Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Lệ Hoa Mai

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9386 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lệ Hoa Mai
Tiểu Thanh

Phần mở đầu (c)

Ngày đầu xuân, những con phố nườm nượp người đi trẩy hội và họp chợ phiên khiến cho ý định đi ngựa để nhanh về đến nhà của Yến Thanh bị thất bại. Anh bèn thả mặc ngựa len lỏi giữa những dòng người. Thạch Tú đi bên cạnh phụng phịu nói:
- Khi nãy Nam Thiên cung đế cơ và thái tử cho thiếu gia mượn kiệu để về, thiếu gia lại từ chối. Có kiệu trong hoàng cung, có phải mọi người sẽ phải nhường đường cho chúng ta đi, như vậy sẽ về nhà nhanh hơn không.
Yến Thanh cười nói:
- Bây giờ ta ghét nhất là đi kiệu.
- Hay là để tiểu nhân giơ cao kim bài để dẹp dân chúng? Thạch Tú tiếp tục đề nghị.
- Không được. Dân chúng đang vui vẻ, không nên khiến họ phải sợ hãi.
Nghe giọng nghiêm nghị của cậu chủ, Thạch Tú cúi đầu ngượng nghịu, đoạn rụt rè nói:
- Thiếu gia thay đổi nhiều quá. Tiểu nhân còn nhớ hồi xưa, mỗi lần xin phép được đế cơ rời cung về thăm lão phu nhân, thiếu gia nếu không dùng kiệu thì lại dùng kim bài nội cung để không ai gây cản trở trên đường đi. Còn hôm nay thì... rõ ràng trong lúc dùng cơm với đế cơ và thái tử, thiếu gia cũng rất nóng ruột để được về nhà, nhưng mà lại chỉ vì không muốn gây náo động cho dân chúng mà thả mặc ngựa cứ lững thững đi thế này.
Yến Thanh cười:
- Ngày xưa mỗi lần về thăm mẹ, ta đều ngồi bên trong kiệu, tâm trí chỉ muốn về thật nhanh nên cũng chẳng để ý nhìn ra ngoài, không biết được mỗi lần xuất hiện kiệu quan thì quang cảnh nhốn nháo thế nào. Cho đến một lần chính bản thân ta cũng bị xô đẩy trong dòng người nhốn nháo vì tránh kiệu quan đó, ta mới biết ta đã từng làm một điều không đẹp mắt.
Thạch Tú khẽ gật gù, đôi mắt mở to chăm chú, trong ánh mắt có pha chút ngạc nhiên bỡ ngỡ. Đúng là cậu chủ đã thay đổi nhiều, không chỉ ở nước da trở nên ngăm đen, ở những cử chỉ dứt khoát, mà còn cả lời nói cũng có điều gì khang khác. Duy chỉ có ánh mắt và giọng nói thì vẫn thân thiện, cởi mở và phóng khoáng như ngày nào.
- Thiếu gia, thực ra thì hồi đó thiếu gia cũng có làm điều gì xấu đâu. Dân chúng tuy phải nhường đường, nhưng cũng chưa đến nỗi phải hốt hoảng như tránh những kiệu khác. Tiểu nhân thấy có những ông quan còn mặc cho quân lính phá phách dầy xéo lên những sạp hàng để dọn đường đi, dân chúng thì kinh hãi đến nỗi vứt hết cả hàng hoá lại, bỏ của chạy lấy người. Dân chúng bề ngoài thì sợ mà trong lòng thực ra rất căm ghét oán giận. Còn thiếu gia thì ngược lại, mỗi lần ra ngoài đường chơi đều được người dân vui vẻ cúi chào, yêu mến kính trọng...
Yến Thanh không nói gì bởi mắt anh còn đang mải quan sát quang cảnh xung quanh. Cảnh vật con người tuy vẫn quen thuộc, nhưng sao anh cảm thấy bây giờ những con đường, con người đều mang vẻ gì đó mới lạ. Anh đưa mắt nhìn vào con ngõ nhỏ nơi thỉng thoảng anh và Triệu Minh vào đó ăn mỗi lần đi chơi, khẽ reo lên:
- Cái ngõ kia bây giờ trở nên đông vui quá. Trước kia chỉ có một hai quán ăn, giờ thì đủ các loại hàng bày bán ở đó.
Nhận thấy tên nô bộc đang nén cười, Yến Thanh hỏi:
- Vì sao ngươi lại cười?
- Tiểu nhân cười vì ngày xưa thiếu gia chỉ để ý đến cái quán bánh bao chiên ở đầu ngõ mà không nhìn thấy cái gì khác. Thực ra thì cái ngõ đó trước kia hay bây giờ vẫn vậy, vẫn chỉ có từng đó người ngồi bán hàng. Ba năm qua cuộc sống bình yên nên phố xá cũng chẳng có gì thay đổi mấy.
- Thật vậy sao? Yến Thanh hoài nghi ngoảnh lại nhìn con ngõ vừa mới đi qua như để kiểm tra lời của người nô bộc. Không có gì thay đổi ư? Vậy sao trước kia anh không nhìn thấy gánh hàng rau của một bà cụ già ở đầu ngõ nhỉ? Bà cụ tuy tóc chỉ còn một mầu bạc mà vẫn thoăn thoắt tay chọn rau cho khách, tay nhận tiền. Cạnh gánh hàng rau là một đôi vợ chồng trung niên bày hàng nước, người phụ nữ thì đang đon đả mời chào khách, còn người đàn ông hình như đang mắng đứa con trai không học hành chăm chỉ, không chịu phấn đấu thì làm sao thoát được khỏi cảnh nghèo. Yến Thanh quay lại nhìn về phía trước mặt mình. Giờ anh đã hiểu ra vì sao cảnh vật đối với anh vừa quen thuộc vừa mới lạ. Trước đây khi còn sống trong cung, mỗi lần dạo chơi ngoài đường, anh và Triệu Minh thường chỉ tìm đến những quán ăn để thử vị đồ ăn dân giã, hay đến những sạp hàng có bày những thứ đồ chơi thô sơ, loè loẹt mầu sắc để thoả trí hiếu kỳ. Đôi lúc hai người cũng có phát hiện ra và cho bạc những người đi ăn xin. Nhưng khi đó anh đã không nhận thấy rằng chỉ là một con phố nhỏ mà đã có thể nhìn thấy những số phận khác nhau, an nhàn, lam lũ, vui vẻ, buồn khổ. Chỉ cần quan sát trang phục, tác phong, cách ăn nói là đã có thể hình dung được người này sống khá giả dư dật, người kia phải chạy ngược chạy xuôi kiếm ăn từng bữa. Thì ra cảnh vật và con người đã chẳng thay đổi là bao, nhưng con mắt quan sát của anh thì đã thay đổi. Sau ba năm sống cùng với dân gian, cũng trải qua những ngày phải vất vả kiếm sống, con mắt của anh giờ đây đã trở nên tinh tường và nhạy bén hơn.
Hai chủ tớ đã đi đến quãng đường vắng người. Yến Thanh liền quất roi cho ngựa tăng tốc. Chẳng mấy chốc ngựa đã về tới đầu con đường rẽ vào Yến phủ. Tuy chưa nhìn thấy cổng nhà nhưng Yến Thanh đã nghe thấy loáng thoáng tiếng reo của Hoàng Chung:
- Đại thiếu gia đã về! Đại thiếu gia đã trở về rồi!
Ngựa dừng trước cửa nhà. Hoàng Chung đã đứng sẵn ở đó để đón anh. Yến Thanh xuống ngựa, trao lại dây cương ngựa cho Hoàng Chung, vỗ vai chào cậu lính canh cửa trẻ tuổi này như chào một người chiến hữu rồi chạy như muốn bay vào nhà. Hoàng Chung không cảm thấy quá bất ngờ trước cử chỉ thân mật của cậu chủ. Cậu biết đó là đặc ân mà chỉ có những gia nhân của Yến phủ mới được hưởng. Cái cách đối đãi thân thiện đối với người dưới của Yến Thanh sau ba năm xa nhà vẫn còn nguyên vẹn.
Khi Yến Thanh bước vào cửa đại sảnh, anh nhận ra cha mẹ anh, Yến Hoa và Lệ Mai đều đang ở đó. Một cảm giác ấm áp trào về, tràn ngập trong lòng anh. Anh đứng sững lại giây lát, xúc động nhìn những gương mặt quan trọng nhất của cuộc đời anh, rồi quỳ phục xuống:
- Hài nhi khấu kiến cha mẹ.
- Thanh nhi! Yến phu nhân nghẹn ngào kêu lên. Bà chạy tới đỡ anh dậy rồi vòng tay ôm chầm lấy anh. Trong mối xúc cảm đang ngập tràn vì đã có lại được đứa con trai trong vòng tay của mình, Yến phu nhân thoáng ngỡ ngàng bởi một cảm giác lạ mà bà cảm nhận được từ hai bàn tay của Yến Thanh đang ghì chặt vào lưng bà. Hai bàn tay đó thô ráp hơn, nhưng cũng rắn rỏi hơn xưa rất nhiều. Đó là bàn tay của một người đàn ông có đủ sức mạnh để che chở, bao bọc những người quanh mình.
Yến Minh Quân đứng cạnh đó cũng muốn ôm hôn con mình, nhưng bèn kìm lòng vì không muốn làm đứt quãng tình mẫu tử đang lên ngôi. Yến Hoa thì thút thít khóc, rồi cũng chạy tới ôm lấy Yến Thanh. Yến phu nhân bèn rời tay đứng sang bên cạnh, đằm thắm nhìn hai đứa con đang quấn quýt với nhau. Yến Thanh dụi đầu Yến Hoa vào ngực mình, lấy tay áo lau nước mắt cho em. Đó là cử chỉ quen thuộc mà anh vẫn làm mỗi khi thấy Yến Hoa khóc.
- Xấu quá. Đã trở thành thái tử phi, trong tương lai sẽ là mẫu nghi thiên hạ. Vậy mà vẫn dễ khóc như vậy sao?
- Ca, ca thật quá đáng. Trong lúc này mà ca còn trêu muội.
- Ba năm huynh đi xa, ở nhà muội có bị ai bắt nạt không vậy?
- Có huynh đó. Năm xưa cha bảo huynh đi là huynh đi biền biệt luôn, không một lần viết thư báo tin về nhà, khiến cho mẹ và muội vừa lo lắng vừa mong ngóng. Huynh thật là đáng ghét, thật là vô tình.
Yến Thanh bật cười, nhìn Yến Hoa với ánh mắt xin lỗi rồi lại ghì chặt em mình vào người. Dầu chỉ đứng bên cạnh, Yến phu nhân vẫn có thể cảm nhận thấy sức mạnh che chở từ vòng tay của Yến Thanh đang dành cho em gái mình.
- Ca, ca thay đổi nhiều quá. Da đã đen đi nhiều, bàn tay cũng sạm lại. Ba năm qua ca sống thế nào? Có chịu nhiều vất vả không? Mẹ nói trước khi đi ca chỉ cầm mỗi mười lạng bạc phòng thân. Chỉ có mười lạng bạc thì ca sống được mấy ngày chứ.
- Để lát nữa, ca sẽ kể cho muội nghe. Giờ muội để ca đến chào cha đã.
Yến Hoa bèn buông Yến Thanh ra. Yến Thanh bước đến trước mặt Yến Minh Quân rồi định quỳ xuống, nhưng Yến Minh Quân đã giữ tay anh ngăn lại:
- Con không cần phải đa lễ. Con khoẻ mạnh bình an trở về là tốt rồi.
- Cuối cùng thì con cũng đã về. - Giọng của Yến phu nhân vẫn chưa nguôi xúc động. - Lúc nghe tin Nam Thiên cung đế cơ giữ con lại dùng cơm trưa, mẹ chỉ sợ đế cơ lại giữ con ở lại hẳn trong cung.
- Lần này con về, con đã quyết là sẽ về nhà chứ không quay lại cung nữa. Bởi vậy con mới đến gặp đế cơ trước. Từ giờ, trừ những lúc bận việc công thì con sẽ luôn ở bên mẹ. Hài nhi phải chuộc lại mười ba năm bất hiếu đã không thể thường xuyên ở bên chăm sóc hầu hạ mẹ.
Yến phu nhân khẽ gật đầu vui sướng:
- Mẹ biết con trai mẹ là đứa con hiếu nghĩa mà. Thôi giờ cũng đã đến giờ cơm chiều rồi, chúng ta đi ăn đã rồi có chuyện gì sẽ nói sau. Yến Thanh, lẽ ra con phải sang chào Kim phủ trước, nhưng Kim gia rộng lượng đã cho phép Lệ Mai đến đây. Lệ Mai còn đích thân xuống bếp, tự nấu mấy món để đón con đó. Giờ mẹ giao lại Lệ Mai cho con chăm lo, không được sai sót chút gì có biết không?
Yến Thanh nheo mắt cười như muốn nói "Điều đó mà mẹ còn phải dặn con sao?" Nhưng rồi anh cũng ngoan ngoãn gật đầu rồi quay sang nhìn Lệ Mai, mỉm cười chào. Lệ Mai cũng nở một nụ cười dịu dàng đáp lại. Đôi bạn thân xưa nay vốn không cần phải dùng nhiều lời để hiểu nhau, nên giờ đây chỉ cần một ánh mắt nhìn nhau, họ đã có thể cảm nhận được người kia xúc động thế nào trong ngày đoàn tụ.
Sau bữa cơm chiều, mọi người ngồi quây quần bên bàn trà. Yến Hoa nhanh nhẩu khơi lại chuyện:
- Đại ca, huynh kể cho muội nghe đi. Số tiền mười lạng bạc đó, huynh tiêu trong bao nhiêu ngày?
Yến Thanh nheo mắt cười hỏi:
- Vì sao muội lại quá quan tâm đến điều đó vậy?
- Vì muội muốn biết những điều dự đoán của mẹ có đúng không.
Yến Thanh ghé tai Yến Hoa, giọng nhỏ đi:
- Mẹ đã dự đoán như thế nào? Kể cho huynh nghe được không?
- Huynh nói đi, rồi muội sẽ cho huynh biết mẹ đã dự đoán thế nào. Số tiền 10 lạng bạc đó huynh đã tiêu trong mấy ngày?
- Chỉ trong ngày đầu tiên, huynh đã tiêu trọn một nửa số tiền đó.
- Có phải huynh đã thuê một phòng trọ sang trọng, gọi những món ăn mà huynh vẫn thường ăn trong cung?
- Phải. Mẹ cũng đã suy đoán như vậy sao?
Yến Hoa gật đầu cười:
- Ngày cha bắt huynh phải rời nhà tự lập nghiệp mà chỉ được cầm 10 lạng bạc, khi huynh đi rồi cha còn hối là đã để huynh cầm quá ít tiền. Muội thì lo lắng không yên. Chỉ có mẹ là bình tĩnh, còn ngăn không cho muội đuổi theo huynh để đưa thêm tiền. Mẹ còn đoán là trong ngày đầu tiên, thế nào huynh cũng sẽ tiêu mất đi một phần lớn số tiền đó. Nhưng cũng chỉ sau một ngày đó, huynh sẽ biết phải sống như thế nào để thích ứng với hoàn cảnh mới mà không cần phải quay về xin thêm tiền.
Yến Thanh nhìn mẹ với ánh mắt đầy cảm phục và cảm kích. Đoạn anh khẽ gật đầu:
- Quả là trong ngày đầu tiên, con đã theo thói quen vốn có trong cung mà không cần biết sẽ tiêu tốn thế nào. Trong đầu con lúc đó không thể ước lượng nổi một căn phòng trọ đẹp đẽ, những món ăn mà con thường hay ăn đáng giá bao nhiêu tiền. Cho đến khi chủ quán tính tiền, con chợt nhận ra cuộc sống của con đã thay đổi. Con đã toan quay về nhà, xin lại cha số vốn lập thân đó để bắt đầu lại. Nhưng rồi con nghĩ, cho dù cha có đồng ý thì rồi con cũng sẽ lại vấp phải những bất ngờ mới nếu con không chịu tìm hiểu xung quanh mình. Bởi vậy, ngày hôm sau, con trả phòng rồi bắt đầu đi lang thang vào chợ, nghe ngóng mọi người mua bán. Con đã nhận ra được một điều, số tiền năm lạng bạc còn lại, đối với một số người như con lúc đó thì chỉ đủ sống thêm được một ngày. Nhưng đối với nhiều người lại có thể sống được trong một tháng. Nếu con chịu thay đổi cách sống của mình thì con cũng có thể sống thêm được một tháng nữa, đủ thời gian để có thể tìm được cách kiếm thêm tiền.
- Thế rồi huynh có tìm được cách kiếm tiền không? Yến Hoa hỏi ngay khi Yến Thanh ngừng lại. Yến Thanh mỉm cười nói:
- Mọi sự đã không lạc quan như huynh nghĩ. Suốt mấy ngày liền, huynh đi mỏi chân mà không thể kiếm được một công việc. Không những vậy, trong lúc đang đi tìm việc, huynh gặp một đứa trẻ còn rất nhỏ tuổi mà đã mồ côi. Cha nó vừa mất và nó không có đủ tiền để chôn cất cha mình, càng không có tiền lộ phí để tìm đến nhà họ hàng.
- Có phải huynh đã cho nó tất cả số tiền của mình không?
Yến Thanh gật đầu trả lời em gái:
- Huynh có giữ lại chút bạc lẻ. Huynh có sức khoẻ, có thể lao động kiếm tiền. Còn đứa trẻ thì quá nhỏ, không có người bao bọc, nó sẽ chẳng thể làm được gì.
- Con làm thế là đúng lắm. - Yến Minh Quân lên tiếng - Cha biết trước kia con vẫn hay bố thí cho kẻ nghèo, nhưng điều đáng quý là ngay trong lúc mình gặp khó khăn, vẫn đủ rộng lòng để nghĩ đến người khác. Cha rất mừng là con đã làm được điều đó.
Yến Thanh khẽ cúi đầu đón nhận lời khen của cha, rồi anh tiếp tục kể:
- Không xin được việc làm, đồng bạc cuối cùng cũng đã tiêu hết. Phải nhịn đói mấy ngày liền, con đã lả đi trước cửa một căn nhà nhỏ trong một đêm mưa tuyết. Chủ của ngôi nhà đó là một người thiếu phụ sống với hai đứa con nhỏ. Nhà họ không có giường, chỉ có một chiếc chiếu chỉ đủ cho ba người nằm. Thấy con lả đi ngoài cửa, người lạnh cóng, chị ấy đã nhường cho con nằm chiếc chiếu đó cùng với hai đứa nhỏ, còn bản thân chị ấy nằm đất ở phòng ngoài.
- Giữa mùa đông lạnh lẽo, Yến Minh Quân nói, một người thiếu phụ yếu đuối lại sẵn sàng nhường chỗ ngủ cho một thanh niên không quen biết, thật là một hành động hào hiệp.
- Vâng. Khi đó, con có một ý nghĩ rằng phải tìm được việc làm càng sớm càng tốt để có thể kiếm đủ tiền mua tặng họ một chiếc giường. May mắn là hôm sau, con đã tìm được việc làm.
-Huynh làm gì vậy? Yến Hoa tò mò hỏi. Yến Thanh mỉm cười đáp lại:
- Muội thử đoán xem, huynh làm nghề gì?
Yến Hoa chau mày tỏ vẻ nghĩ ngợi:
- Ở ngoài dân gian thì có thể làm được nghề gì nhỉ? Muội chưa từng ra ngoài bao giờ, không đoán được. Ca mau nói đi!
- Huynh phải làm đầy tớ cho một phú ông. Ban ngày thì chăn ngựa, tối thì đi xách nước. Mỗi ngày chỉ được hai chiếc bánh mì và hai bát súp loãng, tối phải ngủ trong một chiếc lều cạnh chuồng ngựa, còn tiền công thì rất rẻ mạt. Huynh phải làm việc đến tận nửa đêm, tờ mờ sáng đã phải dậy.
- Huynh đã phải vất vả đến nhường vậy sao? Yến Hoa thốt lên, giọng đầy tình thương anh. Yến Thanh khẽ vỗ vai em mình cảm kích rồi quay sang cha mẹ kể tiếp:
- Con ki cóp tiền trong nửa năm mới đủ để mua một chiếc giường rất bình thường. Nhìn thấy chiếc giường đó, ba mẹ con họ đã mừng đến nỗi không nói được câu nào. Khi đó con nhớ lại ngày bé con được nằm trên giường cao đệm ấm mà thấy thấm thía câu "Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra". Có những kẻ sống thừa thãi quá đáng, có những người thì chỉ một chiếc giường bình thường đã là cả một gia tài với họ.
- Con đã nhận ra được điều bất công đó, cha rất mừng. Năm xưa đế cơ vì sống cô đơn trong cung lạnh nên đã coi con như con đẻ. Tấm lòng của đế cơ, Yến phủ phải khắc nghĩa ghi ơn. Nhưng việc đế cơ nuông chiều con quá đáng, đó là một điều có hại cho con. Vì vậy mà cha đã buộc phải để con ra đi tự lập thân, cốt để con thấu hiểu được thế thái nhân tình và thấy được rằng cuộc đời không bằng phẳng chút nào. Có như vậy, sau này con mới sống có ích được. Giờ thì con hiểu ý cha rồi chứ?
- Thưa cha, con đã hiểu. Những năm tháng bôn ba trong thiên hạ, con đã thấy được rất nhiều điều. Con còn thấy nhiều người rất nghèo, ăn không đủ hai bữa, nhưng khi gặp con hoạn nạn, họ vẫn hết lòng cưu mang con, mỗi người bớt chút cơm của mình để con được no bụng. Vậy mà sau này, khi con kiếm được tiền, đem bạc biếu họ thì họ lại kiên quyết không nhận.
- Vậy là huynh vẫn còn nợ họ. Yến Hoa nói. Yến Thanh lắc đầu:
- Cổ nhân có câu: "Không khi nào trả xong nợ với những kẻ đã giúp ta, vì ta không nợ tiền bạc, ta còn nợ ân nghĩa". Cho dù họ có nhận bạc của huynh đi nữa, cũng không thể nói được là huynh không còn nợ nần gì họ.
- Thanh nhi nói đúng. Những ngày qua, con đã nợ người trong thiên hạ quá nhiều ân nghĩa. Ân nghĩa đó được tạo dựng từ tình người. Con người sẽ chỉ thành người thật sự khi biết lấy lòng nhân ái làm lẽ sống cho mình, sống cuộc đời có ân có nghĩa.
- Dạ! Ba người thanh niên ngoan ngoãn gật đầu. Yến Minh Quân nhấp một ngụm trà rồi nói tiếp:
- Xưa nay, các con vẫn được dạy phải đặt trung, hiếu, nhân, nghĩa làm đầu. Xét cho cùng, cội nguồn của bốn chữ đó chỉ từ hai chữ Nhân Tình mà ra. Nhân Tình mới chính là đại nghĩa ở trên đời. Trung, hiếu có thể tùy thời đại mà thay đổi, nhưng Nhân Tình thì vĩnh viễn không đổi. Một người sống tốt không phải là một trung thần hiếu tử mà phải là người biết phân biệt đúng sai, sống có tình nghĩa, biết chia sẻ với niềm vui, nỗi bất hạnh của con người. Làm được như vậy, đầu óc các con sẽ luôn sáng suốt trước mọi sự lựa chọn. Tâm hồn các con sẽ trong sạch, thanh thản.
Lời nói của Yến Minh Quân như dòng phù sa thấm sâu, bồi đắp cho lòng đất. Để rồi từ đất đó, nảy lên những chồi xanh đang dần dần vươn lên tìm ý nghĩa của cuộc đời mình. Suốt cuộc đời, Yến Thanh và Lệ Mai đã cố gắng làm theo đúng lời ông dặn. Nhưng họ không thể ngờ được rằng, để giữ được hai chữ Nhân Tình tròn vẹn trong lòng, họ đã phải trải qua bao hy sinh mất mát, bao nỗi đau tử biệt sinh ly. Những giọt nước mắt đã phải nhỏ xuống để cho tình người toả sáng.

<< Phần mở đầu (b) | Phần mở đầu (d) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 590

Return to top