Rồi ông Tám cũng nhận ra con. Khuôn mặt ông nhăn nhúm lại, từ hốc sâu của đôi mắt già nua ứa ra hai dòng nước đục lờ. Hai đứa con cũng khóc, như lần đầu họ gặp nhau sau nửa thế kỷ chia ly… Hai đứa con ông biết rằng, đây là giờ phút cuối cùng của cha. Lòng họ trào lên sự ân hận, thương xót. Họ nhìn quanh căn nhà, mà đúng ra là căn chòi, vắng quá. Người sắp chết mà vợ của cha mình đi đâu rồi thế này - chú ba vừa thắc mắc vừa lấy khăn tay lau mặt cho cha. Từ người ông Tám bay lên mùi hôi nồng. Chú đỡ cha mình nằm dịch sang chỗ khác. Trời ơi, đáy quần ông Tám dính bê bết phân. Chú Năm giúp anh thay quần áo cho cha. Còn chú Ba xách nước rửa cho ông già. Đã lâu rồi người ta không thay quần áo cho ông.
Nhìn các con, ông Tám thều thào:
- Cho ba gặp mặt má các con.
Tiếng ông Tám yếu quá rồi, ông chỉ có thể sống thêm được vài giờ nữa thôi. Chú ba nói với em:
- Chú mượn ghe lên đón ba về. Nhờ anh Ba Tuấn đưa lên sau. Còn chú, đi mượn xe máy, bảo thằng Bằng chở má lên ngay, kẻo trễ.
Chú Năm lẳng lặng nhìn ba rồi dắt xe đạp về. Chú vừa phóng thật nhanh vừa nghĩ: không biết má có chịu lên gặp ba lần cuối hay vẫn còn giận.
*
* *
Cách đây nửa năm, cả dòng họ nhà chú Năm sửng sốt về tin ông Tám vẫn còn sống. Người mang tin ấy là ông Hai Hà. Ông kể: lần bơi xuồng đi bán thơm, vừa ghé đầu cầu Tân Thạnh, ông trông thấy một cụ già tuổi chừng tám mươi, tóc bạc phơ, nhưng tướng còn khoẻ mạnh, trông có nét quen quen. Phải một lúc Hai Hà mới nhận ra và kêu lên:
- Anh Tám Thành.
Ông già tay cầm trái thơm, tay kia rút tiền trả, nghe gọi đúng tên, giật mình, đánh rớt cả mấy tờ bạc xuống đất. Ông tái mặt, nhưng cũng rất nhanh lấy lại vẻ thản nhiên:
- Anh lầm rồi. Tôi thứ Năm chứ không phải thứ Tám.
Hai Hà nắm lấy tay ông.
- Ông không nhận ra tôi ư. Hai Hà ở chợ Ngã Tư đây!
Tay ông Tám run, ông cố giấu sự xúc động:
- Tôi không biết anh.
Hai Hà vẫn không chịu buông tha, nói:
- Không, tôi không quên, sao ông đi biền biệt cả mấy chục năm vậy ông Tám?
Ông Tám gỡ tay Hai Hà bỏ đi, quên cả mấy tờ giấy bạc bị gió lùa dưới đất…
Ông Ba Tuấn gọi ông Tám bằng chú kêu lên khi nghe Hai Hà kể:
- Vậy là chú Tám vẫn còn sống. Nhà chú hẳn ở quanh đâu đó gần cầu dây Tân Thạnh, hỏi thăm không khó. Bây giờ chú Năm, chú Ba lên tìm ông già về. Đi ngay!
Mắt bà Tám sáng lên lại vụt tối đi vì sự nghi ngờ:
- Tao chắc ổng đã chết rồi.
Mọi người ngạc nhiên nhìn bà. Nghe tin chồng còn sống, lẽ ra bà phải náo nức đi tìm, sao lại có thể nói như thế. Người ta còn lạ hơn khi thấy khuôn mặt nhăn nheo của bà càng hằn vẻ đau khổ hơn khi nghe tin ấy. Nước mắt của bà chảy dài. Người ta thật vô tình. Có ai hiểu được tâm trạng của bà lúc này? Tin vui làm bà nhớ lại quãng đời đã qua của mình. Ngày ông ra đi bà mới ba mươi tuổi. Ngày ấy họ chỉ được sống bên nhau trong từng khoảng thời gian ngắn. Lúc bà mang bầu đứa con thứ nhất là lúc ông tham gia Việt Minh. Thằng bé lẫm chẫm đi. Ông trở về nhưng bà được ở bên chồng hai đêm, ông lại đi. Bà có bầu đứa thứ hai. Đứa thứ ba cũng gần như thế. Bà cắn răng chịu đựng mọi vất vả, thiếu thốn nuôi con. Đối với bà, ông chỉ có công tạo giống. Không chú ý đến điều đó, bà chung thuỷ nuôi con, sống trong thấp thỏm chờ chồng. Thời trẻ, ông Tám đẹp trai nhất xóm. Thân hình cao lớn, dáng dấp tài tử của ông khiến nhiều cô gái trẻ phải nao lòng. Ông có bồ. Tiếng đồn đến tai bà. Bà giận lắm, khổ lắm, nhưng không đi đánh ghen. Bà âm thầm chịu đựng. Có lúc muốn lấy cái chết của mình làm cho ông ân hận.
Thời gian trôi mãi, ông Tám vẫn bặt tin. Đến ngày hiệp định Giơnevơ ký kết, tạm có hoà bình, mọi người trở về. Bà Tám thấp thỏm chờ chồng. Nhiều đêm bà không ngủ, nghe ngóng từng tiếng động bên ngoài. Đêm đêm nghe tiếng chó sủa, bà muốn vùng dậy, chạy ra cổng, mở cửa cho ông. Thời gian cứ thế trôi. Mười lăm... Ba mươi năm... Năm mươi năm... Cháu rồi chắt của bà vẫn chưa biết mặt cha ông. Người ta tin ông đã chết. Gia đình lập bàn thờ, lấy ngày ông ra đi lần cuối cùng làm ngày giỗ.
Té ra ông còn sống. Chắc ông có vợ nhỏ và sống với người ta cho đến nay, quên cả quê hương, quên cả họ hàng, con cái... Đến ngày cha chết cũng không về. Người vô tâm đến thế còn tình nghĩa vợ chồng gì nữa.
Đúng như dự đoán của bà Tám. Hai con bà lên Tân Thạnh hỏi thăm, người ta chỉ nhà ông ngay. Nó nằm bên bờ sông, gần bến bán thơm, chỗ Hai Hà ghé xuồng và đã gặp ông Tám. Căn nhà nhỏ giống cái chòi. Gặp được cha, hai ông con hết cười lại khóc. Ông Tám ngỡ ngàng, hai ông già tóc bạc này là con mình sao? Trong tâm tưởng ông vẫn nghĩ, các con mình còn trẻ nít.
*
* *
Lúc còn công tác cách mạng, ông Tám phụ trách tài chính. Ông quen một cô gái khá xinh đẹp, cô hay chưng diện, may sắm. Ông lấy tiền nhà nước cho cô. Lúc đầu ít thôi, sau dần nhiều lên. Đến nỗi, ông không qua được mắt cấp trên. Ông đành trốn đơn vị về quê cô gái sinh sống ở đó. Ông phải trốn cách mạng, lại không dám về quê: vùng tạm chiếm, sợ địch không để cho yên. Ông trở thành người vô chính phủ, trốn cả hai phe. Sống ngay trên quê mình mà ngỡ ngàng như trên xứ người vì sợ gặp người thân, họ hàng... Đôi lúc ông cũng nhớ nhà, nhớ vợ, nhưng đã lỡ rồi, vợ nhỏ cũng đã có con, bỏ bên nào cũng khổ. Bà vợ nhỏ sống với ông bốn năm, xài đến đồng xu cuối cùng của ông rồi bỏ ông theo một tên cảnh sát lắm bạc nhiều tiền. Sau này ông thành thân với một bà goá. Rồi hoà bình, ông đã già chắc không còn sống được bao lâu nữa. Nhiều lúc ông thấy mình đã xa quê, phụ bạc vợ con gần nửa thế kỷ rồi thì cứ xa luôn thể cho xong. Nhưng có lúc ông lại ước ao được thấy lại quê hương, nhìn mặt vợ con, dù một lần thôi, lại sợ: chắc ở nhà nghĩ mình không còn sống nữa. Thôi , thà cứ để họ nghĩ vậy, để có nhớ, họ nhớ về mình một cách tốt đẹp.
Tạo hóa thật kỳ diệu cũng thật trớ trêu. Ông đang đợi ngày ra đi vĩnh viễn của mình thì các con ông lại bất ngờ tìm đến. Nên mừng, nên tủi, nên khóc hay nên vui?
*
* *
Ông Tám trở về quê hương. Năm mươi năm trời xa cách, cảnh vật đổi thay nhiều quá. Người thân ra chào, ông không nhớ được mấy ai. Ngày ông đi họ còn nhỏ hay chưa sinh ra trên cõi đời này. Những người cùng thời với ông hầu hết đã trở thành người thiên cổ cả. Các cháu ông đầy nhà, chúng chỉ biết đến ông qua lời kể của cha mẹ trong ngày giỗ ông. Và kia, người vợ trẻ của ông năm nào nay trở thành một bà lão gầy còm, da dẻ nhăn nheo, tóc bạc trắng. Đâu rồi tuổi trẻ với làn da căng cứng, bộ ngực nở nang và tình yêu nồng nàn? Ông rưng rưng đứng trước bà. Ôi năm tháng, đã làm cho con người ta trở nên như thế này ư? Thời gian và một kiếp người!
Suốt buổi gặp mặt ông chỉ hỏi bà có một câu "bà có khoẻ không?" Mặc cảm tội lỗi không cho ông nói thêm được lời nào hơn...Bà sẵn sàng tha thứ nếu như ông hỏi đến người con út- đứa con hi sinh gần ba chục nay. Lúc bà có bầu nó ông cũng có về, ông còn sờ lên bụng bà, vuốt ve và ước nó là đứa con gái. Vậy mà bây giờ... bà đâu biết, giờ đây, thời gian xa cách đủ biến ông thành người ngoài cuộc.
Ông Ba Tuấn chỉ người đàn bà ngoài bốn lăm, đứng nhìn ông chăm chú, chờ được ông hỏi:
- Đó là thím Út, cô con dâu út của ông, cô ấy vẫn ở vậy cho đến nay.
Ông ngước cặp mắt xa lạ dưới hàng chân mày bạc phếch nhìn người đàn bà, không nói gì. Thái độ đó của ông càng làm bà Tám thêm giận. Ôi, ông có biết là bà vất vả thế nào khi phải đi làm mướn kiếm tiền nuôi con, lo cưới vợ cho con. Rồi nó hi sinh. Các con bà đưa em về chôn trong đêm một cách lén lút vì sợ giặc khủng bố. Vậy mà bây giờ, ông đã quên tất rồi!
Ở chơi được một bữa, ông Tám lại đòi lên Tân Thạnh ngay. Các con cản không được, đành để ông đi.
Thỉnh thoảng ông Tám lại bệnh. Người vợ nhỏ không đưa ông lên bệnh viện. Ông đã tám mươi rồi, không làm được gì, bệnh rề rề, vợ con phải giặt giũ quần áo, bưng cứt đái, sống thêm để làm cái gì? Cũng may nhờ ông Hai Hà cho hay, chú Ba, chú Năm vội đưa ông lên bệnh viện trên thị xã. Hai ông già túc trực ở bệnh viện để săn sóc một ông già, già hơn.
Lần này ông Tám bị bệnh nặng, trên đó không cho bà vợ cả hay. Đến lúc biết chắc ông già không thể qua nổi mới xuống báo tin. Hai đứa con ông trở lên thăm cha đúng vào lúc cha mình đang hấp hối.
Lúc bà Tám bước vô căn chòi ọp ẹp của ông Tám, ông đã tắt thở cách đó vài giờ đồâng hồ. Bà lẩy bẩy bước từng bước khó nhọc. Bà Tám run rẩy lật khăn phủ mặt ông. Đôi mắt còn mở như chỉ để nhìn bà lần cuối. Có lẽ sau năm mươi năm chẵn, đôi mắt đó lại nhìn thẳng vào mắt bà. Bà Tám run run đưa tay vuốt mắt ông. Đôi mắt khép lại vĩnh viễn mang theo hình ảnh vợ mình. Bà Tám quay mặt để hai giọt nước mắt hiếm hoi khóc chồng không rơi vào mặt ông Tám. Bà nói:
- Tôi đưa ông về dưới đó.
Bà nghẹn lời. Chú Ba vội dìu mẹ lại giường.
Ngoài cổng, hai đứa con riêng của bà vợ nhỏ đang khiêng chiếc hòm về nhà.
Gà gáy hồi nhứt, ghe của ông Ba Tuấn mới lên đến nơi. Nhìn vô nhà, thấy ông Tám đã được khâm liệm rồi, ông Ba Tuấn kêu lên:
- Chết rồi, ai biểu tẩm liệm trên này? Ở dưới đã mua hòm rồi.
Mọi người đều giật mình. Ai cũng lo. Về chiếc hòm, có lắm chuyện linh thiêng. Người ta cho rằng nếu mua dư một hòm là trong nhà thế nào cũng có thêm người chết. Ông Ba Tuấn tặc lưỡi " để tính sau". Quay lại bà vợ nhỏ ông Tám, ông Ba Tuấn nói:
- Chúng tôi thưa với thím, cho gia đình đưa chú Tám về mai táng dưới quê.
Bà vợ nhỏ nói:
- Thôi ông ấy sống ở đâu thì chôn ở đó.
Chú Ba góp lời:
- Ba tôi còn mồ mả ông bà, dòng họ ở dưới. Dì nên để ba tôi về nơi chôn nhau cắt rốn.
- Không, để ba tôi lại – Thằng con riêng bà nhỏ hốt hoảng bước ra buột miệng – chúng tôi đã mua hòm, mua vải rồi, bây giờ chở đi thì còn ai phúng điếu?
À, cậu ta tính kinh doanh cả xác chết ông già? Ông Ba Tuấn giận run nói:
- Trên này không ai có quyền với chú Tám. Có thím Tám tôi được ông bà nội tôi cưới hỏi đàng hoàng, chỉ có thím có quyền quyết định.
Bà nhỏ cúi đầu im lặng. Cậu con Út nói:
- Tiền mua hòm, mua vải gia đình tôi phải mượn cả đó. Bây giờ tính sao?
Bà Tám đau khổ đến cùng cực. Bà nói, giọng yếu ớt:
- Thôi được, hết bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu.
Cậu con thứ hai của ông Tám nói ngay:
- Dạ, tiền hòm là bốn trăm ngàn.
Cậu Út nài nỉ thêm:
- Còn tiền nến, tiền nhang, tiền vải, tất cả thêm một trăm ngàn nữa.
Số tiền hòm đã quá mắc, ba thứ linh tinh kia còn mắc quá cỡ. Bà Tám lại nói:
- Tôi nói rồi, bao nhiêu tôi cũng trả hết…
Mặt bà Tám hằn vẻ đau khổ đến không còn chịu đựng thêm nữa. Thằng Hai Bảng, con trai lớn của chú Năm tìm kế hoãn binh:
- Bây giờ không ai ở đây có tiền. Để sau trả.
Nói rồi cậu ta tiến lại chiếc quan tài:
- Mấy bác giúp con khiêng ông nội xuống ghe.
*
* *
Xóm nhà ông Ba Tuấn không có nghĩa địa. Người chết chôn ở vườn nhà mình. Dòng họ nhà ông đã có một chỗ để chôn ở cuối vườn. Ông Tám đã được chôn ở miếng đất cuối cùng còn lại. Vì nghĩ rằng ông chết đã lâu nên miếng đất đó dành làm nơi yên nghỉ của bà Tám. Hôm đưa thi hài ông Tám về, cả dòng họ hoảng hốt khi ở nhà đã mua sẵn một chiếc hòm rồi. Kiểu này xui lắm. Chú ba nói "Đem cái hòm dư đó đốt đi" chú Năm tiếc "Chiếc hòm gỗ tốt, chiếc hòm của ba gỗ xấu, hay là đổi cho ông rồi hãy đốt". Thằng Bảng nói "Phải đó ba. Móc ông nội sang chiếc hòm gỗ tốt rồi đem trả lại cho trển chiếc hòm xấu. Khỏi tốn bốn trăm ngàn". Nói rồi Bảng cười, khoái trá chỉ vì vừa nghĩ ra một cách "chơi" lại cho bõ tức. Bà Tám nghe đau nhói ở tim. Ngay con cháu bà cũng đối xử với cha ông lạnh lùng đến vậy ư? Móc người chết ra, tội nghiệp cho ông biết chừng nào. Bà Tám bước ra:
- Tụi bây khỏi móc ông nội ra, đó là cỗ hậu sự của tao, không ai được giành cả.
Đám đông im phăng phắc. Lát sau con cháu bà mới thở ra, đưa mắt nhìn nhau… Có điều lạ, trước nay bà Tám rất sợ chết. Hình như bà sợ mình không kịp đón nhận một cái gì đó mơ hồ, linh thiêng, nhưng gần gũi… Vậy mà trưa hôm đó bà đã chết. Không một ai biết vì sao bà chết đột ngột như thế. Người ta vẫn cho là vì đã mua dư một chiếc hòm.