Đôi mắt chứa đựng cả tinh thần, tâm hồn và thể xác.
- J. Joubert.
Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn.
- Pháp.
Nhìn một lần để thấy đẹp, nhưng muốn thấy đúng phải nhìn đến lần thứ hai.
- H. F. Amlet.
Đối với người minh mẩn, cặp mắt là một thứ ngôn ngữ.
- P. Syrus Người Trung Hoa nói: "Trong cái nhìn có cái nghe" (Mục trung hữu thính, mục trung hữu nhĩ) tưởng có lý lắm vậy.
Một vị thầy giáo giảng bài cho học sinh, hôm nào mà các trò giữ im lặng, những ánh mắt đen lay láy, thiết tha chăm chú theo dõi từng lời của thầy, tưởng chừng như uống, như nuốt những lời đó, thì thầy giảng rất hay.
Ta nghe một người nói chuyện, nhất là người ấy thích nói chuyện, tuy ta giữ im lặng nghe, nhưng ánh mắt có vẻ lơ đãng, thì người nói không còn cao hứng nữa.
Ánh mắt chăm chú thì sức nghe mới hội tụ. Nghe giả là một sự thiếu thành thật.
Người đang nói về "đề phòng hỏa hoạn", người nghe lại nghĩ đến "sắp đến giờ coi bóng đá", tự nhiên ánh mắt khác đi.
Sự chú tâm với người đối diện mới là cần thiết.
Trong kinh Phật có ghi một chuyện gần như ngụ ngôn như thế này: "Một pháp sư đang tụng kinh phát chẩn cho cô hồn. Cô hồn đã về đông đủ. Pháp sư vẫn tụng đúng lời kinh, nhưng lúc đó pháp sư chợt nhớ đến chiếc chìa khóa ở đâu không rõ. Thế là cô hồn nuốt toàn chìa khóa không thôi!"
Cho nên nghe, nhìn với sự chú tâm phải gắn bó với nhau một cách nhất quán.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng có một vài lần "buổi hôm ấy mình nói chuyện rất hay". Nếu bạn hình dung lại buổi nói chuyện có duyên đó là do người nghe có cặp mắt say sưa, thán phục, chăm chú.
Nên có thể nói, qua cách nhìn người ta có thể đánh giá được tâm hồn của bạn, ít ra cũng trong thời điểm đó.
Người ta thường diễn tả "đôi mắt đẹp" là đôi mắt trong sáng, hay đôi mắt xanh với phần phụ là hàng lông mi dài, hoặc dài và cong vút, mày liễu, mày tằm mắt phụng... rất nhiều mỹ từ cực tả trong việc này.
Quả tình nếu bạn có cặp mắt đó thì cũng đáng mừng. Nhưng nếu một người bình thường với đôi mắt bình thường biết chăm chú nghe người khác nói, tự khắc đôi mắt bình thường kia sẽ đẹp hẳn lên, đẹp hơn "đôi mắt đẹp" kia nhiều lắm.
Ngày nay thuật hóa trang về "đôi mắt đẹp" đến chỗ tinh vi, gần như thật, nhưng trong mắt họ bật lên nét kiêu hãnh trong lúc nói chuyện với nhau, thì cuộc nói chuyện sẽ không đem lại kết quả gì.
Nét nhìn cũng biểu lộ được tính thông minh nhiều khi có hiệu quả hơn lời nói. Nhìn một cách chăm chú có sức thuyết phục không khác gì thuật thôi miên (Hypnotism). Bạn hãy vui vẻ mà thực hành sẽ thấy nhiều kết quả bất ngờ khiến bạn có nhiều hứng thú không khác gì đọc một tác phẩm hay.
Như trên đã giới thiệu, khi ta nghe và nhìn một cách chăm chú ta sẽ được những kết quả bất ngờ. Những lời nói hay khiến ta mau thuộc và nhớ dai, người nói chuyện với ta dù là lần đầu, ta cũng khó quên tên, quên mặt họ. Việc gọi đúng tên một người trong trường hợp sơ ngộ khiến cho người khách cảm thấy sung sướng.
Không gì bứt rứt bằng có một người gọi được tên mình trong khi mình không phải là một danh nhân, và người kia không phải là kẻ vô lại, thế mà mình quên bẵng đi tên của người ấy. Trường hợp này rất nhiều. Nếu gặp trường hợp như vậy, ta phải xử trí cách sao cho người kia khỏi buồn? Không gì hiệu nghiệm hơn là lòng thành thật.
Ví dụ ta thử nói:
- Thưa anh! Dường như chúng ta được gặp nhau ở đâu một lần rồi chứ?
- Đúng vậy! Hôm ấy tôi được tiếp chuyện anh ở trong một tiệm sách.
Nếu bạn vẫn chưa nhớ được tên thì nên nói:
- Thật là tôi quả có lỗi! Có lẽ lúc đó vì quá bối rối hay bận rộn mà quên mất đi tên anh. Xin anh tha cho cái bệnh lãng đãng của tôi một lần. Nếu có dịp gặp lại, tôi sẽ gọi đúng tên anh.
Nếu thành thật và cạn lời như thế, chắc chắn người ta không nỡ trách.
Sự chú ý nghe và có nét nhìn chăm chú, nếu bạn là sinh viên, học sinh, chắc chắn bạn rất mau thuộc bài. Nếu bạn là chủ cửa hàng, thì hàng hóa của bạn ngày càng dồi dào và tinh xảo thêm.
Tóm lại, một người biết nghe, biết nhìn tự khắc rút được nhiều ý kiến hay, và người đối diện với bạn càng có nhiều thiện cảm về bạn.
Có lẽ bạn cũng từng biết, một em bé chưa biết nói, nhưng ánh mắt của bé nói được rất nhiều đến nỗi khi bạn đi xa cũng sẽ nhớ tha thiết. Bởi đâu? Bởi vì ngôn ngữ của bé là tất cả mọi cử động, mà cử động quan trọng nhất của đứa bé là ánh mắt.
Qua nét nhìn, ta nhớ mấy điểm chính:
- Sự chú tâm với người đối diện là vấn đề cần thiết. - Qua cách nhìn, người ta có thể đánh giá được tâm hồn bạn. - Nét nhìn biểu lộ được tính thông minh nhiều khi có hiệu quả hơn lời nói. (Trích đăng sách: Thuật Ứng Xử Thu Phục Lòng Người, tác giả Chiêm Trúc)