Khái thuật về Kinh Bát Đại Nhân Giác Tôi rất hoan hỷ khi giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác, bộ thánh điển ứng dụng nhập thế của Phật giáo, trước các vị thính chúng.
Trước khi giảng vào nội dung, tôi xin thuật khái quát về bộ kinh này.
Tôi dự định sẽ giảng bộ kinh này trong mười buổi. Kinh tên là Bát Đại Nhân Giác, nội dung nói về tám điều giác ngộ của bậc đại nhân. Mỗi một điều tôi sẽ giảng trong một bài, nên phần chính tông sẽ có tám bài giảng. Còn tựa đề Kinh, dịch giả, phần tự tôi sẽ giảng một bài trong phần khái thuật. Phần lưu thông ở cuối Kinh văn là phần tổng kết, cũng giảng một bài. Như vậy, có tất cả là mười bài giảng. Vì thế giảng thuyết Kinh này, tôi gọi là Mười Bài Giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác (Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh Thập Giảng).
Nhân duyên Phật nói kinh này Phàm bất cứ một việc gì cũng có nhân duyên của nó. Đức Phật vì sao lại giảng Kinh này? Tất nhiên cũng có nhân duyên. Đó là lúc ngài ở tỉnh xá Kỳ Viên, một hôm trong Pháp hội, tôn giả An Na Luật thiên nhãn đệ nhất thưa với Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn, trong Tăng đoàn với tinh thần lục hòa, thì việc quên mình, xả bỏ tự ngã là điều chúng con có thể làm được; đối với chúng sinh phải tuyệt đối từ bi, tuyệt đối nhân ái, đây cũng là điều mà chúng con đã biết... Nhưng bạch đức Thế Tôn! Những Phật tử tại gia học đạo rất nhiều, đệ tử xuất gia tiếp cận xã hội hoằng Pháp lợi sinh cũng rất đông. Những vị như vậy làm thế nào để cầu được giác ngộ, tiến nhập Niết bàn? Cúi xin đức Thế Tôn từ bi khai thị!
Đức Phật mỉm cười một cách an lành, hoan hỷ trả lời:
- Này A Na Luật, lời nói của ông rất đúng. Điều ông hỏi là vấn đề học hạnh Đại nhân (Bồ tát). Tôi sẽ vì ông mà nói tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân, mà ai là đệ tử Phật đều nên ngày đêm chí tâm tụng niệm...
Đây chính là nhân duyên đức Phật giảng nói Kinh này.
Bố cục Kinh văn Mở đầu tất cả Kinh Phật đều có câu: Ta nghe như vầy, một thuở Phật ở nơi đâu, cùng với ai, v.v... Đây gọi là
sáu việc thành tựu. Vậy tại sao Kinh này lại không có? Đây là do Kinh này không phải đức Phật nói ra trong một Pháp hội, mà là trích đoạn những lời Phật dạy trong các Kinh khác, rồi biên tập lại, nên phần tự của Kinh không có những câu Ta nghe như vầy (như thị ngã văn), v.v... vì phần lưu thông ở sau cũng không có câu: Tin nhận vâng làm (tín thọ phụng hành.)
Sáu việc thành tựu: là chỉ đoạn văn ta nghe như vầy... thường có ở phần đầu của Kinh Phật. Đoạn văn này gồm có sáu việc (điều kiện) khiến cho nội dung Kinh này được thành tựu. Sáu việc đó là: 1. văn thành tựu. 2. tín thành tựu. 3. thời thành tựu. 4. chủ thành tựu. 5. xứ thành tựu. 6. chúng thành tựu. Ví dụ phần thông tự của Kinh A Di Đà nói: Ta nghe như vầy, một thuở đức Phật ở nước Xá Vệ, nơi vườn Kỳ Thọ và Cấp Cô Độc, cùng chúng Tỳ kheo một ngàn hai trăm và năm mươi vị. Ta nghe là văn thành tựu. Đây là chỉ ngài A Nan đích thân nghe Phật nói Pháp. Như vậy gọi là tín thành tựu. Như vầy là chỉ nội dung giáo Pháp mà đức Phật nói được ngài A Nan xác tín với đại chúng là mình nghe đúng như vâyh, không sai không khác. Một thuở là thời thành tựu, tức nói Pháp hội thuyết Kinh này vào thời gian nào, tuy không nói rõ, nhưng cho chúng ta biết đó là lúc thời tiết nhân duyên đầy đủ, chúng sinh mới có duyên nghe được Pháp này. Đức Phật là chủ là thành tựu. Phật là chủ thuyết pháp, nếu không có Phật nói thì Kinh này đương nhiên không có. Ở nước Xá Vệ v.v... là xứ thành tựu, tức ở địa điểm nào, cụ thể rõ ràng. Cùng chúng Tỳ kheo v.v... là chúng thành tựu, tức hội chúng nghe Kinh lúc đó gồm những ai.
Tóm lại, sáu việc thành tựu nếu dùng ngôn ngữ hiện đại nói, đó là sáu điều kiện để thành tựu một bộ Kinh. Đó là điều kiện thời gian, không gian, chủ thể, đối tượng, người chứng kiến thuật lại và nội dung chân thật của Kinh.
Bố cục của Kinh tuy không giống với các Kinh khác, song vẫn có đầu đuôi, điều mục rõ ràng, người học rất dễ dàng nắm được bản ý của Kinh văn.
Nội dung và giá trị Trong Phật giáo, phần đông các vị Cao tăng Đại đức đều thừa nhận Kinh này rất thích hợp cho hàng Phật tử tại gia thọ trì. Chúng ta thường nghe người ta đề xướng khẩu hiệu:
Phật giáo nhân ính, Phật giáo tại gia. Nhưng rốt cuộc làm thế nào để kiến lập Phật giáo nhân sinh? Như thế nào mới là Phật giáo tại gia? Điều này nhất định phải y cứ vào Thánh ngôn lượng để quyết đoán. Theo tôi nghĩ, Kinh này là một quyển bảo điển trân quí nhất, để chúng ta xây dựng Phật giáo nhân sinh, và tu học theo Phật giáo tại gia.
Phật giáo tuy có xuất gia, tại gia, song tín đồ tại gia lại chiếm đa số; Phật giáo dù phân nhập thế và xuất thế, nhưng nhập thế vẫn là tinh thần chủ yếu; Phật giáo lại có cuộc sống trong hiện tại và thọ sinh ở đời sau, nhưng trọng điểm vẫn là cuộc sống trong hiện tại.
Kinh Pháp Bảo Đàn nói:
Phật Pháp vốn tại thế gian
Trong đời giác ngộ, chớ màng đâu xa
Bồ đề, cuộc sống quanh ta
Bôn ba cầu ngộ, chỉ là uổng công. Đại sư Thái Hư cũng nói: "Chỉ mong cầu quả Phật, song thành tựu hay không là ở nơi nhân cách; nhân cách thành tựu thì quả Phật thành tựu, đây chính là thực tế chân thật." Như vậy đủ thấy, Phật giáo nhân sinh và Phật giáo tại gia có địa vị quan trọng như thế nào!
Do đó, Kinh Bát Đại Nhân Giác, quyển sách quí ứng dụng trong cuộc đời này, lời văn tuy ngắn gọn chỉ vài trăm chữ mà giá trị lại vô cùng trọng yếu! Tám điều giác ngộ như la bàn của nhà đi biển, chỉ ra con đường phía trước cho nhân sinh! Tám điều giác ngộ như tiếng chuông vang vọng giữa đêm trường, đánh thức những ai đang còn mơ màng trong giấc mộng! Cho nên, đây là Thánh điển chỉ cho chúng sinh nhận rõ đường mêm, quay về nẻo giác, giúp người Phật tử tại gia cải thiện, thăng hoa cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn!
Giải thích đề kinh
Phiên âm: Phật thuyết Đại Nhân Giác Kinh
Dịch nghĩa: Phật thuyết Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Bậc Đại Nhân.
Giảng giải: Đức Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni vốn là vương tử nước Ca Tỳ La vệ ở Ấn Độ. Vì muốn liễu sinh thoát tử, độ chúng sinh, nên vào năm mười chín tuổi ngài quyết tâm lìa bỏ ngôi vua, xuất gia học đạo. Năm ba mươi mốt tuổi ngài thành tự vô thượng chánh đẳng chánh giác dưới cội bồ đề. Sau bốn mươi chín năm thuyết pháp độ sinh, ngài nhập niết bàn ở nước Câu Thi La, giữa hai cội cây Sala, khi vừa đúng tăm mươi tuổi. Tất cả tựa đề Kinh Phật đều có hai chữ Phật thuyết, có nghĩa tất cả Kinh điển đều do đức Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni nói ra. Kinh này đương nhiên cũng không ngoại lệ.
Khi giảng đề Kinh này, chúng ta trước phải hiểu ý nghĩa hai chữ Đại nhân. Vì Đại nhân ở đây không đồng nghĩa với từ đại nhân trong khái niệm đại nhân và tiểu nhân. Song nó cũng không phải chỉ người làm quan lớn, hay nhà kinh doanh buôn bán lớn, vì Kinh này không phải chỉ cách cho người ta thăng quan hay phát tài! Thực ra, Đại nhân ở đây là chỉ Bồ tát, người lo việc liễu sinh thoát tử và rộng độ chúng sinh!
Bồ tát là từ nói lược của Bồ đề tát đỏa (Bodhisattva), dịch ý là giác hữu tình, tức là người lo việc giác ngộ cho mình và người; hay Đại đạo tâm chúng sinh, tức chúng sinh phát đạo tâm lớn, trên càu thành Phật dưới độ chúng sinh.
Chúng tôi vừa nói đến Bồ tát, có người liền nghĩ đến Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Địa Tạng, v.v... Vâng, các vị đó đều là Bồ tát. Nhưng Bồ tát đại nhân ở đây chủ yếu là chỉ những người bước vào cửa Phật, phát tâm học đạo. Các vị nghe xong chắc muốn hỏi: Người sao lại có thể gọi là Bồ tát? Thực ra, Bồ tát không phải là tranh ảnh, cũng không phải là những pho tượng làm bằng đồng, xi măng, thạch cao... được bày ở điện Tam Bảo cho người ta cúng dường lễ bái! Bồ tát là tượng trưng cho những đức tính sống động trong nhân sinh. Ai có nhiệt tình vô hạn, bi nguyện vô lượng, có thể làm lợi ích cho mình, cho người, mới là Bồ tát sống chân chính! Thế gian chỉ cần thâm một vị phát tâm Bồ đề: Trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh, thì sẽ có thêm một vị Bồ tát!
Bồ tát vốn chia ra rất nhiều quả vị cao thấp khác nhau: Thập tín, thập hạnh, thập trụ, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác, diệu giác, v.v... tất cả có năm mươi hai bậc. Các vị Bồ tát Quán Âm, Địa Tạng, Văn Thù, Phổ Hiền đương nhiên đều là những vị Bồ tát từ quả vị thập địa trở lên. Nhưng nếu các vị là những người phát tâm gánh vác sự nghiệp lớn giải thoát sinh tử, hóa độ chúng sinh, thì cũng có thể gọi là Bồ tát. Song đây chẳng qua chỉ là Bồ tát mới phát tâm, hay Bồ tát mới khởi lòng tin. Kinh này có tám phương pháp tu hành thành Phật, mà bậc Đại nhân gánh vác sự nghiệp lớn liễu sinh thoát tử, hóa độ chúng sinh cần phải giác ngộ, nên gọi là Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Bậc Đại Nhân, (Bát Đại Nhân Giác Kinh).
Nói đến sự giác ngộ của Bồ tát, là muốn đề cập vấn đề tâm yếu trong Phật giáo. Phật giáo là tôn giáo cốt đem lại sự giác ngộ cho chúng sinh. Đức Phật vì một nhân duyên lớn mà thị hiện ra đời, đó là khiến chúng sinh thể nhập tri kiến Phật; chỉ dẫn chúng sinh bước đi trên con đường giác ngộ. Ngược lại với giác là mê. Chúng sinh lang thang trong sinh tử, trôi lặn nơi sáu đường, quên mất bản lai diện mục của mình, nên gọi là mê. Nay biết luân hồi là khổ, sinh tử đáng sợ, nhận ra rằng phải dựa theo tám pháp môn mà Kinh này chỉ dạy để tu hành, hầu mong giác ngộ, giải thoát, gọi là giác.
Tập hợp tám ý nghĩa giúp chúng sinh giác ngộ lại, gọi là Kinh. Kinh có nghĩa là con đường thẳng. Noi theo con đường thẳng mà Phật chỉ dạy để đi, sẽ đạt đến mục đích liễu sinh thoát tử, tự tại an lạc. Phàm đạo lý mà có thể gọi là Kinh, thì trên phải kế hợp với chân lý muôn đời không thay đổi, dưới phải khế hợp với căn cơ chúng sinh muôn ngàn sai khác. Kinh này do đức Phật nói, là chỗ tu học của chúng sinh phát tâm Bồ đề, cho nên gọi là Phật Thuyết Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân. (Phật thuyết bát đại nhân giác kinh).
Khảo chứng về người dịch Phiên âm: Hậu Hán, An Tức quốc, Sa môn An Thế Cao dịch.
Dịch nghĩa: Sa môn An Thế Cao, nước An Tức, đời Hậu Hán dịch.
Giảng giải: Tất cả Kinh điển Phật nói vốn được ghi chép bằng Phạn văn Ấn Độ, nên phải cần có dịch giả dịch sang chữ Hán. Người dịch Kinh này là Sa môn Pháp sư An Thế Cao đời Hậu Hán (25-220). Hậu Hán là tên triều đại, chính là nhà Hậu Hán Quang Vũ Trung Hưng của Trung Quốc. Nước An Tức là nước Ba Tư hiện nay. Sa môn là chỉ chung cho người học đạo. Người Hoa dịch nghĩa là cần tức, ý nói: Siêng tu giới định tuệ, dứt trừ tham sân si. Hậu Hán là chỉ thời đại An Thế Cao ra đời. Nước An Tức là chỉ quê quán, còn Sa môn là chỉ thân phận của ngài. An Thế Cao chính là dịch giả của Kinh này.
Pháp sư An Thế Cao còn gọi là An Thanh, vốn là vương tử nước An Tức. Vốn là người xem phú quí vinh hoa chỉ là vô thường, giả tạm, lại thêm chán cuộc sống vua chúa suốt ngày phải phiền phức bởi chuyện triều chính, không được tự tại, nê sau khi lên ngôi không bao lâu, ngài liền nhường ngôi lại cho chú, còn mình ra đi xuất gia, chỉ với bình bát, cà sa. Pháp sư bẩm sinh có thiên tài về ngôn ngữ, thông hiểu hơn ba mươi thứ tiếng, nhất là tinh thông Hán văn, xem khắp các Kinh, lại còn nghe hiểu được tiếng chim thú. Đời ngài sự tích thần dị rất nhiều, thế gian không sao lường hết chỗ cao thâm. Vào thời Hán Hoàn Đế (132-167), ngài từ nước An Tức đến Lạc Dương, phiên dịch Kinh điển tất cả hơn một trăm bộ, ngày nay còn truyền lại khoảng hơn ba mươi bộ. Kinh luận do Pháp sư phiên dịch nghĩa lý rõ ràng, văn từ xác đáng; từ ngữ không hoa mỹ mà văn chất lại chẳng quê mùa chút nào. Trong lịch sử phiên dịch Kinh luận thời kỳ đầu ở Trung Quốc, Pháp sư An Thế Cao được tán thán là vị đứng đầu. Qua đó có thể thấy, địa vị của ngài trong giới dịch thuật như thế nào.
Giảng về phần tựa
Phiên âm: Vi Phật đệ tử, thường ư trú dạ, chí tâm tụng niệm, bát Đại nhân giác.
Dịch nghĩa: Là người đệ tử Phật, ngày đêm nên chí tâm, thường tụng niệm tám điều giác ngộ của Đại nhân.
Giảng giải: Pháp sư Đạo An đời Đông Tấn đã chia một bộ Kinh làm ba phần: Phần tự, phần chính tông và phần lưu thông. Lấy thân thể con người để tỉ dụ, phần tự như đầu, phần chính tông như thân và phần lưu thông như chân. Pháp sư Đạo An phân phán như thế, mọi người đều khen là: "Phân phán cao minh trùm thiên hạ, học giả xưa nay thảy tuân hành." Như vậy đủ thấy, tính chính xác, cao minh trong sự phân định của ngài như thế nào.
Kinh này tuy không phải đức Phật nói trong một Pháp hội, nhưng cũng có phần tự, phần chính tông, phần lưu thông một cách hoàn chỉnh như những Kinh điển khác. Đoạn Kinh ở trên, có thể được xem là phần tự, duyên khởi mở đầu cho bản Kinh này.
Là người đệ tử Phật sớm tối nên có công khóa tu trì nhất định. Trong các tự viện, phần lớn lấy Chú Lăng Nghiêm, Kinh Di Đà làm công khóa tu tập sớm tối. Thực ra, theo phần tự của bản Kinh này, muốn thực hành Phật giáo trong cuộc sống, muốn cải thiện khí chất thân tâm của con người, phải lấy Kinh Bát Đại Nhân Giác làm thời khóa tụng niệm sớm tối! Điều này thật vô cùng xác đáng.
Người Phật tử tại gia đương nhiên nên sớm tối thọ trì quyển Kinh này, song hàng đệ tử xuất gia còn cần phải thọ trì hơn nữa.
Đệ tử Phật không có phân biệt gái trai già trẻ, giàu nghèo sang hèn, xuất gia, tại gia, chỉ cần phát tâm tin Phật, quy y Tam Bảo, thực hành theo lời Phật dạy, đều gọi là đệ tử Phật.
Đệ tử Phật phải đem tâm chí thành chí thiết, không giả dối, tạp loạn, bốn mùa xuân hạ thu đông chẳng kể là sớm hay tối, đều phải luôn luôn ghi nhớ, miên mật quán niệm tám điều mà Bồ tát nên giác ngộ này. Hoặc lớn tiếng tụng đọc, hoặc niệm thàm trong tâm, đều là cách tu trì tốt nhất.
Đệ tử Phật có bảy chúng: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na ni, Sa di, Sa di ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Kinh này đặc biệt thích hợp co hàng Ưu bà tắc, Ưu bà di thọ trì hơn cả.
Chúng tôi nay đem tám điều giác ngộ trong Kinh Bát Đại Nhân Giác trình bày ở biểu đồ sau. Sau này chúng tôi sẽ dựa vào biểu đồ để giảng giải, mong rằng mọi người cùng chí tâm thọ trì.
Dịch thơ:
Kinh Tám Điều Giác Ngộ Người con Phật phát tâm học đạo
Luôn ngày đêm y giáo phụng hành
Đại nhân giác ngộ đành rành
Tám điều ghi nhớ, chí thành niệm tu.
Biểu đồ I: Tóm tắt nội dung tám điều giác ngộ Kinh Bát Đại Nhân Giác
Tám Điều Giác Ngộ:
- Thế Gian Quan - Điều I:
- Khí thế gian: Cõi nước mong manh
- Hữu tình thế gian: Thế gian vô thường
- Ngũ uẩn thế gian: Tứ đại khổ không
- Nhân Sinh Quan:
- Đa dục là căn bản của luân hồi sinh tử - Điều II
- Tri túc là căn bản để vui nghèo giữ đạo - Điều III
- Tinh tấn là căn bản để hàng phục mang chướng - Điều IV
- Trí tuệ là căn bản để chuyển hóa ngu mê - Điều V
- Bố thí là căn bản để cứu độ chúng sinh - Điều VI
- Trì giới là căn bản để tiết chế dục vọng - Điều VII
- Kết Luận: Tâm Đại thừa là căn bản phổ độ chúng sinh - Điều VIII