Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Tìm trong nỗi nhớ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 16314 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tìm trong nỗi nhớ
Lê Ngọc Mai

Chương 10

Lan Chi không sao gạt được khỏi đầu mình những ý nghĩ về Kiên kể từ hôm đặt chân đến Berlin. Mặc dù cô ra sức tự khẳng định với mình rằng mục đích chính của chuyến đi này chỉ là thăm gia đình cậu em trai, có “chuyện gì khác” thì cũng chỉ là nhân thể, thế nhưng ngay từ đêm đầu tiên ở đây, trằn trọc khó ngủ vì cảm giác lạ nhà, trong đầu cô chốc chốc lại lởn vởn một câu hỏi: ”Không biết giờ này Kiên đã ở Berlin chưa nhỉ?”
Cũng khó mà không nghĩ về cái “chuyện gì khác” ấy, khi biết rằng rất có thể hiện giờ Kiên đã ở đây, trong chính thành phố này, cùng hít thở bầu không khí này, cùng ngắm vòm trời đầy sao này bên ngoài cửa sổ... Và rất có thể sáng mai, một hồi chuông cửa sẽ vang lên, cô sẽ ra mở cửa và sẽ thấy trước mắt mình là một bông hồng nhung đỏ thắm.
Bắt quả tang mình đang mơ mộng vẩn vơ như vậy, tự nhiên Lan Chi thấy hơi xấu hổ, cô tự mắng mình là “cải lương” rồi tự dội cho mình một gáo nước lạnh: “Vớ vẩn thật! Chắc gì cái tin mà Tài “ủng” tung ra đã đúng. Tin ai chả tin, lại đi tin cái mồm dẻo như kẹo kéo ấy. Vả lại, nếu Kiên có mặt ở Berlin thời điểm này thật thì cũng chắc gì anh ấy đã biết là mình đang ở đây. Mà nếu anh ấy biết mình đang ở đây thì cũng chắc gì anh ấy đã muốn tìm gặp mình. Mỗi người một phận rồi, còn hoa cúc hoa hồng gì nữa!”
Tự trấn áp mình như vậy cho lương tâm yên ổn thôi, chứ thực ra Lan Chi cũng biết rằng những mơ mộng của cô không hẳn là không có cơ sở. Ngay từ khi mới dự kiến chuyến đi này, cô đã nhẩm tính rất nhanh rằng nếu Kiên đến Berlin thì thể nào anh cũng phải đến chỗ Sơn, ông bạn thân của anh ở thành phố này. Sơn thì hàng ngày đều gặp Duy ở chỗ làm việc, nhất định phải biết chuyện Lan Chi từ Pháp sang thăm em trai. Chẳng có lý do gì mà Sơn lại không nhanh nhảu truyền ngay cái tin ấy cho Kiên để làm quà. Diễn biến tiếp theo thế nào thì... hạ hồi phân giải.
“Hạ hồi” không diễn ra nhanh chóng lắm: ngày hôm sau, lại ngày hôm sau, rồi thêm ngày hôm sau nữa, vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Nhưng Lan Chi cũng không có thời gian để bận tâm nhiều đến chuyện đó: vừa mới sang Đức được vài hôm, cô còn đang rối rít tít mù với con, với cháu, với em trai em dâu. Ban ngày thì cùng em dâu dắt một bầy năm đứa vừa con vừa cháu đi chơi. Tối đến thì hàn huyên với em trai, đủ thứ chuyện trên trời dưới biển của mấy năm xa cách. Hai chị em vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại và e-mail, nhưng với lối trao đổi ngắn gọn này thì có nhiều chuyện dài dòng chẳng tiện nói ra, bây giờ gặp nhau mới là lúc dốc bầu tâm sự.
“Bầu tâm sự” của Duy chủ yếu là những chuyện liên quan đến Thu Uyên (vợ Duy). Lúc vừa mới bước vào nhà, Lan Chi đã hơi sửng sốt khi nhìn thấy vẻ mặt mệt mỏi, buồn bã của em dâu. Chẳng còn gì giống cô gái tươi roi rói, mắt long lanh hạnh phúc mà Lan Chi gặp lần đầu trong lễ cưới của em trai cách đây dăm năm nữa. Ở thêm vài hôm thì lại chứng kiến thêm nhiều chuyện lạ: thỉnh thoảng, lại thấy cô em dâu thắp hương xì xụp khấn vái thần thánh gì đó với một vẻ hết sức thiết tha trước cái bàn thờ nhỏ kê ở góc phòng. Rồi đến bữa ăn, sau khi đã trổ tài xào nấu đủ món thơm điếc mũi để thết chị chồng xong, ngồi vào bàn, Thu Uyên lại dọn riêng ra cho mình một đĩa rau luộc và bảo: “Cả nhà cứ ăn ngon miệng nhé. Hôm nay em ăn chay.” Lan Chi ngạc nhiên đưa mắt nhìn Duy, nhưng cậu em trai ra hiệu cho cô cứ ăn đi, đừng bận tâm đến chuyện đó, cho nên cô đành giả bộ toàn tâm toàn ý tập trung vào bữa ăn, nhưng trong lòng thì cứ thắc mắc mãi không yên. Đợi lúc chỉ còn hai chị em ngồi lại với nhau, Lan Chi hỏi ngay: “Này, sao tự nhiên Thu Uyên lại cúng vái ăn chay thế nhỉ? Cái này là từ trước hay mới đây thôi? Vợ chồng em có chuyện gì trục trặc không đấy?” Duy thở dài: “Mới gần đây thôi. Bọn em thì chẳng có chuyện gì. Có chuyện là chuyện gia đình Uyên ở Hà Nội ấy chứ.”
Gia đình Thu Uyên ở Hà Nội mấy năm nay không hiểu sao cứ bị vận hạn trút xuống đầu tới tấp. Đầu tiên là việc cậu em rể của cô chả rõ làm ăn thế nào mà tự dưng vỡ nợ. Chuyện hết sức mù mờ, Duy không hiểu nổi vì ngay cả Thu Uyên cũng chẳng hiểu gì mấy. Chỉ biết rằng cậu em rể này mấy năm trước thì làm ăn vô cùng phát đạt, tiền của thu về như nước (cũng chẳng rõ bằng cách nào), nhà xây cao ngất ngưởng, cô vợ (em gái của Thu Uyên) vốn là giáo viên cấp hai thì đẻ con xong bèn bỏ việc luôn, chỉ ở nhà ôm con, quản lý ôsin và đi “shopping” để tiêu tiền cho bớt nặng túi. Nhưng tiền đến nhanh nhẹn như thế nào thì tiền đi cũng chóng vánh như vậy.
Trong lúc Thu Uyên còn đang hết sức ngưỡng mộ tài làm kinh tế của cậu em rể, thỉnh thoảng vẫn đem ra để treo gương sáng cho chồng mình noi theo, thì tự nhiên cô nhận được lá thư kêu cứu của mẹ gửi từ Hà Nội. Trong thư, mẹ Thu Uyên cho biết rằng công việc làm ăn của Tùng, em rể cô, đã bị đổ bể, do cậu ta vừa bị lừa trong một phi vụ làm ăn lớn ( hay là chính cậu ta đi lừa người khác rồi bị phát giác - điều này chỉ là nghi vấn thôi chứ vợ chồng Duy không xác định được, vì mẹ Thu Uyên nói hết sức lấp lửng). Chỉ có điều chắc chắn là cái nhà cao ngất ngưởng đã bị tịch thu, Tùng nợ ngập cổ đang đợi ngày ra tòa, và Trâm (em gái Thu Uyên) thì dọa rằng nếu chồng phải đi tù thì cô sẽ tự tử. Mẹ của Thu Uyên viết bằng một giọng vừa ra lệnh vừa van xin, giục vợ chồng cô gửi tiền về để cứu em, chứ chẳng lẽ anh chị sống sung sướng mà nỡ để gia đình em nó tan nát, con Trâm nó có làm sao thì mẹ cũng chẳng thiết sống làm gì. Đọc thư, Thu Uyên hoảng loạn tâm thần, cuống cuồng bắt chồng vét hết sạch số tiền dành dụm trong nhà băng ( tích cóp nhằm mục đích mua nhà ) để gửi về trả nợ cho em rể. Ai ngờ, anh chị kiếm tiền ở tây không giỏi bằng cậu em rể tiêu tiền ở nhà. Hy vọng mua nhà của vợ chồng Duy vỡ tan như bong bóng xà phòng mà vẫn không cứu được Tùng khỏi cái cảnh vào nhà đá ngồi bóc lịch.
Em gái của Thu Uyên không tự tử nhưng khóc lóc ôm con về ở với bố mẹ, việc làm chưa có, tiền cũng không. Gia đình tự nhiên lâm vào cảnh cùng quẫn: bố mẹ Thu Uyên xưa nay vốn không có nguồn thu nhập nào khác ngoài lương hưu và trợ cấp của con, cả con phát đạt trong nước lẫn con kéo cày ở nước ngoài. Nay không những đã mất đi một nguồn quan trọng, mà lại phải gánh thêm con gái và cháu ngoại tay trắng về ăn bám. Tất nhiên, sức các cụ thì tự thân vận động hãy còn mệt, làm sao gánh nổi ai. Lại phải trông chờ vào con gái con rể ở Đức thôi.
Vợ chồng Duy nhận thêm trách nhiệm chu cấp cho một gia đình bốn miệng ăn ở Hà Nội đúng vào thời điểm Thu Uyên vừa mới sinh đứa con thứ hai. Lúc trước, cô vốn đã chỉ có chỗ làm việc nhì nhằng, thu nhập không đáng kể, nên khi có thêm bé thứ hai, vợ chồng Duy tính toán thấy Thu Uyên đi làm chẳng bõ tiền thuê người trông con, nên bèn quyết định để cô thôi việc, ít nhất là vài năm khi con còn nhỏ. Nhân khẩu tăng, tiền không những không nở ra mà còn teo lại, vốn liếng trong nhà băng thì đã vét sạch cả rồi, đương nhiên vợ chồng Duy không có đủ khả năng để trợ cấp cho gia đình Thu Uyên ở Hà Nội với mức độ như mong muốn. Những lá thư nhà bắt đầu bay sang tới tấp, mỗi lá thư có ít nhất một câu chuyện đau lòng về cuộc sống của gia đình Thu Uyên ở Hà Nội, kèm theo dăm câu ám chỉ bóng gió đến những kẻ bội bạc, ích kỷ, chỉ biết sướng cái thân mình ở nước ngoài mà chẳng thiết gì đến những người ruột thịt ở quê hương. Mỗi lần đi làm về, chỉ cần nhìn thấy mắt vợ đỏ mọng lên là Duy biết ngay rằng vừa mới có thư từ Hà Nội gửi đến.
Tai họa chưa dừng lại ở đó. Cách đây hơn nửa năm, bố Thu Uyên đột nhiên bị tai biến mạch máu não, cả nhà đã có lúc tưởng cụ không qua khỏi, may được Giời Phật phù hộ nên cụ thoát khỏi tay tử thần, nhưng vẫn phải nằm liệt giường liệt chiếu. Nhà đã quẫn lại càng quẫn: bao nhiêu khoản chi tiêu nảy ra, nào tiền thuốc thang, nào tiền thuê nguời chăm sóc bố..., mà nguồn trợ cấp thì không có cách gì sinh sôi nảy nở thêm ra được. Thấy Thu Uyên khóc nhiều quá, Duy xót ruột nên chạy đi vay tiền cho vợ về Hà Nội thăm bố ốm, tất nhiên ngoài tình cảm ra còn phải mang theo về được một khoản kha khá để đỡ đần các cụ ở nhà. Trở lại Berlin, vợ Duy đã có vẻ thanh thản hơn. Nhưng chỉ vài tháng sau, khoản tiền ở Hà Nội tiêu xong thì sự thanh thản của Thu Uyên cũng hết. Mắt cô lại đỏ mọng lên mỗi lần nhận được thư nhà. Những câu chuyện kể trong thư giờ đây không chỉ dừng lại ở chỗ đau lòng mà đã lên đến mức thê thảm. Những câu ám chỉ bóng gió đã chuyển thành những lời mắng mỏ, đay nghiến. Chỉ còn một chỗ bấu víu duy nhất trong lúc tuyệt vọng, mẹ Thu Uyên không thể nào hiểu nổi rằng nước Đức không phải là cái kho của “Alibaba” và túi tiền của con gái con rể bà không giống như nồi cơm Thạch Sanh. Tiền càng chậm gửi thì độ sâu sắc trong thư của bà càng tăng lên, không còn là thể văn kể chuyện thông thường mà đã nâng lên đến tầm triết lý với những lời cảnh báo về cái tòa án lương tâm khủng khiếp sẽ chờ đợi những kẻ bất hiếu, nhẫn tâm bỏ rơi bố mẹ khốn khổ ở trong nước để hưởng giàu sang phú quý một mình ở nước ngoài.
Thế nhưng, trái với dự kiến của mẹ Thu Uyên, tra tấn lương tâm hóa ra chẳng phải là một biện pháp kinh tế tốt để làm nảy ra tiền. Dù có sợ vạc dầu sôi sùng sục nơi địa ngục đến mấy thì vợ chồng Duy cũng chịu chết, không biết làm sao kiếm ra đủ tiền để đáp ứng nổi nhu cầu của gia đình Thu Uyên ở Hà Nội. Vợ Duy không chỉ khóc mỗi lần nhận được thư nhà nữa, cô bắt đầu rơi vào trạng thái thẫn thờ thường xuyên. Khổ sở vì cảnh nhà, đau đớn vì những lời mắng mỏ của mẹ, mặc cảm vì để chồng phải bao bố mẹ mình quá nhiều, chán chường vì cuộc sống của mình với chồng con ở Đức tự nhiên trở thành chật vật..., Thu Uyên suy sụp thần kinh hoàn toàn. Duy cố gắng động viên an ủi vợ, nhưng chính bản thân anh nhiều lúc cũng bực bội chán nản, chẳng đủ sức làm chỗ dựa tinh thần cho Thu Uyên. Vậy là từ hai tháng nay, Thu Uyên bắt đầu lập bàn thờ ở nhà và chăm chỉ đi lễ. Thấy vợ ăn chay, tụng niệm, thoạt đầu Duy cứ tưởng Thu Uyên quy đạo Phật, sau mới rõ là cô theo một thứ đạo đa thần, cúng vái từ Giời Phật đến thần linh ma quỷ, đối với vị nào cũng thành tâm như nhau. Kinh kệ chả thuộc câu nào, cũng chẳng biết chính xác đối tượng thờ cúng của mình là ai nữa, Thu Uyên chỉ nghĩ ra được độc có mỗi một kiểu khấn duy nhất là “xin các vị linh thiêng phù trợ, giải hạn cho gia đình con”. Nghe bảo ăn chay giúp cho thể xác phàm tục trở nên thanh thoát, mà càng thanh thoát thì càng dễ làm động lòng các “các vị” hơn, vậy là Thu Uyên cũng ăn chay. Nhưng cô không câu nệ ngày rằm hay mùng một gì cả, mà cứ vài hôm lại ăn chay một lần, tùy theo tâm trạng, với chủ thuyết rằng càng ăn chay nhiều càng tốt. Người truyền cho Thu Uyên chủ thuyết này là chị Ngoan, một chị hàng xóm cùng phố, chị này ăn chay theo lịch ba trăm sáu mươi nhăm ngày một năm.
Ảnh hưởng của chị Ngoan đối với Thu Uyên trong thời gian gần đây làm cho Duy vừa ngạc nhiên, vừa lo sợ. Chị này vốn thuộc diện “xuất khẩu lao động”, tốt bụng nhưng đơn giản, lại hơi quê mùa, cho nên trước đây vợ Duy chỉ có quan hệ xã giao với chị như với một người đồng hương cùng phố, chứ chưa bao giờ thân thiết. Thế rồi cách đây quãng hai năm, một lần gặp chị Ngoan ngoài phố trong tình trạng đột nhiên không còn sợi tóc nào trên đầu, Thu Uyên sửng sốt dừng lại hỏi thăm. Tỉ tê trò chuyện một lúc, cô bàng hoàng được biết rằng chị mới cạo đầu sau khi nhận được tin thằng con trai duy nhất của mình gửi ông bà ngoại ở quê nuôi vừa bị chết đuối. Đi “xuất khẩu” ở Đức bị chồng ở nhà bỏ, mấy năm nay chị Ngoan vừa ky cóp tiền để gửi về nuôi con và nuôi bố mẹ ở trong nước, vừa tìm cách đón con sang. Nhờ người dắt mối, chị đã tìm được một ông tây đồng ý làm đám cưới giả với chị, giá cả phải chăng. Tiền đã trao, đến lúc sắp sửa tiến hành làm thủ tục giấy tờ thì đột nhiên ông tây lại ngãng ra, trả lại tiền, không chịu làm chồng hờ nữa. Hỏi đi hỏi lại mãi, tốn bao nhiêu thời gian, ông tây mới tiết lộ ra rằng tại chị vừa già vừa xấu, cho nên ông thấy khoản tiền ấy chẳng bõ công ông phải xấu hổ vác mặt đi làm các thủ tục kia (“Mà lão còn già và xấu gấp mấy mình ấy chứ”, chị Ngoan căm giận kể lại như vậy, không biết trong nhận xét này có bao nhiêu phần chủ quan.) Chẳng còn cách nào khác, chị Ngoan lại phải mặc cả trả thêm tiền, rồi cuối cùng cũng nhận được cái giấy xác nhận là vợ (hờ) của ông tây. Đang mừng rỡ chuyển sang giai đoạn làm giấy tờ để đón con trai sang Đức thì nhận được tin thằng bé chết đuối. Quá đau đớn, chị cạo trọc đầu, ăn chay, và ngoài giờ làm việc ra thì dồn toàn bộ tâm huyết vào việc lễ bái.
Câu chuyện thương tâm của chị Ngoan làm Thu Uyên xúc động đến nỗi từ đó thỉnh thoảng cô lại chủ động ghé vào thăm chị, hỏi xem chị có cần giúp đỡ gì không. Chị Ngoan bắt đầu “truyền đạo” cho Thu Uyên. Mới đầu, vợ Duy chỉ nghe chị Ngoan vì lịch sự, nhưng rồi gần đây, sau những biến cố xảy ra với gia đình mình, cô bèn theo chị đi lễ. Nếu không vì Duy vừa dỗ dành, vừa dọa dẫm thì Thu Uyên còn định noi gương chị Ngoan mà cự tuyệt thịt cá hoàn toàn. Bây giờ, một trong những nỗi ám ảnh lớn của Duy là một hôm nào đó đi làm về nhà sẽ thấy vợ đón mình với cái đầu trọc lốc.
“Chị nói chuyện với Uyên hộ em đi, - Duy năn nỉ Lan Chi. – Em thì chịu rồi, chẳng biết nói làm sao cho Uyên tỉnh lại. Chị khách quan hơn, lại học ngành tâm lý, nhiều kinh nghiệm, có khi Uyên nghe chị đấy.” “Ừ, chị sẽ cố thử xem sao, - Lan Chi hứa. – Nhưng chị nghĩ, nếu lễ bái một chút mà làm cho Uyên nó thanh thản hơn thì có lẽ cũng chẳng hại gì. Cái chính là đừng có quá đà, đừng có trở thành mê muội thôi. Chứ ai mà chẳng cần một chỗ dựa tinh thần hả Duy. Em biết không, cái hồi bố mới mất nhiều lúc chị tưởng như không chịu nổi, giá có một cái gì để bấu víu vào thì có khi cũng đỡ khổ hơn.”
Đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm dùi mài kinh sử, Lan Chi được giao nhiệm vụ áp dụng kiến thức chuyên môn tâm lý học của mình vào một đối tượng cụ thể “có vấn đề”. Mục đích đặt ra là phải làm giảm bớt ảnh hưởng của chị hàng xóm trong địa hạt tư tưởng của cô em dâu. Chuẩn bị tinh thần hết sức kỹ càng, nhưng cuối cùng hóa ra gợi chuyện vợ Duy hoàn toàn không phải khó. Lan Chi chỉ vừa mới thử lựa lời hỏi han vài câu mà mắt cô em dâu đã lập tức rưng rưng: “Em biết anh Duy không thích em như thế này đâu, nhưng nhiều lúc em không có cách nào chịu nổi...” Thế rồi, chị chồng em dâu ngồi trò chuyện hết cả một buổi chiều, quanh đi quẩn lại cũng chỉ đến “đời là bể khổ”thôi chứ chả có chân lý gì mới mẻ.
Vậy mà Thu Uyên hình như cũng nhẹ nhõm hẳn đi khi trút ra được những nỗi niềm bao lâu dồn nén trong lòng: cảm giác bất lực trước nỗi khổ của người thân, mặc cảm do hàng trăm ngàn cây số cách xa mà mình đã biến thành kẻ ngoài cuộc, nỗi đau đớn khi ngay cả những người ruột thịt nhất cũng không hiểu và oán giận mình, tâm trạng thắc thỏm lo âu khi lâu không nhận được thư nhà, nhưng đến khi cầm lá thư trên tay thì lại không đủ cam đảm để bóc ra đọc... “Rồi còn bao nhiêu nỗi lo sợ vơ vẩn nữa, chị biết không, mỗi khi nghe chuông điện thoại vào một giờ bất thường là em lại sợ đến thắt cả tim, không muốn nhấc máy lên, chỉ lo phải nghe tin xấu...” “Chị hiểu chứ, chị đã trải qua nỗi sợ ấy rồi, chị đã từng nhận một hồi chuông điện thoại réo lên vào lúc nửa đêm, và sau đó không bao giờ còn tìm lại được sự bình yên như trước nữa... Nhưng tất cả những điều mà em vừa nói đó: cái cảm giác bất lực ấy, cái mặc cảm ngoài cuộc ấy, cái nỗi đau không được hiểu ấy... hình như chẳng phải của riêng ai nữa đâu, nó đã là một phần của cuộc sống tha hương rồi, Uyên ạ.”
Ngoảnh đi ngoảnh lại, một tuần lễ ở Berlin trôi vèo qua lúc nào không biết. Trung đã ba lần gọi điện thoại đến nhà Duy, hai lần đầu chỉ để biết tình hình vợ con, nhưng đến lần thứ ba thì anh hỏi: “Mấy mẹ con có định về sớm hơn không, hay vẫn ở lại hết cả hai tuần?” “Em cũng chưa quyết định, - Lan Chi do dự nói. - Mấy đứa trẻ chơi với nhau vẫn vui lắm, chưa muốn về đâu. Thôi, để em xem thế nào rồi vài hôm nữa em gọi lại cho anh nhé.”
Hết một tuần rồi mà vẫn chẳng có tin tức gì của Kiên, Lan Chi bắt đầu phân vân, cô phỏng đoán: “ Hay là vì hiện nay Sơn không có mặt ở Berlin, cho nên chẳng có ai báo cho Kiên biết chuyện mình đến thăm Duy cả?” Để kiểm tra lại điều này, trong bữa ăn tối, Lan Chi làm ra vẻ tình cờ hỏi Duy:
- À, anh Sơn có làm việc ở chỗ em nữa không hả Duy? Nếu gặp thì bảo là chị gửi lời thăm anh ấy nhé.
- Anh ấy vẫn làm cùng chỗ với em. Hôm nọ, em có kể chuyện chị với lũ nhóc đến đây chơi, anh ấy cũng hỏi thăm chị mà em quên không nói lại, - Duy đáp.
“Vậy chắc là Kiên không đến Berlin rồi. Nếu không, ít nhất Sơn cũng phải báo cho Duy tin đó”, Lan Chi nghĩ. Tự nhiên, cô thấy bực bội với chính mình. “Sao mình lại dễ tin đến thế nhỉ, nghe lão Tài “ủng” nói vu vơ một câu như vậy mà cũng tin ngay được.”
Còn sáu ngày nữa là hết tháng bảy. Tuy lũ trẻ con vẫn quấn quýt nhau nô đùa cả ngày không biết chán ( kể cũng lạ: ngôn ngữ giao tiếp của chúng là một sự pha trộn hết sức liều mạng ba thứ tiếng Việt-Pháp-Đức, vậy mà chúng hiểu và thân nhau rất nhanh), nhưng Lan Chi đã nghĩ đến chuyện về sớm vài hôm để làm vui lòng chồng. “Ngày mai, mình sẽ ra ga xem mua vé tàu thế nào, rồi sau đó sẽ gọi điện báo ngay cho anh ấy”, cô dự tính.
Nhưng Lan Chi chưa kịp gọi điện nói chuyện với chồng thì chuông điện thoại đã gióng giả vang lên trong bữa ăn tối hôm đó ở nhà Duy. Duy đi sang phòng bên cạnh nhấc máy nghe rồi gọi vọng ra:
- Chị Chi ơi! Có điện thoại cho chị đấy!
- Anh Trung lại gọi phải không? Chắc anh ấy sốt ruột rồi. Thôi có khi ngày mai chị đi mua vé tàu về, Duy ạ, - Lan Chi vừa bước về phía em trai vừa nói.
- Không, không phải anh Trung đâu, - Duy đáp. - Anh Kiên muốn nói chuyện với chị, anh ấy đang ở nhà anh Sơn.
Mười mấy năm trời ngăn cách hiện tại với quá khứ dường như vụt biến đi khi Lan Chi bước đến bên máy điện thoại. Cô hít một hơi dài để tự trấn tĩnh rồi nhận ống nghe từ tay Duy.
- Alô... - cô nói bằng một giọng ngập ngừng và hơi yếu ớt.
- Lan Chi phải không?
Giọng nói vang lên ở đầu dây bên kia thân thuộc đến nỗi tự dưng Lan Chi có cảm giác như nghẹt thở. Trong khoảnh khắc, cô thấy mình như đột ngột rơi vào một khoảng trống bồng bềnh: không còn thời gian, không còn không gian, chỉ còn cô và anh giữa những kỷ niệm quay cuồng.

<< Chương 9 | Chương 11 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 585

Return to top