Hôm nay mấy ông lớn họp mặt nhau, bàn về người kì việc lạ trong vệ Thiên Tân, chọn lấy bốn sự việc tuyệt đỉnh, góp thành "Thiên Tân tứ tuyệt". Mấy vị đó giao hẹn trước với nhau, bốn sự việc này đều phải là người thật, chuyện thật, lại phải được tất cả gật đầu thì mới được tính. Điều quan trọng hơn là những chuyện, những người đưa ra ấy phải rất xôm, để người nơi khác nghe xong ắt trợn mắt há mồm, ruồi có bay vào miệng cũng không biết mới đáng kể. Bàn đi tính lại mãi chỉ góp được có ba việc.
Việc thứ nhất là người ghê gớm, chuyện gớm ghê.
Ấy là vùng am Bạch Y trong thành có một người buôn đồ sắt, đại danh là Vương Ngũ, rất ác, đánh người như cơm bữa, đám côn đồ lau nhau quanh đấy đều nể sợ gã, tặng gã biệt hiệu Tiểu Tôn, gọi gộp cả lại thành Tiểu Tôn Vương Ngũ. Mấy năm trước, bọn côn đồ ở vệ Thiên Tân hay gây rối, kinh thành liền cử một nhân vặt lợi hại về đây làm tri huyện dẹp bọn côn đồ. Người này họ Lí, nghe nói là cháu quan Trung đường họ Lí. Trước ngày nhậm chức, có người báo cho ông ta biết bọn côn đồ ở vệ Thiên Tân đều là những kẻ dám lấy đầu người giắt vào thắt lưng, không động được đến chúng, nên thừa lúc còn sớm sủa mà từ chối đi. ông họ Lí tủm tỉm cười lắc đầu, không để tâm chuyện ấy. ông sẽ cứng rắn với chúng, sợ gì? Ngày đến nhậm chức, quan ra cáo thị, bắt bọn côn đồ toàn thành phải đến ghi tên đãng kí. Ai đã từng đánh nhau dù không côn đồ cũng phải đăng kí; ai phải đăng kí mà không đến đăng kí ắt bị bắt giam. Quan còn dặn dò ông chánh ti họ Đằng làm việc dưới quyền chuẩn bị nhiều giấy thừng, cùm xích. Ông chánh ti họ Đằng này người cao lớn đen trùi trũi, mặt mày dữ tướng nổi tiếng gớm ghê. Lâu nay bọn côn đổ giữ mối quan hệ "nước giếng không phạm tới nước sông" với ông, nhưng bây giờ ông nhận công vụ thì câu chuyện ắt khác. Tiểu Tôn Vương Ngũ hay tin, gọi một bọn đàn em tới nhà, nghếch cằm lên hỏi:
- Ở vệ Thiên Tân này trừ ta ra, còn ai ghê gớm?
Bọn đàn em lúc ấy đều sợ quan huyện họ Lí và chánh ti họ Đằng, liền kể hai người đó ra. Tiểu Tôn Vương Ngũ nghe xong không nói năng gì, sợi gân xanh chạy từ lông mày lên đến chân tóc cứ giật lia lịa. Sáng sớm hôm sau, gã cầm con dao phay đến nhà ông chánh ti, giơ nắm đấm lên đập cửa ầm ầm. Ông chánh đang ăn sáng, miệng còn nhai hoa quả đi ra mở cửa, nhận ra Tiểu Tôn Vương Ngũ bèn hỏi:
- Có việc gì?
Tiểu Tôn giơ con dao phay lên, lưỡi hướng vào mình, phập một nhát chém một miếng lớn vào trán, máu túa ra. Gã nói:
- Ngài cầm dao chém tôi, hai ta cùng lên trình quan.
Chánh ti họ Đằng ngơ ngác rồi chợt hiểu, ấy là gã đến thi gan với mình. Theo luật chơi ở vệ Thiên Tân, nếu lúc ấy ông chánh ti nói: "Ai chém nhà anh bao giờ?", thế là sợ, là chịu thua, đâu có được? Ông Chánh gồng mặt lên, bảo:
- Phải, ta thích chém nhà ngươi, lên quan thì lên!
Tiểu Tôn liếc nhìn ông, nghĩ bụng tay này cũng ghê gớm đây. Hai người cùng vào huyện đường, tri huyện thăng đường xử kiện. Tiểu Tôn quỳ xuống thưa:
- Bẩm con họ Vương tên Ngũ, bán đậu phụ trong thành. Ngài chánh ti ăn đậu phụ của con một năm nay không trả tiền, sáng nay đến đòi tiền ngài, ngài chằng nói một lời, cầm luôn dao từ trong nhà ra chém con một nhát. Bẩm quan nhìn xem, hung khí còn đây, con giật được, còn vết chém cũng có đây, hiện đang rỉ máu. Quan lớn như trời biển, xin hãy xử giùm cho dân mọn chúng con!
Tri huyện họ Lí nghĩ thầm, huyện đang truy nã những kẻ đánh nhau gây rối, đường đường là một vị chánh ti trong nha môn, thế mà lại gây sự! Quan quay mặt qua ông chánh ti hỏi chuyện ấy có thật không. Nếu ông chánh ti đáp "Bản chức không chém hắn, hắn tự chém hắn đấy ạ" thì coi như thua. ông chánh ti tất nhiên hiểu luật chơi đó của bọn côn đồ, đành lại gồng mặt lên thưa:
- Bẩm người này nói đúng. Tôi ăn chịu của hắn một năm đậu phụ chưa trả tiền, sáng nay hắn dám đến tận nhà đòi nợ, tôi liền chém cho một nhát. Con dao này là dao mổ gà chặt thịt của nhà tôi.
Tiểu Tôn lại liếc ông cái nữa, bụng bảo dạ: "Chớ có tưởng, tay này cũng thật sự ghê gớm đây!"
Quan huyện họ Lí vừa ngạc nhiên vừa tức giận, gắt lên với chánh ti họ Đằng:
- Làm sao biết pháp luật mà ngươi còn phạm pháp?
Quan đập thước xuống án, quát to:
- Quân bay đâu! Đòn tay! Năm chục!
Nha dịch khiêng cùm ra, tóm bàn tay ông chánh, nhét ngón tay cái vào lỗ cùm, dằn ngửa bàn tay ra, cầm thước bằng gỗ táo vụt xuống, vút vút vút vút một chục thước, gan bàn tay đã sưng đến hai tấc, vút vút vút vút lại mười lăm thước nữa, tổng cộng hai lăm roi. Mới được một nửa, đầu ông chánh đã không giữ thẳng được nữa, đôi vai chắc nịch thõng xuống như bị rút gân. Tiểu Tôn Vương Ngũ đứng bên nhìn thấy, nhếch mép cười hềnh hệch rồi giơ tay lên nói:
- Bẩm quan lớn trời biển, xin đừng đánh nữa. Vừa nãy con toàn nói nhăng nói cuội, ấy là con đùa với ông chánh ti. Con không bán đậu phụ mà bán đồ sắt ông chánh không ăn đậu phụ của con mà cũng không nợ nần gì con. Nhát dao này không phải ông chém con mà là con tự chém. Dao phay không phải của nhà ông mà của cửa hàng con. Quan nhìn coi, trên lưỡi dao còn đánh dấu hai chừ "Vương kí" đó?
Quan huyện họ Lí ngơ ngác, sai nha dịch coi lại dao, quả nhiên có hai chữ "Vương kí", bèn hỏi ông chánh xem sự thể là thế nào. Ông chánh ti họ Đằng nếu phủ nhận, phải chịu hai nhăm roi nữa, nếu gật đầu công nhận, coi như chịu thua. Nhưng tay ông chánh cũng chỉ bằng da bằng thịt, bị đánh nhừ tử, thêm một roi nữa chẳng chịu được nào, đành gục cả đầu xuống, như vậy cũng là thừa nhận Vương Ngũ không nói sai. Tri huyện họ Lí khó xử quá. Vương Ngũ tự chém mình, bắt tội ai được? Nếu thôi đi, quan lớn quan bé trong huyện chẳng phải bị gã trẻ tuổi này bỡn cợt hay sao? Còn nếu bảo thằng ấy có tội vì dám bỡn cợt quan huyện, chẳng hóa ra thừa nhận mình ngu xuẩn để nó cho vào xiếc? Đang lúc ngài cưỡi hổ khó xuống nên nóng nảy giận dữ ấy, Vương Ngũ lại rất khoái, thưa rằng:
- Bẩm quan lớn như trời như biển, Vương Ngũ con không biết nông sâu, chỉ ham đùa cợt, làm rộn gây rối ngay chốn nha môn, xin quan chớ có nhẹ tay với Vương Ngũ này như thế, cứ phải năm chục hèo vào tay. Thôi thế này vậy, quan cứ gộp hai lăm hèo vừa nãy ông chánh còn thiếu vào cho con, tất cả là bảy lăm hèo một thể.
Tiểu Tôn Vương Ngũ không đợi nha dịch lôi kéo, tự đi đến đút ngón cái bàn tay phải vào cùm, vai nhô lên, lòng bàn tay ngửa ra cho đánh. Vút vút vút vút, liên tục hai lăm roi, mắt nhìn thấy tay sưng lên theo từng roi, đến năm chục roi thì máu rợi thịt nát. Vương Ngũ mắt thấy tay như thế mà vẫn coi như không, lại còn cười như nhìn thấy đĩa lòng xào hổ lốn. Đòn xong, gã tạ ơn quan huyện, quay người đi luôn.
Chưa đầy ba ngày sau, quan huyện họ Lí trở về kinh xin từ chức, tâu với hoàng thượng cử người giỏi khác. ông chánh ti họ Đằng cũng xin thôi việc về quê. Việc ấy người ấy, hỏi có ghê gớm không?
Ai nấy gật đầu, đều bảo chuyện này người nơi khác nghe kể ắt lạnh gáy, đủ là một tuyệt.
Việc thứ hai là người giàu xài ngông.
Vệ Thiên Tân có nhiều người giầu. Giầu nhất có "bát đại gia", gồm nhà họ Hàn, chủ hiệu Thiên Thành sửa chữa tàu bè, nhà họ Cao chủ hiệu ích Đức Dụ, nhà họ Dương chủ hiệu Trường Nguyên, nhà họ Hoàng chủ hiệu Chấn Đức, nhà họ Trương chủ hiệu ích Chiếu Lâm, nhà họ Mạc chủ hiệu Chính Hương Đức, nhà họ Lưu ở Thổ Thành và nhà họ Thạch ở Dương Liễu Thanh. Người giàu ắt có chuyện xài sang. Nhưng chuyện thường kể như nhà nào tổ chức hiếu hỉ linh đình nhất, nhà nào nấu cháo thí bày đầy nhà, ai muốn vào ăn tùy ý, liền tù tì trong ba tháng v.v... đều không được tính. Ắt phải có một chuyện như thế nào để người ta nghe xong, cả đời không quên, thế mới được.
Năm ấy nhà Hải Trương Ngũ buôn muối phát tài, bỏ tiền túi ra sửa chữa pháo đài, cũng là một chuyện. Nhưng phân tích kĩ, việc bỏ tiền ra cốt để mua danh, không kể được là xài ngông, do vậy còn thiếu tí chút mới đủ tiêu chuẩn.
Hôm nay một vị nêu ra câu chuyện có thể nói là không tiền khoáng hậu. Ấy là mùa hè năm ngoái, họ Cao chủ hiệu ích Đức Dụ làm lễ mừng thọ cho bà mẹ tám mươi tuổi. Con cháu tỏ lòng hiếu thuận, hao tổn tâm tứ bày ra cuộc lễ linh đình mong cố bà vui. Không ngờ cố bỗng phán:
- Đời ta cái gì cũng thấy cả rồi, chỉ chưa được thấy đám cháy bao giờ, cả vòi phun nước cứu hỏa như thế nào cũng chưa được thấy. Hai chục năm trước, tiệm bán dầu ở phố Hàng Nồi bốc cháy, làm đỏ rực cả nửa trời đằng Tây, sáng đến nỗi người ngồi trong nhà cũng rõ cả bóng. Người trong thành kéo ra xem, nhưng cha các con - ông đã qua đời, ta không nên nói ông mới phải - nhất định không cho ta đi xem. Đời ta thế có phí hoài không cơ chứ!
Nói rồi cụ cố bà cứ xị mặt ra, dỗ dành mấy cũng không xong. Ba ngày sau, mấy người con trai của cố bà nhà họ Cao bàn với nhau bỏ tiền mua hẳn mấy chục căn nhà ngoài cửa Tây, cả đồ đạc áo quần trong nhà cũng mua tất rồi châm lửa đốt. Lại dựng một chòi cao ở cách đó nửa dặm, bế cụ cố lên kiệu khiêng đi, đưa lên chòi ngồi xem cứa hỏa. Lửa bốc cháy, các nhóm cửu hỏa ở vệ Thiên Tân nổi thanh la, truyền tin cấp báo. Vệ Thiên Tân có nhiều nhà buôn, nhà liền kề nhau rất dễ gây hỏa hoạn, dân chúng bèn tập hợp thành các nhóm cứu hỏa, chuyên mang nước dập lửa, lớn nhỏ có tới hàng trăm. Nhóm này nổi thanh la, nhóm khác nổi theo, trong thành ngoài thành, sông đằng đông, ngòi đằng tây, trong khoảnh khắc liền thành một giải, khí thế sục sôi. Ngay sau đó, hội viên các nhóm mặc áo không tay các màu có đánh số hiệu, giương cờ hiệu, khiêng nước và vòi phun nước, nối đuôi nhau như rồng rắn kéo ra ngoài cửa thành phía tây đến nơi có đám cháy, oai phong hơn cả ngày hội thần phật ngày hai mươi ba tháng ba. Giữa đám cháy có người vẫy lá cờ nhỏ chỉ huy, anh đằng đông tôi đằng tây, anh phía nam tôi phía bắc, anh trước tôi sau, anh tiến tôi lùi, không hỗn loạn một chút nào. ống phun nước có đòn ngang để ấn xuống, hai người hai đầu như trẻ con chơi bập bênh, bên này lên bên kia xuống, nước trong thùng qua vòi phun ra. Từng luồng khói xanh cuốn vào biển lửa mịt mù làm tóe lên những đốm lửa to phùn phụt bay lên trời, tưng bừng hơn ngàn vạn lần so với pháo hoa ngày ba mươi tết. Cụ cố bà nhà họ Cao xem đến đứng tròng mắt. Dập xong đám cháy, các nhóm cửu hỏa gõ nhẹ thanh la báo hiệu rút lui, từng đội một lần lượt ra về. Người họ Cao đứng chờ ở cổng cửa Tây, có sẵn hai chục chiếc xe ngựa lớn chở đầy hộp chè gói bánh thù lao cho các nhóm ra sức biểu diễn. Lần ấy cụ cố bà nhà họ Cao lấy làm thỏa mãn, coi như đã được tận mắt thấy đám cháy, thế là chuyện gì trong thiên hạ cũng thấy cả rồi. Chuyện ấy hỏi đã đủ ngông hay chưa?
Mọi người bảo lệ thường xưa nay nhà giàu làm gì cũng thích làm đến cùng tột. Lần ra tay ấy chẳng những khiến người nghèo xem đến ngẩn người mà người giầu, thậm chí cả bản thân người trong cuộc, cũng xem đến ngẩn người. Đến thế mà không tuyệt thì thế nào mới là tuyệt. Tất nhiên kể là một tuyệt và thế là gom được hai tuyệt.
Việc thứ ba là người lạ chuyện kì.
Người lạ ấy là Hoa Lâm, mắt chẳng thèm để ý đến ai, có tên nửa là Mộng Thạch, tên hiệu là Hậu Sơn Nhân, nhà ở phố Phủ Thự phía Bắc thành. Cụ tổ giàu có, ông cha ưa nhàn, thích gom góp những đá lạ trong thiên hạ. Trong số những họa sĩ ở vệ Thiên Tân, Hoa Lâm là người kì lạ bậc nhất. Lão thích vẽ sơn thủy, tên tuổi ở trên cả danh họa Triệu Chỉ Tiên, hàng ngày đóng cửa vẽ tranh, không bao giờ tiếp khách, càng không có học trò. Lão nói: "Vẽ ở tấm lòng chứ không ở thấy". Có người xin tranh, lão lập tức từ chối:
- Thần chưa đến chưa vẽ được.
- Thế khi nào thần đến? - Người kia hỏi.
- Không biết. Đến không báo trước, phần nhiều trong mộng thôi.
- Trong mộng vẽ thế nào được? - Người kia lại hỏi.
- Mộng càng dễ vẽ.
- Sao gọi là dễ vẽ?
- Vẽ núi không thấy núi, vẽ sông không thấy sông.
- Thế nào thì mới thấy được? - Người kia hỏi tiếp.
- Lấy lòng mình ứng chiếu chứ không thể nói rõ ra được.
- Ai trong số người xưa vẽ tranh vào bậc nhất?
- Chỉ một mình Lí Thành. Sau Lí Thành, thiên hạ không còn ai nữa.
Song từ xưa đến nay, chẳng ai thấy được bút tích thực sự của Lí Thành. Sách xưa từ lâu đã nêu ra thuyết "không có nhân vật nào là Lí Thành". Lão Hoa Lâm chỉ thừa nhận Lí Thành giỏi cũng có nghĩa lão không thừa nhận một ai giỏi trong thiên hạ từ xưa tới nay. Đấy là ý kiến kì lạ của lão ta. Một điều kì lạ nữa là chưa một ai nhìn thấy tranh của lão. Nghe nói mỗi khi vẽ xong, đem treo lên nhiều nhất ba ngày là lão giật xuống đem đốt. Một hôm, mụ hàng xóm đuổi gà, gà bay lên tường nhẩy xuống sân nhà lão. Mụ này sang bắt gà, thấy cổng nhà lão không khóa, đẩy cửa bước vào, bắt được gà; lại thấy lão không cài cửa sổ, trong nhà không có ai, trên bàn có bức tranh liền thuận tay thò qua cửa sổ thó tranh của lão, đem đến hàng tranh bán. Lão biết chuyện lập tức trả gấp bốn lần tiền mua lại bức tranh, đem về xé ra đốt. Mấy người rảnh việc đến hỏi dò mụ hàng xóm và hiệu bán tranh xem tranh lão vẽ thế nào, nhưng hai người này đều gà mờ, chẳng nói được điều gì rõ ràng, đành thôi. Có điều chẳng ai hiểu tại sao lão không có tranh mà tên tuổi lại nổi lên như cồn đến thế? Có thể cho là người lạ chuyện kì được không? Và có tuyệt lạ kì hay không?
Mọi người đều cho là tuyệt, riêng Ngưu Phượng Chương lắc đầu bảo lão là đồ bịp bợm. Những người khác không vẽ tranh. Không cùng nghề như cách núi, không cùng nghề cần gì chặt chẽ với nhau,do vậy thái độ cũng hòa hoãn hơn. Kiều Lục Kiều cười bảo:
-Chẳng ai nhìn thấy tranh, chỉ nhờ bịp mà nổi được tiếng tâm đến thế cũng gọi là tuyệt rồi.
Ngưu Phượng Chương lúc này mới gật đầu. Thế là thêm được một tuyệt nữa, cộng thêm vào thành ba tuyệt.
Hôm nay là ngày mười tư tháng Chạp. Kiều Lục Kiều, Ngưu Phượng Chương, Lục Đạt Phu và mấy người nữa rỗi rãi không có công việc gì, bèn kéo nhau đến nhà hàng Nghĩa Thăng Thành ở trong ngõ Quy Cổ kiếm một bàn họp mặt. Lục Đạt Phu là một danh sĩ thường góp mặt chơi bời, lại cũng là một người nghiện gót sen, có một bụng kiến thức linh hoạt đủ loại, lịch duyệt văn chương hơn bọn Kiều Lục Kiều nhiều. Lão nhỏ con, mặt tròn như quả táo, áo ngoài chỉ dài bốn thước rưỡi, nhưng tinh anh ở cả cái đầu to, bước đi hai cánh tay vung vảy rõ cao.
Kiều Lục Kiều sau khi đã nốc ba chung rượu, bảo chỉ ăn uống không thôi cũng chán, liền nảy ra ý đề nghị cả bọn kể ra nhũng người lạ chuyện kì ở Thiên Tân, góp cho đủ "Thiên Tân tứ tuyệt". Ý ấy thật hay. Hết con cà đến con kê, chuyện thêm hứng rượu, rượu bốc nên lời, hi hi ha ha, ai nấy uống đến say khướt, mặt đỏ tưng bừng. Nhưng cái tuyệt thứ tư vẫn chưa góp nên được. Ngưu Phượng Chương nói:
- Cái tuyệt thứ tư ấy mà, theo tôi nên bầu béng cho ông Đồng, chủ hiệu Dưỡng Cổ Trai. Chưa kể kĩ năng xem đồ cổ, kiến thức về đôi chân bó của ông thật chẳng ai bì, cao đến tận trời!
Kiều Lục Kiều cười bảo:
- Đúng là há miệng mắc quai! ông ấy mua tranh giả của bác, còn bác nói hay cho ông ấy chứ gì? Nói đến chân bó, theo tôi nhà ông ấy đủ thành cái lò luyện gót sen, đôi nào cũng cứ muốn nắn một cái! - Lão có phần quá chén, nói mà cả đầu, vai, cổ cho chí cái đuôi sam nhỏ cứ đảo đồng lên.
Ngưu Phượng Chương cãi:
- Bác nới mới đúng một nửa. Chân bó ở nhà ông ta đôi nào cũng tuyệt nhưng mấy đôi đó ở đâu ra, chẳng phải do ông ta nhìn ra hay sao? Dùng con mắt đánh giá đồ cổ để chọn chân bó, còn sai được à? Chẳng phải tôi nịnh khéo ông ấy - ông ấy có mặt ở đây đâu mà bảo nịnh khéo - đôi mắt của ông ta xứng đáng là mắt thần. Năm ngoái có một bức tranh đời Tống, chẳng ai nhận ra, cửa hiệu mua như giá tranh giả, như giấy lộn, thế mà đứng cách đến ngoài mười bước chân, ông ta liếc một cái đã thấy ngay dòng lạc khoản dấu ở ngách cây, gọi là tàng khoản đấy!
- Thằng cha giỏi quá nhỉ? Nhà lão có tranh đời Tống, bác đã thấy rồi à? - Kiều Lục Kiểu hỏi.
- Ấy không, không! - Ngưu Phượng Chương lỡ mồm, xua hai tay nói.- Đâu có thấy! Bóng dáng cũng chẳng thấy, chỉ nghe nói lại, ai biết đúng hay không? Bác chẳng cần phải hỏi ông ấy, mà có hỏi ông ấy cũng không bảo bác đâu! Cứ nói chuyện chân bó ở nhà ông ấy còn thú hơn.
- Không ngờ bác Năm Ngưu nghiền chân bó còn hơn cả tôi. Hay lắm, bác gần gũi với nhà ấy, vậy tôi hỏi bác, rốt cuộc lão họ Đồng thích đôi chân của ai nhất?
- Tôi mà không nói thời bác cũng chẳng đoán ra đâu! - Ngưu Phượng Chương nheo mắt cười ra bộ không chịu nói.
Kiều Lục Kiều kêu lên:
- Giỏi! Bác không nói, đổ cho say ắt phải nói! Bác Tư Lục đâu, lại đây, đổ rượu cho tay này! - Sáu Kiều một tay xách tai Năm Ngưu, tay kia vơ hồ rượu. Thật ra đổ rượu phải vạch mồm chứ sao lại véo tai? Thì ra chưa đổ rượu được cho người khác, tự mình đã say trước rồi! Bàn tay xách tai Năm Ngưu khiến Năm Ngưu kêu ầm ĩ, còn bàn tay cầm hồ rượu thì cầm nghiêng, rượu tràn qua miệng hồ, chảy lách tách đầy cả đĩa thức ăn.
Lục Đạt Phu ngửa cổ cười sằng sặc:
- Nói hay không chưa biết, nhưng rượu thì cứ phải đổ!
Ngưu Phượng Chương kêu oai oái:
- Tai chẳng đáng tiền nhưng liền với đầu, dứt đứt ra lấy gì mà nghe? Ái, ái, để tôi nói, để tôi nói, bỏ tay ra sẽ nói!
Kiều Lục Kiều vừa kêu, vừa cười, vừa kéo, ầm ĩ cả lên:
- Nói xong đã rồi mới buông tay!
- Bác phải giữ lời đấy nhé! Trước đây lão họ Đồng thích nhất đôi chân của vợ lão nghe nói là đôi song tiên cơ mà! Lúc ấy tôi chưa quen biết nhà ấy nên chưa được thấy đôi chân đó bao giờ. Sau khi vợ lão chết, lão... lão...
- Thế nào, hay lại há miệng mắc quai? Nói mau, chân con dâu cả hay chân con dâu thứ?
- Bác Sáu Kiều thật rách việc, mèo bắt chuột thì kệ nó chứ! Nhà người ta hai nàng dâu ở góa, một nàng nữa cấm cửa chồng không cho về, vậy thì chẳng tùy ông ta nay nàng này mai nàng khác hay sao? Hì hì!
- Cút ông đi! Lão họ Đồng kiến thức như thế nào chứ, đâu có như ông? Không hiểu rõ chân bó là không hiểu rõ lão, không hiểu rõ lão thì cũng không hiểu rõ được chân bó. Bác Năm Ngưu, bác mà không nói thì véo mạnh nữa đây này!
- Chớ, chớ, để tôi nói. Lão chỉ thích... thích... đôi chân u già!
- Sao? Sao? Nói sao? - Tất cả ngạc nhiên kêu lên.
- U Phan à? Cái mụ béo ấy à? Không tin được! Bảo mấy đứa ở gái còn dễ nghe hơn.
- Tôi mà dối bác thì tôi làm con cho bác!
- Ồ, thế thì thật không ngờ! - Kiều Lục Kiều buông tay, bỏ tai Ngưu Phượng Chương ra.- Đôi móng heo ấy đẹp ở chỗ nào? Hay là lão họ Đồng quý chân nhỏ đến mức lú lẫn rồi?
- Chú Sáu Kiều ơi, kiến thức của chú còn kém lắm! Chân nhỏ xấu đẹp là ở công phu của chân ấy chứ! A, chú đã thưởng thức chúng bao giờ đâu mà biết cơ chứ? - Lục Đạt Phu vừa nói vùa cười vui vẻ, một tay soàn soạt cởi hết hàng cúc con rết trên cái áo không tay mặc ngoài.
Kiều Lục Kiều vẫn nhìn chằm chằm vào Ngưu Phượng Chương hỏi:
- Nếu câu ấy do thằng con thứ nhà lão Đồng bảo với bác thì không đáng tin đâu. Sau cái hôm thi chân, con vợ cấm cửa nó cho nên nó toàn kể xấu cha nó với người ngoài.
Ngưu Phượng Chương đáp:
- Tôi kể với bác nhưng bác không được truyền đi. Nếu bát cơm của tôi vỡ, tôi đến nhà bác ăn đấy! Câu chuyện này đúng là cậu hai mách với tôi nhưng từ hai năm trước kia. Bác tin được chưa?
Kiều Lục Kiều thoạt nghe ngẩn người ra, sau đó nói:
- Tôi xưa nay không tin nhà họ Đồng. Lão bố bán của dỏm thay của thật, lũ con thì chỉ toàn nói láo.
Câu này còn chua dứt, sau lưng đã có người lớn tiếng nói:
- Cái gì dỏm với thật thế? Tôi không có xài của dỏm đâu!
Cả bọn giật nảy mình, tưởng Đồng Nhẫn An đột ngột xuất hiện. Ngưu Phượng Chương hoảng hồn, thiếu chút nữa thì lỏn xuống gầm bàn. Lão định thần nhìn lại, hóa ra một lão già cao gầy, áo bào bằng đoạn bóng màu xanh nước hồ, bên ngoài lồng chiếc áo ngắn bằng da dê bọc gấm đen hoa mờ, chỗ vạt áo để lộ đường viền lông dê màu trắng, cúc áo bằng san hô đỏ bịt đồng như những trái anh đào tươi rói, đầu đội chiếc mũ thật ấm, tinh thần bộ điệu phấn chấn. Thì ra đấy là ông khách Sơn Tây Lã Hiển Khanh, đằng sau còn có một người beo béo ăn mặc cũng rất diện.
- Chúc mừng ngài phát tài, ngài cư sĩ! Hôm trước có nghe nói ngài đã tới, ắt là để kịp dự hội thi chân của nhà họ Đồng vào ngày mai chăng? Ngài thật là người nghiện ghê gớm! - Kiều Lục Kiều nói vui.
- Đâu có! Tôi đến để lấy... - Lã Hiển Khanh liếc mắt thấy cánh tay Ngưu Phượng Chương buông thõng xuống bàn bèn đến lay thật mạnh, rồi chuyển sang giọng đùa - để xin cụ Đồng sách viết về chân nhỏ. Chuyện gì mà các ông nói vui vẻ thế?
Hai bên khách sáo với nhau một hồi rồi cùng ngồi xuống. Lã Hiển Khanh không hề giới thiệu người beo béo cùng đi. Mấy người kia đều là bọn phong lưu tài tử phần nhiều đã say, chẳng ai để ý. Kiểu Lục Kiều vội vàng đem câu chuyện bàn luận về "Thiên Tân tứ tuyệt" nói lại, rồi hỏi:
- Ngài cư sĩ, theo ý ngài, cụ Đồng chỗ chúng tôi đã đủ là một tuyệt chưa?
Lã Hiển Khanh suy nghĩ một lát, đáp:
- Bình tâm mà nói, con người ấy cổ quái thật nhưng đã đến tuyệt đỉnh chưa thì còn khó nói. Tôi mới gặp ông ấy một lần, chưa thể biết rõ được. Thế này nhé, ngày mai nhà ông ta mở hội thi chân, chúng ta cùng đến. Tôi đồ rằng ông ta gửi thiếp mời ba bốn lần như thế, tất thế trận có điều làm mọi người bất ngờ. Lần trước tôi đến với ông ta, không thắng không bại, hoà một một, lần này hẳn ông ta muốn Lã mỗ này phải phục. Ở Đại Đồng, tôi đã ghi tên đầu cho ông ta rồi, còn ở Thiên Tân đây, đương nhiên ông ta đáng kể là một tuyệt!
- Hay lắm, tuyệt hay không để người ngoài đánh giá cho! - Kiều Lục Kiều kêu lên. Thế rồi lại gọi một bàn gà vịt, cá thịt nữa, rồi món mặn, món chay, món mỡ, rượu, canh, cả bọn ra sức nhồi đầy một bụng, chuẩn bị cho cuộc tận hứng ngày mai.