Tối thứ bảy khi giắt bức thư vào hàng rào xong, Trương đi xa xa đứng đợi. Thấy thấp thoáng bóng Thu xuống vườn lấy thư chàng đi ngay, chàng không muốn rán lại để gặp Thu vì không muốn làm Thu lo sợ vô ích. Lỡ Thu vì thế mà từ chối không nhận lời ngày mai. Trương cũng hơi cảm động thấy Thu ngoan ngoãn xuống vườn nhận thư; chàng mỉm cười:
Không nhận cũng không xong. Bức thư cứ để đấy ai biết được sẽ rầy rà cho Thu, vả lại Thu lại xuống vì sợ mình ném gạch vào cửa sổ như thứ bảy trước càng rầy rà hơn.
Tối hôm sau đứng chín giờ Trương trở lại.
Chàng đứng ở xa nhìn qua lá cây thấy cửa buồng Thu một bên khép cánh một bên mở.
Thu nhận lời.
Chàng khoan khoái thấy việc đã thành công nhưng sao chàng lại lo sợ đến thế. Quả tim chàng đập mạnh một cách dữ dội. Chàng bước đi lảo đảo như một người sắp sửa lên máy chém.
Có gì mà mình nhát gan thế này?
Trương nắm hai tay lại thật nhanh cố lấy dáng mạnh bạo. Như cái máy, chàng thuê xe lên ngồi bảo kéo về phố Hàng Đào. Hàng phố đã vắng người khiến Trương thấy việc mua dao của mình hơi khác thường một chút. Sau cùng chàng ngừng lại trước cửa hiệu nhỏ trong chỉ có một người đàn bà khách già ngồi bán hàng. Trương bước vào ngắm nghía những con dao díp đặt ở góc tủ:
Thím cho tôi mua con dao này. Phải. Con dao lớn nhất ấy. Bao nhiêu?
Chàng mở dao ra sờ nhẹ vào lưỡi dao ướm thử xem sắt nhục thế nào, nắm chắc cán dao trong lòng bàn tay:
Vừa vặn.
Chàng thoáng nghĩ đến "lúc đó" và cúi mặt, nhắm mắt lại, chàng gập con dao bỏ vào túi rồi lấy ví trả tiền không muốn mặc cả lôi thôi. Ra đến ngoài, Trương nhẹ nhõm như làm xong một việc khó nhọc lắm.
Giờ thì chàng chỉ còn một việc đợi, chàng thấy trước là mấy ngày đợi sẽ dài ghê gớm. Chiều thứ ba Trương lên vườn Bách thú chơi. Tự nhiên chàng thấy nẩy ra cái ý thích đi thăm lại lần cuối cùng những con vật nó đã giúp vui cho chàng hồi chàng mới lên học Hà Nội. Chàng lựa đường để đi cho khắp. Ở chuồng hươu vẫn còn hai con sếu và đàn hươu non lông vàng nhạt ở trên đầu mới nhu nhú hai cái nhung bóng loáng và mọng lên như một mầm cây chứa đầy nhựa. Một cặp nhân tình đứng gần đấy, cả hai người đều có vẻ ngượng ngùng, vừa nhìn đàn hươu vừa nói chuyện. Trương mỉm cười:
Họ có vẻ để ý đến hươu hơn là để ý với nhau, hình như họ "có vẻ" thế.
Trương nghiệm rằng các cặp nhân tình hay chọn chuồng hươu để tình tự; có lẽ tại ở đây rộng chỗ, họ nói chuyện tự do mà vẫn có vẻ như những người đi xem hươu.
Đến chuồng hổ, Trương thất vọng khôngh thấy con hổ lớn của chàng độ trước nữa, chuồng báo cũng bỏ không.
Chắc chúng nó đã chết rồi.
Thấy người gác, chàng hỏi thăm về chúng nó và chăm chú nghe hơi chạnh buồn như khi nhge tin một người lạ nói chuyện về một người bạn cũ mất lúc nào không hay.
Trương đi vòng một lượt không bỏ sót một con nào và đã bắt đầu mỏi chân. Khi đã tới đường nhựa, Trương thấy một đám ma ở phía trên đi tới. Chàng ngừng lại, đứng đợi, thấy hay hay vì chàng nghĩ đến lúc được nhìn những thiếu nữ mặc tang phục trắng đi sau lýnh cữa. Trương nhớ lại hom gặp Thu lần đầu và hai con mắt của Thu to và đen sáng lóng lánh ẩn trong khung vải trắng. Trong đám người mặc tang phục, Trương thoáng nhận thấy có người quen nhưng không nhớ là ai. Bỗng Trương chớp mắt cố nhìn vào trong bọn người đi đưa; Trương tưởng mình nằm mơ và thoáng trong một lúc chỉ mấy giây đồng hồ chàng thấy có cảm tưởng mình đã chết rồi; chàng chết nằm trong quan và sau áo quan các bạn cũ của mình đương đi kia: Điệp, Linh, Mỹ, Hợp, Cổn, lại cả Minh nữa, Vĩnh, Trực và tất cả các bạn học cũ ở trường luật.
Chàng thấy Cổn lấy ngón tay trỏ làm hiệu gọi, liền đi lách qua mấy người lạ, đến sát bên cạnh Cổn.
Tay này láu đấy. Chúng tôi đi từ trong nhà ra lội quá.
Trương mỉm cười gật làm như Cổn đã đoán ý định của mình.
Ngõ ấy bao giờ cũng lội.
Chàng tự hỏi:
Không biết đám ma ai? Anh nào quen mình mà ở phía này?
Chàng bối rối vô cùng và bất giác đưa mắt nhìn chiếc áo quan làm như có thể nhìn áo quan mà biết được ai nằm trong đó. Chàng hỏi Cổn:
Thật ra nó chết bệnh gì?
Hỏi xong chàng lấy tay bịt miệng lo sợ. Gọi là "nó" ngộ lỡ ông cụ nào hay bà cụ nào mất thì khốn. Cổn thản nhiên đáp:
Ho lao. Mày không biết gì à?
Biết lắm chứ, nhưng nó còn chán thứ bệnh khác.
Lần này Trương quả quyết dùng chữ nó. Cổn nói:
Ô, thôi. Nó thì trăm thứ bệnh.
Trương mỉm cười tự cho mình ở địa vị một nhà trinh thám đứng trước một sự bí mật cần phải khám phá.
Mình phải dựa vào một vài điều đã biết: có thể nói là nó được vì chắc chắn là một người bạn của mình, một người chết vì ho lao, lại có đủ trăm thứ bệnh… Thế là mình rồi còn gì? Hay là đám ma mình thật, chính mình nằm trong áo quan.
Trương chỉ muốn cất tiếng cười thật to; chàng đưa mắt nhìn quanh tìm Quang.
Quang đâu?
Cổn ngơ ngác nhìn Trương. Trương hiểu và bật miệng nói:
Quang à?
Thế là từ lúc nãy mày không biết ai à? Thế tại sao…
Trương vội vàng nói chữa:
Đùa chơi đấy vì tao vẫn không tin được là nó chết. Đáng lẽ tao chết mới phải.
Trương nóng bừng hai tai, chàng thấy ngượng với Cổn: Không cái gì bắt buộc cả sao chàng dối trá như thế. Bây giờ dầu nói chữa thế nào thì nói, dẫu cho Cổn có tin là chàng nói đùa đi nữa, Trương vẫn không mất được cái hổ thẹn mình nhận thấy rõ mình là một người xấu, đã quên với sự dối trá, gian giảo. Trương nghĩ đến bức thư xảo quyệt, nghĩ đến việc dự định lừa Thu sắp thi hành lừa một cách vô cùng bất nhân; đã đành chàng tự tử nhưng đó không phải là một cớ để cho cái tội kia nhẹ đi.
Trương tự hỏi:
Có nên nữa không?
Chàng vừa bước đều đều theo mọi người vừa suy nghĩ, cố tưởng tượng ra trước cuộc đi chơi với Thu hôm thứ tư. Trương không thấy hứng thú gì lắm. Chàng cho xong ngay đi để khỏi băn khoăn mãi; Trương nghĩ lại mới thấy tình chàng yêu Thu không có một lý lẽ sâu xa, một căn bản gì Chắc chắn cả. Chỉ là một ảo tưởng gây ra bởi một vài sự rủi ro; lần đầu trông thấy Thu là hôm Thu có một vẻ đẹp não nùng trong bộ quần áo tang, giữa lúc chàng đang mắc bệnh lao có nguy cơ đến tính mạng; Thu lại có một vẻ đẹp giống Liên, người mà trước kia chàng đã yêu. Giá nếu gặp Thu trong một lúc khác, và nếu có thể yêu Thu một cách bình thường như yêu những người khác, không kính trọng Thu quá như thế, có lẽ chàng sẽ không phải chịu bao nhiêu đau khổ bấy lâu.
Nghĩ đến mấy lần gặp Thu, đến bức thư rủ Thu đi chơi núi. Trương nhận thấy hiện nay tình yêu đã hết và bao nhiêu hành vi của mình chỉ bị xui giục bởi vì ý muốn rất tầm thường: mong được thỏa nguyện về vật dục để thôi không nghĩ đến Thu nữa, có thể thoát được một cái nợ chỉ làm chàng bứt rứt.
Đám tang đã tới huyệt, Trương cố ý lánh xa chỗ Hợp và Mỹ. Trong lúc rộn rịp tiếng phu kêu hò hạ áo quan xuống huyệt lẫn với tiếng người than khóc, Trương đứng chăm chú nhìn Mỹ cũng có một vẽ kiêu hãnh như nét mặt Thu. Trương tự kiêu rằng từ độ ấy đến nay chàng đã làm cho cô thiếu nữ kiêu hãnh phải để ý đến chàng và yêu chàng đến nỗi nhận lời đi với chàng, mặc dầu chàng là một người vừa mới ở tù ra. Nhưng chàng vẫn thấy không có gì vui thú lắm như chàng vẫn thường tưởng tượng bấy lâu. Nếu Thu từ chối, có lẽ chàng sẽ tức lắm và tức ấy có thể xui chàng giết Thu và tự giết mình dễ như không, mặc dầu chàng không yêu Thu nữa. Nhưng thu lại nhận lời. Nghĩ đến việc đánh lừa Thu rồi tự tử, Trương chợt lặnh người đi một lúc: sao chàng lại cứ tự dối mình làm gì mãi thế? Luôn luôn nghĩ đến việc tự tử nhưng trong thân tâm Trương biết thừa rằng chàng sẽ không tự tử.
Ngay từ lúc đi mua con dao, chàng đã biết là không dùng đến con dao rồi, đó chỉ là một cớ để che đậy một việc chàng biết là khốn nạn, chàng không thích làm nữa nhưng vẫn cứ làm cho xong đi cho khỏi bị ám ảnh khó chịu.
Lúc trở về, trời đã sẩm tối. Hai bên đường đã lác đác có một vài nhà lên đèn. Những người thợ ở Hà Nội đi ngược lai phía chàng, yên lặng trong bóng tối buổi chiều, người nào cũng mệt mỏi và trên nét mặt họ, Trương nhận rõ tất cả cái chán nản của một đời làm lụng vất vả, không có vui thú gì. Trương nghĩ đến những cái vui của đời chàng và thấy cũng có nghĩa lý gì cả; còn gì đâu đến giờ, cái sung sướng bàng hoàng được cầm lấy tay Thu, lần đầu tiên được hôn Thu hôm đi chơi chùa thầy. Giờ chỉ còn cái hương vị gay gắt của một tình yêu ngang trái, một tình yêu gần giống như một mối thù. Trương nhìn ra xa, ở tận chân trời, chen giữa hai lũy tre làng rộ ra một mẩu đê cao với một chòm cây đứng trơ vơ, cô đơn. Trương dùi lòng lại, tha thiết cần có một thứ gì để an ủi mình, một thứ gì để an ủi mình, một thứ gì rất êm dịu… Cái chết! Trương lim dim hai mắt nhìn quãng đê vắng tanh tưởng như con đường đưa người ta đến một sự xa xôi và yên tĩnh lắm. Ngay lúc đó Trương thấy không cần phải có can đảm mới tự tử được; chàng không sợ cái chết nữa, chàng mong nó đến. Trương đoán rằng những người tự tử chắc lúc sắp chết đã có cái tâm hồn chàng khi đó.
Trương bước vào một cửa hàng xén gần đấy:
Bà cụ bán cho tôi một bao thuốc giấy xanh và một bao diêm.
Chàng lắng tai nghe tiếng mình nói và lấy làm lạ rằng một câu nói tầm thường ấy cũng khiến chàng chú ý như một câu nói rất quan trọng trong đời. Cả đến những cử chỉ rất nhỏ nhặt lúc đó như cho tay vào túi lấy tiền, lỡ lấy bao thuốc của bà cụ bàn hàng chàng cũng thấy có vẻ đặc biệt như đánh dấu một thời khắc đáng ghi nhớ. Chàng mỉm cười ngẫm nghĩ:
Phải rồi. Tại lúc nãy mình Chắc chắn rằng mình sẽ tự tử chết.
Trương trù trừ đứng lại, chú ý nhìn gian hàng nhỏ với cái thứ lặt vặt bày hỗn độn chung quanh bà cụ, dưới ánh ngọn đèn treo. Chàng có cái cảm tưởng rằng khi chết đi ở thế giới bên kia, thứ mà chàng còn nhớ lại rõ nhất là mấy quả trứng gà vỏ hung hung đỏ và bóng loáng đặt nằm có vẻ rất êm ái trong một cái quả đầy trấu: cạnh quả để trứng, mấy bó rễ hương bài thốt gợi chàng nghĩ đến bà ký Tân, một người cô của chàng chết đã lâu rồi; chàng nhớ đến rõ ràng một buổi chiều hè, bà ký ngồi gội đầu ở sân, bên cạnh có đặt một nồi nước đầy rễ hương bài. Cái cảnh cỏn con ấy, xảy ra đã gần hai mươi năm trước, chàng không hè chú ý tới, không hề nhớ đến một lần nào cả, không hiểu tại sao lúc này lại hiện ra đột ngột và rõ ràng như thấy trước mắt.
Trương đánh diêm thuốc lá; qua làn khói thuốc chàng để mắt đến một cái lịch có chua ngày ta treo ở góc nhà. Chàng ngờ ngợ nhớ ra điều gì, hỏi bà cụ bán hàng:
Hôm nay mồng mấy cụ nhỉ?
Hôm nay mồng sáu.
Thế thì ngày kia mồng tám cụ nhỉ?
Bà cụ cười:
Hôm nay mồng sáu, ngày kia không mồng tám thì mồng mấy.
Trương cũng cười theo. Chàng đột nhiên thấy sung sướng niềm nở chào bà cụ hàng rồi quay ra.
Giản dị như không! Thế mà cứ loay hoay mãi.
Nhìn lịch chàng nhớ ngày mồng tám là ngày giỗ mẹ chàng. Cái ý tưởng về quê để giỗ mẹ và về quê để được gặp Nhan một cách rất tự nhiên, cũng hiện đến trí chàng trong một lúc. Yù tưởng đó không có gì mới lạ cả, sao lại khiến chàng lại sung sướng đến thế. Chàng như thấy một cơn gió nhẹ nhàng thổi ùa vào trong tâm hồn. Chàng ngẩng nhìn về phía con đường đê lúc nãy nhưng trời đã tối không nom rồi. Chàng cần một thứ rất êm dịu để an ủi lòng mình, thứ đó tấm tình yêu của Nhan, người vẫn dịu dàng yêu chàng và đợi chàng ở thôn quê xa xôi và yên tĩnh. Chốn đó, nơi mà chàng tưởng sẽ quên được hết, mà chàng vừa khao khát khi nhìn con đê lúc nãy, chốn đó không phải là cõi chết ở thế giới bên kia, mà chính là nơi Nhan đang đợi chàng. Sau cuộc tình duyên oái oăm giữa chàng với Thu, tấm ái tình bình tĩnh và đơn giản của Nhan an ủi chàng như một lời nói dịu ngọt; chàng không phài băn khoăn nghĩ ngợi xem có nên đi chơi núi với Thu nữa không; chàng không phải khó nhọc mới rứt bỏ một ý tưởng đánh lừa Thu để báo thù, để thỏa được cái thú làm cho mình xấu xa hèn mạt hơn lên.Sự tình cờ đã khiến ngày giỗ lại trúng vào ngày rủ Thu đi chơi; nhờ có ngày giỗ chàng có thể về thăm Nhan rất tự nhiên, chàng lại có thể về nhà Nhan lấy cớ không dám về nhà ông chú sau việc thụt két ở Hải Phòng.
Trương rẽ vào một hiệu cao lâu gần đấy, ăn qua loa cho đỡ đói rồi rút bút chì viết mấy dòng cho Thu:
Em Thu,
Cảm ơn em đã đến. Biết em đến thế là đủ cho anh sung sướng rồi. Xin em quên anh đi, anh, một người không xứng đáng được em yêu, từ nay anh không bao giờ anh dám làm bận đến em nữa. Lúc em nhận được thư này thì anh đã đi xa rồi.
Trương.
Trương gấp thư lại, hai con mắt mơ màng, có dáng nghĩ ngợi. Chàng nhếch mép mỉm cười; chỉ cho chàng mới chỉ ở trong ý nghĩ thôi8, trong bao lâu thực ra đối với Thu chàng chưa hề tỏ một hành vi nào đốn mạt cả. Cứ xét bề ngoài có phần Thu lại cho chàng là một người quân tử, cao thương nữa.
Trương trả tiền ăn rồi rảo bước, mong chóng tới nhà để sửa soạn.
Mai ta đi sớm. Ta cho thằng nhỏ bên cạnh mấy hào để nó đợi đưa giấy cho Thu.
Chàng cố tưởng tượng ra lúc Thu nhận thư ở tay thằng nhỏ:
Chắc Thu sung sướng được thoát nợ… Hay là mình ở rán lại nấp trong nhà để nhìn trộm mặt Thu lúc đó xem sao.
Trương mỉm cười nhận thấy mình nóng ruột về nhà để sửa soạn là vô lý:
Mình có đồ đạc quái gì đâu mà sửa soạn.
Trương gọi xe đáng lẽ về nhà chàng lại bảo kéo đến phố Thu ở. Chàng xuống xe để đi bộ ngang qua nhà Thu; thấy cửa sổ nhà Thu không có ánh đèn. Chàng đoán Thu đi vắng và tức Thu sao lúc đó lại không có ở nhà để chàng được gặp. Nhưng đến khi đ ngang hàng rào sắt, chàng chậm bước lại hồi hợp vì nghe có tiếng Thu ở trong vườn cười nô đùa lẫn với tiếng trẻ con:
Rung giăng rung giẻ đắt trẻ đi chơi, đến ngõ nhà trời…
Chàng đánh diêm hút thuốc lá để lấy cớ ngừng lại và để Thu chú ý đến; chàng quay nhìn vào vườn nhưng mắt bị chói ánh lửa diêm không trông rõ gì cả. Tiếng Thu đang nói giữa câu bỗng ngừng bặt:
Trương biết Thu đã để ý đến mình. Chàng thấy lạ lắm; lúc đó chàng hồi hộp hơn cả lúc ngỏ tình yêu lần đầu với Thu; chàng thấy lúc đó giống như lúc ở ấp đưa bức thư cho Thu rồi khi đi chơi về, hai người cách nhau bức vách cùng đương lặng nghe nhau.
VI
Trương đứng trên bờ đợi người phu xe đẩy xe lên. Cái cảnh ấy gợi chàng nghĩ đến hồi còn đi học được ghé thăm quê và cái sung sướng của chàng mỗi lần qua bến đò sắp về tới nhà. Bà cụ bán hàng nước thấy chàng cất tiếng hỏi:
Lần này lâu mới thấy cậu về chơi nhà.
Chàng mỉm cười đáp:
Lâu nay bận lắm. Cụ có chè nóng cho một bát. Nước chè hàng cọ vẫn ngon như ngày trước đấy chứ?
Chàng không thích uống nước chè tươi lắm nhưng lúc này chàng muốn uống thử một bát, cho đó là một cái thú quê mùa mộc mạc hợp với cuộc sống chàng định sống ngày nay. Chàng cầm bát nước uống thong thả, đương uống chàng ngừng lại để ý tới cái vẻ êm lặng của mặt nước sông. Thu và cuộc đời rối rắm của chàng trước kia chàng thấy xa xôi không có gì liên lạc với chàng nữa. Chàng thấy lòng chàng cũng yên lặng như mặt sông và bao nhiêu những tội lỗi xấu xa của đời cũ như đã gột sạch hết. Trương hoài nghi ngẫm nghĩ:
Một người như mình có thể còn được hưởng sự sung sướng nữa không.
Dẫu sao, một nỗi vui rất nhẹ đương âm thầm trong lòng chàng mà nỗi vui ấy không phải có vì sắp được nhìn thấy mặt Nhan, nỗi vui ấy tự nhiên đến, không có một duyên cớ gì rõ rệt. Bất giác chàng hơi lo sợ nghĩ đến những cái vui đột ngột vô cớ hồi chưa khỏi bệnh lao. Nhưng chàng lại vững tâm ngay nhớ đến câu khôi hài chàng nói với Chuyên khi Chuyên báo tin vết thương trong phổi của chàng đã thành sẹo, nhiều hứa hẹn và như thế ngay trong lúc gia sản chàng đã hết sạch và chàng đã chán chường hết cả mọi thứ.
Xe tới cổng nhà bà Thiêm thì trời bắt đầu ngả về chiều: chàng nhìn qua giậu xương rồng và hơi thất vọng rằng Nhan lúc đó không có ngay ở sân để tỏ vui mừng khi thấy chàng về. Khi ngồi lên xe chàng ao ước được như thế để có cái cảm tưởng rõ rệt rằng từ trước đến nay Nhan vẫn chờ đợi chàng.
Bà Thiêm chạy ra có vẻ hơi ngạc nhiên, Trương nhận thấy ngay nên vội nói:
Cháu về vì ngày mai là ngày giỗ mẹ cháu.
Chàng đưa mắt tìm xem Nhan có ở trong nhà không, và lo sợ ngẫm nghĩ:
Hay là Nhan đã đi lấy chồng rồi mà mình không biết.
Chàng không dám hỏi về Nhan, nói qua cho bà Thiêm biết vì cớ gì chàng không muốn về nhà ông chú nữa; chàng vừa đáp chuyện bà Thiêm vừa đưa mắt nhìn xem có dấu hiệu gì tỏ rõ rằng Nhan còn ở nhà không.
Anh đã ăn cơm chưa để bảo em nó làm cơm?
Chàng vui mừng đáp:
Chưa ạ.
Chàng mỉm cười nghĩ nếu lúc đó bà Thiêm báo tin Nhan đã báo tin Nhan đã đi lấy chồng, chắc chàng cũng sẽ vui mừng như vậy.
Làm vẻ thân, chàng cất tiếng hỏi to:
Cô Nhan đâu không ra làm cơm, có quý khách.
Em nó ra sau vườn tưới rau.
Chàng đứng lên lấy cớ muốn ra xem vườn rau để gặp Nhan.
Cô Nhan đương làm gì đấy?
Nhan quay qua nhìn mẹ rồi qua Trương, khẽ nói:
Anh về.
Vâng, tôi về.
Chàng không để ý đến câu hỏi thản nhiên của Nhan, điều cốt yếu là nhìn lại Nhan; sau một năm trời cách biệt, chàng thấy Nhan vẫn đẹp như ngày trước.
Nhan lại cúi xuống tưới rau. Trương sung sướng nhận thấy hai tay Nhan hơi run run khi nhấc gáo nước lên, và chàng mỉm cười khi thấy Nhan cứ cầm gáo tưới mãi vào một luống rau cải mới reo đã ướt sũng nước. Bà Thiêm hơi ngượng thấy con gái mình hững hờ với Trương, một ân nhân mà bà quý trọng.
Để đấy vào làm cơm cho anh xơi đã.
Nhan bỏ gáo và đứng thẳng lên. Lúc đó nàng mới nhìn Trương lâu, mỉm cười và thở dài một cái, nói chữa thẹn:
Gớm mỏi cả lưng… Anh về bao giờ?
Tôi vừa về xong. Độ này cô được mạnh.
Nàng mỉm cười giọng đùa:
Nhờ trời cũng khơ khớ.
Nàng mím môi quay mặt ra phía hàng rào như gặp một điều gì cần phải suy nghĩ. Trương thấy cả người nàng đều tỏ rõ nỗi vui sướng được trông thấy chàng về. Nhan nói lẩm bẩm một mình:
Phải đấy… Anh có thích ăn mướp xào không? Mướp hương, thơm lắm, kia còn mấy quả cuối mùa, đủ anh ăn.
Nhưng phải để tôi tự hái lấy ăn mới ngon.
Chàng đi ra phía giàn mướp, đứng lại nói to:
Tôi chẳng nhìn thấy quả nào cả.
Nhan chạy lại. Nàng hiểu ngay ý Trương định nói chuuyện riêng với nàng không cho bà Thiêm biết vì Trương đứng ngay trước mấy quả mướp, chỉ còn việc giơ tay ra hái.
Trương thấy bà Thiêm đã trở vào trong nhà; chàng vừa ngắt quả mướp vừa nói:
Lần này anh về hẳn với em.
Chàng đưa mắt nhìn Nhan, thấy Nhan vẫn yên lặng. Nhan có vẻ thẹn, còn chàng, chàng không ngượng ngập gì cả, có lẽ vì Nhan là người con gái chàng được hôn một lần rồi. Chàng không có cái cảm động bàng hoàng như khi được thấy đứng gần Thu; cái cảm giác của chàng lúc đó là cái cảm giác đầy đủ và bình tĩnh của một người chồng đứng gần một người vợ mới cưới lúc nào cũng saÜn sàng làm chồng vui lòng.
Chàng đi ra phía sau giàn mướp chỗ khuất để định hôn Nhan ngay lúc đó, nhưng chàng còn e làm Nhan sợ hãi quá. Chàng khẽ nói:
Nhớ em quá… Tối hôm nay, được không? Anh muốn gặp em, đúng nửa đêm, em ra vườn.
Đợi một lúc lâu không thấy Nhan nói gì, chàng nhắc lại:
Được không?
Nhan khẽ gật đầu ngoan ngoãn. Tự nhiên Trương nắm lấy tay Nhan, rồi kéo Nhan về phía mình. Nhan ngã người theo đà tay của Trương, yên lặng như bị thôi miên.
Trương nhìn thẳng vào hai mắt Nhan; chàng lắng tai nghe tiêng nhái kêu ran ở ngoài lũy tre và nhớ đêm hôm về ấp với Thu nửa đêm sực thức dậy nhìn bàn tay Thu qua khe vách. Một nỗi nhớ tiếc xa xôi cùng đến với tiếng nhái kêu trong buổi chiều.
Chàng khẽ đẩy Nhan ra, mỉm cười, cố lấy giọng ngọt ngào:
Hay thôi vậy. Để thong thả. Lỡ ai biết thì nguy.
Chàng sợ không dám vướng víu với Nhan vội. Chàng biết là chưa quên được Thu và chưa có cớ ngăn cấm chàng lại về với Thu.
Ít nữa, nếu mình đột nhiên trở về chắc Thu mừng rỡ lắm.
Lòng tự ái của chàng, vẫn cho là Thu còn yêu chàng, và tình yêu của một người như Thu, chàng thấy quý giá hơn là tình yêu dễ dãi và bình thường của Nhan. Bức thư sau cùng đã tỏ rõ với Thu rằng chàng cao thượng và nếu đã có bức thư ấy rồi mà chàng còn cứ cố tìm gặp Thu, như thế lại càng tỏ ra rằng chàng đã yêu Thu quá lắm, không thể vì một lẽ gì mà quyết định xa Thu mãi được. Chàng thầm nhủ:
Anh không đời nào quên được Thu.
Nhan mở to mắt nhìn Trương không hiểu vì cớ gì chàng đổi ý, nhưng nàng mừng rỡ thấy chính Trương đã ngỏ lời thôi một cuộc gặp gỡ nàng cho là rất nguy hiểm nhưng lúc nãy cứ phải vâng lời để khỏi làm mếch lòng Trương, nàng nói:
Thôi đi vào, anh.
Trương nắm mạnh lấy hai tay Nhan, mắt Nhan lúc đó chàng nhìn lại thấy đẹp khác thường; chàng cố dìu lòng để cho vẻ đẹp của hai con mắt Nhan quyến rũ chàng, làm chàng mê đắm và nói với Nhan âu yếm:
Em không biết anh yêu em đến bực nào.
Chàng đợi Nhan, tha thiết mong Nhan nói lại với chàng một lời tình tứ. Nhưng Nhan chỉ yên lặng, mím môi, mặt cúi nhìn xuống đất-Hai người đứng yên một lúc rồi không biết nói câu gì nữa cùng bước trở về nhà.
Khi đi ngang qua một chỗ khuất sau bức tường, Trương thấy Nhan chậm bước lại đi sát vào người chàng. Trương hồi hộp vì cái thú chờ đợi, dò đoán một cử chỉ có lẽ rất ý nhị của Nhan. Nhưng chàng thất vọng vì Nhan chỉ nói:
Để em làm cơm thật ngon cho anh xơi. Anh mới đi về chắc vừa mệt vừa đói.
Nói xong, Nhan nhìn Trương, mỉm cười; nàng sung sướng có cái cảm tưởng như được săn sóc âu yếm đến một người chồng.