8 Tuổi thơ nhớ nhiều điều nhưng có lẽ cuối cùng nhớ nhất là con Vàng thương mến. Con Vàng của nhà tôi. Nhà tranh, vườn hẹp, con Vàng chạy vào chạy ra trong cảnh bần hàn. Bố làm ăn lương, nhà như con thuyền trôi giạt, như một chiếc lá tre giữa biển đời. Hóa ra, suốt những năm cơ hàn đó, con Vàng đứng trước mảnh vườn nhỏ xơ xác của nhà, lại hóa như lá cờ xí, như một kẻ chèo thuyền thủy chung, tận tụy. Vàng hiền ban ngày, dữ ban đêm. Vàng hiền với người hiền, dữ với người dữ. Vàng đường đường chính chính với khách quí của bố, của gia đình, nhưng cắn trộm rất giỏi, phập cả hàm răng, với người xấu, hàng xóm xấu. Hóa ra Vàng là cả cuộc đời. Là nhân tình thế thái. Là triết học, nhân văn. Nhà nghèo, chỉ có duy nhất tấm phản của một người đi rừng tặng. Tấm phản chỉ mới được bào nhẵn mặt trên, mặt dưới lởm chởm những gỗ. Gia đình dùng để làm bàn ăn cơm. Con Vàng từ nhỏ nhằm khoanh dưới đó. Dưới đó là cái nhà của nó. Nó lớn lên. Cái phản với hai ngựa gỗ thấp lùn, vẫn vậy. Vàng phải đi cúi, đi còm. Lông vàng của nó hết lớp này đến lớp khác, cắm đầy vào mặt dưới tấm phản, như cái bàn chải khổng lồ. Như tấm thảm đặt sấp. Dày có đến cả gang tay. Đó là tấm thảm chó, có lông vàng, chắc mọi triều chính đều không có. Có ông anh họ ngang ngược tên là Đùng. Anh Đùng da đen, học giỏi, rất đàn ông. Nghe đâu anh giác ngộ rất sớm. Mỗi lần sang nhà, gặp tiết đông lạnh quá anh táo tợn lật ngửa tấm phản, nằm ngủ trên tấm thảm lông chó cho ấm. Sau anh đi bộ đội, làm to, giặc sợ như cọp. Có lần anh cưỡi con ngựa hồng, đeo súng lục, có hai gác đờ co về làng. Vào nhà anh tìm ngay tấm phản lông chó. Nhưng suốt thời gian anh đi vắng, Vàng chết, anh khóc... Chẳng là năm trước đó, cô em gái của chúng tôi lên năm tuổi, bị ốm rồi mất. Đêm đêm Vàng ra nằm khóc trên nấm cát mộ em. Rồi Vàng ốm nặng. Tiếng của Vàng ăng ẳng vọng từ bãi tha ma gần đó, nghe rất thương. Anh đùng sau đó đi học lái máy bay phản lực. Đáng anh làm đến tướng, chỉ tội lắm vợ, đa nhân duyên. Bị thải về, anh làm nghề đi biển. Có lần anh ghé thuyền vào một hòn đảo xa, hỏi một người canh đền ngoài đảo, thì được biết là vì từ bé anh nằm trên một tấm thảm lạ, lạ hơn cả thảm của vua chúa. Nên nó hành, nó ám. Như vậy là số kiếp anh còn lạ lùng hơn ông vua lạ. Đúng rồi, thuở bé anh nằm trên tấm thảm lông chó.
Nói đúng ra thì mẹ tôi chẳng yêu một con vật nào cả. Ngay con vật cầm tinh của mẹ, mẹ cũng nói vu vơ lắm. Tôi và thằng cháu ngoại tuổi Gà, con gà mờ, mẹ không ghét, nhưng chẳng yêu. Nói vậy thôi, có thể mẹ quý con chó hơn cả. Có thể từ con Vàng tội nghiệp trở đi. Từ tấm phản và tấm thảm chó. Từ cái chết của em. Từ tiếng khóc ăng ẳng của Vàng vọng từ bãi tha ma cát bỏng. Hết thảy cảm hóa mẹ. Làm cho mẹ dù không yêu chó cũng phải quí chó. Có thể, cả cuộc đời, từ thể chế, chồng con, chẳng gì chinh phục được trái tim mẹ. Chỉ có chó chinh phục được trái tim mẹ. Vì nó là chó, chứ không còn là gì khác. Tận cùng của kiếp sống, cũng như đứa con nào là tận cùng của kiếp khổ thì mẹ thương yêu. Mẹ chỉ quí chứ ít yêu những đứa con khôn ngoan, thành đạt. Chỉ những đứa nào tựa như chó. Khôn và dại như chó. Ưu điểm và khuyết điểm như chó. Thì người mẹ mới yêu tận lòng. Trong tiếng con Vàng ăng ẳng khóc từ bãi tha ma vọng về, nhiều đêm mẹ cũng khóc theo. Để giữ vững tinh thần cho chúng tôi, đêm đêm mẹ lại gượng kể đủ loại chuyện về chó. Thuở nhỏ, ông ngoại nuôi được con chó trắng, cứ đêm trăng là nó đi hai chân như người dọc các đường trong làng. Mãi khi thành cô gái, rồi lấy chồng, sinh con, mẹ vẫn không hiểu nổ vì sao lại như vậy. Ông ngoại im lặng, chẳng nói gì đến con chó trắng ấy. Lớn lên, mẹ sợ chó đen chó trắng, chỉ nuôi chó vàng là vậy. Hay mẹ kể có năm mẹ ở cạnh nhà bà Đầm mới từ bên Pháp sang. Bà Đầm nuôi một con chó đốm đực rất lực lưỡng. Bà này chẳng yêu chồng, cứ ông chồng Tây đi lục lộ ở xa về, là bà ốm. Chồng đi vắng, ở nhà với chú chó đốm đực lực lưỡng là bà nhanh nhẹn, khỏe ra. Suốt ngày con chó quấn quýt bên bà, liếm” cái ấy” cho bà đầm. Chuyện chó của mẹ tôi như vậy, khác hoàn toàn với các chuyện nó nền nếp, chọn lọc, có tính giáo dục của ông giáo từng làm quan đốc học của bố. Có thể nhờ chuyện chó của mẹ mà chúng tôi đứa nào cũng vừa ngây thơ vừa táo tợn. Sống được như chó má cuộc đời. Không bị nó ám. Tâm hồn vừa trong vừa đục. Biết thay đổi tư duy luôn luôn.
9 Mẹ tôi mất vào tháng Hai năm Nhâm Thân. Điều này với riêng tôi là một đau khổ không nói hết. Đêm mẹ mất ở bệnh viện, tôi cứ chạy hắt ra, như ma đuổi. Chạy một mạch về ngôi nhà hiu quạnh của mình phía hồ rộng. Tắt hết đèn, thắp hương vào đất, thức viết một trăm bài thơ. Thơ chỉ làm dịu được cơn đau. Đau khổ quá, gần như thành vô cảm. Nặng hơn tâm thần. Sau khi mẹ mất, nhiều người bảo tôi trút được một phần gánh nặng mẫu tử, lại được linh hồn mẹ phù trì phù hộ, nên béo khỏe ra, mọi việc đời êm thấm. Không phải. Chỉ vì tôi vô cảm đấy thôi. Chẳng có gì để mà bệnh, mà buồn nữa. Anh xem anh có lương bổng, áo quần bảnh bao. Vậy mà chưa chi đã ốm, đã bệnh. Kẻ điên đi dọc hè phố trong gió sương, không mang theo một danh hiệu và niềm hy vọng nào, chẳng cơm, chẳng áo, ăn đủ thứ bẩn nhất trên đời, vậy mà chẳng đột tử, cấp cứu. Chỉ nhờ sự vô cảm. Tôi treo cái áo bạc phếch của mẹ lên tường. Đêm đêm mò dậy sờ vào áo mẹ như hồi bé mơ hồ nửa đêm sờ sẫm đòi bú. Rồi lại lăn đùng ra giường, thiếp đi. Vô cảm, không biết khóc là gì. Thật đấy. Riêng điều này thì tôi không biết nói dối đâu.
Đêm nay thật lạnh. Cái lạnh trước Tết Quý Dậu. Tôi bật mấy băng nhạc trữ tình, định ngủ. Bỗng nhớ mẹ. Chồm dậy bật đèn, lấy vội bản thảo những bài thơ khóc mẹ hôm nào. Lật ngược, như người lộn đầu xuống đất, viết vội. Tôi muốn viết một điều gì đó để dâng lên linh hồn của mẹ.
Mấy hôm ở tòa soạn báo tôi nổi khùng định viết một truyện: Quái vật bên hồ Xuân Hương. Chẳng là ở nồ Nét hoặc một hồ nào đó trên trái đất này, người ta không ngớt kháo nhau về những con quái vật. Vì nước thẳm sâu, lại qua nhiều thiên niên kỷ. Điều này thì không hề vô cảm. Chắc chỉ là do trí tưởng tượng mẹ cho từ nhỏ và vài ý tưởng có thật trong cuộc đời. Như ghê tởm. Ngày cũng như đêm tối nhìn màu nước xanh rất lạ của riêng hồ Xuân Hương và chắc ở dưới đó cũng có một quái vật rất lạ. Quái vật bò lên, thậm chí nhiều khi đội lốt người, sống cùng người. Người ta lại đang kháo nhau về những con rùa ở hồ Hoàn Kiếm. Hoàn Kiếm nghĩa là trao kiếm. Lịch sử có những con rùa như vậy. Đừng vội kết luận. Lòng dạ thiên nhiên bí ẩn và lạ lùng hơn lòng dạ con người. Người đã lạ. Thực có quái vật trong đám người. Tôi xếp đặt tình tiết đã xong và cảm thấy viết được. Hay thì chưa dám chắc, chứ loại truyện có phần bày tỏ sự nổi giận này của tôi thì chắc sẽ được bạn đón đọc và đồng cảm.
Nhưng đêm nay, chính cái đêm lạnh áp Tết này, nhớ đến mẹ, đến tất cả những gì người kể lại, tôi lại chỉ viết về cây na có thật đầy thương cảm. Chỉ viết về một cây na đến với cuộc đời một cách lạ lùng và ra đi cũng lạ lùng và đau buồn như thế. Một cây na truyền kỳ. Điều này thì anh nên tin tôi. Với mẹ, tôi chưa bao giờ nói dối.
Chẳng là quê mẹ tôi ở bên dòng sông La. Vườn nhà ông bà đẹp, trồng nhiều cây na. Ông ngoại làm thuốc, thường treo những chiếc lồng chim cu gáy vào cây na cạnh hè nhà. Mẹ bảo: “Ăn na mát, ông bảo thế”. Hình như na cũng là một vị thuốc lạ. Chữa được những bệnh gì, mẹ tôi cũng không biết. Chỉ biết nó mát, tinh khiết. Da nó sần sùi như da cóc. Thịt nó trắng đến kỳ lạ, kiểu trắng của da, thịt cô tiểu thư con gái út của Ngọc Hoàng. Trong cùng là hạt đen nhưng nhức. Đen huyền bí như màu mắt con gái thuở dậy tình. Răng đen hạt na là vậy, cũng vậy. Hình như đốt hạt na lên trộn với rượu hoặc thứ nước nào đó tôi không nhớ, chữa được bệnh tổ đỉa. Quả na hột như cuộc đời, đúng hơn là như trái đất sần sùi này. Sự cấu trúc của nó cũng chính là cấu trúc cuộc đời: đen và trắng, thô và thơm đầy mâu thuẫn, đối nghịch, hữu ích. Mẹ tôi yêu quê bố mẹ, quê hương đến kỳ lạ. Nhất là với ông ngoại của chúng tôi. Cây na, quả na, vị na... ngấm vào hồn và da thịt, chỉ là một minh chứng cho lòng yêu ấy.
Mẹ lấy chồng, sinh con, lắm cháu. Cuối đời mẹ nằm trên cái giường một nhỏ xíu, nhỏ hơn cỡ giường cá nhân ở các nhà tập thể. Đặt cạnh cửa sổ. Nhà ở tầng ba của khu nhà cao tầng. Chính tai tôi nghe mẹ kể hai giấc mơ của Người. Cuối cùng nghiệm rất đúng.
Giấc mơ thứ nhất. Một đêm mẹ bảo mẹ nằm mơ thấy ba ông Tây đen đi lừng lững vào nhà. Ba ông đều hiền, chẳng nói năng phá phách gì. Mẹ tỉnh ngủ thì thấy rõ ba ông đi ra. Lối cửa sổ. Có bóng một cây gì loáng thoáng ở đó. Năm ngoái, phía trước sân khu nhà tập thể gần Chợ Giời, người ta đào lên để xây móng làm nhà dịch vụ. Chỗ cây bàng đào lên thì quả có ba quan tài Tây. Nhìn khung xương thì chắc là Tây đen. Chẳng là khu tập thể xây trên nghĩa địa Tây. Bên kia đường là Tây trắng, bên này đường là Tây đen.
Còn đây là giấc mơ thứ hai. Vào cuối đời mẹ bệnh nhưng người vẫn vui. Sau một giấc ngủ ngon, người thường xuyên ý tứ duỗi chân lên cửa sổ, nói rất lạ: “Thuở từ nhà ông bà đi lấy chồng, mẹ mơ cuối đời được nằm bên một cây na”. Năm tháng qua đi. Chẳng hiểu sao, trên tảng bê tông chìa ra trên cánh cửa dùng để che mưa nắng, một ngày nọ bỗng chồi lên một mầm na. Chắc có một chú chim thiêng nào đó đã tha hạt na bỏ vào đó. Chẳng có đất mà cây na vẫn lên. Mẹ tôi thầm lặng đổ bã chè vào đó. Đêm khuya người đổ nước vào cái ca nhỏ, luồn qua song cửa sắt, tưới cho cây. Tưới nhẹ như hạt sương, sợ hắt ướt sân nhà dưới. Tôi thương mẹ, lao ra, dùng gạch xếp khẽ thành cái vườn chữ nhật chỉ dài bằng chiếc ghế dài. Có chăng dây xung quanh. Sau mùa giông, có tiếng sét, na lớn nhanh. Lá xanh đầy sức lực. Đêm đêm có một hoặc đôi chim cu đến đậu, sáng ra thấy phân trắng. Hình như đã có người đến xin nắm lá về làm thuốc. Cây na cao vọt lên, không gầy, nghiêng nhánh ra ngoài không gian, đâm cả nhánh vào ngay giường mẹ. Bắt đầu ra hoa, trắng, vị ngòn ngọt, say say. Cây na không còn bé tẹo, nó trở thành một chàng thanh niên, đứng và sống cạnh mẹ.
Khổ nhất là cái rễ na. Người ta kháo nhau: Rễ na như có ma, như vòi bạch tuộc, đi xuyên cả tường gạch xi măng. Quả đúng như vậy. Dưới giường mẹ nằm đã có dấu hiệu rễ na len vào đó. Trắng, rỉ nước. Nhà tầng dưới ngước nhìn lên sợ. Hình như họ nói cả luật trồng cây trong thành phố. Quả thật là khó, cho thân phận một cái cây giữa cuộc đời. Luật sư khó bào chữa. Nó là cái cây mọc giữa không gian. Cái cây do chim tha hạt đến trồng. Có một hôm con chim màu nhung đen đã làm cái việc ấy. Mẹ nhìn thấy. Mọi người đề nghị chặt. Tôi không dám chặt. Vì đó là cây na truyền kỳ. Cảm như từ mảnh vườn quê hương, từ cuộc đời của ông bà tôi bay đến. Bay qua hàng trăm dặm, đến đậu bên giường mẹ tôi. Trên tầng ba lơ lửng của một không gian. Cách một hàng gạch. Trên mảnh vườn ban công chỉ bằng chiếc ghế dài. Nó che bóng nắng cho giường mẹ tôi suốt tuổi già. Nó như một cây thuốc thường trực chữa bệnh cho mẹ. Tôi cứ nghĩ mà không dám nói ra: “Nếu chặt cây na, mẹ sẽ chết”. Đó là một ý nghĩ duy vật, trăm phần trăm.
Cậu em tôi đi dạy học ở Angiê và Pháp về. đó là xứ sở của Đạo Hồi và văn minh Gô Loa. Không khí nhân đạo “hạ” cây na càng rộ lên. Tôi lờ đi, không dám. Chính tôi đã tưới, bảo vệ nó suốt cả những ngày gian truân. Một buổi đi làm về, tôi thấy cây na đã bị chặt. Chặt cũng rất khéo, đầy tâm lý. Chặt mà như không chặt, như là một sự gỡ nhẹ cái tán na lìa ra khỏi thân nó để lớp rễ tự âm thầm chết đi. Chỉ còn đoạn thân và cái gốc buồn thiu. Cậu em tôi chặt. Đừng trách cậu ấy điều gì. Có thể là mẹ đã nghĩ qua bao đêm rồi. Chắc mẹ nghĩ đến những cái rễ vòi bạch tuộc sẽ làm đổ tường, gây tai nạn cho nhà dưới. Chắc là mẹ đã quyết định phải chặt nó. Tự chặt cuộc đời mình. đời có những hy sinh không thể nào hiểu nổ. Điều này tôi chỉ nghĩ mang máng. Không buồn hận. Không sợ hãi. Gần như thành vô cảm.
Dăm tháng sau, mẹ tôi mất.
Khổ đau thì như tôi đã nói rồi. Cũng không hệt có những liên tưởng duy tâm này nọ. Chỉ biết, bên ô cửa tầng ba kia từ đây cây na và bóng mẹ không còn. Cái giường cá nhân nhỏ hơn cỡ, cũng không còn nữa. Nơi ấy bây giờ đặt bàn thờ mẹ. Tôi nghĩ, thờ cả cây na. Điều này chắc chỉ tôi nghĩ đến. Mọi người trong nhà nếu nghe tôi nói, hẳn sẽ giật mình. Người ngoài thì càng không thể hiểu gì được.
Đêm nay tôi gác lại truyện quái vật bên hồ Xuân Hương để viết về cây Na truyền kỳ. Chuyện gần như trung tính, không trẻ con, cũng không người lớn. Nó thật hiền, thật ngập yêu thương của tôi với mẹ. Nó là truyện ngắn hiền nhất, đơn giản nhất, trong tất cả các trang truyện ngắn. Nhưng xin chớ xem thường nó. Cũng như đừng quen thói phủ nhận một cách cuồng tin như lâu nay. Muôn truyện bạn đón đọc Quái vật tôi sắp viết sẽ là đối cực với truyện đơn giản này. Như dưới hồ là quái vật đến trăm tuổi kiếp người, còn trên bờ chỉ là một cây na cô đơn, bình dị, lạ lùng. Cây na truyền kỳ của đời mẹ tôi...