Minh ở nhà Nhung ra, diện mạo bơ phờ, tinh-thần bại hoại. Chàng cắm đầu đi thẳng về phía trước mặt mà chẳng biết là di đâu. Đến ngã tư trước cửa một hiệu thuốc tây, Minh băng đường chạy qua phía bờ hồ đứng cau mày nhìn theo chiếc xe hơi xém chút nữa cán vào chân chàng. Chợt sau lưng có tiếng nói:
− Ông mua hoa.
Nghe hai tiếng ‘mua hoa’, Minh đứng lặng yên không cựa quậy mà cũng không dám quay đầu lại mặc dầu mấy cô bán hoa đã ra mời đến ba bốn lượt. Mấy cô bán hoa cười khúc khích bảo nhau:
− Cái ông này sao mà khinh người đến thế! Mời mãi đã không mua thì thôi lại còn chẳng thèm nói một câu nào!
Minh toan ngoảnh lại cự nhưng lại sợ gặp mặt người quen. Nghĩ lẩn thẩn, Minh địng đi giật lùi. Ý tưởng ngộ nghĩnh ấy khiến chính chàng cũng phải bat cười. Một cô hàng hoa ngước mắt lên ngắm dáng điệu cái ông đứng cười một mình rồi lại bảo nhau:
− Quái lạ! Ai trông như anh Minh ở làng mình đấy mà!
Lại có tiếng nói lớn:
− Bậy! Anh Minh làm gì có tiền mà ăn mặc bảnh thế!
Minh không dám ở lại nghe thêm lời nào nữa. Chàng chạy ù sang lại phía hè bên kia rồi rảo bước đi về lối nhà hát tây. Cái gương của hiệu bán đồ trang sức phản chiếu bóng Minh. Chàng tần ngần đứng lại tự ngắm bộ mặt hốc hác và cặp mắt khô khan sâu hoắm lại của mình.
Đi quá rạp hát từ lúc nào mà Minh cũng không hay. Mà chàng cũng không hiểu chàn đi ra con đường ấy để làm gì. Cho đến lúc gặp luồng gió lạnh thổi tạt đến chàng mới rùng mình đưa mắt nhìn mới phát giác ra mình đã ra tới bờ sông. Chàng lắc đầu tự hỏi: “Ta ra đây làm gì? Mà ta đi đâu mới được chứ?... Mà phải, giờ ta đi đâu đây?...”.
Đứng trên bờ đê, nhờ gió lạnh từ sông thổi tạt vào làm cho mặt Minh bớt nóng và máu trong huyết quản hình như cũng vì thế mà chạy chậm lại. Minh thấy đỡ sốt ruột, đỡ nóng nảy. Trái tim chàng đỡ phải đập mạnh, tâm trí chàng được thư thái hơn và tư tưởng được xếp đặt đâu ra đó hơn. Rồi Minh bình tĩn ôn lại những chuyện đã xảy ra.
Minh luôn luôn nhớ tới quang cảnh náo nhiệt ở chợ Đồng-Xuân khi Liên ngất đi. Chàng lẩm bẩm:
− Sao lại ngất đi? Chắc vì lúc ấy Liên nghe thấy có người gọi tên mình nên tức giận uất lên chứ gì!
Minh chỉ mong Liên không trông rõ mình đi với tình nhân. Chàng cố nhớ lại thử xem lúc bấy giờ chàng đứng chỗ nào... Và chàng nhớ là hàng cam cách hàng hoa không bao xa.
− Dầu sao thì Liên cũng nhìn thấy ta vì ta đứng mà Liên ngồi.
Nghĩ quanh nghĩ quẩn, Minh tóm lại vẫn chỉ mong rằng người ngất xỉu đó không phải là Liên. Chàng cố tìm hết tất cả các lý lẽ để tự chứng minh cho mình rằng sự mong ước của mình là sự thật. Phải, ai lại không có lúc ngất đi? Vả lại, đã lâu ngày rồi Liên vẫn ở nhà chứ đâu còn đi bán hoa như trước nữa.
Minh thò tay vào túi lấy thuốc lá ra hút, Mình lôi ra xấp giấy bạc mà lúc nãy Mạc đưa cho chàng. Đây là cái bằng cớ hiển nhiên chắc chắn rằng người hàng hoa ngất xỉu đó chính là Liên chứ chẳng thể là ai khác được!
Minh ngắm nghía từng tờ giấy bạc thật tỉ mỉ, và kết luận rằng đây chính là xấp giấy bạc chàng đưa cho vợ hôm nào. Mấy người đi chơi trên đê gặp Minh bấm nhau cười khúc khích. Minh cho là họ chế giễu mình, vội vàng ấn xấp tiền vào túi rồi lấy diêm mồi thuốc hút, mắt nhìn ra sông ngắm cảnh.
Trời đã gần về chiều. Ngoài bãi đã bắt đầu lành lạnh. Xa xa, cát ở cù lao nhỏ giữa sông bị gió thổi cuốn đi, bay tản mác ra thành một làn khói trắng xóa tựa như sương mù nhẹ nhàng hoạt động trên dòng nước đỏ lờ đờ...
Tâm trí Minh như đang bị đám sương dày bao phủ. Chàng loay hoay, tự hỏi:
− Bây giờ làm thế nào? Bây giờ đi đâu?
Chàng đã toan về ngay nhà xem bệnh tình Liên ra sao. Nhưng chàng lại sợ chạm mặt với Liên. Chàng vẫn biết là nàng dịu dàng nết na và luôn luôn phục tòng chồng thì sẽ chẳng bao giờ lớn tiếng trách mình cả. Nhưng vì chàng thấy hổ thẹn với lương tâm...
Và rồi ‘ngựa quen đường cũ’, thói chơi bời ham vui tửu sắc lại nổi lên xâm chiếm cõi lòng của Minh. Chàng lại muốn trở về với Nhung. Chàng nghĩ tới những lời an ủi, những cách âu yếm của nàng. Đã bao lần phiền muộn, Minh vẫn tìm được mọi sự quên lãng trong lòng nhũng cô gái giang hồ.
Minh vừa đi lang thang, vừa đăm đăm nghĩ ngợi. Mải nghĩ ngợi nên đến hồ Hoàn Kiếm lúc nào mà không hay. Chàng đi lại ngồi lên một chiếc ghế dài nghỉ chân. Cái tháp (Tháp Rùa) giữa hồ rung rinh, in hình trên mặt nước. Cảnh ấy làm Minh nhớ lại hôm vừa khỏi mắt. Và cũng từ đó, Minh ôn lại được cả một thời kỳ đau yếu dài đăng đẳng với bao nhiêu khó nhọc khổ sở của hai người thân yêu nhất trên đời của chàng: Liên, vợ chàng, và Văn, bạn chàng. Minh hai tay ôm lấy đầu, ngồi suy nghĩ thật nhiều...
Từ hôm bình-phục cho đến nay, chưa bao giờ chàng dành thì-giờ nhớ lại khoảng thời-gian đen tối nhất của đời chàng. Phải chăng chỉ khi hoạn nạn con người mới nghĩ tới ân nghĩa, và khi khá khấm thì lại tỏ ra kiêu căng, trở thành bội bạc chăng?
Sau cùng, Minh đúng phắt dậy quả quyết gọi xe về nhà để tạ lỗi cùng Liên. Xe rẽ vào vườn Bách-Thảo, Minh xuống đi bộ về nhà. Hình như chàng có vẻ nơm nớp lo sợ đột ngột giáp mặt với Liên trong lúc này...
− Kìa, cậu Minh!
Minh quay lại. Thì ra đó là một người đàn bà láng giềng. Minh chưa kịp chào lại, người ấy đã tiếp tục hỏi:
− Thế nào? Mợ ấy đã khỏi hẳn chưa cậu?
Minh sợ nhũn cả người, nhưng không dám để cho người kia biết rằng mình chưa hề có mặt ở nhà kể từ lúc Liên gặp nạn. Chàng cố giữ nét mặt thản nhiên đáp:
− Cám ơn bác, nhà tôi đã khá nhiều rồi.
− Ghê quá! Ban trưa ở chợ mợ ấy làm chúng tôi hết hồn. Chẳng biết mợ ấy cảm kiếc ra sao mà lại đến ngất đi như thế.
Mặt Minh tái dần lại. Chàng yên lặng đi bên người hàng hoa để nghe nốt câu chuyện.
Người kia hỏi:
− Cậu Văn là bạn cậu đấy phải không?
− Vâng.
− Cậu ấy tử tế lắm. Hôm nay mợ ấy ngất đi, chúng tôi gọi mãi mới tỉnh. Rồi mợ ấy nhờ tôi đưa về nhà... Hỏi thăm thì mợ ấy bảo vẫn thường bị thế... Mà mợ ấy vẫn thường ngất đi như vậy hả cậu?
− Vâng, vẫn thường như thế.
− Nhưng cậu làm sao thế? Trông mặt cậu xanh nhợt nhạt, mắt thì sâu hoắm...
− Không, có gì đâu. Tôi vẫn như thế.
− Tôi đưa mợ ấy về đến nhà mợ ấy lại ngất đi một lần nữa. Tôi cuống lên bảo ông Hoạt đi tìm cậu nhưng ông ấy bảo không biết cậu ở đâu. Mãi về sau mợ ấy mới tỉnh. Tôi hỏi có biết cậu ở đâu không thì mợ ấy nói đến phố Cửa Đông số nhà 510 mà hỏi ông Văn thì biết ngay. Tôi bảo ông Hoạt đi ngay, rồi mãi đến lúc cậu Văn đến mới trở về chợ để bán hàng. Nhưng kìa, cậu làm sao vậy?
Lúc ấy Minh đã bủn rủn hết cả chân tay, phải cố vịn vào một gốc cây mà người vẫn như lảo đảo. Người đàn bà đặt gánh xuống, lại đỡ Minh.
− Cậu sao thế?
− Cám ơn bác... Tôi cảm thấy hơi chóng mặt một chút...
− Có sao không?
− Không hề gì... Thôi, bác về trước đi. Tôi ngồi nghỉ một tí.
Sau khi người đàn bà đi rồi, Minh cố men tới cái ghế bên hồ ngồi thở. Chàng chép miệng, lắc đầu rồi lẩm bẩm:
− Không ngờ Liên hiền lành nhu mì đến thế mà khi ghen lại dữ dội đến thế này!
Chàng bỗng đem lòng oán trách Đức và hai dì cháu Nhung, Mạc. Có thể là vì trong lúc quá bực tức, chàng cho là bọn họ xếp đặt trước, rắp tâm đưa chàng vào cạm bẫy.
Chừng một phút sau, tinh-thần Minh đã được tỉnh táo phần nào và tiếp tục nghĩ đến những chuyện vừa xảy ra. Chàng nghĩ thầm:
− “Sao Liên lại cho tìm Văn, hỏi xem mình ở đâu thì vô lý thật! Văn biết thế nào được chỗ mình ở! Hay... hay... họ thế nào với nhau rồi?”.
Trong trí Minh chợt hiện ra cái hình ảnh Liên chít khăn nhung đen và vận áo cài khuy. Đồng thời tai chàng nghe đâu đâu câu nói đùa giỡn của Nhung: “Bạn anh mà lại không hôn vợ anh cái nào!...”.
Nhưng khi nghĩ đến Văn, Minh nhận thấy rằng từ đầu đến cuối, dù cử chỉ cũng như lời nói, bạn chàng là một người quân-tử ngay thẳng hiếm có trên đời. Nghĩ đến đây, Minh lại đâm ra tự hổ thẹn với lương tâm lại một phen nghĩ bậy cho bạn và vợ. Chàng tự nhủ, cũng như tự trách:
− Mà mình có ra gì đâu cơ chứ! Giả sử như họ thế nào với nhau đi chăng nữa thì cũng chỉ là lỗi tại mình thôi, còn trách ai được! Mà Văn xứng đáng làm chồng của Liên hơn mình nhiều!
Minh rút khăn tay lau nước mắt vì mủi lòng. Chàng lại lấy ra xấp giấy bạc gồm 10 tờ năm đồng mà chàng nhét vội vào túi ban nãy. Hết nhìn xấp giấy bạc, Minh lại đưa mắt nhìn chung quanh. Chàng tựa như một cái xác không hồn...
Cảnh vật đã bắt đầu nhuộm dần vào u ám của buổi chiều tà. Trong vườn lúc này vắng tênh, không một bóng người qua lại. Ở cái cù lao giữa hồ, một con bồ nông trông bệ vệ, với cái mỏ kếch xù bước từng bước thật là nặng nề. Minh đứng dậy, buồn rầu quay đi. Chàng lờ mờ trông thấy đám rễ chằng chịt của cây si mà Liên có lần đã diễn tả cho chàng bằng nhữn ý tưởng hết sức giản dị và ngây thơ. Chàng không thể ngồi ở đây mà lòng không đau đớn. Mỗi gốc cây, mỗi một vật nhỏ là từng kỷ niệm êm ái của một dĩ vãng. Chàng nghe mơ hồ như có ai mắng nhiếc mình bên tai rằng: “Đồ cái thứ bạc bẽo!”!
Qua bãi cỏ ra đến đường, Minh đứng tần ngần, do dự chẳng biết về hay đi. Chàng cũng định liều vác mặt về nhà, cho dù ê mặt đến đâu cũng cam chịu, quí hồ biết được bệnh trạng của Liên ra sao. Nhưng còn một người Minh còn sợ gặp mặt hơn nữa là Văn. Chàng chỉ lo bị Văn trách mắng. Văn, vừa là bạn, vừa là ân nhân của vợ chồng chàng. Nếu trên đời có một người dám nói, dám trách và dám mắng mà Minh phải ngồi im ngoan ngoãn để nghe thì người đó chính là Văn...
Chợt đèn điện trong vườn bật sáng. Minh giật mình hoảng hốt cắm đầu rảo bước đi ra phía cổng vườn. Thỉnh thoảng chàng quay đầu lại nhìn xem có ai đuổi theo mình không. Chàng đinh ninh là Văn đang có mặt tại nhà mình và đoán chừng Văn cũng sắp về lại trên phố vì trời đã tối. Minh định ẩn núp vào một nơi chờ cho Văn đi rồi mới lẻn vài nhà. Nhưng rồi chàng lại cho rằng như vậy là xấu nên lại thôi, bèn đi thẳng...
Minh lang thang một mình trên phố hàng Buồm. Tuy suốt ngày chưa có được một hạt cơm nào trong bụng nhưng chàng vẫn không thấy đói. Và vì rằng buổi sáng uống quá nhiều rượu nên Minh bỗng nghe trong ruột cồn cào. Chàng liền ghé vào một hiệu cao lâu nhỏ để ăn qua loa cho đỡ cồn ruột may ra lấy lại được bình tĩnh để suy tính mọi việc đang trong tình trạnh nan giải.
Minh đi thẳng vào cái buồng ở phía trong cùng, ngồi xuống chiếc ghế đẩu vuông bên cái bàn tròn phủ kẽm. Vừa gặp mặt người chạy bàn, Minh thấy ngay là rất quen, chắc chắn chàng đã gặp qua rồi... Hình như là lần chàng đi ăn với Liên cách đây gần một năm. Bấy giờ chàng mới để ý và nhình thấy chỗ này không xa lạ chút nào cả. Chàng đã từng vào đây với Văn, và đã cùng vợ đến đây ăn mừng ngày chàng thi đỗ.
Minh đã toan đứng dậy bỏ đi nhưng hình như sức lực đã tiêu tan hết rồi. Nếu không có gì nhét vào bao tử trống rỗng thì chắc là không xong. Chàng trở nên do dự. Người hầu bàn liền hỏi:
− Ăn cơm nhé?
Minh gật đầu:
− Cho tôi thịt bò cải làn, thêm gà rán nữa...
Trong khi người chạy bàn đến bảo nhà bếp làm thức cho khách, Minh đảo mắt nhìn ngắm thật kỹ mọi thứ trong quán. Hơn tám tháng trôi qua, tất cả gần như vẫn thế, không thay đổi gì cho lắm. Ngay cả bản đồ Trung-Hoa treo lệch ngay vẫn hoàn lệch nguyên vẹn.
Một lát sau, người chạy bàn bưng món ăn vào. Minh nhìn vào đĩa thịt bò xào cải làn khói bay nghi ngút với đĩa gà rán chín vàng thật hết sức hấp dẫn. Nhưng chẳng hiểu sao, thay vì cầm đũa lên ăn thì chàng lại gục đầu xuống bàn, gối lên cánh tay thiếp đi lúc nào không hay. Người chạy bàn lại đem cơm vào. Thấy Minh ngủ gục bèn lay dậy. Minh giật mình. Với cặp mắt đỏ ngầu, Minh nhìn người chạy bàn Hỏi:
− Bao nhiêu tiền?
− Nhưng ông chưa ăn!
− Tôi tự nhiên thấy no, ăn không xuể. Thôi, bác ăn hộ tôi nhé!
Người chạy bàn lắc đầu ái ngại cho khách, rồi mời ra ngoài trả tiền. Nhìn lên tường, Minh thấy kim đồng hồ chỉ tám rưỡi. Chàng nghĩ thầm: “Bây giờ thì chắc anh Văn chả còn ở đấy nữa!”.
Minh đi thẳng một mạch về nhà. Tới cổng, chàng đứng nấp bên hàng giậu lắng tai nghe. Trong nhà im phăng phắc. Ngọn đền hoa-kỳ lờ mờ trông thấp thoáng qua khe liếp. Chờ một lúc khá lâu, Minh thấy sốt ruột đã toan bỏ đi thì bỗng nghe tiếng Liên nói với ông Hoạt:
− Ông sắp quang gánh giúp tôi để mai tôi đi bán hoa nhé.
Minh mừng quýnh, địng tới đập cửa nhưng rồi nghĩ lại thôi. Đã đành chàng xấu hổ với Liên, nhưng chàng lại sợ thêm một điều nữa mà chàng vừa mới nghĩ đến. Minh lo rằng có thể Liên chưa hết giận chàng. Gặp mặt chàng biết đâu nàng lại ngất thêm một lần nữa thì làm sao! Minh càng nghĩ càng thấy buồn. Chàng rời nhà, một mình lê bước trong đêm trên đường vắng vẻ...
Đêm hôm ấy, chuông đồng hồ nhà thờ lớn điển hai giờ sáng mà Minh vẫn còn lang thang quanh quẩn tại hồ Gươm, co ro trong bộ quần áo dạ màu tím.
Mấy hôm sau, Văn dò la tin tức, tìm được nhà Nhung nên tìm đến hỏi thăm tông tích của Minh. Nhưng Nhung đi vắng chưa về, chỉ có một mình Mạc ở nhà. Văn vừa mới xưng tên và nói rõ mục-đích, Mạc đã cười lớn cắt lời ngay:
− Tôi còn lạ gì! Anh là anh Văn, bạn rất thân của anh Minh phải không?
Văn mỉm cười hỏi:
− Sao cô biết?
− Anh Minh thường nói về anh luôn.
− Nhưng thưa cô, cho tôi hỏi anh Minh bây giờ ở đâu?
− Anh ấy đi biệt tăm biệt tích từ ba hôm nay rồi! Mà tôi sợ anh ấy chẳng còn trở về nữa đâu!
Xoay sang chuyện khác, Mạc nháy mắt mỉm cười nói:
− Vợ anh Minh đẹp nhỉ?
− Sao cô biết vợ anh Minh?
Mạc làm ra vẻ thành thạo:
− Tôi còn lạ gì vợ anh Minh! Tôi còn biết nhiều chuyện bí-mật vô cùng hấp dẫn nữa kia!
Thấy Mạc không để ý gì đến câu hỏi của mình lại đi nói toàn những chuyện vơ vẩn không đâu vào đâu, Văn bắt đầu cảm thấy sốt ruột:
− Nhưng tôi cần gặp anh Minh có việc cần! Vậy nhờ cô làm ơn mời anh ấy xuống đây. Tôi chỉ hỏi anh ấy một câu rồi đi ngay!
− Ô hay! Tôi đã bảo anh Minh không có ở đây mà anh còn không tin à! Anh cho là tôi giấu anh ấy ở đâu chắc! Nhưng mà tôi giấu anh ấy để làm gì? Tôi được cái gì!
Văn thất vọng liền đứng dậy xin cáo từ. Mạc ân cần cầm lại:
− Anh ngồi chơi tí đã nào.
Và nàng ranh mãnh hỏi tiếp:
− Anh có mang ơn dì tôi không?
− Thưa cô, mà ơn việc gì?
− Còn khéo giả vờ! Nhờ người ta giữ anh Minh ở đây cho nên anh mới được tự do hú hí với cô hàng hoa xinh đẹp kia mà lại còn hỏi ơn về việc gì!
Văn tức bực vô cùng. Chàng cố giữ bình tĩnh, buông nhẹ một câu rồi đi ra khỏi nhà ngay lập tức:
− Xin lỗi cô! Tôi không phải hạng người như cô tưởng!
Chàng vừa đi vừa lắc đầu. Chàng thầm thương hại Minh vướng vào vòng trụy lạc tại một nơi phù phiếm, khác hẳn với mái gia-đình tuy quê mùa nhưng êm đềm chân thật của bạn chàng.
− Chả trách anh ấy quên hẳn cả vợ lẫn bạn!
Nhớ lại những lời nói của Mạc, cô gái giang hồ kia thì Văn chợt lấy làm lo lắng vô cùng. Chàng chỉ sợ bạn nghe lời xúc xiểm của đám người kia mà sinh lòng ngờ vực đến lòng chung thủy của vợ và lòng tự trọng của mình. Văn cảm thấy một cái gì lờm lợm trong cổ chàng:
− Hay có lẽ vì thế mà anh ấy không muốn về nhà nữa? Nếu quả là vậy thì thật anh ấy khốn nạn quá!
Rồi Văn nhớ tới những gì xảy ra cho chính bản thân mình: sự cám dỗ của sắc đẹp và nhục dục. Chàng lấy làm mừng là lý-trí đã thắng được con tim. Vì lẽ đó mà chàng vẫn hãnh-diện khi nói lên ba tiếng ‘tình bằng-hữu’...
Từ hôm lại Nhung tìm không thấy Minh, Văn càng muốn gặp bạn. Chiều nào chàng cũng đi ngang qua nhà Nhung để ý xem Minh có lai vãng tới đó không. Nhưng đã hơn một tuần lễ mà vẫn không thấy bóng dáng Minh đâu cả, mà cũng không có manh mối nào để tìm.
Rồi một hôm, do sự tình cờ Văn vào một quán nhỏ định uống một ly cà-phê. Tại đó, chàng gặp lại Minh, bạn mình. Vừa trông thấy bóng Văn, Minh quay mặt vào phía trong rồi lấy mũ định lẻn chuồn đi. Nhưng Văn đã trông thấy và lại gần vui vẻ chào hỏi như không xảy ra chuyện gì. Nhìn cặp mắt sâu hoắm và vẻ mặt buồn bã của Minh, Văn không muốn làm phiền lòng bạn nên chỉ hỏi thăm những chuyện vô thưởng vô phạt chẳng hạn như chuyện viết báo soạn sách, sức khỏe chàng ra sao..., mắt giờ đã bình thường như xưa...
Minh thì ngượng nghịu, xấu hổ. Đã mấy lần định đưa tay ra bắt xin đi. Nhưng Văn tươi cười nói:
− Thì cứ thong thả, uống với tôi ly cà-phê đã.
Bất đắc dĩ, Minh phải nhận lời, nhưng chỉ ngồi như tượng gỗ chẳng nói một câu. Uống xong ly cà-phê, Minh nhất định đòi trả tiền. Văn cũng chiều ý chàng. Ra đến đường, Minh giơ tay ra bắt, Văn liền gạt đi, nói:
− Làm gì mà anh vội thế! Anh em lâu ngày không gặp chẳng lẽ không đi chơi được với nhau một lát, nói chuyện ít câu sao!
Minh không có cách nào từ chối được, chàng chỉ than thầm:
− “Khổ rồi! Thế nào bạn mình cũng giảng đạo đức cho mình nghe thôi!”
Nhưng trái với sự tiên liệu của Minh, hai người đi chung đến cả nửa vòng hồ Hoàn Kiếm mà Văn chỉ nói toàn đến chuyện văn-chương viết lách mà thôi. Văn nói rất nhiều đến những bài được đọc của Minh viết trên báo, mà có thể nói là chàng gần như thuộc lòng. Ngay cả những bài thơ ngắn của Minh cũng được Văn đề-cập đến, phê-bình nhận xét và khen ngợi một cách thật là tỉ mỉ. Thấy bạn lưu ý đến tác-phẩm của mình một cách hăng say nhiệt tình, Minh hết sức cảm động và sung sướng. Chàng vui vẻ bàn chuyện văn chương với Văn, bàn mãi không biết mệt...
Đột nhiên, Văn buông lời như phàn nàn trách móc:
− Tôi thấy hình như hồi này anh bắt đầu lười hay sao mà thấy viết ít lắm thì phải.
− Vâng, anh nói phải. Quả thế thật.
− Ý chừng anh mệt?
− Vâng, tôi cũng hơi mệt.
− Thảo nào trông anh gầy đi nhiều. Chị cũng vậy. Độ này trông xanh xao lắm!
Minh chợt buồn rầu hỏi:
− Anh vẫn gặp nhà tôi luôn chứ?
− Hôm nọ tôi đến thăm anh. Lúc ấy anh đi vắng, chì có chị ở nhà. Hình như chị không được khỏe lắm! Có phải thế không anh?
− Vâng.
Minh vừa trả lời mà vừa thấy xấu hổ. Chàng thừa hiểu Văn biết hết tất cả mọi chuyện. Bằng-chứng là hôm Liên bị ngất xỉu, Văn cũng có ở nhà chàng. Chàng vừa nể, vừa sợ và vừa kính phục bạn. Văn thật hết sức khôn khéo và tế nhị, không hề đả động gì đến những chuyện ‘trời ơi đất hỡi’ của chàng mà chỉ nói toàn chuyện giao tình bằng-hữu. Rồi chẳng biết nghĩ thế nào, chàng kể hết cho Văn nghe, từ khi Nhung đến nhà chàng cho đến khi chàng mê man say đắm cái lối sống ‘giang hồ phóng đãng’...
Văn đem lòng thương hại. Chàng không nỡ buông lời nào nặng nề, chỉ an ủi khuyên:
− Bây giờ anh nên về nhà thôi chứ chẳng nên lang thang nữa, vừa hại sức khỏe, vừa tốn thì giờ quý báu.
− Tôi hối hận lắm anh ạ. Bây giờ đầu óc tôi rối loạn hết cả rồi, không còn được điềm tĩnh như trước nữa. Cái thói ăn chơi bạt mạng cũng làm tôi hỏng đi mất rồi, không còn nghị-lực nào để viết lách nữa. Lắm lúc, nghĩ đến sự trống rỗng trong cái lạnh lẽo của cuộc đời vô nghĩa mà tôi lấy làm ghê sợ.
Minh kể cho Văn nghe một buổi chiều chàng lang thang trên con đường Cổ-Ngư lòng chán nản u buồn. Những ý tưởng kinh hoàng như ám ảnh tâm trí chàng hoàn toàn. Chàng cảm thấy tương-lai sẽ đưa chàng đến một địa-ngục tối tăm, nhất là nghĩ đến sự bạc bẽo của mình. Có lúc chàng tự cho mình là một kẻ khốn nạn không đáng sống trên cõi đời này nữa. Cái hình dung héo hon của vợ lúc Minh đang mắc bệnh lại hiện ra trước mắt chàng một cách rõ rệt. Minh uể oải nói tiếp:
− Lúc bấy giờ tôi tưởng chỉ còn lấy cái chết để tạ lỗi với người vợ hiền và người bạn quý. Tồi ngồi bên vệ đường lấy quyển sổ và cây bút chì cố thuật lại mọi sự cám dỗ của tửu sắc. Song trí tôi rối loạn, không còn viết được câu nào cho có ý nghĩa. Ngồi hàng giờ mà chỉ nguệch được một dòng: “Tôi xin hai người, anh Văn bạn quý của tôi và Liên, vợ yêu của tôi tha thứ cho tôi.”.
Văn cảm động, liền cố an ủi bạn:
− Anh rõ lẩn thẩn! Anh nào có lỗi gì đâu? Còn như chơi bời thì đàn ông ai chẳng có lúc!
Như không để ý tới lời Văn, Minh nói luôn:
− Rồi tôi toan tự tử cho hết cuộc đời vô vị đầy mặc cảm tội lỗi. Song tôi lại nghĩ: ‘Nếu cứ làm liều rồi chết thì chả hóa ra ai cũng có thể làm liều được ư?”. Nhưng rồi tôi lại đổi lối suy nghĩ. Tôi tự bắt tôi phải sống, mà sống một cách khốn nạn để trả nợ, để đền bù lại cho tấm lòng bội bạc của tôi. Từ đó, mặc dù tôi vẫn sống nhưng thật ra chẳng khác người đã chết bao nhiêu! Anh Văn ạ, tôi thật là rỗng tuếch, vô tích sự! Như tôi đã nói, có nhiều lần tôi toan viết thư cho anh và cho Liên để xin lỗi. Nhưng tôi lại biết tính cả anh lẫn vợ tôi. Hai người thật là bao dung và rộng lượng, tôi biết thế nào cũng sẵn lòng tha thứ cho tôi. Nhưng tôi thật không xứng đáng để cho anh và Liên tha thứ chút nào!
Văn yên lặng để cho bạn cứ việc tha hồ nói hết tâm-sự. Chàng biết khi một người đang đau khổ mà nói ra được hết tất cả nỗi khổ của mình với người khác, nhất là người thân hiểu biết mình thì lòng cho dù chưa thấy thoải mái ngay cũng sẽ vơi đi được rất nhiều những ưu tư đang đè nặng trong người. Văn dẫn Minh tới cái ghế dài ngồi nghỉ. Chàng ôn tồn nói:
− Thế mà đã khuya rồi đấy. Anh có nghe thấy đồng hồ nhà thờ điểm chín giờ khi nãy không?
− Thế à?
− Anh về nhà tôi nghỉ đi. Đã lâu nay không gặp anh, tôi còn nhiều chuyện muốn nói lắm.
− Cám ơn anh. Xin để khi khác.
− Vậy bây giờ anh ở đâu?
Minh không trả lời. Chàng không muốn Văn biết chỗ ở của mình nên khi thấy Văn hỏi thì chàng vờ nói lảng sang chuyện khác ngay:
− Tôi đang soạn một truyện về cuộc đời phóng đãng của những văn nhân chỉ vì lãng mạn mà dần dần đưa đến trụy lạc trong xa hoa và nhục dục. Anh ạ, trước đây tôi vẫn tưởng là đời văn-sĩ phải trái ngược tương phản với đời sống gia-đình đầm ấm, nhưng tôi lầm. Ta càng phóng đãng tự tách rời khỏi đời sống gia đình bao nhiêu, tri thức ta càng trở nên nặng trĩu với tư tưởng vật dục để rồi một ngày một thêm mờ ám. Muốn sống một đời sống dành cho văn-chương, ta phải có tâm hồn thư thả nhẹ nhàng. Muốn được như thế, không gì bằng có được một người bạn trăm năm và những người bạn tốt luôn luôn ở bên mình khuyến-khích ta, an ủi ta những trong những lúc ‘đen tối’, bị thất vọng...
Văn bắt liền cơ-hội khuyên:
− Nếu vậy thì anh càng nên trở về nhà...
Minh ngắt lời:
− Không được! Tôi còn phải tự bắt tôi chịu đựng thêm nhiều khổ sở ê chề đã. Vả lại, tôi biết Liên còn giận tôi lắm. Anh thì anh hiểu tôi và sẵn sàng tha thứ cho tôi đã đành, nhưng vợ tôi dù sao cũng là đàn bà, không thể nào dễ tha thứ như anh được đâu! Trước kia tôi vẫn tưởng vợ tôi quên mùa chẳng biết gì, nhưng từ khi tôi thấy vợ tôi trả lại, không thèm nhận số tiền 50 bạc của tôi đưa cho thì tôi mới hiểu rằng những cử chỉ và tính tình cao thượng không phải chỉ nằm ở giới trí-thức không thôi!...
Rồi Minh bỗng im bặt, đưa mắt nhìn mặt hồ đang phản chiếu ánh điện. Văn nhỏ nhẹ khuyên bảo”
− Anh thực có tâm hồn thi-sĩ. Nghĩa là anh lãng-mạn lắm. Nội cách anh muốn tự trừng phạt mình cho khổ sở để chuộc lại lỗi lầm cũng đủ thấy anh có những tư tưởng kỳ dị, và xin lỗi, có thể nói là điên cuồng... Anh phải biết trong khi anh muốn chịu nhục như các tu-sĩ phạm giới đời xưa thì vợ anh và bạn anh cũng vì anh mà khổ sở, chẳng biết anh có nghĩ đến không? Anh hãy nghe tôi! Anh nên về ngay! Biết bao nhiêu hạnh-phúc êm đềm nồng thắm đang chờ đón anh. Rồi chúng ta lại cùng nhau viết văn, soạn sách và cùng nhau theo đuổi những công cuộc ích lợi cho đời và cho người...
Minh hai tay ôm đầu tư lự. Chàng thầm so sánh hai khía cạnh cuộc đời. Một, giản dị đạm bạc trong mái ấm gia đình, và hai, xán lạn kiêu căng với những lạc thú tạm bợ... Chàng bỗng đứng dậy tự ý bắt vội tay Văn rồi rảo bước đi nhanh chẳng khác như một tội-phạm tìm cách cao bay xa chạy, lánh xa nhà chức trách. Minh có biết đâu rằng Văn, người bạn tốt, quý hóa có một không hai trên đời của mình đang lẽo đẽo theo sau...
Đi một hồi lâu quay lại không còn thấy bóng dáng Văn đâu nữa, chàng mới yên tâm gọi xe để về lại nơi trú ẩn...
Một tiếng sau, Văn về đến nhà. Lòng chàng vừa vui sướng vừa lo sợ. Vui sướng vì đã tìm ra chỗ ‘trốn’ của bạn, và lo sợ vì chàng cho là bạn có lẽ đã mất hết trí khôn. Chàng có ngờ đâu rằng như phần đông đám thiếu-niên trụy-lạc, Minh đang trải qua thời kỳ khủng hoảng tinh-thần. Trong thời kỳ ấy, nạn-nhân thường cảm thấy cuộc đời vô vị. Nhưng Văn hiểu sao cho được những ảnh-hưởng ghê gớm của khói thơm thuốc phiện trong những đêm dài bên cạnh các cô gái giang hồ tình dục bốc lửa.
Sáng sớm hôm sau Văn đến tìm gặp Liên, kể cho nàng nghe việc gặp gỡ của chàng với Minh. Liên lạnh lùng bảo Văn:
− Thôi anh ạ. Anh ấy đã không muốn về thì cứ để mặc anh ấy!
Văn phản đối:
− Chị nói thế không được. Anh Minh đang mê muội chưa tỉnh. Nếu mình cứ để mặc kệ thì biết bao giờ anh ấy mới tỉnh ngộ được! Bây giờ là lúc ta nên bỏ hết những điều giận hờn mà chỉ nghĩ đến việc cứu vớt một tâm hồn đang sắp sửa chết đuối.
Rồi Văn thuật lại hết mọi điều chàng đã nhận xét được trong sự hoán cải tâm hồn của Minh, từ tư tưởng cho đến tính tình. Chàng lại khuyên:
− Xem ra bây giờ anh ấy không được đơn thuần và vui vẻ như xưa nữa. Nét mặt anh ấy luôn ủ rũ và lời nói nhuộm đầy vẻ chán nản hận dời. Anh ấy khổ sở lắm chị ạ!
− Tự anh ấy làm cho mình khổ sở đấy thôi chứ có ai bắt anh ấy như thế đâu!
− Nhưng nếu anh ấy khổ thì liệu chúng ta có sung sướng được hay không?
Liên động lòng trắc ẩn. Trong lúc tức giận, nàng tưởng nàng có thể ghét được người đã ruồng rẫy nàng để đi với gái. Nhưng khổ nỗi, ái-tình chân thật của các cô gái Á-Đông vẫn khắn khít đậm đà, nhất lại là ái-tình được vun xới từ tình bạn lúc đôi bên còn thơ ấu. Và theo thời-gian, tình bạn đó biến chuyển thành tình yêu, và rồi đôi lứa nên vợ nên chồng. Vì thế, tình yêu đó đã xiết chặt đôi bên, khiến hai người như một. Cho dù có sóng gió bao nhiêu, nhưng người này thật khó lòng mà ‘ghét’ mãi được người kia chứ chưa nói đến chuyện bỏ. Văn cũng nhìn thấy được điều đó. Chàng ôn tồn nói, mà cũng như là ‘khích tướng’ Liên:
− Ấy tùy chị đấy. Sau này có ân hận hay bị lương tâm cắn rứt thì đừng trách tôi sao không nói trước!
Liên càng nghĩ càng cảm động trước thịnh tình của Văn đối với vợ chồng nàng. Từ những cử-chỉ, lời nói cũng như hành động bấy lâu nay cũng đủ chứng tỏ lòng cao-thượng phi thường của Văn. Liên đôi khi vẫn ngờ Văn yêu thầm, thương trộm mình. Mà nàng nghi cũng không sai. Văn quả thật lúc nào cũng vẫn yêu nàng. Nhưng vì yêu nàng, Văn muốn cho gia-đình nàng êm ấm hạnh-phúc lại như xưa thay vì lợi dụng cơ-hội ‘nước đục thả câu’. Chính Liên nhiều lúc cũng tự hỏi rằng trong thời gian Minh đổ đốn sinh tật làm tan nát cõi lòng nàng thì Văn vẫn thường lui tới an ủi nàng khuyên nàng. Giả sử như những lúc đó Văn gợi ý tỏ tình cùng Liên thì thật chưa biết chuyện sẽ đi về đâu...
Thấy Liên vẫn im lặng không trả lời, Văn lại hỏi:
− Thế nào hả chị?
− Được rồi, vậy mai đi tìm anh ấy nhé?
Văn vui mừng ra mặt:
− Có thế chứ! Nhưng tại sao ta không đi ngay bây giờ có hơn không?
Liên nghĩ đến những lời ‘hăm dọa’ của Văn mà lấy làm lo sợ cho chồng nên nàng chịu nghe theo lời Văn đi với chàng tìm chồng. Tuy rất giận Minh, nhưng nàng vẫn mong gặp lại mặt vì đã hai tháng nay, Minh không hề bước chân về nhà.
Người trong xóm chỉ trỏ thì thầm khúc khích cười khi họ nhìn thấy Liên đi chung với Văn, người mà họ vẫn gặp thường xuyên lui tới nhà nàng. Nhưng Liên cũng chẳng buồn để ý đến những lời đàm tiếu của thiên-hạ. Người đời từ lâu vốn thích đa sự, thích bàn tán đến chuyện của người khác. Muôn đời vẫn vậy, con người dù khôn ngoan, là chúa tể muôn loài, nhưng lòng dạ cũng độc ác hơn bất cứ loài dã thú nào. Hay nói một cách đúng hơn là: ‘ác hơn tất cả các loài dã thú cộng lại’. Nỗi buồn, nỗi bất hạnh của một người thường là niềm vui, là đề tài cho những trò tiêu khiển của bao nhiêu kẻ khác.
Liên toan gọi xe thì Văn gạt đi, bảo nên đón xe điện. Lúc bấy giờ, nàng mới sực nhớ ra điều gì liền hỏi Văn hiện Minh đang ở đâu. Nàng rất đỗi kinh-ngạc khi Minh cho biết chồng nàng đang ẩn náu tại làng Mọc, ở chung với một người bạn học ngày xưa...
Tới bờ hồ, Liên và Văn chuyển xe để về Ngã Tư Sở. Vừa bước lên xe điện Hà-Đông chợt nghe có tiếng ai cười nên Văn quay lại. Chàng nhận ra đó là Mạc mà chàng đã có một lần tới nhà hỏi thăm tông-tích Minh. Mạc cười mỉm chi, cúi đầu chào giới-thiệu với người phụ-nữ đồng hành.
− Dì Nhung ạ, anh Văn đây là bạn thân của anh Minh đấy.
Liên còn đang bỡ ngỡ, thắc mắc vì sao Văn quen hai cô lạ mặt này thì cả hai cùng bắt tay chàng một cách tụ-nhiên thoải mái. Mạc nháy mắt nói với Văn:
− Thú nhỉ?... Thế mà cứ giấu diếm mãi!
Văn đỏ mặt tức giận định bỏ sang toa xe khác thì Mạc tinh ranh giữ chàng lại hỏi:
− Đưa nhau đi nghỉ mát ở đâu đấy?
Văn cau mặt cự lại:
− Đừng có nói bậy! Chị Minh đấy!
Mạc phá lên cười nói:
− Thì ai còn lạ gì cô hàng hoa xinh đẹp kia.
Quay qua Liên, Mạc hỏi như trêu chọc:
− Có phải không cô?
Nhung thấy vậy liền quắc mắt quát mắng:
− Mạc!
Nhưng Mạc vẫn nhởn nhơ như không, càng ra vẻ lờn mặt:
− Vợ anh Minh đấy dì. Chị ấy đi chơi với bạn chồng.
Văn lại một phen xấu hổ vì trò đùa thiếu văn hóa của Mạc. Chàng cắm đầu bước thẳng sang toa hạng nhì. Liên cũng đi theo chàng, khẽ hỏi:
− Ai thế anh?
Không thấy Văn trả lời, nàng lại hỏi:
− Có phải tình nhân của nhà tôi đấy không?
Văn vẫn lặng thinh không đáp, chỉ khẽ bảo Liên xuống toa dưới ngồi. Liên hơi bực bội vì câu hỏi của nàng không được trả lời. Nàng đang hối hận tại sao nhận lời đi theo Văn để gặp phải những chuyện bực mình không đâu. Liên nghĩ thầm:
− “Có lẽ họ cho anh Văn với mình là một cặp tình-nhân.”.
Nhớ lại những bộ điệu chế diễu của những người trong xóm lúc mới rời nhà, Liên đã toan bỏ Văn trở về nhà lại một mình. Nhưng Văn đã lấy vé và xe đã bắt đầu chạy. Liên đành ngồi im để mặc chuyện tới đâu thì tới. Nửa tiếng sau, xe tới Ngã Tư Sở. Văn và Liên vừa bước xuống thì Mạc thò đầu ra ngoài gọi:
− Anh Văn!
Văn quay lại. Mạc cười ranh mãnh hỏi:
− Anh Minh mù à?
− Chỉ nói bậy!
Xe điện tiếp tục chạy. Mạc còn cố cúi xuống nhìn Liên nói thêm một câu:
− Hôn hộ anh Văn cho em mấy cái nhé.
Liên mặt đỏ ửng, đứng nhìn xe điện chạy về lối đi Hà-Đông. Mãi đến khi nghe tiếng Văn hỏi nàng rằng đi bộ hay đi xe, Liên mới như bừng tỉnh người, quay lại nhìn Văn lắc đầu nói:
− Chịu các anh thôi! Thật ghê quá, ê chề quá đi!
− Nhưng thưa chị, tôi có quen mấy người đó đâu!
− Không quen sao người ta lại biết tên anh?
− Chắc là anh Minh nói chuyện với họ vì tôi.
Liên cất tiếng cười, giọng như ‘tra-khaỏ’:
− Nói chuyện mà người ta lại biết được mặt anh?
Lâm vào thế ‘chẳng đặng đừng’, Văn liền đem chuyện đến nhà Nhung dò la tin-tức Minh làm sao kể hết cho Liên nghe. Giọng chàng cỏ vẻ ngập-ngừng và thẹn thùng. Văn vốn dĩ chẳng ưa gì cái lối sống của đám gái giang hồ nên chẳng muốn nói chuyện gì có liên quan đến họ cả. Nhưng sợ bị Liên hiểu lầm, chàng bất đắc dĩ phải kể lại đầu đuôi ngọn ngành. Nhưng chàng cũng phải dè dặt từng lời nói, quyết không để cho Liên coi thường.
Liên xưa nay vốn coi trọng Văn, nếu nàng cho là chàng cũng thiết tha đến cái lối sống bạt mạng đã đưa Minh vào vòng sa đọa tất nhiên nàng sẽ mất cảm tình nhiều với chàng. Không phải vì Văn mong được Liên ‘yêu’, nhưng chàng vẫn muốn giữ mãi cái hình ảnh quân-tử cao thượng luôn luôn với bạn cũng như vợ bạn. Cũng như chàng đã giữ mình không để xảy ra chuyện gì đáng tiếc...
Nghe xong câu chuyện, Liê thở dài hỏi lại:
− Thế trong hai người thì người nào là tình nhân của nhà tôi?
− Người lớn tuổi.
− Trông cô ta có vẻ chững chạc nhỉ?
Văn tảng lờ, nói sang chuyện khác:
− Bây giờ mình đi xe hay đi bộ đây?
− Còn bao xa nữa hả anh?
− Độ hai cây số thôi.
− Vậy thì đi bộ cho xong.
− Vâng, thì đi bộ.
Đưa mắt nhìn rặng hoa xoan tây đỏ ối với cành lá rũ là là hai bên đường, Liên lại chợt nghĩ đến mùa thi. Nàng còn nhớ năm trước đi nghe ngóng chờ xem tin-tức kỳ thi vấn đáp của chồng, nàng ngồi nghỉ mát dưới một gốc cây xoan tây cao vút và mềm mại. Rồi nghĩ sang chuyện nọ tới chuyện kia, cái cảnh chồng bị mù lại hiện ra trở lại...
Còn Văn thì có vẻ ngượng ngùng..., cái ngượng ngùng vì rung động. Đi bên cạnh Liên, chàng cảm tưởng như đi với tình nhân dạo mát. Nhưng khi nghĩ đến tấm lòng ngây thơ của Liên và tình bằng-hữu chân thật của mình đối với Minh, chàng bỗng tự cảm thấy xấu hổ liền đi lùi lại phía sau rồi cố chậm một hai bước để Liên vượt qua. Như thế, chàng khỏi bị mang tiếng là đi ngang hàng, cặp kè với vợ bạn.
Nhưng Liên thật thà, nào có hiểu được tính tình kín đáo và cử-chỉ tế nhị của Văn. Thấy Văn đột nhiên đi chậm lại, nàng cười hỏi:
− Anh mỏi chân rồi ư?
− Chưa chị ạ.
− Thế sao anh đi chậm thế?
Văn cười đáp:
− Vâng thì đi nhanh.
Nhưng chàng khi đi nhanh thì lại nhanh quá khiến cho Liên không sao theo kịp đến nỗi cứ phải dừng lại luôn luôn để chờ Liên. Khi đi ngang qua một hàng tạp-hóa ở chợ Mọc, thấy Liên đứng lại nhìn, người chủ liền mời:
− Cậu mợ mở hàng cho em đi.
Câu nói làm Liên mắc cỡ, đỏ ửng cả hai má. Văn thấy vậy vội chữa thẹn cho nàng:
− Chị tôi đấy bà ạ.
Rồi cố ý lảng sang chuyện khác, chàng bảo Liên:
− Sắp đến rồi. Chị hãy ngồi tạm đây đợi để tôi đến hỏi thăm xem anh ấy có nhà không đã.
Liên sốt ruột nói:
− Thì mình cứ cùng nhau đến có hơn không!
− Vâng, thế cũng được.
Tới một căn nhà tranh nằm bên con đường nhỏ lát gạch gồ ghề, chỗ lồi chỗ lõm vì vết xe bò, Văn dừng lại khẽ nói:
− Đây rồi!
Nghe tiếng gọi ngoài cổng, một thằng bé con chừng tám, chín tuổi, trông bẩn thỉu chạy ra. Văn hỏi Minh có nhà không thì thằng bé trả lời rằng chàng còng đang ngủ, mà cậu nó cũng chưa dậy vì tối hôm trước cả hai người đều thức khuya. Liên cho là chồng thức đêm để soạn sách. Nhưng Văn thì trái lại, lấy làm lo sợ cho bạn vì chàng đã đoán ra Minh thức khuya để làm gì rồi. Chỉ trông sơ quan cảnh tiêu điều của nếp nhà Minh đang ở trọ và cái hình thù ốm yếu của thằng bé con, chàng cũng biết tâm hồn Minh đang đâm đầu vào một con đường dốc tối tăm. Nhớ lại những lời chán nản của Minh, Văn lại càng thêm lo. Chàng tin chắc rằng những tư tưởng yếm thế của Minh phần lớn là do từ khói thuốc phiện gây ra.
Thằng bé con toan vào nhà thì Văn gọi lại bảo:
− Em đánh thức ông Minh dậy hộ tôi nhé!
Thằng bé xua tay lia lịa nói:
− Chịu thôi! Ông ấy đánh chết!
− Vậy để tôi vào đánh thức cũng được.
Thằng bé còn đang ngần ngại chưa biết phảo xử trí ra sao thì Văn và Liên đã đi thẳng vào trong nhà. Văn hỏi:
− Ông Minh ngủ ở đâu?
Thằng bé đưa tay chỉ:
− Ở bên trong ấy.
Văn bước vào nhưng chợt lùi ngay ra lại nhìn Liên bảo:
− Thôi, chị đừng vào nữa, có người lạ.
Nhưng Văn đã chậm mất một bước, vì Liên đã nhanh chân vào đến nơi. Một cảnh tượng bi đát mà thoáng trông qua đã làm cho nàng phải rùng mình. Trên một cái giường trải chiếc chiếu cũ, hai người nằm ngủ co quắp hai bên ngọn đèn nha phiến tờ mờ đặt trong cái khay con. Bấy giờ, một người đàn bà ở dưới bếp chạy lên ngơ ngác nhìn Liên:
− Cô hỏi ai?
− Tôi hỏi ông Minh.
Người đàn bà từ hiên bước vào trong nhà lẩm bẩm nói: “Ngủ gì mà ngủ lắm thế!”. Rồi bà ta lay Minh dậy mà rằng:
− Có cô nào đến hỏi gì bác đấy.
Minh ú ớ ngồi dậy dụi mắt. Liên nhìn kỹ thấy chồng đầu tóc bù xù, mặt mũi xanh xao, mình mặc cái quần đùi bẩn thỉu thì nàng vừa thương hại, vừa giận. Rồi sợ chồng biết rằng mình trông thấy cái bàn đèn, Liên rón rén ra sân đứng đợi. Trong khi ấy, Văn lại gần giường vỗ vai Minh ôn tồn nói:
− Anh Minh, chị và tôi đến đón anh về đây.
Minh cau mặt, ra điều oán trách bạn:
− Thế thì anh giỏi thật!
− Anh giận tôi đấy à?
Minh nhìn quanh hỏi:
− Vậy nhà tôi đâu?
− Chị đứng ở ngoài sân.
Minh thì thầm:
− Nhà tôi chưa trông thấy tôi đấy chứ?
− Chưa.
− Vậy anh làm ơn ra trước đi, để tôi mặc quần áo vào xong sẽ ra ngay bây giờ.
Văn trù trừ, sợ bạn lẫn thì Minh lại giục:
− Anh ra ngay đi, nếu không nhà tôi vào đây thì thật khổ cho tôi lắm!
Văn chiều theo lời bạn ra sân đứng. Chàng ghé tai Liên nói nhỏ:
− Anh ấy sắp ra đấy.
Liên tươi cười, ra vẻ mừng rỡ lắm. Một lúc sau, Minh ra tới. Liên thản nhiên đến bên chồng nói:
− Em nghe anh Văn nói mình mệt lắm nên ghé thăm.
Minh ngượng ngùng lắp bắp:
− Không, tôi có sao đâu...
− Nhưng trông mình gầy lắm. Mình cũng chả nên vùi đầu vào mà viết văn như thế. Gớm, mình mê viết văn đến độ phải tìm đến một nơi vắng vẻ như thế này mà làm việc!
Minh trong lòng hết sức cảm động vì thấy Liên không đả động gì đến việc ăn chơi của mình. Chàng đứng im không nói được câu gì.
− Ta về thôi!
Minh ngần ngừ, hết nhìn vợ lại nhìn bạn như để dò ý tứ. Rồi chàng thong thả từ từ bước theo chân vợ và chân bạn...