Tại tỉnh Quảng Tây vào thời nhà Minh, Đan Miêu nổi loạn. Các nơi đều phải đem binh lính đến đó đánh dẹp.
Lúc đó tại xứ Lâm An, Vương Trung dẫn một đạo binh đến chiến trường, nhưng vì đến chậm, bị nhà vua giáng chức làm Thiên hộ vệ quân tại quận Nam Dương.
Ông có một người con trai tên là Vương Bửu, vì có sức mạnh phi thường, nên bị quan khâm sai lưu dụng trong binh lính. Ngoài ra còn có hai con gái, tuổi cập kê; người lớn là Kiều Loan, người nhỏ là Kiều Phượng. Kiều Phượng kém chị hai tuổi, từ nhỏ được gửi nuôi ở nhà bà ngoại, lớn lên cùng với người anh con cậu đính ước hôn nhân.
Riêng Kiều Loan, tuổi xuân phơi phới,chưa ai lọt vào mắt xanh, năm tháng lặng lẽ trong phong khuê vui với sách đèn thơ mộng. Nàng rất thông minh, lại được cha mẹ nuông chiều cho nên từ nhỏ đã thông kinh bác sử, văn hay chữ tốt. Nếu là con trai thì đã chiếm được bảng vàng, phò vua giúp nước, danh tiếng lưu truyền thiên thu.
Lòng nàng canh cánh nỗi niềm riêng có ai mà hiểu thấu. Ngày xuân đáng giá ngàn vàng, hoa xuân dẫu tươi đến đâu cũng phải có ngày tàn tạ.
Nỗi niềm đó được một người biết đến, đó là Tào Di. Tào Di là cô của mẹ Kiều Loan, vì góa bụa nên phu nhân đem về nuôi dưỡng.
Một hôm vào tiết thanh minh, khí trời mát mẻ, hoa cỏ xinh tươi, Kiều Loan dắt Tào Di và mấy người hầu gái đến vườn hoa chơi. Hoa xuân bát ngát, cảnh xuân tưng bừng vui vẻ. Giữa lúc ấy, bên vách tường bỗng có một chàng thanh niên, đăm đăm nhìn Kiều Loan không chớp mắt.
Kiều Loan thoắt trông lại, bắt gặp đôi mắt kia, làm cho nàng e thẹn, đôi má ửng đỏ, cúi nhìn xuống đất. Như thấy đôi mắt chàng trai cứ theo mãi mình, Kiều Loan vội núp sau lưng Tào Di và giục Tào Di trở về. Tào Di thấy Kiều Loan đang vui vẻ bỗng nhiên bối rối, không hiểu vì lẽ gì, nhưng cũng không dám hỏi. Kiều Loan rẽ bước vào phòng, bọn tì nữ cũng theo sau. Cảnh vật trong vườn hoa bỗng hiu quạnh, chàng thanh niên kia thấy không còn ai, mới lần bước đi vào. Người đẹp đã vắng bóng, nhưng dư hương còn phảng phất đâu đây. Chàng chống tay ngồi trên ghế thở dài, như bâng quơ tiếc một cái gì đã mất. Sắc đẹp của Kiều Loan làm cho chàng thấy cả vườn hoa như không còn tươi thắm nữa.
Đang lơ mơ chợt chàng thấy dưới gốc cây có vật gì trăng trắng. Chàng bước đến gần, xem kỹ thì ra chiếc khăn the, mùi hương còn nồng đượm. Chàng thư sinh bèn mỉm cười rồi nhặt chiếc khăn lên. Chàng nâng chiếc khăn trong bàn tay, mân mê trìu mến.
Bỗng bên vách tường có tiếng động, rồi một bóng thiếu nữ xuất hiện. Chàng thư sinh giật mình núp sau mấy gốc liễu.
Sau khi đoán biết cô gái kia là con hầu của người đẹp đến tìm chiếc khăn the vừa rơi lúc nãy, chàng thư sinh mới lấy tay vẫy nữ tì đến gần mà nói: - Này cô gái kia! Đừng tìm phí công vô ích, chiếc khăn đã rơi vào tay người khác mất rồi.
Thị tỳ nhìn chàng thư sinh thấy chàng ta có vẻ phong lưu tuấn tú, bèn bước đến kính cẩn chào và nói: - Thưa công tử, nếu quả thật công tử lượm được chiếc khăn thì xin vui lòng trả lại cho, ơn ấy không bao giờ dám quên. Chàng hỏi: - Chiếc khăn ấy của ai đánh rơi mà cô đòi trả lại? - Thưa, chiếc khăn ấy của tiểu thư tôi. Chàng thư sinh mỉm cười nói: - Như vậy thì phải đích thân tiểu thư cô đến đây hỏi xin mới được. Tỳ nữ ngạc nhiên, nhưng thấy chàng thư sinh có vẻ sang trọng, ăn nói văn hoa, nên không dám sỗ sàng, vội cúi đầu thưa: - Xin công tử cho biết quý danh, và hiện ngự ở đâu để tôi về thưa lại với tiểu thư tôi. Chàng đáp: - Tôi họ Chu tên Đình Chương, người quận Ngô Giang, cha làm Tư giáo học viện, hiện ngụ tại ngay mé sau tôn phủ. Tỳ nữ reo lên: - A! Té ra công tử đây ở ngay mé sau phủ mà lâu rồi tôi không biết. Tiểu thư tôi là Kiều Loan, con của quan Vương Thiên hộ, ở phủ đường này. Đình Chương lại hỏi: - Tiểu thư của cô tên Kiều Loan, rất đẹp, vậy còn cô tên là gì? Tỳ nữ e thẹn, chúm chím miệng cười đáp: - Em tên là Minh Hà. Đình Chương nói: - Tên cô cũng đẹp nữa, đẹp cả đôi. Nhưng thôi, bây giờ tôi nhờ cô đem dùm bức thư của tôi trở về trao cho tiểu thư cô được chăng? Minh Hà không muốn nhận, nhưng e lại làm phật ý Đình Chương, thì chàng không trả lại chiếc khăn, nói: - Vâng, công tử cứ trao cho tôi.
Nói xong, chàng nhảy qua bờ tường đi mất.
Một lúc sau, Đình Chương trở lại, tay cầm một tấm hoa tiên, trao cho Minh Hà.
Minh Hà chỉ thấy thư mà không thấy chiếc khăn, trong lòng không vui nói: - Đã không trả lại khăn mà còn bắt trao thư cho tiểu thư, tôi thực không dám nhận. Đình Chương nói: - Cô đừng lo, hễ tiểu thư cô nhận thư và phúc đáp thì tôi sẽ trả khăn ngay.
Minh Hà cực chẳng đã phải cằm lấy tấm hoa tiên của Đình Chương bước về nội phủ.
Kiều Loan đang ngồi chờ tỳ nữ ở phòng. Lòng nàng lúc nào cũng như có cái gì bận rộn lắm. Đôi mắt hững hờ dưới làn tóc mây óng ả. Nàng nhớ lại ánh mắt chàng trai, mong ước được cùng chàng kết tóc xe tơ.
Còn đang suy nghĩ, thì Minh Hà từ ngoài cửa bước vào, Kiều Loan cố giữ vẻ thản nhiên, hòi: - Sao? Có tìm được khăn không? Minh Hà nói: - Thưa tiểu thư, chiếc khăn đó đã lọt vào tay chàng công tử khi chiều... Kiều Loan thở dài, ngắt lời: - Chàng công tử khi chiều nào? Minh Hà luýnh quýnh nói tiếp: - Chàng công tử khi chiều nhìn trộm tiểu thư ấy. Thấy Minh Hà cũng rõ việc đó, Kiều Loan giả vờ nghiêm nét mắt nói: - Thế sao em không đòi? Minh Hà nói: - Em có đòi, nhưng chàng ấy lần khần không chịu trả. Đã vậy còn nói chuyện dây cà dây muống nữa mới bực chứ. - Chàng ta nói những gì? - Chàng ta tự giới thiệu lý lịch, tên họ và chỗ ở. Kiều Loan mỉm cười hỏi tiếp: - Thật quái gở, nhưng chàng ta tự giới thiệu như thế nào? Minh Hà kể: - Chàng nói chàng họ Chu tên Đình Chương, người huyện Ngô Giang, cha làm Tư giáo, ngụ sát bên vách phủ đường, chỉ cách có một bức tường thôi... Kiều Loan nóng lòng hỏi: - Thế sao chàng không chịu trả chiếc khăn? - Chàng bảo nếu là khăn của tiểu thư thì tiểu thư phải thân hành đến nhận mới được. Kiều Loan hỏi: - Thế em trả lời sao? - Em nói là để em về thưa lại với tiểu thư để tiểu thư định liệu, mà đã không trả khăn, chàng ta còn nhờ em đem thư này về cho tiểu thư nữa. Nếu tiểu thư trả lời, thì chàng ta sẽ trả thư ngay. Nói xong Minh Hà rút tấm hoa tiên trong túi trao cho Kiều Loan. Kiều Loan cố nén xúc động trước mặt nữ tỳ, mở ra xem bên trong có bài thơ:
Phụ xuất giai nhân phận ngoại hương Thiên công giáo phó hữu tình lang Ân cần ký thủ tương tư cú Nghĩ xuất hồng ty, xuất động phòng.
Tạm dịch: Khăn rơi người đẹp đượm mùi hương Tạo hóa xúi người dạ vấn vương Tha thiết, tương tư tình nhắn gửi Chỉ hồng nối giúp mối duyên thơm.
Đọc xong mấy câu thơ, nàng mới nửa mừng nửa thẹn. Không muốn cho Minh Hà hiểu nỗi lòng của mình, Kiều Loan dặn: - Từ nay em đừng đòi chiếc khăn ấy làm gì nữa, chớ sinh việc lôi thôi, và chàng ta có nhờ đưa thư cũng đừng nhận nữa, coi như việc đó không có thôi.
Tuy nhiên, tình đầu xúc động, Kiều Loan nằm một lúc song lại ngồi dậy ngay, đi đi lại lại trong phòng, rồi lấy tấm hoa tiên đề thơ phúc đáp:
Bích ngô chỉ hứa lai kỳ phượng Thúy trúc na dung nhập lão nha Ky dữ di hương cô lãnh khách Mặc tương tâm sự loạn như ma!
Tạm dịch: Ngô xanh chỉ đợi về chim phượng Trúc biếc đâu cho đậu bóng ô Nhắn gửi khách xa nơi quán trọ Dừng gây tâm sự rối như tơ.
Viết xong, Kiều Loan đưa cho Minh Hà, theo ngõ vườn sau không cho ai thấy, trao lại cho Đình Chương.
Minh Hà vâng lời, bỏ bức thư vào túi áo, mở cửa sau bước ra. Giữa lúc Đình Chương đang nóng lòng trơ thẩn đợi chờ. Thấy Minh Hà bước đến, Đình Chương mừng rỡ hỏi: - Tiểu thư có thư trả lời cho tôi đấy chứ? Minh Hà tủm tỉm cười tinh quái: - Có, nhưng công tử phải trả lại chiếc khăn trước đã. Thấy dáng điệu Minh Hà cũng dễ mến, Đình Chương cũng mỉm cười đáp lễ , và nói đùa: - Tiểu thư của cô đã phúc đáp, tôi tưởng chiếc khăn kia tiểu thư của cô cũng chưa cần thiết lắm đâu. Hãy đưa thư đây cho tôi xem rồi hẵng hay. Minh Hà trao tấm hoa tiên cho Đình Chương, chàng mừng rỡ mở ra đọc. Lời lẽ trong thư khiến Đình Chương phải khâm phục. Tài này sắc ấy ngàn vàng khó mua. Đình Chương bảo Minh Hà: - Cô chờ đây một lát, tôi có bài thơ xin gửi lại. Nói xong chàng liền chạy về phòng lấy bút ra làm một bài thơ tứ tuyệt đem trao cho Minh Hà.
Bàng cứ đầu môn diệc hữu duyên Dị hương cô lãn quả kham liên... Nhược dung loan phượng si thê thụ Nhất dạ tiêu thanh nhập cửu thiên.
Tạm dịch: Duyên đâu dun dủi bên nhà Bước chân lữ thứ ngàn xa vướng tình... Ví bằng loan phượng ba sinh Đêm trường tiếng sáo lung linh mộng hồn.