Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> GÁNH HÀNG HOA

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17430 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

GÁNH HÀNG HOA
Khái Hưng và Nhất Linh

Chương 11

Ngồi trước lọ hoa, Liên mơ mộng. Đã hơn một tuần nay, Liên thật cô đơn hơn bao giờ hết. Chồng thì chẳng về, mà Văn thì cũng chẳng đến. Trong bình hoa, nước hầu như đã cạn mà hoa cũng hầu như tàn. Mấy bông cẩm chướng màu đỏ sẫm nay trở nên tím đen. Những lá xanh dài và nhọn đã vằng úa hay khô héo rũ xuống bàn. Hoa thược dược thì lại càng thảm thương, cái thì rụng hết cánh chỉ còn trơ lại bầu nhụy, cái thì mềm gẫy gập lại, đài trắng thì nhợt nhạt nhăn nheo.
Ngắm hoa tàn, Liên chợt cảm khái. Nàng chợt nghĩ đến tuổi già. Tuổi xuân nay đã gần sang hạ, mà trái tim nàng khô héo phải chăng là vì thiếu sự yêu đương? Cầm gương tự ngắm chân dung, mắt Liên lóe lên một tia hy-vọng. Không, nàng còn trẻ! Nàng không giống như hoa tàn! Và nàng nhớ tới thời kỳ ân ái của đôi vợ chồng son...
Một buổi chiều xuân, Minh ngồi xem sách... Liên mới đi bán hoa về liền rón rén lại cắm mấy bông hoa vào bình. Minh ngước mặt nhìn vợ mỉm cười. Liên sung sướng, ửng hồng đôi má...
Tuy thời gian chỉ mới hai năm mà Liên nghe chừng như lâu lắm rồi! Linh tính như báo trước cho Liên là thời đó đã đi qua rồi và sẽ không bao giờ còn trở lại nữa. Nhìn những cánh hoa sắc hồng tan tác trên mặt bàn, Liên bỗng buông tiếng thở dài.
Tờ báo nhận được hôm qua vẫn để trên bàn, băng còn y nguyên chưa bóc. Thấy buồn, Liên mở ra xem, tìm bài của chồng. Nhưng cũng như kỳ báo trước, chẳng có mọt bài nào ký tên Minh. Liên thắc mắc:
− Hay chồng ta ốm?
Liên giật mình khin hãi vì chợt nghĩ đến một chuyện. Đó là việc mê gái của chồng, mê đến độ không còn thì giờ để viết văn. Khuôn mặt Liên phản chiếu trong gương với cặp mắt ướt nhòa. Liên bỗng cười chua chát lẩm bẩm:
− Không cần!
Đoạn nàng đứng phắt dậy vào nhà thay quần áo. Một lát sau khi trở ra, Liên lại là cô hàng hoa như hôm nào với cái khăn vuông và tấm áo tứ thân. Rồi nàng ra làm vườn để cố quên đi bao nhiêu phiền muộn. Quả thật, những bông hoa đủ các màu sắc rực rỡ như vui mừng hớn hở chào mừng và an ủi một người bạn từ thuở xa xưa. Hoa ti-gôn sắc đỏ, sắc hồng, sắc trắng, năm nào cũng vậy. Cứ một mùa tàn lại đến một mùa nở. Nó chẳng giống như lòng bất trắc của con người. Hoa kim liên sắc vàng tươi như một nụ cười thân yêu. Song Liên chẳng buồn ngắm tới mọi vật, chỉ cặm cụi ngồi xới đất ở các gốc huệ, gốc hồng. Khi tới gần giàn móng rồng, Liên chạnh lòng nhớ lại thời kỳ Minh mắc bệnh. Nàng ngậm ngùi ứa hai hàng lệ...
Sáng hôm sau, Liên quyết định sắp quang gánh, đi bán hoa trở lại. Xưa nay tại chợ hàng hoa, Liên vẫn ngồi chung với một người bạn cùng nghề. Hai người biết nhau đã lâu, thân như chị em. Nhưng vì lâu nay nghỉ việc buôn bán, Liên sợ người bạn không dành chỗ cho mình nữa. Vì vậy, để chắc ăn, Liên tìm tới nhà người bạn gõ cửa. Bên trong có tiếng vọng ra hỏi:
− Ai đấy?
− Tôi.
− Tôi là ai?
− Liên đây mà.
Một tràng cười ngạo nghễ vang ra làm Liên luống cuống e ngại, chỉ muốn bỏ chạy ngay về nhà. Nhưng cánh cửa bỗng mở ra rồi một người đàn bà trạc tuổi nàng bước ra.
− Kìa, chị Liên. À quên, chào ‘bà giáo’!
Mặt Liên như nóng bừng lên, nàng ấp úng:
− Chị... cứ diễu...
− Ủa! Sao hôm nay bà lại mặc quần áo quê mùa của chúng tôi vậy?
Liên vừa xấu hổ, vừa tức giận mà không nói được lời nào. Nước mắt nàng cứ chảy quanh mãi. Người bạn nhìn thấy vậy bỗng hối hận, ân cần hỏi han như để xin lỗi.
− Chị định đi bán hoa lại với em đấy ư?
− Vâng, em muốn đi cùng và ngồi chung với chị như xưa.
− Phải đấy chị ạ. Nghề của cha ông mình thì mình phải giữ. Ông ấy có đỗ giáo học cũng mặc ông ấy chứ!
Nghe bạn nhắc đến chồng, Liên thở dài. Người bạn thấy thương hại nên không nỡ nói tiếp nữa. Trong làng Hữu-Tiệp này, ai còn lạ gì chuyện mê gái của Minh. Liên bỗng than thở, kể lể:
− Chị nghĩ xem, học cao đỗ đạt mà làm gì! Giỏi để làm gì! Cứ như anh chị như thế có sung sướng hơn không? Chồng làm vườn, vợ bán hoa. Vợ chồng cùng một nghề bao giờ cũng vẫn hơn chị ạ!
− Chị nói cũng phải. Nhưng thật đâu có ai ngờ anh ấy lại tệ hại đến thế!
Liên buồn rầu đáp:
− Tôi khổ lắm chị ạ!
Người bạn an uỉ:
− Chả nên bận tâm nghĩ ngợi nhiều làm gì, chị ạ.
− Tôi có nghĩ ngợi gì đâu? Chị tin tôi đi, từ nay tôi sẽ đi bán hoa với chị lại như thường khi. Nghề bán hoa là nghề ‘cha truyền con nối’ của mình phải không chị?
Dứt lời, Liên cười lên một tràng sảng khoái, tưởng chừng như đã trút bỏ được hết tất cả những phiền muộn.
− Phải đấy! Có đi bán hoa thì mới xứng đáng là con gái trại hàng hoa chứ!
Hai người cùng nhau cười rồi cùng nhau lên đường. Khi đi ngang qua nhà các đồng-nghiệp, Liên vui vẻ gọi tên từng người. Nhưng phần đông đã sớm đến chợ lúc mặt trời còn chưa lên để sửa soạn, bày sẵn cửa hàng trước khi cổng chợ được mở.
Đến chợ Đồng-Xuân, ai gặp Liên cũng đon đả hỏi thăm. Liên lúng túng ngượng nghịu chẳng biết trả lời làm sao. Thấy vậy, người bạn liền đỡ lời cho nàng:
− Chị ấy bị ốm...
− Ốm bệnh gì đấy chị?
− Tôi cảm xoàng thôi. Nay đã khỏi hẳn rồi.
Khoảng sau trưa, mọt nhóm người gồm hai người đàn bà đi chung với hai người đàn ông đến chợ hỏi mua cam. Hai người đàn bà tóc vấn trần lệch sang một bên, phấn son đầy đủ. Má người nào cũng hồng, chân mi chân mày đều kẻ trông rất ‘đầm’. Hẳn họ thuộc lớp ‘phụ-nữ mới’. Còn hai người đàn ông thì đầu bù tóc rối, đi lảo đảo giơ chân múa tay, miệng nói thao thao bất tuyệt. Khi thì pha trò đùa với hai người phụ-nữ đi chung, khi thì đùa cợt với mấy cô bán hàng. Trông cả hai thật trâng tráo, và tức cười vô cùng. Một người đưa ngón tay trỏ vào dãy hàng hoa ở đàng sau họ.
− Ồ, hoa! Đến mua đi Mạc!
− Vâng, phải đấy dì ạ.
− Đức ơi! Minh ơi! Lại mà mua hoa đi chứ!
Nhưng người đàn ông tên Đức còn đang ‘tít mắt’ đứng bên cô hàng cam, còn người đàn ông tên Minh mồm đang ngồm ngoàm vừa nhai vừa nói nên không ai nghe rõ tiến gọi.
− Thôi, mặc kệ họ! Ta lại mua hoa đi, Cháu thích hoa lắm.
Khi hai người phụ-nữ gần đi đến quày mình, Liên nhìn một người như có vẻ quen quen, khẽ quay sang nói với một bạn đồng-nghiệp:
− Quái lạ! Cái người này hình như tôi đã gặp ở đâu rồi nhưng không hiểu sao tự dưng lại quên bẵng mất!
Người bạn đáp lại:
− Các cô tây thì phần nhiều giống nhau cả.
− Không, thật mà chị! Tôi chắc chắn có gặp ở đâu mà!
Nhung thấy Liên đăm đăm nhìn mình và thì thầm to nhỏ với mấy người bán hoa kia liền dừng lại hỏi:
− Cô có bán hoa không?
Nghe giọng nói, Liên lại càng thấy quen. Nàng còn mải đang lục lọi tìm sâu trong trí óc nên chưa kịp trả lời. Bạn Liên thấy vậy vừa cười vừa nói:
− Thưa bà, chúng tôi là hàng hoa mà chả bán hoa thì bán gì?
Người phụ-nữ kia trỏ vào Liên nói:
− Dì Nhung ơi! Dì trông này! Cô hàng hoa này đẹp không?
Người phụ-nữ tên Nhung liếc mắt nhìn Liên rồi trầm trồ:
− Ừ, đẹp lắm đấy! Nhưng giá mà diện bộ áo cánh vào thì trông còn khá hơn, đẹp hơn nhiều nữa, phải không Mạc?
Nghe họ bình-phẩm về nhan sắc của mình rồi cùng nhau cười khúc khích, Liên cảm thấy nóng mặt, gắt lên rằng:
− Ô hay, mua hoa thì mua đi chứ!
Người phụ-nữ tên Mạc khẽ nhếch môi, nhoẻn hàm răng trắng toát nói như trêu chọc:
− Giời ơi! Bán hàng thì phải chiều khách, ăn nói nhã nhặn một tí chứ.
Người phụ-nữ tên Nhung bỗng quay lại đàng sau gọi lớn:
− Anh Minh ơi! Anh Đức ơi!
Trông qua phía hàng cam, Liên thấy có bóng dáng đàn ông ‘quen thuộc’. Có lẽ là ‘quá quen’ thì đúng hơn. Người đó chẳng ai khác hơn là Minh, chồng nàng. Lúc bấy giờ, Liên mới biết người đàn bà tên Nhung kia là một độc giả nữ từng viết thư cho chồng nàng với những lời lẽ tình tứ và táo bạo.
Lúc ấy, tiếng Minh vọng lại lại hỏi:
− Cái gì đấy Nhung?
− Lại đây mua hoa.
− Chúng tôi còn phải ăn cái đã. Bà muốn mua thì cứ mua.
− Vậy mua hoa gì?
− Đã bảo muốn mua gì thì mua mà!
Mỗi tiếng nói của Minh như một mũi nhọn đâm mạnh vào tim Liên. Nàng đang tan nát cõi lòng lại nghe tiếng Nhung hỏi:
− Mua hoa huệ nhé?
− Đừng! Ruồi nó đến bâu vào thì khổ cả nút!
Mạc cười lớn, chêm vào một câu:
− Nhà bán hoa có khác! Biết rành mạch lắm!
Nhung chợt quắc mắt lên mắng:
− Cháu không được hỗn!
Liên càng nghe càng thấy uất ức. Nhung trỏ vào bó cẩm chướng hất hàm, dáng điệu hách dịch hỏi:
− Bao nhiêu?
Thấy Liên mặt màu tái mét không nói được gì chỉ ngồi mà vân vê bó hoa, người bạn liền ngẩng lên, thay nàng trả lời:
− Xin bà năm hào.
− Ba hào đi!
− Thôi, xin bán rẻ hầu bà.
Rồi người bạn nhắc Liên cầm bó hoa trao cho khách hàng. Thật sự bó hoa chỉ đáng có hào rưỡi, nhưng vì Nhung quen với giá ở hồ Hoàn-Kiếm nên thành ra trả hớ. Mà người bạn của Liên nhìn thấy dáng điệu Nhung và Mạc cũng đáng ghét nên ‘cứa cổ’ được là cứa, không nương tay.
Nhung móc ví trả tiền. Người bạn đưa tay lấy lẹ đưa về cho Liên. Nhung vừa quay đi thì Liên ngã ‘quay đơ’ xuống. Các bạn đồng-nghiệp ai nấy đều bỏ dở công việc đang làm xúm lại đỡ nàng dậy hỏi han ầm ỹ. Nghe có tiếng ồn ào ở chỗ Nhung và Mạc, Đức liền cất tiếng gọi:
− Mạc, cái gì thế?
Mạc nhún vai, lạnh lùng đáp:
− Hình như một cô hàng hoa cảm hay trúng gió gì đó nên đột nhiên khi không ngã lăn đùng ra.
Nói dứt lời, nàng lôi Nhung đi, không buồn quay mặt lại. Gặp Đức đang đi tới, Mạc xua tay nói:
− Về thôi anh Đức! Không phải chuyện mình, để ý đến làm gì!
Nhung có vẻ động lòng hơn xoay qua nói với Minh:
− Tội nghiệp, nhìn mà thương hại. Con bé khá trông khá nhất trong bọn hàng hoa đấy!
Lúc bấy giờ, nhờ ăn xong mấy quả cam nên xem chừng đã giải bớt được nồng độ của rượu, Minh đã hơi tỉnh tỉnh. Chàng ngơ ngác nhìn quanh và lấy làm lạ rằng tại sao mình lại ở trong chợ, mà quang-cảnh thì thấy rất là quen thuộc. Rồi hai chữ ‘hàng hoa’ được Nhung nhắc đi nhắc lại nhiều lần làm Minh tỉnh hẳn. Chàng giật mình, bỡ ngỡ hỏi:
− Hàng hoa à?
Mạc mỉm cười, giọng mỉa mai:
− Vâng, hàng hoa đấy. Mà hàng hoa thì có gì lạ mà phải hỏi?
Nhung trừng mắt quát lớn:
− Mạc!
Đoạn nàng ghé vào tai Mạc nói khẽ như trách móc:
− Mày ác lắm, mày biết không!
Nghe Nhung nói, Mạc chẳng chút động lòng mà còn có vẻ ‘ác hơn’ nữa. Nàng chanh chua nói với vẻ đắc ý, thỏa mãn:
− Cô hàng hoa ngất đi thì mặc kệ cô ấy, có việc gì quan-trọng mà phải để ý tới làm gì!
Minh nói như mê man:
− Ngấy đi!
− Vâng, ngất đi. Cô ấy ngất đi rồi thì chốc nữa cô ấy lại tỉnh... như ở xi-nê-ma ấy mà!
Nhung giật quả cam trong tay Đứa đưa cho Mạc nói:
− Này, ăn đi cho giã rượu! May say quá rồi nên chỉ biết nói bậy thôi! Bây giờ thì đi về!
Đoàn người kéo nhau rời khỏi chợ. Đức gọi tài-xế taxi lại. Xe hơi lại sát bên thềm mà Minh vẫn còn như người không hồn. Chàng ngây người ra ít giây rồi mới chịu theo Nhung, Mạc và Đức lên xe...
Về đến nhà, Mạc còn liến thoắng thuật lại câu chuyện cô hàng hoa cho mọi người nghe làm như chưa ai biết gì cả. Đưa tay trỏ vaò Minh đang thiu thỉu ngủ trên chiếc ghế bành dài, Nhung nói với Đức:
− Con bé nó giống mẹ nó in hệt! Hễ say là trở nên tai ác lạ lùng!
− Tôi có thấy Mạc yêu quý của tôi ác chút nào đâu!
− Thì vợ anh Minh cũng là dân bánh hoa, nó còn lạ gì nữa! Thế mà đứng trước anh ấy nó cứ gợi mãi đến chuyện bán hoa bán quả!
Đức bưng miệng cười ngặt nghẽo:
− Thế à? Vậy ‘toa’ (phiên-âm của chữ ‘toi’, tiếng Pháp) có gặp vợ hắn ngồi bán hoa ở chợ không?
− ‘Moa’ (phiên-âm của chữ ‘moi’ tiếng Pháp) nghi lắm ‘toa’ ạ!
− ‘Toa’ ngờ gì?
− Không... mà thôi! Xếp câu chuyện ấy qua một bên đi!
Thật ra ngay lúc mới gặp Liên, Nhung đã ngờ ngợ và đoán ra cô nàng gánh hoa đến nhà mình bán hôm nào. Luôn cả cái nhan sắc của Liên cũng khó mà lầm lẫn được. Đến khi Liên ngất đi thì Nhung lại càng tin chắc. Vì thế, nàng đã cản không cho Minh và Đức đến gần mà lôi cả đám về nhà sau đó.
Nhìn Minh mệt mỏi nằm ngủ say li bì, Nhung lắc đầu tỏ vẻ ái ngại. Đức lấy làm lạ hỏi:
− ‘Toa’ ngờ gì vậy?
− ‘Suỵt’! Để cho anh ấy ngủ!
Đức buồn rầu nói:
− Mình yêu hắn đến thế hả?
Nhung không đáp. Đức định nói tiếp nhưng Nhung đã giơ tay ra hiệu bảo im đi rồi ngồi một mình xuống ghế, vẻ mặt hết sức lạnh lùng. Đức ghé vào tai Nhung thì thầm:
− Sao mình nỡ tệ thế?
Nhung đứng dậy, rón rén ra phòng ngoài. Bỗng Mạc hấp tấp chạy lên, miệng hớn hở reo lên:
− Dì ơi! Bó hoa thật kỳ lạ! Lạ lắm! Hay lắm!
Nhung lại tưởng Mạc sắp sửa gợi chuyện cô nàng bán hoa cốt để làm đau lòng Minh nên bèn giơ tay tát vào mặt Mạc mọt cái thật nên thân.
− Ô hay! Sao dì lại đánh cháu?
Lôi Mạc xuống nhà, Nhung lộ vẻ giận dữ nói:
− Đã bảo để yên cho anh ấy ngủ mà mồm cứ hét toáng lên là sao!
− Nhưng dì đã bảo với cháu là anh ấy ngủ đâu?
Nhung gượng cười, nhỏ nhẹ nói:
− Thôi, dì xin lỗi.
Mạc vẫn phụng phịu, tỏ vẻ không bằng lòng. Thấy thế, Nhung lại gần đưa má ra nói:
− Thì đây, cháu tát lại đi cho vừa lòng.
Cả Mạc và Đức đều phì cười. Đức bỗng đưa tay ôm chầm lấn Nhung toan hôn thì Nhung tát luông cho chàng ta một cái đau điếng. Đức đứng thừ người ra vì kinh ngạc. Mạc ‘xí’ một tiếng rồi nói như ‘nguyền rủa’:
− Đáng kiếp! Có vợ đứng đây mà dám đòi hôn dì vợ. Cho bỏ cái tật!
Cả ba cùng cười xòa. Nhung bấy giờ mới hỏi:
− À... ừ... Hồi nãy cháu nói bó hoa kỳ lạ, mà có gì kỳ lạ vậy? Lạ ra làm sao?
− Lạ lắm kia! Lạ ghê gớm lắm kia!
− Nhưng mà lạ thế nào mới được chứ?
− Đố dì đoán được.
− Thôi, thôi, tao sốt ruột lắm rồi! Mày đừng trêu tao nữa kẻo tao cáu tiết lên lại tát cho mấy cái nữa thì có nước mà trẹo quai hàm bây giờ!
Mạc vênh mặt lên, dáng điệu bất cần:
− Thế thì thôi vậy!
− Ơ hay! Con bé này khó bảo nhỉ!
Đức thấ thế liền pha trò, phụ họa:
− Đừng sợ Mạc, đã có Đức!
− Thôi, tôi lạy hai cô cậu!
Mạc cười ‘chiến thắng’:
− Ừ, có thế chứ!
− Vậy thì chuyện gì mà lạ thế hả?
Mạc lấy ra đưa cho Nhung một sấp giấy bạc nói:
− Ban nãy cháu mở gói hoa ra, thấy bên trong có 50 bạc...
Nhung kinh ngạc hỏi lại:
− Năm chục bạc?
Đức cũng sửng sốt hỏi tới hỏi lui:
− Năm chục bạc? Của ai vậy?
− Lại còn của ai nữa! Của cô hàng bán hoa chứ còn của ai vào đây nữa!
− Cái cô hàng hoa ngất xỉu đó phải không? Thế này thì lạ lùng lắm nhỉ... bí ẩn quá nhỉ!
− Hay là cô ta gửi tặng nhà văn-sĩ đấy!
− Gửi trả lại nó đi dì ạ!
Nhung cầm xấp tiền, ngồi buồn rầu ngẫm nghĩ. Trong khi đó, Minh phần vì nhức đầu vì uống quá nhiều rượu, phần thì bị cảm xúc quá mạnh nên nằm thiêm thiếp trên ghế bành, đầu gục xuống, gác lên cánh tay. Tiếng cười nói bên tai chàng gnhe mỗi lúc một nhỏ dần...
Minh thấy mình đến một nơi xa lạ giữa một đám người không quen biết. Đó là một tòa nhà nguy nga tráng lệ, được kiến thiết và trang trí bằng những kỹ-thuật cực kỳ tinh xảo. Những người ở đấy ai nấy đều là những tay ăn chơi khét tiếng, y-phục sang trọng lộng lẫy... Chủ-nhân là một mỹ-nhân tuyệt đẹp với đôi mắt sáng ngời, đôi môi mỏng đỏ thắm đích thân ra đón tiếp chàng. Minh cúi đầu chào, chủ-nhân đưa tay ra bắt. Những hạt kim cương lóng lánh trên người chủ nhân phản chiếu ánh điện làm Minh chói mắt. Chàng ngồi xuống ghế, loay hoay tự hỏi: “Sao mình lại đến đây?”. Rồi tiếng nhạc du dương êm ái từ đâu vang lên, ru hồn chàng vào cõi mộng xa xôi... Chủ-nhân lên tiếng mời khách sang phòng khách dự tiệc... Một cảnh tượng ghê tởm như bức tranh sống hiện ra rất rõ ràng trước mắt Minh. Trên một cái bàn dài trải khăn trắng, các món ăn còn thừa để lộn xộn cùng với những cánh hoa tan tác. Chỗ thì rượu chát đổ hoen ố cả khăn bàn như vấy máu; chỗ thì ly tách úp ngược trên vũng sâm-banh...
Nhìn vào đám khách, Minh lại càng ghê tởm hơn nữa. Người thì gục đầu xuống bàn, tóc lòa xòa và ướt sũng vì thấm rượu; người thì hai tay chống gối, mặt rũ xuống; người thì nôn mửa; kẻ thì cười, người thì khóc... lại còn thêm những cặp trai gái quàng lấy vai nhau mà ngủ gục trên lưng ghế...
Minh tưởng tượng như mình đang ở trong một lâu đài của những người điên. Chàng kinh hãi không biết thế nào mà nói được. Nhưng chàng bỗng tò mò tiến tới gần mà ngó cho kỹ. Không hiểu sao, một cặp nhân tình trong đám trai gái đó là chàng với Nhung. Minh hét lên một tiếng rồi cắm đầu cắm cổ chạy. Lạ lùng thay, tất cả những yến-khách đều đứng dậy đuồi theo chàng. Minh càng chạy mau, họ đuổi càng mau. Minh chạy chạm lại, họ cũng đuổi chậm lại. Minh dừng lại thở dốc nghỉ mệt thì họ cũng dừng lại...
Lát sau, ngoái cổ lại nhìn, đám người bỗng biến đi đâu mất cả rồi. Lúc đó, Minh mới cảm thấy nhẹ nhõm được một chút. Tiếng âm nhạc đâu đó như vẫn còn văng vẳng bên tai chàng...
Đảo mắt nhìn quanh, Minh thấy mình đang đứng giữa một vườn hoa muôn sắc. Vạn vật như dần chìm vào một bầu không khí hoàn toàn im lặng. Tiếng nhạc cũng ngừng hẳn. Cả những con chim bay nhảy trên cây hoàng-lan cũng đều im phăng phắc. Có con trông thì tưởng chừng như đang hót mà lắng tai nghe thì chẳng có một âm-thanh nào...
Những bông hoa huệ trắng mướt rung rinh trên cuống dài và mềm trông như đàn bướm trắng xếp hàng bay lượn đến cuối chân trời xa tắp. Minh vẫn tiếp tục đi mãi... Chàng đến một khu vườn chung quanh có giậu nứa đan mắt cáo, ken bằng lá và hoa kim liên. Trong vườn trồng toàn một thứ cẩm chướng đầy đủ các sắc màu. Minh cảm thấy vui sướng. Chàng nở một nụ cười đến ngồi dưới giàn móng rồng... Chàng đưa mắt ngắm thì vườn hoa vụt biến thành một cảnh tượng khác: cây cối cùng hoa lá đều được nhuộm bởi ánh trăng rằm tươi mát dịu dàng.
Một luồng gió thoảng qua... Minh quay lại. Liên đứng ngay sau lưng chàng với nét mặt hiền dịu và âu yếm. Chàng nhớ hình như đã được thấy qua cảnh này ở đâu... Cả một dĩ-vãng như đánh thức chàng dậy, nhưng không hiện rõ đầu đuôi ra sao... Chàng với Liên đi hái hoa. Liên hái rất nhanh và tài tình, chỉ trong giây lát đã được một bó đầy đưa tặng chàng. Minh mỉm cười nhìn Liên. Chàng đưa bó hoa lên mũi để thưởng-thức hương hoa tuyệt diệu thơm ngát. Nhưng lạ lùng thay, Minh không ngửi thấy mùi cẩm chướng mà chỉ nhận ra toàn mùi nước hoa linh lan, loại nước hoa Nhung vẫn thường dùng. Minh cau có, vứt bó hoa xuống đất thì mỗ bông hoa biến thành một người trong đó có Liên ngất xỉu trong lòng chị em hàng hoa. Minh nhớn nhác nhìn quanh. Vườn hoa đã biến ra cảnh chợ Đồng-Xuân, văng vẳng tiếng van nài cầu cứu pha trộn tiếng cười khanh khách... Minh sợ quá. Chàng cuống quít lên thì lại có tiếng hổ gầm bên tai...
Minh kêu lên một tiếng thất thanh. Chàng mở mắt ngồi choàng dậy. Thì ra chàng vừa trải qua một giấc mộng. Thấy mình vẫn nằm trên chiếc ghế bành, chàng mới tin là mình đã trở về với thực-tại. Dưới nhà, tiếng Mạc cười nắc nẻ. Bên ngoài rõ ràng là tiếng xe hơi vừa nổ máy chạy. Nhung ngồi bên cạnh chàng, sực nức mùi nước hoa linh lan với nét mặt buồn buồn. Một tay Nhung nắm lấy chàng, da thịt nàng vừa mát lại vừa lạnh...
Minh thở hổn hển hỏi Nhung:
− Có chuyện gì vậy?
Nhung ghé sát lại đáp:
− Không có gì mình ạ. Nhưng mà mình làm sao thế?
− Có sao đâu!... Thế tôi ngủ có lâu không?
Nhung lắc đầu:
− Độ nửa giờ thôi. Nhưng hình như mình có ngủ đâu! Em chỉ nghe mình luôn thở dài và nói mớ luôn miệng.
− Thế hả? Tôi vừa trải qua một cơn ác mộng... Sợ quá! Mà nghe đâu hình như có tiến ô-tô (phiên-âm chữ ‘auto’ từ tiếng Pháp, có nghĩa là xe hơi) cách đây không lâu lắm phải không? Xe nào thế?
− Xe của anh Đức. Anh ấy về lại đồn điền đấy.
Minh ngơ ngác như không hiểu. Chàng gặn hỏi:
− Anh Đức về đồn điền?
− Ừ! Nhưng mà mình làm sao vậy?
Minh như người mất trí, khẽ nhếch miệng nở một nụ cười vô nghĩa, không đâu vào đâu.
− Mình ngồi đây nhé. Để em xuống pha cà-phê mình dùng.
Nhung xuống bếp rồi, Mạc lại rón rén đi vào. Tưởng Minh còn ngủ, nàng không dám đi mạnh sợ phát ra tiếng động mạnh để Nhung lại rầy. Thấy Minh đã thức giấc đang đứng chải đầu trước tủ gương, Mạc cất tiếng cười lanh lảnh. Minh quay lại hỏi:
− Có gì thú mà Mạc lại cười thoải mải thế?
− Anh đã dậy đấy à? Anh phải biết vì anh ngủ mà ban nãy em phải đòn, lãnh một cái tát nên thân đấy!
− Sao vậy?
− Chả biết tại sao!
− Nhưng ai tát Mạc thế?
− Lại còn ai? Ngoài dì Nhung ra còn ai nỡ tát em như thế!
Minh mỉm cười:
− Khốn nạn! Thật tội nghiệp! Em tôi bé bỏng.
− Rõ khéo nói lắm! Ai khiến anh thương hại đấy? Có tử tế thì hôn đền đi!
Vừa nói dứt lời, Mạc ghé má lại gần mồm Minh. Không đắn đo nghĩ ngợi, Minh đặt môi mình lên má Mạc hôn nhẹ một cái... Đột nhiên, Minh khẽ rùng mình một cái ghê sợ. Cái cảnh xa hoa phù phiếm ê chề trong giấc mộng vừa qua chợt di vụt qua trong trí của chàng...
− Anh làm sao vậy? Nói anh đừng giận, chứ em trông anh cứ như là người điên vậy!
Mà Mạc nói cũng chẳng xa sự thật bao nhiêu. Từ hình dáng diện mạo cho đến cử chỉ, Minh giống hệt như một người điên vậy. Cặp mắt chàng trợn trừng, như chứa đầy những tư tưởng ghê gớm ở bên trong. Nhưng Mạc không chút sợ sệt, trái lại, nàng cười rất tươi mà bảo Minh:
− Anh là một con người rất lạ.
− Có gì mà lạ?
− Anh mù, anh viết văn, anh nghèo mà được dì em yêu. Tưởng thế cũng đã lạ lùng lắm rồi, nhưng thật chưa thấm vào đâu so với chuyện hôm nay.
Minh cau mày không hiểu. Mạc lại nói tiếp:
− Ban nãy mình vào chợ, hẳn anh còn nhớ?
− Dĩ nhiên.
− Một cô hàng hao bị ngất xỉu, chính cái cô bán hoa cho chúng ta ấy! Vừa rồi mở gói hoa ra cắm vào bình thì lạ quá anh ạ!
− Nhưng mà lạ thế nào mới được chứ?
− Trong bó hoa có 50 bạc!
− Năm chục bạc?
− Vâng, 50 bạc! Chẳng biết là cô hàng hoa có ý gửi tặng anh hay là cô ta vô ý bỏ quên đấy!... Thảo nào lúc ấy em thấy cô ta lúng túng buộc bó hoa lại... Thì ra cô ta nhét tiền vào giữa mớ lá khúc tần anh ạ.
Minh chết lặng cả người, không nói nên lời. Mạc lại tiếp tục luyên thuyên không nghỉ:
− Nếu cô ấy có gửi tặng thì chỉ có thể là tặng anh mà thôi. Anh Đức thì quá giàu có rồi, 50 bạc ấy có thấm vào đâu! Mà nếu bảo là tặng chúng tôi thì lại càng vô lý, chẳng có nghĩa gì cả!
− Đâu? Năm chục bạc ấy cô để ở đâu?
− Đây! Dì em bảo em giữ đó để trả lại cho cô hàng hoa.
Mạc đưa xấp bạc cho Minh. Chàng đón lấy vừa đếm, và cũng vừa để xem xét từng tờ. Chàng nhận ngay ra là xấp tiền năm đồng chàng đưa cho Liên hôm nọ. Chàng còn nhớ rành mạch bốn tờ bạc mới và sáu tờ cũ. Trong sáu tờ cũ, có một tờ đã rách, gần đứt ra làm đôi. Minh bỏ tiền vào túi áo nói:
− Thôi cô để việc này cho tôi nhé! Tôi sẽ trả lại cô ấy cho.
Mạc mỉm cười khi nhớ tới lời Nhung nói: “Vợ anh ấy cũng bán hoa”... Nàng nhí nhảnh hỏi một cách tinh ranh:
− Anh quen cô hàng hoa đó à?
− Phải!
− Thú nhỉ? Mà trông cô ta đẹp lắm anh ạ.
Minh không để ý gì đến câu hỏi của Mạc, chàng lấy mũ đội rồi từ từ bước xuống cầu thang. Mạc chạy theo hỏi:
− Anh đi đâu đấy? Có phải đi trả lại tiền cho cô hàng hoa đó không?
− Phải!
− Nhớ về anh cơm chiều nhé!
− Được, về chứ!
Minh đi rồi, Mạc lại đánh phấn trước gương. Bỗng Nhung từ đâu bước vào tay bưng một ly cà-phê. Không thấy Minh đâu, Nhung bèn hỏi:
− Anh Minh đâu?
− Không biết dì ạ.
− Vậy lúc Mạc lên, anh ấy còn ở đây không?
− Còn.
Đặt ly cà-phê xuống bàn, Nhung nhìn bóng Mạc phản chiếu trong gương gườm giọng hỏi:
− Ắt hẳn mày lại lôi thôi gì với anh ấy rồi phải không?
Mạc quay lại lắc đầu nói:
− Không! Cháu nào có lôi thôi gì đâu!
Nhung nói như mắng nhiếc:
− Mày ác lắm kia! Tao còn lạ gì!
− Ô hay! Sao dì cứ mắng cháu hoài vậy? Cháu nào có ác ý gì? Cháu chỉ kể chuyện 50 bạc cho anh ấy nghe thôi chứ có làm gì đâu!
− Biết ngay mà! Mày thật ác kinh khủng! Vậy mày có biết anh ấy đi đâu không?
− Cháu đưa xấp tiền cho anh ấy. Anh ấy bảo anh ấy đi trả lại cô hàng hoa.
Nhung bỗng chép miệng, lẩm bẩm nói mội mình:
− Thôi, thế cũng xong!
Là vì Nhung yên trí rằng Minh trở lại với Liên. Trong suốt một tuần lễ nay, Nhung nhận thấy tính nết Minh thay đổi hẳn. Chàng không còn vui vẻ, đùa giỡn như xưa nữa. Có khi chàng ngồi một mình thừ người ra rồi cất tiếng cười lên thật quái đản, Nhung nghe mà ghê sợ rùng mình.
Trước kia đọc văn của Minh, Nhung tưởng Minh chỉ có một tâm hồn lãng mạn chứa đầy những sự yêu thương nồng nàn. Nhưng rồi mỗi ngày Nhung một hiểu rõ thêm rằng sự thật hai trái tim của Minh và nàng không thể hòa chung một nhịp được. Cái lãng mạn của Minh chỉ là cái lãng mạn êm đềm trong sạch khác hẳn với tính yêu đương phóng đãng của Nhung. Hạnh-phúc của Minh chỉ có thể có ở trong một gia đình chất phác mộc mạc.
Một cảnh êm đềm lại hiện ra trong trí của Nhung. Đó là cảnh một gian nhà tranh có vườn hoa chung quanh... Và Nhung nhớ tới hôm nàng đến thăm Minh. Nàng thầm nghĩ:
− Địa vị ta không phải ở đấy, mà địa vị chàng không phải ở đây. Tốt hơn hết là mỗi người nên đi một ngả chứ không thể cùng nhau đề huề trên con đường ân ái mã được.
Nhung mỉm cười. Nàng đứng dậy gọi Mạc. Cô cháu hấp tấp chạy vào. Nhung hỏi:
− Anh Minh có nói bao giờ về không?
− Không, dì ạ.
− Mạc ạ, dì chắc cô hàng hoa ngất xỉu đó là Liên.
− Liên là ai vậy dì?
− Là vợ anh Minh.
Mạc ngây thơ cười tủm tỉm:
− Ồ, vợ anh ấy đẹp quá nhỉ!
− Dì nghĩ sai đâu. Nếu chẳng phải Liên thì tại sao anh Minh lại nhận số tiền 50 đó? Chắc là anh Minh viết giấy cho vợ kêu túng nên vợ anh ta gửi cho bằng một cách ‘đặc-biệt’ như thế đấy.
− Bán hoa thế mà giàu nhỉ!
− Chứ sao! Cháu không thấy bao nhiêu người bán hoa có xe hơi nhà đi đó sao?
− Trở lại câu chuyện đi. Thế rồi sao nữa dì nhỉ?
Nhung trầm ngâm giây lát rồi tiếp:
− Dì nghĩ mà thương hại con bé. Dì cháu mình quen chơi bời nên chẳng còn tấm ái-tình nào là ngây thơ thành-thực nữa. Còn nó thì khác. Chỉ nhác thấy chồng đi với gái nó đã tức vì ghen đến nỗi ngất xỉu đi thì đủ biết nó yêu chồng nó đến đâu rồi.
− Có lẽ anh Minh định về lại với vợ phải không dì?
− Dì cũng mong thế.
− Ồ, thế thì sướng lắm nhỉ?
− Đừng hỗn, Mạc!
Nhưng Mạc không sợ, nói toạc móng heo:
− Nói thật dì đừng giận. Cháu chẳng biết tại sao dì lại yêu được một người nghèo xác nghèo xơ như vậy!
− im, Mạc!
− Biết bao nhiêu người, nay tặng dì cái nọ, mai tặng cái kia thiếu điều tan gia bại sản vì dì thì dì lại chẳng coi vào đâu!
− Đã bảo im mà lại!
− Cháu phải nói cho dì biết chứ! Cháu không muốn dì bất công như vậy!
− Im ngay không tao tát chết bây giờ!
Mạc phụng phịu, miệng lẩm bẩm bước xuống thang gác...

<< Chương 10 | Chương 12 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 339

Return to top