Trời rất trong, rất dịu khi Lan Chi bước ra đường vào buổi sáng hôm nay. Cô đang có tâm trạng khá vui vẻ. Chỉ còn một hôm nữa thôi là hai tuần nghỉ lễ sẽ bắt đầu, lũ trẻ nhà cô sẽ được nghỉ ở nhà, Lan Chi cũng không đi làm vì vào dịp này cửa hàng của cô bao giờ cũng đóng cửa cùng một lúc với các trường học. Và sau đó, vào giữa kỳ nghỉ, Thanh Hoa sẽ cùng chồng con đến chơi với gia đình Lan Chi chừng bốn, năm hôm. Một kế hoạch chu đáo đến từng chi tiết cho dịp hội ngộ này đã được vạch ra. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm hoàn toàn dửng dưng với Noel, Lan Chi nhận thấy mình bị cuốn vào không khí náo nức, hội hè của dân châu Âu từ lúc nào không biết.
Một tiếng đồng hồ sau, bên ngoài cửa sổ tình hình thời tiết và không khí đường phố dường như vẫn không có gì thay đổi, nhưng tâm trạng của Lan Chi thì đã không còn dấu vết gì của sự vui vẻ lúc trước. Nguyên nhân của sự biến chuyển đột ngột này là hai cú điện thoại mà cô vừa nhận được. Cú đầu tiên cho Lan Chi biết rằng kỳ nghỉ này nhà cô sẽ không có những người khách đang mong đợi: hai đứa con của Thanh Hoa tự dưng lăn ra ốm làm cho kế hoạch đi nghỉ của cả gia đình phải hủy bỏ. Cú thứ hai thông báo một sự kiện bất ngờ: bà mẹ chồng sẽ từ Paris xuống miền Nam nghỉ Noel đợt này với gia đình Lan Chi. Qua điện thoại, cô em chồng giải thích một cách rất dài dòng lý do dẫn đến chuyến đi Mỹ ngoài dự kiến của vợ chồng mình vào đúng dịp Noel, thổ lộ một cách rất thân tình rằng để má lại một mình ở Paris vào dịp lễ tết này thì tội quá, em đã tính hay đem má đi chơi cùng, mà nhiều việc quá lo không kịp, mà má cũng đâu có muốn... Rồi, sau khi thông báo rằng em đã mua vé máy bay cho má xuống chỗ anh chị ngày mai, cô em như sực nhớ ra bèn hỏi bằng giọng của một người đã biết trước câu trả lời: “Má xuống chơi đường đột vậy có phiền anh chị quá không?” “Phiền gì đâu”, Lan Chi đáp lại bằng giọng của một người biết rằng mình không có cách trả lời nào khác.
Trưa hôm sau, hết ca làm việc, Lan Chi không về nhà mà lái xe ôtô ra thẳng sân bay đón mẹ chồng. Như thường lệ, ban ngày Trung không có được một phút rảnh rỗi, nếu không bận rộn ở bệnh viện thì lại có người bệnh đợi ở phòng khám, vì vậy, buổi sáng trước khi đi làm, anh giao hẹn với Lan Chi là để lại cho cô chiếc ôtô cùng với nhiệm vụ đi đón mẹ.
Máy bay từ Paris đến chậm hai mươi phút. Hai mươi phút ngồi đợi ở sân bay, không mang theo cái gì để đọc, đầu óc Lan Chi chỉ có mỗi một việc để nghĩ là cuộc giáp mặt sắp tới với mẹ chồng. Lần cuối cùng cô gặp bà cách đây đã năm năm, khi hai bé sinh đôi ra đời và bà nội từ Paris xuống thăm cháu, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh dai dẳng nhiều năm giữa mẹ chồng và nàng dâu. Từ đó đến nay, quan hệ của họ vẫn chỉ dừng lại ở vài câu trao đổi ngắn gọn, lạnh lùng nhưng lịch sự qua điện thoại. Đôi lần, vợ chồng Lan Chi cũng đã dự định thu xếp một kỳ nghỉ nào đó đưa lũ trẻ lên Paris chơi với bà nội, nhưng rồi cô luôn luôn có những lý do chính đáng để hoãn lại chuyến đi, nhiều khi vào phút cuối cùng. Thường thì năm nào Trung cũng có việc phải đi Paris ít nhất một lần, kết hợp luôn ghé thăm mẹ, nhưng gần một năm nay anh quá bận công việc ở đây nên chưa đi được, có lẽ đó cũng là một trong những lý do của việc mẹ anh đột ngột quyết định đến chơi vào kỳ nghỉ cuối năm này.
Phút đầu gặp lại diễn ra hơi sượng sùng. "Thằng Trung đâu?", bà mẹ chồng hỏi thay câu chào, tuy đã biết từ trước là con trai bận không ra sân bay được. "Dạ, giờ này anh ấy bận ở bệnh viện. Má đưa vali con xách cho", Lan Chi nói rồi tự cảm thấy cái từ "má" phát ra bằng chất giọng Hà Nội trăm phần trăm của mình nghe giả dối đến nỗi cô bực bội cắn vào lưỡi mình một cái.
Ngồi vào ôtô, hai bên trao đi đổi lại những lời thăm hỏi. Đầu tiên, mẹ chồng hỏi lũ nhỏ có khỏe không, có ngoan không, có nhanh lớn không. Lan Chi túm ngay lấy cơ hội kể lể về con để chuyển cách xưng hô, vẫn xưng "con" nhưng gọi mẹ chồng là "bà", cái lối gọi thay con này làm cô nhẹ nhõm hẳn. Nói được chừng năm phút thì Lan Chi nhận thấy mẹ chồng bắt đầu lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ, cô bèn chuyển đề tài, hỏi thăm tình hình gia đình cô em chồng ở Paris. Câu hỏi này đem lại cho cô hơn mười phút khỏi động não tìm chuyện để nói, chỉ việc nghe mẹ chồng kể về lũ cháu ngoại một cách say sưa, say sưa đến mức tự dưng cô đâm chạnh lòng nghĩ đến mấy đứa con mình chẳng còn bà ngoại. Rồi Lan Chi hỏi thăm đến gia đình ông chú ruột chồng và được biết tiệm ăn của bà thím dạo này không còn đông khách như trước, cậu em họ sắp cưới đến nơi thì chả biết bị bồ bỏ hay bỏ bồ, giờ lại cặp với một cô bồ khác, lần này là tây..."Vậy cái cô định cưới thì là người Việt ạ?", Lan Chi hỏi. "Ờ,... mà không, con trước cũng tây, nhưng con trước nữa thì là Việt. Con nhỏ nhà ông Tư Bình đó. Hai nhà ưng lắm rồi mà hai đứa nó lại chẳng chịu nhau..." Câu chuyện được chuyển sang nhà ông Tư Bình. Lan Chi thoáng nghĩ không biết ông Tư Bình là ai nhỉ, tuy vậy cô không hỏi để mẹ chồng khỏi mất hứng. Điểm một vòng hết tình hình bà con, người quen và không quen ở Paris, thêm được mười phút nữa mà vẫn chưa về được tới nhà. Mấy phút im lặng nặng nề, rồi mẹ chồng kêu buồn ngủ và ngả người vào lưng ghế lim dim mắt.
Vào đến trung tâm thành phố, ôtô giảm tốc độ rồi lăn từng tí một như bò trên những đường phố tắc nghẽn xe và đông nghịt người qua lại. Ở mỗi ngã tư, đèn hiệu màu xanh lấp lóe như trêu ngươi: cứ mỗi một lần ôtô nhích lại được đến gần thì nó lập tức chuyển sang thành màu đỏ. Mười phút đã trôi qua mà ôtô của Lan Chi vẫn chưa ra khỏi được cái đại lộ chỉ dài có quãng nửa cây số. Không khí nhốn nháo ngoài đường làm sự im lặng trong xe trở nên mỗi lúc một ngột ngạt hơn. Lan Chi hạ cửa kính xuống, gió lạnh và và những âm thanh đường phố hỗn độn ập vào. Mắt vẫn nhắm lim dim, người vẫn ngả trên lưng ghế, mẹ chồng bỗng nói như than: "Chỗ này tỉnh lẻ mà sao cũng đông dữ vậy!" "Dạ, sắp đến Noel nên người ta đi mua sắm", Lan Chi đáp bằng một giọng chán nản. Noel, sao Noel nào cũng vậy, cứ đến cái thời điểm mà thiên hạ vui vẻ nhất thì cô lại thấy lòng mình cô độc nhất.
Cuối cùng thì ngôi nhà nhỏ nằm nép mình buồn bã trong một góc phố vắng cũng hiện ra. Lan Chi nhìn đồng hồ: ba giờ mười lăm, còn hơn một tiếng nữa mới đến giờ đi đón bọn trẻ ở trường về. Ăn trưa giờ này đã muộn nhưng tối qua Lan Chi biết trước là buổi trưa sẽ cập rập nên đã cẩn thận nấu nướng sẵn vài món. Cô vừa vào bếp định làm nóng lại thức ăn thì mẹ chồng nói ngay là không đói, đã ăn trên máy bay rồi. Bà kêu mệt và muốn đi nằm. Lan Chi đành tự thưởng thức một mình những món ăn mà cô đã lụi hụi làm cả tối hôm qua, món nào cũng cho đường ngọt lự để chứng tỏ thiện chí với mẹ chồng.
Cây thông cao mét rưỡi đã được dựng lên ở một góc phòng khách từ cách đây mấy hôm. Thông nhựa, nhưng nhìn xa cũng na ná như thông thật. Đèn màu nhấp nháy, dây kim tuyến lóng lánh, những đồ trang trí hình quả thông, quả chuông, hình ông già Noel... đủ màu sắc treo lủng lẳng khá vui mắt trên những cành thông. Kỳ nghỉ đã bắt đầu. Không khí Noel cuối cùng cũng đã lan được đến đây.
Sáng 24 tháng 12, tuy không phải đi đâu nhưng Lan Chi dậy rất sớm. Trung vẫn phải đi làm như thường lệ, sáu giờ rưỡi sáng đã vừa ngáp ngắn ngáp dài vừa làu bàu than thở rồi chui ra khỏi giường. Ở phòng bên cạnh, mẹ chồng cũng cựa mình, lục đục. Lan Chi bật dậy theo Trung, xăng xái đi pha cà phê và làm mấy lát bánh cho chồng ăn sáng, mặc dù anh đã ra sức can ngăn "ngủ tiếp đi, anh tự làm lấy được mà". Trung đi rồi, ba đứa con còn ngủ say sưa, Lan Chi bèn tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Bữa ăn Noel tối nay sẽ đặc biệt hơn mọi năm: ngoài mẹ chồng ra, nhà còn có thêm một vị khách nữa là bà hàng xóm Xvetlana. Cô đã có lời mời bà đến ăn tối Noel với gia đình cô từ tuần trước, sau khi tình cờ biết rằng dịp nghỉ lễ này cô con gái duy nhất của bà có việc bận nên không về thăm mẹ được.
Lan Chi vừa đặt vào dưới gốc thông vài gói quà mua sẵn từ hôm trước cho lũ trẻ thì mẹ chồng từ phòng ngủ bước ra. Nhìn thấy những gói quà bọc giấy màu bóng bẩy và thắt nơ diêm dúa, bà sực kêu lên: "Mấy thứ đồ chơi mua ở Paris lại đưa ngay cho sắp nhỏ từ hôm trước mất rồi, tối nay vậy là không còn gì hết trơn cho tụi nó". Cô con dâu phải ra sức can ngăn bà mới đành từ bỏ ý định chạy ra cửa hàng mua thêm quà khác cho cháu, bụng vẫn áy náy không yên, bảo vậy là tối nay lũ trẻ chỉ có quà của ba mẹ chúng thôi mà không có quà của bà. “Quà Noel thì phải để tối Noel mới mở chớ”, bà nói. Rồi bà lại băn khoăn hỏi: “Không biết để quà dưới gốc thông vậy đã đúng chưa, hay phải cho vào trong cái giày cao cổ? Mà là đưa ngay cho tụi nó tối nay, hay phải giấu đi đợi đến sáng ngày mai mới đúng? Có phải thuê ông già Noel đến đưa quà không? Vợ chồng con Hạnh ở Paris năm nào cũng thuê người làm ông già Noel mang quà đến tận nhà cho bọn nhỏ đó.”
“Mấy thứ thủ tục ấy con cũng không rõ lắm, - Lan Chi nói. - Thôi thì cứ có quà cho bọn trẻ con nó vui là được rồi, cho nó khỏi thấy khác biệt con nhà người ta. Chứ còn truyền thống của người ta, phong tục của người ta, mình làm sao biết hết, theo hết được. Bọn con cứ phiên phiến thôi bà ạ.”
Bảo là phiên phiến nhưng bữa ăn tối nay vẫn phải có sâm banh và một con gà tây rôti nhồi thịt băm to đùng cho đúng lệ. Trung thắp mấy cây nến thơm tỏa hương ngào ngạt để tạo thêm không khí Noel. Mẹ anh bảo đã thắp nến rồi sao còn để đèn điện làm gì. Cu Nam nghe bà nói liền nhanh nhảu chạy đi tắt đèn. Mọi người ngắm nghía một hồi rồi quyết định phải châm thêm cây nến nữa không thì tối quá. Trung châm thêm luôn hai ngọn nến cuối cùng còn sót lại trong nhà. Cả nhà lại ngắm nghía thêm lần nữa rồi quyết định bật đèn lên, vừa nến vừa đèn càng tốt.
Đúng bảy giờ rưỡi tối thì có tiếng chuông. Lan Chi ra mở cửa. Bà hàng xóm Xvetlana xuất hiện với một chiếc bánh gatô rất to. “Gatô tôi làm theo kiểu Nga đấy,- bà nói,- chắc cô đã ăn loại này rồi chứ nhỉ?” “Cám ơn bác, cháu cũng không nhớ nữa bác ạ, lâu quá rồi mà, để tí nữa ăn thử có khi lại nhớ”, Lan Chi vừa đáp vừa nhận chiếc bánh từ tay bà hàng xóm rồi mang vào bếp.
Trung giới thiệu bà Xvetlana với mẹ. Sau vài câu chào hỏi xã giao, mẹ anh ồ lên sửng sốt khi biết bà hàng xóm là người Nga.
- Bà nói tiếng Pháp hay quá, hệt như người Pháp vậy, - mẹ Trung khen bà khách bằng một thứ tiếng Pháp ngọng nghịu.
- Tôi sống ở đây gần bốn chục năm rồi, toàn nói tiếng Pháp chứ có mấy dịp để nói tiếng Nga đâu, muốn nói tiếng Nga ở nhà với chồng con cũng khó thì còn nói ở đâu được nữa, - bà hàng xóm cười trả lời.
- Vậy ông nhà là người Pháp? - mẹ Trung hỏi.
- Ông ấy cũng người gốc Nga, nhưng sinh ở Pháp. Ông ấy mất mười năm rồi.
Mẹ Trung có vẻ định hỏi tiếp điều gì, nhưng xem ra phải diễn đạt bằng một câu tiếng Pháp không đơn giản, cho nên bà nhăn mặt lại, căng thẳng lựa lời, rồi sau một hồi ậm ừ đành bỏ cuộc. Để lấp chỗ trống trong lúc đợi người đối thoại tìm được một câu khác dễ nói hơn, bà Xvetlana quay sang chỉ vào Lan Chi và nói rất âu yếm:
- Cô Lan Chi thì nói tiếng Nga giỏi lắm. Từ khi quen cô ấy, tôi lại có thêm dịp nói tiếng Nga.
Mẹ chồng ném cho con dâu một cái nhìn lạ lẫm nhưng không bình luận gì mà quay sang hỏi thăm chuyện con cái của bà hàng xóm. Đề tài "mấy con, mấy cháu" rõ ràng là vừa đơn giản về mặt ngôn ngữ, vừa thích hợp về mặt tuổi tác và giới tính đối với cả hai người, cho nên câu chuyện lại có cơ kéo dài thêm được.
Bà Xvetlana là người hàng xóm duy nhất ở phố này mà Lan Chi có quen thân. Những người khác thì quan hệ nhiều nhất cũng chỉ ở mức một câu chào khi thỉnh thoảng chạm trán nhau ngoài phố. Trong hai năm đầu Lan Chi sống ở đây, quan hệ của cô với bà Xvetlana thực ra cũng chỉ có vậy. Bà sống ở ngay ngôi nhà bên cạnh, hàng ngày Lan Chi vẫn nhìn thấy bà đi ra đi vào, nhưng cô không hề biết điều gì về bà, thậm chí đến cả cái tên cũng không biết. Thế rồi một hôm cô vừa về đến cửa thì gặp bà đi chợ về. Hai tay xách khệ nệ hai túi to, bà trượt chân ngã làm cà chua, cà rốt, khoai tây... rơi ra vỉa hè tung tóe. Lan Chi vội chạy đến đỡ bà già dậy, giúp bà nhặt các thứ đồ ăn xếp lại vào trong túi. Rồi tiện thể, cô xách hộ luôn cả hai cái túi đến tận cửa nhà bà. Trong lúc bà già cám ơn Lan Chi rối rít thì tình cờ cô nhìn thấy cái tên đề trên một khung giấy nhỏ phía dưới nút bấm chuông ở cửa: Xvetlana Popova. Một cái tên Nga chính hiệu không lẫn đi đâu được. Lan Chi buột miệng hỏi bằng tiếng Nga: "Bác là người Nga ạ?" " Vâng", bà già ngẩn người ra sững sờ, đáp lại câu đầu bằng tiếng Pháp, rồi lập tức chuyển sang tiếng Nga: "Sao cô lại nói được tiếng Nga?" "Cháu đã học ở Nga tám năm". "Những tám năm cơ à? Vậy cô học ở thành phố nào?" "Ở Matxcơva ạ." "Tôi là người Matxcơva đây", bà già nói và đột nhiên cầm lấy tay Lan Chi, miệng cười như mếu, rồi nhất định kéo cô vào nhà chơi, "để nói chuyện về Matxcơva một chút cho đỡ nhớ". Đang có thời gian rảnh, Lan Chi theo bà hàng xóm vào nhà ngay. Cô cũng muốn nói chuyện về Matxcơva một chút cho đỡ nhớ.
Ngồi nửa tiếng với bà Xvetlana, Lan Chi đã biết rất nhiều điều về bà. Biết rằng bà đến Paris vào đầu những năm sáu mươi, khi đang là sinh viên Pháp văn, được gửi qua Pháp thực tập. Chỉ định đi có một năm thôi, rồi lấy chồng là người gốc Nga (bố mẹ ông ấy sang Pháp sống ngay sau cuộc cách mạng năm 1917), thế rồi ở lại Pháp mãi cho đến tận bây giờ. Mấy năm trước chồng bà chết vì tai nạn ôtô. Cô con gái duy nhất lấy chồng người Pháp, hiện sống ở Lille, một thành phố tận cực bắc nước Pháp, thỉnh thoảng mới đem con về thăm bà. "Sao bác không chuyển đến đó ở cho gần con cháu?", Lan Chi hỏi. "Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi. Nhà cửa ở đây, thói quen cũng ở đây, không nhổ rễ đi đâu được nữa. Nếu đi được thì tôi đã về Matxcơva sống chứ chẳng đi chỗ khác. Bao nhiêu năm nay lúc nào cũng nghĩ đợi thêm ít nữa rồi về Nga hẳn, vậy mà cuối cùng có về được đâu."
Từ đó họ thường xuyên qua lại thăm nhau. Để chia xẻ với nhau những hồi ức về một thành phố xa xăm trong quá khứ. Matxcơva, thời thơ ấu của bà. Matxcơva, tuổi trẻ của cô. Đôi lúc, nhìn cặp mắt long lanh ngấn lệ của bà khi nhắc tới những tên đường, tên phố, Lan Chi tự hỏi không biết đằng sau những cái tên ấy bà cất giữ những kỷ niệm gì. Còn cô, ở mỗi một con đường xưa cô đều nhìn thấy bóng hình Kiên. Ở góc phố này là nụ hôn đầu cháy bỏng của anh, một ngày cuối đông tuyết tan. Ở vỉa hè kia, dưới một hàng hiên, cô đã nép trong vòng tay anh để tránh một cơn mưa tầm tã đến hơn tiếng đồng hồ, hai đứa trò chuyện huyên thuyên, trời tạnh lúc nào không biết. Còn ở con đường nhỏ rợp bóng cây ấy, cô đã gục vào vai anh khóc nức nở sau một trận cãi nhau kịch liệt rồi lại làm lành, hai tháng trước ngày họ chia tay mãi mãi... Bà Xvetlana rất ngạc nhiên và cảm động khi thấy Lan Chi biết rõ cả cái phố nhỏ của bà, một phố hoàn toàn chẳng có gì đặc biệt ở gần ga Kiev. Đành rằng Lan Chi đã sống ở thành phố này tám năm, nhưng Matxcơva rộng mênh mông, nhiều người sống ở đó cả đời cũng chưa chắc đã biết được hết tất cả các phố. Mà phố của bà thì có danh lam thắng cảnh gì đâu. Lan Chi chỉ cười, không dám khai thật rằng cô hay lui tới nơi này, vì ở gần đó có một "danh lam thắng cảnh" rất quan trọng đối với cô: một cửa hàng bán dụng cụ gia đình khá lớn, nơi thường bán nhiều mặt hàng được dân Việt Nam hồi đó ưa chuộng. Có những buổi chiều cùng Kiên đi "đánh quả" ở đó nhưng chẳng kiếm được gì, cô và anh bèn đi dạo lang thang và bao giờ cũng tạt vào cái phố nhỏ này, một con phố vắng lặng và thơ mộng, tách biệt hẳn thế giới náo động bên ngoài, dường như được làm ra để dành riêng cho các cặp tình nhân. Nếu cô không lầm thì họ đã từng có lần dừng lại hôn nhau ngay trước ngôi nhà mà có thời đã là nhà của bà. Có phải nhà số sáu mươi của bác là cái nhà bốn tầng có cây phong trước cửa, hàng rào xanh, cửa sổ xanh không ạ? Cây phong thì có đấy, còn hàng rào, cửa sổ tôi cũng không dám chắc nữa cô ạ. Bao nhiêu năm rồi, chắc người ta đã sơn lại nhiều lần. Bao nhiêu năm rồi còn gì...
Các món ăn đã được dọn lên bàn. Sâm banh sủi bọt trong các ly dành cho người lớn. Nước cam vàng óng trong những cốc nhỏ của lũ trẻ con. Mọi người cùng nâng cốc, chẳng biết chúc gì đặc biệt vào lễ Noel, cho nên cuối cùng tất cả đều chúc nhau điều có thể chúc vào bất cứ dịp nào là sức khỏe. Hai bé sinh đôi là hăng hái nhất với việc chạm cốc: chúng nhất định đòi đập cốc rõ to vào ly của từng người một, không chịu bỏ sót một ai.
Câu chuyện được đưa ra khai mào ở bữa ăn tiện nhất tất nhiên vẫn là chuyện thời tiết. Lan Chi nói: “Sao Noel năm nay buồn quá nhỉ, chẳng có lấy một bông tuyết rơi.” Trung bảo: “Hình như ở Paris mấy hôm rồi cũng có tuyết đấy, phải không má (mẹ anh gật đầu), nhưng tuyết thì có gì hay đâu, ở đây miền Nam ấm áp sướng hơn nhiều chứ.” “Đúng là vùng này ấm áp dễ chịu hơn Paris, - bà hàng xóm góp chuyện,- nhưng Noel mà lại không có tuyết thì tôi thấy không giống Noel. Ở Nga vào dịp này thì tuyết phủ trắng đường.” “Năm nào cũng vậy hả bà”, mẹ Trung hỏi. “Vâng, năm nào cũng vậy, tuyết rơi suốt bốn tháng mùa đông”, bà hàng xóm trả lời. Cu Nam hóng chuyện đến đây bèn kêu lên là bốn tháng tuyết rơi liền thì thích quá nhỉ, con thích đi trượt tuyết lắm. Trung bèn vỗ vào vai con trai rồi hứa để kỳ nghỉ sau ba sẽ đưa cả nhà lên núi Pyrenees trượt tuyết, chịu không?
Chuyện tuyết đến đây hình như là cạn ý. Mọi người bèn cúi đầu vào đĩa chăm chú ăn. Mẹ Trung ăn vài miếng rồi ngẩng lên, quay sang nói với con trai bằng tiếng Việt:
- Cái món gà tây rôti này ăn vài miếng thì được, chớ ăn nhiều ngán thấy mồ, sao Noel nào, nhà nào cũng cứ ăn hoài vậy?
- Thì nó đã thành tục lệ rồi, làm sao bỏ được. Cũng như bánh chưng bánh tét của mình đó má, - ông con trai trả lời.
- Bánh tét của mình ngon chớ, ăn đâu có ngán. So vậy sao được, - bà mẹ cãi.
Thấy tiếng nói chuyện, bà hàng xóm bèn ngẩng lên nhìn chăm chú. Nhận ra là người ta nói một thứ tiếng mà mình không hiểu, bà mỉm cười hơi ngượng nghịu rồi quay sang Lan Chi:
- Cái món gà tây này cô làm ngon quá, ăn nhiều cũng không sợ ngán, có phải cô làm theo kiểu Việt Nam không, lúc nào bày cho tôi cách làm với nhé.
- Không phải kiểu Việt Nam đâu bác ạ, - Lan Chi trả lời. - Cách làm này cháu học theo một quyển sách Pháp thôi. Thực ra về cơ bản cũng như cách làm thông thường, chỉ đặc biệt ở chỗ có một vài loại gia vị lạ và phải bơm thêm rượu vào dưới da gà cho đỡ ngán. Còn ở Việt Nam thì không có lệ ăn gà tây vào lễ Noel đâu, đúng hơn là không có ăn mừng Noel gì cả.
- Thế à! - bà Xvetlana tỏ ra sửng sốt.
- Vâng, à mà cháu cũng không biết chắc. Hồi trước thì không có, còn bây giờ thì không biết thế nào. Nghe nói ở châu Âu có gì Việt Nam bây giờ có hết. Nghe nói vậy thôi, chứ cháu đi lâu rồi nên cũng không biết nữa.
- Ở Nga bây giờ cũng thay đổi nhiều lắm, - bà hàng xóm thở dài. - Không như cái hồi xưa tôi ở đó...
Câu chuyện lại rộ lên quanh bàn ăn. Ở góc này mẹ Trung kể với con trai (bằng tiếng Việt) rằng nhà cô em gái anh ở Paris Noel năm ngoái cũng làm con gà tây to lắm, dễ đến bốn cân, cả nhà ăn hai ngày không xong, ngán quá phải đem vứt đi đến gần một nửa. Rồi bà kể tiếp đến chuyện nhà ông chú, xong chuyển sang nhắc đến người quen nào đó còn sống ở Sài Gòn, xong lại sực nhớ đến một người bà con bên Mỹ... Ở một góc bàn khác, bà Xvetlana và Lan Chi hồi tưởng (bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng Nga) những Noel ở Matxcơva. Rồi cô kể cho bà nghe Noel ở Hà Nội của cô, không có tuyết nhưng cũng lạnh cắt da và thỉnh thoảng lại mưa phùn bác ạ, người ta không ăn gà tây ở nhà, nhưng thanh niên đi ra đường đông như trảy hội, vui lắm, quanh Hồ Gươm đông nghịt toàn người là người...
Sau lễ Noel, Trung được nghỉ hai ngày liền. Lâu lắm rồi bữa ăn sáng mới quây quần cả nhà đông vui như vậy. Sáng hôm ấy, trong lúc ngồi ăn, mẹ Trung bảo: “Mai là ngày rằm, má ăn chay đó.” Rồi bà hỏi: "Hai đứa xem liệu ngày mai có đưa má lên chùa được không, à mà ở đây có cái chùa nào không vậy?" Chuyện chùa chiền thì vợ chồng Lan Chi chịu không có khái niệm gì. Trung bèn gọi điện hỏi bà Thanh, một người quen, sống ở thành phố này đã mấy chục năm. May quá túm đúng được chuyên gia. "Chùa thì thiếu gì, - bà Thanh bảo, - nhưng má cháu muốn đi chùa nào?" "Chùa nào cũng vậy thôi, - Trung lúng túng, - có cái nào gần gần của người Việt mình là được". "Ấy, không đại khái vậy được đâu, - bà Thanh kêu lên trong điện thoại. - Thì toàn là chùa của người Việt mình đó chớ, nhưng có đến năm bảy cái, năm bảy hội khác nhau, ông nào cũng thờ Phật hết nhưng mỗi ông thờ một kiểu, cách thức khác nhau, khác nhau nhiều thứ lắm, hội nào đi chùa của hội đó thôi. Vậy má cháu thường đi chùa nào ở Paris?" Đến đây thì Trung đành chịu, anh chuyển máy cho mẹ anh nói chuyện trực tiếp với bà Thanh. Hóa ra mẹ anh cũng là người đã dạn dày kinh nghiệm và chính kiến vững chắc trong lĩnh vực này. Hai bà trao đổi với nhau sôi nổi một hồi, rồi cuối cùng mẹ Trung cũng chọn được một cái chùa phù hợp. Hơi xa một tí, cơ ngơi thì cũng hãy sơ sài, chỉ là một căn phòng ở tầng trệt của một cư xá thôi, nhưng các mặt khác thì đều hợp ý bà cả. Vậy là tốt rồi, thờ Phật tại tâm chớ đâu phải hơn kém nhau cái chỗ chùa to chùa nhỏ.
Sáng hôm sau, Trung đưa mẹ lên chùa. Lan Chi vào phòng ngủ thắp một nén hương trên cái tủ thấp kê ở góc phòng. Ở đó có tấm ảnh đã ố vàng của một người phụ nữ ba mươi nhăm tuổi, trẻ hơn cô hiện nay. Mấy chục năm rồi, vào ngày này bao giờ Lan Chi cũng thắp hương. Bao giờ cô cũng khóc. Mấy chục năm rồi, vết thương chỉ dịu đi chứ không lành hẳn được.
Hai mẹ con Trung đi chùa về khi Lan Chi đang lúi húi chuẩn bị bữa ăn trưa trong bếp. Vừa bước vào cửa, mẹ Trung nhận ngay ra mùa hương. Bà thắc mắc sao ở nhà lại cũng thắp nhang vậy? Trung thoáng giật mình, hình như lúc này anh mới nhớ ra, anh hạ giọng nói với mẹ rằng hôm nay là ngày giỗ bà ngoại lũ nhỏ đó. Mẹ Trung im lặng không nói gì. Không ai nói gì nữa cả. Mọi người đều biết mẹ Lan Chi mất năm 1972 ở Hà Nội, trong một trận bom B52.
Bữa trưa, món gà tây Noel còn thừa lại được bê ra. Lan Chi rán thêm mấy cái nem vì lũ trẻ không muốn ăn gà tây nữa. Mẹ Trung ăn chay thì có đĩa rau và đĩa đậu phụ riêng. Mùa hương từ phòng ngủ đưa ra làm không khí trầm lắng hẳn. Chỉ có ba đứa trẻ là đùa nghịch trêu ghẹo nhau chí chóe, còn người lớn ai nấy ngồi ăn chẳng nói năng gì. Cuối bữa, mẹ Trung buông đũa rồi quay sang bảo con trai: "Tháng sau là giỗ ba mày. Định làm ở nhà chú Cừ cho nó tiện và mời được bà con đông đủ. Con tính xem rồi cố thu xếp để lên Paris. Năm nay là vừa đúng hai mươi năm rồi đó."
Hai mươi năm trước, mẹ Trung được gọi đến nhận vài thứ kỷ vật của ba anh, sĩ quan của quân đội Sài Gòn cũ, chết bệnh trong một trại cải tạo ở vùng núi phía Bắc. Sau ngày này, cả gia đình Trung rời Việt Nam.
Trung không lên Paris ngày giỗ ba anh được. Bệnh viện đang lúc thiếu người, không thể tìm được một bác sĩ khác để tạm thay anh dù chỉ một hôm. Mẹ anh buồn. Trung cũng buồn và áy náy, nhưng anh hứa với mẹ là ít ngày nữa, đến Tết ta, anh sẽ đưa cả nhà lên Paris cùng ăn Tết, rồi thắp nhang luôn cho ba. Tết âm lịch năm nay rơi đúng vào kỳ nghỉ đông tháng hai của bọn trẻ con, Lan Chi không phải đi làm, Trung cũng đã xin được nghỉ vào ngày hôm đó.
Vậy là đúng ngày ba mươi Tết cả nhà có mặt ở Paris. Đi máy bay thì chỉ hơn một tiếng đồng hồ, nhưng lũ trẻ cứ nhất quyết đòi đi tàu hỏa. Lan Chi cũng cùng ý thích như con nên Trung đành miễn cưỡng đầu hàng. Kết quả là hôm đó cả nhà phải dậy từ sáng sớm, chỉ kịp ăn sáng qua quýt vài miếng rồi chạy vội ra ga, vậy mà đến quá trưa bầu đoàn thê tử mới lếch thếch kéo nhau tới Paris được.
Hạnh, em gái Trung, ra đón anh chị và các cháu ở ga rồi lái xe chở mọi người về thẳng nhà mình. Gia đình cô sống trong một căn hộ bốn phòng, ở tầng ba của một tòa nhà xây theo kiểu cũ, trần rất cao. Mẹ Trung cũng sống trong tòa nhà này, bà có căn hộ một phòng ở ngay tầng trệt. Thành thử, tuy là con gái đã lấy chồng, ở riêng, mà mẹ con bà cháu vẫn được gần nhau.
Vào đến nhà Hạnh, lập tức thấy mùi phở bò thơm ngào ngạt. Hạnh bảo biết anh chị đi tàu mệt và háo lắm, nên em nấu phở bò cho nó dễ ăn, còn cỗ giao thừa thì tối nay mình qua ăn bên chú Cừ, chú thím đã hẹn trước rồi. Mọi người đều đói ngấu nên ngồi vào ăn ngay, không đợi mời đến lần thứ hai. Trung ăn nhoáng một cái đã xong bát phở to đùng, cô em gái lại tất tả làm thêm bát khác. Bốn mẹ con Lan Chi ăn từ tốn hơn. Lan Chi ăn chậm phần vì còn mệt, phần vì thói quen, còn ba đứa trẻ thì rõ ràng không thích ăn phở lắm. Chẳng cần tinh ý cô Hạnh cũng nhận thấy điều này, cô hỏi:
- Sao, ba đứa không thích ăn phở hả? Có phải tại phở cô nấu khác phở mẹ nấu không?
- Không phải vậy đâu, - Lan Chi trả lời thay con.- Tại bọn này nó không thích ăn những món nhiều nước lõng bõng. Phở, bún hay miến mì gì cũng vậy thôi.
- Vậy thì cũng giống con Linh nhà này, - cô Hạnh bảo. Rồi cô động viên lũ trẻ: - Các con ráng ăn một chút cho đỡ đói nghen, ngoan rồi mai cô cho đi ăn McDonald với thằng Vinh, con Linh.
Trẻ con cả hai nhà vừa a lên mừng rỡ thì bà chúng đã lừ mắt bảo con gái: "Mai mùng một Tết, thiếu gì cái ăn, sao lại đi ăn McDonald? " "Tại con quên mất", Hạnh cười xí xóa rồi quay sang hỏi Lan Chi:
- Phở em nấu kiểu Sài Gòn vậy chị ăn được không?
- Ăn được chứ, - Lan Chi trả lời. - Có phở ăn là thích rồi. Phở Sài Gòn hay phở Hà Nội thì mình đều thấy ngon cả..
- Dân Bắc nhiều người ăn phở Sài Gòn riết rồi lại ghiền hơn phở Hà Nội đó, - Hạnh nói. - Người ta cứ bảo phở Hà Nội thanh, chớ em thấy nó hơi lạt lẽo, lại ít rau, chỉ có vài cọng hành lơ thơ, không đậm đà phong phú như phở Sài Gòn.
"Đừng có dại mà sa vào cái trận chiến muôn thuở này", Lan Chi tự nhủ. Nghĩ vậy, nhưng nuốt miếng phở đang ăn dở trong miệng xong, cô lại quay sang nhìn em chồng, cười thật hiền rồi nói rất nhẹ nhàng:
- Ừ, đúng đấy, phở Sài Gòn ai ăn quen như mình thì thấy cũng ngon lắm. Nhưng người không quen thì họ kêu là cho nhiều đường thành ra hơi ngọt lợ. Với lại ăn kèm giá nó không hợp, cứ tanh tanh thế nào ấy. Rau cho đủ loại cũng hơi hổ lốn, chả vị nào ra vị nào cả.
Trung vừa giải quyết xong hai bát phở bèn ngẩng lên cười bảo: "Lại bắt đầu rồi. Thôi dẹp đi hai bà. Hôm nay ngày Tết đó. Tranh luận mấy cái thứ này thì vài chục năm nữa cũng chưa xong."
Vài chục năm nữa thì chưa biết có đúng không, nhưng trên thực tế cuộc tranh luận này suýt nữa đã kéo dài từ năm cũ sang năm mới. Bữa ăn tất niên ở nhà ông chú, nó lại thập thò xuất hiện ở bàn tiệc, lúc thì dưới dạng cụ thể "bánh tét - bánh chưng", lúc thì ở mức khái quát "Tết Nam - Tết Bắc". Nhưng lần này Lan Chi nhất quyết không chịu tham chiến, phần vì đã ngán, phần nữa lại biết mình thân cô thế cô, sức mấy đọ lại được với một lực lượng áp đảo dễ đến hai chục người của bà con họ hàng nhà chồng. Cô bèn đóng vai gái ngoan nghe lời chồng dạy, đáp lại mọi nhận xét có tính chất "khiêu chiến" bằng một nụ cười tủm tỉm, chẳng ra phản đối, chẳng ra đồng tình. Cuộc tranh luận được nhen lên nhưng thiếu người đối đáp nên đâm ra chết yểu.
Cảm giác rõ rệt nhất mà Lan Chi lưu giữ lại từ bữa tiệc tất niên này là quá đông và quá ồn ào. Hơn hai chục người dự tiệc trong căn phòng rộng thênh thang, tiệm ăn của nhà ông chú: bà thím đã đóng cửa tiệm để ăn tết trong gia đình. Nhưng bữa tiệc gia đình này không có gì giống với những bữa ăn đêm ba mươi Tết đầm ấm ở nhà Lan Chi ngày xưa. Ngoài bánh tét cũng có cả bánh chưng (không biết vì mọi người thích ăn cả hai thứ bánh, hay chỉ do chiếu cố đến cô con dâu Bắc Kỳ?), nhưng bánh chưng Paris ăn không thấy giống bánh chưng Hà Nội, không buộc lạt, mà lại buộc bằng dây nylon. Lại thêm mấy quả dưa hấu to đùng, kiếm được ở Pháp mùa này là một thành tích không nhỏ. Trung bảo ăn dưa hấu nhớ Tết Sài Gòn quá, nhưng đối với Lan Chi, quả dưa ngày Tết này chẳng khác gì món gà tây Noel.
Vui nhất có lẽ chỉ là khi bữa tiệc đã tàn, lũ trẻ con trổ tài biểu diễn múa hát. Đầu tiên, bà thím đem cô cháu ngoại ra khoe: cô bé sáu tuổi, xinh như một con búp bê, mắt đen láy trong veo, giọng hát cũng trong veo và đặc biệt là hát rất diễn cảm và đúng nhạc.Điệu đàng trong chiếc áo dài màu đỏ xinh xắn may vừa khít, cô bé hát luôn ba bài, hai bài tiếng Pháp và một bài tiếng Việt về trăng Trung Thu, không hợp cảnh lắm, nhưng hát tiếng Việt mà hay được như thế thì đã là quá giỏi. Tất cả mọi người vỗ tay nhiệt liệt. Thế là trẻ con các nhà khác, được bố mẹ chúng khuyến khích, cũng hăng hái xông ra. Sau khi hai đứa con của Hạnh trình diễn xong một tiết mục song ca, Hạnh bèn quay sang hỏi: “Ba anh em cu Nam chắc cũng biết hát chớ?” Ba đứa đã nhấp nha nhấp nhổm muốn lên biểu diễn từ lâu, nhưng còn e ngại vì là người lạ, nay thấy cô hỏi vậy phấn khởi đứng lên ngay. Cu Nam chọn bài hát và lĩnh xướng, hai bé sinh đôi ra sức gân cổ hát theo anh. Ba đứa say sưa hát liền một lúc ba bài hát trẻ con tiếng Pháp, hết "Au clair de la lune” đến "Il était un petit navire”, xong lại "Joli tambour". Được mọi người cổ vũ bằng những tràng pháo tay sôi nổi, cu Nam phấn khởi bèn quyết định gây ấn tượng với dân Paris bằng bài hát tủ của mình: ba anh em liền hát tiếp bài hát thứ tư, một bài hát người lớn mà chúng rất thích và thuộc làu do nghe đĩa CD của mẹ: " À toutes les filles que j ai aimées avant”. Khỏi phải nói bài hát đã thu được thành công lớn đến thế nào: mọi người vừa cười nghiêng ngả vừa vỗ tay không ngớt, mà người vỗ tay to nhất có lẽ là ông bố của ba đứa. Khi tiếng vỗ tay lắng lại, bà nội hỏi: "Ba đứa có biết bài hát tiếng Việt nào không? Hát hay lắm, nhưng Tết ta sao toàn hát bài tây vậy? Má bầy nhỏ không dạy con hát tiếng Việt à?". Lan Chi cười chống chế: " Hồi nhỏ bọn nó cũng biết nhiều bài hát tiếng Việt lắm ạ. Con có mấy cái băng nhạc cũ mang đi từ Việt Nam, bọn nó nghe rồi hát theo được hết. Nhưng lớn lên, đi học ở trường cả ngày, chúng nó đâm ra quên dần bài hát Việt Nam." Cu Nam cãi lại ngay: "Có bài con vẫn thuộc đấy chứ mẹ!". "Bài nào, hát thử coi", bà nội bảo. " Bài "Hà Nội, niềm tin và hy vọng", cu Nam trả lời. Một thoáng im lặng. Rồi bà nội bỗng à lên như vừa mới sực nhớ ra, bà bèn quay sang nhắc cô Hạnh tuần sau phải gọi thợ đến sửa lại cho bà cái lò sưởi. Trung và Lan Chi cười cười nhìn con trai, chưa biết nói sao thì cu Nam chạy đến bên mẹ, bảo: "Con thuộc thật đấy, ba mẹ không tin con hát cho mà xem". Lan Chi dịu dàng vuốt nhẹ tóc con: "Mẹ tin, mẹ tin chứ. Nhưng hôm nay hát thế nhiều rồi. Để lần sau con nhé."
Mùng một Tết là ngày chủ nhật. Đêm hôm trước, sau bữa tiệc tất niên, lúc vợ chồng nằm trong giường, Lan Chi vừa định nói chuyện với Trung thì anh đã đoán ngay được ý vợ và bảo: "Mình còn ở đây nốt ngày mai thôi. Mai em tranh thủ ghé thăm Thanh Hoa đi. Để con anh giữ cho. Anh sẽ dẫn bọn nhỏ đi chơi với lũ con nhà Hạnh."
Để đền bù cho lũ trẻ chuyện không được đi ăn McDonald ngày mùng một Tết, Hạnh và Trung quyết định cho chúng đi chơi Disneyland. Lan Chi ấn vào tay chồng một cái túi to, nào khăn mùi xoa, nào nước uống, nào bánh phòng khi bọn trẻ đói, nào áo quần dự trữ nhỡ đứa nào ngã bẩn hay uống nước rớt ra còn có cái thay... Trung phải sốt ruột kêu lên:" Mấy ba con đi chơi không có mẹ mỗi một buổi thôi mà mẹ làm như xa cả năm vậy." Sau khi lặp lại đến lần thứ ba những lời dặn dò cho cả bốn bố con, Lan Chi tiễn Trung và ba đứa trẻ cùng mẹ con Hạnh ra ôtô rồi đi đến nhà Thanh Hoa bằng tàu điện ngầm.
Bốn năm rồi họ mới lại gặp nhau. Thanh Hoa nhìn Lan Chi vẻ xót xa rồi bảo:
- Tao thấy mày hơi gầy đi đấy.
- Một chồng ba con rồi còn béo làm sao được, - Lan Chi đáp. - Mà mày cũng gầy đi thì phải. Có sụt cân không?
- Sụt hai cân so với trước đây vài năm. Thôi thế là vừa. Khỏi phải thể dục, khỏi phải ăn kiêng để giữ co nữa nhé.
- Tuổi bọn mình bây giờ phải béo mới sang Hoa ạ. Gầy như tao với mày về nước thế nào cũng bị chê là số vất vả.
- Thì vất vả thật chứ còn gì, - Thanh Hoa cười.- Chục năm rồi chẳng được ăn một cái Tết nào cho ra hồn. Ở Việt Nam có ai vất vả đến thế không?
Rồi Thanh Hoa than thở: "Hôm qua mua một cái bánh chưng ở chợ về, thấy sao mà quái dị. Đã một lớp lá bên trong, lại phải thêm một lớp giấy nylon bên ngoài. Mở ra ăn, thấy nếp đỗ thịt đủ cả, không biết thiếu cái gì, mà sao ăn chẳng giống bánh chưng. Bực mình chỉ muốn mua gạo mua lá về tự gói, nhưng chồng con có ai thích ăn đâu, ăn một mình thì chẳng bõ công gói. Đấy, mấy hôm vừa rồi thấy thèm canh măng quá bèn ninh một nồi rõ to cho có không khí Tết, mà chồng con mỗi người chỉ nếm thử một hai thìa rồi thôi, mình tao ăn chắc phải đến Tết sang năm mới xong. Tết năm ngoái đi chợ thấy có quả gấc đẹp quá lại còn hứng chí vác về nấu đĩa xôi, lão kia (Thanh Hoa hất đầu chỉ về phía ông chồng đang ngồi đọc báo ở góc phòng) ăn một miếng tí teo rồi lịch sự rút lui chẳng phát biểu gì. Còn mấy đứa nhóc không được lịch sự như bố nó nên bảo thẳng: "Khiếp, mẹ nấu món gì mà kinh thế." Từ đó tao cạch, không trổ tài nấu các món ăn dân tộc nữa mày ạ. Chả ai hưởng ứng mình cả, mà mình thì Noel nào cũng chịu khó gặm gà tây với chúng đấy chứ, mày bảo thế có bất công không? À, may còn món nem thì cả nhà đều thích, nên tao phải tích cực làm nem cho bố con nó ăn, chứ không dám mua ở chợ. Nem mua chợ họ cho đường ăn ngọt khé cổ, hỏng khẩu vị đi mình..."
Pascal, "lão kia", ngồi đọc báo, chẳng hiểu được câu tiếng Việt nào, nhưng chắc nghe giọng điệu của Thanh Hoa, rồi nhìn vẻ mặt của cô và cái hất đầu hướng về phía anh, anh cũng đủ hiểu là vợ mình đang kể khổ, và kẻ phải chịu trách nhiệm về nỗi thống khổ bao la ấy đích thị là mình chứ không còn ai khác. Hẳn là để lập công chuộc tội (hay cũng có thể do đã bàn trước với Thanh Hoa?), anh đứng dậy lại gần hai người, mỉm cười ra chiều thông cảm và bảo rằng hôm nay là Tết Việt Nam, lại chẳng mấy khi có Lan Chi đến chơi, nếu Thanh Hoa muốn dẫn bạn đi chơi Paris thì anh xung phong quản lý lũ nhóc và chịu trách nhiệm cơm nước, cứ đi đi rồi tí nữa về là có cơm ăn. Thanh Hoa bảo anh trông hai đứa trẻ không để xảy ra chuyện gì là được rồi, còn ăn uống thì bọn này đi chơi tiện đâu ăn đấy (cô quay lại thì thầm với Lan Chi: "Đừng có dại ăn cơm lão ấy nấu!"). Lan Chi hỏi: "Mày định đi đâu?" "Đi dạo loăng quăng ngoài đường một chút cho thoáng, đâu chả được. Hôm nay mùng một, đi hái lộc!"
Gọi là hái lộc chứ lấy đâu ra lộc mà hái. Hai người đi lang thang trên đường phố, nhìn bất cứ cái gì cũng nhớ đến Tết ở quê hương. Ngày chủ nhật, người đi chơi ngoài đường khá đông vui, Lan Chi bảo nếu mình ở Hà Nội thì giờ này cũng đang đi chúc Tết đấy. Thấy một quầy bán hoa, Thanh Hoa kêu nhớ cái lần cuối bọn mình cùng đi chợ hoa Hàng Lược quá, hôm ấy hai đứa mua được hai cành đào đẹp ghê người, chỉ phải cái hơi đắt, Chi nhớ không, cứ như mới ngày nào Chi nhỉ. Hơn hai chục năm rồi, còn mới mẻ gì nữa, hồi ấy bọn mình chỉ có mười bảy tuổi thôi mà Hoa... Rẽ vào một phố vắng, đi ngang qua một biệt thự, thấy trong vườn nhà người ta có cây gì nở hoa na ná giống hoa đào, Thanh Hoa bảo: "Bây giờ già rồi nên bắt buộc phải đứng đắn, chứ không tao đã nhảy vào kia bẻ trộm một cành về cắm cho đỡ nhớ hoa đào. Không có ngày nào trong năm thấy nhớ nhà như ngày Tết ta, Chi ạ."
Đi một lúc đã đến giữa trưa, Thanh Hoa nói xem gần đây có hiệu nào ăn được thì ghé vào ăn tạm. "Hôm nay Tết ta, mình vào ăn quán Việt Nam đi", Lan Chi đề nghị. "Thôi, ăn Việt Nam làm gì chán lắm, - Thanh Hoa gạt đi. - Gọi là Việt Nam chứ ta chẳng ra ta, Tàu chẳng ra Tàu. Món nào cũng có, món nào cũng hơi giông giống, nhưng chẳng món nào đúng hẳn, ăn cứ như ăn của giả. Ngày Tết ăn như thế càng thêm nhớ nhà. Muốn ăn món ta thì để khi nào về Hà Nội ăn cho bõ. Còn bây giờ ở đây mình đi ăn món Pháp cho xong."
Vào một hiệu ăn tình cờ ở dọc đường, Lan Chi chọn món cá hấp, Thanh Hoa gọi miếng thịt bò bifteck nướng đúng kiểu Pháp, bên trong còn hồng hồng, nước đỏ chảy ra. "Không sợ bò điên à?", Lan Chi hỏi. "Sợ gì, bây giờ muốn điên cũng không phải dễ đâu", Thanh Hoa cười đáp.
- Vợ chồng mày dạo này thế nào?, - ăn được một chút, Thanh Hoa bỗng hỏi.
- À, bình thường thôi, vẫn chịu đựng được nhau, - Lan Chi trả lời.
- Chịu được nhau là tốt rồi. Tao với Pascal cũng vậy. Thế mẹ chồng mày bây giờ ra sao?
- Không có vấn đề gì.
- Quá trình hòa giải hòa hợp dân tộc vậy là tiến triển tốt hả? - Thanh Hoa cười hỏi.
- Sự thể đã thế, không hòa giải thì mày bảo còn làm gì nữa? - Lan Chi cũng cười theo. Rồi bỗng nhiên, cô đổi đề tài:
- Lâu nay mày có tin tức gì của Quân không, Hoa?
- Hình như hiện giờ hắn dạy đại học ở Mỹ hay Canađa ấy, tao cũng không rõ lắm. Mấy năm trước thì hình như ở Anh. Nghe nói hắn có vợ và một con trai rồi thì phải. Toàn là nghe nói thôi, chứ hơn chục năm rồi có lúc nào thư từ cho nhau đâu mà biết rõ được. Còn Kiên ra sao, mày biết tin tức gì của hắn không?
- Cũng toàn tin cũ và tin "nghe nói" thôi. Thấy bảo Kiên vẫn ở Hà Nội, vợ con đề huề, làm giám đốc công ty gì đó, có biệt thự to hơn đứt bọn mình ở đây.
Im lặng một chút, rồi Thanh Hoa thở dài:
- Tao không bao giờ hiểu nổi vì sao hồi đó mày và Kiên lại bỏ nhau. Yêu nhau dữ dội như Romeo và Juliette, vậy mà đùng một cái...
- Thời đại này chết vì tình hết mốt rồi. Càng Romeo - Juliette thì lại càng dễ tan.
- Nhưng tại sao bọn mày lại bỏ nhau? Có chuyện gì vậy? Bao nhiêu năm rồi, tại sao không khi nào mày chịu kể cho tao nghe chuyện gì đã xảy ra?
- Tại vì chính tao cũng không biết rõ chuyện gì đã xảy ra, - Lan Chi nói. - Có lẽ vì tất cả. Vì Kiên, vì tao, vì hoàn cảnh. Mọi sự đã thay đổi rất nhiều sau khi mày rời khỏi Matxcơva, Hoa ạ.