiện ở Tàng Cát Nhĩ Độ. Bọn bần tăng rất lo cho bí lục tâm pháp về Thần thông lực của các vị đó khó giữ được an toàn
Thiết Kỳ Sĩ nói :
-Hay hơn hết là phái cao thủ đến cảnh cáo mấy vị đó một tiếng. Nếu để mất đi lại phải tốn công tìm về
Nhị tăng khen phải luôn miệng rồi đứng dậy cáo từ
Hai nhà sư đi rồi, Văn Đế Đế hỏi :
-Thần thông lực là cái gì ?
Kỳ Dao đáp :
-Thần thông lực là bảo điển về võ công tối cao thâm của Hồng giáo Lạt Ma. Thuỷ tổ giáo phái này là Liên Hoa thượng sư ở Thiên Trúc. Vị hòa thượng đó không những lập ra Hồng giáo ở Tây Tạng mà đồng thời còn dùng Thần thông lực để tảo trừ Hồ Quỉ Phái ở Tây Tạng về cổ thời. Lão lập ra cơ sở kiêm cố cho nên Phật giáo ở Tây Tạng khỏi lung lay
Văn Đế Đế hỏi :
-Giữa Ban thiền và Đạt lại, địa vị nào cao hơn ?
Kỳ Dao lắc đầu đáp :
-Địa vị cao bằng nhau. Bọn họ là sư huynh chuyển thế hết, đời này qua đời khác thường giữ nguyên chức. Đạt lại nắm quyền chính trị, quân sự, tôn giáo. Ban thiền chuyên giữ giáo quyền. Vị thủy tổ ở Huỳnh giáo là Tôn Khách Ba. Lão có hai tên đệ từ. Đạt lại là đệ tử thứ nhứt của Tôn Khác Ba, Bao thiền là Nhị đệ tử đời thứ nhứt của lão
Văn Đế Đế cười nói :
-Tiểu muội không tin
Kỳ Dao cũng cười đáp :
-Vì Văn muội không phải là người Tây Tạng
Thiết Kỳ Sĩ nói :
-Còn một chuyện tức cười nữa là nếu vị Đạt lại này chất đi thì bọn họ do Ban thiền phát lệnh khiến cho toàn thể các Lạt Ma ở Tây Tạng phải phát động đi kiếm nơi Đạt lại chuyển thế. Bao nhiêu đứa nhỏ sinh vào giữa lúc Đạt lại qua đời đều phải ghi lấy báo cáo với Ban thiền. Chờ khi những đứa nhỏ đó biết đi, Ban thiền tự mình đến hỏi từng tên một. Sau khi Ban thiền nhận định đứa nào là hậu thân của Đạt lại thì nó sẽ được đón về Lạp Tát tiếp nhiệm ngôi Đạt lại
Văn Đế Đế hỏi :
-Trẻ nít thì còn biết gì mà hỏi ?
Thiết Kỳ Sĩ cười đáp :
-Nhưng nó biết rõ kiếp trước
Văn Đế Đế tức mình thóa mạ :
-Thuyết này thật láo khoét
Mấy người nói chuyện một lúc rồi, Thiết Kỳ Sĩ ra ngoài quan sát xong liền quay vào ngủ, điểm tâm cũng không ăn nữa
Hôm sau ăn cơm xong, Hữu phụ đại sư lại tới. Chính y thân hành bồi tiếp Thiết Kỳ Sĩ đi Lạt Tát
Văn Đế Đế ngồi trong xe khẽ hỏi Kỳ Dao
-Thư thư ! Danh tử Đạt Lai là nghĩa gì ? Nó không phải họ cũng chẳng phải tên
Kỳ Dao đáp :
-Đạt Lại nguyên là hai chữ “ đại hải ” ở tiếng Mông Cổ phiên âm ra. Hán văn. Nguyên từ đời vua Am Đáp Hàn xứ Mông Cổ tự xưng là Đại Lại ý nói đức sâu như biển, dung nạp được muôn vật. Từ đó Đạt Lại trở nên định hiệu.
Xe ngựa chạy đến cửa sông Tam Giang thì vừa tối. Lúc này trời vẫn mưa tuyết lớn. Thiết Kỳ Sĩ hỏi Hữu Phụng đại sư:
-Lão sư phó! Phía trước là địa phương nào?
Nhà sư chắp tay đáp:
-Đây là chỗ hợp lưu sông Lạp Tát và sông Nhã Lỗ Tàng Bố. Phía trước có thị trấn kêu bằng Cống Cát. Từ đay đến Lạp Tát còn đến bảy chục dặm. Đêm nay hãy dừng lại quách.
Thiết Kỳ Sĩ nói:
-Trời gió to tuyết dữ, xe ngựa không đi được, nhưng người vẫn tiếp tục lên đường, chúng ta cần phải đến chùa Bố Đạt Lạp vào canh một đem nay mới được.
Lão tăng hỏi:
-Như vậy e rằng là cho hai vị nữ thí chủ cực nhọc quá, để mai hãy thượng lộ nên chăng?
Thiết Kỳ Sĩ lắc đầu đáp:
-Không được. Có thể đêm nay sẽ xẩy chuyện ở chùa Bố Đạt Lạp.
Nhà sư già cả kinh hỏi:
-Thí chủ có tiên cảm như vậy hay sao?
Thiết Kỳ Sĩ đáp:
-Không phải tiên cảm, mà là một toán nhân vật võ công rất cao thâm đã đi trước bọn ta rồi.
Lão tăng vội xuống ngựa. Hai cô ở trông xe nghe tiếng cũng đồng thời nhảy xuống hỏi:
-Sĩ ca đã nhìn thấy gì?
-Có bảy bóng vàng vọt qua giữa đám tuyết hoa. Bây giờ chắc họ qua sông rồi. Chúng ta phải đề tụ công lực rượt theo.
Nhà sư già để xe ngựa lại ở thị trấn rồi nhảy vọt về phía bờ sông trước. Lão quay lại hỏi:
-Thí chủ! Bây giờ rượt theo e rằng không kịp nữa thì làm thế nào?
Thiết Kỳ Sĩ đáp:
-Chúng ta không cần quan tâm lắm đến chuyện rượt theo có kịp hay không mà chỉ mong chóng tới Lạp Tát. Dù ta chưa chứng minh được có phải bọn người vừa di qua sẽ sinh sự hay không, nhưng đến sớm vẫn hơn. Xin hỏi đại sư trong chùa Bố Đạt Lạp còn thứ gì đáng để bọn yêu nhân hạ thủ không?
Lão tăng nói:
-Có chứ. Cái đó còn trọng yếu hơn Mật Tông bảo điển.
Thiết Kỳ Sĩ trịnh trọng nói:
-Nếu vậy càng nguy hiểm. Giả tỷ đại sư nói trước cho bọn tại hạ khởi hành ngay từ đêm qua thì hay hơn.
Lão tăng thái độ khẩn trương, lập tức thi triển khinh công. Lão bất chấp mọi người có theo kịp hay không, vận toàn lực nhảy qua sông.
Thiết Kỳ Sĩ thấy khinh công lão ghê gớm, bất giác ngấm ngầm ca ngợi:
-Thảo nào lão nổi danh mấy chục năm nay. Nguyên một chuyện khinh công này cũng đủ tỏ là một cao thủ đặc biệt.
Chàng quay qua mọi người hô:
-Cởi giày áo da ra!
Hai cô hiểu ý lập tức cởi bỏ áo ngoài, mũ hoả liên cũng cất vào bọc. Cả ba người cùng chuyển động hai tay bay vọt lên không.
Qua sông rồi mọi người cúi đầu xuống thì thấy toàn một màu trắng phau, chẳng thấy bóng lão tăng đâu.
Sau khoảng thời gian chừng ăn xong bữa trưa, phía dưới trước mặt hiện ra một vùng bóng đen. Kỳ Dao la lên:
-Đến Lạp Tát rồi.
Thiết Kỳ Sĩ hỏi:
-Đó là chùa Bố Đạt Lạp phải không?
Kỳ Dao đáp:
-Chỗ bóng đen cao nhất là chùa. Thành Lạp Tát không giống thành thị trong nội đảo. Thời xưa họ xây tường vòng quanh núi. Chùa Bố Đạt Lạp ở trên đỉnh núi. Các vị theo tiểu muội hạ xuống, nhưng phải thận trọng, đề phòng xẩy ra chuyện hiểu lầm.
Ba người vừa đặt chân xuống nóc chùa hình tròn thì đột nhiên bốn phía có tiếng khàn khàn quát hỏi:
-Các vị thí chủ ở phương nào mà dám xâm nhập vào trọng địa nơi cửa Phật?
Thiết Kỳ Sĩ vội đáp:
-Xin mời một vị đại sư ra đây tương hội. Tại hạ được Hữu Phụ đại sư thỉnh đến.
Bỗng nghe tiếng hoan hô ở dưới thềm viện vang lên:
-Long đầu đã tới! Thưa các vị đại sư! Bọn họ không phải người ngoài.
Thiết Kỳ Sĩ nghe rõ thanh âm Cao Dương. Bất giác cười ha hả hô:
-Biển Bức nhân! Thương thế lão Cao hết rồi ư?
Cao Dương lớn tiếng đáp:
-Hết lâu rồi! Các vị xuống mau đi!
Ba người hạ xuống trước điện thấy hai nhà sư già đứng bên Cao Dương vội chắp tay nói:
-Thưa hai vị lão sư phó! Bọn tại hạ rất hân hạnh được tham kiến hai vị.
Hai nhà sư chắp tay đáp lễ nói:
-Thí chủ quang lâm khiến cho tệ sư thêm vẻ huy hoàng. Mời các bị vào trong điện ngồi chơi.
Kỳ Dao đến bên Cao Dương khẽ hỏi:
-Chắc địa vị hai nhà sư này tôn cao lắm phải không?
Cao Dương đáp:
-Họ là hai trong ba vị già nhất ở Huỳnh giáo. Người cao là Chủ phụ đại sư. Người lùn là Tả phụ đại sư. Còn một vị Hữu phụ đại sư thì các vị đã gặp rồi. Sao lão không đi với các vị?
Kỳ Dao hỏi:
-Lão còn đi sau một chút. Bọn tiểu muội nhờ có bức y thành ra đến trước. Từ đêm qua đến sáng nay có xẩy chuyện gì không?
Cao Dương đáp:
-Ở đây thì không có, nhưng bên Hồng giáo đưa tin lại mất pho bảo điển về Thần Thông Lực.
Kỳ Dao thử dài nói:
-Sáng sớm hôm nay vừa nhắc tới vụ này, không ngờ đến nơi đã mất rồi.
Mọi người vào điện nhưng chưa thấy Đạt Lại Lạt Ma. Trong nội điện ngoài hai vị lão tăng không còn một hoà thượng nào khác, chỉ có hai nhà sư trẻ tuổi ở lại hầu hạ, đủ tỏ mọi người đều được phái đi giới nghiêm rồi.
Chủ phụ lão tăng chắp tay hỏi:
-Thí chủ! Hữu phụ đại sư có đến không ?
Thiết Kỳ Sĩ đáp:
-Chắc cũng gần tới rồi. Xin hỏi quí giáo chủ hiện giờ ở đâu? Bọ tại hạ xin vào làm lễ tham bái.
Vị cao tăng kia nói:
-Thí chủ bất tất phải khách khí. Tệ chưởng giáo ở bí cung phía sau toà điện này, nhưng gần đây không chịu tiếp khách.
Thiết Kỳ Sĩ hỏi:
-Hai bữa nay có động tĩnh gì không?
Tả phụ đại sư đáp:
-Bắt đầu từ hôm qua, trong thành hỗn loạn hơn trước nhiều. Những nhân viên tệ tự ngấm ngầm đi do thám đã phát hiện đến hơn trăm người lạ vừa nam vừa nữ không rõ lai lịch. Hình thức và y phục của họ rất phức tạp, có già có trẻ, hành động rất thần bí và cao thâm khôn lường.
Kỳ Dao hỏi:
-Xin hỏi hai vị đại sư: Trong quí tự có những nơi nào trọng yếu? Bọn tiểu nữ là người ngoài, không tiện tác chủ, cầu được chỉ thị để lưu tâm, phòng lúc đến việc khỏi hoang mang.
Hai vị lão tăng đồng thanh đáp:
-Bọn bần tăng hy vọng ba vị chống đỡ cho phía sau toà viện này.
Thiết Kỳ Sĩ nói:
-Đã biết trước rồi là bọn tại hạ không rối loạn nữa.
Cao Dương nói tiếp:
-Xin đại sư cho đưa đồ ăn uống của bọn tại hạ đến một biệt viện ở ngoài thành thì thuận tiện hơn. Bây giờ bọn tại hạ ra đi vì sắp đến bữa ăn tối rồi.
Thiết Kỳ Sĩ đứng dậy nhìn hai nhà sư nói:
-Đa tạ nhị vị lão tăng. Bọn tại hạ xin cáo từ.
Hai nhà sư đứng dậy chắp tay đáp:
-Xin thí chủ tuỳ tiện, miễn cho bọn bần tăng khỏi tiễn đưa.
Thiết Kỳ Sĩ ra khỏi điện cùng hai cô đi theo Cao Dương đến sương phòng phía đông, chuồn qua khuôn cửa tròn ra ngoài. Chỗ này có toà giả sơn cùng cây cối, lại có cả hành lang giậu trúc, nhưng hiện giờ bị tuyết bao phủ không còn gì là cảnh mùa xuân.
Đi qua dãy hành lang, Cao Dương trỏ về phía trước nói:
-Toà tiểu điện là nơi hóng mát của Đạt Lại Hoạt Phật về mùa hè.
Kỳ Dao hỏi:
-Những đồ ăn từ đâu đưa tới?
Cao Dương đáp:
-Đồ ăn do Lạt Ma thanh niên đưa lại mà toàn là thức ăn trong nội địa.
Văn Đế Đế nói:
-Bọn tiểu muội đã được hưởng thụ ở Nhật khách Tác rồi.
Bốn người vào trong tiểu viện. Cao Dương ngồi xuống rồi nhìn Thiết Kỳ Sĩ hỏi:
-Còn toán đông của chúng ta hiện nay ở đâu?
Thiết Kỳ Sĩ cười hỏi lại:
-Vì việc xẩy đến cho đại ca mà mọi người hối hả muốn chết. Tiểu đệ cùng Kỳ Dao lên đường trước. Bọn họ còn đi sau. Lão Cao bị thương ở đâu?
Cao Dương đáp:
-Đáng giận cho hai tên lão tặc Thần Ưng và Quỉ Thâu giáp công ở trên không. Chúng ra tay bằng thủ pháp rất tàn độc đánh ta đến chết đi sống lại rồi không biết gì nữa.
Kỳ Dao hỏi:
-Sao Cao lão lại thoát được nanh vuốt của bon Thần Ưng?
Cao Dương đáp:
-Không hiểu ta bị bắt đã bao lâu, trong lúc hồi tỉnh, ta huy động luồng chân khí tối hậu xoay tay đánh một chưởng vào Thần Ưng. Con súc sinh này đau quá nới chân ra để ta từ trên không rớt xuống.
Kỳ Dao cười nói:
-Cao lão gặp niên hạn bất lợi, đã bị Ưng bắt, lại bị lừa cắn.
Cao Dương “ủa” lên một tiếng hỏi:
-Té ra các vị đã gặp Quái Lư trượng nhân?
Thiết Kỳ Sĩ hỏi:
-Đại đệ tử của lão đâu?
Cao Dương đáp:
-Hắn đưa tại hạ đến chỗ Chủ Phụ đại sư đây. Nói rõ lai lịch rồi lại đi ngay. Nguyên Quái Lư trượng nhân là bạn cũ của Chủ Phụ đại sư, nên đại sư không tiếc thứ thuốc trân quý lấy cho ta uống mới mau hết.
Văn Đế Đế hỏi:
-Lão Cao chưa cho biết bị thương ở đâu?
Cao Dương đáp:
-Phủ tạng trong người lệch lạc, chân khí bị tiêu tan.
Thiết Kỳ Sĩ nói:
-Thế thì nguy hiểm quá! Lão Cao đi đường xa mà không chết là mạng lớn lắm.
Cao Dương đáp:
-Nếu không có tấm bức y thì ta e rằng tại hạ có đến mười mạng cũng hết sống.
Văn Đế Đế nói:
-Chuyến này tấm bức y xuýt nữa làm cho Cao huynh phải bỏ mạng. Từ nay đi bộ hay hơn. Cao huynh chưa biết, tiểu muội còn thiếu điều liều mạng với họ.
Cao Dương nói:
-Hảo cô nương! Ta suốt đời nhớ ơ cô.
Bỗng nghe tiếng một tên Lạt Ma nhỏ tuổi ở ngoài tiểu điện cất lên:
-Các vị thí chủ! Cơm rượu đã đưa tới.
Cao Dương liền ra đón lấy bày lên bàn rồi nhìn Thiết Kỳ Sĩ nói:
-Các vị ăn uống đi. Ta ăn rồi.
Kỳ Dao thấy trên bàn bày ra bữa ăn không được phong phú như ở Nhật Khách Tắc liền cười hỏi:
-Lão Cao! Lão khoe đồ ăn ngon lắm kia mà?
Cao Dương đáp:
-Cô nương đừng hiểu lầm. Bữa nay tình cảnh khác thường. Trong thành rối loạn tơi bời, chắc là các tiệm đóng cửa hết, còn mấy bữa ăn trước thật ngon lành.
Thiết Kỳ Sĩ nói:
-Chúng ta tuỳ tiện ăn cho xong bữa, đến đêm còn phải ra ngoài hoạt động.
Kỳ Dao hỏi:
-Hoạt động gì?
Thiết Kỳ Sĩ đáp:
-Chúng ta đã nhận lời giúp người thì không thể ngồi đây thụ động. Việc do thám bảo điển là ở các nhà sư, còn việc tảo trừ bọn yêu nhân trong thành về phần chúng ta phải phụ trách. Bọn Cổ Mộ môn chưa biết chúng ta đã tới Lạp Tát, vậy đêm nay chúng ta ra ngoài hành động bí mật, hễ phát giác tên nào là trừ khử tên đó.
Cao Dương nói:
-Phải rồi! Làm thế là có lợi cho các nhà sư. Nếu ta hạ thủ ngay ở trong chùa thì bọn Cổ Mộ Môn đổ tội lên chùa Bồ Đạt Lạp.
Bọn Thiết Kỳ Sĩ vừa ăn xong, chợt thấy Hữu Phụ lão hoà thượng tới nơi vẻ mặt rất nghiêm trọng. Lão vào cửa nhìn Thiết Kỳ Sĩ chắp tay nói:
-Thí chủ! Bần tăng cảm ơn các vị đã tới nơi trước.
Thiết Kỳ Sĩ đáp:
-Cái đó có chi đáng kể? May mà nơi đây hãy còn bình tĩnh.
Nhà sư già thở dài nói:
-Chắc đêm nay khó lòng yên lành được.
Thiết Kỳ Sĩ vội hỏi:
-Đại sư đã được tin tức gì hay dò được những nhân vật ở đâu chưa? Coi khí sắc đại sư, thì dường như đã xẩy ra cuộc chiến đấu kịch liệt phải không?
Nhà sư già thở dài đáp:
-Lão tăng quả là vô dụng mất rồi. Trước khi tiến thành, còn chừng năm dặm, lão tăng gặp một thí chủ trẻ tuổi mặc áo da cáo. Coi phong độ không giống bon yêu nhân ở Cổ Mộ Môn vì gã có đeo mặt nạ. Ngờ đâu gã buông lời kiêu ngạo, vừa mở miệng đã hỏi ngay lão tăng ở chùa nào? Lão tăng chưa hiểu rõ lai lịch gã dĩ nhiên không thể nói thật. Nào ngờ thí chủ đó không hỏi nữa ra tay định giết lão tăng ngay.
Kỳ Dao hỏi:
-Sao đại sư không hỏi gã coi?
Nhà sư thở dài đáp:
-Lão tăng không còn cơ hội đẻ chất vấn. Võ công gã rất cao thâm. Có khi và lý so bản lãnh của lão tăng đã thoái bộ: Trong vòng chưa đầy trăm chiêu lão tăng lâm vào tình trạng chỉ còn đường thủ. Giả tỷ không gặp Hồng giáo Tam tăng xuất hiện một cách ngẫu nhiên thì e rằng lão tăng không còn về tới đây để gặp các vị nữa.
Thiết Kỳ Sĩ hỏi:
-Kết quả vụ đó ra sao?
Nhà sư già đáp:
-Kể ra công lực bốn người của lão tăng cũng còn miễn cưỡng chống được. Gã biết khó lòng thủ thắng thoáng cái đã bỏ đi mất hút. Khi đó lão tăng mới biết gã là một yêu nhân trọng yếu ở Cổ Mộ Môn, vì thuật ẩn thân của gã chẳng thể che mắt lão tăng được. Gã đã thi triển công phi U Linh Độn trong U Linh công.
Thiết Kỳ Sĩ trịnh trọng nói:
-Người đó đúng là Hồng quan lệnh chúa.
Nhà sư già thở dài nói:
-Giả tỷ Hồng quan lệnh chúa đến Lạp Tát thì báu vật trọng yếu để truyền giáo của tệ giáo không thể giữ được.
Kỳ Dao hỏi:
-Đại sư có biết công phu gì phá được U Linh Độn không?
Nhà sư già đáp:
-Trên đời chỉ có một bảo vật và một người phá được, ngoài ra không còn ai nữa.
Thiết Kỳ Sĩ vội hỏi:
-Bảo vật gì?
Nhà sư già đáp:
-Thời xưa có tấm Hiển hình kính phá được, nhưng bảo vật này đã lọt vào bảo khố ở Thanh Đình.
Thiết Kỳ Sĩ nói:
-Chẳng dấu gì đại sư: tại hạ lấy được tấm kính đó rồi nhưng chỉ là hữu danh vô thực, công dụng không có gì trọng đại.
Nhà sư già kinh ngạc hỏi:
-Thí chủ đã dùng qua chưa?
Thiết Kỳ Sĩ đáp:
-Tại hạ gặp người thứ ba, thứ tư ở Cổ Mộ Môn và là nhân vật trọng yếu, tại hạ đã thử rồi, nhưng một người trông thấy bóng lờ mờ, còn người bản lãnh cao thâm hơn thì chỉ mới ngó thấy hình bóng như làn sương nhạt. Tại hạ tin rằng gặp cấp cao hơn thì chẳng thấy gì.