Cơn nắng rỡ đầu tiên của suốt hơn tháng trời mưa dầm dề trải trên thôn xóm một màu sắc tươi sáng mới. Nếu không có mấy hàng sầu đông trơ trụi lá, nếu không nhìn thấy những vũng nước còn lầy lội ở ven đường, dưới bụi cỏ, thì người ta vẫn tưởng mùa thu vẫn còn đâu đó với đất trời, hoặc chắc hẳn mùa xuân đã trở mình.
Uyên nhìn ra ngoài trời. Bầu trời vui vui trong cơn gió nhẹ và những áng mây mỏng manh bay bay thật nhanh. Những cơn mưa đã bị đuổi về tận chân trời. Tiếng bà Năm vọng vào từ những hàng dây phơi quần áo ngoài sân:
- Trời nắng một chút chớ. Mưa hoài bắt thúi đất còn chi. Cho người ta ló mặt ló mày với thiên hạ…
Uyên mỉm cười. Nàng đứng dậy bước ra sau. Những cụm tơ hồng vàng sinh sản tràn lan khắp một phần cái hàng rào chè tàu rậm. Cái hàng rào hơi nghiêng về phía ngoài đường bởi cơn gió lớn và mưa to mấy bữa trước. Nắng phủ lên người Uyên một cảm giác nồng ấm, thoải mái. Đàn gà con mới nở được nửa tháng (chúng thoát khỏi cái vỏ kín giữa một đêm mưa gió) chim chíp theo mẹ. Mấy cái mỏ hồng hồng xinh xinh quọt quẹt lên nền đất xới nhờ bàn chân sắc bén của mẹ gà. Uyên quay vào trong lấy ra một nắm thóc nhỏ. Nàng tung lên từ từ rồi thích thú theo dõi những bước chân loạn xạ của mấy chú gà con lông nõn như bông gòn.
- Nếu được điền viên mãi thế nầy thú thật…
Uyên giật mình ngẩng lên. Thầy giáo Hùng đã đứng ở cổng tự hồi nào. Hùng gật đầu chào Uyên vừa cười vừa tiến lại. Bầy gà con sợ hãi chạy tán loạn. Uyên trách vui:
- Trời đánh tránh bữa ăn. Anh phá bữa cơm sáng của bầy gà con rồi đó.
Hùng cười:
- Chắc tôi xuống địa ngục. Như vậy là không gặp được cô nữa rồi.
- Mời anh vào nhà…Hôm nay trời nắng đẹp ghê. Nhưng ở đây lại chỉ quanh quẩn trong nhà rồi ra sân chứ không biết làm chi cho hết ngày… Mời anh uống nước…
Hùng nâng ly nước xoay xoay trong lòng bàn tay. Chàng ngập ngừng vì cũng không biết là mình đến nhà Uyên để làm gì nữa. Buổi sáng thức dậy, thấy trời đẹp, Hùng thay quần áo định đi dạo xóm một lần. Thế rồi bỗng nhiên thấy mình đi vào ngã nhà Uyên và đến đây luôn… Nhưng chẳng nhẽ lại nói thật ra điều đó…Chàng buột miệng bất ngờ:
- Tôi đến trả cô quyển sách mượn hôm qua.
Uyên cười tinh quái:
- Thế sách của tôi đâu.
Thế là chết rồi. Hùng than thầm trong bụng. Nói dối kiểu nầy không xong tí nào… Hùng đành lắc đầu cười trừ, cuối cùng thú thật:
- Buồn quá, tôi định đi dạo xóm, không ngờ quen chân đến ngay nhà cô… Cũng may là có cô ở nhà…
Chàng tiếp luôn:
- Nhân tiện mình bàn lại về chương trình sẽ làm trường nay mai, nhân cơ hội trời khô ráo…
Nhắc đến chuyện trường, Uyên chắc lưỡi :
- Khổ ghê. Anh biết từ buổi họp đó, ông Hiệu ngó bộ giận anh lắm.
Hùng cười:
- Không lẽ lại đi giận những lời nói phải. Có mất mát gì ông Hiệu đâu. Theo tôi nghĩ còn có lợi nữa. Ổng không làm thì phải biết vui mừng khi thấy có người làm việc chớ…
- Bởi vậy mới có chuyện chớ anh. Thiệt khi tôi còn đi học không bao giờ nghĩ là người ta có thể thờ ơ trước công việc như rứa… nhất là nghề giáo… bây chừ ra trường gặp mấy cái chuyện ni tôi bực cả mình.
- Để tuần sau họp lại, tôi đặt vấn đề rõ ràng hơn, bắt mọi người phải có ý kiến thực tế….
- Đôi lúc tôi nản hết sức , nhưng mỗi lần nhìn mấy em học trò tôi thương chúng chi lạ…
Hùng cười:
- Cô giáo như thế nầy chắc học trò mến lắm…
Uyên cũng cười bảo:
- Mình cho ai cái gì mình cũng sẽ gặp những điều y hệt vậy. Nhân quả mà anh…
Chim vẫn hót ngoài cây mít rậm lá. Trời vẫn xanh, và nắng nồng nàn trên vạn vật. Có bước chân của mấy con trâu nhàn hạ…
- Gia đình của cô Uyên ở đâu nhỉ? Sao những ngày nghĩ cô không về nhà…
Uyên cười lắc đầu:
- Cũng xa chớ anh. Ở Huế, trong thành nội đó.
Hùng lắc đầu:
- Thành nội… tôi chưa biết Huế ra làm sao cả. Hồi đổi về đây dạy tôi có đi xe ngang Huế. Thấy cầu Trường Tiền, Phu vân Lâu, mấy cái mái xưa của tử cấm thành rồi thôi…
Uyên cười:
- Anh thấy được sông Hương, thấy được cầu Trường Tiền và Phú Vân Lâu là anh đã thấy hết Huế rồi chi nữa. Đi đâu người ta cũng tượng trưng bằng ba cảnh đó.
- Chắc cô ở Huế lâu, gốc cô ở đó?
- Không tôi sống ở Huế 3 năm với gia đình… Trước kia gia đình tôi ở Đà Nẵng. Ba tôi người Bắc, má tôi người Quảng.
Hùng mở to mắt ngạc nhiên:
- Ủa, thì ra thế… Hèn gì giọng cô nói là lạ…
Thế rồi không ai nói với ai câu gì nữa. Sự im lặng bất ngờ mang một vẻ yên tĩnh khác thường. Nắng rỡ ràng ngoài sân và bóng mát những cây chuối, cây ổi lung linh theo gió. Sự yên tĩnh hòa hợp với thiên nhiên với bầu không khí miền quê và với cả tâm hồn của hai người nên không nhuốm màu nhạt nhẽo mà trái lại thân mật êm đềm vô cùng.
- Thưa cô… thưa thầy…
Hai đứa học trò gái lớp Uyên thập thò ngoài cổng… Thấy Hùng, chúng ngại ngùng không dám vào… Uyên rời ghế đứng dậy ngoắc chúng:
- Vào đây Tâm, Yến… Có chi mà sợ…
Hai đứa học trò bẽn lẽn bước vào lí nhí cái gì không rõ. Chúng thúc vào hông nhau, hếch vào chân nhau. Uyên thấy vậy cười nói:
- Vô đây…Ngồi ghế đi… Biết thầy Hùng, thầy mới đổi về dạy ở trường mình… Còn đây là Tâm… tóc dài, Yến tóc hoe nắng đó… học lớp của tôi… Yến có biệt tài hát vọng cổ với hò Huế, văn nghệ nhất lớp mà cũng học giỏi nữa. Tâm thì lại giỏi về Toán. Con trai cũng không bằng…
Hai cô học trò được cô giáo khen vừa vui sướng vừa thẹn thùng. Chúng cúi mặt vào tay nhau cười nhè nhẹ. Yến lôi trong túi ra một quả ổi vàng vỏ tròn to, mịn màng đưa cho Uyên hai tay, miệng lí nhí:
- Mấy đứa em tặng cô trái ổi. Trái ổi ở nhà em đó…
Uyên cười:
- Rứa là học trò biết tẩy cô giáo rồi. Vua thèm ổi…
Hùng cũng cười nói:
- Học trò vùng nầy thương cô giáo quá nhỉ, chả bù vùng tôi, học trò phần đông là người Việt gốc Campuchia, nói tiếng Khơme nhiều hơn tiếng Việt, buồn lắm…
Yến và Tâm mở to mắt nhìn Hùng. Tâm dạn dĩ hỏi:
- Thầy dạy tiếng Khơme…
Uyên lắc đầu cười giải thích:
- Không phải mô, vùng Cà Mau nhiều người lai lắm…
Tâm hỏi Uyên:
- Cà Mau ở mô vậy cô?
Yến nói hớt:
- Chỗ cái nghéo ở cuối bản đồ Việt Nam đó tề…
Uyên khen:
- Đúng rồi.
Khi hai đứa học trò gái ra về thì Hùng cũng từ giã Uyên. Gian nhà trở nên vắng lặng lạ thường. Bên ngoài nắng đã lên cao xua bớt hơi lạnh. Nắng lỗ chỗ qua vách phên như những quả trứng gà vàng óng trên mặt đất, lớn nhỏ đủ thứ.
Uyên lại bàn viết lấy giấy ra định viết thư về nhà. Cầm cây bút, với trang giấy trắng tinh, bỗng nhiên Uyên thấy buồn buồn một cách nhẹ nhàng. Nỗi buồn dịu và mướt như bước chân trên tấm thảm nhung mềm. Một gợn nhẹ, một xao xuyến, lâng lâng. Uyên bỏ bút tì cằm vào bàn trên cuốn tự điển lớn dõi mắt ngoài sân… Óc trống rỗng…
Một con chim cất tiếng hót trong trẻo trên những cành hoa dừa vàng ngà. Uyên sực tỉnh, cúi xuống trang giấy mỏng. Nàng viết thư, nhưng không cho gia đình mà cho Thúy người bạn gái thân.
Hải lăng… ngày … tháng… năm…
Thúy thương,
Uyên được thư của Thúy cả nửa tháng nay, nhưng không làm cách nào để viết thư thật nhanh cho Thúy như Thúy đã ra lệnh. Lý do ở sức khỏe tồi tệ của Uyên. Đau luôn một lèo 8 ngày đúng. Mấy ngày đau buồn ghê. Hồi trước, mỗi lần đau yếu là có ba, có mạ, có anh Hải dỗ cho uống thuốc, có Thúy tới chơi còn mua ô mai, nhãn nhục. Thiệt bữa ni đúng là ăn mặn khát nước. Chẳng có ma mô thăm viếng mình ngoài mấy đứa học trò. Cũng may, nếu không có học trò thì chắc mình khăn gói về sống cuộc đời ngồi mát rồi.
Nghe ta hỏi đây nầy, chuyện nhà ngươi với tên Hoàng đến đâu rồi. Sao thư trước ngươi ríu rít kể chuyện, thư ni người im lìm như bức thư của nữ hoàng sầu muộn. Giận nhau rồi hả. Tội nghiệp chưa. Phải chi có ta thì chắc ta phải làm cho ngươi giảng hòa với anh ngươi rồi phải không? Thú thiệt đi, rồi ta khuyên giải cho. Chớ cứ viết thư kiểu mùa thu lá rơi như rứa là Uyên không chịu mô nghe. Nhớ nằm lòng đi. Liệu liệu đó.
Còn chuyện ta ở Hải Lăng ni ra sao hả? Thì đã nói rồi, cứ như vậy thôi…À, có một chuyện là trường mình mới gia nhập một thầy giáo mới , còn trẻ, nhưng đáng phục lắm…Thúy nhớ câu chuyện trường học mà Uyên kể cho Thúy nghe đó…Hôm họp giáo viên, Uyên đưa ý kiến…anh chàng đồng ý với ta ghê lắm. Nhà mi cứ nói là không bao giờ có người khác quan niệm nghề giáo như ta hả…Thì bây giờ có rồi đó …Người ta có cái tên cũng thiệt đẹp: Hùng…Mới trông hao hao giống Hoàng của Thúy nhưng ốm hơn và hơi cao, có điểm đặc biệt là Hùng có nụ cười tươi lắm. Ai đã gặp thì không thể nào quên được nụ cười đó. Có Hùng, Uyên chắc chắn là sẽ thành công trong việc xây dựng lại ngôi trường tội nghiệp nầy. Mừng không Thúy. Riêng Uyên, bây giờ lòng thấy nhẹ nhỏm nhiều lắm, bớt được những cái bứt rức, mệt mỏi, bực tức đi. Hình như là bao nhiêu gánh nặng Uyên đã sang bớt cho ông thầy giáo mới một nửa…
Chết thôi, thế nào nhà ngươi cũng mắng ta vì cái tội dông dài không đâu. Nhưng ở cái miền hẻo lánh xa xôi nầy thì chuyện nhỏ xíu cũng là đề tài. Thông cảm nghe Thúy. Ở Đà Nẵng trời có mưa lớn không. Ở vùng mình mới tạnh mưa được ngày hôm nay.
Trời xanh trong và cao vút, nhưng gió thì lạnh tái tê nhà mi ạ. Đôi khi thấy buồn buồn và hiu quạnh chi lạ. Nhưng nói vậy không phải là ta đã đầu hàng đâu nhé. Buồn là buồn vậy, chớ lý tưởng là việc khác. Lũ học trò của Uyên ngày càng dễ thương. Cô giáo vừa đau bớt, chúng đem tặng ngay mấy trái ổi chín mọng. Bây giờ trái ổi đang nằm ngay trước mặt phảng phất mùi thơm kỳ diệu kích thích vị giác một cách dễ sợ.
Sắp Tết rồi đó, Uyên cũng sắp về Huế rồi. Tết năm nay nhất định sẽ may một cái áo lụa vàng. Chớ năm mô cũng màu tím hết. Năm ni thay đổi chút. Mình đâu còn tím học trò nữa phải không Thúy. Lè lẹ lên cho người ta ăn cỗ, uống rượu nghe. Chờ hoài, dài cả cổ. Tết Uyên sẽ ráng vô Đà Nẵng. Mời thì phải có mứt có me nghe…Nhớ đó… Không có là bạn chết với tui…
Thôi mỏi tay lắm rồi, Uyên chúc Thúy gặp mọi điều may mắn. Gởi lời thăm anh Hoàng, thăm bé Mai và kính thăm hai Bác.
Thân, Phương Uyên. Uyên không đọc lại thư, kiếm một tờ giấy màu xanh làm phong bì. Dán xong, Uyên đặt phong thư nằm gác lên hộp thuốc bổ cho dễ nhớ rồi lại leo lên giường chui vào chăn. Uyên nhắm mắt lại. Tự dưng nàng muốn được im lặng để tận hưởng một nỗi hạnh phúc râm ran nào đó đang chảy vào trong huyết quản. Hạnh phúc không biết có phải đến vì khung cảnh ấm áp xinh tươi của một ngày nắng đẹp mùa đông, hay đến vì chiếc mền ấm trong căn nhà yên tĩnh. Hạnh phúc, nỗi vui mơ hồ như sương khói làm Uyên nhẹ nhàng khép mắt. Ngoài cửa sổ nắng đọng từng vũng vàng tươi trên những cành lá biếc…
***
Khi đứa học trò cuối cùng rời khỏi lớp học, Uyên mới thong thả thu xếp sách vở trên bàn ra về. Những buổi chiều đẹp như hôm nay, Uyên nghĩ mình không có gì phải vội về cả. Nắng vẫn còn là đà trên ngọn cỏ mặc dầu gió lạnh đã bắt đầu gờn gợn da. Bên kia phòng giáo viên vẫn còn người. Cửa mở rộng. Hàng hoa vạn thọ mọc phía trước bao khung bởi một màu vàng rực. Uyên định bụng ghé qua phòng giáo viên để uống một ly nước và rửa đôi tay bê bết phấn. Ngang qua những cây thầu dầu trơ trụi, những cây bàng tàn rộng, và những mảnh vườn nhỏ với mấy luống cải vàng đã bắt đầu chúm chím nụ hoa, những cây cải vàng chin sớm. Một vài cậu bé vẫn còn lảng vảng ở sân trường để đánh bi. Đầu kia chiếc xe Solex của thầy giáo Sĩ còn dựng ở hông trường. Uyên cười một mình:
- Gớm, hôm nay sao thầy Sĩ siêng năng thế…
Nhưng nụ cười mới thoáng đã khép vì ngạc nhiên. Trong văn phòng vọng ra tiếng nói, không, hình như là tiếng cãi nhau thì đúng hơn. Uyên lắng tai nghe:
- Anh không tốt chút nào anh Sĩ ạ…
Uyên nôn nao. Tiếng nói của của Hùng, cái giọng nói ngày thường êm ái, bây giờ đanh thép lạ thường. Uyên nhanh chân thêm chút nữa. Nàng dừng lại ở cửa lớp rồi đứng yên ở đấy. Thầy giáo Sĩ và Hùng đang nói chuyện với nhau, cả hai không biết là có người đang đứng nhìn ở cửa. Uyên không nhìn thấy mặt Hùng, nhưng nàng nhìn thấy một phần nét mặt của thầy Sĩ. Quai hàm thầy bạnh ra tức giận, và ánh mắt bốc lửa. Giọng của thầy trong và sắc như đàn bà:
- Tôi không cần biết tốt hay xấu, nhưng tôi nói cho anh biết là tôi không tham gia vô việc làm mà anh đề xướng. Làm trường, sửa trường, toàn là ngụy quân tử…
- Nhưng những điều mà tôi nói với anh đâu phải là sai. Đó là bổn phận. Hơn nữa tôi nghĩ là anh không tốn công, anh chỉ giúp đỡ bằng cách nói với phụ huynh, hoặc ủng hộ tôi để thúc đẩy ông Hiệu làm việc…
Sĩ khoát tay:
- Tôi không rảnh rỗi… Bổn phận của tôi là dạy học… tôi dạy xong… tôi về… anh có thể tìm người khác. Anh Lang, anh Mạnh, chẳng hạn…
- Anh độc thân, anh không bận bịu chuyện gia đình… anh sẽ giúp chúng tôi đắc lực hơn…
Sĩ ngắt lời:
- Sao anh dai quá… hay anh định âm mưu chi đây…
Hùng giận dữ… Chiếc ghế lay nhẹ:
- Anh nói vậy được hả anh Sĩ…Tôi không ngờ…
Sĩ cười khẩy:
- Thời buổi nầy không tin được ai… Có người làm vì tiền… có người làm vì tình…
Hùng xoay người, một tay nắm lấy vai Sĩ, gằn giọng:
- Anh nói chi cho rõ xem nào… Tôi nói chuyện với anh đứng đắn…
Sĩ vẫn mỉa mai:
- Cả trường đều thấy đều hiểu chuyện đó. Tôi sợ gì mà không nói. Anh giả vờ như làm việc để lấy lòng cô Uyên… Còn nếu không thì cả hai định lấy tiền của dân ở đây hả. Họ nghèo lắm, có chi mô…
Hùng nói đanh như sắt:
- Anh có thể nói như thế hả anh Sĩ?
Sĩ thoáng một chút tức tối ghen ghét trong giọng trả lời:
- Mà cái cô Uyên đó khiến anh tổn hơi sức làm gì rứa? Chả đáng là bao…
- Bốp … bốp …
Câu nói chưa dứt đã mất nửa chừng và thay bằng một tiếng ấm ứ ngạc nhiên trong cổ họng… Sắc mặt của Sĩ đang bình thường từ từ đổi sang đỏ rồi tái lại.
- Mầy rút lại câu nói đó ngay…Đồ vô liêm sỉ…
Đứng bên ngoài, Uyên cũng tức giận đến phát khóc… Nàng chưa kịp chạy vào để mắng Sĩ mấy câu cho đã giận thì Hùng đã làm thế cho nàng… Và cũng tiếp theo ngay đó là những cú giáng trả thù của Sĩ lên mặt Hùng. Uyên kêu lên một tiếng kinh hoàng. Nàng chạy ào vào lôi Hùng ra. Nàng chen vào giữa hai người, và bất ngờ không tránh được, lãnh nguyên cú đấm của Sĩ vào mặt. Sống mũi của Uyên như gãy gập ra. Cơn đau thốn nhức đến tận cùnng óc. Uyên tối tăm mặt mũi, nghẹn thở. Nàng cố hết sức thở một cái mạnh. Máu mũi bắn ra chảy nhòa trên miệng. Rồi Uyên xỉu xuống…
Hai người đàn ông nhìn nhau kinh ngạc. Cơn giận dữ đi xa và giờ họ cuống quít kiếm cách cứu tỉnh Uyên . Sĩ nói giọng lo lắng:
- Trời ơi, tại răng ri… ở đâu a thần phù vô cửa…
Hùng im lặng, chàng vực Uyên lên ghế, đến bên tủ thuốc cứu thương, lấy bông gòn nút vào mũi Uyên, lấy nước trà lau rửa những vết máu trên mặt.
Một phút sau thì Uyên bắt đầu rên lên đau đớn. Nàng quơ tay ôm lấy sống mũi. Sĩ nói nhanh:
- Để tui đi kêu y tá…
Hùnh quát lên:
- Lấy xe đi về đi, đừng có lộn xộn.
Sĩ chàng ràng một chút. Khi thấy Uyên đã tỉnh lại rón rén ra ngoài lấy xe đi mất. Còn lại một mình Hùng, chàng trấn an Uyên:
- Chả có gì đâu mà phải sợ. Cô nằm một tí cho máu mũi khỏi ra. Ráng thở bằng miệng vài phút nữa. Tôi kiếm nước cho cô rửa vết máu…
Uyên lo lắng:
- Mũi của tôi…
Hùng bật cười:
- Mũi của cô vẫn thanh tao trên mặt cô đấy. Còn nguyên, không mất một mảnh nào. Mà tại sao cô lại bò vào đây để lãnh mấy quả đấm của thầy Sĩ…
Uyên hậm hực:
- Tôi tức quá… Ảnh dám nói…
Hùng khoát tay:
- Thôi cô đừng nói nhiều kẻo máu lại ra…Một chút nữa tôi đưa cô về…
Uyên làm thinh được một lúc rồi lại hỏi Hùng:
- Như vậy là chương trình của mình hỏng hết hả anh Hùng…
Hùng ngập ngừng:
- Tôi không tin như thế… Ăn thua là ở học sinh và phụ huynh học sinh nữa… Dân ở đây đã khổ nhiều rồi. Một phần cái khổ của họ là do những người làm việc tắc trách và không chịu hy sinh thêm một tý để giúp đỡ họ. Tôi nhất định xúc tiến công việc.
- Cám ơn anh. Hai năm nay một mình tôi phải chịu gánh nặng tinh thần đó… Đôi lúc tôi muốn bỏ cuộc, về nhà ở yên như mọi người. Nhưng không được. Trong tôi có cái gì cứ đánh thức sự băn khoăn thắc mắc mỗi khi tôi đến trường nhìn thấy lớp học, thấy học trò.
Uyên gỡ hai miếng bông đã khô cứng trên mũi. Máu đã hết chảy, Uyên chỉ còn cảm giác ê ẩm ở đầu mũi. Nàng xin Hùng một ly nước rồi cười buồn:
- Nhưng lần nầy thì tôi bị một cú đấm vô mũi. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ…
Hùng đấm hai tay vào nhau:
- Ngày mai, mình bắt đầu chiến dịch đi đến từng nhà phụ huynh học sinh một. Chả cần Hiệu trưởng, chả cần đồng nghiệp… Mấy cái lớp chớ bao nhiêu mà khó dễ…
Nghe giọng nói của Hùng, Uyên thấy lòng mình phấn khởi lây. Chí quyết thắng, cái hào khí của tuổi thanh niên làm Uyên quên đau. Nàng vỗ tay cười:
- Đồng ý với anh. Tội lệ chi mà phải suốt ngày cãi cọ với họ mà chẳng nên cơm cháo. Để tui với anh cùng đi. Mình đi buổi tối thì nhất định ai cũng có nhà…
Nói đến tối. Uyên mới giật mình nhìn ra phía ngoài. Trời chạng vạng, vài tiếng dơi đêm kêu khắc khoải ngoài sân. Một vài vì sao đã lấp lánh mơ hồ trên nền trời xanh nhạt. Uyên bước vội xuống ghế, sửa sơ mái tóc nói với Hùng:
- Trễ quá rồi anh…
- Để tôi đưa Uyên về …
Cả hai người bước ra khỏi cổng trường. Vài bóng người vội vã vác cuốc vác cày từ đồng về. Thỉnh thoảng vài ba phụ huynh biết mặt Uyên khẽ cúi đầu chào nàng…
- Uyên à… ở đây đôi lúc buồn tênh Uyên nhỉ…? …
Uyên liếc sang Hùng. Gương mặt chàng xương xương cúi xuống nhìn bước chân đi. Uyên cười nhẹ:
- Đôi lúc, nhưng đâu phải là không ở được…
Hùng bật cười khẽ. Chàng nhìn sang Uyên…
- Cô làm như lúc nào tôi nói buồn là tôi sắp bỏ trường mà đi hay sao mà cứ thắc mắc như vậy hoài…
- Tôi ngại anh bỏ đi vì không chịu được đời sống buồn nản ở đây…
Hùng yên lặng… Và nói xong Uyên cũng thấy mình hớ hênh. Tự dưng nàng đâm bực tức mình. Mắc chi mà mình cứ để ý đến việc đi hay ở của Hùng. Mới quen nhau, trong vòng bạn bè đồng nghiệp, chưa có gì thân thiết lắm, ấy mà mỗi lần nghe Hùng nói buồn hoặc chán nản là Uyên thấy mình lo âu và buồn buồn. Trong bầu không khí yên lặng của buổi chiều hôm, tiếng chân hai người âm vọng nhịp nhàng. Uyên bứt rứt vô tả. Bước chân vì vậy vội vã hơn lên…
- Cô Uyên, cô… Uyên nói thật…
Uyên ngơ ngác:
- Dạ nói chi ạ…
Giọng Hùng chùng xuống:
- Không… Ồ! Mình đi quá nhà rồi…
Uyên sực tỉnh, ngước lên, nàng và Hùng đã đi quá hai ba nhà. Nàng đứng lại:
- Thôi anh về kẻo trễ giờ cơm… Mai, mình bàn lại chuyện đó.
Uyên xoay mình bước vào nhà. Đến cổng Uyên quay lại nhìn. Hùng vẫn còn đứng chỗ cũ. Bóng của anh in đậm trong bóng tối mập mờ. Uyên mỉm cười. Nàng ngần ngừ một giây rồi bước nhanh vào nhà…
***
Buổi chiều hôm sau, khi Uyên cơm nước vừa xong, thì Hùng đã tìm đến. Dầu biết chắc là Hùng sẽ đến, nhưng không hiểu sao lòng Uyên vẫn thấy nôn nao. Mấy chén cơm thường nhật nàng nuốt hoài cũng chẳng xong trong lúc bụng đói meo. Và khi tiếng chó sủa có người cổng, Uyên mừng rỡ đi vội ra để mở cổng cho Hùng vào. Hình như Hùng cũng nhìn thấy sự bất thường đó nơi Uyên nên ánh mắt chàng chăm chú nhìn Uyên hơn, chiếc miệng tươi như chực mỉm cười.
- Trời ơi, Uyên cứ sợ anh không đến…
Hùng cười nhẹ:
- Tôi hứa đi là đi chứ. Đó là công việc chung mà… Tôi chỉ sợ cô chưa dùng cơm xong nên chậm chạp đôi tí.
- Tôi xong xuôi tất cả rồi. Chỉ đợi anh đến là đi.
Uyên đưa Hùng vào nhà. Bà Năm lo dọn dẹp mấy thứ mấy quang gánh giăng giăng giữa nhà, cười chào Hùng và trách nhẹ Uyên:
- Không biết có chuyện chi mà cô cứ như ngồi trên lửa. Chuyện chi cũng thủng thẳng chớ. Ăn ba miếng cơm cũng không hết. Cái cô ni thiệt…
Hùng cười nói đỡ:
- Hình như đàn bà con gái ai cũng ít ăn hết bác ạ…
Bà Năm kêu lên:
- Trời, đàn bà con gái mô chứ xứ ni ăn như trâu ăn. Ăn không đủ gạo ăn bữa sau chớ… Như rứa mới khỏe mạnh ùi ụi, chớ ai như cái cô Uyên đó.
Uyên đã mặc xong đồ dài chỉnh tề, bước ra ngắt ngang câu chuyện :
- Cháu đi đàng nầy một chút nghe bác Năm. Cái chuyện làm trường đó mà…
Bà Năm gật đầu:
- Phải đó, cô với thầy Hùng làm chuyện đó tui phục lắm. Cái trường phải ra cái trường chứ. Ai đời để nắng để mưa dột nát hết trơn hết trụi. Mà nhớ phải tới ông xã trước nghe…
- Dạ, con đi, bác nhớ để cửa nghe…
- Tui thức chờ cô mà…
Đêm đã xuống hẳn. Trời tuy xanh nhưng ít sao. Sương lờ mờ là đà trên những bụi cỏ ướt. Hùng và Uyên bàn nhau nên đi từ từ theo lộ trình. Nhà ông xã ở tận cuối xóm sẽ là trạm sau cùng. Ngôi nhà gần nhất là của một đứa học trò, nên khi Hùng và Uyên đến nơi thì đứa học trò đã ngồi sẵn ở hiên nhà chờ đợi:
- Thưa cô… Thưa thầy…
Uyên cười, đưa tay vuốt má nó:
- Thủy hả, có ba má ở nhà không Thủy.
- Thưa cô, thưa thầy, mời cô thầy vô nhà…
Ba má của Thủy đã ra tận cửa. Hùng nhìn lên tươi cười:
- Chào ông bà ạ!
- Chào ông bà. Thủy ngoan lắm…
- Dạ mời thầy cô uống nước. Vợ chồng tôi có nghe em Thủy nói chuyện xây cất trường học chi đó. Nhưng em nói hổng rành.
Sau khi nghe Hùng và Uyên trình bày căn kẽ mọi chuyện, ba má Thủy tươi cười nói:
- Dạ vợ chồng tôi tuy quê mùa dốt nát, nhưng cũng muốn kiếm năm ba chữ cho con cái. Vì vậy cái việc góp công xây trường tụi tui không tiếc. Nhà tui thì nghèo, vườn tược không bao nhiêu, chắc tui chỉ góp được mấy ngày công với lại bện tranh lợp mái thôi…
Uyên mừng rỡ:
- Dạ, như vậy thì quý hóa quá còn chi nữa. Chúng tôi chỉ trông mong mỗi phụ huynh giúp cho một tay. Xóm mình nghèo, lại xa tỉnh, xa quận… đường sá di chuyển khó khăn, cho nên mình cũng không mong có trường lớp to lớn đẹp đẽ mà chỉ mong chắc chắn, lành lặn để đỡ gió, che mưa, tránh tai nạn khi giông bão. Để chúng tôi ghi tên hai bác vô sổ…
- Thôi, tụi tui có chút công mà ghi làm chi thầy, cô… Có nhiều mới…
Hùng cười nói:
- Bác yên tâm, cháu ghi là để phân công và kiểm điểm tài lực cho minh bạch…
Từ giã ba má Thủy, Hùng và Uyên sang nhà một đứa học trò khác…
Sau hơn hai tiếng đồng hồ, Uyên đi được gần hai mươi nhà. Phần lớn đều đồng ý và giúp Uyên trong công tác tự lực lợp, chống lại trường học. Có một vài phụ huynh tỏ ý không bằng lòng và bỏ mặc, thứ nhất là vì con họ học lớp cuối của trường và chắc chắn họ không muốn con họ học lên tiếp tục, bởi tương lai đối với họ quá xa vời. Cái cày, cái cuốc, thửa ruộng con trâu là gần gũi và thiết thực nhất. Thêm năm ba chữ cũng bằng không. Họ lý luận với Uyên, Hùng về dự cần ích của ngôi trường, so với sự cần ích của đời sống thực tế. Đôi lúc họ tỏ vẻ nghi ngờ thiện chí của Hùng và Uyên. Nhưng tựu trung sau sự giải thích, nài nỉ của Hùng và Uyên, họ cũng hứa hẹn sẽ giúp đỡ một công.
Trên đường về Uyên thấy mình phấn khởi hơn lên. Nàng nói trong niềm vui và hy vọng:
- Anh Hùng à, Uyên đã thấy trước mắt dạng ngôi trường mới rồi. Từ đây chắc Uyên không còn thấp thỏm lo âu ngày bão, ngày mưa nữa. Nói thiệt với anh chớ mùa đông nầy, ngày mô mà gió to một chút là đố Uyên ngủ được, chỉ sợ có bão thì chết…
- Bão à… nghe nói khoảng thời gian nầy miền Trung nhiều bão lắm …
- Thì đấy… có một lần Uyên chứng kiến một ngôi nhà tôn đã sụp xuống cả gia đình. Mà đâu có ai dám chạy ra cứu. Bão to quá. Tôn bay sàn sạt. Ai vô cớ đi ra ngoài dám bị phát đứt đầu lắm… Dễ sợ. Nhớ lại Uyên còn rùng mình…
Nhưng Hùng không lạc quan quá như Uyên. Chàng trầm ngâm một giây lát rồi nói với Uyên:
- Tôi nghĩ mình còn nhiều trở ngại khác trong việc sửa trường nầy lắm. Thứ nhất là mình làm việc trong khi Hiệu trưởng chưa cho phép. Thứ hai là các giáo viên đồng ngiệp ít ủng hộ mình… Tôi ngại họ vì tự ái có thể gây ra những khó khăn cho công việc đang xúc tiến.
Uyên cười, giọng thách thức:
- Tôi chắc là họ không làm chi nổi mình đâu. Nhất định là mình thắng mà. Chính nghĩa về tay ta.
Uyên bật cười vui vẻ. Hùng cười theo nhưng lòng chàng không như Uyên nghĩ. Chàng nghĩ đến những khó khăn sẽ phải đối phó. Những vấn đề gai góc khác được đặt ra. Tuy nhiên, tiếng cười của Uyên trong quá. Ý tưởng của Uyên sạch quá. Và nhất là niềm hy vọng của Uyên to lớn quá, Hùng không thể không bị cuốn hút vào. Chàng phác họa với Uyên cách thúc sửa chữa lớp học và các làm thế nào để học trò không bị mất nhiều buổi học. Uyên nói cười như một con sơn ca. Buổi tối vắng lặng, ánh sáng trắng của vầng trăng khuyết soi lờ mờ lối đi.
Bỗng dưng Hùng nghe lòng mình ấm lại. Chàng bỏ ngang câu chuyện, xoay qua chuyện riêng của mỗi người. Và hình như Uyên cũng thích nghe, thích biết cuộc sống của Hùng. Nàng im lặng, trang nghiêm lắng tai, không còn cái vui tươi náo nức như hồi nãy…
Mãi đến khi lên giường, vùi mình trong chăn ấm, Uyên còn vấn vương những lời nói của Hùng. Chàng đã nói với Uyên lý do tại sao chàng mong muốn có một lớp học khang trang cho học trò. Lý do bắt nguồn tù cuộc sống khổ sở từ bé.
Cuộc sống đã đưa đẩy một đứa bé mới bập bẹ vỡ lòng vào những trường học nghèo nàn. Lớp không ra lớp, thầy không ra thầy. Năm ba túp lều che tạm. Ngày nắng, ngày mưa thầy có, thầy không, sự học của Hùng cũng lên lớp, cũng lớp nhì lớp nhất như ai. Nhưng khi bắt đầu thi cử, khi phải đọ sức học với những đứa bé tốt phúc khác, Hùng thấy mình bị thiệt thòi, mới thấy những ngày tháng của mình trôi đi một các vô ích. Và hậu quả cuối cùng là Hùng không giựt nổi mảnh bằng toàn phần để vào đại học làm nên danh phận. Đó là không nói đến cái chức vị bây giờ của Hùng là do sự cố gắng khủng khiếp của chàng. Hùng nói:
- Tôi thù ghét những lớp học dạy cho có. Những lớp học mà trong đó thầy giáo, cô giáo xem học trò, xem việc dạy là một phương tiện để kiếm tiền. Làm cho có để cuối tháng lãnh lương. Chứ không bao giờ nghĩ là mình sẽ làm gì cho những đầu óc ngây thơ đó. Óc của những đứa bé nầy đang mở rộng cửa. Người thầy đi qua, trước sau gì cũng phải đi qua, thế mà đáng lẽ ra phải bỏ vào cánh cửa mở những điều hay ích, thì trái lại, họ vung tay trống rỗng bình thản… Tôi ghét thậm tệ…
Chàng nói tiếp:
- Đành rằng tôi không phủ nhận sự làm việc là để kiếm tiền sinh sống. Nhưng đồng thời cũng phải ý thức bổn phận và trách nhiệm của mình. Phải làm cho xứng cho tròn với đồng bạc mình nắm trên tay. Tôi cho là cứ nhìn cách thức làm việc của mỗi người thì sẽ đoán được tư cách của người đó. Làm việc là biểu lộ tư cách của mình…
Những lời chân tình của Hùng đã ám ảnh Uyên như những ngôn từ êm dịu nhất. Những ngày đầu gặp Hùng, Uyên chỉ mến. Nhưng bây giờ thì Uyên kính. Kính mến. Hai chữ đó như là tia chớp lòe trong trí tưởng, Uyên nhắm mắt lại. Nàng ôm chặt chiếc gối nhỏ vào lòng. Và cơn mơ đến là nụ cười tươi đẹp của Hùng bên ánh mắt vừa nghiêm nghị vừa bao dung.
***
Những ngày vận động phụ huynh học sinh trường tiểu học Hải Lăng đóng góp vào việc sửa chữa trường ốc đã kết thúc. Hùng và Uyên kiểm điểm lại kết quả thu hoạch được. Những đồng bào ở đây người thì góp tre, người góp cột, người cho tranh và một số đông đã dành một ngày công để dựng lớp. Sự thành công ngoài mức tưởng tượng đã làm Hùng và Uyên phấn khởi. Cả hai chỉ chờ ngày chủ nhật đến để bắt tay vào việc.
Đứng trước cửa văn phòng để chờ giờ vào họp, Uyên xem lại bảng kế hoạch để lát nữa mình trình bày với ông Hiệu trưởng. Hùng nhắc Uyên:
- Tí nữa, cô nhớ đọc rõ ràng kết quả mình thu được của dân chúng kẻo họ lại bắt bí mình.
- Kết quả nầy là một điều đáng mừng chớ anh.
- Thì đành là vậy, nhưng mình phải đàng hoàng. Đụng vô chuyện vật liệu tiền nong là có lắm người soi mói lắm đó…
Uyên cười tự tin:
- Vâng, nhưng phần thuyết phục là ở anh đó nghe.
Mọi người đã lục tục vào chỗ ngồi. Không biết Sĩ đã nói gì với mọi người mà tất cả giáo viên đều tỏ vẻ lạnh nhạt. Tiếng thầy giáo Lang phàn nàn:
- Bà xã tôi đau quá mà tôi cũng phải đi họp, phải ở nhà thì nấu được cho bả nồi cháo rồi.
Tiếng cô giáo Liên họa theo:
- Tui thấy khó chịu trong người, đầu xây xẩm, nhưng bắt đi thì đi chớ…
Ông Hiệu dắt chiếc xe đạp lọc cọc đến. Mọi người đứng dậy. Uyên và Hùng thong thả vào chỗ của mình. Chỉ có bà giáo Tân vắng mặt vì đi sinh. Ông Hiệu liếc mắt nhìn về phía Hùng và Uyên trước khi mở lời khai mạc buổi họp thường lệ.
Lại có tiếng thì thầm nho nhỏ của thầy giáo Sĩ:
- Lại chuyện trường… âm mưu…
Hùng quắc mắtt nhì Sĩ, chàng dứng lên trình bày công việc của mình cùng kế hoạch làm trường. Hùng nói:
- Như vậy, chúng tôi đã lo giúp nhà trường về phần tinh thần và vật chất . Các phụ huynh thì hoan hô công việc tự túc làm trường. Họ hứa sẽ góp công, góp của. Chúng ta chỉ chờ ngày bắt tay vào việc. Chúng tôi chỉ xin các anh các chị, cùng ông Hiệu trưởng góp công đôn đốc và giữ trật tự chung trong ngày làm việc. Sau đây cô Uyên sẽ trình bày cùng các bạn bảng ghi tên và vật liệu làm trường mà chúng tôi đã xin được.
Uyên đứng lên đọc tên hàng trăm phụ huynh ở khắp thôn xóm, nhất là xóm gần trường. Bảng tổng kết phân minh làm cho mọi nguời im lặng mấy phút. Họ bị hấp dẫn bởi công việc làm của Uyên và Hùng, nhưng đồng thời một nỗi hổ thẹn len trong lòng.
- Xin ông Hiệu cho tôi được phát biểu ý kiến…
Thầy giáo Sĩ lên tiếng:
- Thưa các anh chị đồng nghiệp… Chúng tôi đồng ý là công việc làm của chị Uyên và anh Hùng có kết quả và có ý hướng tốt đẹp. Nhưng chúng tôi có vài thắc mắc mong hai bạn giải đáp.
Uyên cau mầy nhìn Sĩ chờ đợi. Một nụ cười thích chí thoáng nhẹ lên môi Sĩ và Sĩ nói tiếp:
- Thắc mắc thứ nhất của tôi là tại sao các anh chị đi làm cái công việc quyên góp đó mà không cho chúng tôi biết. Chị Uyên, anh Hùng làm như đó là chuyện riêng của anh chị. Dù sao chúng tôi cũng là giáo viên trong trường. Các anh chị không lý gì đến chúng tôi, ngay cả đến ông Hiệu cũng không biết anh chị đi góp công góp của. Thử hỏi làm sao chúng tôi không áy náy, không có cảm giác bị khinh thường, bị coi rẻ… Thắc mắc thứ hai nảy sinh từ sự sốt sắng quá cao của anh chị. Từ đó chúng tôi tự hỏi anh chị có âm mưu gì trong việc làm đó, và phụ huynh có bị cưỡng ép phải đóng góp…
Uyên giận đến tái cả người, không dằn được. Cũng may tiếng vô liêm sỉ vừa tràn ra ở đầu lưỡi đã ngậm kín lại. Uyên trả lời giọng run run:
- Tôi không ngờ anh Sĩ lại có thể thắc mắc như vậy. Thiệt tình ai cũng biết là chúng tôi đã lưu tâm đến vấn đề nầy bao nhiêu lâu rồi. Cũng bởi trên không lưu ý đến, bởi ông Hiệu trưởng, bởi các bạn không chịu xúc tiến, giúp đỡ nên tôi phải nai lưng ra mà gánh lấy. Sổ sách phân minh, chớ…
Uyên nghẹn ngào không nói được nữa. Lòng tự ái bị tổn thương một cách khủng khiếp. Uyên muốn rũ xuống như một cành cây mềm. Mặt nàng tái đi, và người run rẩy. Có tiếng nói nhỏ:
- Có trời mà biết được hai người đó tính toán gì với nhau.
Có một bàn tay ấm áp bóp nhẹ tay Uyên, niềm an ủi vô hình giúp Uyên thêm can đảm. Nàng nhìn Hùng bằng đôi mắt biết ơn. Hùng đứng dậy với tiếng nói đanh thép:
- Tôi nghĩ là mọi người nên suy nghĩ kỹ trước khi nói, hoặc chỉ trích hoặc giúp ý kiến. Các bạn đừng nên tự ái, vì mặc cảm mà ngăn lối đi người khác. Thắc mắc thứ nhất của anh Sĩ không có chỗ đúng vì chuyện tự túc làm trường không phải buổi họp hôm nay mới đề cập tới. Chỉ có kế hoạch làm việc là không được thông báo thôi. Nhưng tôi thiết nghĩ cũng không muộn, bởi vì chúng tôi chưa bắt tay vào việc, đây chỉ mới bước đầu và chúng tôi tường trình với các bạn cùng ông Hiệu để cùng lo chung công việc. Còn thắc mắc thứ hai, lẽ ra chúng tôi không cần trả lời cho anh Sĩ bởi vì câu hỏi đó là một xúc phạm nặng nề. Nhưng chắc ai cũng thấy công việc làm trong sạch của tôi và cô Uyên. Sổ sách rành rành. Vả lại chúng tôi chưa thu của ai lấy một gốc tre, một sợi lạt. Công việc đó, các bạn sẽ giúp tôi. Không tin, các bạn có thể kiểm chứng ở các phụ huynh học sinh.
Hùng ngồi xuống, trong lúc các giáo viên xì xào bàn tán. Uyên như không còn thiết gì đến nói năng nữa, nàng mặc cho Hùng xoay trở. Chưa có cơn lốc nào phũ phàng cho bằng. Tuy cứng rắn nhưng bề gì Uyên cũng mới ra trường và nhất là quá trẻ. Uyên thấy mình có ý tưởng, nàng bắt tay thực hiện ý tưởng trong sạch của mình, nhưng nàng không đề phòng những cú quật ngã ở đời.
- Với tư cách là Hiệu trưởng, tôi thành thật khen việc làm của thầy Hùng và cô Uyên. Nhưng như tôi đã nói, công việc làm nào cũng có quy luật của nó. Phải có thủ tục hành chánh đàng hoàng. Việc sửa trường, tôi đã bao lần nhắc nhở là chờ trên giải quyết, ấy thế anh Hùng và cô Uyên cứ xúc tiến một mình. Rủi trên hỏi, tôi biết ăn nói làm sao đây.
Sĩ hùa theo:
- Ông Hiệu nói đúng, như vậy trên họ sẽ cho mình là qua mặt họ. Họ có thể đẩy mình đi nhiệm sở khác khốn nạn hơn nữa.
Thầy giáo Nhơn tiếp lời:
- Chúng tôi chưa chuẩn bị cho công việc nên tôi sợ sẽ có những điều tắc trách xảy đến. Lúc đó hối cũng không kịp…
Ông Hiệu đập nhẹ cái tẩu thuốc lên bàn. Ông nhấc gọng kính ra khỏi mắt, quyết định:
- Tôi đề nghị là các bạn để sáng kiến đó sang đến hè, lúc ấy chắc trên họ sẽ có thái độ. Để tôi lên trình bày mọi việc, với lại lúc ấy rảnh rang.
Uyên không đợi cho ông Hiệu dứt lời, nàng nói thẳng:
- Tôi nghĩ là ông Hiệu và các anh chị trốn tránh công việc. Tôi về dạy ở đây đã gần hai niên khóa, học sinh ở đây chờ đợi trường ốc lành lặn cũng đã hai năm rồi. Càng ngày tình trạng trường càng tồi tệ. Mái xiêu, mái dột, rứa mà trên đã làm gì cho học trò đâu. Chờ, chờ, cái điệp khúc ấy tôi nghe lâu lắm rồi. Còn để đến hè. Lúc bấy giờ ai về nhà nấy rồi ai sẽ làm việc đây. Hơn nữa nhằm vụ mùa, đâu còn ai rảnh rỗi để góp công góp của.
Hùng cũng nói, giọng đanh thép:
- Công việc là công việc. Chúng ta không xây lại trường, không dời đi nơi khác, mà chỉ sửa chữa lại lớp học thôi. Thiết nghĩ đó là phạm vi và bổn phận của trường, không ai có thể trách chúng ta được. Bây giờ nhằm lúc nắng ráo và có sẵn nhân lực, vật lực tại sao chúng ta không bắt tay…
Ông Hiệu vớt vát:
- Nhưng…
Hùng đập mạnh tay lên bàn:
- Không nhưng gì cả. Nếu ông Hiệu không làm, chúng tôi làm. Còn các vị giáo viên: Ai sẽ giúp chúng tôi một tay.
Hùng nhìn quanh một vòng. Mọi người đều im lặng. Sĩ liếc nhìn ông Hiệu. Cô Liên vò nát chiếc khăn tay. Thầy giáo Mạnh sửa lại cái gọng kính, thầy Nhơn loay hoay mép cuốn sách, thầy Lang cúi nhìn mặt bàn. Hùng nói thêm:
- Đó là bổn phận của mọi người. Chúng ta cố sẽ không phí vào thì giờ nghỉ ngơi. Mọi người không mệt nhọc gì cho lắm chỉ trông coi các em và kiểm điểm vật liệu… Chẳng lẽ không có ai hy sinh một chút ít thì giờ để khỏi bị ướt vì mưa bão hay sao?
Uyên nhìn quanh. Thầy Mạnh đeo cặp kính lên mắt rồi nhìn Hùng nói:
- Thôi được, tôi sẽ giúp anh một tay. Nhưng nhất định không lâu quá một ngày đâu nghe.
Uyên mỉm cười nhìn Hùng, Hùng gật đầu nói:
- Có rất nhiều phụ huynh góp công nên chắc chắn sẽ xong việc trong ngày chủ nhật tới.
Thầy Mạnh lên tiếng:
- Thôi, các bạn mỗi người một tay.
Thầy Nhơn bất đắc dĩ phải gật đầu:
- Tôi sẽ đến, nhưng không biết có giúp được chi không đây.
Cô Liên nói:
- Nếu tôi không bị nhức đầu. Tôi sẽ đi.
Uyên cười:
- Chắc chắn chị sẽ hết ngay bệnh nhức đầu.
Ông Hiệu trưởng cố nói chen:
- Tôi sẽ không can dự vô công việc của mấy người, nhưng tôi sẽ không ngăn cản…
Hùng xoa tay mừng rỡ:
- Chúng ta sẽ họp với các phụ huynh học sinh vào chiều thứ bảy tới. Mong các anh chị đi đông đủ. Tôi tin chắc là khi chúng ta gặp họ, lòng chúng ta sẽ không còn nghi hoặc gì nữa. Họ vui mừng thật sự khi nghe con em sắp có chỗ học đàng hoàng chắc chắn.
Mọi người ra về, trong lòng họ có lẽ không được vui lắm. Ai nấy đều vội vã, chỉ vài tiếng chào nổi lên rồi im vắng, tản mát. Uyên và Hùng là hai người vui nhất. Khép chặt cánh cửa phòng giáo viên, Hùng đưa Uyên về nhà. Có tiếng sáo vi vu ở nơi xa vọng đến khi rõ ràng khi mất hút. Gió chiều thì thào ở những cành lá trên cao. Uyên ngắm lần nữa các cửa lớp ọp ẹp, những mái tranh đổi màu bùn nhem nhuốc xốc xếch. Nàng nói với Hùng, lòng chứa chan hy vọng:
- Uyên không ngờ anh thuyết phục được họ. Thiệt là may. Chắc tuần sau, học trò có chỗ học rồi.
Hùng lắc đầu nhè nhẹ:
- Tuy vậy chúng ta cũng nên dè chừng. Bởi vì đa số mấy ông bà đó đều nhận lời vì tự ái, vì xấu hổ hơn là vì lòng trách nhiệm và bổn phận thật sự.
Uyên lạc quan:
- Mặc họ, miễn là họ giúp mình một tay. Tôi chỉ ghét anh chàng Sĩ. Thù dai bày điều nói bậy.
- Lạ thật, tên ấy có vẻ ghét tôi thậm tệ.
Hùng nói xong, liếc nhìn Uyên. Uyên vẫn vô tình, nàng mãi nghĩ đến công việc sắp tới.