Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Thiên Nhãn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10408 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thiên Nhãn
Nguyễn Trường

QUÊ HƯƠNG

Mỗi lần về quê, Trung lại bước những bước lâng lâng, từng tấc đất quê hương chứa đựng biết bao kỷ niệm và nỗi nhớ, nhất là những ngày ở chiến trường, anh chỉ ước ao được thấy lại quê hương và những người thân quen. Đi vào chỗ, chỉ riêng bị sốt rét mà chết, đơn vị Trung đã vơi đi quá nửa. Được trở về lúc đó, với Trung chỉ là tia hy vọng mong manh. Có lúc mắc võng ở một bên cánh rừng, sau giờ nghỉ ngơi yên tĩnh, nhìn sang trảng cỏ bên cạnh, những vạt rừng xanh tươi, gió đung đưa, một đôi cánh chim trắng chấp chới trong ánh nắng chiều vàng rợi, anh thấy sao giống những lùm cây và buổi chiều nào đó của quê mình. Đi qua con sông nước cuồn cuộn chảy, những chiếc xoáy khổng lồ sẵn sàng nhấn chìm bất cứ con thuyền nào trôi vào đấy, Trung lại nhớ đến vực Chế ở quê mình, chiếc vực cũng hùng vĩ không kém. Cánh đi bè qua đấy thường dừng lại cả tuần cuốn bè, quẳng xôi gà xuống cúng Hà Bá rồi mới dám vượt qua. Và những cô gái của quê hương có đôi mắt trong như da trời mùa thu, tiếng nói thánh thót, êm dịu như tiếng suối, tiếng đàn của núi rừng Tây Nguyên. Những ấn tượng đó đã đi vào tiềm thức của Trung.
Vượt qua con dốc cao, Trung dừng lại. Kia là cây đa đầu làng, cây đa to đến nỗi đội thiếu niên của xã đã từng hạ ba cái trại mới giáp vòng được gốc cây. Cành vươn lên cao vút. Chim chóc tha hồ làm tổ trên đó, nó vượt qua tất cả tầm súng cao su của bọn trẻ. Phía đầu làng, con sông Mã uốn khúc chạy quanh co ven các làng Yên Lược, Yên Sở, rồi đổ ra cửa Lạch Trường. Một đôi cánh buồm nâu điểm xuyết trên nền trắng bạc màu nước, vẻ như con thuyền đang đứng yên trong bức tranh sơn thuỷ.
Trung về đến đầu làng, bờ sông có bãi cát vàng thoai thoải. Những buổi chiều sau khi cho trâu ăn cỏ no căng, bọn trẻ con cùng lứa với Trung lại đánh trâu xuống tắm, lũ trẻ cởi phăng quần áo chạy xuống nước, té nhau, ngụp lặn, la hét vang cả một khúc sông, làm cho mấy cô gái đang tắm ở bến Hàn, cách đó một quãng, trên đầu nguồn nước giật mình ngẩng đầu lên mắng yêu chúng một vài tiếng, rồi rúc rích nhìn nhau cười. Mùi xà phòng thơm của các cô các chị bay ngan ngát khắp bến tắm, thơm cả vào giấc mơ của Trung lúc cậu còn ở nhà và cả ở trong rừng Trường Sơn xa ngái.
Bây giờ đang là mùa thu, dòng sông Mã trong đến không biết là nước hay mây trời. Mùa thu mát lạnh nên bến không có người tắm, vắng đến nao nao. Trung rùng mình, cái cảm giác ớn lạnh của trận sốt thập tử nhất sinh năm nào như ập về. Hồi ấy, sau khi tắm thoả thuê, Trung bỏ lũ trẻ lên mặc quần áo trước. Một cục bùn từ dưới bến bay vút lên trúng vào lưng cậu, một tràng cười vang của lũ trẻ. Trung biết đó là trò đùa của thằng Tư, cùng tuổi với Trung, hắn to khoẻ như một đô vật. Trung đành phải chạy xuống tắm lại. Vừa bước lên, lại một nắm bùn nữa văng tung toé khắp đầu cổ Trung. Cứ như thế, chừng Tư tắm đã mới cho Trung lên bờ mặc quần áo. Bữa đó Trung về bị cảm lạnh, sốt li bì cả tuần lễ. Nỗi sợ ấy còn ám ảnh Trung cho đến ngày anh là đồng đội của Tư… Mới đó đã mấy chục năm. Bây giờ trở về quê hương chỉ còn một mình Trung. Trái tim anh chợt buồn tê tái.

*
* *

Lần nào về quê Trung cũng ghé thăm nhà bác Sáu, cha của Tư. Nhà ông Sáu nằm ở đầu làng, một căn nhà đơn sơ, mái ngói cũ kỹ, khoảng sân đất rêu xanh, hình như rất ít người lại qua. Bao giờ cũng vậy, bước chân đến ngõ là Trung kêu toáng lên.
- Bác Sáu ơi, bác Sáu!
Thường là bà Sáu ở trong bếp chạy ra, bà lột tấm khăn trên đầu xuống lau đôi mắt kèm nhèm rồi cười rạng rỡ:
- Thằng Trung mới về hả. Vào uống nước đi cháu.
Bà đưa anh vào nhà, loay hoay pha trà và hỏi anh luôn miệng. Lúc anh vào bà vui, nhưng đến lúc Trung ra về bà lại khóc.
Nhìn Trung bà càng nhớ đến Tư. Hai đứa cũng sinh một tháng, cùng đi bộ đội một ngày. Trung trở về còn thằng Tư con bà thì…
Lần này Trung gọi mãi mới thấy bà Sáu bước ra. Trông thấy anh, bà oà khóc:
- Cháu nói dối bác. Thằng Tư hy sinh rồi. Thế mà từ ấy đến nay không nói thật cho bác.
Trung bàng hoàng. Làm sao có thể như thế được? Nhìn bà Sáu tóc bạc trắng, đôi mắt kèm nhèm càng mờ hơn, lòng anh trào lên nỗi xót thương. Anh ngẩng lên, trên tường treo tấm bằng Tổ quốc ghi công còn mới nguyên ghi rõ "liệt sĩ Nguyễn Văn Tư".
- Người ta báo tử rồi?
Thay cho câu trả lời Trung, bà sáu càng khóc to hơn. Đôi vai gầy rung rung, cái khăn trùm đầu lau không biết bao nhiêu nước mắt. Ông Sáu mất cách đây một năm. Trung về đúng lúc ông già đang ở những ngày tàn lụi cuối cùng. Trước khi nhắm mắt, ông thều thào nói với anh: "Đi tìm thằng Tư về, để mẹ nó…" Trung oà khóc nắm chặt lấy bàn tay ông, bàn tay đã trở nên lạnh giá. Bao nhiêu năm chờ con về, chờ trong vô vọng. Hai ông bà chỉ còn chiếc phao cầu cứu là chút niềm hy vọng ở những tin tức nơi Trung. Song sự thật còn phũ phàng hơn cả sự dối trá. Anh không thể…

 *
* *

Giải phóng được ba tháng, đơn vị Trung bắt đầu giải quyết cho anh em chiến sĩ về phép thăm gia đình. Lẽ ra Tư cùng đi một đợt với Trung, nhưng lại nhường đợt phép này cho người khác. Sau này Trung mới hiều vì sao Tư lại làm như thế. Lúc trả phép, Trung hồn nhiên kể về quê hương cho Tư nghe. Ngày trở về bà con đến thăm Trung thường hỏi vô miền Nam có mang được cái gì về không. Ô hay, Trung đi đánh giặc, thắng giặc trở về là vinh dự rồi còn mang cái gì về nữa. Đến người thứ năm hỏi anh như thế, Trung nổi cáu "Tôi mang chiến công về". Người ta cười ồ. Thằng Kiện đi bộ đội sau Trung, mang chiếc Honda về chạy mù khói khắp làng, dân làng cho như thế là oai lắm. Nhưng Trung không buồn, anh càng thấy thương người nông dân quê anh. Cũng tại người ta khổ quá. Suốt ngày ngoài đồng, tối về thắp ngọn đèn dầu leo lét, cơm xong tắt đèn đi ngủ cho đỡ tốn dầu. Làm gì có sách báo phim ảnh để nâng cao đời sống tinh thần. Trung sống trong tình thương yêu của gia đình. Trung mang được người về, với mẹ, là quí nhất trên đời. Bà như hồi xuân trở lại. Vừa thổi cơm mẹ vừa nói:
- Con Trọng nó vẫn hỏi thăm con đấy.
- Cô Trọng hả mẹ, cô ấy đã…
- Chưa. Nó đang là kỹ sư chăn nuôi của xã. Con bé tốt nết đáo để. Bao nhiêu đám ngấp nghé rồi đấy.
Trọng ư? Cái cô bé tóc ngang vai ngày nào vẫn nhờ xe anh đến trường đi học. Rồi lần anh lao xe xuống dốc làm cô bé sợ hãi ôm chặt lấy anh. Lần đầu tiên anh nóng ran người khi cảm nhận được từ phía sau lưng khuôn ngực mềm mại ấm áp của một cô gái áp sát vào anh, bé bỏng và tin cậy. Anh như bay lơ lửng.Ý thức về mình là một thằng con trai thức dậy. Giá như không có chiến tranh chắc ngày đó anh và Trọng đã... Anh hồi hộp khi nghĩ tới phút giây gặp Trọng, gặp lại bạn bè thuở ấu thơ với bao kỷ niệm êm đềm...

*
* *

Hồi mới nhập ngũ, cánh lính trẻ chẳng ai muốn nhận chức anh nuôi, suốt ngày làm bạn với nồi niêu, soong chảo, gặp các em thì ngượng lắm, nhưng Tư lại xung phong. Lúc đơn vị hành quân dọc Trường Sơn, gặp đồng bào Thượng, bộ đội thường mang quân trang và vật kỷ niệm ra đổi lấy thực phẩm hoa quả. Riêng Tư, anh ta có sẵn đá lửa, mì chính - dĩ nhiên là ăn bớt của đơn vị - để đổi lấy quế, cất kỹ dưới đáy ba lô.
Một lần có ông già da đỏ au, ngậm chiếc tẩu to sụ đi cùng với ba người đàn bà đều ở trần, cặp vú to sề sệ, chiếc váy màu sắc sặc sỡ, đến gặp bộ đội, ông già nói giọng người kinh lơ lớ:
- Bộ đội có ảnh cụ Hồ, cho đồng bào...
Các chiến sĩ dáo dác hỏi nhau, nhưng đi chiến trường mấy ai mang theo ảnh Bác Hồ. Trung chợt nhớ ra, trong cuốn sổ tay của mình in ảnh Bác, anh xé ra trao tận tay cụ:
- Chúng con có ảnh Cụ Hồ đây, biếu đồng bào...
Mắt ông già và những người đàn bà đều sáng lên, cùng reo bằng thứ tiếng dân tộc họ. Rồi một chị có cập vú cân đối mang hai con gà trống nặng đến ba bốn cân trao tận tay Trung:
- Đồng bào tặng bộ đội.
Trung từ chối thế nào cũng không được. Hôm ấy trung đội được bữa " ấm chân răng". Hôm sau Tư một mình lặng lẽ vào bản, hắn lấy ảnh các diễn viên điện ảnh, đổi được khá nhiều quế. Trung biết chuyện ngạc nhiên hỏi: "Cậu không đổi gà cho đơn vị ăn lấy sức hành quân mà đổi quế làm gì? Tư cười: "Đúng là nhà thơ mơ mộng, xuống đến đồng bằng quế có giá như vàng hiểu chưa? " "Đi đánh giặc biết sống chết lúc nào mà cậu lo tích trữ làm giàu". Tư cười to hơn: "Ai sống cũng có mục đích, như cậu lấy thơ ca làm mục đích vậy". Bây giờ, nghe Tư nói thế, Trung chợt hiểu ra và hỏi hắn: "Thế ba lô quế của cậu đâu". Mặt Tư đượm buồn: "Mất ở hậu cứ rồi". Hồi đơn vị Trung đánh đồn Cả Cái, các chiến sĩ mang theo súng đạn, bông băng, còn ba lô quân trang để cả ở hậu cứ. Đánh đồn thắng lợi trở về thì hậu cứ bị bom tan tành. Ba lô quế và cả những của chìm của nổi bao nhiêu năm Tư tích cóp bay đâu mất. Ngày ấy Trung thấy Tư khóc, người ngơ ngẩn một thời gian, "Mình phải làm lại từ đầu". Tư ít nói, nhưng nói cứ như đinh đóng cột. Sau này Trung mới biết kế hoạch "làm lại từ đầu" của bạn…

 *
* *

Đơn vị Tư đóng quân bên con sông Tiền Giang, lúc nào cũng tấp nập thuyền ghe. Ghe thương hồ, như một cái tiệm tạp hoá di động thường ghé vào đơn vị Tư đóng quân bán thực phẩm và những thứ lặt vặt khác cho bộ đội. Tư gặp một người đàn bà bơi chiếc ghe nhỏ, trên ghe có đứa con gái lên năm. Chị hơi gầy và đen, mũi hếch, quyền cao hơn mũi, miệng lại rộng, hàm răng "chín sáu ba không". Đó là một người đàn bà tẻ nhạt, chẳng có gì hấp dẫn người khác phái. Nhưng với Tư lại khác. Tư không nhìn nhan sắc của chị ta mà nhìn vào sợi dây chuyền vàng nặng trịch dễ đến năm chỉ, làm cho cái cổ đã ngắn lại đen như càng ngắn và đen hơn. Bàn tay cáu bẩn thật không xứng với hai chiếc nhẫn vàng. Những thứ đó hấp dẫn Tư làm anh thấy chị rất có duyên. Sau khi mua mắm xong, lúc trả tiền, Tư mở lời:
- Chị bơi thuyền một mình không thấy mỏi sao? Ảnh đâu?
Người đàn bà nhìn nhanh qua người Tư. Một người to khoẻ, tấm lưng rộng như cánh phản và đôi tay rắn chắc như làm bằng thép, có chèo thuyền cả trăm cây số cũng không biết mỏi. Và chị cười lúng liếng đáp lại lời Tư:
- Thuyền chỉ có mình "ên" thôi...
Hai người hợp ý nhau nên câu chuyện cứ kéo dài đến bất tận. Hôm sau có người nhìn thấy Tư bước xuống thuyền của người đàn bà xuôi dòng nước bồng bềnh trôi ra sông Tiền mênh mông
Hồi ấy được tin Tư mất tích đơn vị cử người đi tìm và chính Trung hỏi thăm về tận quê hương người đàn bà bán mắm. Nhưng nhà cửa chỉ là nơi tạm bợ, chủ ghe thương hồ hầu như quanh năm suốt tháng sống bồng bềnh nay đây mai đó theo chuyến hàng mà họ bán buôn. Miền Tây Nam Bộ và Đồng Tháp Mười kênh rạch như bàn cờ, biết tìm Tư nơi đâu?

*
* *

Chôn cất ông Sáu xong, Trung xin nghỉ phép năm làm một chuyến vào miền Nam tìm bạn. Trung đến thành phố Hồ Chí Minh rồi mua vé xe vào huyện Hồng Ngự và đáp một chuyến đò máy nữa vô sâu trong Đồng Tháp Mười, quê hương của người đàn bà buôn mắm. Là cứ đi cầu may, hy vọng gặp Tư rất mong manh như một làn khói thuốc. Lần này, chiếc ghe thương hồ của vợ chồng Tư đang đậu ở bến sông ở trước nhà. Trung mừng thầm, mình gặp may chăng?
Ngôi nhà vợ chồng Tư cất trên bờ kinh, lợp bằng lá dừa nước, vách cũng bằng lá dừa nước, cột kèo là những cây tràm cong queo. Mái đã rách nát, từng luồng sáng dọi xuống lốm đốm trên nền nhà, giường chiếu.
Vợ Tư già đi nhiều, gầy và đen hơn ngày Trung gặp chị ghé thuyền vào bến sông đơn vị anh năm xưa. Ba đứa con của Tư, hai trai một gái cũng giống mẹ, đen nhẻm và ốm tong teo. Gia đình này đang có chuyện buồn? Vừa bước vào nhà là Trung cảm được điều đó. Anh tế nhị vòng vo tam quốc một hồi, rồi cũng dẫn vào chuyện chính lúc nào không biết.

*
* *

- "Ai mua mắm không... Mắm cá lóc, mắm cá thác lác đây..." Chín giờ rồi, người dân dọc kinh Ma – Ren còn nghe tiếng rao lơ lớ giọng Nam lẫn Bắc cất lên, kéo dài mênh mông. Bà con đã quen với tiếng rao ấy, họ bảo nhau: "Anh Tư Bắc Kỳ đó, thiệt là chịu khó" giờ này người ta thường ngồi xem vô tuyến ít ai để ý đến cá mắm. Trong ghe, tiếng người đàn bà:
- Thôi nghỉ đi anh. Khuya rồi.
Người đàn ông hướng thuyền ghé vào gầm một ngôi nhà sàn, lục cục cột ghe vào cọc rồi chui vào khoang. Người đàn bà đưa cho chồng tấm khăn. Anh chồng lau qua khuôn mặt đầm đìa mồ hôi rồi giơ ngón tay đeo chiếc nhẫn vàng ra trước ngọn đèn ngắm nghía:
- Đẹp quá! Vàng Kim Thành bốn số chín, là hạng nhất. Tiệm vàng này bao giờ cũng cao hơn các tiệm khác hai chục ngàn, nhưng uy tín.
Vợ Tư nhăn nhó:
- Anh mê vàng như đàn bà mê nữ trang, khéo lại cái mất. Tư cười cố tháo chiếc nhẫn khá chặt ở ngón tay út:
- Phải cất đi, đeo mãi sợ nó mòn mất, bán lỗ chết.
Tiếng con gái lớn của Tư:
- Ba ơi, cho chúng con lên coi ti vi đi ba.
Tư vừa lục cục mở rương vừa gắt:
- Ti vi gì, ở nhà, mà mấy đứa ngủ đi.
Vợ Tư bàn:
- Anh ạ, hay là mai mình về quê, cho mấy đứa nó đi học. Chúng nó quá tuổi nhiều rồi.
- Học hành gì tốn tiền. Rồi ai coi chúng cho mình đi buôn. Thời bây giờ cứ có tiền là có tất cả. Chữ nghĩa mà làm gì.
Vừa nói Tư vừa mở chiếc khăn mùi xoa gói hơn chục chỉ vàng ra ngắm nghía, say sưa như người ta chiêm ngưỡng bức tranh nghệ thuật. Vợ Tư thở dài, tính của Tư cực đoan, đã nói là làm, vợ con cấm cãi. Được cái anh không rượu chè, trai gái. Cả đời tích góp làm giàu, không dám ăn tiêu, không mua một cái gì kể cả cái đài bán dẫn vài chục ngàn đồng. Hình như anh dị ứng với văn chương, với thời sự, nghệ thuật. Nhiều người nói với chị, có được anh chồng chí thú làm ăn là nhất rồi. Chả bù chồng nhà người ta, suốt ngày cờ bạc làm đồng nào lại nhậu nhẹt hết, về còn đánh vợ, chửi con. Chị ngẫm nghĩ người ta nói cũng có phần đúng. Như chị chẳng phải học ngày nào, vẫn có sao đâu.
Lúc đã nằm trong tay chồng, thiu thiu ngủ, chị bỗng nghe thấy tiếng băng nhạc vọng xuống "Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người". Chị chợt nhìn sang chồng. Anh đang ngủ say. Tiếng gáy ò ò đều đặn. Lấy nhau cả chục năm trời vậy mà chị chưa một lần bước tới quê anh làm lễ ra mắt bố mẹ chồng:
- Này anh, anh có nghe bài hát quê hương không?
Bị đánh thức bởi câu hỏi: "ngớ ngẩn" của vợ Tư càu nhàu: "Quê hương hở, bao giờ được mười cây vàng thì về". Chị thắc mắc "Chúng ta làm mười năm rồi mới có được một cây. Một trăm năm nữa mới được mười cây, lúc đó có còn sống không mà về". Bỗng Tư choàng tỉnh hẳn, ngồi dậy và cả đêm đó thao thức mãi. Sáng ra chị thấy mặt anh dại đi, đôi mắt thâm quầng, con ngươi đỏ nọc. Anh khóc chăng? Không, từ ngày làm bạn với anh, chưa bao giờ chị thấy anh khóc, dù là gặp hoàn cảnh đau thương nhất. Và chị giật mình nhận thấy, mới có một đêm thức trắng, tóc anh đã bạc đi quá nửa. Anh nói với chị:
- Em và con ở đây, anh phải đi Long Xuyên một bữa. Mai anh về.
Chị linh cảm ở anh có cái gì hệ trọng. Hình như anh muốn nói với chị điều gì nhưng lại thôi. Tính anh lầm lì chị cũng quen rồi, không hỏi han nhiều. Ngày anh đi chị nóng lòng, cứ vào ra không yên. Ngày hôm sau, cũng không thấy anh trở lại, hai ngày tiếp theo anh cũng bặt tin. Chị và các con cứ ngóng ra con đường trước cánh đồng tìm hình bóng anh.
Người đàn bà thở dài nhìn ra ngoài bờ kênh, Trung cũng dõi mắt nhìn theo chị. Phía đó, Đồng Tháp mênh mông, nắng chói mắt bốc hơi nước láng nháng, một cơn gió xoáy cuốn bụi lên thành một chiếc vòi chạy ra xa tít.
- Hôm ấy anh trở về dẫn theo chiếc xe đạp, sau xe là một thùng kem to tướng. Anh rung chuông leng keng và cười khi thấy mẹ con em:
- Kà rem đây, cà rem sầu riêng Châu Đốc đây!
Em phì cười vì từ cách ăn mặc cho đến điệu bộ của anh giống một ông lão bán kem quá. Còn mấy đứa con reo ầm cả lên:
- Ba bán kem! Ba bán kem! Cho con ăn với.
Anh nghiêm nét mặt
- Ai ăn kem phải trả tiền.
Hai đứa bé ngơ ngác. Anh phì cười mở nắp thùng kem trao tận tay đứa con mỗi đứa hai cây kem đang bốc hơi nghi ngút.
Sau này em mới hiểu vì sao anh đổi sang nghề bán kem. Anh thấy cứ buôn mắm mãi thì rất khó làm giàu nhanh được. Chỉ còn cách đi buôn lậu. Anh lên biên giới Việt - Miên mua thuốc lá ba số năm, mang về Sài Gòn bán, lời một gấp rưỡi. Nhưng đường từ biên giới về phải qua ba trạm kiểm soát rất gắt gao. Có người bỏ thuốc lá trong bụng giả làm bà chửa, có người nẹp thuốc lá vào bắp chân, bỏ trong cốp xe gắn máy vv... . Tất cả các mánh khoé đều bị phát hiện. Anh đã nghĩ ra cách đặt làm một thùng kem bốn cạnh rỗng để gắn xốp giải nhiệt cho kem khỏi chảy, đút được bốn cây thuốc. Một thùng kem anh giấu được mười sáu cây. Anh giả bộ mua kem bỏ đầy thùng, vừa đạp qua trạm gác vừa rung chuông leng keng: "Kem sầu riêng Châu Đốc đây". Những người ở trạm kiểm soát nghi ngờ tất cả mọi người qua trạm.
Thùng kem to thế kia chắc chắn là mục tiêu chú ý của những người kiểm soát. Họ vẫy anh vào:
- Bán kem, vào đây.
Người kiểm soát viên lấy cây que chọc từ trên thùng kem xuống tận đáy rồi rút ra ướm lên bên ngoài thùng. Chiếc que chỉ đúng chiều cao của thùng, như thế thùng chỉ toàn là kem, không phải loại thùng hai đáy.
Người kiểm soát viên gật đầu:
- Được rồi đi đi.
Anh thoát qua các trạm kiểm soát một cách đàng hoàng như thế. Mỗi chuyến, anh kiếm được cả trăm ngàn đồng lãi. Sau buổi giao hàng xong, anh để riêng số tiền lời sang một cặp, vuốt ve nó, âu yếm như người con trai vuốt ve mái tóc của người con gái mới chớm yêu.
Đi đêm có ngày gặp ma. Bữa đó, anh bị cơ sở báo. Trạm kiểm soát đầu cầu kiểm tra anh rất kỹ, không thấy gì, đã cho anh đi. Anh thở phào nhảy lên xe, mới đạp được vài thước lại nghe tiếng còi rú lên. Lần này là người trạm trưởng to béo vẫy anh trở lại. Đúng là một ông quan "mặt sắt đen sì", ông ta cũng thọc que vào thùng kem, lẩm bẩm: "quái lạ, không tin được". Ông gõ que vào bốn cạnh thùng kem. Tim anh thót lại. Anh toát mồ hôi trán "Thôi rồi, gặp lão này là chết rồi". Quả nhiên ông trạm trưởng ra lệnh:
- Tháo thùng kem xuống!
Anh Tư cố lấy giọng cứng cỏi:
- Chỉ có kem thôi. Ông cho con đi kẻo trễ.
- Tôi biết trong thùng kem của anh có cái gì rồi. Tháo xuống mau.
Nói rồi ông ta tự tay gỡ nhanh dây ràng thùng kem, lật sấp thùng kem xuống. Ông ta nhìn thấy "cánh cửa" để anh đút thuốc lá lậu. Mặt anh tái mét. Anh ôm lấy chân ông trạm trưởng kêu lên:
- Ông tha cho con. Con trót dại.
Ông trạm trưởng mặt bừng bừng tức giận:
- Tinh vi thật! Tinh vi thật… Đừng hòng qua được tai mắt của nhân dân…
Anh lao vào ông trạm trưởng như một con hổ, anh đấm đá túi bụi, miệng hét điên loạn:
- Trả thuốc lại cho tôi. Trời ơi, toàn bộ vốn liếng của tôi.
Những người lính của ông xông đến. Họ áp vào vật sấp anh xuống và còng tay anh, nhốt vào một căn phòng kín mít. Mặc cho anh vùng vẫy gào thét, đến khản đặc, đôi bàn tay bật máu. Lúc người ta mở cửa xem thì thấy anh ngất xỉu. Họ vội chở anh đến bệnh viện. Anh tỉnh dậy, trở nên ngơ ngơ ngác ngác… Điều trị đã lâu mà anh vẫn không bình phục.

*
* *

Trung vào nhà thương dành cho những người tâm thần tìm Tư. Bây giờ Tư chỉ còn là cái xác không hồn. Mắt anh nhìn xoáy vào hư vô. Nhà thương dành riêng cho anh một góc và anh thơ thẩn với cái góc của mình, hiền lành như một đứa trẻ, đôi khi lại vừa khóc vừa cười. Tư không còn nhận ra Trung nữa.
Trung lên đường trở về với một khoảng trống không cứu vãn nổi, như một mảnh quê hương anh đã đánh rơi ở một nơi nào đó.
Bây giờ đứng trước bàn thờ và bằng tổ quốc ghi công của Tư, Trung lại thấy nghèn nghẹn ở cổ. Có nên nói sự thật cho mẹ Tư nghe không? Thôi, bà đã già yếu quá rồi, đừng để bà phải nhận thêm một nỗi đau nữa. Rưng rưng, anh cũng đốt ba cây nhang cắm lên bàn thờ, dưới tấm ảnh đã ngả màu ố vàng của Tư.
Một con bướm từ ngoài vườn lọt qua song cửa sổ bay chấp chới theo chiều uốn lượn của những vòng khói hương đang lan tỏa. Mẹ Tư thì thầm:
- Thằng Tư về đó. Tư ơi, có linh thiêng con hãy xuống đây với mẹ đi con!
Con bướm vàng rập rờn trên mái tóc bạc phơ của bà Sáu rồi nhẹ nhàng đậu trên vai bà.
Ngoài kia, nơi cuối thôn, chuông nhà thờ đổ một hồi dài. Xóm làng tĩnh lặng, tiếng chuông ngân vang rất xa.

Ngày 29-12-1995

<< BI KỊCH CỦA CON NGƯỜI | NGƯỜI CỦA HÔM QUA >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 734

Return to top