"Đi đâu" luôn luôn là vấn đề phải lo nghĩ trước hàng tháng của vợ chồng Lan Chi mỗi khi kỳ nghỉ hè đến gần. Từ cuối tháng tư, khi đợt nghỉ mùa xuân của lũ trẻ vừa kết thúc, hai vợ chồng đã bắt đầu hỏi nhau: "Hè này nhà mình đi đâu nhỉ?" Ra biển, lên núi, đi trong nước Pháp hay ra nước ngoài? Đi đâu thì đi, phải quyết định cho nhanh để trong tháng năm còn tìm thuê nhà hay thuê khách sạn, đặt chỗ trước, chứ cứ lần lữa đợi đến tháng sáu thì chẳng còn nhiều nơi tốt mà kén chọn. "Tốt" ở đây còn kèm theo tiêu chuẩn là "không đắt", cho nên thực ra cũng chẳng được kén chọn gì nhiều. Ngân sách eo hẹp, đi xa thì tốn kém, đi gần thì loanh quanh cũng chỉ có vài nơi.
Có những năm Lan Chi chả thấy hào hứng gì, lại nghĩ đến cảnh chen chúc tàu xe, đảo lộn cuộc sống mà phát ngán, cô bảo: "Thôi, hè này mình ở nhà một lần thì đã sao, đi mãi cũng chán!". Nhưng Trung phản đối: "Cả năm đã ở nhà rồi, chịu khó đi ít ngày cho lũ trẻ được thay đổi không khí". Lại có năm tìm mãi không được nơi ưng ý, đến lượt Trung chán ngán đề xuất ý kiến tẩy chay chuyện đi nghỉ một năm, nhưng Lan Chi không chịu: " Nghỉ hè, nhà nào người ta cũng cho con đi chơi cả, mình lại giam con ở nhà sợ chúng nó tủi thân".
Đúng vậy, tháng bảy và nhất là vào đầu tháng tám, cả nước Pháp ồ ạt xuống đường đi nghỉ, ai không đi được tự dưng cảm thấy mình lạc lõng, thua kém thiên hạ. Các nhà ga đông nghịt người. Trên các con đường cao tốc, vào những ngày và những giờ cao điểm, tốc độ xe chạy còn chậm hơn trong đường làng, hàng đoàn ô tô lũ lượt mệt mỏi nhích từng tí một, người và xe vã mồ hôi dưới ánh mặt trời gay gắt. Vậy mà ai cũng hớn hở ra đi. Dãy phố của Lan Chi thường ngày đã vắng, vào những dịp này lại càng vắng tanh, hầu như nhà nào cũng có vài tuần đóng cửa im ỉm. Kể ra ở lại nhà vào lúc này thì điều kiện nghỉ ngơi còn yên tĩnh hơn là lên núi hay ra biển. Nhưng mà buồn, trẻ con chẳng có bạn để chơi. Đến đầu năm học mới, cô giáo ra bài văn "Kể lại kỳ nghỉ hè của em" thì đứa nào không đi đâu sẽ chẳng biết kể gì hết. Đấy là trẻ con, chứ còn người lớn bị người quen hỏi thăm "hè này đi đâu" mà lại trả lời là "không đi đâu cả", thì thấy như mình tự nhiên bị tụt xuống mất vài nấc trong bậc thang xã hội. Nghe nói có nhà sa sút không còn tiền đi nghỉ đã phải đóng cửa tắt đèn, chui xuống kho ở tầng hầm sống một tuần để giữ sĩ diện với hàng xóm. Chắc là chuyện đùa thôi, nhưng chuyện thật một trăm phần trăm là gia đình em gái Trung đã từng phải vác lều bạt lên núi cắm trại một tuần để khỏi phải chui vào kho ở. Không phải là do thiếu tiền, mà vì vợ chồng Hạnh đột nhiên có sự cố nên không đi nghỉ được đúng vào thời gian dự kiến, đến phút cuối cùng mới thay đổi kế hoạch nên chỉ còn kiếm được một chỗ "camping" ở một vùng dưới chân núi. Lên núi cắm trại thì cũng là một thú vui của dân tây, phải cái dân mình không có tình thần thể thao leo núi như tây, lại kém chịu lạnh, nên tuy cả nhà đã chả dám leo đâu cao, chủ yếu chỉ chui ra chui vào cái lều, vậy mà sau kỳ nghỉ về đến Paris mẹ Trung còn bị ho dai dẳng đến hơn một tháng. Thế nhưng hè nào bà cũng chịu khó đi nghỉ cùng gia đình con gái, tuy rằng chuyện đó đối với bà có vẻ là nghĩa vụ hơn là niềm vui. Hè năm ngoái, gia đình Hạnh đi nghỉ tại một bờ biển nổi tiếng ở Tây Ban Nha, đúng được hai tuần trời nắng rực rỡ. Bãi biển đẹp, nước biển đã ấm lại trong, nhưng Hạnh phàn nàn là cô dỗ thế nào mẹ cũng chỉ chịu ra bãi biển có đúng một lần (không nhúng chân xuống nước), rồi lại về nhà ngồi vì sợ nắng.
Lan Chi nhớ lại tuổi thơ của mình, nghèo đói mà sao thật dễ vui. Nghỉ hè hầu như chẳng ai đi đâu hết, lũ trẻ cùng phố được thả ra là tụ tập ngay lại với nhau, tự nghĩ ra đủ thứ trò chơi, vui nổ trời, đến chiều tối bố mẹ phải rát cổ bỏng họng gọi năm lần bảy lượt thì mới chịu về nhà tắm rửa, ăn uống. Ở đây, những nhà tử tế không có cái lối thả rông con ra đường như vậy. Trẻ con được nghỉ hè hai tháng, không lẽ đóng cửa nhốt chúng ở nhà cả sáu chục ngày. Vì thế, hè mới lấp ló đến gần mà vợ chồng Lan Chi đã lo sốt vó đến trách nhiệm mua vui giải trí cho con.
Năm nay, Lan Chi có vẻ ung dung hơn mọi năm về chuyện đi nghỉ hè. Đã đầu tháng năm rồi, sực nhớ là chưa thấy vợ bàn gì đến chuyện này cả, Trung hỏi:
- Em đã chọn được nơi nào đưa con đi nghỉ hè năm nay chưa?
- Anh có sắp xếp đi nghỉ với em và bọn trẻ được không, hay lại để bốn mẹ con đi với nhau thôi? - Lan Chi không trả lời mà hỏi lại.
- Em đưa con đi rồi anh tranh thủ đến vài ngày thôi. Hè năm nay chắc anh phải ở lại trực bệnh viện.
Xin nghỉ phép vài tuần vào dịp hè đối với Lan Chi là một vấn đề đơn giản, chỉ cần báo trước một tháng cho ông chủ là xong. Mùa hè, sinh viên nghỉ học đi kiếm việc làm thêm đông như kiến, cửa hàng chẳng khó khăn gì để tìm người bán hàng tạm vài tuần. Nhưng cái nghề bác sĩ của Trung thì lại hay bắt anh làm việc vào lúc thiên hạ đi chơi: kỳ nghỉ hè không những người ta chẳng chịu ốm bớt đi cho, mà lại còn có thêm bao nhiêu bệnh tật tai nạn cứ trái khoáy xảy ra vào đúng lúc tinh thần nghỉ ngơi của dân chúng lên đến cao điểm. Không phải năm nào Trung cũng lấy phép được vào dịp hè để đi nghỉ với vợ con.
Những lần như vậy, vợ chồng Trung thường chọn một nơi nghỉ gần nhà, để anh có thể đến vào dịp cuối tuần hay vào ngày nghỉ bù nào khác rồi lại quay về làm việc mà không mất nhiều thời gian đi lại.
- Nếu anh không đi nghỉ được thì hè này em mang bọn trẻ con sang Đức chơi với con nhà Duy. Hẹn với vợ chồng nó đã mấy năm nay rồi, thôi thì dịp này đi luôn là tiện nhất, - Lan Chi bảo.
- Cũng hay đó, - Trung nói. - Nhưng đi Berlin thì có lẽ một tuần là đủ. Rồi đem bọn nó về đây, đi biển hay lên núi thêm một tuần cho thoáng. Mùa hè nóng ở Berlin lâu anh sợ lũ trẻ nó chán. Thì cũng thành phố, nhà cửa như đây chớ có gì đâu.
- Em muốn sang chỗ Duy hai tuần. Mấy năm rồi chị em không gặp nhau. Với lại có hai đứa con nhà Duy chơi cùng thì bọn trẻ nhà mình nó cũng vui. Để chúng nó luyện nói tiếng Việt với nhau. Biển với núi thì chúng nó đi mãi rồi, còn lạ gì nữa.
- Tùy em thôi. Vậy em định bao giờ đi?
- Em định đi hai tuần cuối tháng bảy. Đã hỏi Duy rồi, nó bảo lúc đó đối với nhà nó là tiện nhất.
Thế là quyết định. Giữa tháng bảy này, bốn mẹ con sẽ đi Berlin. Lan Chi thở phào nhẹ nhõm. Mọi chuyện giải quyết dễ dàng nhanh gọn như vậy mà cô cứ băn khoăn suy tính cả tháng nay.
Nhưng cuộc đời thường hay có những sự cố bất ngờ. Quãng cuối tháng năm, khi Lan Chi đã hoàn toàn ung dung với kế hoạch đi Đức chơi, thì bỗng dưng Trung lại đề nghị cô chuyển chuyến đi Berlin lên đầu tháng bảy hoặc sang tháng tám. Lý do là vì cuối tháng bảy, một anh bạn của Trung sẽ từ Mỹ qua Pháp chơi và dự định ghé thăm anh vài hôm. Trung muốn vợ con có mặt ở nhà vào dịp đó.
Chuyện tưởng hết sức đơn giản, không ngờ Lan Chi lại giãy nảy lên:
- Em có kế hoạch hết rồi, không thay đổi được nữa đâu. Đã hẹn chính xác với Duy là hai tuần cuối tháng bảy, bây giờ lại đổi sang dịp khác thì không tiện cho nhà nó. Nó cũng có kế hoạch của nó chứ, đâu phải cứ ngồi nhà đợi mình mãi được. Sao anh không nói từ trước?
- Anh mới nhận được thư của Tuấn hôm nay. Mà trước sau vài tuần có gì là quan trọng? Nếu em thấy đi dịp khác không tiện cho Duy thì cứ đi như đã hẹn vậy, nhưng về sớm một tuần có được không? Anh sẽ hẹn Tuấn đến chơi mấy ngày cuối tháng bảy, - ngạc nhiên trước phản ứng của vợ, Trung nhượng bộ.
- Anh bảo anh ấy đến vào đầu tháng tám ấy, - Lan Chi không chịu.
- Không được đâu. Nó bảo là ba mươi tháng bảy đã phải quay về Mỹ rồi.
- Thôi, thế thì anh chịu khó tiếp bạn anh một mình. Hai ông với nhau, muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi, càng vui chứ sao. Chẳng mấy khi được sống lại đời độc thân vui tính. Em mà là anh thì em thích như vậy hơn. Có em với bọn trẻ con ở nhà chỉ thêm vướng bận chứ được ích gì.
Khổ nỗi, ông bạn của Trung không sang Pháp dưới dạng độc thân vui tính, mà đi cùng với vợ con. Vì vậy, Trung muốn vợ con mình cũng có mặt ở nhà cho vui vẻ. Hơn nữa, thiếu Lan Chi, anh sợ không đón tiếp gia đình bạn chu đáo được. Nhất là anh lại làm việc ở bệnh viện, giờ giấc linh tinh.
Vấn đề đâm ra rắc rối. Lan Chi khăng khăng không chịu thay đổi chuyến đi Berlin. Cô bảo rằng cô không muốn sai lời hứa với Duy. Rằng đã hẹn là sang Đức hai tuần thì cô sẽ ở đó đúng hai tuần. Rằng mấy năm rồi chị em không gặp nhau, thế mà anh lại muốn em về sớm chỉ để tiếp đón bạn bè anh, nào em có quen biết gì họ đâu...
“Nếu em không muốn thì thôi”, Trung lạnh lùng nói rồi quay ngoắt người bỏ đi, không buồn nghe hết những lý lẽ dài dòng của vợ. Lan Chi ngẩn người ra nhìn theo chồng. Rất ít khi cô thấy anh có vẻ bực bội như vậy. “Hay là mình chỉ đi một tuần thôi nhỉ?”, Lan Chi nghĩ nhưng vẫn đứng yên, không nói lại câu nào.
Đúng là Trung rất bực. Không hẳn do yêu cầu của anh bị Lan Chi từ chối, mà cái chính là vì anh thấy vợ mình đột nhiên trở nên xa cách và khó hiểu. Tất cả những lý lẽ mà cô đưa ra anh đều thấy chẳng xuôi tai. Anh có cảm giác như cô che giấu anh điều gì. Ừ thì cô cứ đi Berlin, nhưng sao nhất thiết lại phải đi hai tuần bằng được? Sao không thể chiều chồng mà về sớm một tuần? Nào anh có yêu cầu điều gì quá đáng đâu.
Kể ra, yêu cầu của Trung không có gì là quá đáng thật, nhưng nói cho khách quan thì vợ anh cũng không phải là không có lý khi thích ở thăm em trai hơn là về nhà sớm để đón tiếp bạn của chồng. Có điều, cô lại giải thích cái lý của mình một cách thiếu tự tin đến nỗi không làm sáng tỏ được “chính nghĩa”. Hẳn là trong thâm tâm Lan Chi không được thanh thản cho lắm: cô biết rằng mình chưa hoàn toàn thành thật với chồng. Nhưng làm sao cô có thể thú nhận được với anh, khi ngay cả với chính bản thân mình cô cũng không muốn thừa nhận rằng ngoài việc muốn gặp em trai, ngoài những lý do khiến cô không hào hứng với đề nghị của Trung, còn có một nguyên nhân thầm kín khác thúc đẩy cô phải có mặt ở Berlin cả hai tuần cuối tháng bảy. Cô không muốn thừa nhận rằng cái ý định đi Đức chơi quả là đã có từ lâu, nhưng chỉ thực sự ám ảnh cô kể từ khi nghe cái tin do Tài “ủng” đem đến. Điều này, tất nhiên, Trung không thể biết.
Vậy là đến ngày bốn mẹ con lên đường, cả Trung lẫn Lan Chi đều có tâm trạng không thoải mái. Anh tự nhủ là không đáng để bực mình vì một chuyện nhỏ nhặt như vậy, cái chính là vợ con có kỳ nghỉ vui, thế là được rồi. Cô tự nhủ là mình không có lỗi gì với chồng, mình không định làm điều gì không phải, việc mình có mặt hay không có mặt ở nhà khi bạn Trung đến chơi đâu có gì là quan trọng...
Trung lái xe đưa vợ con ra ga. Đến lúc chia tay, tự nhiên Lan Chi mủi lòng, cô đột ngột vòng tay ôm cổ chồng, gắn vào môi anh một cái hôn thật thắm thiết và hứa: “Nếu bọn trẻ con ở đó một tuần thấy chán thì em sẽ mang con về sớm, có gì em sẽ gọi điện cho anh”. “”Anh sẽ gọi điện cho em đến nhà Duy, như vậy tiện hơn”, Trung nói, cảm động vì cái hôn thắm thiết bất ngờ của vợ.
Tàu bắt đầu chuyển bánh. Lan Chi nhìn bóng chồng lùi xa dần trên sân ga, chẳng hiểu sao bỗng thấy lòng se lại như sắp phải xa anh lâu lắm. Cô cũng chẳng rõ mình chờ đợi gì ở chuyến đi này. Có lẽ chẳng đợi chờ gì hết cả. Vậy mà cứ thấy trong lòng pha trộn những cảm giác lạ lùng, một chút hy vọng, một chút bồn chồn, và dường như có cả một chút lo sợ nữa.
Đây là lần đầu tiên được đi Berlin nên cả ba đứa trẻ đều hớn hở. Nhất là cu Nam, tàu chạy mới được chừng một tiếng mà cu cậu đã sốt ruột hỏi: “ Sắp đến Berlin chưa hả mẹ?” “Đầu tiên phải đến Paris cái đã. Sau đó chúng mình sẽ chuyển tàu đi Berlin”, Lan Chi giải thích. Thấy con trai nhấp nhổm không yên, cô bèn lấy một quyển sách mang ở nhà đi, đưa cho thằng bé và bảo: “Nếu con chán ngắm cảnh rồi thì đọc sách vậy. Đọc hết quyển này chắc sẽ đến Paris.” Rồi cô cũng lấy ra cho mình một quyển sách. Đọc cho khỏi nghĩ ngợi linh tinh. Trước mắt là cả một chặng đường dài. Còn hơn ba tiếng nữa tàu mới đến Paris