Ngay sau đó Trường phải vào bệnh viện mất ba ngày vì chấn thương mặt và tay. Thời gian phải nằm tại đây là cực hình đối với anh vì không được đến trường, không được nghe thầy giảng bài. Tuy nhiên, niềm an ủi lớn lao nhất của Trường là ngày nào Đậu Đỏ cũng đến và cô để lộ ra sự thầm kín của mình. Còn bà Nhàn thì ngày ba buổi đến thăm anh, bà chăm sóc tận tụy như người mẹ làm cho Trường xúc động. Anh thấy thương bà quá mỗi khi nhìn bà lặng lẽ khóc một mình. Nhất là mấy bữa nay, trông bà tiều tụy gầy hẳn đi.
– Trường à, cháu cảm thấy đỡ đau phần nào chưa?
Nghe thấy cánh cửa phòng bị đẩy Trường biết ngay là bác Nhàn nên chuẩn bị một nụ cười:
– Thưa bác ... cháu đã bớt đau rồi. Chắc ngày mai cháu xin xuất viện để về còn phải đi học.
Nhưng bà Nhàn đã xua tay:
– Không được. Ráng nằm điều trị thêm vài ngày nữa cho vết sưng hết hẳn đã, cháu à. Học giỏi như cháu lo gì không theo kịp bạn bè chứ.
Rồi bà đặt giỏ thức ăn lên chiếc bàn nhỏ cạnh đó, trìu mến bảo:
– Bác nấu đem vô cho cháu tô cháo gà hãy còn nóng, cố ăn đi cho mau khỏe.
Trường cảm thấy thật áy náy:
– Cháu làm phiền bác quá.
Bà Nhàn lộ vẻ không bằng lòng:
– Có gì mà phiền. Bộ bác không thể thay má cháu lo cho cháu được sao?
Hơn nữa, cháu bị thương như thế này là vì con Thiên Băng nhà bác. Thú thật, bác không dám báo cho má cháu biết tình trạng cháu bị nạn như vầy đâu. Cháu thương thì để cho bác được chăm sóc. .... Trường hiểu nỗi khổ của bà Nhàn tỏa giăng tứ phía chứ không phải chỉ có một. Đúng là nhà giàu cũng phải đổ nước mắt ... trong cuộc sống đời thường chẳng có ai có thể tự hào mình không vướng bất cứ nỗi khổ nào. Như Thiên Băng chẳng hạn, giờ đây chẳng biết cô ta đang vật vã với “thần chất trắng” ra sao?
Trường thở dài hỏi bà Nhàn:
– Tình hình của Thiên Băng như thế nào rồi thưa bác? Liệu có thể bảo lãnh đem về nhà được không?
Từ khóe mắt bà Nhàn hai dòng lệ ứa ra. Tiếng bà nghe thật nghẹn:
– Đem nó về nhà làm gì hả cháu?
Trường chớp mắt:
– Thế chẳng lẽ. .... Bà Nhàn khóc nấc lên:
– Bác không bỏ nó đâu. Bác gửi nó vô trường cai nghiện ma túy rồi, Trường à. Con Thiên Băng hư phần lớn là do bác. Phải chăng bác đã gây nên một tội ác nào đó ... và những gì xảy ra là sự trừng phạt?
– Ồ, bác đừng nói như vậy. Cháu thấy bác luôn tốt với mọi người mà.
Chuyện Thiên Băng sa đà là do cô ấy dao du với bạn xấụ .... ...
Lời an ủi vì cảm thông cho sự đau khổ nơi một người mẹ của Trường càng làm cho bà Nhàn nghe xấu hổ dữ dội hơn. Bà tự hỏi mình thật sự là người tốt ư?
Không. Bà nào có tốt gì cho cam, nếu như lương tâm bà xét đoán lại những gì bà làm trong đời mình. .....
Ngày xưa ... khi còn là một cô gái tuổi xuân thì phơi phới, bà và mẹ của Trường là đôi bạn rất thân. Phải nói rằng thân đến mức độ họ có thể nhường lại bất cứ thứ gì mình thích cho nhau. Họ đã từng mặc chung quần áo, ăn chung miếng bánh, dùng chung một đôi giày, tắm chung một phòng tắm và cũng đã từng ngủ chung với nhau thường xuyên. Những tưởng sẽ không có gì làm cho tình bạn của họ vơi bớt sự thắm thiết nếu như người đàn ông ấy không xuất hiện. Đó là ba của Trường, ông Hảị .... Phải, ông Hải rất đẹp chai và có nhiều cá tính mà cả hai cô gái đều yêu mến. Nhưng tình cảm của ông thì chỉ giành cho một ... nên một người phải âm thầm lặng lẽ khổ đau. Thế rồi đám cưới của ông Hải và cô gái ông yêu được diễn ra. Họ hạnh phúc bao nhiêu thì nỗi buồn của người kém may mắn càng tột bực bấy nhiêu. Sự thất bại làm cho con người ta bỗng chốc bị biến đổi từ tốt thành xấu vì tri giác đã bị cuốn sâu vòng vòng xoáy sai lầm. Chỉ trong một thời gian ngắn, cô gái thua cuộc đã dùng đủ mọi cách, thậm chí là thủ đoạn để chiếm cho bằng được chồng của bạn. Là con người nên ông Hải không chống cự nổi với quyết tâm chinh phục của cô bạn vợ mình. Ông đã buông xuôi để lăn vô cơn lốc tình cho đến khi sực tỉnh thì mắc phải một căn bệnh khá trầm kha. Lúc này cô gái đã thỏa mãn sự khát khao và tự ái nên đã để ông quay trở về lại tổ ấm sống những ngày cuối đời bên người vợ bao dung. Họ đã cho ra đời đứa con thứ hai, nhưng đó không phải là sự ưu đãi của ông trời mà chồng chất thêm gánh nặng bởi ông Hải đã mất ngay sau khi đứa con nhỏ tròn tám tháng. Rồi sau đó là bao nhiêu nước mắt, nhọc nhằn trút hết lên vai người góa phụ trẻ kia ... bà ta rất hiền lành, bao dung, tha thứ cho việc làm xấu xa của người bạn song người bạn kia có sống thanh thản được không?
Bà Nhàn lặng đi một hồi lâu với dòng ký ức vụt trở lại sau bao năm tháng tưởng đã quên. Bà chẳng hiểu lỗi của mình đối với người bạn có to lớn lắm hay không? Và những việc làm bù đắp cho con cái họ bấy lâu nay liệu có tẩy rửa được mọi sai lầm thời son trẻ? Thật tâm thì bà còn muốn kết thân hai gia đình làm một, nhưng bây giờ con gái bà đang là một đứa bỏ đi làm sao xứng với Trường dù chỉ là con nhà nghèo. Bà cố tìm cách dọ dẫm bằng tình cảm:
– Trường à, mau ăn cháo đi cháu!
Không muốn phụ lòng tốt của bà Nhàn nên Trường mở tô cháo ra múc ăn.
Anh rưng rưng xúc động:
– Cám ơn bác.
– Khách sáo làm gì. Người nhà cả với nhau mà.
Rồi muốn để cho Trường thật tự nhiên, bà quay đi gọt táo không quan sát gì đến anh. Khi nghe thấy tiếng động của tô cháo được đặt xuống bàn, bà Nhàn mới ngoảnh lại nhỏ nhẹ hỏi:
– Cháu còn giận Thiên Băng không hả, Trường?
Trường đáp lại cũng thật khẽ:
– Cháu không giận mà thấy tiếc cho Thiên Băng quá. Cô ấy có đủ điều kiện hơn người mà không biết tận dụng để đầu tư cho tương lai, lại còn mạo hiểm coi thường cuộc đời mình nữa chứ.
Bà Nhàn thấy nghẹt thở:
– Lỗi ấy là của bác. Biết nuôi con nhưng không biết dạy con ... Khi hai mẹ con chia tay ở trường cai nghiện nó đã lồng lên mắng bác là không xứng đáng làm mẹ nó. Bác cầu mong cho nó nghĩ lại sớm hơn.
Nói tới đây nước mắt bà lại rơi đầm đìa vì những cơn đau nhói từ bên trong.
Bà vừa nấc, vừa nghẹn:
– Trường ơi ... cháu có thể mở rộng cho Thiên Băng một con đường được không vậy?
Trường ngơ ngác:
– Cháu không hiểu ý bác.
Vẻ mặt bà Nhàn rất ngượng ngùng:
– Bác cũng chẳng biết điều mà bác muốn nói có nên nói hay không. Mà thôi ... cứ để cho nó đến tự nhiên.
Ngừng lại để suy nghĩ một lúc, bà Nhàn nhìn đăm đăm vào anh. Trông bà già thật nhanh, vẻ mặt lộ ra nét căng thẳng:
– Còn chuyện này nữạ .... bác cũng không muốn dấu cháu làm chi. Có lẽ cần phải nói ra thì tâm hồn mới bớt phần nào ray rứt.
Trường trố mắt:
– Chuyện nghiêm trọng lắm ạ.
– Tùy cháu phán quyết.
– Nhưng cháu có phải là quan tòa đâu.
Bà Nhàn lau nước mắt nghẹn ngào:
– Bây giờ bác mới nhận ra một điều là tòa án lương tâm đáng sợ hơn công lý ở ngoài đời. Và bác đang chịu sự trừng phạt về tất cả mọi chuyện trực tiếp cũng như gián tiếp. .... – Bác làm cháu khó hiểu quá.
– Trường à, từ nhỏ tới lớn cháu có nghe má cháu nói gì về bác không?
Trường không dám cười vì bà Nhàn còn đang khóc, song anh kể rất hào hứng:
– Dạ, có nói. Bởi thế cho nên cháu mới biết bác là người bạn rất tốt của má cháu từ thời còn trẻ đến giờ. Má cháu còn luôn miệng dặn dò rằng phải coi bác như mẹ làm như chúng cháu không biết cách cư xử vậy.
Lời Trường vừa nói làm bà Nhàn cứng người với nỗi sượng một mình. Thì ra bà Hải vẫn luôn tốt với bà, không hề hé môi gì cho con mình biết cả. Có lẽ vì vậy mà cho đến ngày hôm nay bà vẫn được những đứa con như thằng Trường tôn trọng. Nếu không, trong mắt chúng bà là một thứ người gì đây? Thôi hãy cứ để dĩ vãng ngủ yên. Có gì tốt đẹp đâu mà đào xới làm tổn thương bọn trẻ chứ.
Bà Nhàn đưa trái táo đã gọt sạch cho Trường, gương mặt bà thật buồn.
– Ăn đi, bác mong khi cháu được khỏe rồi cháu sẽ đến trường cai nghiện thăm và khuyên nhủ con Thiên Băng giùm bác.
Trường nhận lời:
– Vâng. Cháu sẽ đến ... nhưng xin bác hiểu cháu sẽ đến với tư cách một người anh.
Bà Nhàn đã buồn càng buồn hơn:
– Bác biết mình không có quyền bắt buộc ở cháu một điều gì.
Rồi bà tự an ủi lấy mình:
– Dẫu sao thì con Thiên Băng nó cũng mới thành niên. Bác hy vọng nó sẽ sống tốt hơn sau khi đã cai nghiện trở thành người chững chạc. Nếu có chuyện đời cha ăn mặn, đời con khát nước ... thì bác nguyện sẽ tu tâm tích đức từ bây giờ.
Trường khơi mào một cách rất vô tình:
– Cháu thấy bác có làm điều ác với ai bao giờ. Ngay con riêng của chồng mà bác còn đối xử tốt. .... Như một tiếng sét đánh làm bàng hoàng hết cả toàn thân bà Nhàn khi hình ảnh cái chết của Diễm Hương hiện ra trước mặt ngay lúc này. Một gương mặt đầy máu, mở trừng trừng nhìn bà đầy oán hận. Nó đang từ từ tiến đến chờn vờn hai cánh tay như muốn chụp bắt lấy bà khiến bà hoảng sợ chạy lung tung.
Nhưng ngay sau đó nó đã ... chụp được ... chụp được ... Thiên Băng ... Ôi, nó lôi con bà đi mất xuống a tì địa phủ ...
– Đừng ... đừng làm thế ... Thiên Băng ... không có tội.
Thấy bà Nhàn đang không sựng lại rồi bỏ chạy quanh khắp phòng, Trường vội vã dùng sức mình để giữ bà. Song bà cứ vùng vẫy hét toáng lên:
– Kẻ có tội là tôi ... kẻ có tội là tôi ...
Tuy không hiểu bà Nhàn đang trải qua cú sốc gì, nhưng Trường biết chắc là nó phải ghê gớm lắm. Vừa lúc Đậu Đỏ ló mặt vô, anh bèn nhờ cô đi tìm bác sỹ.
Sau khi được chăm sóc sức khỏe tỉnh táo lại, bà Nhà đã đến gặp Trường nói riêng với anh một câu:
– Hôm nào ra viện bác sẽ đưa cháu đến một nơi mà bác biết cháu rất muốn ...
Rồi mặc kệ Trường ngạc nhiên với lời nói lấp lửng ấy, bà Nhàn đã ra về bằng dáng đi xiêu vẹo của một người đánh mất hết niềm tin. Không nỡ nhìn bà Nhàn phải chống chọi với sự trống vắng và thất vọng một mình, Trường bèn nhờ Đậu Đỏ:
– Hãy chạy theo bác Nhàn và ở bên cạnh bác ấy giùm tôi với.
Đậu Đỏ luống cuống trông buồn cười:
– Em ... em còn phải chỉ cho anh cách ăn ... ăn bánh gói ...
Trường hối hả phẩy tay:
– Không cần phải chỉ đâu. Tôi tự khắc biết ăn mà.
Thế là Đậu Đỏ không còn cớ gì để nán lại đành phải tất tả chạy theo bà Nhàn. Cô lẩm bẩm ở trong miệng:
– Khi không vạ ở đâu lại trút xuống đầu.