Khu rừng Lướng ngày xưa nhiều thú lắm, nhất là loài hổ báo. Chúng động đực suốt cả bốn mùa. Tiếng gầm thét cào xé truy hoan váng động cả một vùng trời, nhất là ở những bờ suối đẹp, vào đêm trăng. Nghe đâu cái ông nhà thơ nổi tiếng nào đó, viết được bài thơ kể chuyện con hổ nhớ rừng cũng nhờ dăm lần qua đây. Người già còn nhớ ông Thơ kể chuyện ông Hổ như người:
“Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm!”
Cả trăm năm đàn hổ tinh khôi, hổ bố hổ mẹ sinh ra được những đứa con là hổ. Bỗng một dạo rừng như có loạn, suối cạn, trăng khô, đàn hổ như sinh nở tạp giao, nhiều hổ con sinh ra như “hổ quái thai”. Lớn lên có con mình hổ nhưng mặt lợn. Có con vằn hổ nhưng mình chó sói, tay chân gấu. Người ta kháo nhau thì thầm, sợ rừng nghe tiếng:
Xuỵt. Lạ lắm vơ!
Cơ quan anh Cối đến đây lúc anh là thanh niên, chẳng bao lâu được nhấc nhổm ghế này chức nọ, được gọi là Lão Cối. Thường anh phụ trách mà sớm bị ghét thường được lên lão sớm. Quê đâu mạn đồng đất Thái Bình, học hành bằng con đường bình dân học vụ và bổ túc văn hóa, đi hoạt động sớm. Được nết có chí và cầu tiến.
Anh Cối muộn mằn nhưng rồi cũng lập được tổ ấm gia đình, sinh được cả trai lẫn gái. Thằng con trai sinh ra đặt tên là Lùng, chắc vào những năm giặc lùng ráo riết, tính mạng con người treo trên sợi tóc. Cậu Lùng không giống cái dáng vạm vỡ, tay chân bắp chuối của bố, cũng không giống vẻ gầy teo xơ kiệt của mẹ. Tóm lại anh Cối sinh hạ được thằng Lùng, thế là mãn nguyện rồi. Giống ai thì mặc.
Lán bên bìa rừng có hoa và băng cờ. Người ta kéo đến có tổ chức phụ nữ, công đoàn, thanh niên, tự vệ... nhất loạt một lời: “Xin chúc mừng anh Cối”. Lời chúc như câu khẩu hiệu viết sẵn, nhưng chân tình.
Có người cao tuổi nghe đâu dòng giống chữ nghĩa khi đến, vì vui quá mà chỉ nói độc một câu:
- Hổ phụ sinh Hổ tử!
Anh Cối đang pha nước mặt đanh lại:
- Cám ơn. Nhưng đồng chí nói gì tôi không hiểu.
Người này biết là mình nói Hán tự không đúng chỗ, anh Cối không hiểu, bèn im lặng, thậm chí không dám giải thích. Nhưng khi ra về anh Cối cầm tay và dặn nhỏ:
- Cám ơn. Nhưng đồng chí nhớ từ nay đừng dùng chữ xưa, khó hiểu, lại dễ mất đoàn kết.
Người nói biết mình trật rồi, không biết cách nịnh, khi lão Cối không cần biết chữ nghĩa Thánh Hiền, trên bàn lão lúc này dở trang sách học mấy chữ A B C của tiếng Nga cấp tiến. Chẳng hiểu sao ngay lúc ấy mấy con hổ rượt nhau ở con suối sau nhà, gầm lên khủng khiếp, gỡ bí cho hai người. Thằng Lùng đang nằm khóc thét lên đến lạ.
Thằng Lùng lớn lên đúng như cái tên của nó. Chỉ được cái ma mãnh, học thì đần, làm việc thì nhác. Cuối bậc tiểu học nó đã cầm đầu chúng bạn đi lùng bắt chó, mua rượu về đánh chén với nhau. Nhà mất chó biết tỏng là do con lão Cối, gọi tên là thằng “Lùng chó”, nhưng sợ cán bộ, không dám nói gì. Lớn nữa thì thằng Lùng uống rượu nang ngửa với người tửu lượng cao nhất bản. Bên ngoài lão Cối làm bộ mặt lạnh phớt lờ như bản tính vốn có của lão, nhưng bên trong thì buồn lắm. Rõ ràng nó lạc “gien” lão, không có chí tiến thủ của lão. Nói theo từ tổ chức là nó không ở “diện đào tạo”, không là “người thừa kế” được. Đêm đêm chờ thằng Lùng đi đàn đúm cùng nhóm bạn để bắt chó của người ta, lão Cối lại giật mình nghe tiếng hổ gầm rú quanh nhà. Có con hổ già nào đó như biết tỏng nỗi lòng của lão Cối.
Thời gian cũng qua đi, mấy mùa rừng thay lá, mấy mùa suối cạn nước và lũ hổ báo gào đến khản giọng. Lão Cối vốn có bản lĩnh tính toán. Một đêm hổ gào mạnh quá, lão nhổm dậy. Thằng Lùng vẫn trác táng chưa về. Người vợ gầy teo nằm trong lán biết chồng mình thức dậy thế này là đang tính toán mưu kế dữ lắm...
Lão nở nụ cười lạ lùng trên đôi cằm bạnh. Chợt nhớ bài báo khoa học mà lão dù không hiểu gì cũng từng đọc từng duyệt. “Gien” di truyền chỉ là một vấn đề. Cách lai tạo của cái ông Mitxurin kia mở ra bao nhiêu thành tựu rộng lớn. Vả lại lão là con người của xã hội, của duy vật biện chứng. Chả có câu thơ “anh em đồng chí quây quần là con” đấy ư. Đúng, mình sẽ có đứa “con xã hội” do mình chọn, mình đào tạo lên. Lão sẽ chọn một thằng kế thế lão, ngay trong cơ quan lão.
Và lão chọn ngay thằng Nhàu.
Thằng Nhàu giống lão, từ đồng đất đi lên, cơ bản và có chí tiến thủ. Mê nhất là thằng Nhàu có đầu óc thực tế, tỉnh táo. Thằng Nhàu cũng giống lão, ham học hỏi, nhưng không sách vở, không cao xa viển vông đâu đâu. Từ phòng họp nhìn bên nó nhìn lão đau đáu, tự chủ và ngưỡng vọng, tuyệt không có nét mơ hồ của con Chiên nhìn Chúa. Nó học lão từ lời ăn tiếng nói, mẹo đối nhân xử thế.
Trong việc công, lão Cối thường mở đầu công việc lãnh đạo của mình rất khôn ngoan:
- Thưa các đồng chí, tôi nghĩ rằng...
Thì khi đến dự họp với Chi đoàn thanh niên, lão Cối thấy thằng Nhàu cũng đứng dậy như thế, tay chống khuỳnh đầy khiêm nhường như thế, mắt nhìn lên cờ xí khẩu hiệu và nói đúng câu như thế:
- Thưa các đồng chí, tôi nghĩ rằng...
Rõ thằng Nhàu là của lão.
Một lần lão cho gọi nó, vừa không khí cơ quan vừa gia đình trộn lẫn:
- Cậu trong diện đào tạo lâu dài đấy nhé!
Thằng Nhàu hiểu, đớp ngay lấy câu ấy như một chú hổ con mới lớn đớp lấy con mồi đầy bản năng. Cùng lúc lão Cối chuẩn bị dư luận trong “bộ Tam”, “bộ Tứ” cơ quan. Người phó của lão Cối tuyên bố ngay trong cuộc họp:
- Có nhiều con đường phấn đấu. Có đồng chí ngồi đây chuyên môn không giỏi nhưng có khả năng tổ chức lãnh đạo. “Chuyên” kém một chút, nhưng nổi ở cái “Hồng”...
Vậy là thằng Nhàu được cử đi đào tạo dài hạn ở Liên Xô.
Thằng Nhàu lên đường, lão Cối yên tâm phần nào về sự nghiệp lớn. Đêm lão ngủ ngon hơn, đỡ những cơn mơ kinh hoàng về bầy hổ gầm thét, nhưng lạ soi vào gương thấy tóc bạc nhanh quá. Thằng Nhàu thư đi từ lại và kỳ lạ, trong cõi duy vật thực dụng cũng đầy thần giao cách cảm hay sao ấy?
Đúng dịp lão Cối đang yêu, yêu vụng trộm khi người vợ ốm yếu dài ngày, thì thằng Nhàu có ngay thư về: “Thưa anh, anh dạo này vẫn khỏe chứ ạ? Em biết chị yếu, anh nặng việc cơ quan, khiến anh vất vả nhiều. Nhưng em tin vào nghị lực của anh. Kỳ này em gửi về biếu anh hộp thuốc nhuộm tóc mới nhất do Nga - Đức hợp tác sản xuất... Em kính thăm sức khỏe chị và Ban chi ủy, Công đoàn, Thanh niên, Tự vệ, Chi hội... Cơ quan ta...”
Lão Cối sướng nhất là bao giờ cuối thư thằng Nhàu cũng láu lỉnh tương một câu như mỗi dòng cuối thư của lão: “Chào quyết thắng”. Rõ ràng thằng Nhàu là của lão.
Cuối mỗi thư gửi sang, ngoài câu chào truyền thống, lão Cối hơn thằng Nhàu ở mấy dòng bị chú: “Tranh thủ học tập. Nhớ về sớm để đảm nhận công việc nhé!”.
Cách ghi chú cuối mỗi bức thư, công văn biểu lộ hết đức tính và nghệ thuật sống của lão Cối. Thằng Nhàu biết nhưng chưa học được.
Thực tế không đúng hẳn như sắp xếp của lão Cối. ở nhà dạo này đặt ra lối bầu báng dân chủ. Một người được bầu vào ghế lãnh đạo trước khi thằng Nhàu mãn hạn trở về. Nó về thì lão Cối đã già, chiếc ghế không để trống nữa.
Thằng Nhàu mất ghế, lão Cối phồng mang trợn mắt trổ tài chạy vạy. Thằng Nhàu cuối cùng được xếp chân phó, lại là phó thứ hai. Cả hai bàn tính: “Không được, phải là phó thứ nhất”.
Nhưng người ta không quan tâm đến “phó nhất, phó hai” của thằng Nhàu. Chỉ nhìn vào đúng năng lực thằng Nhàu, đứa “con lai” của lão Cối.
Nhưng thằng Nhàu chỉ “ăn theo nói leo”, xem ra thua xa lão Cối.
Lão Cối ít học, nhưng có tình, biết đến người hơn mình, dù đầy ganh tỵ, ma mãnh. Có lần lão khoe hồn nhiên:
- Tôi có lần được đi cùng nhà văn Nam Cao trên một con thuyền vượt sông Đáy vào hoạt động vùng tề ddấy nhé. Có dịp tôi sẽ viết...
Thằng Nhàu không cần biết nhà văn Nam Cao là ai, các ông nhà thơ nhà văn là gì, chẳng cần phải viết. Nó cảm thấy chỉ cần có cái mồm uốn ba tấc lưỡi là đủ.
Trên bàn lão Cối có sách, lác đác dăm quyển gọi là. Chứ trên bàn thằng Nhàu tuyệt nhiên không có sách vở, chỉ độc tài liệu và văn bản hướng dẫn của cấp trên.
Người nói câu không đúng chỗ “Hổ phụ sinh hổ tử” vào ngày lão Cối sinh ra thằng Lùng, về sau sống lận đận khó khăn, bị định kiến qui chụp, cuối cùng bị ung thư mà chết. Ngày cuối cùng khi được tin lão Cối đã tìm được người thay thế, tức thằng Nhàu, cho đi học Liên Xô... Người ấy chỉ kịp nở nụ cười khô héo, lắp bắp được câu: “Hổ phụ sinh quỉ tử”... rồi nhắm mắt.
Thằng Nhàu từ ngày ngồi được vào “ghế phó”, chỉ làm được cái việc báo đền “Hổ phụ Cối” bằng cách kéo dài mãi tuổi hưu cho lão đến quá bảy mươi, thêmvài việc khác như sắp xếp con cháu lão vào phòng này ban nọ theo “thật Tổ chức” ma quỉ... mà truyện này chưa kể ra đây được.
Chỉ biết thằng Nhàu thua đứt lão Cối, nó già và đổ bệnh nhanh quá, tàn tạ nhàu nát như tên nó. Mới đây nghe đâu nó bị ung thư gan, như căn bệnh người nói câu “Hổ phụ sinh hổ tử” ngày trước...
Bây giờ không có chuyện hổ gào thét động đực như ngày xưa nữa. Chỉ rộ lên chuyện lai vô tính, lai hữu tính của vật và người, chuyện gọi hồn và tìm kiếm phần mộ, chuyện nhân quả âm dương muôn thuở mà thôi...
Xóm Mổ Hương, 2/9/2001