Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Bóng Hoàng Hôn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 19994 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Bóng Hoàng Hôn
QUỲNH DAO

Chương 3
"Vườn Lê" vắng vẻ.
Chỉ có tiếng gió ru qua cành. Mùa này hoa cúc nở rộ tỏa hương thơm ngát, lá rụng đầy sân, nhưng khung cảnh vắng như một vườn hoang. Hình như không có bóng người, nhưng lại không phải, thật sự có một bóng người, dáng gầy như liễu, chiếc váy xanh rộng, đứng bất động trong lùm cây. Đấy là Bội Hoàng. Bội Hoàng với bao nhiêu tâm sự ngổn ngang.
Với cách phục sức, với bao nhiêu tiện nghi sẵn có, nhìn từ ngoài ai cũng cho Bội Hoàng là một cô gái hạnh phúc, một cô gái đẹp, giàu có. Chỉ cần đánh tiếng là bất cứ món gì Hoàng cũng có thể có, nhưng mà không hiểu sao Hoàng lại không vui. Chưa bao giờ Hoàng có được một niềm vui trọn vẹn.
Có lẽ vì cuộc sống.
Nhưng Bội Hoàng đã có cuộc sống cô độc ngay từ thuở nhỏ. Mẹ chết sớm, Hoàng thiếu hẳn tình mẫu tử. Hoàng chỉ biết có ông anh lúc nào cũng lạnh lùng và bà vú nghiêm khắc. Còn cha thì gần như không tiếp cận được, bạn bè cũng không. Hoàng giống như một cánh cò cô độc không hợp quần. Không, không phải, Hoàng cũng muốn có bạn bè lắm chứ. Trông thấy chúng bạn đùa giỡn vô tư, Hoàng muốn tham gia, nhưng lại mặc cảm, thế là Hoàng chờ đợi rủ rê, nhưng chẳng ai hiểu Hoàng... Hoàng chỉ còn biết làm ra vẻ như lạnh lùng, như bất cần, cao ngạo và đối kháng. Kết quả là càng lúc bạn bè càng tránh xa, Hoàng càng cô độc hơn.
Mẹ mất sớm. Hình bóng của mẹ chỉ là cái gì mông lung không thực. Hoàng nghe nói có mẹ cuộc đời hẳn hạnh phúc hơn. Hoàng nhìn thấy gia đình những người khác, mẹ chăm sóc cho con từng ly từng tý. Không phải chỉ có con người mà ngay như loài vật, có mẹ cũng sung sướng biết chừng nào. Những con gà mái bảo vệ con trước móng vuốt diều hâu. Những cảnh chim mẹ tìm mồi cho con khiến Hoàng cảm động, nhưng những cái đó lại làm cho Hoàng cảm thấy mình càng cô độc hơn. Hoàng còn nhớ rõ, biết rõ Hoàng không hề có tuổi thơ. Ngay từ nhỏ Hoàng đã biết quá nhiều thứ. Phải chăng đó chính là cái làm Hoàng già trước tuổi? Đã đánh mất tuổi xuân?
Cũng có lẽ vì trưởng thành quá sớm, đối với cha - người cha có dáng dấp đẹp trai xuất chúng, chững chạc – Hoàng lại có cái tình cảm vượt quá mức độ tình cha con bình thường. Hoàng gần như kiểm soát mọi điều liên hệ đến cha: thư từ, nhật ký, rồi những hành vi nào của cha mà Hoàng kiểm soát được. Hoàng còn ganh tị cả với bạn bè của cha nhất là với phái nữ. Hoàng như sợ các bà đó rồi sẽ cướp đi cha mình. Có một lần ông Lê Chí Huấn mở dạ tiệc trong Vườn Lê, khách khứa đến đông đủ, một bà khách trẻ đẹp vì quá thân mật với ông Huấn đã bị Hoàng lớn tiếng thóa mạ. Kết quả bà khách giận dữ bỏ về. Hoàng bị cha đánh. Từ đó tình cảm giữa hai cha con như không còn. Ông Huấn có thể vì bận việc kinh doanh, cũng có thể vì cái chuyện không hay đó đã không còn về mở tiệc ở Vườn Lê. Và cũng từ đó, ông ít khi về nhà.
Mất tình cha, Bội Hoàng càng trở nên trầm mặc hơn. Ông anh Bội Quân lạnh lùng cũng chẳng giúp ích được gì cho Hoàng. Rồi Hoàng lên đại học và gặp Trúc Phượng.
Không thể phủ nhận một điều, cái hồn nhiên, hiền lành vui vẻ của Phượng đã ảnh hưởng rất nhiều đến Hoàng. Nụ cười của Phượng, đôi lúc cũng khiến băng tan trên trái tim Hoàng. Và Hoàng bắt đầu biết cười, Hoàng không còn là cô công chúa ngủ trong rừng nữa. Hoàng coi Phượng như tri kỷ, Hoàng bắt đầu hòa hợp với cuộc đời... mãi cho đến lúc Lê Văn xuất hiện.
Lê Văn, cái anh chàng đẹp trai đa tài. Phải chăng đấy là định mệnh? Lần đầu tiên nhìn thấy Văn là tim Hoàng đập mạnh, máu trong người như nóng hẳn lên, nóng đến độ Hoàng không kềm chế được cảm xúc trong lòng. Rồi lần gặp thứ hai bên hồ phun nước, Văn đã xúc phạm Hoàng... Hoàng nhận thấy Văn cũng cao ngạo chẳng kém nàng. Nhưng chính điều đó lại khiến Hoàng nghĩ đến Văn nhiều hơn. Và bản chất độc tài làm Hoàng muốn chiếm hữu lấy Văn, chiếm hữu một cách độc quyền. Và điều này Hoàng lại thấy quá mong manh, nhất là sau cái hôm rủ Văn và Trúc Phượng đến Vườn Lê. Linh tính cho Hoàng thấy, nàng không phải là địch thủ của Phượng. Trong khi Lê Văn? Lê Văn lại như một chú cá mình trơn, Hoàng không làm sao có cách giữ chàng cho mình được, điều đó khiến Hoàng bứt rứt.
Hoàng chợt buông tiếng thở dài. Tiếng động làm giật mình chú chim đậu trên cành gần đấy, nó tung cánh bay đi. Hoàng vuốt vuốt mái tóc dài. Rồi một ngày nào đó, Hoàng sẽ như chú chim kia... cũng sẽ bay đi thật xa để quên lãng chăng?
Trời đã chớm lạnh, Hoàng kéo cao cổ áo. Chợt nhiên phát hiện anh Bội Quân cũng ra đây từ bao giờ. Anh ấy đang nhìn Hoàng với ánh mắt nghỉ ngợi.
Hoàng lên tiếng:
- Anh đi tìm em đấy à?
Quân bước tới cởi chiếc áo ngoài ra, khoác lên vai em.
- Trời chiều đầy sương, em đứng ở đây làm gì?
Hoàng nhìn xuống:
- Em sẽ vào nhà ngay.
Bội Quân đi cạnh em:
- Bội Hoàng, lúc gần đây hình như em có tâm sự gì, anh thấy em không được vui.
- Đâu có đâu anh. - Bội Hoàng vội vã nói – Cái không khí mùa thu làm cho em cảm hoài. Em sợ nhất mùa lá rụng vì nó buồn thảm làm sao đấy.
Bội Quân yên lặng, đương nhiên là Quân đâu có tin, Quân nói:
- Cha mới về đến.
- Vậy à? – Hoàng có vẻ bình thản – Lâu lâu cũng phải về nhà một lần mới phải.
Đến trước cửa vào nhà, Quân chợt dừng lại.
- Hình như em hơi có thành kiến với cha, phải không? – Quân hỏi rồi nói – Nhưng em phải nhớ là... cha dù gì cũng là cha của chúng mình.
- Nhưng mà em cũng nhớ mẹ. - Bội Hoàng lạnh nhạt nói – Cha là người chồng không trung thành. Em không hiểu cha nghĩ sao? Tại sao lúc đầu cha yêu mẹ, cưới mẹ, rồi sau đấy lại giao du thân mật với những người đàn bà khác?
Bội Quân nhìn em gái.
- Em cũng đừng quên là... mẹ qua đời đã hơn mười bảy năm.
- Mười bảy, hai mươi bảy hoặc ba mươi thì cũng nào có nghĩa lý gì? Nếu tình yêu chân chính thì nó phải có tính chất vĩnh hằng không thay đổi. Mẹ có mất, cha cũng phải trung thành với mẹ.
- Thôi được rồi, không tranh luận với em nữa. Chúng ta vào nhà nhé?
Quân vỗ vỗ lên vai em. Dù gì đây cũng là cô em gái duy nhất của chàng.
Trong phòng khách ông Lê Chí Huấn ngồi trên ghế salon, năm nay ông đã bốn mươi lăm tuổi, nhưng dáng dấp vẫn trẻ trung. Thời gian không để lại dấu vết trên mặt ông. Đứng gần Bội Quân ông chỉ là một ông anh cả của con trai. Ngoài vẻ đẹp trai, ông còn cái chững chạc, già dặn của người đàn ông trung niên. Mái tóc ông vẫn đen tuyền, đầy quyến rũ.
Quân và Hoàng đã đứng trước mặt cha. Quân nói:
- Đã hơn một tuần cha không có về Vườn Lê, cha vẫn khỏe chứ?
Ông Huấn gật đầu, ông nhìn sang con gái:
- Còn Bội Hoàng, sao nãy giờ cha không nghe con nói gì cả vậy? Con không thích thấy cha về đây ư?
- Con biết là cha rất bận, ngoài chuyện buôn bán ra, cha còn phải tiếp đón săn sóc quý bà quý cô, nên con không dám đòi hỏi gì cả.
Bội Hoàng lạnh lùng nói.
Lời của Bội Hoàng làm cho ông Huấn hơi khó chịu. Dù gì Hoàng cũng chỉ là con. Mà ông không muốn con lại chen cả vào đời tư của mình, nhưng ông chỉ hỏi:
- Lúc này con bình thường chứ? Sức khỏe có gì khác lạ không?
- Con không dễ chết đâu.
Bội Hoàng nói rồi bỏ đi ra ngoài.
Ông Huấn càng thấy khó chịu, ngay từ lúc Hoàng còn nhỏ, ông đã không biết phải xử sự thế nào với nó. Cái bản chất của Hoàng phải nói là một bản in khác của mẹ: ngang ngược, cố chấp, chua ngoa, sẵn sàng tấn kích người khác một cách không lý do. Nhưng ông biết phải nói sao? Phải chăng đây là món quà mà vợ ông đã để lại, để mà dày vò, hành hạ ông? Nghĩ đến chuyện cũ ông Huấn không khỏi thở dài. Bội Quân như hiểu biết hơn, nói:
- Cha à, đừng có chấp nhất Bội Hoàng. Lúc gần đây tính tình nó thay đổi nhiều. Hình như nó có tâm sự gì không được vui.
Ông Huấn lắc đầu:
- Cha không trách nó đâu. Làm sao trách nó được khi nó mới là một đứa trẻ con?
Bội Quân ngồi xuống đối diện với cha. Hai cha con có vẻ gần gũi hơn.
- Cha à? Nếu cha thấy ở xí nghiệp không tiện nghi, chi bằng cha quay về đây ở với tụi con đi.
Ông Huấn lại lắc đầu:
- Đồng ý là không bằng ở nhà, nhưng mà ở đấy gần nơi làm việc tiện lợi liên lạc. Có cái ăn là hơi gay go. Cha thích bà Đan nấu ăn hợp miệng cha.
Bội Quân cười nói:
- Vậy thì cha cho mang bà Đan về thành phố đi. Tụi con cũng không cần bà ấy lắm.
- Thôi khỏi, để bà ta ở đây được hơn. Con biết không mấy bà già năm sáu mươi tuổi thường không ưa cái không khí náo nhiệt của thành phố. Vả lại cha biết... bà Đan cũng không muốn rời Bội Hoàng đâu.
Bà Đan ngoài vai trò nấu bếp ra còn là vú nuôi của Bội Hoàng. Bà không con, nên thương Bội Hoàng như con đẻ.
Bội Quân khơi mào câu chuyện.
- Lần này cha về đây có chuyện gì khác không?
Ông Lê Chí Huấn nói:
- Ngày mai này là ngày giỗ của mẹ con. Bên cạnh đó, cha nhớ ra là chỉ còn nửa năm nữa con sẽ ra trường, nên về đây thu xếp một số công việc.
Bội Quân suy nghĩ một chút nói:
- Con thì chưa tính toán gì cả. Con cũng không có ý định ra nước ngoài du học.
Ông Huấn có vẻ hơi bất ngờ.
- Ồ, sao vậy? Trẻ tuổi bây giờ muốn tiến thân ai cũng đều nao nức chuyện đó. Con có thừa điều kiện thế này. Sao lại không có ý định du học chứ?
Bội Quân nhìn lên.
- Bản tính con không thích hợp chuyện đó. Con nghĩ, tốt nghiệp xong, có lẽ con nên ở lại trong nước, kiếm một công việc gì đó mà mình thích, đi làm hay hơn.
Ông Chí Huấn gật gù:
- Vậy con định làm gì? Về phụ cha coi sóc công ty nhé?
- Không, - Bội Quân nói ngay – Con định ra đời bằng đôi tay mình, tài sức của chính mình, để tìm hiểu một xã hội khác.
- Như vậy có nghĩa là không có quan hệ gì đến môn con đã học sao?
- Không phải là hoàn toàn không quan hệ. - Bội Quân đáp – Con có bảo là sẽ bỏ môn toán con học đâu? Cha hiểu sai rồi... Con định vào làm việc ở viện nghiên cứu, một hình thức vừa học vừa làm đấy mà.
Ông Huấn lắc đầu:
- Thôi thì tùy con, con lớn rồi, con có kế hoạch cho chính mình cũng tốt. Nhưng nếu con cần tiền bạc để làm một việc gì, con cứ nói, cha sẽ cố gắng đáp ứng cho con.
Bội Quân cười nhẹ, rồi như suy nghĩ điều gì, Quân nói:
- Con nghĩ cái cần nhất bây giờ là... nếu cha rảnh rỗi xin cha hãy nhín chút thì giờ quay về đây với chúng con. Ở đây không xa thành phố lắm, cha lại có xe nhà... con nghĩ cũng không khó khăn lắm.
- Thôi được, cha sẽ cố gắng.
Ông Huấn chỉ nói chứ không hứa. Quân lại nói thêm:
- Cha cũng biết đấy, ở đây nhà cửa rộng rãi, lại chỉ có hai đứa con. Cái không khí âm u tĩnh mịch này quá buồn tẻ, chỉ khi nào có sự hiện diện của cha, nó mới sinh động hơn.
- Vậy à? – Ông Huấn nhìn con trai thăm dò - Tại sao con không rủ rê bạn bè về cho vui? Ở thui thủi một mình như vầy cũng không tốt.
- Bạn bè à? - Bội Quân lắc đầu - Chẳng có đứa nào hợp tính, rủ chúng về đây phá phách, nhiều lúc thấy bực mình hơn.
- Con cho là như vậy? – Ông Huấn ngạc nhiên – Con chưa có bạn gái ư? Còn Bội Hoàng nữa?
Bội Quân đỏ mặt. Chàng nghĩ ngay đến Trúc Phượng, nhưng cô ấy đâu phải là bạn gái của mình? Quân chỉ nói:
- Bài vở bề bộn quá, nên con không có thì giờ giao tiếp với bạn gái. Vả lại... con gái bây giờ con cảm thấy họ suy nghĩ nông cạn và thực dụng quá.
Ông Huấn lắc đầu:
- Có khi tại con nhìn cao quá... Con giống cha ngày trước.
- Cha!
Bội Quân kêu lên, chưa bao giờ Quân nghe cha kể lại thuở tuổi xanh của mình. Ông Huấn như giật mình tỉnh lại, ông vội xoay đề tài.
- À... Con xuống nhà xem bà Đan nấu cơm xong chưa? Tối nay ba còn quay về thành phố nữa.
- Vâng.
Bội Quân vội vã đi xuống nhà bếp. Ông Huấn ngã người tựa ra sau. Khuôn mặt đầy nghĩ ngợi. Ban nãy lời con đã khơi dậy vết thương cũ trong lòng. Chuyện mười bảy năm trước như một giấc mơ. Ông không muốn nghĩ tới nữa. Chuyện gì đã qua hãy để nó trôi qua đi. Cuộc đời có bao giờ diễn biến đúng như ý ta đâu?
Rồi ông nhìn lên ngắm nghía ngôi nhà. Ngôi nhà tuy cũ kỹ nhưng lại ngập đầy kỷ niệm. Ngày xưa, chuyện vui buồn và cả cơn ác mộng đó đều xảy ra trong ngôi nhà này. Ông cũng không ngờ lúc đó tại sao ông lại có thể lạnh lùng tàn nhẫn như vậy. Chẳng có ai trông thấy, kể cả đám con. Mọi thứ giải quyết một cách êm thắm. Bây giờ nghĩ lại ông vẫn không thấy hối hận, còn cảm thấy mình làm vậy là đúng.
Ông nhắm mắt lại hồi tưởng. Chợt có tiếng chân bước nhẹ về phía ông. Ông nghĩ là Bội Quân quay trở lên, nên hỏi:
- Sao xong chưa? Cha thấy đói rồi đấy.
Nhưng lại không có tiếng trả lời. Ông hơi ngạc nhiên, mở mắt ra, trước mặt là một thanh niên lạ, dáng dấp cao lớn, đẹp trai. Ông giật mình chưa kịp hỏi, thì thanh niên kia đã tự giới thiệu:
- Tôi là Lê Văn, đến thăm Bội Hoàng, còn ông đây là...
Ông Huấn yên lòng, cười:
- Tôi là Lê Chí Huấn, cha của Bội Hoàng đây.
- Cha à? – Lê Văn tròn mắt - Trời đất! Vậy mà cháu tưởng là anh cả của Bội Hoàng thôi, cháu không ngờ bác lại có thể trẻ như vậy.
Ông Chí Huấn ngắm gã thanh niên trẻ trước mặt. Anh chàng có vẻ thông minh, lanh lợi.
- Cậu là cái gì của Bội Hoàng?
- Dạ cháu là bạn học, bạn rất thân.
- À!
Ông Chí Huấn gật gù. Ông ngắm chàng trẻ tuổi lần nữa, cái hoạt bát của anh chàng rất giống ông thời còn trai trẻ.
- Cậu ngồi chơi để tôi cho người gọi nó ra.
Rồi ông bấm chuông, cô tớ gái bước ra.
- Cho gọi cô Hoàng ra, có khách.
Lê Văn bắt chuyện.
- Hình như bác rất ít khi có mặt ở nhà?
Ông Huấn chau mày.
- Sao cậu biết? Cậu thường xuyên đến đây lắm à?
- Nghe mấy người đó nói lại là... bác rất bận.
Ông Chí Huấn cười. Ông hiểu như vậy có nghĩa là tình cảm giữa cậu trai này với con gái ông khá đậm. Hắn cũng đẹp trai đấy chứ? Ông hỏi:
- Thế gia đình cậu làm gì?
Lê Văn nhìn lên:
- Cha cháu chắc bác cũng đã nghe tên qua. Ông Lê Bá Vỹ đấy.
- À, Bá Vỹ à? – Ông Chí Huấn vỗ vỗ trán nói - Vậy mà bác tối dạ quá. Ban nãy nhìn cháu như quen quen vậy mà không nhận ra. Lê Bá Vỹ chơi rất thân với ta đấy.
- Vậy à?
Lê Văn vui vẻ. Ông Huấn cười:
- Nhưng sao bác không nghe ba cháu nói gì về chuyện cháu học chung với con Bội Hoàng nhà ta cả vậy.
- Dạ... vì trước đây cháu học ở trường khác, chỉ niên học này mới chuyển qua. Vì vậy cha cháu không biết chuyện cháu học chung với Bội Hoàng.
- Có lẽ, vả lại cha cháu cũng khá bận. – Ông Huấn vừa cười vừa nói - Thế lúc này cha cháu khỏe không?
- Dạ cảm ơn, ba mẹ cháu đều khỏe.
Lê Văn đáp, thật ra thì cả mười ngày qua chàng nào có gặp mặt cha mẹ.
Ngay lúc đó, Bội Quân từ trong bước ra, thấy cha và Lê Văn nói chuyện vui vẻ. Quân tỏ vẻ ngạc nhiên, cha mà cũng quen biết anh chàng này nữa à? Quân quay qua nói với cha.
- Thưa cha, bà Đan đã dọn cơm xong rồi.
Ông Chí Huấn ngoắc Quân lại gần, chỉ Lê Văn nói:
- Bội Quân, con biết đây là ai không? Con trai của bác Lê Bá Vỹ thứ trưởng đấy. Ông ấy là bạn rất thân của cha.
Bội Quân liếc nhanh về phía Lê Văn với ánh mắt thiếu thiện cảm. Không phải vì Quân không thích Lê Văn làm bạn với Hoàng, mà là vì Quân cũng cảm nhận một điều, đấy là... Văn cũng có tình cảm với cả Phượng.
Lê Văn giả lả:
- À, anh Quân hôm nay rảnh hả? Không bận viết luận văn tốt nghiệp ư?
Bội Quân còn chưa kịp trả lời thì Bội Hoàng từ trong với nét mặt rạng rỡ bước ra, cố nén cái quá vui lộ ra ngoài, Hoàng hỏi:
- Tối thế này mà anh còn đến đây à?
Lê Văn đứng dậy lịch thiệp:
- Cũng còn sớm chán, mà tôi thấy thích thì đến, cô không vui ư?
Bội Hoàng đỏ mặt, trước mặt cha và anh, Hoàng không biết trả lời thế nào cho phải. Ông Chí Huấn là người sành điệu, ông hiểu mình nên làm gì bây giờ, nên đứng dậy nói:
- Mấy con cứ nói chuyện tự nhiên nhé. Ta đói lắm phải vào trong ăn cái gì đây.
Bội Quân thì không nói gì cả, lẳng lặng đi vào cửa khác. Phòng khách bây giờ chỉ còn lại có hai người. Dưới ánh đèn mờ nhạt Lê Văn nhìn Hoàng cười nói:
- Tôi rất thích thấy Hoàng có vẻ tự nhiên như vầy.
- Tôi không ngờ anh lại đến. – Hoàng nói, cái lạnh lùng thường nhật đã biến mất – Sao ban sáng ở trong lớp cũng không nghe anh nói là chiều nay anh sẽ đến chơi?
- Tôi đến đâu cũng thích đến một cách đường đột. – Lê Văn nói – Hôm nay lại gặp hên mới thấy cha của Hoàng có mặt ở nhà.
Nhưng không ngờ lời của Văn lại khiến Hoàng sa sầm nét mặt.
- Làm sao anh biết chuyện cha tôi ít có mặt ở nhà? Ai bảo anh thế?
- Trúc Phượng nói – Lê Văn tự nhiên - Lạ thật, không hiểu sao vừa trông thấy ông ấy tôi đã có cảm tình ngay. Tôi mong là sau này khi mình lớn tuổi mình cũng sẽ giống ông ấy.
Bội Hoàng yên lặng, hơi bất mãn. Tại sao lúc nào cạnh nàng Văn cũng hay nhắc đến Phượng? Hay là... Thế là Hoàng chỉ ngồi yên một chỗ.
- Ủa sao vậy? Ra đây rồi Hoàng lại ngồi như pho tượng vậy? Tôi làm gì Hoàng giận à?
Lê Văn hỏi. Hoàng mới giật mình trước thái độ ấu trĩ của mình.
- Coi kìa, Hoàng lại làm gì lấm lét như sắp bị tôi ăn thịt.
- Đâu, đâu có.
Hoàng sửa lại dáng ngồi rồi nói:
- Đấy vậy có vẻ dễ thương hơn không?
Hoàng thở dài:
- Sao lúc nào tôi thấy anh cũng có thể đùa được?
- Vậy à? Đùa cho đời thêm hương có gì đâu?
Hoàng không thích cãi, hỏi:
- Anh đến tìm tôi có việc gì không?
- Không, chỉ muốn đến để nhìn Hoàng, vì ở trong trường nhìn chưa đủ.
Hoàng nhăn mặt:
- Tôi không thích nghe những lời đùa cợt đó. Tôi không thích làm trò hề cho thiên hạ.
Lê Văn vẫn tỉnh bơ:
- Vậy thì cô cho biết đi, cô thích nghe gì nào, tôi sẽ nói cho nghe.
- Chẳng có gì để thích, anh muốn nói gì thì tìm Trúc Phượng mà nói.
- Trúc Phượng à? Không được. – Lê Văn lắc đầu – Cô ấy thủ cựu cố chấp, lại quá nghiêm túc. Mở miệng ra không bài vở thì lại thánh kinh. Cô ấy có chịu nghe những gì tôi nói đâu? Lần trước này tôi chỉ mới đưa cô ta đến vũ trường "Đêm Paris" mà cô ta làm như tôi định ám sát cô ta không bằng.
Lời của Lê Văn làm Hoàng tái mặt, đôi mắt Hoàng bốc lửa.
- Đi vũ trường? Vậy có nghĩa là các người hay đi chơi với nhau lắm phải không?
- Cũng không thường xuyên. – Lê Văn thản nhiên nói - Những lúc nào chán quá không có việc gì, tôi mới đi tìm cô ấy. Nhưng mà Hoàng biết không lúc nào Phượng cũng nói là không rảnh. Có lẽ cô ta sợ tôi kéo cô ta đi mãi rồi hư người. Tôi cũng biết Trúc Phượng là học sinh giỏi, nên đâu thích chơi với tôi. Đúng không?
Hoàng như cố ý nói:
- Đến tìm mà Phượng cứ thoái thác... có lẽ anh thất vọng lắm phải không?
- Cũng không có gì. – Lê Văn nhún vai nói – Tôi quen thói lông bông nên đâu thể bắt người ta giống mình được... Như chiều nay đây, tôi đến đấy định rủ Phượng đi xem xinê, nhưng Phượng lại không chịu, đổ thừa là bận giảng bài cho em trai, mà đi xem xinê một mình thì lại chán chết, nên tôi không còn cách nào khác hơn là đến đây.
Lời của Lê Văn làm Bội Hoàng giận cực điểm. Không còn giữ kẻ được nữa, Hoàng nói:
- Anh phải nhớ kỹ là nhà tôi cũng không phải là cái quán hay cái trạm để cho những người vô công rỗi nghề lang thang ghé vô. Tôi cũng không thích tiếp những con người thất ý như anh...
- Ủa, Hoàng nói gì lạ vậy? – Lê Văn giả vờ ngạc nhiên – Ban nãy vừa gặp tôi Hoàng có vẻ vui lắm mà, sao thay đổi nhanh như vậy? Tôi chỉ xem Hoàng như một bạn học rất thân, nên mới tâm sự vậy mà.
Bội Hoàng yên lặng, trở lại với thái độ lạnh lùng cố hữu, Lê Văn lắc đầu tiếp:
- Tôi chịu, không thể hiểu được Hoàng.
- Ai cần anh hiểu? Anh đừng tưởng mình đẹp trai là bao nhiêu cô gái đều phải phủ phục dưới chân anh.
Hoàng chợt nhiên nói làm Lê Văn hối hận. Ban nãy rõ ràng là Văn chỉ muốn đùa chút thôi, không ngờ lại làm Hoàng giận và Văn bước qua ngồi cạnh Hoàng.
- Bội Hoàng làm gì lại giận dữ như vậy? Ban nãy chỉ là lời đùa thôi chứ nào có thật? Hoàng đụng tí là giận như vậy... làm sao giữa chúng ta có sự cảm thông. Giả sử tôi có làm gì sai đi, thì Hoàng cũng phải nói cho tôi biết mới phải chứ?
Hoàng thấy Văn xuống nước, như ng vẫn nói:
- Anh làm gì sai, có chăng là tôi đây này.
- Thôi mà cô gái, tha cho tôi một lần đi. Chiến tranh mãi dễ tổn thọ lắm.
Lê Văn nắm tay Hoàng nói, và cái nắm tay này mang lại tác dụng ngay. Cơn giận lui dần trong đầu Hoàng.
- Tại anh chứ đâu phải tôi? Anh cứ hay nói đùa mãi.
- Trong khi Hoàng lại thích làm khó làm dễ tôi.
- Nếu anh không lộn xộn thì làm sao tôi làm khó dễ anh được.
Hoàng nói với đôi má đỏ gấc. Văn cười:
- Cô có vẻ thích đỏ mặt quá. Nhưng mà tôi thấy đàn bà con gái đỏ mặt mới là đàn bà.
- Sao vậy?
- Vì đó là bản chất của phái nữ, mà đâu phải ai cũng có đâu. Chẳng hạn như Trúc Phượng, cô ấy giống con trai hơn.
Bội Hoàng trợn mắt:
- Thôi đừng nói chuyện tôi nữa, anh hãy nói về Trúc Phượng của anh đi.
Lê Văn tự nhiên:
- Nhắc đến Trúc Phượng, nhiều lúc tôi thấy lúng túng làm sao ấy. Cô ta giống như một cái giếng sâu khó dò. Nhiều lúc thật sự người lớn nhưng nhiều lúc lại giống như trẻ con.
- Cô ta đã khiến anh lúng túng?
- Vâng, vì chịu không làm sao hiểu nổi... Cô ta khá giỏi dắn, thông minh, có chiều sâu nhưng mà...
Văn chưa kịp nói tiếp thì Bội Quân đã xuất hiện ở cửa, anh chàng đang đưa mắt lạnh nhìn hai người:
- Làm gì nói nửa chừng lại ngưng vậy?
Bội Hoàng hỏi, nhưng rồi nhìn theo ánh mắt của Văn, Hoàng đã thấy Quân, Hoàng lại đỏ mặt. Tại sao anh ấy giờ này ra đây? Để nghe trộm hai người à? Hoàng vội nói:
- Anh Quân ra đây ngồi chơi.
Quân vẫn đứng tại chỗ.
- Tôi định ra đây lấy nước lọc, không ngờ nghe hai người nói chuyện người khác.
- Đâu có nói ai đâu. - Bội Hoàng đáp – Anh Văn bảo là Trúc Phượng có chiều sâu, có tài nhưng khó hiểu.
Bội Quân liếc nhanh về phía Văn, rồi không biết là nói với ai.
- Biết thì nói không thì thôi, nhưng tốt nhất không nên nói sau lưng người khác.
Rồi không đợi phản ứng của mọi người Quân quay lưng bỏ đi. Lê Văn và Hoàng nhìn nhau, Văn có vẻ không vui.
- Sao lạ vậy? Lần nào chúng ta nói chuyện là như có Quân xuất hiện nhất là lúc nói về Trúc Phượng?
Bội Hoàng chỉ nói:
- Anh Bội Quân không có ý đó đâu, nhưng anh ấy không thích chuyện nói lén sau lưng người khác.
Lê Văn nói:
- Nhưng chúng ta nào có nói xấu ai đâu? Chúng ta chỉ nhận xét và ngay chính Phượng nếu có nghe được thì cũng không giận ta đâu?
Bội Hoàng khoát tay:
- Thôi đừng nói chuyện đó nữa!
Lê Văn chau mày, tiếp:
- Tôi nghi là vì... Bội Quân yêu Trúc Phượng đây.
- Vậy à? - Bội Hoàng nói - Nếu vậy thì cũng tốt, anh Quân là người sống nhiều nội tâm, họ xứng nhau đấy chứ? Trúc Phượng cũng đã từng nhận xét. Anh Quân giống như một chiếc giếng sâu!
- Trúc Phượng đã nói vậy à?
Lê Văn nhíu mày. Cái thái độ của Văn làm Hoàng bất bình:
- Chuyện đó anh Quân nói lại. Nhưng mà cái đó có liên hệ gì đến anh đâu?
- Dĩ nhiên là không. Có điều tôi thấy là nó chẳng phù hợp.
- Chỗ nào không phù hợp?
- Tôi cũng không thể nói một cách cụ thể, vì đó chỉ là chuyện cảm nhận. Cũng có thể là vì tôi khéo lo, nhưng mà tôi vẫn thấy họ chẳng xứng nhau chút nào cả.
Câu chuyện dính líu đến Trúc Phượng lại khiến cho không khí giữa hai người mất vui.
Chẳng ai nói với nhau lời gì nữa. Lê Văn nhìn vào đồng hồ chợt nói:
- Thôi trễ quá rồi, tôi phải về đây.
Bội Hoàng liếc nhanh về phía Văn:
- Về ngay bây giờ à?
- Vâng, trạm xe buýt còn cách đây khá xa, phải đi bộ một đoạn đường. Về trễ quá, sợ mai đến trường không nổi.
Văn nói, Hoàng đứng dậy.
- Thôi được, anh về đi.
Ngay lúc đó, ông Chí Huấn vừa bước ra, ông nói:
- Tôi cũng về thành phố bây giờ, cho cậu quá giang nhé?
Lê Văn gật dầu. Chuyện đó không quan trọng, cái quan trọng nhất bây giờ là phải rời khỏi ngay đây. Một cảm giác muốn trốn tránh, nhưng trốn tránh điều gì, ngay Văn cũng không rõ.
o0o
Vườn Lê đã lùi lại phía sau và khuất hẳn trong bóng tối, Lê Văn thở ra. Văn như một nhánh lục bình vô định, trôi dạt không mục đích. Lê Văn đã đến tìm Bội Hoàng, đến không một động lực, một lý do, muốn đến là đến. Văn cũng không hiểu là mình muốn gì. Có phải chăng là vì cô đơn? Cả một bầu tâm sự, cả một uẩn ức đè nén... Để rồi muốn tìm ai đó để thố lộ? Ai cũng được chỉ cần biết có người chịu nghe.
Ở nhà thì không được rồi! Cha và mẹ, họ có bao giờ ở nhà đâu? Họ lúc nào cũng không rảnh... Bạn bè chẳng có ai... Chỉ có một mình Trúc Phượng là chịu lắng nghe, nhưng đâu phải dễ tìm Trúc Phượng?
Xe dừng lại trước ngã tư, ông Huấn quay qua Văn:
- Tôi quên rồi, có phải nhà cậu ở bên trái không?
- Dạ, thôi đến đây được rồi. Cảm ơn bác.
Và Lê Văn vội vã nhảy xuống xe. Không hiểu sao chàng lại ngại cái ánh mắt của ông Huấn.
- Vậy tôi đi nhé! – Ông Huấn nói – Lúc nào rảnh cậu cứ ghé Vườn Lê chơi tự nhiên.
Rồi xe rồ máy chạy đi. Văn đứng nhìn theo một lúc mới quay người. Nhưng thay vì bẻ trái chàng lại hướng sang tay phải. Giờ này các hàng quán bên đường tấp nập người ăn. Nếu là ngày thường, Văn cũng đã ngồi xuống. Nhưng hôm nay chẳng hiểu sao, Văn lại thấy lòng nóng nảy một cách kỳ lạ.
Văn cắm cúi bước, mặc cho dòng người ngược xuôi trước mặt. Chàng bước một cách vô định như vậy và không hiểu sao lại hướng về phía nhà của Trúc Phượng. Mãi đến lúc đến nơi Văn mới giật mình. Chàng ngần ngừ đứng trước cửa nhà. Đôi cổng khép kín. Có nên vào chăng?
Đèn trong nhà hắt ra. Cái ngôi nhà nhỏ nhắn giản dị đó lại như ngập đầy hạnh phúc. Văn không biết có nên quấy rầy không? Bây giờ đã chín giờ khuya. Gọi cửa có hàm hồ quá chăng? Nhưng không lẽ đứng mãi thế này? Tính Phượng rộng rãi chắc không chấp nhất điều đó. Và Văn đưa tay lên định bấm chuông, nhưng lại rụt lại. Không được, cái ánh đèn ấm cúng kia, nơi đó, hiện đang biểu hiện điều gì. Cha mẹ con cái dang quây quần... cái mà Văn khao khát mơ ước mãi không được.
Đấy là hạnh phúc, tình thương gia đình... Vậy thì không nên quấy rầy. Không thể phá rối hạnh phúc của người khác, khi ta đến cũng chẳng có mục tiêu.
Thế là Lê Văn quay người bỏ ra đầu hẻm trở lại. Về nhà vậy. Tuy là ở đấy chỉ có bốn bờ tường vắng lặng, nhưng định mệnh đã an bày thì chấp nhận thôi. Và Văn tự nhủ.
Ta vẫn còn trẻ... mong là sau này... sẽ gặp được một người hợp ý. Rồi sẽ có một mái ấm hạnh phúc... nhỏ thôi không cần phải nhà cao cửa rộng. Chỉ cần một tình yêu chân thật... Văn mơ ước một mái ấm như nhà của Trúc Phượng và quyết tâm rồi sẽ thực hiện được...
Lê Văn lầm lũi về nhà. Cơ thể như rã rời chẳng thiết tha gì cả.

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 956

Return to top