Ngô vương Phù Sai ngồi một mình trên đài Hướng Dương, nhìn hành lang dài rộng, nhìn cỏ xanh mướt ngoài hành lang, nhìn bồ câu trắng quần bay trên cỏ.
Gió xuân phe phẩy, cỏ xuân thoang thoảng hương nồng.
Nhà vua ngẩng lên nhìn, hắt hơi. Hình cọp kề bên như cười ngạo nhà vua.
Ngô vương dang rộng hai tay, bảo:
- Lại đây!
Hai tên nội thị từ cửa trong bước ra bị Ngô vương bắt dừng lại. Họ bàng hoàng, lấm lét đứng bên cửa.
Ngô vương nói thêm:
- Các ngươi nhớ, không ai được phép đặt chân lên hành lang. Ngoài Tây Thi, kể từ nay không ai được phép bước lên hành lang.
- Tâu vâng.
Nội thị đứng nghiêm, chờ dặn dò thêm.
- Các ngươi mau đi xem, tại sao nàng còn chưa tới?
Nội thị vâng dạ, vội vã quay mình đi. Độ một khắc sau, đại phu Vương Tôn Lạc cưỡi ngựa đến. Ngô vương hứng khởi đứng lên hỏi:
- Sao? Nàng đến rồi à?
Vương Tôn Lạc đứng trên bậc thềm đáp:
- Tâu, sẽ đến bây giờ.
- Khanh không tiết lộ gì chứ?
- Muôn tâu, thần không dám tiết lộ.
- Được rồi, khanh đi đón nàng, hễ nàng đến thì gõ lên ba tiếng (Ngô vương cao giọng nói với thị nữ bên trong) Chuẩn bị! Hễ nghe tiếng báo hiệu thì tấu nhạc.
Bên trong có tiếng so dây đàn vọng ra.
Ngô vương xoa cằm, ý nhị nhìn qua bàn tiệc, uống một hớp rượu rồi để ly xuống. Chỉ cần có chút rượu, nhà vua cảm thấy thỏa mãn.
Xa xa, có tiếng bánh xe lăn. Chẳng bao lâu, có tiếng kiểng ngoài hoàng môn gõ. Liền đó, tiếng nhạc bên phòng trong trỗi vang.
- Tây Thi đến rồi! Nàng... - Ngô vương sung sướng lẩm bẩm, cầm cây thước ngọc đợi chờ.
Chẳng bao lâu, Tây Thi bước lên thềm, tha thướt bước lên sàn gỗ hành lang. Ngô vương cầm thước ngọc gõ vang một tiếng, nhạc trong phòng ngưng bặt.
Vừa bước vào hành lang, Tây Thi giật nẩy. Đồng thời, nàng chợt nhìn thấy Ngô vương, hân hoan gọi:
- Phù Sai!
Vừa nói, nàng vừa bước tới, phát hiện ngay sự kỳ dị của hành lang dài. Sàn gỗ dưới chân nàng dường như chuyển động. Đồng thời, từ mỗi bước chân nàng đều phát ra một tiếng nhạc. Tiếng nhạc trong vắt, âm vang dường như lắng đọng, cũng lại dường như xa vắng không sao sờ mó được.
Bước không được mười bước, Tây Thi bị tiếng đàn kỳ lạ ấy làm cho sững sờ, đứng lại.
Ngô vương nở cười hiền hòa, nhìn nàng, không nói gì.
- Phù Sai, thế này là...
Tây Thi thở hơi gấp rút, hỏi giọng bất an. Nhưng không được trả lời, nàng bàng hoàng nhìn quanh. Bốn bên vắng lặng như tờ khiến nàng cảm thấy bối rối, chân tay luống cuống. Nàng ngập ngừng, bước tới.
Tiếng nhạc bí mật lại vang lên. Nàng bước nhanh, tiếng nhạc trỗi theo dồn dập.
Tây Thi bước đến bên Ngô vương, thở hổn hển ngã ập vào ngài.
- Phù Sai, chuyện gì đây?
- Ha ha... nàng là người thông minh nhưng vừa rồi đã bị trẫm làm cho ngớ ngẩn!
- Thiếp không thông minh, so với Quân vương thiếp đần độn lắm! Quân vương, hãy nói cho thiếp biết, chuyện gì đây?
- Chuyện này nói ra dài lắm.
Ngô vương không chịu tiết lộ. Ngài đặt Tây Thi ngồi xuống bên mình đoạn gõ nhẹ thước ngọc.
Tiếng nhạc đâu đây như ngọn sóng dâng trào. Kế đến, cửa bên mặt của hành lang dài mở ra, tám vũ nữ mặc áo đỏ xuất hiện. Ở mút đầu bên trái lại có mười vũ nữ mặc áo xanh. Khi hai đoàn vũ nữ đến giữa hành lang thì tiếng nhạc im bặt.
Thanh âm bí mật lại vang động. Tây Thi nhìn theo bước chân của các vũ nữ, khá lâu sau mới vỗ mạnh vai Ngô vương hỏi:
- Phù Sai, nhất định ở sàn gỗ có điều kỳ quái, phải không?
- Đúng vậy.
Phù Sai đưa tay ngăn các vũ nữ, đoạn hân hoan rót rượu đưa đến tận môi Tây Thi.
- Nàng vẫn là người thông minh!
- Nhưng ngài đừng có bày đặt ỡm ờ có được không? Thiếp có nhiều việc muốn hỏi quân vương đó! (Tây Thi lắc mạnh nhà vua). Như hành lang này có sàn gỗ kỳ quái, như hành cung này tên “Quán Oa cung” là tại sao? Quán Oa cung khởi công xây cất từ bao giờ? Tại sao thiếp không hay biết gì hết?
- Đừng nóng!
Ngô vương cố ý chậm rãi:
- Để thư thả rồi trẫm sẽ nói cho khanh nghe từng việc một. (Nhà vua ngừng lại một lúc). Tây Thi, nàng còn nhớ một đêm nào cách đây nửa năm không? Trẫm bảo là sẽ xây một cung riêng cho nàng, cung này đây “Oa” của Quán Oa là nàng. Người Cô Tô gọi con gái là “Oa”.
- Ô, quân vương tốt quá, tốt quá!
Tây Thi mừng thật sự, đấm hai tay thùm thụp vào ngực nhà vua:
- Một lời nói quả đã thành sự thật rồi!
- Trẫm làm sao dối gạt nàng cho được - (Ngô vương kề hôn má nàng) - Nếu nàng thích, trẫm có thể cho nàng cả nước Ngô.
Tây Thi ranh mãnh nhận liền:
- Tự nhiên, nước Ngô là của thiếp đấy! - Quân vương là vua nước Ngô mà quân vương là của thiếp!
- Đúng vậy. (Ngô vương lại hôn nàng). Tây Thi, nàng có thích Quán Oa cung chăng?
- Hãy nói cho thiếp nghe trước về sự lạ lùng của nền sàn kia.
- Đó là kiệt tác của thợ nước Lỗ đấy.
Ngô vương đắc ý hớp một hớp rượu, tiếp:
- Dưới nền có gắn những miếng đồng mỏng bẻ uốn. Chân người bước lên, miếng đồng sẽ bị đè thụng xuống. Người vừa rút chân đi qua, miếng đồng với tính co giãn sẽ bắn lên.
- Thế thì từ đâu phát ra thanh âm?
- Phía dưới sàn nền có khảm vô số miếng đồng mỏng, phía dưới nữa lại đặt chôn nhiều thứ chum, vò, lu, mái. Mỗi khi miếng đồng bị đè nhún xuống sẽ chạm vào các vật chôn giấu bên dưới để phát ra thanh âm. Do tính chất dày mỏng, dài ngắn của miếng đồng mà phát ra những thanh điệu khác nhau. Và cũng tùy theo bước chân nặng nhẹ mà tạo nên khúc nhạc. Trẫm đặt tên cho hành lang này là “Hưởng Lý Lang”.(1)
- Quân vương! Có phải chưa bao giờ có Hưởng Lý Lang?
- Phải. Bởi cũng chưa bao giờ có người như nàng!
Tây Thi nở cười tươi tắn như ráng mây. Cách kiến trúc Hưởng Lý Lang trong toàn bộ kiến trúc Quán Oa cung làm cho nàng cảm động. Có thể thấy được tình cảm của Ngô vương trong công trình kiến trúc này.
Trong giây phút đó, nàng nghĩ đến đi yêu và được yêu. Không nghi ngờ gì nữa, nàng đã được yêu rồi. Nhưng nàng không quyền yêu lại. Trong phạm vi tình yêu, nàng thấy xốn xang.
Đôi mắt tuyệt vời của nàng bỗng nhiên ươn ướt lệ, lệ nóng trào ra, rồi lệ nóng chảy dài theo hai góc mắt.
Ngô vương ngạc nhiên kêu lên:
- Tây Thi!
Cố sức ngăn ngọn sóng trào lòng. Tây Thi nở nụ cười:
- Quân vương, thiếp muốn khóc!
- Vì sao?
- Thiếp cũng không biết nữa. Có lẽ là do quá sung sướng, quá hạnh phúc đó.
- Hạnh phúc có thể làm cho con người chảy nước mắt?
- Đương nhiên có thể.
Tây Thi đáp rất nhỏ. Để ngăn nước mắt, để che giấu tâm sự riêng tư, Tây Thi cố trấn tĩnh, tiếp:
- Bởi vì có tưởng tượng thiếp cũng không ngờ đến.
Ngô vương nâng cằm nàng:
- Không ngờ hạnh phúc thế này?
- Dạ. Lúc rời nước Việt, lòng thiếp vẫn luôn phập phồng lo sợ, nghĩ rằng thân phận của chị em thiếp là thân phận tù nhân trong cung của đại vương. Làm gì thiếp dám nghĩ đến hạnh phúc? Hơn nữa, thiếp nghĩ rằng đại vương tốt đối với thiếp chỉ vì thiếp đang thời trẻ.
- Tây Thi! Trẫm yêu con người của nàng, lẽ dĩ nhiên, đẹp và trẻ đã hấp dẫn trẫm nhiều nhất. Nhưng bây giờ thì không phải chỉ có tình xuân và nét đẹp.
Ngô vương hôn tóc nàng, nói giọng chí thành:
- Bây giờ, trẫm và nàng là một.
- Nói như thế... đại vương lại bị thiếp nhốt rồi!
Ngô vương cười theo nụ cười kỳ bí của nàng hỏi lại:
- Còn nàng?
- Thiếp vốn đã là tù nhân cung Ngô.
- Trẫm không thích nghe khanh nói thế.
Ngô vương đổi cách xưng hô, cũng là đổi từ quan niệm xem các cô gái Việt như trò chơi, giờ xem Tây Thi mặc nhiên như hoàng hậu.
Nàng bá cổ nhà vua:
- Vậy muốn thiếp phải nói cách nào đây? Thú thật, ngay lần đầu tiên bắt gặp đại vương, nhìn thấy đôi mắt anh tuấn của đại vương, thiếp đã động lòng rồi. Nhưng, đại vương ơi, thiếp ái ngại vì thiếp không là người Ngô...
Tây Thi dụi đầu vào ngực nhà vua, tỏ ra xúc động mãnh liệt:
- Sau khi gần gũi đại vương, Phù Sai, sau đó...
Cách lặp lại và bỏ lửng ấy làm cho Ngô vương không sao ngăn được ôm chầm lấy Tây Thi.
- Tây Thi! Trẫm muốn xem nàng như thần thánh để được cung phụng.
- Thiếp chỉ muốn là một con người kề cận bên đại vương thôi chứ không phải thần.
Ngô vương bồng xốc Tây Thi, bước trên Hưởng Lý Lang, đi lần vào phòng ngủ.
Chuyện xảy ra vào lúc Ngô quốc thịnh vượng và vang danh nhất. Trong những năm tháng huy hoàng ấy, tại Quán Oa cung, Ngô vương và Tây Thi tách rời chính sự, hưởng thụ niềm hoan lạc của tuổi thanh xuân.
Niềm hoan lạc ấy làm cho Tây Thi cởi mở hơn nhiều. Nàng như một đóa hoa được dời trồng sang đất lạ, lại là đất thích hợp nên tươi tắn vô cùng.
Niềm hoan lạc ấy cũng làm nàng thay đổi quan niệm. Sứ mạng của quốc gia giao phó, tình yêu năm cũ đã bị lãng quên. Trong Quán Oa cung, nàng như một đóa hoa mới, không biết gió mưa, không biết ưu sầu.
Mỗi ngày, từ sáng đến tối, Ngô vương và Tây Thi chung cùng trong Quán Oa cung, Phù Sai như quên hẳn mình là vua của một nước Ngô bao la. Chỉ một Quán Oa cung đã làm cho nhà vua thỏa mãn.
Sáng tinh sương, cả hai vẫn còn nằm dài trên giường. Cửa sổ được mở ra để cho cả hai nhìn thấy ánh mặt trời rơi vàng trên thảm cỏ xanh. Tây Thi thủ thỉ về những ngày thơ ấu cho Ngô vương nghe... Toàn là những chuyện thường thôi, song từ cửa miệng nàng nói ra, Ngô vương nghe rất thích thú.
Nhắc đến “chuyện đời xưa” trong khi thật sự không bao giờ nhắc hết chuyện đời xưa, hoặc Tây Thi uốn lưng, hoặc Ngô vương có thói quen nói:
- Tây Thi, dậy đi thôi, mặt trời lên cao quá rồi!
Tây Thi phát lười, gần như không có sáng nào nàng muốn rời giường. Nên khi Ngô vương thúc giục, nàng thường có lời yêu cầu:
- Cho thiếp nằm thêm lúc nữa đã “bạn vàng”, cho thiếp lăn thêm đôi vòng.
Chưa bao giờ Ngô vương nghịch ý Tây Thi.
Tây Thi còn ôm ghì đôi chân nhà vua:
- Dễ chịu ghê! Tốt nhất là nằm hoài không dậy. (Nàng lim dim mắt, vươn tay vươn chân). Phù Sai, đáng tiếc ngài là quân vương, không thể như thiếp.
- Chúng ta như nhau mà.
- Thật không? Ngài đã bỏ qua nhiều công vụ.
Tây Thi bỗng trở giọng đứng đắn:
- Chúng ta ở Quán Oa cung đã một tháng rồi.
- Một tháng à?
Ngô vương quên bẵng thời gian. Những ngày hạnh phúc dường như trôi bay bên họ, vụt qua họ ngày này rồi ngày khác.
- Quân vương, thế này là không được. Quân vương còn bao nhiêu việc.
Nhà vua thành thật:
- Không có việc nào quan trọng bằng khanh.
- Thiếp đã là của quân vương rồi.
Tây Thi ôn nhu nói tiếp:
- Phù Sai, thiếp không muốn rời quân vương một khắc. Nhưng thiếp lại không muốn quân vương bỏ phế chính sự. Một tháng rồi... Quần thần có thể nghị luận về thiếp.
- Không ngại. Quân quốc đại sự, trẫm đã giao phó cho Ngũ Tử Tư. Tướng phụ cứ thay mặt ta mà quyết định và hành động lấy. Tướng phụ tin cậy được lắm!
- Nhưng nước Ngô là của quân vương đó! Phù Sai, từ nay về sau, thiếp quy định sẽ trả tự do cho quân vương buổi sáng, được không?
Ngô vương cười:
- Buổi sáng? Bây giờ trả tự do chưa?
- Bây giờ? - Tây Thi càng ghì chặt đôi chân nhà vua - Không! Hôm nay không cho đi được, ngày mai mới bắt đầu!
Sau mấy cái ngày mai rồi...
Buổi sáng ngọt ngào, Tây Thi đã trở giấc song còn quyến luyến, không muốn rời giường. Nàng ôm gối nằm một mình, nhìn bầy chim sẻ tung tăng trên cỏ.
Di Quang sẽ lén đến bên giường, nói nhỏ:
- Tây Thi, Trịnh Đán có tin, mong được gặp chị. Yêu cầu lần này nữa là lần thứ hai...
- Ơ ờ... (Tây Thi bò dậy). Hình như bữa kia bữa kìa gì đó, chị ấy có nhờ người đến, chị ấy bệnh phải không?
Di Quang dàu dàu:
- Phải, chị bị bệnh lâu rồi.
Tây Thi cúi gầm, nghĩ ngợi một lúc, đoạn hỏi:
- Đại vương đang ở đâu?
- Đang cùng Ngũ Tử Tư, Bá Hi và một số trọng thần duyệt binh.
- A... (Tây Thi đứng lên), để tôi đến Cô Tô đài thăm chị ấy.
Trước bàn trang điểm, Tây Thi nhìn vào gương đồng, bắt gặp mình xanh xao, lòng nàng chợt buồn man mác. Nàng nghĩ đến người bệnh, thui thủi nằm một mình, không một người thân ắt không làm sao chịu đựng cho nổi.
- Tây Thi!
Di Quang bậm gan, gọi lên hai tiếng rồi ngậm liền miệng lại.
Tây Thi nhìn bạn trong gương đồng, một gương mặt nghiêm lạnh. Nàng ngạc nhiên quay hỏi:
- Chị muốn nói gì?
Di Quang cố ý tránh né:
- Không có gì. Chị đi thăm Trịnh Đán là phải.
Tây Thi bắt gặp ánh mắt Di Quang loang loáng, hơn nữa, không phải chỉ một lần. Kể từ lúc đến Quán Oa cung, Tây Thi nhận ra Di Quang và Triền Ba thay đổi thái độ với nàng, không còn thân thiết như trước kia nữa. Trước kia, nàng say sưa trong hạnh phúc, không có ngày giờ han hỏi. Nhưng bây giờ, nàng phải hỏi cho ra lẽ.
- Di Quang, tại sao các chị lại làm mặt lạ với mình?
- Đâu có!
Di Quang cười nụ rất khó trông, Tây Thi dàu dàu nhìn bạn, ái ngại nói nhỏ:
- Mình không hiểu, giữa chị em mình có trở ngại gì?
- Đâu có. Sao lại có cách ngăn được chứ?
Tây Thi không hỏi nữa. Nhưng lúc đến Cô Tô đài thăm Trịnh Đán, nàng nhận ra không chỉ có sự ngăn cách với Di Quang và Triền Ba mà với ngay Trịnh Đán cũng có sự lợt lạt như vậy.
Trịnh Đán ốm đau, gương mặt võ vàng, không thấy có chút huyết sắc nào. Dường như trông gặp Tây Thi lâu lắm, song khi gặp gỡ, gương mặt Trịnh Đán vẫn nghiêm lạnh vô cùng. Nàng nói giọng thều thào:
- Tây Thi, thật khó được chị rảnh ra mà đến đây?
Tây Thi ứa nước mắt:
- Thật em không hay chị bệnh thế này... Có thái y đến xem bệnh cho chị chưa?
- Tôi không cần thầy đâu. (Trịnh Đán cố nhếch cười). Tôi chỉ nghĩ đến việc gặp chị...
Hơi thở mệt nhọc, nói được mấy câu, Trịnh Đán phải ngừng lại thở dốc. Ngưng một lúc, nàng mới nói thêm được:
- Tây Thi, chúng ta từ Hội Kê đến đây...
- Phải.
Tây Thi kéo dài âm điệu, chờ Trịnh Đán nói tiếp. Trịnh Đán hít một hơi dài, dường như gom hết tàn lực, nói:
- Tây Thi! Bằng vào tình hình mấy lúc gần đây, chị em cảm thấy như chị đã quên Hội Kê rồi.
- Chị!
- Chị em mong chị vẫn là Tây Thi của Hội Kê... Chứ không phải Tây Thi của Quán Oa cung!
Tây Thi từ kinh sợ đến run rẩy.
Trịnh Đán dịu dàng chỉ trích, tuy vẫn còn cách xa sự thật song quả tình Tây Thi nhận thấy nàng có mê luyến Quán Oa cung. Nàng cúi gầm, không biết đáp sao cho phải.
Giọng nói của Trịnh Đán càng lúc càng thấp nhỏ:
- Thời gian còn lại của mình chẳng bao nhiêu... Giá tôi có thể sống thêm thì đối với quốc gia chúng ta cũng không ích lợi. Duy có chị... Tây Thi!... (Trịnh Đán mở to mắt), chỉ có chị mới làm được.
Vẫn không biết phải đáp sao, Tây Thi đứng lặng.
Đã tập trung hết nguyên khí lần sau cùng, tinh lực của Trịnh Đán tan nhanh trông thấy. Bấy giờ, một thị nữ người Việt đem vào một ly nước trái cây kê sát miệng Trịnh Đán để cho nàng uống vài hớp.
Tuy đứng lặng, trong mắt Tây Thi đã ngập nước mắt.
Di Quang bước vào, kéo Tây Thi ra ngoài.
- Hãy để Trịnh Đán nghỉ ngơi một chút!
Tây Thi hỏi giọng nặng nề:
- Có phải vì thế này mà chị em xa mình?
Di Quang trịnh trọng gật đầu. Tây Thi thở dài, nói giọng buồn thương:
- Tây Thi có thể làm gì tuy vẫn không quên mình từ Hội Kê đến?
- Tây Thi, chị em nhận thấy, quyền lực của chị lớn hơn Ngũ Tử Tư rồi! Hơn tháng nay, Ngũ Tử Tư thay mặt Ngô vương giải quyết tất cả công việc, đứng về phương diện quốc gia chúng ta mà nói thì điều ấy không tốt.
- Ngô vương và Ngũ Tử Tư có mối tình nghĩa sinh tử...
Tây Thi khổ sở nói thêm:
- Mình có quyền gì làm cho Ngô vương xa Ngũ Tử Tư? Chị em không phải không biết điều đó.
- Nhưng chị không thể không nỗ lực về phương diện đó.
Cách chỉ trích ấy không làm cho Tây Thi khâm phục. Nhưng nàng không muốn tranh luận. Lúc ở Hội Kê, Phạm Lãi từng nói với nàng: Khi đã có sự hiểu lầm thì đính chính cũng bằng thừa. Chưa bao giờ có ai đính chính mà rửa được hiểu lầm.
Hình ảnh Phạm Lãi mấy lúc gần đây đã nhạt nhòa trong nàng. Song từng lời nói của chàng, Tây Thi đều nhớ rõ.
Sau lúc im lặng, Di Quang nói thêm:
- Tiết Dung đã đến Cô Tô và đã gặp chị Trịnh Đán một lần. Tiết Dung rất muốn gặp chị.
- Tiết Dung? Người đến với danh nghĩa sứ thần nước Việt.
- Không như vậy được! Bởi đến với tư cách sứ thần thì chị đã biết rồi!
Di Quang nói giọng châm chọc khiến Tây Thi muốn khóc.
- Di Quang đừng nói vậy có phải tốt hơn không? Hãy xem mình là người nhà, sự thật thì Tây Thi vẫn là Tây Thi ở Hội Kê.
- Đại phu Tiết Dung đã cải trang thành lái buôn đến Cô Tô. Người đến gặp Trịnh Đán với tư cách y sinh, lại còn mượn danh nghĩa của chị mới lên đài Cô Tô được đó.
- Ô, đã thế sao không nói cho mình biết sớm?
- Tôi phải nghĩ đến sự an toàn của đại phu Tiết Dung. Lẽ tự nhiên, chính yếu vẫn là vì Hội Kê.
Tây Thi buồn bã:
- Chị em không còn tín nhiệm Tây Thi nên mới xử sự như vậy ư?
- Tây Thi! Chị không thể trách chị em như vậy. Bởi bên Ngô vương chị tỏ ra thích thú quá!
- Nếu Ngô vương đối với mình như đối với Trịnh Đán thì chị em vẫn cứ phê bình mình như vậy.
Tây Thi chau mày:
- Còn Tiết Dung? Bao giờ mình có thể gặp người?
Di Quang không trả lời, lách sang bên vẫy tay.
Sau bình phong, Tiết Dung ăn mặc như thầy thuốc bước ra, mỉm cười chào Tây Thi, nói nhỏ:
- Hèn lâu mới gặp.
Bao nhiêu ý nghĩ dâng trào, Tây Thi vừa vui vừa buồn, buột miệng hỏi liền:
- Phạm đại phu thế nào?
Tiết Dung đưa mắt cho Di Quang, đợi Di Quang đi khuất mới đáp:
- Ngày đêm, Phạm đại phu tưởng nhớ Tây Thi. (Ngừng lại một thoáng, Tiết Dung trở giọng nghiêm). Người bảo tôi mang tin đến cho Tây Thi, cái ngày ấy càng lúc càng gần rồi.
Tim đập mạnh, Tây Thi thở hơi gấp rút.
- Văn đại phu cũng bảo tôi nói lại, Tây Thi nên tận dụng hết cách giết cho được Ngũ Tử Tư. Mất Ngũ Tử Tư, nước Ngô sẽ suy yếu nhanh chóng. Bấy giờ chúng ta sẽ cử binh sang.
- Tạm thời, chưa có cách nào giết Ngũ Tử Tư được. Ngoại trừ có biến cố làm thay đổi quan hệ giữa Phù Sai và Ngũ Tử Tư. Bằng không thì địa vị của Ngũ Tử Tư khó thể lung lay.
- Tây Thi không thể?...
- Tôi không thể! (Tây Thi trịnh trọng). Nếu động đến Ngũ Tử Tư bây giờ, phần thất bại sẽ thuộc về tôi.
- Nhưng quốc gia chúng ta đòi hỏi vậy.
Trầm ngâm lúc lâu, Tây Thi nghiêm giọng đáp:
- Tôi hứa hết sức cố gắng.
Dường như hài lòng câu nói ấy, Tiết Dung tiếp:
- Phạm đại phu hỏi thăm nàng. Thủy chung, người không thay đổi.
Nghe nói đến người yêu, Tây Thi không sao ngăn được xúc động:
- Sức khỏe của Thiếu Bá thế nào? Người có còn bận rộn như trước không?
- Vẫn bận ghê gớm nhưng Phạm đại phu vẫn cường tráng. Người bảo: “Chỉ cần Tây Thi giữ gìn được sức khỏe!”.
Tiết Dung mỉm cười:
- Phạm đại phu hy vọng Tây Thi vì người mà bảo trọng.
- Vâng, vâng...
Tây Thi lại xúc động, đáp liền miệng. Tiết Dung ngưng cười:
- Tây Thi! Tình hình nước ta rất sáng sủa. Trai cày, gái dệt, mọi người đều quần quật làm việc. Mọi người đều nhớ mối sỉ nhục Hội Kê. Trong những ngày tang tóc ấy, quân nước Ngô đã giở trò tàn bạo, dâm ô, cướp giật.
- Tiết đại phu! Thiếp...
Tây Thi rít răng:
- Nhưng trước người Ngô, thiếp chỉ có cách làm ra một cô gái không linh hồn mới an toàn được. Mong tất cả hãy thông cảm với thiếp.
- Tất nhiên. Trong mỗi ngời Việt chúng ta đều chảy chung một dòng máu, mục đích của từng người cũng chỉ có một. Tây Thi thế nào cũng được, chỉ cần hướng về một mục đích ấy.
Tiết Dung vòng tay:
- Tây Thi, gặp được nàng rồi, ta phải đi. Đêm nay, ta sẽ nghĩ cách xuất thành. Nàng có lời gì cần ta mang về không?
- Thiếp... nhờ đại phu chuyển lời với Phạm Thiếu Bá, thiếp đợi chàng.
Đại phu nước Việt chống gậy thầy thuốc, thư thả xuống lầu.
Phần Tây Thi sau một giờ đau khổ, nàng lấy lại tinh thần. Tình cảm mới không nhẹ tuy không có cách nào thay thế tình cảm cũ. Ngược lại, tình cảm cũ cũng không cách nào ngăn đè được tình cảm mới. Sự mâu thuẫn của tình yêu làm chao đảo lòng nàng. Sứ mạng đối với quốc gia cũng khiến nàng nghĩ ngợi lung tung, không có cách nào trấn định.
Tây Thi lại bước vào phòng Trịnh Đán.
Trịnh Đán nằm dài, dán mắt thất thần nhìn lên trần nhà, dường như không hay biết có Tây Thi bước đến bên nàng. Khá lâu sau, mặt nàng bỗng răn rúm lại:
- Tây Thi, mình không sao bằng chị!
Thế này là ganh tỵ! Trịnh Đán vì chuyện Tây Thi được sủng ái mà thương tâm!
Tây Thi khổ sở, cúi mình, nói nhỏ vào tai Trịnh Đán:
- Trịnh Đán, chúng ta cùng chung sứ mạng.
- Phải. Nhưng mình thất bại rồi.
Trịnh Đán đảo mắt long lanh rồi từ từ nhắm lại:
- Mình thất bại một cách hết sức buồn cười, hết sức nhục nhã.
Trịnh Đán nhếch nụ cười buồn. Tây Thi hết chịu đựng nổi từ từ lui ra khỏi phòng, nàng hoang mang bước lên thềm đá, bước lên tầng cao nhất Cô Tô đài.
Một ngày trong vắt, đẹp trời. Trên mặt Thái Hồ gờn gợn một làn hơi nước mỏng.
Tây Thi nghĩ đến sông Tiền Đường, thôn Phương Tụy, núi Hội Kê...
Từ đó bóng hình Phạm Lãi khi ẩn khi hiện trong ảo giác của nàng. Nàng nhớ lần thứ nhất được chàng ôm choàng, lần thứ nhất được chàng hôn...
Rồi cũng từ đó, nàng nghĩ đến đêm đầu tiên sống với Ngô vương. So với Phạm Lãi, Ngô vương có chỗ khác hơn. Phù Sai dường như mạnh hơn, song Phạm Lãi lại cho nàng cảm giác thật mới mẻ.
Nhớ mãi, nhớ mãi dần dần Tây Thi cảm thấy ghét mình. Đối với ái tình, nàng không hoàn toàn trong sạch.
Dần dần nàng ghét cả sứ mạng chính nàng nhận lãnh. Chẳng quang vinh gì, nhục nhã vô cùng khi phải dùng tình yêu làm vũ khí chống đối kẻ thù.
Hướng về Thái Hồ, Tây Thi lẩm bẩm:
- Đã vậy, Trịnh Đán hãy còn ganh ghét mình nữa.
Đang lúc nàng trầm tư có tiếng kiểng báo hiệu.
Ngô vương lên đài với tinh thần sung túc, cười giòn hỏi:
- Sao khanh lại đến Cô Tô đài một mình?
Nàng liếc qua nhà vua... Hùng tráng đó, nhu hòa đó, thẳng thắn đó. Ôi, một người đàn ông đáng yêu!
- Tây Thi! Sao khanh lại nhìn trẫm chầm chập?
- Thiếp đang nghĩ đến mối liên hệ giữa ngài và Cô Tô đài.
Cố ngăn sự bối rối trong lòng, Tây Thi nói thêm:
- Thiếp nhớ lời quân vương nói: Quán Oa cung như thiếp, Cô Tô đài như quân vương. Thiếp đến đây, luôn nghĩ về điều đó.
- Ha ha ha... Khanh thật giỏi nhớ. Trẫm hỏi khanh, Cô Tô đài với trẫm liên hệ ra sao?
Tây Thi nói giọng đứng đắn:
- Liên hệ ra sao à? Đồng một khí thế! Thiếp thích Cô Tô đài!
Nhà vua đỡ lấy tay nàng:
- Nói như thế có nghĩa là khanh yêu trẫm?
***
Đêm nay cả hai ở lại Cô Tô. Nhưng vào khuya vắng lặng tiếng người, bao nhiêu ý nghĩ lại dâng tràn trong óc Tây Thi. Ngô vương bên nàng đang cất tiếng ngáy đều. Nhưng Tây Thi thì không bình an như vậy. Câu chuyện ban ngày rần rật như một đôi ngựa phi khua động trí óc nàng. Nghĩ ngợi lung tung, nàng cảm thấy nhức đầu.
Tây Thi sẽ lén ngồi dậy, xem đồng hồ nước(2) nhỏ từng giọt một. Số cát trong đồng hồ còn lại khoảng một phần ba, có nghĩa là đã quá nửa đêm, không bao lâu nữa trời sẽ sáng.
Tây Thi tự hỏi:
- Còn ta, bao giờ mới sáng?
Nàng đến bên cửa sổ, vén màn cửa.
Trăng tàn đã ngả về tây, đêm mênh mông, thanh tịch và hiền hòa.
Cảnh vật đáng yêu, ánh trăng đã giúp đuổi xua những ý nghĩ trong nàng. Nàng thoăn thoắt bước trở lại giường, lắc gọi Ngô vương...
- Quân vương, ánh trăng quá đẹp. Ngài dậy mà xem.
Nhà vua phát mấy tiếng đáp ư ử đoạn trở mình, ngáy lại.
- Thật là tham ngủ.
Tây Thi nói nhỏ, đứng trước giường một lúc rồi quay mình đi lấy áo choàng thêm. Nàng đẩy cửa, bước ra dương đài.
Trời mù sương. Tây Thi để chân trần bước đi trên nền đất lành lạnh. Nàng thích chút lạnh mát ấy, thư thả bước đến lan can.
Thành Cô Tô trùm phủ một màu đen. Chỉ có bên giáo trường có hai ngọn đèn lắc lư theo gió. Nàng biết, ở về phía ấy có chuồng ngựa mà ngày nào vợ chồng Việt vương và Phạm Lãi đã sống qua.
Ánh mắt nàng lại đưa về hướng Quán Oa cung. Không có ánh đèn nào, nàng không trông thấy gì cả.
Bấy giờ chợt có tiếng bước chân từ bên trái đưa đến. Tiếng bước chân nghe được càng lúc càng gần, thì ra là Triền Ba.
Đợi bạn đến gần, Tây Thi mới hỏi nhỏ:
- Khuya khoắt thế này sao chị còn chưa ngủ?
Triền Ba hạ thấp giọng:
- Trịnh Đán chết rồi!
- Hả? - Tây Thi chấn động hỏi dồn - Chết cách nào?
- Có lẽ chị ấy nuốt một số kim khí.
- Trời ơi, tội gì lại làm như vậy?
Chuyện hãi kinh ấy chợt làm cho Tây Thi cảm thấy hổ thẹn và đau khổ. Người co rút, hai tay ôm lấy ngực, nàng suýt ngất đi.
Triền Ba hoảng hồn gọi:
- Tây Thi!
Tựa lan can một lúc lâu, Tây Thi mới thở được, thều thào:
- Trịnh Đán chưa đầy hai mươi tuổi...
Một cảm giác lạ lùng chợt nẩy, Tây Thi nín lặng lúc lâu, nhớ đến lời Trịnh Đán đã nói với nàng ban ngày nên hỏi:
- Triền Ba, Trịnh Đán hận mình lắm phải không?
Triền Ba kéo dài câu đáp:
- Chắc không có đâu.
Lại nhói đau, Tây Thi không ngăn được tiếng rên khẽ.
Nơi thành Cô Tô đã có còi báo hiệu sáng. Tuy trời chưa sáng hẳn, binh sĩ nước Ngô bắt đầu cuộc sống một ngày.
Tiếng còi báo hiệu vang rền. Sau vài tiếng ngân là một hồi ngân vang, loáng đưa và mất hút.
Tây Thi với tình yêu, suy tư và sầu muộn dường như bị tiếng còi báo thức xô đẩy. Trong giây phút ấy, dường như bao nhiêu màu sắc hỗn loạn nhảy múa trước mắt nàng.
Tiếng còi báo thức lần thứ hai lại như cuốn quét mây đen đầy trời. Bao nhiêu mây sầu tản mác. Tây Thi đứng tựa lan can, nhìn sững đăm đăm nhưng tự nàng thì không thấy gì cả.
Triền Ba càng khiếp đảm:
- Tây Thi! Chị vào đi!
Tây Thi vẫn đứng lặng, không một phản ứng.
- Tây Thi, có thể Ngô vương thức rồi.
- Mặc người! (Tây Thi hằm hằm). Mình chịu không nổi...
Thần sắc của Tây Thi làm cho Triền Ba phát sợ. Trịnh Đán tự tử là một điều ngoài ý muốn. Nếu bây giờ, nhân lúc bị xúc động, Tây Thi từ trên lầu cao trăm thước nhảy xuống thì kế hoạch dùng mỹ nhân của nước Việt kể như tan tành.
Thật thì, lúc bấy giờ, linh hồn và thân xác của Tây Thi như trống không. Tiết Dung dặn dò, Trịnh Đán ganh tỵ, Phạm Lãi đợi chờ, Ngô vương mê luyến đều vời vợi mông lung, đều trống không, đều xa vắng cả. Tất cả không hơn những vì sao đêm bị mờ dần trong buổi hừng sáng. Nàng nghĩ: Tất cả không liên quan gì đến ta. Ta không có gì tất cả. Quốc gia, con người, so với đất trời mới nhỏ nhoi làm sao!...
Sương sớm bình minh loãng tan dần. Từ trên đài cao nhìn xuống nàng thấy buổi sáng trình diện một màu trắng, dịu dàng, trắng muốt.
------------
(1) Hành lang phát ra âm hưởng theo bước giày. Cách kiến trúc này có lẽ giống với cách kiến trúc dương cầm sau này.
(2) Vào thời Đông Châu chưa có phát minh đồng hồ như ngày nay. Để định lượng thời gian, người ta dùng đồng làm thành hồ lô đựng cát và nước. Đục lỗ cho nước rơi từng giọt, tùy hồ lô lớn nhỏ mà định mức hết một bình nước là mấy giờ. Đồng hồ chúng ta dùng ngày nay rút từ sự việc này.