Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Thiên Nhãn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10403 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thiên Nhãn
Nguyễn Trường

VÒNG BẠC ĐỔI MÀU

Mẹ ơi con đói!
Thằng Lý tỉnh giấc sụt sịt khóc, làm chị Tảo không ngủ được, gắt:
- Có im đi cho anh chị mày ngủ không.
Thằng bé đói quá, tủi thân khóc to hơn, làm thằng Đà, con Hào, cùng thức giấc và chúng bỗng tỉnh như sáo, cùng cất lên một lượt như dàn đồng ca:
- Con đói lắm, mẹ nấu cơm cho con ăn.
Chị Tảo giận sôi lên, mắng át lũ con:
- Đói no gì, nhà còn gạo đâu mà nấu. Ngủ đi, sớm mai mẹ sang nhà chú Hải mượn gạo về rồi thổi cơm.
Lũ trẻ nghe lời mẹ nằm im. Chị Tảo ôm thằng Đà vào lòng. Tội nghiệp! Mẹ biết các con đói lắm. Từ sáng đến giờ chỉ có mấy bát cháo vào bụng, nó trôi đi cái vèo. Mẹ biết lấy gì cho các con ăn đây. Nửa tháng nay mẹ con chị toàn ăn cháo. Bụng đứa nào cũng to ra, ỏng ỏng nước, da xanh xao.
- Mẹ ơi, con đói.
Thằng Lý lại khóc. Chị Tảo cũng mếu với con:
- Nhưng mẹ có tiền đâu mua gạo cho các con.
Đêm lại khuya rồi. Ba đứa con chị, đứa lớn mới chín tuổi, đứa nhỏ được hai tuổi, chúng không biết đến cái lý lẽ đó, đói thì chúng kêu khóc đòi ăn. Chị Tảo xót xa, bây giờ mình có cái gì bán đi nhỉ? Chiếc vòng cấn vào tay hơi đau nhắc cho chị nhớ đến nó. À, mình có cái vòng bạc đây, bán đi đổi gạo cho lũ trẻ. Nhưng đây là vật kỷ niệm của anh Huy. Chị mơ màng nhớ về tuổi thanh xuân của mình. Bữa đó anh gặp chị trong một thung lũng. Chị vừa đi rẫy về, trên lưng gùi sắn nặng trĩu. Anh giành gùi cho chị. Họ lững thững đi về bản. Leo qua một ngọn núi thì trăng lên. Dòng suối ngậm trăng sáng lấp lánh như dát bạc. Ánh trăng làm cho không gian mát dịu. Dưới ánh trăng, Huy càng thấy Tảo đẹp, làn da trắng, mái tóc mượt mà và khuôn mặt tròn trĩnh, đôi môi dày, chiếc cằm chẻ, chiếc cổ cao thon thon bắt ánh trăng trắng đến nôn nao. Huy run run cầm tay Tảo:
- Anh yêu em!
Tảo để yên tay mình trong tay anh. Ngực chị căng lên. Con tim đập như loạn nhịp. Tin cậy, chị nép mình vào anh. Anh rút trong túi ra chiếc vòng bạc sáng lấp lánh tròng vào tay cô. Chiếc vòng anh đã bỏ ra cả mấy tháng trời tỉ mẩn chạm khắc những hình hoa văn hài hoà đến hiếm có nghệ nhân nào làm đẹp hơn thế, bởi anh làm bằng tình yêu, bằng khát vọng hạnh phúc trong tim…. Bây giờ, bán chiếc vòng đi. Anh Huy trở về không còn có nó nữa…! Cách đây gần một tháng anh phải chia tay mẹ con chị theo người bạn lên Tây Ninh làm thợ xẻ để kiếm tiền. Anh đi chẳng mang theo một đồng. Có hơn chục ngàn anh đưa hết cho chị…
Mấy đứa trẻ lại khóc làm Tảo nhớ về thực tại. Anh Huy ơi, em làm sao giữ được vật kỷ niệm khi anh về mẹ con em đã không còn trên cõi đời này. Hẳn là anh hiểu cho em, phải không. Nhưng giờ có còn ai thức mà mua cái vòng này? À, có chiếc ghe thương hồ đang đậu ở dưới lòng kinh cách đây không xa. Trên ghe người ta bán đủ thứ, Tảo quả quyết đứng lên. Chị nói với các con:
- Làm tội mẹ mãi. Thôi hãy nằm yên đó, tao đi mua gạo đây.
Lũ trẻ cùng reo lên:
- Mẹ đi nhanh lên nhé.
Chị mở cửa. Trăng sáng vằng vặc. Cánh đồng nước trắng xoá, chị có cảm tưởng mình đang lẻ loi bé nhỏ trên một hòn đảo nhỏ, giữa biển khơi ngàn trùng cách trở. Xa xa phía Sài Gòn hắt lên quầng sáng bàng bạc. Điện sông Đà quê hương chị đã được kéo về miền Nam. Nhưng vùng Đồng Tháp Mười hẻo lánh này, vẫn chưa có điện. Sợ tốn dầu người ta chỉ thắp một lúc chặp tối rồi tắt đèn đi ngủ. Cuộc sống ở đây cứ gặm nhấm vào cái tẻ ngắt, cái cô đơn. Sống mà như không phải đang sống. Nhưng cuộc đời ơi, có bao giờ ta được sống cho riêng ta đâu. Còn ba đứa con, chúng là "gia tài" còn lại của ta. Hãy vì chúng nó trước đã.
Lấy hết can đảm chị gọi to:
- Dậy bán gạo chủ ghe ơi.
Ánh lửa dưới ghe bùng lên rồi tiếng người đàn ông còn ngái ngủ:
- Ai đó, muốn gì thì xuống đây.
Tảo ngập ngừng bước trên chiếc cầu ván lắt lẻo xuống ghe. Chủ ghe là một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi, da rám nắng, mũi quằm quặp như mũi diều hâu nhìn chị lom lom làm Tảo sờ sợ. Chị nói nhanh:
- Ông bán cho tôi cân gạo… Nhưng mà tôi không có tiền, chỉ có chiếc vòng bạc đây. Ông đổi gạo cho tôi được không?
Tư Khánh ngắm Tảo từ đầu xuống chân như định giá một món hàng. Người Mường đẹp thật. Mái tóc mượt mà, khuôn mặt bầu bĩnh, nước da trắng nõn nà và vẻ ngây ngô đến dễ thương của cô ả nữa chứ. Trong đêm khuya thanh vắng này, cô ả dám xuống thuyền của một người đàn ông. Trời ơi, còn cơ hội nào bằng! Làm sao chiếm được cái thân thể mát rượi kia? Với người Mường, ta chưa thể "ăn ngay" được. Phải làm cho cô ả tin mình đã. Tư Khánh cười thân mật:
- Tôi bán hàng chớ không đổi hàng.
Tảo tần ngần đút cái vòng bạc vào túi áo, nét mặt lộ rõ sự thất vọng. Tư Khánh mở lời:
- Sao giờ này chị mới đi mua gạo?
Một câu hỏi không dễ nói trong vài lời. Tảo ngồi xuống mạn thuyền:
- Chẳng nói giấu gì ông, các con tôi đang đói, mà vợ chồng tôi hết tiền từ lâu rồi, các cháu phải ăn cháo cả tháng nay.
Tư Khánh biết đàn bà rất ưa tâm sự. Đã tâm sự phải có người nghe. Khi dốc hết bầu tâm sự, người kể bỗng trở nên nể sợ, lệ thuộc vào người nghe. Cái khôn nhất của cánh đàn ông là biết nghe, kiên trì ngồi nghe đàn bà giãi bày tâm sự. Người kể cũng nảy sinh tâm lý chinh phục người nghe, làm sao cho người nghe tin mình, nếu người nghe không tin mình còn kể làm gì nữa. Phần còn lại là người nghe biết biểu lộ tình cảm của mình. Biết đau cái đau người kể, buồn vui với người kể và cái chính biết tán dương, biết khen biết an ủi đúng lúc. Nghĩa là biết gãi vào đúng chỗ ngứa của người kể. Tảo vốn thật thà, cái thành thật của người sống trên rừng núi cao, chị kể về quãng đời vừa qua của chị. Một bộ phận dân sống trong vùng lòng hồ sông Đà được chuyển vào đây. Lúc đó chị cũng như một số bà con, nghe nói vô miền Nam lập nghiệp thì thích lắm. Cán bộ mang ra mấy cuốn băng video chiếu cho bà con xem vùng đất tương lai mà bà con sẽ sống. Một cánh đồng phẳng lỳ, những ruộng lúa trĩu hạt, những cảnh trù phú vui tươi. Ai cũng háo hức muốn vào Nam. Và trâu bò, lợn gà, nhà cửa… được bán đi. Họ rời bỏ quê hương ra đi không có ngày quay lại.
Tư Khánh chăm chú nghe, hình như anh khóc vì những đứa trẻ, những người dân Mường xa xôi mới đến:
- Hoàn cảnh của chị và cô bác vô đây thật thương tâm. Bây giờ như vậy nghe, tôi có mì tôm đây. Sẵn bình thuỷ nước sôi, tôi nấu mì cho các cháu ăn ngay kẻo đói tội nghiệp.
Nhanh tay, Tư Khánh xé năm gói mì tôm bỏ vào chiếc soong rồi chế nước sôi lên, xong việc anh ta ân cần trao tận tay Tảo:
- Chị mang về cho các cháu.
Tảo bê nồi mì nhưng vẫn còn ngần ngại:
- Tôi… Không có tiền trả ông.
Tư Khánh khoát tay:
- Tiền nong gì. Không hiểu thì thôi, đã hiểu nhau rồi thì con chị cũng như con tôi vậy.

*
* *
Tảo cúi đầu chào Tư Khánh đi vội về nhà, lòng thầm khen sao có người tốt bụng đến thế.
Năm gói mì tôm của Tư Khánh cho cũng chỉ giúp các con Tảo no bụng qua đêm. Sáng chúng lại kêu đói. Tảo lại thấy bí. Ông chủ ghe tốt bụng thật, nhưng không lẽ cứ đến làm phiền người ta mãi. Thôi ta nên đi kiếm một việc gì làm. Lại phải đi bóc đay thuê vậy. Nhưng từ đây ra đến nông trường đay những hai chục cây số. Tối mới về, lũ trẻ sẽ sống ra sao? Thôi, thì cứ liều vậy. Tảo quay lại nói với thằng Đà:
- Ở nhà trông em cho mẹ đi làm. Trưa có đói thì dẫn nhau sang nhà chú Hải ăn cơm nhé.
Cả năm đứa oà khóc. Chúng đã quá quen với những ngày chờ mẹ như thế. Có sang nhà chú Hải cũng chẳng có cơm mà ăn. Chú Hải là em ruột bố, chú cũng đi thợ xẻ như bố, nhà chỉ có thím với các em, cũng đói dài như nhà nó, con của chú thím còn chưa có cơm ăn nữa là…. Chúng có sang là để chơi với mấy đứa em bên ấy. Thím Hải đau yếu không đi làm thuê được phải ở nhà. Thì ít ra chúng cũng có người lớn mà nương nhờ.
Mặc cho các con kêu khóc, chị Tảo quày quả cắp chiếc nón rách, trùm khăn kín mặt xăng xái ra đi. Chợt chị nhớ đến nồi mì tôm bốc khói thơm phức, nước bọt tứa ra chân răng. Bây giờ có gói mì tôm mà ăn nhỉ. Bụng chị lại cồn cào. Cái đói nhắc chị nhớ đến người đêm qua. Aáy chết, mình quên chưa trả cái nồi cho anh ta.
Thằng Đà thấy mẹ nó xách cái nồi ra đi, dỗ dành lũ em:
- Nín đi, mẹ lại đi lấy mì tôm về cho các em ăn đó.
Hương vị mì tôm lại phảng phất. Lũ trẻ nín im dài cổ chờ mẹ, nước miếng chảy ròng ròng.
Tư Khánh đang ngồi rít thuốc mơ màng nghĩ về người đàn bà đêm qua đã xuống thuyền của mình. Cô ả "ngon thiệt". Hà hà của ấy mà vào tay ta thì…. Con thú đã ăn đèn rồi có chạy đằng trời. A kia rồi, cái dáng thon thả kia là nàng đến đấy.
- Anh Tư ơi. Em trả cái nồi.
Tư Khánh ngắm Tảo ngọt ngào:
- Xuống đây, ấy, đi cho cẩn thận kẻo té.
Tảo run run bước trên chiếc cầu ván chông chênh. Chị đặt chiếc nồi vào góc thuyền:
- Cảm ơn anh. Anh tốt với các cháu quá.
Tư Khánh lịch thiệp:
- Chị ngồi xuống đây. Sáng nay các cháu đã ăn gì chưa?
Tảo lúng túng, chẳng lẽ lại nói các cháu nhịn đói. Tư Khánh hiểu cười cười:
- Tội nghiệp mấy đứa trẻ. Bây giờ chị lấy gạo về nấu cơm cho chúng ăn. Cầm thêm mấy quả trứng này nữa nhé.
- Ấy chết, tôi không có tiền cho anh.
Tư Khánh lại khoát tay:
- Chị cứ mang về đi, chừng nào ba chúng về có tiền trả tôi cũng được.
Tư Khánh cũng đã để ý đến cái vòng bạc trên cổ tay Tảo. Những hoa văn ấy đối với anh chỉ là những thứ vớ vẩn, không đáng quan tâm, cái chính là tấm thân cô ả. Muốn được ta phải có cách, đừng có cho nhiều, mỗi lần đủ một ngày ăn để cô nàng cứ phải thường xuyên xuống ghe với ta.
Bây giờ Tảo không còn e ngại người đàn ông dưới ghe nữa. Anh ta tốt quá, giúp đỡ người khác một cách vô tư. Một đêm khuya, các con Tảo đã ngủ, xóm làng tỉnh lặng, nghe rõ cả tiếng con cá quẫy ngoài mé kinh. Tảo ngồi bên Tư Khánh. Anh pha một ly cà phê ân cần trao tận tay Tảo. Người Kinh có khác, họ thật chu đáo. Chị nhâm nhi ly cà phê mà Tư Khánh trao tận tay, lại còn cẩn thận khuấy đường giùm chị. Cử chỉ đó chị chưa bao giờ gặp ở chồng mình. Nhưng sau ly cà phê ấy Tảo thấy người bừng bừng, rạo rực. Cái rạo rực còn mãnh liệt hơn cả lần Huy cầm tay chị bên bờ suối năm xưa. Chị nhìn Tư Khánh, anh ta thật dễ yêu, thật tình tứ. Đôi mắt anh ta nhìn chị như có lửa. Chị cũng nhìn anh ta cháy bỏng. Chỉ chờ có thế, Tư Khánh cầm tay Tảo kéo vào lòng, đè chị nằm ngửa xuống sạp thuyền. Dưới ánh trăng hạ tuần, chiếc thuyền cứ lắc nhẹ, lắc nhẹ rồi như đang vượt qua dòng nước cuồn cuộn sóng lưỡi búa ngoài sông Cửu Long những ngày gió lớn.
Xóm Mới người ta đồn về cái tin Tảo với Tư Khánh dan díu với nhau. Thím Hải hỏi thẳng Tảo. Tảo lúng túng chẳng biết nói sao với thím. Và tin Huy sắp trở về làm cho Tảo lo lắng. Anh có tha thứ cho mình không? Bây giờ làm sao? Chị hốt hoảng sờ xuống bụng. Dấu hiệu của sự thai nghén đã xảy ra. Bây giờ chỉ còn cách bàn với anh Tư. Anh là người hiểu biết. Anh từng đã khuyên mình biết bao điều hay ho, chuyện này hẳn anh sẽ giải quyết được. Và chị nói điều lo lắng đó với Tư Khánh. Nghe chuyện, Tư Khánh tái mặt. Anh chẳng còn ra vẻ uyên bác, thao thao bất tuyệt như trước đây. Ngồi thừ ra một lúc, Tư Khánh chợt nói:
- Hay là em trốn đi theo anh.
Tảo lắc đầu:
- Không được. Em còn ba đứa con.
Chợt nhớ ra, chị nắm tay Tư Khánh khẩn khoản:
- Hay là anh cho chúng đi theo. Bây giờ đời em chỉ còn có anh và mấy đứa con.
Tư Khánh lắc đầu:
- Không được. Chỉ mình em đi thôi.
Tảo năn nỉ:
- Anh đã từng nói con em cũng như con anh. Anh thương chúng nó. Anh đã cưu mang chúng cả tháng nay. Chúng vô cùng biết ơn anh.
Tư Khánh cười thầm: "cô bé Mường ngu dại ạ, ta giúp con nàng chẳng phải vì các con nàng mà chính vì thân thể nàng đó thôi. Dại gì lại hốt cả ổ ba đứa lít nhít như một bầy chó con. Việc này cũng dễ thôi. Ta đã có cách."
-Em muốn mang con đi theo phải không. Được rồi anh sẽ liệu. Ở thành phố Mỹ Tho anh đã có nhà cửa tử tế. Anh sẽ đưa mẹ con em về đó sinh sống.
Tảo tin cậy nép mình vào người Tư Khánh. Hắn lại ôm chị vuốt ve rồi kề vào miệng chị ly nước chanh:
- Uống đi em.
Tảo cầm ly nước uống ngon lành. Lát sau chị bỗng thấy mắt mình cứ díp lại, người lâng lâng, rồi chị gục xuống sàn thuyền. Tư Khánh nhìn Tảo đã ngấm thuốc, ngủ say như chết, cười:
- Bây giờ ta lên đường được rồi.
Hắn vội rút ván cầu, nổ máy cho chiếc ghe chạy như bay trên con kinh nhỏ phóng ra sông Cửu Long mênh mông.
Trưa Đồng Tháp Mười nóng như trên sa mạc. Không một bóng cây, gió cũng biến đi đâu từ lúc nào, đồng nước bốc lên thứ hơi nóng như trong lò áp suất. Huy sải những bước dài, cố dấn lên để nhanh về tới nhà. Anh nghĩ chắc vợ con đang dài cổ trông chờ mình. Xóc lại túi xách trong đó anh đã mua sẵn năm ổ bánh mỳ thịt, thứ mà mẹ con chúng thích lắm đây, anh đi như bay. Hơn tháng qua anh đã làm cật lực trên Tây Ninh, cố dè sẻn từng đồng để có được ba trăm ngàn mang vèâ cho vợ. Nắn lại số tiền trong túi áo, Huy mừng thầm, với nó, vợ con anh có thể tiêu chắt chiu được một tháng đây. Rồi mình sẽ đi làm tiếp. Cái khó bao giờ cũng là những bước đầu tiên. Huy đi ngang qua nhà cụ Mét, ông cụ đang ken những cây tre nhỏ làm sàn. Anh chào ông cụ. Ông già ngẩng lên cười với anh, hàm răng đã rụng gần hết nên cái miệng trông thật vui:
- Ồ, chào anh Huy, làm nhà sàn ở cho đỡ nhớ thôi.
Không kịp bắt chuyện, Huy đã đi vượt lên. À cô Thanh, cô ta đang chọc những lỗ nhỏ trên mảnh đất chỉ vừa bằng cái chiếu.
- Em trồng cái gì vậy Thanh?
Thanh nhìn Huy, trong đôi mắt có quá nhiều ẩn ý:
- Em trồng ngô.
Huy hiểu, với miếng đất như bàn tay thì thu hoạch được là bao. Thanh trồng để nhớ lại thói quen làm rẫy. Cả cái gùi Thanh đeo sau lưng nữa. Cái gùi không liên quan gì đến việc đang làm bởi mảnh đất cô trồng, số lượng hạt ngô chỉ cầm một nắm trên tay. Huy đi nhanh qua nhà cụ Bà, ông già đang ngồi rít thuốc lào với chiếc điếu cày dài, làm bằng nứa cụ đem từ Đà Bắc vào đây. Nó gắn bó với cụ. Quê hương chỉ còn lại với cụ là chiếc điếu cày này ư?
Huy về đến nhà. Anh xô cửa ào vô. Nhà vắng ngắt. Vợ con mình đi đâu hết cả thế này? Huy tất tả chạy sang nhà chú Hải. May quá, các con anh đang ở bên này. Anh ào lại ôm chầm lấy thằng Bắc. Dang rộng cánh tay anh ôm cả lũ con vào lòng. Các con anh đều reo ầm cả lên:
- Bố, bố đã về!
Anh chia bánh cho lũ con và không quên phần cho lũ con nhà chú Hải. Huy nhìn nhanh. Tảo đâu nhỉ? Anh vội quay sang thím Hải, lúc này nhìn anh nước mắt rân rấn, muốn nói nhưng khó cất thành lời.

*
* *
Huy đã bỏ cả tuần lễ lang thang tìm Tảo. Anh đến Mỹ Tho, lên Sài Gòn, gõ cửa rất nhiều phòng trọ khách sạn. Rồi anh đáp tàu Thống Nhất ra Bắc, tìm về quê hương cũ. Nhưng quê hương đã ngập trong biển nước. Anh cứ chạy dọc theo triền nước gào to: Tảo ơi, em ở đâu, ở đâu, về với anh và con, Tảo ơi. Anh ôm mặt bên bờ đập thấm thía tận cùng nỗi đau. Bỗng từ xa, Huy nhìn thấy mái tóc xoã bồng bềnh. Anh dụi mắt, hình như xác một người đàn bà. Huy nhảy ào xuống nước, cố gắng nâng cái xác lên. Xác chết trương phồng bốc mùi hôi thối đến nghẹn thở. Khuôn mặt người chết to phình, lở lói làm Huy khó nhận diện. Anh chợt nhận ra chiếc vòng bạc quen thuộc nơi cổ tay nạn nhân. Chiếc vòng đã đổi màu đen sạm. Tim anh đau nhói. Ôm chầm lấy vợ, anh nấc lên :
- Tảo ơi, anh hiểu em. Em không có lỗi, em không có lỗi.
Huy để Tảo nằm đó, anh ngắm vợ, trái tim tan nát. Dưới suối vàng, Tảo có hiểu cho anh không. Tảo ơi, em có nhớ ngày chúng mình tỏ tình với nhau bên dòng suối năm xưa. Và chiếc vòng kỷ niệm…. Giật mình, Huy nhìn kỹ lại chiếc vòng trên cổ tay Tảo, chiếc vòng bỗng sáng lên lấp lánh.

<< SAU CUỘC CHIẾN | THIÊN NHÃN >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 715

Return to top