Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> MƯỜI BÀI GIẢNG KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9865 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

MƯỜI BÀI GIẢNG KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC
Hòa Thượng THÍCH TINH VÂN

Lược sử ngài An Thế Cao

 (người dịch kinh này từ Phạm sang Hán)
Ngài tên Thanh, tự Thế Cao là vương tử nước An Tức (một nước cổ thuộc vùng đất Ba Tư, phía Tây Bắc Ấn Độ hiện nay.)  Vì họ của ngài lấy theo tên nước, nên mới có các tên như An Thanh, An Hầu, An Thế Cao.  Thuở nhỏ, An Thế Cao có tiếng hiếu thảo, lại thêm thông tuệ, có chí cầu học; các sách voẻ nước ngoài, thiên văn, địa lý, y học, v.v... thảy đều tinh thông.  Đặc biệt về phương diện ngôn ngữ, tương truyền ngài thông thạo hơn ba mươi sinh ngữ, cho đến nghe hiểu được tiếng chim thú.  Một hôm, An Thế Cao cùng các bạn đang đi trên đường, bỗng gặp một đàn chim én ríu rít, liền nói: "Chúng bảo nhau sắp có người đem thức ăn đến."  Một lát sau quả nhiên như vậy!  Mọi người ai cũng lấy làm kinh dị.  Tiếng tăm của ngài vì thế đã sớm lừng lẫy khắp nơi.
Thế Cao tuy ở nhà mà giữ gìn giới pháp vô cùng nghiêm tịnh.  Sau khi vua cha mất, ngài lên nối ngôi, song do thấu đáo lẽ vô thường, khổ không, nên sớm đã xem vinh hoa phú quý như bèo bọt mây nổi.  Khi mãn tang cha xong, Thế Cao liền nhường ngôi lạ cho chú, còn mình xuất gia du phương học đạo.  Với tài đức sẵn có, chẳng bao lâu ngài đã thông đạt Tam Tạng, sở trường về A Tỳ Đàm và thiền quán đến mức nhập diệu.  Sau đó, Thế Cao đi qua các nước ở Tây Vực để hoằng hóa; vào niên hiệu Kiến Hòa thứ II đời Đông Hán Hoàn Đế (148), lại đến Lạc Dương Trung Quốc.  Với sức thông tuệ nghe một biết ngàn, ngài ở đây chẳng bao lâu đã thông thạo tiếng Hoa và tham gia công tác dịch thuật hơn hai mươi năm (đến niên hiệu Kiến Ninh thứ III đời Hán Linh Đế - 170).  Đây là thời kỳ đầu của Phật giáo Trung Quốc, thuật ngữ Phật giáo còn chưa phong phú, ít có người thông thạo cả hai thứ tiếng Phạn và Hoa nên việc dịch thuật rất khó khăn và còn nhiều chỗ lầm lẫn.  Thế Cao nhờ là người Tây Vực, lại thông thạo cả hai ngôn ngữ, nên dịch kinh rất chính xác.  Kinh điển ngài dịch nghĩa lý rõ ràng, văn từ xác đáng, lời không hoa mỹ mà văn chất lại chẳng quê mùa chút nào.  Độc giả đọc văn, ai cũng say mê không biết chán.  Ngài được đánh giá là vị đứng đầu trong nhà dịch thuật thời đó, là một trong những vị mở đường, đặt nền móng cho Phật giáo Trung Quốc.  Những kinh ngài dịch như An Ban Thủ Ý, Ấm Trì Nhập, A Tỳ Đàm, Ngũ Pháp Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Chuyển Pháp Luân, Bát Chánh Đạo, Thiền Hành Pháp Tưởng, Tu Hành Đạo, v.v... khoảng ba mươi bốn bộ, bốn mươi quyển.  Đây là theo Tam Tạng Ký.  Ngoài ra còn nhiều thuyết khác, như Cao Tăng Truyện nói có ba mươi chín bộ...
Thế Cao là người thông đạt sự lý, biết rõ nghiệp duyên của mình.  Sự tích thần dị về đời ngài thực không ai lường nổi.  Thế Cao từng nói tiền thân của mình là một vị xuất gia ở chung với người bạn đồng tu.  Vị này ưa thích bố thí cúng dường nhưng tính tình lại hay sân hận.  Mỗi khi đi khất thực, gặp người thí chủ nào làm trái ý là ông liền nổi giận.  Thế Cao từng nhiều lần khuyên bảo mà ông ta vẫn không ăn năn cải đổi.  Như thế hơn hai mươi năm, một hôm ngài từ biệt người bạn ấy ra đi, nói rằng: "Tôi đi Quảng Châu để trả cho hết túc nghiệp.  Ông tinh tấn, thông đạt kinh điển chẳng kém gì tôi, nhưng tính còn nhiều sân hận.  Sau khi mệnh chung, e rằng ông phải bị đọa, mang thần hình xấu xa đáng sợ.  Nếu tôi đắc đạo sẽ đến độ ông."
Sau đó Thế Cao đến Quảng Châu, gặp thời giặc cướp hoành hành, khắp nơi loạn lạc.  Trên đường ngài gặp một tên thiếu niên, hắn ta rút dao ra nói: "Ta tìm gặp được ngươi rồi!"
Ngài mỉm cười trả lời: "Ta vì đời trước mắc nợ mạng của ông, nên từ xa đến đây để trả.  Ông sở dĩ gặp ta liền nổi sân, là do có lòng hờn giận từ đời trước."
Nói xong, ngài thản nhiên không chút sợ hãi, ung dung đưa cổ cho chém!  Lúc ấy, người xem đứng chật cả hai bên đường, không ai là không kinh dị.
Sau đó, thần thức Thế Cao thác sinh lại làm vương tử nước An Tức, chính là An Thế Cao hiện đời.  Sau khi du hóa Trung Quốc, việc dịch kinh hoằng pháp đã xong, gặp loạn Mạc Quan Lạc thời Hán Linh Đế (niên hiệu Kiến Ninh thứ III - 170), ngài bèn chấn tích đi đến Giang Nam, nói rằng: "Tôi sẽ đến Giang Nam để độ người bạn đồng tu xưa."
Thuyền đi đến hồ Cung Đình.  Nơi đây có một miếu thờ thần nổi tiếng linh thiêng.  Các thương khách đi ngang nếu ghé lại cúng lễ, thì đi đường sẽ xuôi buồm thuận gió.  Trước đây từng có người đến đốn trộm trúc trồng ở quanh miếu, rồi cho thuyền chở đi.  Nhưng thuyền đi được một quãng liền bị lật chìm, trúc trôi trở lại nơi cũ.  Từ đó thuyền nhân đều kinh sợ, không ai dám động phạm đến miếu này.  Lúc An Thế Cao cùng hơn ba mươi người khách đồng thuyền đi ngang qua, một vài người đại diện mang lễ vật lên miếu cúng tế để cầu bình an.  Thần miếu liền giáng xuống bảo rằng: "Trong thuyền có Sa môn, xin mời lên đây!"  Mọi người đều kinh ngạc, vội mời An Thế Cao lên miếu.
Ngài vào miếu, thần liền bảo: "Thuở xưa tôi cùng ngài xuất gia học đạo.  Tôi thích bố thí mà tính lại hay sân hận nên phải bị đoạ làm thần giữ miếu ở hồ Cung Đình, cai quản chu vi cà ngàn dặm.  Tôi nhờ phước bố thí nên tài vật dồi dào, song do sân hận phải bị đoạ làm thần giữ miếu.  Nay gặp lại bạn tu xưa thật vui buồn lẫn lộn, khôn xiết bùi ngùi.  Thọ mạng tôi chẳng còn bao lâu.  Thân hình to lớn xấu ác của tôi nếu chết ở đây e rằng làm ô uế sông hồ, nên định dời sang đầm Sơn Tây.  Tôi chết di sợ sẽ đọa vào địa ngục.  Tôi có ngàn xấp lụa và các thứ bảo vật, xin ngài nhận lấy để xây chùa tháp, cầu siêu độ cho tôi."
An Thế Cao nói: "Tôi đến đây là cốt để độ ông.  Sao ông không hiện ra cho thấy nguyên hình?"
Thần đáp: "Thân tôi quá xấu xa đáng sợ, e rằng khiến mọi người kinh hãi."
Thế Cao hỏi: "Xin chỉ hiện một phần nào mà mọi người trông thấy không kinh sợ."
Thần liền từ phía sau giường đưa đầu lên.  Thì ra là con mãng xà lớn, không biết cả mình dài bao nhiêu, chỉ thấy đầu cao đến gối.  Ngài An Thế Cao liền đọc vài biến kinh tiếng Phạn cho nó nghe.  Nghe xong, mãng xà buồn bã, lệ rơi lã chã, giây lát liền ẩn mất.
Sau đó, Thế Cao thu dọn lụa là và đồ vật trong miếu rồi xuống thuyền ra đi.  Thuyền dong buồm rời bến, mãng xà leo lên núi nhìn theo đến hút tầm mắt.  Khi đến Dự Chương, ngài đem những đồ vật của thần miếu dùng vào việc xây cất chùa Đông Tự.
Lúc Thế Cao đi rồi, thần mạng chung.  Tối đến, mọi người thấy có một thiếu niên đến quì trước An Thế Cao nhận lời chú nguyện, giây lát bổng nhiên không thấy đâu cả.  Thế Cao nói với những người chung thuyền: "Thiếu niên đó chính là vị thần ở ngôi miếu tại hồ Cung Đình, nay đã thoát được thân xấu ác."
Từ đó miếu hét linh thiêng.  Sau này người ta thấy một con mãng xà rất lớn chết ở đầm Sơn Tây, đầu đuôi dài đến mấy dặm!  Nơi đây nay trở thành Xà thôn (làng rắn) ở huyện Tầm Dương.
An Thế Cao sau đó đi Quảng Châu, tìm đến nhà vị thiếu niên đời trước giết mình.  Vị thiếu niên kia nay vẫn còn, song đã trở thành ông lão tóc bạc.  Thế Cao gặp vị đó, liền nhắc lại chuyện trả nợ mạng xưa kia của mình và nói rõ nhân duyên đời trước, rồi hoan hỷ bảo: "Ta nay vẫn còn chút dư báo, nên phải đi Cối Kê để trả xong!"
Vị khách Quảng Châu đó nhận ra Thế Cao là bậc phi phàm nên chợt tỉnh ngộ, ăn năn tội lỗi trước kia.  Từ đó vô cùng cung kính An Thế Cao và tình nguyện đi theo đến Cối Kê.  Đến nơi vào chợ, gặp lúc có loạn, người ta đánh lầm trúng đầu ngài, nhân đó liền qua đời.  Vị khách Quảng Châu hai lần chứng kiến việc trả báo của ngài nên vô cùng tin sợ nhân quả, tinh tấn tu tập và thuật lại đầu đuôi câu chuyện này cho mọi người biết.  Xa gần hay biết, không ai là không thương tiếc!
Soạn dịch theo Cao Tăng truyện và Phật Quang Đại Từ Điển

<< Kinh Tám Điều Giác Ngộ | Bài giảng thứ I >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 602

Return to top