Còn Lại Một Linh Hồn
Hoàng Vi Kha
Khi tôi bước vào căn phòng đã có khoảng năm mươi người hiện diện. Hầu hết họ đều là những người Ấn, một số ít người Mễ và đại diện duy nhất về phía Đông Nam Á chỉ có mỗi mình tôi. Tìm một chiếc ghế trống ở băng sau cùng, tôi mệt mỏi ngồi xuống, lặng im đảo mắt nhìn chung quanh.
Căn phòng không lớn lắm gồm hai hàng ghế và một bức vách nhỏ bằng gỗ mỏng chắn ngang một khoảng để làm khu vực làm việc cho các nhân viên phỏng vấn. Cả gian phòng quét vôi màu xám, vuông vức, không một ô cửa sổ nào cả.
Từ trần, chiếc quạt máy chậm rãi xoay đều cố xua đi cái không khí ngột ngạt mà tôi đang cảm nhận.
Nhìn đồng hồ, tôi đến sớm hơn giờ hẹn độ nửa tiếng. Nhưng cách làm việc chậm chạp, lề mề của các nhân viên văn phòng hứa hẹn rằng tôi sẽ phải ngồi đợi đây khá lâu.
Vớ lấy tờ báo ai đó bỏ trên chiếc ghế trống cạnh bên, tôi lướt mắt qua mục thể thao nhưng không chăm chú lắm, cốt chỉ để giết thời giờ chờ đợi mà thôi.
- Xin lỗi, có ai ngồi đây không ? Một người đàn ông da vàng trịnh trọng trong bộ âu phục màu xám xuất hiện cạnh tôi hỏi bằng Anh ngữ - Không ! Tôi trả lời rồi lại dán mắt vào tờ báo.
Nhưng trong lòng tự dưng lại nghĩ:
- thế là có hai mạng da vàng.
Người đàn ông cởi chiếc áo khoác rồi ngồi xuống cạnh tôi. Mùi nước hoa thoang thoảng từ người ông ta khiến cho tôi bật nhẩy mủi - Excuse me ! - Bless you ! - Thanks ! Cả hai nói, nhưng không ai nhìn đến ai cả. Ông ta cũng mở tờ tạp chí Time ra chăm chú đọc. Gian phòng thỉnh thoảng văng vẳng tiếng xù xì trao đổi và tiếng gọi tên lanh lảnh của các nhân viên phỏng vấn.
Thời gian chậm rãi trôi qua. Tôi đã đọc tờ nhật báo thể thao đến lần thứ ba rồi mà cái tên của mình vẫn còn chưa được gọi. Chán chường, tôi buông tờ báo định đứng dậy bước ra ngoài cho thanh thản tí thì chợt bắt gặp dòng chữ " Vietnam, revisiting " in to trong trang báo Time mà người đàn ông ngồi cạnh đang đọc. Bức hình chụp thành phố Sài gòn lúc về đêm làm cho tôi chú ý và chợt dấy lên một nỗi bức xúc là lạ - That s where I came from ! Tôi buộc miệng nói cùng người đàn ông ấy. Ông ta ngưng đọc, ngước lên nhìn tôi một chốc rồi trả lời bằng Anh ngữ - Nghe nói Việt Nam đang có nhiều thay đổi. Tôi cũng mừng cho tổ quốc của anh.
ông ta chìa tay về phía tôi và tự giới thiệu:
- Tôi là Yu Ming ! Người Trung Hoa Tôi bắt lấy bàn tay rắn chắc của ông ta, rồi quyết định ngồi xuống trò chuyện cùng ông Ming - Trùng hợp, tôi cũng tên Minh ! Tên của ông dịch sang tiếng chúng tôi là Minh.
- Anh biết tiếng Hoa à ?
- Không nhiều lắm. Thực ra, tổ tiên tôi là di dân người Hoa - Vậy là bà con cả. Ông ta cười thân mật. Tôi hỏi ông:
- Ông sang Hoa kỳ lâu chưa ?
- Cũng gần 10 năm rồi ! ông ta gấp tờ báo lại rồi thở dài:
- Ngày hôm nay tôi chính thức giết tôi ! Tôi ngạc nhiên, không hiểu. Ông ta liền bật cười nhẹ giải thích:
- Ngày hôm nay sẽ không còn cái tên Yu Ming nữa đó mà.
Tôi chợt chua chát theo:
- Vâng, ngày hôm nay tôi cũng không còn là người Việt Nam.
- Xin lỗi, cho tôi hỏi thăm tí không ? Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị xen ngang bởi một người đàn bà ngồi hàng ghế trước mặt. Giọng nói của bà ta khá trong. Cách phát âm Anh ngữ cũng rất chính xác Tôi và ông Ming cùng đưa mắt nhìn bà ta hàm ý chờ đợi lắng nghe Người đàn bà trẻ có mái tóc cắt ngắn ôm lấy gương mặt trái xoan duyên dáng ấy lại tiếp - Xin lỗi, hai vị có bài học cho trả lời phỏng vấn không ?
Tôi lắc đầu. Ông Ming thì vội mở chiếc cặp da trao ra cho bà ta một sắp giấy đánh máy - Cám ơn ! ông có cần bây giờ không ? Tôi muốn mượn đọc qua tí ông Ming nở nụ cười thân thiện:
- Cô có thể dùng nó. Tôi không cần nó nữa ! - Còn anh ? Bà ta xoay sang tôi hỏi. Tôi cười lắc đầu. Ông Ming xen vào:
- Anh ta là học sinh đại học mà. Mấy câu hỏi lịch sử thường thức thì tôi nghĩ anh ta biết cả rồi Tôi ngạc nhiên:
- Sao ông biết tôi còn là học sinh ?
ông Ming nheo mắt chỉ cái thẻ sinh viên đang kẹp trên bìa hồ sơ của tôi - Ồ, ông cũng tinh mắt quá ! - Thương gia kiêm phóng viên mà ! ông Ming trả lời với vẻ mặt của một người giàu kinh nghiệm quan sát.
- Tôi là Rebecca ! Người đàn bà tự giới thiệu với một nụ cười duyên dáng.
Tôi nhìn bà ta thầm đoán bà là một di dân gốc Trung Đông. Bà có đôi mắt tròn và đôi chân này thấp được trang điểm tỉ mỉ khiến cho vòm mắt của bà càng thêm sâu và đen với lớp màu vẽ sậm. Nổi bật nhất trên gương mặt của bà là đôi môi nhỏ sơn màu đỏ bóng với đôi hàm răng trắng đều đặn.
Sau khi bắt tay nhau xong, Rebecca càu nhàu:
- Tôi cứ lu bu mãi với thương nghiệp của mình nên đã gần 8 năm rồi mới quyết định nhập tịch. Tưởng nhập tịch đơn giản, nào dè phải qua nhiều giai đoạn quá.
Tôi nhìn quanh gian phòng. Hầu hết mọi người đều đang chăm chú học thuộc lòng những câu trả lời cho cuộc thi vào quốc tịch. Ông Ming gật gù, giọng nói pha tí mỉa mai, châm biếm:
- Cường quốc mà ! hằng ngày trên thế giới này có biết bao nhiêu người mong muốn được như chúng ta có cái cơ hội để trở thành người Mỹ - Người Mỹ hạng nhì ! Tôi bổ sung. Cả Rebecca và ông Ming đều phì cười - Ở quê hương của tôi, Pakistan, hầu như là chinh chiến và hỗn loạn. Ai cũng mơ về nước Mỹ như một giải thoát. Nực cười thật.
- Người nước tôi phần đông cũng thế. Ông Ming tiếp lời Rebeccạ Có những cô gái chỉ vì muốn sang Hoa kỳ mà đồng ý hôn nhân với một người có quốc tịch Mỹ thật dễ dàng. Đời sống thực sự có lắm chuyện khôi hài, trớ trêu Rebecca tiếp tục nói chuyện cùng ông Ming, trong khi trong tôi là những bùi ngùi cho riêng chính mình. Những gì mà hai người họ kể nào có khác những tình cảnh của riêng một Việt nam. Quả thật, ngày đó, tôi đã luôn mơ tưởng được đặt chân đến Hoa kỳ, nơi mà tôi tin rằng đó chính là vùng đất của tự do và cơ hội tiến triển kiến thức. Bạn bè trung học của tôi thủa ấy, hễ có dịp nói đến Hoa kỳ thì đứa nào cũng ngồi mà mơ. Đôi khi, vài cuốn sách báo gởi về từ Mỹ, được bọn tôi truyền tay nhau, trân quí như báu vật, và xem chúng như những bằng chứng rõ ràng nhất về một "thiên đường tự do".
Thủa còn bé, mỗi lần gia đình có giấy báo đi lãnh quà từ Mỹ gởi về, tôi vui như trúng vé số. Hầu như suốt ngày hôm đó lòng tôi chỉ biết hân hoan, nôn nóng chờ đợi để được nhìn từng món quà một. Rồi nào là áo quần với các nhãn hiệu Made in USA, các hộp kẹo Chocolatte, Chewing gum, nho khô, phô mai, kem đánh răng, giày dép....thậm chí chỉ nội cái mùi thơm nhè nhẹ dùng để bảo quản hàng hóa trong lúc di chuyển cũng đã có thừa sức lôi cuốn tôi. Lúc ấy, vào trường tiểu học, mặc quần jeen Mỹ, nhai thỏi kẹo cao su của Mỹ, xài cục tẩy của Mỹ, đi đôi giày của Mỹ, là được liệt vào hạng gia đình giàu có. Đám bạn không có thân nhân tại nước ngoài, giờ ra chơi, ngồi ăn củ khoai lang luộc mà mẹ chúng gói theo để làm quà, cứ giương mắt nhìn chăm chăm vào hộp nho khô trên tay tôi. Hộp nho khô bé tẹo mà tôi không dám ăn liền, mỗi ngày chỉ nhai vài hột và chia cho mỗi đứa vài hột. Chỉ một vài hột thôi, nhưng rất đủ để chúng tôi thích thú, hăng hái ăn trọn cả tô cơm độn mì sợi một cách ngon lành. Lũ em tôi, sau khi ăn xong những viên kẹo chocolate, luôn đem cất các mẩu giấy gói kẹo trong tủ áo quần, gìn giữ chúng như một bảo vật cạnh các thứ mà chúng yêu quí nhất. Thế đó, nước Mỹ đã trở thành một biểu tượng của sự giàu có, của nơi chốn thần tiên nhất trên địa cầu này. Thậm chí đến bây giờ, người Việt nam vẫn còn tin rằng chỉ cần đặt chân đến nước Mỹ thôi, cuộc đời sẽ sung túc, ấm no, y như rằng bước chân ra cửa là có tiền vung vãi cho xài.
Lòng tôi càng bùi ngùi khi nghe câu nói của Rebecca:
- Ở nước chúng tôi, nhập tịch chắc chỉ có những người đến từ các vùng đất đói nghèo xung quanh vì không còn chổ để mà đi Đó là quốc gia của Rebecca, còn quốc gia của tôi ?
Biết bao giờ mới có cái ngày người ta mong muốn được làm công dân Việt nam ? Biết bao giờ ở Việt Nam, văn phòng nhập tịch mới có cái cảnh đoàn người xếp hàng dài chờ chực từ sáng sớm để mong có được một tờ đơn xin làm công dân Việt nam ? Chỉ nói riêng người Việt nam thôi, những người Việt Nam đã không còn quốc tịch Việt Nam. Có lẽ, cái ngày ấy chỉ xẩy ra trong một câu truyện hài, vì sự thực, ở trong nước, vẫn còn không ít người Việt nam muốn bỏ đi, và ở ngoài nước, vẫn còn không ít người gốc Việt muốn chối bỏ gốc Việt.
Tôi thở dài như để cảm thông cùng Rebecca, nhưng thực sự là muốn trút bỏ đi những suy nghĩ mà luôn làm tôi đau lòng. Chợt nhớ ra câu nói của ông Ming khi nãy, tôi liền đổi đề tài:
- Ông là phóng viên à ?
Nụ cười trên môi của ông Ming chợt ngưng lại. Gương mặt vuông với mái tóc cắt ngắn, đôi mắt sáng sau gọng kính vàng của ông tỏ vẻ trầm ngâm, phảng phất buồn. Ông im lặng một chốc, rồi lại mỉm cười, xua tay - Đã là quá khứ lâu rồi ! Từ khi tôi còn ở Trung quốc.
- Hiện giờ ông còn viết không ? Rebecca hỏi theo - Không, không còn viết nữa ! Tôi nhìn vào đôi mắt của ông Ming sau đôi kiến dày.
Trong đôi mắt ông tôi thấy rõ nét chán chường một điều gì đó.
- Ông Ming nè ! Tôi gợi chuyện, không giấu gì ông, tôi cũng là một người cầm bút. Tôi biết, ở tuổi như tôi, viết có thể chỉ là một sở thích. Nhưng ở tuổi như ông thì viết không chỉ đã là một cái nghề mà còn là một cái nghiệp nữa. Vì vậy, tôi nghĩ khó có thể bỏ một cách dễ dàng.
- Tôi cũng đồng ý thế ! Rebecca xen vào, cái gì đã gọi là nghiệp rồi thì khó bỏ. Cứ như tôi đây, khi còn ở Pakistan, tôi là một họa sĩ. Với hội họa, tôi là một kẻ si mê điên dại. Sang đến Hoa kỳ, vì môi trường sống, tôi và ông nhà phải đổi sang buôn bán tạp hóa. Nhưng những tất bật của đời vẫn không thể buộc tôi bỏ cây cọ - Hai vị nói đúng lắm ! ông Ming vuốt nhẹ mớ tóc hoa râm của ông, rồi chậm rãi giải bày:
- Khi còn ở trong nước, tôi làm phóng viên, làm nhà báo, nhà văn, nhưng tôi lại không thể viết hay ấn loát những gì mà tôi thực sự muốn viết. Khi đó, tôi cũng như hầu hết mọi người khác đều nghĩ đến Hoa Kỳ như một vùng đất của tự do, nơi mà tôi có thể nói lên tiếng nói của lương tri. Nhưng đã phải khá lâu, và khá vất vả, tôi mới đặt chân đến được đây.
- Vậy thì tại sao ông lại bỏ viết ? Rebecca nóng lòng.
Tôi thì nhẫn nại hơn, chăm chú chờ đợi.
- Chuyện đời khó biết mà cô ! ông Ming cười nhạt, rồi ngửa người ra sau, trút một hơi thở dài:
- Ban đầu tôi sang đây, tôi viết nhiều lắm. Tôi không ngại mệt mỏi, mang khả năng của mình phục vụ cho các Hoa kiều qua một số tờ báo. Nhưng, cảnh đời cơm cháo, thịt thà không nhiều, nên lắm kẻ tranh giành. Tôi viết những bài thời sự, những mẫu truyện phóng sự hay tin tức thì không bị bài bác đã may mắn rồi còn lại bị thất thu nữa. Người ta kêu tôi viết quảng cáo. Đôi khi, họ muốn tôi viết cả những cái mà tôi không lấy làm thích lắm. Những lúc đó, họ sẵn sàng trả tiền cho tôi rất cao. Đây là điều khác nhau giữa Trung Quốc và quốc gia này. Cả hai cùng buộc phải viết vì cuộc sống. Nhưng một bên là ăn không khí một bên là đầy bạc tiền.
ông Ming cúi đầu lánh né cái nhìn của tôi và Rebecca.
ông chua chát cười:
- Nhưng tôi không cần tiền và không thể viết những điều mà không trung thực với cảm xúc của tôi. Riết rồi tôi đâm ra chán nản và thất vọng. Cuối cùng, tôi đi đến quyết định từ bỏ cái nghề phóng viên, viết báo của tôi.
Tôi cũng đã từng rất buồn. Nhưng có lẽ đành phải thế thôi - Tôi hiểu rồi ! Thật là lấy làm đáng tiếc. Rebecca tỏ vẻ cảm thông, rồi cũng tâm sự:
- Như tôi thì có lẽ đỡ hơn ông. Cái nghiệp của tôi là hội họa. Tuy nó không đủ nuôi sống tôi, nhưng nó lại giúp cho tôi tìm được nhiều thanh thản sau những ngày mệt mỏi vì cuộc sống. Tôi thì chỉ biết thế. Vẽ cho mình hơn là cho đời. Có lẽ nhờ nghĩ vậy mà đời đã không đụng chạm đến cái sở thích này của tôi - Ông chắc hẳn vẫn còn viết, tuy không đăng tải ?
Tôi hỏi ông Ming. Ông gật gù, xoa hai bàn tay rồi xòe ra nhìn vào chúng:
- Tôi vẫn viết âm thầm. Đã gần nửa đời người rồi. Đôi khi tôi tự hỏi tôi đã làm được những gì - Hãy để những người xung quanh, và thế hệ sau này trả lời câu hỏi đó của ông Rebecca đồng ý với lời tôi nói. Ông Ming cười xòa ra, rồi hỏi lại tôi:
- Còn anh bạn trẻ này ? Anh cũng viết báo à ? Chắc chắn anh may mắn hơn tôi nhiều đúng không ?
Tôi lắc đầu, toan nói cùng ông rằng, trong cái cộng đồng của chúng tôi chuyện báo chí cũng chán phèo, cũng cùng những cảnh tình như thế, nhưng tí tự ái dân tộc, làm cho tôi thay đổi ý định.
- Không, tôi không là một người viết chuyên nghiệp như ông ! Tôi chỉ viết trong trường đại học thôi Tôi nói mà thấy lòng xen lẫn buồn thẹn. Tôi buồn vì tình trạng của ông Ming cũng là những gì mà tôi đã và đang gặp phải tại tờ báo nơi tôi làm việc. Người ta muốn tôi viết chạy theo ý thích của đọc giả. Người ta muốn tôi thổi phồng hoặc đè bẹp những gì mà đọc giả đòi hỏi.
Cảm xúc trung thực của tôi, những bài viết mà tôi say sưa thức trắng sửa chửa từng chữ, từng dấu phết, chấm lại là những bài viết.... không ăn khách. Người ta thích đọc những truyện tình ướt át, những truyện đâm chém theo lối điện ảnh HongKong. Người ta thích "hiện đại", thích "màu mè ngôn từ", thích "triết lý thâm sâu". Người ta chán rồi những bài viết về cảnh khổ ở Việt nam, cảnh cùng quẫn của những người Việt tại trại tị nạn. Họ bảo "đó không còn hợp thời".
ông bầu bút có lần vỗ vai tôi nói "bài cậu viết đạt lắm, nhưng tờ báo tụi mình sống là nhờ quảng cáo phần lớn. Cậu nên viết thêm về quảng cáo". Tôi lại nhớ câu nói bông đùa của thằng bạn thân thủa còn học trung học, khi nó nghe tôi có cái mộng làm nhà văn "Nhà văn, nhà báo, nói láo ăn tiền, nói thật thì bị coi là điên" Lúc đó, và lúc bắt đầu cộng tác với các tòa soạn, tôi luôn nhủ lòng "sẽ trung thực với chính mình". Nhưng rồi từ bài quảng cáo đầu tiên, ngòi bút của tôi đã bắt đầu bị bẻ cong vì thị hiếu ác độc của thính giả và đồng tiền. Đó chính là điều làm cho tôi hổ thẹn với ông Ming, vì tôi không đủ can đảm như ông bỏ hẳn nghề viết.
- Rebecca ! Tiếng gọi của người nhân viên phỏng vấn vang lên. Rebecca vội vã đứng dậy sửa lại áo quần - Chúc cô may mắn ! - Chắc chắn cô đậu mà ! ông Ming và tôi cùng ngỏ lời chúc. Rebecca cám ơn bọn tôi rồi bước vào sau bước tường chắn ngang căn phòng.
- Anh bạn nè, vào quốc tịch lấy tên gì hở ông Ming chợt trở nên vui vẻ. Tôi cười - Lúc còn đi học Pháp văn tại Việt Nam, thầy tôi thường hay gọi tôi là Antoinẹ Sang đây, bạn bè người Mỹ cũng dùng cái tên Antony để gọi tôi - Tony ! Antony ! Tên này cũng phổ thông lắm.
- Nhưng ông có biết nguồn gốc cái tên Tony không ?
- hum....nghe chừng như gốc Ý ? ông Ming chau mày nghĩ ngợi, hỏi tôi. Tôi cười tủm tỉm nói:
- Đúng đó ! ngày xưa khi di dân Ý sang Mỹ, hầu hết họ đều không biết tiếng Anh và chỉ biết duy nhất một điều là họ muốn đến thành phố Nữu ước. Khi vào làm giấy tờ nhập cảnh, vì để cho tiện lợi và không lầm lẫn, mỗi người bọn họ đều dán một mẩu giấy trên ngực ghi dòng chữ "To NY". Nhân viên Hoa kỳ lại tưởng đó là tên của họ nên đã ghi vào giấy tờ toàn tên Tony Thế là, từ đó cái tên Tony đi liền với dân Ý ông Ming bật cười ha hả thích thú, - Truyện anh kể thật khôi hài ! Tôi cười hỏi ông:
- Còn ông ? ông có lấy tên Mỹ không ?
ông Ming vừa chùi cặp kiến cận vừa đáp:
- Ở sở làm bọn Mỹ thích gọi tôi là Michael. Có lẽ tôi sẽ chọn Micheal là tên của tôi ! Đeo lại chiếc kính cận, ông Ming xoay sang tôi nhìn một chốc rồi hỏi:
- À nè, anh bạn nghĩ sao mà lại quyết định vào quốc tịch Mỹ Chần chừ nghĩ ngợ một lát rồi tôi nhún vai:
- Cũng không có lý do gì cả. Khi tôi ở Mỹ đúng thời gian có thể nhập tịch thì tôi nhập tịch thôi ! Còn ông ?
- Tôi à ? ông Ming thở dài:
- Tôi hy vọng sau khi nhập tịch thì chuyện bảo lãnh bà mẹ già của tôi sang Hoa kỳ chửa bịnh được mau chóng hơn.
Tôi toan lên tiếng hỏi thăm thì ông Ming đã vội chỉ tay về phía những người đang hớn hở vì mới được chấp thuận cho vào quốc tịch Mỹ.
- Anh bạn xem kìa, họ tỏ ra vui mừng biết bao nhiêu khi đã được công nhận là công dân Hoa Kỳ.
Tôi nhìn những người nọ đang vui vẻ chúc mừng nhau nở một nụ cười nghi vấn:
- Ông Ming nè, ông có nghĩ là họ thực sự mong muốn hay tự hào khi đã là công dân Hoa Kỳ không ?
- Tôi cũng không chắc. Ông Ming chậm rãi nói:
- Có thể, họ vào quốc tịch vì một vài lý do cá nhân, có thể họ vào quốc tịch chỉ là vì đã đủ thời gian, có thể họ vào quốc tịch chỉ vì muốn vào....Nhưng dù thế nào thế nào chúng ta vẫn không thể phủ nhận được sự vui mừng thực rõ ràng khi họ đã được công nhận là công dân Hoa Kỳ. Tuy rằng thể thức vào quốc tịch không có gì khó cả. Nhưng ở một góc độ nào đó, nó vẫn khiến cho người ta cảm nhận sự vinh dự khi được là công dân của Mỹ. Cái giá trị là ở chổ đó Nghe ông Ming nói lòng tôi chợt buồn khi nghĩ về một hội đoàn mà tôi đang sinh hoạt. Có vài người phàn nàn về cách thức tham gia sinh hoạt nhiều khó khăn. Nhưng họ lại không hiểu lý do tại sao lại có những điều kiện, luật lệ đó. Trãi qua nhiều năm lăn lóc với đời, tôi luôn tin rằng, những gì đến trong tay tôi bằng mồ hôi và nước mắt của chính tôi, bao giờ cũng đáng quí, và đầy ý nghĩa hơn là những gì đến với tôi quá dễ dàng. Tôi không thấy một sự đòi hỏi phiền phức nào cả. Ngược lại, tôi rất đồng ý với những điều kiện đòi hỏi ở một người cần phải có để có thể trở thành một thành viên trong tổ chức. Điều này, theo tôi không phải là làm khó một ai, mà chỉ là muốn nâng cao cái giá trị của hội đoàn người Việt mà thôi.
- Minh Tran ! Cuối cùng thì cái tên của tôi cũng đã được gọi.
Tôi đứng dậy chào ông Ming rồi bước vào một khu vực nhỏ dùng làm chổ để phỏng vấn. Một cô gái Mỹ tóc vàng hoe nở nụ cười niềm nỡ chào đón tôi, sau khi tôi đã tuyên thệ sẽ nói sự thực - Anh là sinh viên ? cô ta hỏi, tôi gật đầu trả lời:
- Vâng, sáng nay tôi vừa thi xong cuối khóa. Đầu óc còn chưa tỉnh táo lắm, hy vọng cô sẽ không đặt cho tôi những câu hỏi hóc búa ! Cô gái nghe vậy nhoẻn miệng cười duyên dáng:
- Ồ không đâu, căn cứ theo hồ sơ thì anh đã đậu kỳ thi viết rồi. Lần này, chúng tôi chỉ làm hồ sơ cho anh thôi ! Tôi thở phào nhẹ nhỏm rồi thong thả chờ đợi cô ta hoàn tất các thủ tục cần thiết.
- Anh có sẵn sàng phục vụ quân đội nếu như nước Mỹ cần không ? Vén mớ tóc vàng rực rỡ ra sau vai, cô gái ngước đôi mắt xanh trong như hòn bi nhìn tôi hỏi. Tôi cười tủm tỉm.
- Cái đó còn tùy thuộc vào cuộc chiến đó có chính nghĩa hay không ! Nàng lại cười. Đôi mắt nhìn tôi hàm ý "Tôi biết cuộc chiến tranh mà đất nước chúng tôi bày ra ở quốc gia của các anh là một sai lầm" Tôi bật cười nhẹ - Tôi nói sai chăng ?
- Không có gì ! Tôi hiểu ý anh mà ! Sau khi ban cho tôi thêm một nụ cười duyên dáng nữa, cô nàng lại chăm chú vào những thứ giấy tờ trên bàn.
- À nè, anh muốn đổi tên không ?
Câu hỏi của cô ta làm cho tôi thoáng bối rối. Chợt nhớ lại lời nói của ông Ming, tôi vộ.i vã lắc đầu.
- Không ! Hãy cứ giữ nguyên tên tôi như thế - Minh Tran ? Cô gái hỏi, Tôi phát âm đúng chứ ?
- Không tệ lắm ! Tôi đáp. Nàng lại cười. Nhưng lúc này trong lòng tôi lại không còn chú ý đến nụ cười của cô ta nữa.
Minh Trần. Tôi lẩm bẩm lặp lại trong lòng. Ít ra đó là cái gì còn sót lại cho chính tôi, một tên "do thái da vàng" vừa khai tử quốc tịch của chính hắn.
Trở bước quay ra, ông Ming đã không còn ngồi nơi đó. Từ ngoài cửa, ba tôi bước vào hỏi thăm:
- Sao con ? Đậu chứ ?
Tôi gật đầu. Ba tôi mừng rỡ vỗ vai tôi thích thú.
Riêng trong tôi tự dưng cảm thấy buồn buồn lạ Ngồi đợi thêm khoảng hai mươi phút, các nhân viên trở ra và mời những người vừa được công nhận là công dân Hoa Kỳ đứng dậy cùng tuyên thệ.ông Ming đứng cạnh bên tôi. Gương mặt của ông cũng lạnh lùng, không lộ vẻ hân hoan gì cả. Chúng tôi lặng lẻ giơ tay tuyên thệ, nhưng lại không lặp lại những lời mà người nhân viên đang đọc.
- Chúc mừng quí vị ! Người nhân viên chấm dứt bằng lời đề nghị:
- xin quí vị hãy bắt tay người bên cạnh để san sẻ niềm vui này ! ông Ming xoay sang tôi. Cả hai nhìn nhau ngập ngừng.
- Chúc mừng anh bạn ! ông Ming sau một lúc chần chừ rồi chìa tay về phía tôi.
- Cám ơn ông ! Trên đôi môi tôi và ông Ming cùng nở một nụ cười nhẹ - Tôi đã giết chính tôi rồi ! ông Ming đón lấy tờ giấy chứng nhận công dân của ông. Trên đó, tôi thấy hàng chữ Michael Yu được in đậm nét. Ông xoay sang tôi chào từ giả. Tôi gật đầu chào ông rồi không rõ sao, tôi buộc miệng nói:
- Ít ra tôi vẫn còn giữ được cái tên ông Ming nghe thế vội trố mắt nhìn tôi - Anh bạn không lấy tên Antony sao ?
Tôi vừa lắc đầu, vừa đón lấy tờ giấy chứng nhận từ tay cô gái Mỹ phỏng vấn tôi ban nãy. Đôi mắt ông Ming có tí cảm phục. Tôi liền cười xòa ra nói cùng ông trước khi bước theo ba tôi ra về - Trong tôi và trong ông dù sao vẫn còn linh hồn của nơi mà chúng ta buộc phải từ bỏ. Như thế đủ quá rồi phải không ông ?
ông Ming gật đầu, siết chặt bàn tay tôi:
- Tổ quốc tôi dù sai hay đúng, đó vẫn là tổ quốc của tôi ! Tôi nghe dường như có một giọt lệ từ một nơi thật sâu kín trong tâm hồn vừa lặng lẻ vỡ.
Hết