Mặt trời sắp lặn. Trong vườn, ánh nắng vàng chỉ còn phảng phất trên những cành cao chót vót của hai cây hoàng-lan. Gió chiều hây hẩy lay động lá cánh. Những tiếng kêu loạt soạt, màu sắc xanh vàng chen nhau, xô đuổi nhau trong những vạt nắng thừa.
Cảnh chiều tà gợi trong tâm trí Liên đầy những tư tưởng chán nản. Nàng uể oải đặt bình tưới xuống đất, đảo mắt ngắm quanh vườn một lượt. Những luống hoa san-hô đầy rẫy những màu sắc rực rỡ chẳng thể giúp nàng khuây khỏa đi nỗi đau khổ một chút nào mà trái lại chỉ tô đậm thêm sự mâu-thuẫn của một tâm-hồn ủ dột với ngoại vật tốt tươi.
Liên thở dài, lẩm bẩm:
− “Sao ở đời lại có những chuyện vô lý đến như thế xảy ra?!”.
Có tiếng gọi “Mình ơi!” ở trong nhà đưa ra. Liên quay lại, Minh đang sờ soạn lần từng bước, định xuống sân.
Nàng vội vàng chạy lại, hoảng hốt kêu lên:
− Ấy, khéo ngã! Mình đứng yên đấy để em dắt.
Liên lại đỡ Minh, đưa chàng ra vườn lại ngồi trên chiếc ghế nàng đặt sẵn như thường lệ bên cạnh giàn hoa móng rồng bắt khum tựa hình cái máy củng, chung quanh có cột chống tre. Hai tuần nay, Minh đã mù hẳn. Khi nhìn ra ánh sáng, chàng chỉ thấy một sắc trắng đục như trông qua cửa kính sơn men mờ vậy.
Ngày mắt Minh hết sưng hẳn, tưởng rằng sẽ khỏi, nhưng nào ngờ đó là ngày bệnh lòa bắt đầu và cứ thế gia tăng. Dần dần, Minh thấy mọi vật quanh mình mỗi ngày một kém hẳn. Phải hết sức chú ý, phải phải định hết tinh-thần mói trông thấy được lờ mờ, và như có vật gì bị vướng trong đồng-tử.
Rồi mười hôm sau, khi Minh thấy cái vết đen tròn thì cặp mắt chàng chỉ còn là đôi mắt giả! Thoạt trông thì giống như mắt người thường, nhưng thực tế không còn trông thấy được bất cứ một vật gì. Liên và Văn phải nhìn kỹ lắm mới nhìn thấy được trong mắt Minh con ngươi dần dần vẩn đục và đồng tử có sắc trắng xanh.
Minh mắc bệnh thong manh! Hôm đầu, Minh còn khóc lóc thảm thiết than thân. Về sau, sợ làm phiền lòng vợ nên nhiều khi chàng phải cố gượng cơn sầu, nén lòng mà khuất phục số mệnh. Chàng thầm nghĩ đó là cách chàng biết ơn phần nào đối với vợ và bạn. Chàng làm sao có thể quên được suốt gần một tháng trời ròng rã hai người đã khổ công, gắng hết sức kéo chàng ra khỏi vòng tối tăm, nhưng gặp số phận mình không may, đến lúc phải chịu nạn thì còn biết làm sao hơn. Nếu chàng có buồn bã mà than thân trách phận cho nhiều cũng không làm sao đôi mắt sáng trở lại mà chỉ làm cho người bạn tốt nhất của chàng ân hận và người vợ yêu quý thêm khổ sở chứ chẳng ích lợi gì.
Những sự việc xảy ra trong chuỗi ngày vừa qua lại lởn vởn trong óc cả hai vợ chồng Liên và Minh chiều hôm nay. Người nào cũng im lặng nghĩ ngợi mà chẳng ai buồn khơi chuyện. Một làn gió thổi qua... Tiếng lá xào xạc chợt đem Minh trở về với thực tại.
− Liên đang đứng đâu đấy hả Liên?
Mỗi khi nghe chồng gọi đến tên tục của mình như thế là Liên hiểu rằng tâm-hồn chàng đang bị xúc động mạnh. Nàng vội vàng cúi xuống âu yếm cầm tay chàng, dịu dàng đáp:
− Liên vẫn đứng bên cạnh Minh đây.
− Ánh nắng còn trên ngọn cây hoàng-lan không?
Liên ngước mặt nhìn lên:
− Chỉ còn một tí ở tận trên đỉnh thôi mình ạ.
− Thế thì có lẽ hơn sáu giờ chiều rồi phải không?
− Vâng, mình đoán thật đúng lắm.
Minh thở dài bảo vợ:
− Nếu có mắt mà trông thì vẫn đúng hơn là đoán.
Liên cố tìm lời để an ủi chồng. Những lời an ủi dịu dàng đuợc Liên dượt đi dượt lại nhiều lần những lúc ngồi một mình. Nàng nhẩm đi nhẩm lại trong trí để khi nói với chồng nghe sao cho thật âu yếm thân mật. Nàng hiểu rõ không gì cần thiết hơn cho người đang khổ tâm tuyệt vọng bằng những lời trìu mến, thành thực nói lên từ miệng, từ đáy lòng của người thân yêu.
− Thì mình không trông được đã có em trông giúp. Em trông thì cũng như mình trông chứ gì. Mắt em cũng là mắt của mình vậy. Mình có nhớ một lần mình giảng nghĩa cho em bài ngụ ngôn người què với người mù không? Người mù cõng người què và người què dẫn đường cho người mù.
Minh cười chua chát:
− Nhưng em có què đâu?
− Em không què nhưng em quê mùa dốt nát thì nào có khác gì người què? Vả anh cũng vậy. Anh có mù đâu? Anh không nhớ lời ông Lang Mộc mà hôm kia em mời đến chữa cho anh sao?
Minh tắc lưỡi:
− Tin gì được những lời thầy Lang!
Thực ra hai hôm trước thấy Minh chán nản, đau đớn chỉ nói đến toàn những điều không hay: nào là muốn tự tử, nào là muốn tuyệt thực mà chết cho hết một đời khốn nạn... Vì thế Liên và Văn lập mưu, mượn lời ông Lang Mộc nói quả quyết với Minh rằng thế nào mắt chàng cũng sẽ được chữa khỏi vì bệnh tình không trầm trọng gì cho lắm.
Không thấy Liên trả lời, Minh đinh ninh rằng vợ cũng đồng ý với mình. Chàng lẩm bẩm một mình ra chiều tức tối:
− Hừ! Lang băm!
Liên cố tìm cách phá tan sự nghi hoặc của chồng, sự nghi bao giờ cũng đầy rẫy trong tâm hồn những người thống khổ.
− Không đâu mình ạ! Ông lang Mộc vẫn có tiếng xưa nay. Ông ta chữa cho 100 người thì ít nhất là 99 người khỏi.
Minh cười gằn:
− Thế nhỡ ông ấy vừa chữa khỏi cho người thứ 99 mà anh lại là người thứ 100 thì sao?
Thấy chồng cười, Liên cũng cười theo:
− Mình cứ nói bông đùa làm gì thế! Người ta đã quả quyết là chữa được thì cứ nên tin người ta. Hôm nọ anh Văn chả bảo mình rằng phải dốc lòng tin nơi thầy thuốc thì mới chóng khỏi là gì!
Minh cau mày, mím môi:
− Anh Văn! Anh Văn là cái thớ gì! Chỉ tử tế cái mồm! Đã gần cả tuần nay rồi có thèm bén mảng đến đâu!
Liên ôn tồn bảo chồng:
− Mình chả nên thế! Tại sao lại ngờ vực một người bạn tốt như vậy? Anh ấy chẳng bảo mình là phải đi Nam-Định có chuyện cần là gì! Sớm lắm cũng phải tối nay anh ấy mới trở về Hà-Nội được.
Minh vẫn nhớ, vẫn hiểu rằng bạn mình tạm vắng mặt tại Hà-Nội vì công chuyện. Chẳng qua trong lòng chàng bứt rứt khó chịu, chỉ chờ dịp là ‘giận cá chém thớt’ để cho nỗi niềm phẫn uất trào bớt ra ngoài đấy thôi. Chàng còn giận lây đến cả mấy ông lang, cho rằng chính vì mấy ông ấy làm cho chàng bị mù. Nghe Liên phân bày như bênh vực họ, Minh càng cáu tiết. Chàng cất tiếng run run hỏi vợ:
− Có phải mình bênh anh Văn đó không?
Liên vừa giận, vừa thương hại. Nàng đứng lặng thinh không đáp. Minh như điên như cuồng, chàng thét lên:
− Kìa, tôi hỏi sao lại không trả lời?
− Chết chửa! Mình quẫn trí mất rồi! Vì lẽ gì mà mình lại bảo em bênh vực anh Văn?
− Vì lẽ gì à? Vì lẽ gì à! Mình hãy tự hỏi mình xem.
Thốt nghe tiếng nấc, rồi đến tiếng khóc nức nở của vợ, Minh đứng dậy loay hoay quờ quạng, cuống qua cuống quít, lúng túng nói chẳng ra đâu vào đâu:
− Xin lỗi mình... Anh xin lỗi em... Trời ơi! Anh điên mất rồi! Em tha thứ cho anh... Anh khổ sở quá nên chẳng khác gì người mất trí, nói bậy nói bạ làm cho mình buồn...
Liên nghe nói cảm động, lau nước mắt tươi ngay nét mặt nói:
− Rõ mình lẩn thẩn lắm. Mình có lỗi gì đâu? Lúc đau yếu ai chả thế.
Một khi biết hối hận là đã hiểu thấu lẽ phải. Tâm-hồn dù có nhiễu loạn ở cực điểm cũng sẽ trở lại yên tĩnh. Minh ngồi tựa lưng vào ghế, ngước mắt như nhìn trời tuy rằng chẳng trông thấy gì. Chàng nở một nụ cười trên môi, vui vẻ hỏi vợ:
− Mình có tin rằng có Phật trời không? Và mình có tin đó là một đấng tạo-hóa tối cao, tối đại và tối thiện không?
Liên chưa kịp trả lời thì Minh đã nói tiếp:
− Anh thì anh tin rằng có. Vì nếu không có Phật trời thì bể khổ của nhân loại còn bao la đến đâu! Anh chỉ cần đem anh ra làm cái ví dụ nhỏ bé cũng đủ hiểu cái lẽ chí công, chí thiện của đấng Thích-Ca Mâu Ni. Ngài biết trước rằng sẽ có một ngày anh phải chịu cùng cực với cái bệnh ghê gớm để trở thành tật nguyền nên ngài đã ban cho anh một người vợ hiền và một người bạn hiền để an ủi, chia sẻ nỗi thống khổ đó. Và sự thống khổ này nếu anh phải mang thì anh cũng nên vui vẻ đón nhận lấy nó vì chính nó đã tạo cho anh một niềm hạnh-phúc hiếm có là được sự thương yêu, nâng đỡ thành thực của một người vợ và một người bạn.
Minh nói rất trơn tru hoạt bát. Hình như chính sự cảm xúc sâu sắc đó tự nó tạo nên lời, trong khi chưa chắc người nói lên những lời đó đã biết mình nói những gì. Nói được một hồi Minh bỗng im bặt. Cổ họng chàng như tắc nghẹn. Kế đó, nước mắt chàng tuôn xuống như mưa, ràn rụa cả hai bên má. Liên cố nén xúc động, ân cần hỏi han:
− Sao mình lại khóc?
Minh ngập ngừng đáp:
− Chính anh cũng chẳng hiểu tại sao. Có lẽ vì anh sung sướng quá.
Liên đưa khăn cho Minh lau nước mắt, toan dắt chàng vào trong nhà thì chàng xua tay gạt đi nói:
− Em để cho anh ngồi đây hóng gió thêm tí nữa đã.
− Nhưng chắc mình đã đói rồi đó. Để em đi dọn cơm nhé?
− Còn chờ ông Hoạt ở Ngọc-Hà về đã chứ.
− Nếu mình đói bụng thì cứ ăn trước có sao đâu.
− Chưa mình ạ. Anh chưa đói.
− Vậy xin phép mình em đi đằng này vài phút nhé.
− Mình cứ đi tự-nhiên thôi, anh không sao đâu.
Minh một mình ngồi lại. Chàng tìm đủ mọi cách để tự an ủi mình. Chàng mỉm cười nói thầm: “Bị mù vị tất đã khổ! Chẳng qua là tại ta cứ nghĩ là ta khổ thành ra ta mới khổ đó thôi. Có khi mù bị không chừng lại là sướng kia đấy, vì chẳng còn bao giờ phải nhìn thấy những gì chướng tai gai mắt nữa. Trong ngũ giác-quan có lẽ thị-giác là ít cần thiết nhất cho sự sung sướng cuả tâm hồn. Hơn nữa từ bé ta đã được trông thấy quá nhiều cảnh đẹp rồi. Bây giờ chỉ cần ôn lại thôi cũng đủ.
Những danh-lam thắng cảnh như hiện ra rõ ràng trong trí tưởng tượng của Minh. Nào là hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, vườn Bách-Thảo, chùa Trấn-Quốc, sông Nhị-Hà... Các cảnh vật như lao xao chen chúc, xô đẩy lãn nhau trong trí não của chàng.
Minh bỗng cau mày, đăm đăm nghĩ ngợi vì chàng cảm thấy hình như thiếu một điều gì quan-trọng. Phải, đó là màu sắc. Chàng cố nhớ lại màu sắc của từng nơi mà nặn óc mãi vẫn không xong. Phong cảnh chỉ lờ mờ hiện ra trong đám sương mù ảm đạm mà không có gì rõ rệt. Chàng lại lẩm bẩm: “Thì ra phải trông thấy ở trước mắt mới có thể biết màu xanh là thế nào, màu đỏ ra làm sao...”.
Nhưng nghĩ như thế làm cho Minh thêm buồn rầu. Chàng thở dài tự hỏi:
− “Có lẽ nào mình lại mù thật?”.
Câu hỏi ấy là cái mãnh lực nhắc cho Minh nhớ tới lời trấn an của thầy lang và lời khuyên giải của Văn. Lúc bấy giờ, chàng cho rằng lời Văn rất có lý vì trước kia chàng nào có để ý nghiên-cứu hay tham-khảo về bệnh đau mắt mà biết được. Văn thì trái lại, chàng ta từng ra thư-viện tìm sách đọc, tra cứu rất cẩn thận và tỉ mỉ nên có lẽ nào chàng lại nói mò cho qua chuyện được. Minh cố ôn lại những câu Văn đọc cho chàng nghe mấy hôm trước. Căn cứ vào lời trong quyển sách thuốc Văn chép lại thì bệnh thong manh của Minh có thể chữa khỏi được.
Niềm hy-vọng làm nở một nụ cười trên môi Minh. Chàng nghĩ đến con đường tương-lai, lại nghĩ đến hạnh-phúc êm đềm vẫn còn nguyên vẹn, chưa mất.
Minh chợt thoáng như ngửi thấy hương thơm đâu đó làm nức cả mũi. Chàng mơ màng như đang sống trong cơn mộng. Chàng chớp mắt liên tiếp, đăm đăm nghĩ ngợi. Không, rõ ràng đây là thật chứ không phải là mơ. Mùi thơm vẫn ở gần bên mũi chàng, đồng thời chàng có thể phân-biệt được từng mùi thơm khác nhau của từng loài hoa như hoàng-lan, móng rồng, mộc, sói và ngâu. Chàng chợt nhớ tới lời nói của Liên mấy tháng trước: “Khi mắt ta không trông thấy thì mũi ta lại càng thính. Trong lúc lòng đang phân vân, Minh đưa tay quờ quạng ở trước mặt thì đụng phải tay Liên. Chàng giật mình hỏi:
− Cái gì thế?
Tiếng cười ròn rã của Liên vang lên.
− Em tặng mình bó hoa.
Minh cười:
− Mình làm anh cứ tưởng như là đang nằm chiêm bao. Này, có phải trong bó hoa của em có hoa móng rồng, hoa hoàng-lan, hoa ngâu, hoa mộc và hoa sói không?
− Ồ, mình tài quá nhỉ! Đúng cả đấy mình ạ.
Liên đặt bó hoa vào tận tay chồng. Minh đưa lên mũi thật lâu rồi bảo vợ:
− Thế thì mình tốt bụng hơn ông Chu-Mạnh-Trinh nhiều.
Liên ngơ-ngác không hiểu. Nàng hỏi:
− Ông Chu-Mạnh-Trinh là ai thế mình?
− Là một ông quan án.
Liên lại thắc mắc:
− Nhưn sao mình lại ví em với một ông quan án?
− Vì ông ấy cũng tặng hoa cho một người mù. Chỉ khác một điều họ là quan-gia tặng hoa cho nhau còn chúng mình là dân thứ tự trồng hoa mà tặng nhau.
Liên bật cười:
− Nhà dân tặng hoa thì làm sao bằng nhà quan được! Mình ví thế thật buồn cười lắm. Nhưng mà bông hoa thì ở đâu cũng vẫ là bông hoa.
− Thì mình hãy để anh nói hết câu đã nào! Anh có ví chức-vị của em với quan án Chu-Mạnh-Trinh đâu? Chuyện là thế này. Ngày xưa ở tỉnh Hà-Nam, lúc về già thì cụ Tam-Nguyên Yên-Đổ Nguyễn-Khuyến bị mù. Bấy giờ ông Chu-Mạnh-Trinh là quan án-sát tại đó cho người đem biếu cụ Nguyễn đôi chậu hoa trà... (#1) (Xin đọc phần phụ chú)
Liên nghe thấy chợt thấy lòng bất nhẫn nên ngắt lời:
− Cụ mù mà biếu cụ hoa trà thì cụ còn thưởng-thức cách nào!
− Chính vì lẽ đó anh mới bảo mình tốt bụng hơn ông Chu-Mạnh-Trinh ở chỗ đó, vì mình tặng cho anh toàn những thứ hoa có hương.
Liên tỏ ý căm tức bảo chồng:
− Sao ở đời lại có những người tai ác đến thế mình nhỉ?
Minh chỉ cười nói:
− Họ đùa nhau đấy thôi em ạ. Vì họ hà hai thi-hào hay chữ vào bậc nhất của một thời.
− Cho dẫu có đùa, nhưng ai lại đùa thế bao giờ! Ai lại nhẫn tâm đùa với người tàn tật như thế bao giờ!
Nghe Liên nói, Minh vui mừng vì thấy vợ mình lành, tốt bụng. Nhưng chàng không khỏi cảm-khái khi nghe đến hai chữ ‘tàn tật’. Chàng ưá nước mắt nói:
− Vậy anh cũng đáng thương phải không em?
Liên biết mình lỡ lời vội nói chữa:
− Chỉ dại dột! Em nói là nói người tàn tật kia chứ. Chứ còn mình thì sao lại gọi là tàn tật được? Mình chỉ bị đau mắt thôi, ít bữa rồi lại khỏi.
Minh mỉm cười nói:
− Anh muốn tin lời em lắm.
− Anh phải tin chứ, vì em không nói bậy bao giờ.
− Dễ thường em là bậc tiên tri đấy!
Liên nũng nịu:
− Hẳn chứ lị!
Câu nói của Liên khiến cả hai vợ chồng phải cười rộ, quên hết cả đau đớn, phiền muộn lo âu. Trời đã nhá nhem tối, nhưng hai người vẫn không buồn để ý tới. Liên âu yếm dựa vào vai Minh, hồi lâu không ai nói với ai cả. Nhưng không nói mà như họ nói với nhau rất nhiều, dù là những điều hy-vọng thật mong manh. Mãi đến khi trông thấy ánh đèn của ông Hoạt đặt bên mâm cơm ngoài hiên, Liên mới nhớ ra rằng chưa ai ăn cơm chiều...
Chú thích:
(1-)PHẦN PHỤ CHÚ: (do Dương-Hồng-Kỳ sưu-tầm và tham-khảo)
Điển-tích ‘tặng hoa người mù’ mà tác-giả truyện ‘Gánh Hàng Hoa’ lồng vào cốt truyện có thể gây ra sự hiểu lầm cho độc-giả rằng đó là một trò đùa ‘xỏ lá’ của Chu-Mạnh-Trinh. Theo nhiều tài-liệu lịch-sử quý giá cho thấy và nhiều bình-luận gia đáng tin cậy thì người tặng hoa cho cụ Tam-Nguyên Yên-Đổ Nguyễn-Khuyến thời đó có lẽ không phải là Chu-Mạnh-Trinh mà chính là Hoàng-Cao-Khải mới đúng.
Cụ Tam-Nguyên Yên-Đổ đã tỏ ra bất mãn về việc ‘tặng hoa’ này nên có làm một bài thơ trách kẻ tặng hoa không hương cho mình. Và cứ như lời lẽ trong bài thơ, người tặng hoa phải là một ông ‘tai to mặt lớn’, có thế lực vô cùng. Đó là hai câu Thực của bài thơ làm theo thể Đường-Luật Thất-Ngôn Bát-Cú:
Da mồi tóc bạc, ta già nhỉ?
Áo tía đai vàng, bác đó a?
.........................................
Ông Chu-Mạnh-Trinh chỉ làm quan đến chức án-sát thì làm sao có được ‘áo tía’ với ‘đai vàng’? Chữ ‘vàng’ đây phải chăng là cụ Tam-Nguyên Yên-Đổ muốn nôm na ám-chỉ họ ‘Hoàng’?
Giai-thoại này bắt nguồn từ một cuộc thi văn thơ với nhan-đề ‘Kiều’ do chính Hoàng-Cao-Khải đề xướng. Hai người hay chữ nhất thời đó là Thái-Tử Thiếu-Bảo Dương-Lâm và Tam-Nguyên Yên-Đổ Nguyễn-Khuyến không chịu hợp-tác với Tây, mặc dù đã từ quan về sống ẩn-dật nhưng cũng bị ép buộc phải ra làm ‘chánh chủ khảo bất đắc dĩ’ chấm thi. Cụ Yên-Đổ không mấy gì làm vui nên đã làm một bài thơ với nội-dung châm biếm kẻ cậy quyền thế ép người là Hoàng-Cao-Khải như sau:
Thằng bán tơ kia dở rối ra,
Làm cho lụy đến cụ viên già.
Muốn êm phải biện ba trăm lượng,
Khéo xếp nên liều một chiếc thoa.
Đón khách mượn màu son phấn mụ,
Bán mình chuốc lấy tội tình cha.
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời trước làm quan cũng thế a?
Chu-Mạnh-Trinh là người được chấm hạng nhất kỳ thi đó. Vì thế, họ Chu không có lý do nào để oán ghét cụ Yên-Đổ cũng như cụ Thái-Tử Thiếu-Bảo. Có lẽ vào thời đó, phần đông đều sợ Hoàng-Cao-Khải (quan Khâm-Sai do Tây chỉ định) không dám nói lên sự thật là họ Hoàng dùng chậu hoa trà đó để ‘trả đũa’ cụ Nguyễn nên ‘đành’ đổ hết cho Chu-Mạnh-Trinh, vịn cớ rằng trong một bài thơ (trong kỳ thi) của Chu-Mạnh-Trinh có hai câu:
Làng nho người cũng coi ra vẻ,
Tổ bợm ai ngờ mắc phải tay.
Và bên cạnh hai câu này, cụ Nguyễn có bỡn cợt, phê rằng:
Rằng hay, thì thật là hay,
‘Nho’ đối với ‘bợm’, lão này không ưa.
Do đó mà Chu-Mạnh-Trinh đem lòng oán hận đưa đến việc tặng hoa trà khi cụ Nguyễn bị lòa. Nhưng giả-thuyết này không đúng vì Chu-Mạnh-Trinh vẫn luôn luôn kính trọng cụ Nguyễn, xem là bậc tiền-bối trong làng thơ.